https://quangduc.com/a78171/gioi-thieu-va-cam-nhan-tap-tho-hoa-khuc-tri-giao-cua-cu-si-minh-dao
GIỚI THIỆU VÀ CẢM NHẬN TẬP THƠ HÒA KHÚC TRI GIAO CỦA CƯ SĨ MINH ĐẠO
Sự chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (Sanskrit: Anuttara-samyak-sambodhi) là một thuật ngữ cao quí, giác ngộ hoàn toàn
không sai lầm vượt qua mọi giới hạn loại bỏ hoàn toàn vô minh, thấu rõ trọn vẹn
bản chất của vũ trụ và Phật đã nói ra giáo pháp, chỉ rõ con đường, phương pháp
để hành giả chứng ngộ, an lạc, giải thoát.
Giáo pháp đã được truyền thừa qua kinh điển mà thiền
đường, tu viện…nơi các nhà sư giảng giải khơi thông những khúc mắc, hoài nghi,
hướng cho phật tử đến tu tập ngày càng thấu rõ hơn. Ghi ơn sự truyền dạy ấy
trong tập nầy tác giả phần lớn những bài thơ tán thán công đức chư vị giảng sư,
trụ trì, hành giả … và hoạ lại những bài thơ của chư vị Tỳ Kheo, thi hữu.
Tri
âm mấy độ thoả mong chờ
Gộp
mảng duyên trần nối đạo thơ
Đây là 2 câu thơ trong bài thơ đầu tiên trong
tập thơ nầy cũng như dòng thư pháp trang bìa. Gặp nhau trong thơ văn hướng về
sự tu tập, đạo hạnh, bài kệ, câu kinh …và nói lên những suy nghĩ, những lý, sự trong
đạo pháp, không câu nệ, không cố chấp hòa cùng vần thơ trong sáng, an vui.
Trong lời ngỏ của tập thơ tác giả cũng có ý đề
cập đến chữ duyên. Gặp nhau trong đời cũng là duyên, tạo dựng bao thời nay gặp
lại với 2 từ thuận, nghịch. Gặp nhau trong sự tương quan mật thiết, đồng cảm đó
là thuận và trái lại là nghịch. Đạo và Thơ cũng thế:
DUYÊN THƠ
Gieo từng khúc chữ thấm
càng hay
Sống đạo duyên trao rõ
giải bày
Ý khởi thông tinh đâu
chướng ngại
Tâm bình mật thiết chẳng
điều cay
Đạo, đời thường có sự gắn kết, nương vào nhau bình đẳng không
phân biệt vì trong đạo có đời, trong đời có đạo, đó là pháp luôn hiện hữu bổn
tánh như như bất động trong vạn vật cùng trợ duyên cho nhau. Từ căn bổn ấy để
hành giả tỉnh thức vượt qua những chướng ngại, hãy thôi mộng, tâm đừng rong
chơi (Tâm động), như trong bài CHẲNG THƯỜNG:
Huyền linh trải rộng chẳng vô tri
Vạn cảnh xoay vần rõ tế vi
Cứ gởi tâm rong… còn lỡ nữa!
Thêm hoài mộng tưởng… để không gì
Nhìn một bông hoa, một chiếc lá, một mảnh trăng vàng với tâm
thanh thản, an nhiên hòa cùng vạn vật, không phân biệt, không suy luận, để cho
nó tự nhiên đến và đi. Đó là thiền, là đạo. Chuyện thế gian cũng thế, duyên đến
duyên đi, nó vốn là như thế đừng cưỡng lại, đừng bấu víu,
như bài NGẮM TRĂNG dấu nhẹm đi nhân
tình thế, cuộc thế vần xoay để tâm bình thản, đó là cảnh tiên giữa trần:
NGẮM TRĂNG
Dương
trần dấu nhẹm nghe bình thản
Cuộc
thế xua cùng rõ tỉnh yên
Gỡ
hết còn chi mà hỏi đạo…
Canh
chầy nguyệt khuyết ngẫm đời tiên.
Trong
bài họa Trang Nghiêm Cõi Tịnh, cảnh vườn đó không gian đó mà ngắm hoài chẳng
vơi. Sự tỉnh lặng yên bình không mảy xao động tâm, thì hiện ra nhiệm mầu khi đối
cảnh, lá xanh hoa vàng hình ảnh nầy không nhuốm màu phàm tục và lặng yên vô tận…
TRANG NGHIÊM CÕI TỊNH
Ngắm
mãi quanh vườn miết chẳng vơi
Vàng
hoa lá nõn ánh xuân ngời
Hồn
nhiên cảnh vật lòng phơi phới
Lẳng
lặng sân nhà dạ thảnh thơi
Trong bài XUÂN NGỜI, đến với thế gian thì vui cùng thế gian, hòa cùng thế
gian, niệm ân cùng thế gian đã nuôi ta, trưởng dưỡng những thánh thiện để đi
đến pháp của Phật,vần xoay của thế gian là duyên khởi trùng trùng, nhưng đó là
một khái niệm khởi đầu trên con đường tu tập. Tỉnh thức để trải nghiệm từ những
động tỉnh những gì xảy ra trước mắt:
Hoà câu trải nghiệm, nương người thế
Để nhịp vần xoay, giũa khúc đời
Trên đường học đạo, ngoài thấm hiểu lý, sự để vững bước,
dù đường gập gềnh khó bước nhưng lập hạnh nguyện, biết sợ Ba Tên là Tham lam,
Sân hận, si mê và bốn độc (tứ chủng độc) là cội gốc của khổ đau nên người tu
hành xem đó là bốn thứ độc, cũng gọi là bốn con rắn độc (Tứ độc xà). Với mấy
câu trong bài:
HẠNH NGUYỆN
Ba Tên tiếp mãi… Nghe mà sợ
(*)
Bốn Độc thường hay …Thấm chớ gần (**)
Quán tưởng Sát – Na tâm lẳng lặng
Lâu dần sáu nẻo cũng thành chân…
------------------------
(*)Tam
độc tiễn: tham lam, sân hận và si mê
(**)
Tứ chủng độc: Kiến độc, Xúc độc, . Khiết
độc, Hư độc
Sự
vô thường giữa cuộc đời chóng hiện, chóng mất hãy nhìn về một kiếp người, sanh
lão, bệnh, tử, nghiệp duyên luôn đưa đẩy ta hợp rồi tan, cảnh trầm luân trong
sáu đường nghe mà sợ, chính vì vậy nên tỉnh thức, nên qui hướng về giáp pháp để
tự tin vững bước trên con đường đến giải thoát:
CHẲNG THƯỜNG
Hiểu rõ trầm luân lìa thoát nợ
Quay tìm liễu giác giảm hoài vương
Muôn người nghiệp chướng nào ai khỏi
Ngẫm kỷ thì ra …chuyện khó lường!
Và 4 câu trong bài THỜI QUA
Xuân về hạ đến ngắm thời qua
Vạn cảnh đong đưa vốn nó là
Thực hư hư thực tùy duyên chuyển
Tánh lặng nơi về nguyện chính ta.
Lược sơ qua vài ý trong tập thơ, cũng để khái
quát lên trong tập nầy qua những bài tán thán công hạnh quí vị tỳ kheo và những
bài xướng họa với các vị. Tác giả luôn nhắc đến tính chân thật của vạn vật,
không đi không đến, không còn không mất đó là bổn tánh chơn như và luôn hiện
hữu trước mắt ta, vì thế trong tinh thần nầy TG bằng những ngôn từ, vần điệu
làm cho ta những cảm nhận ra bổn tánh trong lành sáng suốt ở chính mình, sở dĩ
ta còn trầm luân, mê mờ vì qua nhiều đời nhiều kiếp dần bao phủ bởi màng dày vô
minh.
Qua tập thơ nầy, đó là cái nhìn của một vị rõ
đạo, hiểu được cái sâu xa của pháp mà hòa cùng thi văn để đến với độc giả. Và
xin trân trong cám ơn TG đã chuyển tập thơ.
Cư sĩ Minh Đạo làm thơ, viết thư pháp, vẽ thủy
mặc và viết nhạc đều nhìn sự vật, cuộc đời bằng tinh thần đạo pháp, suy ngẫm,
chiêm nghiệm cái vốn thực, bản chất thực, không khoa trương, không ồn ào mà
bằng sự trầm tỉnh, yên bình.
Tháng 4 năm 2025
Giác Đức – Nguyễn Duy Nhiên
ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ “HOÀ KHÚC TRI GIAO”
CỦA MINH ĐẠO
Tôi nhận được tập thơ của cư sĩ Minh Đạo gửi tặng cũng đã khá lâu, đó là thời gian những ngày cận kề lễ Phật đản, tiếp theo là những ngày bạn rộn trong mùa Phật đản, rồi đến hậu Phật đản nữa nên không có thời gian đọc cặn kẻ cả tập thơ mà chỉ đọc được một số bài. Những người thích làm thơ và đọc thơ thì ai cũng biết đọc thơ Đường luật không như đọc thơ tình. Vì thơ tình đọc xong là có cảm nhận ngay tức khắc, vì ngôn ngữ của thơ tình nó đi thẳng vào trái tim mình,
còn đọc thơ Đường thì sự cảm nhận không thể dễ dàng như thế, một bài thơ Đường chỉ có tám câu nhưng để hiểu và cảm thụ được cái hay cái đẹp của nó thì ngoài trực giác ra cần có một sự nghiền ngẫm về phép dụng ngôn, ý, tứ thơ cũng như qua quy luật về vần, niêm, luật, đối… nữa!
Cư sĩ Minh Đạo tôi gọi là thầy vì là phu quân của cô giáo chủ nhiệm lớp tôi thời cấp ba. Thầy là một nhà thư pháp, một hoạ sĩ vẻ tranh thuỷ mặc, một nhạc sĩ sáng tác nghiệp dư và ngón chính là một nhà thơ chuyên về thất ngôn bát cú Đường luật, một số thơ khác như lục bát, tự do hay thơ 7 chữ, 8 chữ… với thầy chỉ là những bông hoa nhỏ, để tạo sự đa dạng và phong phú cho vườn thơ của thầy mà thôi!.
Lần đọc những bài thơ trong thi tập HOÀ KHÚC TRI GIAO,
ta cảm nhận một hương vị thiền lan toả cùng sự an nhiên tự tại trong từng câu chữ, từng bài thơ. Tập thơ này là những bài thơ sáng tác hoặc xướng hoạ với các thi nhân mà hầu hết là những vị tu sĩ, thiền sư đạo cao đức trọng. Thế nên nội dung cũng xoay quanh về sự nhiệm mầu của Phật pháp, sự an nhiên, tỉnh lặng nhuốm chất liệu thiền vị trong tâm thức, trong cảm nhận, trong hành xử giữa đạo và đời “Phật pháp bất ly thế gian giác”. Thế nên ta cảm nhận được hương vị giải thoát, chất liệu từ bi và trí tuệ trong sự cảm nhận hết sức tinh tế, ứng dụng trong cuộc sống đời thường.
Lập hạnh rèn tu tánh lặng ngời
Dương trần phúc ấm chẳng nào vơi
Tâm an kệ tụng phiền đâu buộc
Dạ lữ lòng rong ác khó rời
Gặp pháp xin nguyền nương tựa Phật
Theo Thầy lỉnh giáo trả ơn đời
(Tu học)
Với hai câu cuối ta thấy sự quay về nương tựa đủ ba ngôi Tam Bảo của một người phật tử. Hay trong một bài thơ khác, ánh sáng Phật pháp đi vào đời một cách vô ngại
Đức hạnh khuyên tu chớ vướng tà
Thương người lấy huệ rải lòng tha
Từ bi nhiếp chúng thì không cửa
Độ lượng điều căn rõ chẳng nhà…
(Kính mừng ngày Đức Phật Thích-ca xuất gia)
Thơ Minh Đạo cho ta cảm nhận được mùa xuân trong cõi
thiền là một sự tỉnh lặng đến an nhiên tịch tĩnh, một mùa xuân miên viễn trong tâm thức, không giao động trước cõi trần gian tục luỵ
Tịch tĩnh am thiền nương pháp diệu
Trang nghiêm cửa Tổ ngắm trăng tà
Xuôi nguồn vững bước an thềm dạo
Chớ để tâm chùng bổn tánh xa
(Xuân bình yên)
Sống giữa cõi trần gian lắm nhiễu nhương, nhiều phiền não, bụi trần không muốn cũng vương mang, thế nên tác giả luôn tự nhủ với lòng mình, trong cõi thế vô thường đời người như gió thoảng, như mây bay…nên phải sống thế nào cho trọn đạo.
Niệm Kinh Vàng
Bình minh lẳng lặng niệm kinh vàng
Nhập đạo thâm huyền rõ tánh an
Không động bao thời cho tuệ lắng
Đừng say vạn lối để tâm tràn
Ngày đêm gắng giữ càng xua nạn
Nghiệp phận li dần, chớ chuốc oan
Chóng vánh đời người như gió thoảng
Nương Thầy sống vẹn đón thiều quang
Sống thiền trong từng giây phút, thân ở đâu thì tâm ở đó, luôn giữ tâm an trú trong
chánh niệm, “đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền!”
Không xao vắng bặt nhìn hơi thở
Chẳng đắm tịch nhiên miệng mỉm cười
(Thiền)
Xuân về hạ đến ngắm thời qua
Vạn cảnh đong đưa vốn nó là
Thực hư, hư thực tuỳ duyên chuyển
Tánh lặng nơi về nguyện chính ta
(Thời qua)
Ngoài những bài thơ tự sự hoặc tự nhủ, tự răn với lòng mình hãy luôn tinh cần hành trì tu tập để sống đạo giữa đời thường, tâm không còn vướng mùi tục luỵ chốn trần gian, nương theo ánh đạo vàng để thoát khỏi khổ đau phiền não của kiếp nhân sinh. Đa số các bài thơ còn lại thầy Minh Đạo đều tập trung theo chủ đề tán dương sự nhiệm mầu của giáo pháp Đức Phật, tán dương công hạnh những bậc long tượng đạo cao, đức trọng trong Phật Giáo Việt Nam. Ví như viết về cố HT Tuệ Sỹ:
Đạo sỹ uyên thâm hiện cõi đời
Nay về đất Phật…chốn trần rơi
Tinh thông giáo pháp qua nhiều ngã
Dịch thuật thiền kinh cảm vạn lời
Học giã suy từ an chẳng lỗi
Đàn thơ tải đạo rõ không lời
Cung tán trưởng lão Hoà thượng Trí Nghiêm
Như Lai Phật thuyết bày kinh luận
Bát nhã người trao gợi phước điền
Pháp kệ tâm bình an kẻ lắng
Trần gian hạnh nhẫn rạng đời yên
Bài thơ mừng khánh tuế Hoà thượng Thông Mẫn, khai sơn tu viện Quảng Đức (Australia)
Vì thương tứ chúng bày nhân thiện
Bởi nhận trăm đường tỏ phước an
Thế thái nhân trần vui diễn kệ
Điềm nhiên hạnh nguyện đức từ lan
Những bài thơ tán thán công hạnh của HT Viên Minh, HT Thông Trí, TT Pháp Trú, TT
Quảng Đạo, TT Hạnh Tấn…Ngoài ra những bài thơ còn lại là xướng hoạ với những vị Tăng sĩ yêu thơ Đường, với những vần thơ đậm chất thiền đạo như HT Minh Đức-Triều Tâm Ảnh, Ht Thái Hoà, HT Như Điển, TT Thích Nguyên Tạng, trụ trì tu viện Quảng Đức (Australia) và chủ biên trang web Trang
nhà Quảng Đức (đây là trang mà Minh Đạo kết duyên thơ văn xướng hoạ cùng với những Chư tôn đức rất tâm đắc), cùng những vị khác như HT Đồng Bổn, TT Chúc Hiền (là người bạn thơ rất ăn ý và tri kỷ).
Kết duyên cùng bạn thơ, đồng cảm, đồng điệu và tri âm, tri kỷ là một mối lương duyên hết sức thanh tao và thú vị, nếu mối lương duyên đó được kết với những bạn đạo, những tăng sĩ đạo hạnh để cùng đàm đạo, chia sẻ về sự nhiệm mầu của Phật pháp, về hành trình tu tập giác ngộ tự thân, sống an nhiên tỉnh lặng giữa dòng đời luôn biến động thì đó là mối giao cảm trên cả tuỵệt vời, vì nó nâng tâm hồn của hành giả lên một tầm cao, tầm cao của cảnh giới Tịnh Độ Trần Gian.
Chân thành cám ơn thầy Minh Đạo đã gửi tặng thi phẩm. Xin chia sẻ đôi điều cảm nhận
Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật.