Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

GIÀU – NGHÈO HƠN NHAU Ở CÁCH SỐNG: TRONG TAY CỦA CẢI ĂN BA ĐỜI KHÔNG HẾT NHƯNG THIẾU ĐIỀU NÀY, CUỘC ĐỜI MÃI CHẲNG ĐỦ ĐẦY

 


Sở hữu số dư tài khoản rất nhiều con số nhưng chẳng có thời gian tiêu tiền, vậy "tiền nhiều để làm gì"?


Chú thỏ trắng trong Alice in Wonderland chạy với chiếc đồng hồ và lặp đi lặp lại: "Tôi đến muộn, tôi đến muộn, tôi đến muộn" là một ví dụ cho cuộc sống của nhiều người hiện nay. Cảm giác bản thân không có đủ thời gian để làm những gì mình muốn là một điều thường trực trong cuộc sống của hầu hết mọi người.

Con người thường tập trung vào một vấn đề trước mắt để rồi bỏ quên những cuộc sống xung quanh. Trong khi chạy theo công việc, chúng ta có thể đang bỏ lỡ rất nhiều điều. Thời gian không phải là vàng, nó là một phần của cuộc sống và chúng ta thường lãng phí vì nghĩ rằng mình còn rất nhiều.

Chúng ta suy giảm sức khỏe do không được nghỉ ngơi điều độ vì phần lớn thời gian chạy theo công việc. Chúng ta bỏ lỡ những ước mơ khi tuổi tác ngày một nhiều. Chúng ta bỏ lỡ những ngày tháng thanh xuân khi làn da ngày một nhăn nheo... Quan trọng nhất, chúng ta bỏ lỡ những khoảnh khắc chia sẻ với những người yêu thương vì luôn bận rộn.

"Nghèo thời gian" 

Ai đó đã nói rằng không có cái gọi là thiếu thời gian, chỉ là thiếu sự quan tâm. Trong một số trường hợp, điều này không phải là sai. Tuy nhiên, hiện tại phần lớn trong chúng ta tin rằng thiếu thời gian là biểu hiện cho một cuộc sống bận rộn và hiệu quả.

Nhiều người tin rằng làm việc càng nhiều càng chứng minh được khả năng của bản thân. Họ tin rằng càng làm việc, cuộc sống sẽ càng tốt lên. Theo xu thế đó, những người nhàn rỗi được coi là những kẻ lười biếng, vô trách nhiệm.

Những điều hối tiếc vì "nghèo thời gian"

Mọi người dành một phần lớn thời gian thức để làm việc. Sau đó, họ sử dụng thời gian còn lại cho những nhu cầu khác của cuộc sống như mua sắm, chăm sóc con cái và hoàn thành các công việc khác. Sau một ngày quay cuồng, họ chẳng còn gì ngoài sự mệt mỏi và những cơn buồn ngủ kéo đến.

Lặp lại vòng tuần hoàn như vậy từ ngày này qua ngày khác, không ít người hối tiếc khi ngoảnh lại. Họ ân hận vì đã không dành nhiều thời gian hơn cho những người thân yêu và bản thân. Họ cũng hối tiếc vì thiếu thời gian để hiện thức hoá giấc mơ và trì hoãn nó.

Mạng xã hội và cuộc sống thực tế

Thiếu thời gian và các vấn đề tâm lý là những mặt trái khi sử dụng công nghệ. Mọi người sẽ luôn tự tìm ra những cái cớ để lướt mạng xã hội ngay cả khi họ luôn bận rộn và có rất nhiều công việc cần hoàn thành.

Mọi người dường như đang hạnh phúc trong "thế giới ảo". Ở đó chứa đầy những hình ảnh về những nơi chúng ta muốn ghé thăm, những trải nghiệm chúng ta muốn thử, những thứ chúng ta muốn khám phá, những người chúng ta muốn đi chơi cùng… Nhưng điều đáng tiếc nhiều người đang lún quá sâu vào trong cuộc sống ảo đó để rồi khi ngoảnh lại cuộc sống đã bước sang một giai đoạn mới...

Một người có thể có một công việc xuất sắc và mức lương cao nhưng họ lại "nghèo". Nghèo ở đây không phải về tiền bạc mà là nghèo về cảm xúc, về đời sống. Một tâm lý đã ăn sâu vào xã hội ngày nay. Thử nghĩ xem, một tài khoản ngân hàng với những dãy số dài chẳng có ích gì nếu bạn thiếu thời gian tận hưởng và sử dụng chúng.

Ở Nhật có một thuật ngữ gọi là "karoshi", một từ để chỉ những người chết do làm việc quá sức. Thực tế là không phải tất cả những cái chết xảy ra đều là kết quả của các cơn đau tim hoặc đột quỵ, hậu quả của việc kiệt sức. Nhiều người tự kết liễu mạng sống của chính mình vì những ám ảnh về tâm lý.

Làm thế nào để có một cuộc sống giàu thời gian?

Vấn đề ở đây là chúng ta không phải lúc nào cũng nắm trong tay mọi thứ. Cách mà xã hội và các cá nhân trong đó sắp xếp rõ ràng không phải lúc nào cũng cho phép mọi người dung hòa công việc với cuộc sống cá nhân của mình.

Công trình nghiên cứu do Tiến sĩ Therese Macan của Đại học Missouri thực hiện chỉ ra rằng các chiến lược quản lý thời gian không phải lúc nào cũng hữu ích trong những bối cảnh ngày nay. Chúng có thể giúp chúng ta giải tỏa một số căng thẳng nhưng tình trạng kiệt sức trong công việc vẫn sẽ xảy ra.

Đúng là mọi người cần phải nghiêm túc cải cách lối sống của mình. Bạn có thể tham khảo về một số biện pháp sau:

Phân biệt điều gì khẩn cấp và điều quan trọng. Cố gắng sắp xếp một ngày của bản thân ngay khi bạn thức dậy và sắp xếp thời gian để giải trí và nghỉ ngơi trong chương trình làm việc của mình. Bạn phải có ít nhất một hoặc hai giờ để làm bất cứ điều gì bạn thích (hoặc không làm gì cả). 

Học cách ủy thác trách nhiệm. Thay vì ôm đồm mọi công việc vào bản thân, bạn có thể nhờ người khác giúp đỡ hoặc thuê một người trợ lý. Như vậy, bạn có thể "mua" được chút ít thời gian cho chính mình..

Thiếu thời gian đồng nghĩa với sự nghèo nàn, mọi sự thiếu thốn đều gây ra những thiệt hại cho cuộc sống của chúng ta!

Nguồn: Exploring Your Mind

6 CÂU CHUYỆN Ý NGHĨA VỀ CUỘC SỐNG BẠN NÊN ĐỌC MỘT LẦN TRONG ĐỜI

 


Đôi khi chúng ta đã quên mất, từng sự việc nhỏ diễn ra hàng ngày đều mang một ý nghĩa nhất định cho cuộc đời mỗi con người. Cùng đọc 8 câu chuyện nhỏ ý nghĩa dưới đây và suy ngẫm:

Câu chuyện số 1: Chiếc lược tình yêu

Một ngày nọ, người vợ có mái tóc dài bảo chồng hãy mua cho bà một chiếc lược mới để bà chải tóc được gọn gàng hơn. Người chồng đã xin lỗi và từ chối bà. Ông nói rằng mình còn không có đủ tiền để sửa chiếc đồng hồ đeo tay bị hỏng. Người vợ nghe vậy và không nói gì thêm.

Hôm sau người chồng đi làm, ông qua tiệm đồng hồ và bán chiếc đồng hồ của mình với giá rẻ để mua chiếc lược mới cho vợ.

Buổi tối, ông vui vẻ ngồi đợi vợ ở nhà với chiếc lược mới trên tay.

Tuy nhiên, một lúc sau, ông vô cùng sửng sốt khi thấy vợ xuất hiện với một mái tóc ngắn. Thì ra bà đã bán mái tóc của mình đi để mua cho ông chiếc dây đồng hồ mới.

Những giọt nước mắt rơi trên má họ, không phải vì những việc họ làm là vô ích, mà vì tình yêu sâu sắc mà họ dành cho nhau.

Câu chuyện số 2: Món hời với người nghèo

Một cô gái hỏi ông lão bán trứng: “Bao nhiêu tiền một quả trứng vậy ông?”

Ông lão trả lời: “Một đô hai quả thưa cô”.

Cô gái đáp: “Bán cho tôi một đô bốn quả, nếu không tôi không mua nữa”.

Ông lão: “Được thôi, cô lấy đi, đây là khởi đầu tốt vì có lẽ tôi sẽ chẳng bán được gì trong ngày hôm nay”.

Cô gái lấy trứng rồi hãnh diện bước đi. Cô cảm thấy mình đã trả được một món hời và đến một nhà hàng sang trọng gặp bạn bè. Ở đó, cô cùng các bạn ăn bất cứ thứ gì họ muốn. Tàn tiệc, hóa đơn của của họ lên tới 420 đô la. Cô gái đưa 500 đô cho chủ nhà hàng và bảo không cần trả lại.

Sự việc có vẻ giản đơn nhưng lại thật đau khổ đối với ông lão bán trứng. Nhiều người trong chúng ta luôn hào phóng với những người giàu có, mà lại quên đi tình người với những người khốn khổ.

Câu chuyện số 3: Miếng bánh mì cháy

Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không.

Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì.

Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi: “Em à, anh thích bánh mì cháy mà.”

Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy hay không. Cha tôi choàng tay qua vai tôi và nói:

“Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy.”

Rồi ông nói tiếp: “Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác.

Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ.

Cuộc đời rất ngắn ngủ để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.”

Bài học rút ra: Trong cuộc sống, bạn cần phải biết học cách cảm thông đối với điểm yếu, điểm hạn chế của người khác. Cảm thông với cuộc sống, tính cách của mọi người trong gia đình, bạn bè, vợ chồng… sẽ giúp bạn có một cuộc sống dung hòa xung quanh. Sự cảm thông – bí quyết nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình. Câu chuyện này chính là bài học về sự cảm thông giữa người với người.

Câu chuyện số 4: Hành trang lên đường

Có một hòa thượng muốn đi học tập ở nơi xa. Sư thầy hỏi: “Khi nào con đi?”

“Tuần sau con sẽ đi. Đường xa, con đã nhờ người đan vài đôi giày cỏ, sau khi lấy giày con sẽ lên đường.”

Sự thầy trầm ngâm một lát rồi nói: “Nếu không thì thế này, ta sẽ nhờ các tín chúng quyên tặng giày cho con.”

Không biết sư thầy đã nói với biết bao nhiêu người nhưng ngày hôm đó, có đến vài chục người đem giày đến tặng, chất đầy cả một góc căn phòng thiền.

Sáng hôm sau, lại có người mang một chiếc ô đến tặng cho hòa thượng.

Hòa thượng hỏi: “Tại sao tín chủ lại tặng ô?”

“Sư thầy nói rằng hòa thượng chuẩn bị đi xa, trên đường có thể sẽ gặp mưa lớn, sư thầy nói với tôi liệu tôi có thể tặng hòa thượng một chiếc ô?”

Thế nhưng hôm đó, không chỉ có người đó mang ô đến tặng. Đến buổi tối, trong phòng thiền đã chất khoảng 50 chiếc ô các loại.

Giờ học buổi tối kết thúc, sư thầy bước vào phòng thiền của hòa thượng: “Giày cỏ và ô đã đủ chưa?”

“Đủ rồi ạ!” – Hòa thượng chỉ vào đống ô và giày cỏ chất cao như ngọn núi nhỏ trong góc phòng. “Nhiều quá rồi thầy ạ, con không thể mang tất cả đi được.”

“Vậy sao được”, sư thầy nói. “Trời có lúc mưa lúc nắng, có ai tiên liệu được con sẽ phải đi bao xa, phải dầm bao nhiêu lần mưa gió. Nhỡ đâu giày cỏ đi rách hết cả, ô cũng mất, lúc đó con phải làm sao?”

Ngừng một lát, ông lại tiếp tục: “Trên đường đi, chắc chắn con sẽ gặp không ít sông suối, mai ta sẽ có lời nhờ tín chúng quyên thuyền, con hãy mang theo…”

Đến lúc này, vị hòa thượng mới hiểu ra ý đồ của sư phụ. Hòa thượng quỳ rạp xuống đất, nói: “Đệ tử sẽ xuất phát ngay bây giờ và sẽ không mang theo bất cứ thứ gì ạ.”

Từ câu chuyện này, chúng ta có thể dễ dàng nhìn ra rằng: Khi làm bất cứ việc gì, điều quan trọng không phải là những vật ngoài thân đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hay chưa mà là ta đã đủ quyết tâm hay chưa?

Có quyết tâm, vạch rõ mục tiêu, tất cả đều không còn là vấn đề, không còn là trở ngại.

Hãy mang trái tim của mình lên đường, mục tiêu dù ở xa bao nhiêu đi chăng nữa nhưng đường ở ngay dưới chân mình, hãy cứ đi rồi sẽ đến. Bạn bước đi dù chỉ một bước, điều đó cũng có nghĩa rằng bạn đã có thu hoạch. Chỉ cần đem theo trái tim lên đường, tất cả những vật ngoài thân khác tự sẽ đủ!

Câu chuyện số 5: Người đàn ông vứt bỏ đôi giày

Chuyến xe lửa đang chạy trên đường cao tốc, Johnny không cẩn thận làm rơi một chiếc giày mới mua ra ngoài cửa sổ, mọi người chung quanh đều cảm thấy tiếc cho ông. Bất ngờ, ông liền ném ngay chiếc giày thứ hai ra ngoài cửa sổ đó. Hành động này của Johnny khiến mọi người sửng sốt, thế là ông bèn từ tốn giải thích: “Chiếc giày này bất luận đắt đỏ như thế nào, đối với tôi mà nói nó đã không còn có ích gì nữa, nếu như có ai có thể nhặt được đôi giày, nói không chừng họ còn có thể mang vừa nó thì sao!”.

Bài học: Những thứ không còn lợi ích với mình đôi khi lại là niềm hạnh phúc vô bờ đối với người khác. Hãy trân trọng mọi thứ mình có và chia sẻ niềm hạnh phúc với mọi người.

Câu chuyện số 6: Cảm ơn bố đã cho con thấy chúng ta nghèo như thế nào!

Một ngày nọ, người bố giàu có dẫn cậu con trai của mình thăm thú một ngôi làng. Người bố muốn cho con trai của mình thấy một người nghèo có thể nghèo đến mức nào. Họ đã dành thời gian tham quan cánh đồng của một gia đình nghèo. Sau khi trở về, người bố hỏi cậu con trai:

– Con thấy chuyến đi thế nào?

– Rất tuyệt bố ạ!

Người bố hỏi:

– Con đã thấy người nghèo sống thế nào chưa?

– Vâng con thấy rồi ạ!

– Vậy nói cho bố nghe, con học được gì từ chuyến đi này?

Cậu bé trả lời: “Chúng ta có 1 con chó, họ có 4. Chúng ta có bể bơi, họ có những con sông. Chúng ta dùng đèn vào ban đêm, còn họ có những ngôi sao. Chúng ta có những bức tường để bảo vệ mình, họ có bạn bè. Chúng ta có TV, còn họ dành thời gian cho gia đình và họ hàng.”

Người bố không nói lên lời. Cậu bé nói thêm: “Cảm ơn bố đã cho con thấy chúng ta nghèo như thế nào!”.

Ý nghĩa câu chuyện: Chúng ta không giàu có chỉ vì có nhiều tiền. Tình yêu, lòng trắc ẩn, tình bạn, những giá trị đích thực, gia đình mới khiến bạn là người thực sự giàu có.

Minh Minh - Trí thức trẻ.

Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

TẠI SAO CHÚNG TA LUÔN PHẢI HÀO PHÓNG?

 



Tôi bắt đầu để tâm đến hành động này và hỏi bố tại sao lại làm như vậy? Bố tôi bèn nói: “Đó là quỹ từ thiện được bao bọc bởi phẩm giá, con yêu ạ.”

Người phụ nữ hỏi lão già: “Ông bán số trứng này giá bao nhiêu? ”Lão bán trứng trả lời: “3.000 đồng một quả, thưa bà.” Người phụ nữ liền nói: “6 quả 12.000 đồng, không bán tôi mua chỗ khác.” Lão bán trứng nói: “Cứ mua với cái giá mà bà muốn. Có thể đây là khởi đầu tốt, bởi từ sáng tới giờ tôi vẫn chưa bán được quả nào.”


Người phụ nữ lấy những quả trứng và rời đi, lòng thầm đắc thắng. Bà ta ngồi trên chiếc ô tô ưa thích của mình, tới một nhà hàng sang trọng để dùng bữa với bạn bè. Ở đó, bà và người bạn gọi bất cứ món ăn nào họ thích.


Sau đó, bà ra quầy thanh toán. Hóa đơn trị giá 1.950.000 đồng trả tới 2 triệu và còn dặn người chủ nhà hàng không cần thối lại. Tình huống này xem ra khá quen thuộc với người chủ cửa hàng, nhưng thật quá nhẫn tâm với ông già nghèo khổ bán trứng gà kia.


Vấn đề mấu chốt ở đây là: Tại sao chúng ta cứ phải tỏ ra quyền lực với những người nghèo khó? Và tại sao chúng ta luôn hào phóng với những người thậm chí không cần đến sự hào phóng của chúng ta?


Có lần tôi đọc được ở đâu đó một câu chuyện: “Bố tôi có thói quen mua những thứ đồ nho nhỏ với giá cao từ những người nghèo khó, mặc dù ông không hề cần đến. Thỉnh thoảng ông thậm chí còn trả thêm tiền cho chúng. Tôi bắt đầu để tâm đến hành động này và hỏi bố tại sao lại làm như vậy? Bố tôi bèn nói: “Đó là quỹ từ thiện được bao bọc bởi phẩm giá, con yêu ạ.”


Tôi biết hầu hết mọi người sẽ không chia sẻ thông điệp này, nhưng nếu bạn nghĩ rằng mọi người cần biết đến nó, vậy hãy lan tỏa nó.

Nguồn: Sống Đơn Giản

ĐẠO LÀM NGƯỜI CHỚ PHẠM PHẢI 2 TỘI ÁC TÀY ĐÌNH NÀY



Con người khi sống mà phạm phải 2 tội ác này, khi chết đi sẽ bị đày xuống địa ngục

Trong kiếp người, chúng ta có 2 tội không thể phạm phải...

Tội thứ nhất: Bất hiếu

 Phật dạy: trong muôn ngàn tội lỗi thì bất hiếu là tội nghiệp nặng nhất. 

Con cái là phải biết nghe lời cha mẹ, "cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư". Cha mẹ ta là người đi trước, là người thấu rõ cuộc sống, là người thương con nhất và chỉ muốn những điều tốt đẹp cho con mình. Mọi lời giáo dưỡng của cha mẹ hãy ghi nhớ, nếu cảm thấy phù hợp đúng đắn hãy nghe theo. Còn nhất nhất không nghe cha mẹ, để lời cha mẹ ở ngoài tai rồi đi vào con đường sai lầm, làm việc bất nhân bất nghĩa thì chẳng ai có thể thương nổi.

Cha mẹ cả đời làm lụng vất vả, ki ki cóp cóp chỉ là để cho con mình có cuộc sống tốt hơn vậy nhưng lại có những người phá của cha mẹ bằng sạch. Chúng lấy đồng tiền mồ hôi xương máu của cha mẹ để tiêu tán vào những việc vô độ khiến cha buồn mẹ khổ thì liệu trời xanh kia có thể bao dung?

Người ta thường nói con cái sẽ chẳng bao giờ yêu cha mẹ được như cha mẹ yêu con. 1 mẹ thì nuôi được 10 con nhưng 10 con thì chẳng thể nuôi nổi 1 mẹ. Làm thân trai tráng, gái thanh tú mà lại chỉ biết ăn bám, lười biếng chỉ biết dựa dẫm cha mẹ. Khiến cha mẹ dù đã còng lưng bạc tóc vẫn phải đổ mồ hôi sôi nước mắt bươn chải, kiếm kế sinh nhai thì chính là bất hiếu, là không thể dung thứ.

Cha mẹ chính là 2 vị Phật sống trong cuộc đời mỗi người. Vậy nên bất hiếu với cha mẹ là chuyện không thể chấp nhận được, trời sẽ không dung, đất sẽ không tha cho kẻ phụ những người thân sinh, dưỡng dục mình thành người.

Tội thứ hai: Bất nhân bất nghĩa, lấy oán trả ân

 Tất cả những người giúp đỡ ta trong cuộc đời này đều là những quý nhân, cũng có thể đó là những vị quan vị thần được bề trên cử xuống thử lòng chúng ta. Vậy nên sống trên đời phải đặt chữ nhân chữ nghĩa lên đầu.

Cổ nhân dạy rằng thầy là người giúp ta khai thông chí tuệ. Nếu buông lời bất kính sẽ rơi vào vạn kiếp bất phục. Người bạn là người đồng cam cộng khổ, bên cạnh và giúp đỡ ta những lúc khó khăn, nhưng sau này ta rửng rưng giả vờ chẳng nhớ họ, khinh miệt họ, tìm thời cơ dìm họ xuống nữa thì cả đời này ta chịu cảnh cô độc.

Người sống bất nhân bất ngĩa, lấy oán trả ân sẽ phải chịu những báo ứng nặng nề. Gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy. Đừng tưởng quả báo chưa đến là nghĩ mình sẽ an nhiên. Không hề! Báo ứng sẽ đến, đến càng muộn thì càng nặng càng không thể trốn chạy. Đạo làm người, phải biết uống nước nhớ nguồn, phải học cách biết ơn người đã giúp đỡ cưu mang mình. Có thể những người đó không cần ta báo đáp nhưng chúng ta vẫn phải ghi nhớ và trân trọng ân tình và sẵn sàng giúp đỡ lại họ.

Theokienthuc

 


Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2021

NGÁT HƯƠNG LIÊN (Chùm thơ xướng hoạ)

 

Hình Internet


XƯỚNG:
 NGÁT HƯƠNG LIÊN 
 
Đầu Năm lễ bái nguyện an - yên 
Vận vật tươi xanh - trải khắp miền |
ngắm cảnh nên về nơi tịnh - lạc 
Nhàn du cần đến  chổ thiên nhiên 
già lam thanh vắng - lòng  vô lự
Cửa Phật thênh thang - ý hết phiền 
Mặc khách - tao nhân luôn hòa vận 
Một lòng hướng thiện - ngát  hương liên 
 
Chùa Lầu 17 g 30 ngày 11. giêng . tân sửu
 
Thích Như Giải
 
 HOẠ 1:
RẠNG THANH LIÊN
 
Vườn thiền tịch tĩnh cảnh bình yên 
Chuông vẳng sớm hôm an tịnh miền
Khách vãng lòng trong tâm hỷ lạc
Tăng cư trí sáng ý như nhiên
Thi thơ xướng họa quên lao lự 
Phật đạo nghiên tầm giải muộn phiền 
Thiện nghiệp vun trồng tươi số vận
Ngày về cảnh Phật rạng thanh liên..!
 
California, 22-02-2021
Trúc Nguyên-Thích Chúc Hiền (kính họa) 
 
HOẠ 2:
 
NGÁT HƯƠNG LIÊN
BỒ ĐỀ TOẢ NGÁT HƯƠNG LIÊN
 
Đầu năm pháp hữu xuất an - yên
Chúc Tết thi nhân khắp mọi miền. 
Khuyên trẻ hướng tâm gìn tịnh lạc
Khuyến già chuyển ý giữ an nhiên
Ăn chay niệm Phật đừng tư lự
Sám hối trì kinh chớ não phiền.
Phật pháp hành trì xoay kiếp vận.
Bồ đề nguyện toả ngát hương liên!
 
North California, Stockton.,22-02-21
Thích Giác Chính (kính họa)
 
 HOẠ 3:
 
TÂM YÊN  (Hoạ vận)
 
Xuân về chúc thảy lắng tâm yên
Tựa cảnh bồng lai khắp mọi miền
Rạng rỡ ngày lên luôn tịnh lạc
Âm thầm việc đến vẫn an nhiên
Sai lời ngẫm rõ… lòng không giận
Phật ý cười vui… pháp chẳng phiền
Nghị lực, niềm tin khơi tánh giác
Sống đời đạo hạnh toát hương liên.
 
27/2/2021
PT. Minh Đạo (Kính hoạ)
 
 
-----------------------
 
XƯỚNG:
Nhất Thế Hành Y
Kính tặng các nhà Đông Y nhân ngày 27/2

Nhất thế hành y nhất thế vinh
Lương tâm dẫn dắt vẹn ân tình
Kê toa tùy bệnh - lòng luôn chánh
Chẩn mạch theo thời ý phải minh
Tĩnh tọa thư lòng bồi trí ái
Định thần vững dạ giúp an bình
Từ xưa Y -Giáo là vương đạo
Cứu giúp làm nền - nghệ phải tinh

Chùa Lầu 15/ giêng / Tân sửu
 
HOẠ;

ĐỨC SÁNG LƯƠNG Y
Kính họa y vần bài:” Nhất Thế Hành Y” của Sư Huynh Thích Như Giải
Kính tặng quý Y Bác Sĩ khắp năm châu.

Dốc lòng học tập đỗ “Y”vinh
Năm tháng dồi trao thắm nghĩa tình
Cứu giúp nhân sinh tâm mãi chánh
Tri hành dược liệu ý hằng minh
Thương người bệnh tật khuyên lời ái
Giúp kẻ ốm đau tỏ ý bình
Chăm sóc luôn bày “Y” pháp đạo
Một đời sáng đẹp “Đức Y Linh”!

California, 26-02-2021
Trúc Nguyên-Thích Chúc Hiền (kính họa)
 
Hoạ:
 
LƯƠNG Y
 
Cứu người giúp ngặt chẳng thân vinh,
Rắn Gậy lương y thắm nghĩa tình. (*)
Hiểu rõ đời ân theo nghiệp chánh,
Thương hoài kẻ bệnh lấy tâm minh.
Lòng từ phát khởi thời đau lắng
Hoạn nạn trừ tiêu dạ rối bình.
Hết thảy suy tôn ngành trọng đức,
Nhân ngày Thầy Thuốc chúc nghề tinh.
 
27/2/2021
Pt. Minh Đạo (Kính hoạ)
---------------------------------
(*) Gậy – rắn :biểu tượng cho ngành Y. (Cây gậy của Asclepius)


 

4 NGƯỜI ĐANG NGỒI THIỀN THÌ ĐÈN TRONG PHÒNG VỤT TẮT, CHUYỆN XẢY RA TRONG MÀN ĐÊM TỐI ĐEN KHIẾN BAO NGƯỜI "CÂM NÍN"-

 


Hình Internet


Chuyện xảy ra sau khi đèn tắt đã chỉ ra yếu điểm của rất nhiều người trong chúng ta.

Câu chuyện ngồi thiền của bốn người tu hành

Có 4 người tu hành hẹn gặp nhau để ngồi thiền suốt đêm. Mọi người cùng nhau giao hẹn phải hết sức chuyên chú, không bị những chuyện bên ngoài làm cho phân tâm và càng không được nói chuyện.

Một ngọn đèn dầu mờ làm bạn với bốn người tu hành, cả căn phòng thiền trông vô cùng lạnh lẽo vắng vẻ.

Đến nửa đêm, lượng dầu trong chiếc đèn càng cháy càng ít, đến lúc dầu sắp cạn, đèn sắp tàn thì bất chợt có một cơn gió thổi qua khiến ngọn đèn càng thêm chập chờn và gần như tắt hẳn.

"Tiêu rồi! Ngọn đèn sắp bị thổi tắt rồi." Có một người trong số đó không nhịn được đã lo lắng thốt lên.

Trong thiền đường vắng vẻ yên tĩnh, tiếng kêu của người kia nghe chói tai một cách dị thường.

Một người khác ngồi bên cạnh liền trách mắng người kia rằng: "Chúng ta đang chuyên tâm ngồi thiền tu hành đấy, sao ông có thể nói chuyện như thế được?"

Không ngờ rằng lời trách mắng của người này đã khiến một người khác không hài lòng: "Hai người im miệng đi được không!"

Lúc này, chỉ thấy người thứ tư mỉm cười và tự nói với chính mình rằng: "May mà chỉ có mình là không phá giới."

Đạo lý:

Một trong những sai lầm phổ biến nhất mà con người hay mắc phải đó là luôn xem mình là trung tâm và chỉ biết nhìn nhận vấn đề theo góc độ của bản thân mình. Họ dễ dàng phát hiện ra lỗi của người khác nhưng lại không phát hiện ra lỗi của bản thân mình.

Thước ngắn và thước tiêu chuẩn

Trước đây, có một ông chủ của một tiệm vải, vì muốn kiếm được nhiều tiền hơn nên đã dùng cây thước ngắn hơn thước tiêu chuẩn.

Có một ngày đột nhiên ông ta gặp một vị hòa thượng có lòng tốt giảng đạo phật cho ông ta nghe. Ông ta liền cảm thấy có lỗi với lương tâm, quyết định từ nay về sau sẽ làm ăn đứng đắn, sẽ không kiếm tiền bằng cách sai trái kia nữa, và ông ta đã đổi cây thước ngắn kia thành một cây thước khác.

Nhưng trong lòng ông ta luôn cảm thấy bất an, luôn muốn nhìn xem cây thước của tiệm vải đối diện bên kia đường có đúng theo tiêu chuẩn hay không. Thế là ông ta đi qua tiệm vải đối diện, nhân lúc đối phương đang bận buôn bán liền lấy ra một dây đai nhỏ mà mình mang theo và lén lút đo xem như thế nào.

Sau khi về nhà ông ta dùng thước tiêu chuẩn đo thử một lần nữa, và phát hiện ra rằng thước đo của tiệm vải kia còn ngắn hơn cái thước ban đầu của mình. Ông ta liền nghĩ: "Thì ra mình còn tốt hơn nhà kia, vậy thì mình cần gì phải so đo với bản thân mình nữa chứ?"

Sau đó, ông ta đã làm trái với lương tâm và bắt đầu dùng lại cây thước ngắn trước đây để lén kiếm tiền của người khác.

Đạo lý:

Khi con người ta mắc sai lầm, họ thường vô thức nhìn về phía người khác. Chỉ cần người khác cũng mắc phải lỗi giống như họ thì cảm giác tội lỗi trong lòng họ sẽ được giảm đi rất nhiều. Song, một khi họ nhận ra rằng ai đó còn phạm phải lỗi lầm nghiêm trọng hơn cả chính mình, họ sẽ trở nên thoải mái hơn và họ sẽ không nhận lỗi về mình nữa.

Lời bình

Nhiều người dành cả cuộc đời để đối phó, so sánh với người khác, nhưng hiếm khi dành thời gian để hiểu bản thân. 

Và bước đầu tiên để hiểu bản thân chính là nhận ra những lỗ hổng này trong bản chất con người. Chỉ có liên tục bổ sung sửa chữa những lỗ hổng này chúng ta mới có thể sống tỉnh táo, có lý trí, minh bạch và tự nhiên trong thế giới phức tạp này.

Theo Tri Thức Trẻ

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

CÁC BÁC SĨ KỂ VỀ CÁI CHẾT CỦA BỆNH NHÂN COVID-19: KHỦNG KHIẾP CHƯA TỪNG THẤY

 


 Phổi thủng như tổ ong, thở như cá mắc cạn, cơ thể cắm đầy thiết bị xâm nhập... là nỗi thống khổ mà hàng triệu bệnh nhân COVID-19 trải qua trước khi trút hơi thở cuối cùng, theo lời kể của bác sĩ.

Gần 2,5 triệu người đã chết vì bệnh COVID-19 trên khắp thế giới - một con số thống kê vô hồn vì hiếm ai tận mắt nhìn thấy những ngày cuối cùng của họ trong phòng bệnh trước khi lìa đời, kể cả người thân. Theo mô tả của các bác sĩ thì đó là nỗi thống khổ không bút mực nào tả xiết.

"Phần lớn những gì tôi chứng kiến diễn ra sau tấm màn đóng kín, công chúng bình thường không ai thấy được cảnh này, thậm chí gia đình bệnh nhân thấy rất ít. Nhờ vậy phần lớn chúng ta thoát được việc phải chứng kiến thứ tồi tệ nhất của căn bệnh này" - bác sĩ Todd Rice, chuyên gia về phổi và chăm sóc tích cực thuộc Trung tâm y khoa Đại học Vanderbilt (Mỹ), tâm sự với trang tin Vox.

"Phổi thủng như tổ ong" và cảm giác "cái chết đến gần"

Sự giày vò của COVID-19 có thể bắt đầu khá lâu trước khi một người bệnh nặng đến mức phải vào phòng cấp cứu.

Virus SARS-CoV-2 tấn công hai lá phổi khiến bệnh nhân càng lúc càng khó hấp thụ đủ oxy với mỗi hơi thở. Nó có nghĩa họ phải thở mỗi lúc một nhanh hơn - từ mức trung bình 14 lần/phút lên đến 30 hoặc 40 lần. Cảm giác "hớp không khí" này dễ khiến người ta hoảng loạn.

"Hãy tưởng tượng bạn đang thở bằng một cái ống hút rất hẹp. Bạn có thể làm vậy trong 15-20 giây nhưng thử làm trong 2 giờ mà xem, rồi thậm chí nhiều ngày hoặc nhiều tuần" - bác sĩ Jess Mandel, chuyên gia phổi và chăm sóc tích cực thuộc Bệnh viện UC San Diego Health, giải thích.

Còn theo bác sĩ Kenneth Remy, bệnh nhân mắc COVID-19 kể với ông rằng họ cảm thấy phổi như đang bị lửa đốt, hoặc hàng ngàn con ong đang cùng chích bên trong lồng ngực. Có người phổi bị tràn dịch nên có cảm giác như thở qua bùn và có người cảm thấy như đang bị bóp nghẹt...

Sự hành hạ dữ dội đến mức nhiều bệnh nhân ước cái chết trong cơn đau. "Họ nói 'tôi chỉ muốn chết thôi vì cảm giác này kinh khủng quá'. Đó là thứ con virus này gây ra" - bác sĩ Remy kể.

Bác sĩ Todd Rice, Đại học Vanderbilt, đặc biệt lưu ý có điều gì đó khác lạ ở bệnh nhân COVID-19 mà ông chăm sóc so với những bệnh nhân khác, đó là nhiều người có cảm giác cận kề cái chết.

Bác sĩ Meilinh Thi, Trung tâm y khoa Đại học Nebraska, cũng chia sẻ cùng trải nghiệm: "Rất nhiều bệnh nhân, bất kể tuổi tác, cảm nhận được cái chết đang đến gần. Họ nói thẳng với tôi rằng họ có cảm giác sắp chết và một cách đáng sợ là những bệnh nhân đó cuối cùng đều qua đời".

Các bác sĩ kể về cái chết của bệnh nhân COVID-19: Khủng khiếp chưa từng thấy - Ảnh 2.

Một phụ nữ nắm tay chồng mắc COVID-19, còn y tá mở bài nhạc ông yêu thích nhất trước phút chia tay - Ảnh: Los Angeles Times

Sống chết như tung một đồng xu

Khi một ai đó mắc COVID-19 nặng đến mức cần gắn máy thở, cơ hội sống sót của họ ở mức 40-60%, bác sĩ Kenneth Remy ước tính. 

"Cơ may này giống như anh tung một đồng xu, và anh có thể sống hoặc nằm trong số những người phải chết" - ông so sánh.

Bác sĩ Remy nhớ lại có một tuần lễ đặc biệt khó khăn xảy ra hồi mùa thu năm 2020, khi đó ông chăm sóc một số bệnh nhân độ tuổi 40-50 không qua khỏi. Hầu hết họ đều béo phì nhưng đều khỏe mạnh trước khi mắc COVID-19.

"Một bệnh nhân trút nỗi lòng trước khi tôi đặt ống thở: (Ông) hãy cho mọi người biết đây là sự thật, phổi của tôi như bị lửa đốt, như bị ong chích, tôi không thở được. Làm ơn hãy nói để mọi người đeo khẩu trang... vì tôi không mong điều này xảy ra thậm chí với kẻ thù lớn nhất của mình".

Sau khi bệnh nhân đó qua đời, bác sĩ Remy đăng một đoạn video với nội dung cảnh báo lên mạng Twitter.

Ở các bệnh viện Mỹ, nếu thể trạng bệnh nhân suy yếu chậm, bác sĩ có thể thu xếp để họ nói chuyện với gia đình trước khi đặt nội khí quản vì sau đó họ có thể bất tỉnh, hoặc không còn khả năng nói chuyện đến lúc chết.

Tuy nhiên phần lớn bệnh nhân đều diễn biến rất nhanh nên trước khi gây mê, người cuối cùng họ tiếp xúc một cách tỉnh táo thường là bác sĩ. "Bất cứ ai đều có thể rơi vào hoàn cảnh đó" - bác sĩ Todd Rice cho biết.

"Mặc dù có quy định cách ly nghiêm ngặt bệnh nhân COVID-19, chúng tôi luôn cố gắng không để họ qua đời một mình. Với những người diễn biến quá nhanh, không đủ thời gian gọi gia đình, bác sĩ và y tá sẽ đứng vây quanh. Họ sẽ chết trong lúc được làm thủ thuật hồi sinh tim phổi, hoặc nếu không có lệnh, mọi người chỉ đứng nhìn.

Với những người còn thời gian, thành viên gia đình trong trang phục bảo vệ toàn thân (PPE) sẽ được vào thăm. Đến lúc này chúng tôi chỉ thực hiện các biện pháp giảm đau, thậm chí vậy, khi ống nội khí quản được rút ra, bệnh nhân thường thở gấp hoặc ho do cơ thể đấu tranh để hút oxy trước khi họ chết" - bác sĩ Meilinh Thi kể chi tiết.

Mặc dù bệnh nhân luôn được chăm sóc hết lòng nhưng các bác sĩ Mỹ đều cảm nhận chết vì COVID-19 là cái chết kinh khủng nhất họ từng chứng kiến.

Bác sĩ Remy, sau nhiều năm chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm hấp hối trên khắp thế giới, chỉ biết nói một câu: "Tôi không biết có căn bệnh nào khác tàn phá cơ thể và tâm trí con người kinh khủng như thế". 

Có lẽ đó là lý do tại sao bệnh nhân van nài ông khuyên những người khác đeo khẩu trang trước khi chìm vào hôn mê.

PHÚC LONG