Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

TUYỆT ĐỐI ĐỪNG TÙY TIỆN THỀ ĐỘC, ĐỌC XONG CÂU CHUYỆN NÀY BẠN SẼ BIẾT NGUYÊN NHÂN!

                                                          Kết quả hình ảnh cho thề Ä‘á»™c

                                                                     Hình internet

Câu chuyện về nhân quả báo ứng do một ni cô kể lại sẽ khiến cho nhiều người phải sám hối.


Kinh Hiền Ngu của đạo Phật từng truyền lại một câu chuyện thế này:
Vào thời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có một số ni cô sau khi xuất gia vẫn cảm thấy dục niệm còn lưu lại trong tâm can mình. Họ liền cùng nhau tới gặp một vị ni cô già để xin lời chỉ dạy.
Vị ni cô này nói với họ, mọi suy nghĩ và hành động thể hiện sự tham dục của con người cũng giống như ngọn lửa cháy lan ra khắp nơi, càng cháy càng mạnh, những thứ bị nó thiêu rụi cũng càng nhiều.
Sau đó, bà kể cho những người kia nghe về câu chuyện nhân quả - báo ứng mà đích thân bà từng thể nghiệm.
Trong kiếp trước, vị ni cô ấy từng là một đại phu nhân của gia đình danh giá. Tuy gia thế phú quý, nhưng cả đời lại không có được một người con.
Sau này, chứng kiến phu quân lấy vợ lẽ và sinh được một người con trai, bà cảm thấy vô cùng ganh tỵ, dần dần nảy sinh uất hận, lại bởi uất hận mà hình thành tà niệm, nên đã lén bỏ thuốc giết chết đứa trẻ.
Khi cậu bé vô tội ấy qua đời, Nhị phu nhân khóc ngất mấy lần, đem lòng oán hận vì tin rằng bà cả đã hại chết con mình. Đại phu nhân đương nhiên không nhận tội, còn thề độc mà nói rằng:
"Nếu quả thực ta giết con cô, thì chồng ta sẽ bị rắn độc cắn chết, con ta sẽ bị chết đuối, bị chó sói cắn chết, tự ta sẽ ăn thịt con mình, rồi ta sẽ bị chôn sống, cha mẹ ta cũng bị thiêu chết".
Trong kiếp trước, lời thề độc của bà không hề trở thành hiện thực...
Sau khi qua đời, bà chuyển kiếp thành một người phụ nữ. Đó chính là ni cô ở đời này. Thế nhưng, ác nghiệp và lời thề độc từ kiếp trước đã theo tới kiếp này và khiến bà phải nhận báo ứng.
Ở kiếp này, bà đầu thai thành một cô gái xinh đẹp, xuất thân từ gia đình cao quý. Tới khi trưởng thành, bà kết hôn cùng một người đàn ông ưu tú, có được cuộc hôn nhân vô cùng xứng đôi vừa lứa.
Sau này, ba mẹ chồng lần lượt qua đời, bản thân bà lại mang thai đứa con thứ hai nên nói với chồng cho mình về nhà mẹ đẻ an dưỡng.
Chồng bà đương nhiên đồng ý. Hai người nhanh chóng thu xếp hành lý và đưa đứa con lớn về nhà ngoại.
Nào ngờ mới đi được nửa đường thì bà đã trở dạ muốn sinh. Đứa trẻ sinh ra vẫn còn mùi máu tanh, mùi hương ấy đã dẫn dụ rắn độc đến cắn chết chồng bà ngay trên đường.
Không còn cách nào khác, bà đành cố nén đau thương, lưng cõng người con lớn, tay bồng đứa con nhỏ, tiếp tục lên đường về nhà mẹ đẻ.
Họ cứ đi mãi cho đến khi tới một con sông lớn chẳng có người qua lại. Người phụ nữ ấy chỉ có thể để đứa con trai lớn ở bên bờ sông, rồi ôm đứa nhỏ lội qua dòng nước. Sau đó, bà lại đặt đứa con nhỏ bên bờ, định bụng bơi về bên này để quay lại đón đứa lớn. 
Trớ trêu thay, khi đang quay lại để đón con trai lớn, thì đứa bé ấy trong chớp mắt đã tự nhảy xuống nước bơi đến chỗ mẹ, nhưng lại bị một con sóng lớn cuốn đi mất. Bà đau đớn vô cùng, quay lại nhìn người con mới sinh thì lại phát hiện ra đứa bé đã bị chó sói ăn thịt.
Phải tận mắt chứng kiến hết thảy những cảnh tượng ấy, người phụ nữ đau đớn đến mức tuyệt vọng. Lúc này đây, lựa chọn duy nhất của bà là trở về nương nhờ nhà mẹ đẻ. Không ngờ rằng, nhà bố mẹ ruột bị hỏa hoạn, cả gia đình chết cháy, không một ai còn sống…
Sau này, bà buộc phải tái hôn lần nữa. Một đêm nọ, người chồng sau khi đã uống say liền trở về nhà gõ cửa.
Khi ấy bà vừa mới sinh con, chưa kịp ra mở cửa. Người đàn ông ấy nổi điên, phá cửa xông vào, làm đứa con trai mới sinh ngã xuống đất chết.
Trong cơn say, ông ta lấy thi thể của con mình rán lên rồi bắt vợ ăn. Bà cương quyết không chịu, liền bị chồng đánh tới mức thập tử nhất sinh, chỉ còn cách mở miệng nuốt vào miếng thịt của chính con đẻ mình.
Sự việc hôm ấy giáng cho bà một đòn đả kích chí mạng. Không lâu sau, người phụ nữ tội nghiệp này trốn đến thành phố Varanasi và dừng chân nghỉ ngơi ở ngoài thành.
Bấy giờ, ở đó có một vị trưởng giả vô cùng quyền thế. Con trai của người này góa vợ đã lâu, đúng ngày hôm ấy cũng ra ngoài thành để thắp hương người vợ quá cố, vừa vặn nhìn thấy một phụ nữ đang mệt mỏi tựa vào gốc cây ven đường.
Như có điều gì mách bảo, người đàn ông ấy liền tìm đến hỏi thăm. Bà cũng đem hết thảy mọi đau khổ mà mình đã phải chịu đựng kể lại cho người đó.
Người đàn ông góa vợ rất cảm thông và thương cho hoàn cảnh tội nghiệp của bà. Không lâu sau đó, hai người kết làm vợ chồng.
Nhưng ngày vui chẳng được bao lâu, kết hôn một thời gian ngắn thì người chồng bạc mệnh qua đời.
Theo phong tục của thành phố Varanasi, người vợ buộc phải chôn theo người chồng quá cố của mình. Điều đó đồng nghĩa với việc bà trở thành vật bồi táng và bị chôn sống.
May mắn thay, bị chôn xuống đất chưa lâu thì có đám trộm mộ trong vùng tới đào ngôi mộ mới, nhờ vậy mà bà thoát chết.
Thủ lĩnh của đám trộm mộ thấy bà dung mạo đoan chính, liền ngỏ ý muốn lấy bà làm vợ. Thế nhưng chẳng bao lâu sau, người chồng mới của bà lại bị bắt và kết án chém đầu.
Đám đàn em dưới trướng vẫn tuân theo luật lệ của Varanasi, đem bà chôn sống cùng thủ lĩnh. Dường như vận mệnh chưa tuyệt đường sống, đám sói hoang đến đào xới ngôi mộ mới đắp, bà một lần nữa được cứu.
Cả một đời phải trải qua không biết bao nhiêu khổ nạn, sau khi trở về từ nấm mộ kia, bà đã thề phải tới chỗ Phật Thích Ca Mâu Ni xin được xuất gia.
Khi tìm thấy Đức Phật, bà vừa khóc vừa kể lại cuộc đời truân chuyên của mình, cũng vừa sám hối những lỗi lầm trong quá khứ với mong muốn được Đức Phật thương xót và cho mình xuất gia tu hành.
Nhận được sự đồng ý của Phật Thích Ca, bà đã cạo đầu và xuất gia. Trải qua nhiều khổ hạnh cuối cùng người phụ nữ ấy đã đạt quả vị A La Hán và nhìn thấy những nghiệp chướng mà mình gây ra ở kiếp trước.
Cứ như vậy, ni cô già từ tốn kể lại tất cả những câu chuyện kiếp trước – kiếp này của bản thân mình cho các ni cô khác nghe.
Nghe xong ai nấy đều nơm nớp lo sợ trong lòng. Vì họ đã hiểu được rằng, tham dục của bản thân tựa như lửa cháy trên cánh đồng, nếu không sớm ngày dập tắt thì ắt không gánh nổi quả báo. Kể từ đó, các ni cô ấy một lòng tu tập, tham niệm trong lòng cũng dần dần biến mất.
Có người cho rằng, nói ra lời thề chỉ là một việc làm mang tính hình thức. Kỳ thực không phải như vậy.
Vào thời điểm lập một lời thề, trong cõi u minh đều có thần linh chứng giám cho lời nói, việc làm và suy nghĩ của chúng ta.
Vì vậy, chúng sinh nếu thề thốt sau khi làm việc xấu cũng giống như gieo vào mặt đất một hạt giống hủy diệt, khi nghiệp duyên "chín" thì ắt sẽ gặp quả báo…
Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: