Đứng trước dòng thác lũ cuộc đời nên hư, thành bại, phải quấy, tốt xấu, hơn thua và vô vàn sự cám dỗ, con người cứ như thế loanh quanh, lẫn quẫn trong vòng oan gia trái chủ, do đó mà tạo ra không biết bao điều tội lỗi.
Có ông trưởng giả nọ, không biết gieo tạo nghiệp nhân gì mà có đến bốn bà vợ. Bà thứ nhất được cha mẹ hai bên chấp nhận nên đứng ra làm lễ thành hôn đàng hoàng. Khi về nhà chồng, bà được ông trưởng giả hết sức cưng yêu chiều chuộng, nên bà muốn gì được đó. Mỗi khi trời lạnh, ông lo cho bà đầy đủ nệm ấm chăn êm. Đến lúc trời nóng, ông lo quạt mát cho bà. Nói chung, từ ăn uống, vui chơi, sinh hoạt, làm việc, cho đến ngủ nghỉ, ông đều lo cho bà đầy đủ chu đáo hết tất cả, mọi nhu cầu cần thiết không thiếu một thứ gì.
Kế đến bà vợ thứ hai, bà ta đúng là một trang tuyệt sắc giai nhân, xinh đẹp chẳng khác nào nàng Tây Thi năm xưa ở bên Tàu. Mặc dù nàng không được cưng chiều như bà thứ nhất cho lắm, nhưng bà thứ hai vì quá xinh đẹp, kiều diễm, dễ thương, nên làm cho ông trưởng giả đắm say, mê mẫn, tê tái cả tâm hồn. Thậm chí, mỗi khi bà có chuyện bận phải đi xa, lâu ngày mới về, ông trưởng giả thầm thương, trộm nhớ, đứng ngồi không yên, có khi quên cả ăn uống, thức sáng suốt thâu đêm mà nhớ thương về nàng. Những khi bà vắng nhà hơi lâu, ông trưởng giả rầu rĩ lo âu, buồn khổ, mong nhớ ngày đêm như kẻ mất hồn, nhiều khi ông ta muốn tìm cách tự tử quyên sinh, chết phức cho rồi mỗi khi vắng bà.
Còn bà vợ thứ ba tuy không đầm thắm và mặn nồng như hai bà trước, nhưng lâu ngày chung chạ ăn nằm với nhau, tình cảm vợ chồng cũng trở nên đậm đà, sâu sắc, và càng ngày sống có tình nghĩa hơn. Do đó, ông trưởng giả đối với bà cũng có chút ân nghĩa khi cần, mà chia sẻ nâng đỡ cho nhau những nỗi khổ niềm đau, và cùng vui sống, yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau.
Rồi đến bà vợ thứ tư, bà này hình như suốt cả đời chịu nhiều phiền muộn khổ đau, đắng cay tuổi nhục, bởi bà rất thương yêu, chiều chuộng, chăm sóc ông trưởng giả hết mình. Công việc dù khó khăn, cực khổ, nhọc nhằn đến đâu, bà cũng ráng cố gắng lo chu toàn mọi thứ. Nhưng ngược đời thay, ông trưởng giả chẳng thèm để ý hay quan tâm, thương tưởng đến bà, thậm chí nhiều khi còn đánh đập, xua đuổi, hắt hủi bà như kẻ hầu, người ở.
Riêng đối với bà vợ thứ tư, lúc nào bà cũng có mặt bên ông như bóng với hình, chẳng bao giờ rời xa một bước. Thế mà ông chẳng thèm ngó ngàng gì đến, chỉ quan tâm thương tưởng đến ba bà kia, làm cho bà thầm thương trộm nhớ, khổ sở vô cùng, tuy sống gần gũi bên ông nhưng giống như kẻ âm người dương cách biệt nghìn trùng.
Đức Phật đã kể câu chuyện này khi Ngài còn tại thế để khuyên nhủ và răn dạy hàng đệ tử chúng ta.
Dân gian hay nói: một vợ nằm giường lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ nằm chèo quèo, bốn vợ ngủ chuồng heo.
Câu chuyện trên là một bài pháp sống động với ẩn dụ sâu sắc, nhằm giúp chúng ta biết soi sáng lại chính mình mà nhận ra lẽ thật hư trong cuộc đời. Phật đưa ra hình ảnh bốn bà vợ là để ám chỉ cho bốn thứ gần gũi nhất trong đời sống hằng ngày của chúng ta, nhưng ta nào hay biết, cứ mãi vui chơi, lao mình chìm đắm trong biển khổ sông mê mà luống để thời gian trôi qua vô ích. Cho nên:
Trăm năm trước khi ta chưa có
Thời gian vẫn trôi qua lặng lẽ.
Trăm năm khi ta đang có mặt
Thời gian vẫn âm thầm qua mau.
Trăm năm sau khi ta chết
Thời gian không vì thế mà buồn rầu.
Ta chỉ tiếc để thời gian suông
Mà buông lung làm việc vô nghĩa.
Một hôm, ông trưởng giả bệnh nặng, biết mình khó qua khỏi con trăng này, nên ông cho mời bốn bà vợ lại để hỏi xem có bà nào chung thủy, phát tâm theo ông về thế giới bên kia hay không?
Ông quay sang hỏi bà vợ thứ nhất, “bà có phát tâm theo tôi về bên kia thế giới vĩnh hằng hay không?”
Bà thứ nhất nói rằng, “xin anh hãy thông cảm và tha thứ cho em, em vẫn biết và nhớ ơn anh rất nhiều. Cuộc sống của em bao nhiêu năm nay nhờ anh tận tình lo lắng, chăm sóc, giúp đỡ, em thật thoải mái và an lạc hạnh phúc. Anh đúng là mẫu người chồng lý tưởng có một không hai trên cõi đời này. Chính vì vậy, em luôn yêu thương và nhớ ơn anh vô cùng. Nhưng bây giờ, anh bảo em theo anh về bên kia thế giới vĩnh hằng để cùng chung sống với nhau cho trọn tình trọn nghĩa thì không thể nào được. Anh hãy thông cảm và tha thứ cho em, vì ai cũng có nhân duyên và hoàn cảnh khác nhau.
Mặc dù em không được ở gần bên anh, vắng anh em sẽ thiếu thốn, khó khăn, khổ sở vô cùng. Thà rằng em chịu cô đơn, đau khổ một mình, chứ em không thể nào đi theo anh được, xin anh hãy khoan dung độ lượng mà cảm thông và tha thứ cho em. Vì tình nghĩa vợ chồng bấy lâu nay, nếu anh có chết đi, em sẽ tiễn đưa anh ra tới cổng nhà là cũng quý và tình nghĩa lắm rồi”.
Ông trưởng giả nghe bà thứ nhất nói như vậy, hai hàng lệ rơi lăn tròn trên khóe mắt, ngậm ngùi đau khổ quay sang bà vợ thứ hai, “còn em? Em có thể theo anh về thế giới bên kia hay không, hỡi em yêu dấu?”
Bà thứ hai thì thông minh lanh lợi hơn, nên nhanh nhẫu trả lời rằng, “Anh cứ yên chí đi, anh khỏi phải bận bịu lo lắng chuyện đó nữa, vì chúng ta ai cũng có phúc có phần. Bình thường lúc đương thời, anh thương yêu chăm sóc và lo lắng cho em thật nhiều, em rất biết ơn anh đã sống có tình có nghĩa với em như thế. Nhưng em bây giờ còn trẻ đẹp, còn xinh xắn, còn dễ thương, còn mi nhon, nên rất được nhiều người ngắm nghía thèm thuồng, thương tưởng đến em, tương lai của em còn tràn đầy sức sống và hy vọng. Nếu anh có ra đi về bên kia miền đất hứa, thì xin anh hãy cảm thông mà âm thầm lặng lẽ một mình cất bước. Em hiện giờ tương lai còn xán lạn, do đó cần phải tìm một đấng lang quân để nương tựa lâu dài và sống hết quãng đời còn lại. Nghĩ tình anh thương yêu chiều chuộng và lo lắng cho em trong nhiều năm qua, em nghĩ chút tình sẽ tiễn đưa anh ra tới cửa nhà, vậy cũng là quý lắm rồi anh ạ”.
Nghe bà thứ hai nói vậy, ông trưởng giả như đứt từng khúc ruột, đau xót não nề mà quay sang bà vợ thứ ba, “còn em thì sao? Em có thể theo anh về bên kia miền đất hứa?
Bà vợ thứ ba nghe ông trưởng giả hỏi vậy, bà ta vừa khóc vừa nói, “Lúc anh còn mạnh khỏe, anh chỉ biết lo cho chị cả và chị hai mà ít bao giờ quan tâm, đoái hoài, thương tưởng đến em. Tuy nhiên, vẫn có những lúc anh hết mực yêu thương em chân thành. Nghĩ chút tình chồng nghĩa vợ bấy lâu nay, sau khi anh về thế giới bên kia, em sẽ đưa anh ra tận nghĩa trang để lo cho anh yên mồ yên mã, sau đó em sẽ cúng tế, giỗ chạp cho anh đầy đủ, để trả lại công ơn anh đã thương tưởng, đoái hoài đến em khi còn sống. Còn việc phải đi theo anh về bên kia miền đất hứa thì không thể nào được, em còn phải có bổn phận, trách nhiệm đối với gia đình người thân, xin anh hãy hiểu và thông cảm cho tấm lòng thành thật của em”.
Như tiếng sét đánh ngang tai, bao nhiêu mộng đẹp bấy lây nay bây giờ tan tành theo mây khói, ông trưởng giả rụng rời tay chân, toát cả mồ hôi hột, cảm thấy khổ đau vô cùng, chẳng còn biết nghĩ gì hơn, ông đành chấp nhận nhắm mắt xuôi tay, mặc cho số phận ra sao cũng được.
Lúc này, bà vợ thứ tư như hiểu được tâm trạng của ông đang muốn gì, nên bà mới ân cần nói rằng, “này anh yêu dấu của em! Anh chớ nên lo buồn quá đáng. Anh cứ yên chí đi, em sẽ là người theo anh suốt cả cuộc hành trình, dù anh có đến chân trời góc biển xa xôi nào, hoặc lên thiên đường hay xuống địa ngục. Mặc dầu bình thường anh chỉ quan tâm, lo lắng cho chị cả, chị hai và chị ba, chẳng bao giờ anh biết nhớ nghĩ và thương tưởng đến em, thật ra em cũng rất đau buồn và khổ sở lắm chứ; nhưng dù sao, chúng ta vẫn là vợ chồng với nhau, nghĩ chút tình chồng vợ, em sẽ nguyện theo anh trong suốt ba cõi sáu đường. Anh cứ yên chí vì đã có em kề cận, không rời xa anh nửa bước, anh đi tới đâu thì em sẽ theo anh tới đó”.
Nghe được những lời nói ngọt ngào và êm dịu như thế, ông trưởng giả như được mãn nguyện, liền vui lòng nhắm mắt ra đi.
Đây là một bài kinh ẩn dụ mang một triết lý sâu sắc, để lại cho mỗi hành giả phải suy ngẫm, quán chiếu, soi sáng, và có sức định tĩnh trong tu tập, mới có thể hiểu thấu hết lời Phật dạy. Tại sao Phật không dùng một hình ảnh nào khác để thí dụ, mà lại dùng hình ảnh bốn bà vợ với mục đích gì? Vì hình ảnh này luôn luôn gần gũi với đời sống hằng ngày của chúng ta, nhằm phá sự chấp trước do si mê tham đắm, mà thấy biết sai lầm không đúng với lẽ thật về thân phận của một kiếp người.
Hình ảnh bà vợ thứ nhất, Phật dụ cho sắc thân của mỗi người chúng ta.
Hình ảnh bà vợ thứ hai, Phật dụ cho tiền bạc của cải của chúng ta ở trong nhà. Ta đi đâu đó cũng đều có tiền trong túi và không thể thiếu nó. Nhưng khi chúng ta chết, nó chỉ nằm trong tủ hoặc két sắt thuộc phạm vi trong nhà, vì vậy mà bà vợ thứ hai chỉ nói đưa tới cửa mà thôi.
Hình ảnh bà vợ thứ ba, Phật dụ cho ông bà cha mẹ và họ hàng thân thuộc của hai bên chồng vợ. Người vợ thứ ba dụ cho sự nghiệp gia đình người thân, công danh chức tước. Khi đưa quan tài người chết tới huyệt thì họ đọc điếu văn kể công trạng, rồi mới hạ huyệt chôn cất, nên nói đưa tới mộ.
Hình ảnh bà vợ thứ tư, Phật dụ cho việc làm của mỗi người chúng ta được lập đi lập lại nhiều lần từ thân miệng ý, từ vô thủy kiếp đến nay, hay còn gọi là thói quen hoặc nghiệp báo. Cho nên, bà vợ thứ tư dụ cho nghiệp lành hay nghiệp dữ luôn theo ta như hình với bóng, ta ở đâu thì nó theo đó không rời nửa bước, chính vì thế mới tình nguyện chết theo.
Ai cũng vậy, lúc còn sống thì ta thương yêu quý tiếc gìn giữ sắc thân, tiền bạc của cải, và lo lắng bảo vệ cho gia đình người thân, nên từ đó ta dễ dàng gây tạo nhiều tội lỗi. Đến khi sắp chết lìa đời, ba thứ ta hay lo lắng, quý tiếc gìn giữ thân thương nhất, lại không thể nào mang theo được, mà chỉ mang theo nghiệp lành hay nghiệp dữ đã làm trong hiện tại.
Khi ta chuẩn bị từ giã cõi đời thì ba thứ thân thương nhất ta đều phải bỏ lại hết, duy chỉ có bà vợ thứ tư là ẩn dụ cho nghiệp báo tốt xấu của mỗi người, nó theo ta như bóng với hình, ta sinh ra chỗ tốt hay đọa vào chỗ xấu là tùy thuộc vào việc làm và thói quen của ta trong hiện tại. Nó sẽ theo ta trong suốt cuộc hành trình với những đời sống kế tiếp.
Thật ra, chết không phải là hết, mà chết chỉ là thay hình đổi dạng để tiếp tục đời sống mới trong ba cõi sáu đường, trời, người, A Tu La, và địa ngục, quỷ đói, súc sinh. Hai loại chúng sinh ta dễ dàng nhìn thấy nhất là con người và các loài súc sinh. Còn bốn con đường kia, khi ta có sự thể nghiệm trong quán chiếu tu tập, ta mới có thể thấy rõ tường tận từng cảnh giới sống của chúng.
Nhìn vào thực tế trong đời sống nhân gian bằng sự quán sát và xem xét, ta có thể thấy chư Thiên vẫn hiện hữu nơi cõi người. Như những người giàu sang nhiều tiền bạc của cải, họ có quyền cao chức trọng, nhưng họ vẫn sống có nhân cách và đạo đức, luôn luôn giúp người cứu vật, sống vì lợi ích tha nhân nhiều hơn là chính mình. Đó là chư Thiên hiện tiền trong thế giới con người chúng ta.
Có nhiều người tuy thường xuyên gieo trồng phước đức, giúp người cứu vật, và sẵn sàng san sẻ giúp đỡ khi gặp người khó khăn hoạn nạn, bất hạnh khổ đau, nhưng tính tình còn nhiều nóng giận hay la rầy, nói nặng nói nhẹ, mắng chửi người khác, do đó hiện tướng A Tu La ngay nơi cuộc sống này.
Ai đang làm từ thiện để đóng góp sẻ chia thì hãy nên suy xét lại, nếu không khéo tuy có lòng giúp đỡ tha nhân, nhưng làm cho người ta sinh tâm ganh ghét, giận hờn, có khi gây thù chuốc oán, phản tác dụng trở thành oan gia trái chủ.
Ai trực tiếp giết hại người vật một cách tàn nhẫn, dã man, không thương tiếc, chế tạo vũ khí để xúi người ta giết chóc hoặc mở lò sát sinh, luôn gây chiến tranh để nhân loại tàn sát giết hại lẫn nhau, thì địa ngục sẽ hiện tiền nơi cõi Ta Bà này. Người Phật tử chân chính không trực tiếp, hay xúi bảo, hoặc vui vẻ khi thấy người khác giết hại, thì tránh được khổ báo không bị đọa địa ngục trong hiện tại và tương lai.
Kẻ tham lam bỏn sẻn có nhiều tiền của không đem ra giúp người khi gặp thiếu thốn khó khăn, thà để hư mục, hoặc bóc lột sức lao động của con người và vật quá đáng. Tuy giàu có nhưng không bao giờ biết mở lòng với ai, mà còn tìm cách vơ vét về cho riêng mình, tâm địa ích kỷ, san tham, hẹp hòi là nhân bị đọa vào loài quỷ đói, để chịu khổ báo đói khát vô lượng kiếp.
Tóm lại, vì sự sống của riêng mình và người thân, hay rộng hơn là một đất nước mà ta đành lòng giết hại gây đau khổ cho nhau cũng chỉ miếng ăn thức uống, hay các nhu cầu cần thiết khác. Phật dạy, đời sống của chúng ta là một chuỗi dài nhân duyên, liên quan mật thiết với nhau.
Dù ta có tài giỏi đến đâu cũng phải nương nhờ lẫn nhau theo tiến trình diễn biến nhân quả mới bảo tồn mạng sống, ta không làm ruộng nhưng vẫn có cơm để ăn, ta không dệt vải nhưng vẫn có quần áo để mặc, và cứ tương tự như thế các nhu cầu cần thiết khác cũng lại như vậy. Chính vì thế, Phật dạy chúng ta cần phải có bổn phận, trách nhiệm, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết, trên tinh thần vô ngã vị tha
Tác giả : Thích Đạt Ma Phổ Giác
Nguồn http://thuvienhoasen.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét