Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

CUỘC SỐNG VỐN DĨ ĐÃ KHÓ, HIỂU ĐƯỢC CUỘC SỐNG LẠI CÀNG KHÓ HƠN







Cuộc sống có một số sự việc, đã biết là không có kết quả, nhưng lại vẫn không thể dứt khoát; có một vài tình cảm, đã biết là không có duyên phận, nhưng lại vẫn cứ dính mắc không thể buông bỏ được. Hiểu được cuộc sống này thật chẳng hề dễ dàng!

Trong sinh mệnh, có lẽ có một loại tình cảm mà điều được quan tâm vốn không phải là kết quả; có lẽ, trong tâm hồn có một loại ủi an mà điều khao khát chính là quá trình.
Chúng ta thường xem nặng vào kết quả, mà không để mắt đến quá trình, mỗi lần hân hoan với kết quả, lại lãng quên thực tiễn đã trải nghiệm qua.
Cuộc sống chính là một quá trình, đau khổ qua đi, ngọt ngào qua đi, tình yêu qua đi, oán hận qua đi, thật ra, cũng là kết quả.
Có những niềm vui, người khác chưa hẳn đã có thể lý giải; có một số nỗi buồn, người khác chưa hẳn đã có thể cảm nhận.
Vui mừng cũng vậy, đau khổ cũng vậy, đều là một loại cảm nhận của riêng ta, vui mừng là chuyện của bản thân, đau buồn cũng là chuyện của bản thân, người ngoài không thể nào hiểu rõ được, rất khó cảm nhận được.
Đau khổ rồi, bản thân hãy tự mình trị liệu, tổn thương rồi, bản thân hãy tự mình phục hồi, đừng trông chờ người khác dành sự quan tâm lớn nhất cho bạn, ai cũng có chuyện của riêng mình. Vậy nên khi vui, hãy lặng lẽ mỉm cười, đau khổ rồi, hãy âm thầm cố gắng, cuộc sống chính là như vậy.
Cuộc đời là một quá trình đan xen giữa hân hoan và đau khổ
Đời người, không thể tránh khỏi gặp phải thương tâm, khuấy động tâm can, khiến chúng ta nhiều lúc đau khổ không thiết sống, cảm thán cuộc đời sao lại tuyệt tình như vậy, tàn nhẫn như vậy. Thật ra, cấu thành của sinh mệnh, ngoài nỗi đau khổ còn có những niềm hân hoan.
Hân hoan vẫn luôn ở trong tâm chúng ta, chỉ là chúng ta không thường sử dụng, vậy nên chỉ cảm thấy cuộc đời đau thương gấp bội. Nhưng nếu ta nhìn thử về đoạn đường đã đi qua, nếu không có chút niềm vui thì chúng ta làm sao có thể đi được đến hôm nay?
Cuộc sống chính là một loại cảm thông, một loại thấu hiểu
Biết cảm thông, biết lý giải, biết khoan dung, ngày tháng sẽ ấm áp bình yên. Trên con đường nhân sinh, nếu như thiếu cảm thông, không thể lý giải, không có khiêm nhường, ngày tháng của ta sẽ rất khó có được tâm trạng bình an.
Rất nhiều phiền não trong cuộc sống đều là bắt nguồn bởi chúng ta không thể cảm thông, quá lưu tâm đến ý kiến của bản thân mình, không chịu hiểu nhau, không  nhường nhịn nhau, tổn thương tâm hồn của nhau.
Đời người, cảm thông cho nhau là điều rất khó, suy nghĩ cho nhau cũng là chuyện không dễ dàng, cuộc sống, tốt nhất là biết cảm thông cho nhau.
Thời gian dần dần trôi đi, chúng ta cũng đã không còn trẻ nữa; năm tháng nhẹ nhàng qua đi, chúng ta cũng đã không còn cứng đầu được nữa.
Trong cuộc sống, đã từng có những điều tiếc nuối, đã từng có chuyện sai lầm; trong chốn thị phi, ta đã từng tổn thương, đã từng đau lòng; trong trắc trở gian nan, ta đã từng vui cười, đã từng hạnh phúc.
Hết thảy của cuộc đời, đối với chúng ta đều là chân thật, đừng vì sự đời mà đánh mất lương tri, đừng bởi cảnh túng quẫn nghèo hèn mà mất đi thiện niệm.
Sinh mệnh, không vì già yếu mà vô tình
Trong cuộc sống, những người hiểu bạn, đều có thể ủng hộ bạn; còn những kẻ hiểu lầm bạn, vẫn sẽ hoài nghi bạn.
Sống trong xã hội phức tạp này, đối diện với các loại quan hệ muôn hình muôn vẻ, có những lúc, bạn sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, cũng rất bất lực.
Nghĩ lại, cuộc sống chính là như vậy, hiểu lầm vẫn luôn là điều không thể tránh khỏi, ai cũng đều có thể sẽ bị hiểu lầm. Những lúc tủi thân, hãy nói với bản thân mình, người ta hiểu mình là điều tốt, còn nếu không hiểu cũng không cần phải đau buồn, tận tâm tận tình, làm tốt những việc của bản thân, vậy là tốt rồi.
Không kể đắc ý, hay là thất ý, chúng ta đều nên cảm ơn cuộc sống, là cuộc sống đã để cho chúng ta biết được rất nhiều điều, hiểu được rất nhiều điều. Rất nhiều tiến lùi lên xuống trong đời người, cuộc sống đều sẽ cho bạn một số gợi ý.
Chỉ là những lúc đắc ý, bạn không để ý tới mà thôi, khi mất đi, không lòng dạ nào để suy xét cân nhắc, trong năm tháng cứ luôn bị dòng đời xổ đẩy, đã đánh mất biết bao cơ hội, đến lúc ta ngoảnh đầu nhìn lại, năm tháng đã qua, tuổi trẻ cũng đã không còn, điều còn đọng lại, chỉ là một số cảm xúc.
Cuộc sống đã khó, hiểu được cuộc sống lại càng khó hơn
Trong dòng sông dài của sinh mệnh, luôn có một số sự tình khiến ta động tâm, cũng luôn có một số sự tình khiến lòng ta chua xót.
Chỉ là, năm tháng qua đi, những điều này đều đã là quá khứ, không ảnh hưởng được chúng ta bao nhiêu.
Nhưng đôi khi nghĩ lại, nhớ lại những chuyện chua xót hoặc động tâm kia, lặng lẽ cảm thấy rất nhiều thứ lại tràn về hiện thực.
Có lẽ, chúng ta sẽ từ xa nhìn về nơi đã từng dừng chân.
Có lẽ, chúng ta sẽ nghĩ đến một số cảnh vật lúc đó, nhưng chỉ là nghĩ thôi, sẽ không động tâm nữa.
Có một số người, dù bạn có nhớ nghĩ nhiều hơn, cuối cùng cũng sẽ rời đi. Có một số tình cảm, dẫu bạn có hoài niệm mãi, cuối cùng cũng sẽ mất.
Gặp nhau là một loại duyên phận, bên nhau là một dạng tình cảm
Không kể là duyên sâu hay duyên cạn, gặp nhau đã là điều may mắn. Không kể tình cảm mờ nhạt hay sâu đậm, bên nhau chính là một loại phúc phận.
Dù cho không có duyên, cũng sẽ chúc phúc, dù rằng không có kết quả, cũng sẽ hoài niệm, điều quan trọng không phải là kết quả, mà là quá trình bên nhau, có cảm tình ở trong tâm.
Trong cuộc sống, thường có những tình huống như vậy, có một số sự việc muốn giữ lại, nhưng giữ không được, có một số chuyện, ta muốn tránh đi, nhưng lại tránh không được. Đời người chính là như vậy.
Những thứ ta hy vọng, thường không có được; những điều ta thất vọng, thường vẫn luôn gặp phải. Thế là, chúng ta thất vọng, buồn rầu, đau khổ, cảm thán cuộc sống sao lại nhiều trắc trở như vậy, số phận sao lại bất công như vậy.
Nếu như nghĩ kỹ thì đừng thất vọng, những gì không ở lại, vốn không phải là về sau cũng không gặp được.
Có những lúc, mất đi hay gặp gỡ đều là một loại cơ duyên, cuộc sống chính là cần phải buông bỏ và nghĩ thoáng.
Tiểu Thiện

NGƯỜI GÁNH PHÂN NGHÈO HÈN GẶP ĐỨC PHẬT TRONG NGÕ HẺM, NGÀI CHỈ NÓI 1 CÂU ĐỦ THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI ANH MÃI MÃI

Kết quả hình ảnh cho hoa sen





Khi Đức Phật tại thế, Ấn Độ vẫn còn nhiều tầng lớp giai cấp khác nhau. Trong đó, tầng lớp Thủ-đà-la (tiện dân) là những người nghèo hèn nhất, bị coi là dơ bẩn và xếp ngang hàng với súc vật, họ phải sống dưới đáy cùng của xã hội và không được tôn trọng như một con người.
Ở thành Xá Vệ có một “tiện dân” tên là Ni Đề. Ni Đề rất hiền lành và lương thiện, ngày ngày đều phải chùi dọn phân trong các nhà xí, làm những việc ‘bẩn thỉu’ mà không có ai muốn làm.
Một ngày, Đức Phật cùng với tôn giả A Nan đi trong thành Xá Vệ, đến một con hẻm nhỏ thì bỗng gặp Ni Đề. Lúc đó, Ni Đề đang quẩy một gánh phân đầy. Khi nhìn thấy Đức Phật, anh ta hoảng sợ tìm cách đi vòng để tránh phải gặp ngài. Nhưng vì con đường quá hẹp nên anh chỉ có thể cúi mặt xuống đường và thưa rằng: “Bạch đức thế tôn, thân con nhơ uế, xin đức thế tôn đừng lại gần kẻo mất đi sự thanh tịnh của ngài”.
Đức Phật liền tiến đến Ni Đề và nói: “Này Ni Đề, con có muốn xuất gia làm hòa thượng không?”
Thuở ấy, tăng nhân và tu sĩ (tầng lớp Bà-la-môn) được coi là cao quý nhất trong xã hội, vượt trên cả hàng vương tôn hay quý tộc. Đó là chốn linh thiêng mà những kẻ tiện dân tầm thường như Ni Đề không bao giờ dám đặt chân vào.
Bởi vậy, Ni Đề bối rối trả lời: “Ngài là Đức Phật cao quý, còn con chỉ là kẻ hèn mọn, làm sao dám sánh với đệ tử của ngài?”
Đức Phật nói:
“Phật Pháp như nước sạch, có thể tẩy tịnh mọi điều dơ bẩn. Dù là bất kể thứ gì trên thế gian, một khi được tắm rửa trong Phật Pháp liền trở nên thanh tịnh.
Phật Pháp như lửa thánh, có thể đốt mọi thứ nhơ bẩn thành tro bụi. Dù đó là vật gì, một khi lửa thiêng chạm đến lập tức đều trở nên thuần khiết.
Pháp của Phật đối với chúng sinh là bình đẳng, không hề phân biệt giàu nghèo. Bất cứ ai có tâm tín Phật đều có thể tu hành và thoát khỏi bể trầm luân”.

Lời Phật dạy làm Ni Đề cảm động, anh vững tâm tu luyện và trở thành một đệ tử tinh tấn của ngài. Chẳng bao lâu anh đã đạt được trí huệ giác ngộ, chứng đắc quả vị A-La-Hán.
Thế nhưng việc Ni Đề được Phật cứu độ đã khiến những kẻ hợm hĩnh trong xã hội trở nên đố kỵ. Làm sao một kẻ tiện dân thấp kém lại được làm hòa thượng và hưởng bố thí của mọi người? Vì vậy mà bất cứ nơi nào Ni Đề đến, họ sẽ tránh xa; thấy Ni Đề ngồi chỗ nào, họ sẽ lau chùi như thể đó là nơi nhơ bẩn. Cuối cùng, khi cơn bất bình và giận dữ lên đến đỉnh điểm, họ tâu lên vua và nói rằng Đức Phật không thể xem Ni Đề như đệ tử.
Vua hay tin ấy, bèn thân chinh đến hỏi chuyện Đức Phật. Khi chiếc xe ngựa đến cổng, vua phải bước xuống và đi bộ một đoạn. Bỗng ông nhìn thấy vị hòa thượng đang ngồi tĩnh tọa trên một tảng đá lớn. Vua liền nói lời nhã nhặn: “Ta muốn gặp Đức Phật, ngài có thể vào trong thưa chuyện này không?” Vị hòa thượng đi xuyên qua tảng đá, khi trở ra lại xuyên qua tảng đá như đi trong không trung.
Khi vua gặp Đức Phật, ông đã bày tỏ sự kính trọng: “Bạch đức thế tôn, vị hòa thượng lúc nãy có một năng lượng siêu phàm hiếm thấy. Ngài có thể cho tôi biết cao danh quý tính của vị ấy không?”
Đức Phật mỉm cười: “Đó chính là Ni Đề, là người mà bệ hạ muốn hỏi ta. Ta độ nhân không phân biệt giàu nghèo, bởi tất cả chúng sinh là bình đẳng”.
Cuối cùng Đức Phật nói:
“Ví như trong hồ có hoa sen thơm ngát, chúng ta có nên vì bùn nhơ mà vứt bỏ đóa sen tươi đẹp đó không?”.


                                                                                      Theo Chánh Kiến
                                                                                      Hồng Liên biên tập

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

AI LÀ BẬC HIỀN TRÍ ĐÍCH THỰC?



  
Trong thời đại được gọi là văn minh như hiện nay vẫn xuất hiện không ít những người tự xưng là giáo chủ, thánh chủ, thượng sư hay đạo sư. Có người tự cho rằng được thánh nhập, chỉ cần theo họ tu bảy ngày mở bảy luân xa là đắc đạo thành tiên thánh rồi dùng nhiều cách thức mê hoặc, dẫn dụ người đi theo vì nhiều mục đích khác nhau. Điều này ảnh hưởng không tốt đến đời sống xã hội, trong đó có cả những Phật tử hiền lành chất phác.

Là người con của Đức Phật, chúng ta không thể làm ngơ, nên bài viết này với hy vọng góp phần chỉ rõ, ai mới là bậc thầy, bậc thiện tri thức đúng nghĩa để mọi người có thể nương tựa học hỏi, và tu hành theo đúng Chánh pháp. 

Làm thế nào để mọi người có thể nhận diện được một con người giác ngộ, tịch tĩnh có đầy đủ trí tuệ và đức hạnh ở đời? “Trước hết, đó là một người đã buông bỏ hết tất cả những hận thù trong quá khứ, một người không còn mơ tưởng, vướng mắc gì vào tương lai. Và cả chính trong hiện tại người đó cũng không vướng vào hư danh và sự tôn kính của người đời. Người đó là một bậc Mâu Ni, một người toàn thiện” (Kinh Cha con gặp nhau, Đại chánh tân tu 198, Thích Nhất Hạnh dịch).

Một người bình thường như tất cả những người khác, nhưng đã buông bỏ được tất cả những giận hờn, hận thù, lo lắng, phiền muộn, ân oán trong quá khứ; không dính mắc, chấp trước hay mơ mộng hão huyền vào những mong cầu ở tương lai; cũng không vướng mắc vào những gì trong giây phút hiện tại. Bởi người đó đã thấu rõ quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa đến, hiện tại đang luân chuyển đồng thời nhìn thấu danh lợi, địa vị vốn không thật có, nên không vướng mắc vào hư danh, tâm của vị ấy không bị dao động bởi sự tôn kính hay bất kính của người đời. Người như vậy chính là bậc trọn lành, tịch tĩnh, đức hạnh đầy đủ, hoàn toàn ung dung và tự tại ở đời.

Theo lời Phật dạy, trong tám con đường chân chính đưa mọi người đến nơi an vui hạnh phúc thì chánh kiến, tức là cái thấy biết chân chính đứng đầu, muốn có chánh kiến trước hết phải buông bỏ tất cả các tà kiến kể cả tư kiến.

Vì không ưu sầu về quá khứ, không vướng mắc vào tương lai, lại buông bỏ được mọi sự tham cầu, không còn chấp vào cái ta và cái của ta, nên vị ấy đã nhìn thấu thực tính của các pháp và vượt qua mọi nỗi sợ hãi, lòng tin chân chính được củng cố vững chãi, tâm không còn dao động trước ngoại cảnh. Như vậy, những nghi nan trong lòng của vị ấy tự nhiên tiêu trừ, xa lìa lòng ganh tỵ, an trụ trong hiện tại nhiệm mầu, tâm luôn an vui với cuộc sống hiện tại. Nhất là nếp sống của vị ấy vô cùng đơn giản, thanh thơi và tự tại.

Vị ấy có khả năng làm chủ chính mình, làm chủ cuộc đời mình, không bị lòng tham dục bên trong hay những lạc thú bên ngoài kéo đi. Đi đứng nằm ngồi, vị ấy luôn tỉnh giác, luôn tự tiết chế, điều độ trong ăn uống ngủ nghỉ, không bị nô lệ cho đam mê, tập khí hay thói quen. Rất nhiều người thường tự hào về những thành tựu trong sự nghiệp tiền tài, danh vọng, địa vị, nhưng suốt đời họ sống nô lệ cho lòng tham dục, si mê của mình mà họ không biết. Thật đáng thương thay!
Tu tập để ngày càng làm chủ bản thân mình nhiều hơn là một việc rất quan trọng và cần thiết. Với trí tuệ tịch tĩnh, vị ấy đã nhìn rõ thật tướng các pháp nên đã hoàn toàn xa lìa được lòng ganh ghét, đố kỵ; xa lìa sự nói dối, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác, không nói lời trau chuốt giả tạo; buông bỏ mọi hý luận không có lợi ích thật sự cho sự giác ngộ giải thoát; tâm không còn hoài nghi, ngờ vực về con đường tu hành.

Vị ấy biết rõ, nguyên nhân của khổ đau là tham vọng quá nhiều, nên xa lìa được dục vọng. Tâm ý của vị ấy không còn bị trói buộc vào bất kỳ thứ gì, được tự do một cách trọn vẹn. Những sợi dây phiền não không còn nơi để phát huy tác dụng được nữa. Không còn vướng mắc, chấp trước vào những cái thấy của riêng mình. Miệng không còn nói những lời thêu dệt, hư vọng. Bước chân của vị ấy chậm rãi, thảnh thơi, vững chãi, an lành. Tâm vị ấy không còn mọi ý tưởng tham dục, ham muốn. Vị ấy luôn tỉnh táo và nhẫn nại, có khả năng hóa giải mọi sự cãi cọ, tranh chấp, hơn thua bằng trí tuệ và từ bi.

Vị ấy nhận rõ rằng, mọi dục tưởng là do tri giác sai lầm đưa tới ham muốn. Nếu không có dục tưởng thì sẽ không có ham muốn. Do chúng ta tham muốn tìm cầu nhiều thứ, nào là tiền tài, danh vọng, quyền hành, nữ sắc…, vì cứ nghĩ chúng sẽ đem lại cho mình an lạc và hạnh phúc, cho nên chúng ta khổ đau nhiều. Còn vị ấy biết rõ, một khi bị vướng vào những thứ đó rồi mình sẽ mất hết hạnh phúc, thảnh thơi, an lạc mà chỉ còn lại toàn là đau khổ.
Lòng vị ấy đã trong sạch và sáng suốt, nên không còn mưu toan hay thủ đoạn để thỏa mãn sự ham muốn bản thân - ngay cả việc thành tựu được một mức độ nào đó trong tu học - cho nên không buồn phiền, lo lắng hay oán giận khi không có được hay mất mát thứ gì. Nhất là vị ấy đã đoạn trừ được sự luyến ái, không còn bị nô lệ cho ái dục. Đây là một điều rất khó làm được, vì sở dĩ chúng ta có mặt trong cuộc đời này là do ái dục; chúng ta trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi, chịu đủ mọi đau khổ triền miên cũng là do ái dục. Ái dục chính là nguồn gốc của sinh tử luân hồi, là nguyên nhân của khổ đau, nên xa lìa được ái dục tức là an vui giải thoát.

Vị ấy quán chiếu sâu và thấy rõ tất cả mọi chúng sinh đều có thật tánh bình đẳng, tất cả các pháp thật sự bình đẳng, đạt đến cái thấy vô ngã, nên xa lìa được hai trạng thái tự cao và tự ti, không còn mặc cảm hay tự mãn, không còn ý tranh luận hơn thua với người. Vị ấy luôn kiểm soát tâm ý không để buông lung theo cảnh vật bên ngoài, nhìn thấu, hiểu rành các pháp thiện và pháp ác, cũng không kẹt vào thiện ác, suy nghĩ không còn dấu vết và sai lầm.
Người nào chưa đạt đến cái nhìn vô ngã, chưa thấu rõ thật tánh bình đẳng của các pháp, thì chưa thể xem là bậc đạo sư được. Đây chính là cơ sở quan trọng nhất để nhìn nhận ai là đạo sư chân thật.

Vị ấy dùng trí tuệ quán chiếu, thấu rõ tự tánh của các pháp, bản chất của mọi sự vật hiện tượng, nên không còn bị trói buộc hay vướng mắc vào bất kỳ pháp nào, cũng không còn kẹt vào hai đầu đối đãi có và không, do đó không có gì là không vượt thoát được.
Tâm vị ấy đã tịch tĩnh, lòng tham ái cũng không còn, những vô minh, những ham muốn, những cám dỗ, lạc thú trong cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc không còn làm cho tâm vị ấy dao động. Vị ấy thực sự là một người tự tại đối với các pháp, tâm đã hoàn toàn buông xả, không còn bị cái gọi là sở đắc trói buộc.

Đó là người đã vượt qua biển sầu khổ đến nơi không còn bất kỳ âu lo, phiền muộn gì nữa.
Bậc đại trí tuệ chỉ rõ cho chúng ta thấy được, người mà còn muốn có con trai để nối dõi tông đường, kế thừa sản nghiệp, lòng muốn tích trữ tiền bạc của cải cho nhiều, cái mình không thích thì chán ghét, thứ mình thích thì bo bo gìn giữ, thì chắc chắn người ấy không phải là người thanh tịnh, không phải là chân tu, cũng không phải là đạo sư đích thực.
Một bậc đạo sư đích thực là tâm vị ấy thực sự xa lìa được cả hai thái cực ham muốn và ghét bỏ, tức là không còn ham muốn bất cứ cái gì, cũng không chán ghét bất kỳ cái gì.
Vị ấy là người thấy đạo, đã xác định rõ con đường cần phải đi, tâm ý đã hoàn toàn an tịnh sáng suốt, vượt ra ngoài tác động của những sự khen ngợi hay chê bai, tôn kính hay xúc phạm. Tức là khi bị chê bai, xúc phạm, vị ấy không còn khởi ý nóng giận; khi được khen ngợi, tôn kính, vị ấy không cảm thấy tự cao tự mãn, kể cả khi bị vu oan vị ấy cũng không còn muốn bào chữa, minh oan cho mình.

Những ý niệm tham lam, keo kiệt, ganh ghét hoàn toàn không còn hiện hữu trong tâm vị ấy, ý niệm tự cao tự mãn hay mặc cảm tự ti cũng hoàn toàn được tịnh trừ không còn dấu vết. Tâm vị ấy đã được kiên định, lời nói, việc làm và suy nghĩ không còn mảy may sai lầm.
Vị ấy đã thấu rõ tính Không, liễu ngộ thực tính của vạn pháp, hiểu hết bản chất của mọi sự vật, hiện tượng, không còn mong cầu bất kỳ cái gì, cũng không thấy mình có bất kỳ sở đắc nào, vượt ra ngoài những ham muốn phàm tục của thế gian.

Tâm vị ấy hoàn toàn tĩnh lặng, sáng suốt và an ổn, ý của vị ấy đã không còn buông lung. Vị ấy thật sự đã vượt ra ngoài mọi sự ràng buộc, giải thoát ra khỏi mọi khổ đau trong sinh tử luân hồi, sạch hết mê lầm và sợ hãi, là con người tịch tĩnh, sáng suốt, chứng ngộ Niết-bàn.
Như vậy, con người trí tuệ tịch tĩnh của dòng họ Thích Ca đã đích thân minh chứng cho tất cả mọi người trên thế gian này thấy rõ một chân lý lớn: Từ một con người bình thường sống trong khổ đau triền miên, bị trói buộc trong vòng sinh tử luân hồi như bao người khác, nhờ vào sự nỗ lực cố gắng tu tâm dưỡng tính đúng phương pháp của tự thân, hoàn toàn có khả năng giải thoát bản thân ra khỏi mọi sự ràng buộc, đạt đến an vui, tự do, tự tại với ý nghĩa toàn vẹn nhất.
            
                                                                                      Thích Hạnh Tuệ


Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

XIN CẢM ƠN (Tánh Thiện)



  XIN CẢM ƠN

Xin cảm ơn đời suốt năm qua
Nhờ Thầy hướng dẫn bước đường qua
Vui buồn như khói mây làn gió
Tự nhủ lòng mình đức vị tha .

Xin cảm ơn người biết bao nhiêu
Âm thanh còn lại tiếng chuông chiều
Bên hiên chùa cũ sương khuya đọng
Giải thoát đường về lập trí siêu.

Xin cảm ơn trời đất nở hoa
Từ duyên sanh diệt cõi ta bà
Như hoa đốm giữa vùng hư ảo
Nhìn lại chính mình nhẹ cái ta .

Xin cảm ơn em cả nụ cười
Bao năm tu học đẹp cuộc đời
Phước duyên theo hướng lời Phật dạy
Hạnh nguyện  muôn đời chẳng thể vơi .

                    Tánh Thiện
                    28-12-2016

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

ĐÀN ĐÊM




 

                  ĐÀN ĐÊM
 
Lất phất mưa bay thấy dạ mềm,
Đàn ai trỗi khúc lướt tàn đêm.
Lều thưa thu đến lay trong gió,
Vách trống đông qua ngủ cạnh rèm.
Điệu lắng mộng mơ thời dỗi mãi,
Cung buông tình lụy cảnh hờn thêm.
Theo nhau ký ức niềm hương lửa,
Lật sổ trang đời cố lãng quên…

                                 Minh Đạo

http://www.daophatngaynay.com/vn/van-hoc/tho/22856-djan-djem.html
http://hoavouu.com/p41a42478/dan-dem

 

 

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Ý NGHĨA TÙY DUYÊN

Kết quả hình ảnh cho hoa sen

                                            
                                            Ý NGHĨA TÙY DUYÊN 

                                                HT. Thích Thanh Từ



Hôm nay chúng tôi sẽ nói chuyện với quí Phật tử về đề tài "Ý nghĩa tùy duyên". Ý nghĩa này rất sâu xa không phải tầm thường, và lâu nay nó cũng đã bị lạm dụng nhiều.

Về ý nghĩa tùy duyên, thì đây là một chỗ sống, không phải là chỗ lý luận hay chỗ bắt chước, bởi vì khi chúng ta bắt chước thì nó không còn là tùy duyên nữa, bởi khi bắt chước là nó có cái khuôn rồi. Cho nên ý nghĩa này rất quan trọng mà lâu nay nhiều người lại hiểu lầm rồi cũng dễ lạm dụng nó nữa.

Như vậy muốn tùy duyên thì thế nào là biết tùy duyên cho đúng ý nghĩa ?

1- Thứ nhất là phải thấy đúng lý mới tùy duyên được, còn chưa thấy đúng lý mà nói tùy duyên thì chỉ là lạm dụng, là hiểu lầm vậy thôi. Nghe nói tùy duyên, rồi mặc tình buông thả theo duyên thì tùy duyên kiểu đó là chạy theo cảnh chớ không phải tùy duyên, đó là bị duyên nó cuốn, nó lôi đi. Tùy duyên theo kiểu đó gọi là "tùy duyên tiêu sự nghiệp", tiêu tan sự nghiệp hết, rất nguy hiểm !

Cho nên muốn sống, muốn thấy được đúng ý nghĩa tùy duyên thì phải thấy đúng lý. Trong cái thấy đúng lý này, thứ nhất là cần rõ lý Tánh không của Bát-nhã.

Tánh không là sao? Bát-nhã dạy tất cả các pháp trên đời này "không có một pháp gì là thật cố định", nghĩa là từ bản thân của mình cho đến sự vật bên ngoài đều là duyên khởi. Duyên khởi tạm có cho nên gọi là Tánh không, là không có tánh cố định, không có Thể thật của nó. Chính vì Tánh không mới tùy duyên mà hiện khởi tất cả được, chớ nó cố định thì đâu còn tùy duyên. Ví dụ cố định là một khối cứng thì đâu thể tùy duyên mà biến thành các vật khác được.

Cũng giống như cái gương, nó không có một hình gì trong đó, cho nên nó có thể hiện đủ tất cả mọi hình bóng, nếu nó có một cái hình gì cố định bên trong, thí dụ hình tròn, thì nó không thể hiện được hình vuông, mà vuông tròn đẹp xấu gì cũng hiện được hết, là vì nó không có một cái gì trong đó, không cố định là cái gì.

Hoặc như hư không, hư không không phải là cái gì hết, cho nên nó cũng hiện được đủ mọi thứ.

Rồi gần nhất là cái gì? - Tâm của mình. Tâm mình không là một cái gì hết, cho nên nó mới nghĩ được đủ tất cả, nếu nó cố định là một cái gì rồi, chắc chắn nó không thể nghĩ tất cả được. Mà nó nghĩ đủ hết, cái gì nó cũng nghĩ tới, kể cả những cái gọi là không có, nó cũng nghĩ ra được nữa bởi vì nó không có gì hết.

Qua điểm nữa là, ngay thân mình là thân năm uẩn thì Tâm kinh Bát-nhã nói “ngũ uẩn giai không”, năm uẩn đều Tánh không, không thật, cho nên nó mới tùy duyên hiện được lớn được nhỏ, được tốt được xấu, mập ốm vui buồn, trời người nó cũng hiện được đủ hết, chính vì nó Tánh không, không cố định là gì. Nếu nó cố định, thí dụ năm uẩn này cố định là người rồi, tức nhiên nó không thể hiện thành trời được, cũng như nó cố định là mập rồi thì không thể hiện ốm được. Do nó không cố định gì, nên nó hiện được tất cả. Bởi vậy Bồ-tát Quán Thế Âm có ba mươi hai Ứng thân, có khi hiện nam hiện nữ, rồi hiện Tỳ-kheo, hiện Tỳ-kheo ni, hiện vua hiện quan, hiện đủ hết, làm sao hiện được như vậy ?

Do đó xét cho kỹ, rõ ràng không có một cái gì cố định, vậy thì mình bám chặt một chỗ, một cái làm gì để chịu khổ ? Như vậy cho thấy, hiểu được tùy duyên thì phải thấy lý Tánh không. Rõ được Tánh không của các pháp rồi thì tùy duyên, lúc đó luôn luôn có ánh sáng Bát-nhã đi theo, nên tùy duyên mà không có lầm lẫn. Còn nhắm mắt tùy duyên là đi xuống hố, mình phải thấy rõ cái ý nghĩa đó, thí dụ như người mù nhắm mắt đi bừa là phải lọt hố thôi.

Nhớ lại câu chuyện của ngài Tăng Triệu khi bị án tử hình, Ngài xin phép hoãn lại bảy bữa để viết cho xong bộ Luận Bảo Tạng rồi Ngài sẽ chết. Thử hỏi tới lúc đó còn tâm hồn gì ngồi để mà viết luận! Nhưng mà Ngài thấy chuyện đó như là chuyện chơi thôi, và đến trước khi chết Ngài còn đọc bài kệ :


                   Ngũ ấm nguyên phi hữu

                   Tứ đại bản lai không
                   Tương đầu lâm bạch nhẫn
                   Nhất tự trảm xuân phong.
Tức là:
                    Năm ấm nguyên chẳng có
                    Bốn đại xưa nay không
                    Đem đầu đến dao bén
                    Giống hệt chém gió xuân.

Có ai bị chém bị chết trong đó đâu? Cho nên Ngài thản nhiên coi như không có chuyện gì. Nếu mình thì lúc đó rụng rời tay chân, còn tâm hồn đâu mà ngồi viết sách, huống nữa là tới khi sắp chết còn nói kệ nữa! Như vậy đó mới thật sự là biết tùy duyên. Và tùy duyên kiểu đó dễ bắt chước không ?

Bởi vì Ngài thấy rõ năm uẩn bốn đại đều là không, đều là vô ngã hết, không có cái ta thật, thì trong đó cái gì chết, cái gì bị chém? Không thấy có cái gì bị chém thì đâu có gì mà khổ ? Còn mình vì thấy có “cái ta” bị chém bị chết, cho nên mới có khổ.

Do Ngài thấy rõ không có gì thật hết, bởi vậy hễ còn duyên thì làm Phật sự tiếp, hết duyên thì thôi ra đi, chớ không cố ghì lại một chỗ để chịu khổ. Còn mình vì thấy có cái ta trong đó cho nên cố ghì lại để sống, ghì không được thì phải kiếm cái ta mới ráp vào, chính cái ta mới đó lại đi trong sanh tử. Hiểu như vậy, thấy được cái lý như vậy thì mới khéo biết tùy duyên. Đó là điểm thứ nhất là phải thấy rõ được Tánh không.

2- Thứ hai, tiến bước nữa là nhận ra Bản tánh chân thật của mình, nghĩa là thấy được, nhận rõ được Bản tánh chân thật luôn luôn hiện hữu nơi mình, cho nên mình tùy duyên là để chi? - Tùy duyên là để sống trở về Bản tánh chân thật đó chớ không sanh những niệm, những tâm hoặc lấy hoặc bỏ, chỉ thuận với tánh để sống, làm sao không để mất nó, đó là chỗ sống của mình rồi.

Như bài kệ của vua Trần Nhân Tông, nhiều người nghe quen quá thành ra xem thường:


                    Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

                    Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
                    Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
                    Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.

Nghĩa là sao ? Nghĩa là ở đây nhận ra Bản tánh chân thật của mình hay của báu sẵn có trong mình rồi, thì khỏi cần phải chạy, phải tìm kiếm đeo đuổi cái gì bên ngoài nữa, nghĩa là không để cho cảnh nó lôi mình, nó làm mất mình. Như vậy mình sống ngay trong lòng đời này, ở giữa thế gian này mà vẫn vui với đạo, đó là biết tùy duyên, mà tùy duyên như vậy là để làm chi? - Là để sống với Bản tánh của mình, sống trở về với Bản tánh chân thật, ngoài ra không có gì quan trọng. Đó gọi là tùy duyên sống với Bản tánh, tiêu nghiệp cũ mà không tạo thêm nghiệp mới.

Như vậy tùy duyên mà thường sáng tỏ không có mê, không có mờ, tùy duyên mà không đặt thành một “cái ta” trong đó. Đó là điều quan trọng, còn tùy duyên mà có cái ta trong đó thì không phải tùy duyên. Cũng như ở đây “đói đến thì ăn, mệt ngủ liền” nhưng nếu còn có cái ý niệm là đói nên ăn hay không nên ăn thì sao? - Đó là chen cái ta vào trong đó, tức là cái gì nên ăn hay không nên ăn ? Đó là hết tùy duyên. Cho nên tùy duyên ở đây là thuận theo Tự tánh để sống trên đời, để cho nó luôn luôn được hiện hữu khắp nơi, đó mới là tùy duyên chân thật.

Ngài Sùng Tín sau khi ngộ đạo, Ngài hỏi vị thầy là Thiền sư Đạo Ngộ: “Làm sao để bảo nhậm ( giữ gìn ) ?” Ngài Đạo Ngộ bảo rằng: “Mặc tánh tiêu dao, tùy duyên phóng khoáng, chỉ hết phàm tình, không thánh giải khác.” Nghĩa là mặc tình thuận theo cái tánh đó mà tiêu dao tự tại, tùy duyên phóng khoáng thôi, chỉ cốt làm sao hết được cái tình phàm này, tình mê này chớ không có thêm một cái kiến giải thánh gì khác, không thấy có chứng có đắc gì khác nữa, đó là tùy duyên. Tùy duyên như vậy làm sao bắt chước đây ?

Chỗ này là phải sống, biết rõ mình có cái chân thật rồi thì sống tùy duyên, duyên đến thì tiếp, duyên qua thì thôi, không có cố chấp, không có mong cầu thêm nữa. Đó là vì có được chỗ sống vững vàng trong này rồi, nên mới tùy duyên được như vậy, mới tiêu được những nghiệp cũ và nghiệp mới không tạo thêm.

Thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài có bài kệ:


                Nhạn quá trường không

                Ảnh trầm hàn thủy
                Nhạn vô di tích chi ý
                Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

Giống như con nhạn bay trên không, nhạn bay qua thì bóng hiện dưới nước, nhạn không có ý lưu dấu vết lại dưới nước. Và bay qua rồi thì bóng mất, nước cũng không có tâm giữ bóng con nhạn lại. Đó là tùy duyên, nhạn bay qua là duyên đến thì bóng nó hiện trong nước, duyên qua rồi thì nước không lưu bóng lại. Còn mình thì sao? Có khi duyên chưa đến mà kêu nó đến! Rồi duyên qua thì giữ lại không cho nó qua! Chính vì vậy cho nên khổ. Ngay trong lúc ngồi thiền cũng còn muốn giữ lại nữa. Ngồi thiền nhớ lại, giữ lại, lưu lại trong này, đó là không biết tùy duyên, còn biết tùy duyên thì tâm lúc nào cũng trong sáng, đâu có cái gì lưu lại trong đó thì có gì mà ngăn ngại ?

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

ĐẾN ĐI VÔ NGẠI (Tánh Thiện)




  ĐẾN ĐI VÔ NGẠI


Thân cùng chia sẻ
Mở rộng lòng ra
Học tánh vị tha
Là lời Phật dạy .

Khẩu luôn hoà ái
Từ tốn khiêm cung
Thoải mái ung dung
Là lời Phật dạy .

Ý trong sáng sủa
Không nghĩ hại ai
Nhân quả chẳng sai
Là lời Phật dạy .

Tu học chánh pháp
Thân khẩu ý chuyên
Liễu ngộ đạo thiền
Đến đi vô ngại .

Cuộc đời tự tại
Phước báo trong ta
Xuất nhập ta bà
Trí bi dũng cảm .


                  Tánh Thiện
                  23-12-2016

 

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

NHÌN LẠI CUỐI NĂM (Tánh Thiện)

 


Hoa cuc quang duc (5)

              CUỐI NĂM NHÌN LẠI
 
 
Cuối năm nhìn lại chính mình
Con đường đạo nghiệp duyên mình đến đâu
Ta xin bắc một nhịp cầu
Ân Thầy nghĩa bạn càng sâu thấm bền .
 
Cuộc đời chẳng bớt chẳng thêm
Trung dung hành pháp mà nên đạo mầu
Duyên này chẳng có trước sau
Ngày nay học Phật phước giàu tự thân .
 
Sống đời đạo đức ân cần
Cõi lòng thanh thoát đẹp phần pháp thân
Một lời sám hối cũng cần
Một tâm niệm chánh nghiệp dần tiêu tan .
 
                    Tánh Thiện
                   20-12-2016

9 LỜI PHẬT GIẢNG, CÓ THỂ PHÁ GIẢI HẾT THẢY MỌI KHÓ KHĂN

tình yêu, khó khăn, cuoc song, 9 lời Phật giảng,



Con người trong cuộc sống có lẽ sẽ không tránh khỏi những khó khăn khiến bản thân cảm thấy buồn khổ. Tuy nhiên, thấu hiểu 9 lời Phật giảng dưới đây, thì thật sự hết thảy mọi buồn khổ đều sẽ tiêu tan.

1. Mất đi thứ gì đó, có cần phải tiếc nuối truy tìm?
Phật giảng: Mất đi thứ gì đó, kỳ thực nó không thực sự thuộc về ta, cho nên không cần tiếc hận, càng không cần phải truy tìm.
2. Cuộc sống quá mệt mỏi, như thế nào mới thoải mái?
Phật giảng: Cuộc sống mệt mỏi, một nửa là do sinh tồn, một nửa là do dục vọng ganh đua so sánh.
3. Ngày hôm qua và ngày hôm nay, làm thế nào để nắm giữ?
Phật giảng: Đừng để ngày hôm qua chiếm giữ ngày hôm nay.
4. Đối với bản thân như thế nào, đối với người khác ra sao?
Phật giảng: Đối tốt với bản thân mình, bởi vì cuộc đời này không lâu; đối tốt với người xung quanh mình, bởi vì kiếp sau có thể không còn gặp lại.
5. Như thế nào là xin lỗi có lịch sự?
Phật giảng: Thật lòng xin lỗi là một loại chân thành, không ngần ngại là một loại lễ độ. Nếu giải thích chân thành, nhưng lại không có được lễ độ, thì có thể đối với đối phương là kém hiểu biết và thô tục.
6. Như thế nào để cân bằng hạnh phúc và bi thương?
Phật giảng: Một người chỉ có một trái tim, nhưng lại có hai tâm. Một cái là hạnh phúc, một cái là bi thương, không cần cười đến quá to, nếu không sẽ đánh thức tâm bi thương bên cạnh.
7. Chúng ta nên phải như thế nào để “làm đến nơi đến chốn”?
Phật giảng: Chỉ cần chân còn trên mặt đất, thì đừng thấy mình quá nhẹ; chỉ cần còn sinh sống trên địa cầu, thì đừng thấy mình quá to lớn.
8. Có người nói tình yêu sẽ vì thời gian mà nhạt phai, có đúng vậy không?
Phật giảng: Tình yêu khiến người ta quên mất thời gian, thời gian cũng khiến người ta quên mất tình yêu.
9. Hai người yêu nhau nhưng không thể sống bên nhau, phải làm sao?
Phật giảng: Không thể sống bên nhau thì không thể sống bên nhau, kỳ thực cả đời này cũng không còn dài như vậy! Hãy trân quý mỗi lần tương ngộ!
Theo aboluowang.com