Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

3 TUỔI ĐI CHỢ MỘT MÌNH: SỰ GIÁO DỤC 'ĐẶC BIỆT' CỦA NGƯỜI NHẬT


Có nhiều cha mẹ Nhật dạy con tự lập từ sớm thông qua việc dạy từng chút một, ngày này qua ngày khác.

Bài viết của tiến sĩ Vương Vinh Huy, chuyên gia giáo dục trẻ em tại Trung Quốc

Trước khi trở thành mẹ, tôi quyết tâm trở thành người mẹ tuyệt vời nhất trong kỷ nguyên mới. Thấy bốn người lớn trong gia đình Trung Quốc hiện đại vật vã chăm sóc một đứa trẻ, tôi coi đó là cách dạy con không thể chấp nhận.

Nhưng khi trở thành mẹ và đứa trẻ dần lớn lên, tôi nhận ra bản thân đang giống như những người từng bị chê trách. Tôi muốn tập cho con ăn một mình, nhưng lại không muốn chúng đói. Tôi luôn bận rộn mặc quần áo, rửa mặt, gấp chăn màn và lau miệng cho chúng... bởi tôi nghĩ con còn nhỏ và chưa thể tự làm được mọi việc.

Có lẽ đó là bản chất của mọi bà mẹ khi phải luôn căng mình bảo vệ con.

Tại Nhật Bản, chương trình truyền hình thực tế First Go (Bước đi đầu tiên) đã có thâm niên 29 năm. Các nhân vật chính của chương trình là nhóm trẻ từ 2-7 tuổi.

"First Go" quay lại trải nghiệm của nhóm trẻ khi ra ngoài một mình. Đó là lần đầu các em đến cửa hàng để mua đồ hay mua thức ăn cho gia đình.

"Siêu cảm động, năng lượng rất tích cực và những đứa trẻ thật dễ thương", "Đứa trẻ quá dũng cảm", "Giáo dục của các bà mẹ Nhật Bản thực sự nghiêm ngặt và trẻ em được giáo dục rất tốt", đó là lời nhận xét của nhiều khán giả Trung Quốc khi xem chương trình. Ngay cả những ngôi sao nổi tiếng trong vai trò khách mời nhiều lần phải bật khóc khi xem hành trình của những đứa trẻ trong "First Go".

"Tôi đã không ngừng khóc khi thấy sự cố gắng của đứa trẻ 3 tuổi tự mình đến cửa hàng mua hoa tặng mẹ", ngôi sao điện ảnh Rimi Ishihara của Nhật đã thốt lên như vậy trong một lần tham gia chương trình.

Đứa bé mà Rimi Ishihara nhắc tới có tên LiLi. Nhiệm vụ của cô bé là ra ngoài một mình lấy thức ăn được đặt hàng trước đó và chuẩn bị quà cho Ngày của Mẹ - một bó hoa cẩm chướng.

Lần đầu ra ngoài và làm mọi thứ một mình, cô bé đã khóc và chạy đi tìm cha - người cùng tham gia chương trình.

Trước khi để con thực hiện nhiệm vụ, người cha đã nhét rất nhiều kẹo vào túi của LiLi và nói "Con phải tiến lên phía trước".

Người cha lặng lẽ nhìn LiLi rời đi. Cô bé quay đầu khóc nấc nhưng rồi can đảm tiến lên phía trước như lời dặn dò của bố. Mỗi khi ngừng khóc, LiLi lại lấy kẹo trong túi ra ăn.

Cứ từng bước như vậy, cô bé 3 tuổi cuối cùng cũng hoàn thành nhiệm vụ. Một bó hoa cẩm chướng được mua để tặng mẹ. Khi thấy con gái tay xách nách mang nhiều đồ về chỗ hẹn, người cha ôm mặt. "Dù rất thương con, nhưng tôi vẫn muốn để cháu tự làm mọi thứ, từ mua bán cho tới xách đồ", bố LiLi chia sẻ.

Cũng trong chương trình này, có nhiều cha mẹ Nhật dạy con tự lập từ sớm thông qua việc dạy từng chút một, ngày này qua ngày khác.

Gia đình cô bé Satoshi 3 tuổi sống tại Tokyo có một cửa hàng ăn nhỏ. Hàng ngày người bố đều yêu cầu con gái sắp xếp đĩa bát trong cửa hàng. "Bát đũa cần được xếp thẳng", ông bố nói với con.

Khi tham gia chương trình "First Go", ở nhiệm vụ đầu tiên, Satoshi không thể hoàn thành. Tuy nhiên mẹ cô bé không bỏ cuộc và yêu cầu con gái đưa em trai 2 tuổi đi cùng.

Cùng đi với em trai, tinh thần trách nhiệm của Satoshi trở nên mạnh mẽ và hai chị em cùng nhau vượt qua thử thách. Giống như mẹ, cô bé luôn khuyến khích em trai mỗi khi cậu khóc nhè: "Em thật tuyệt vời, bởi vậy em không nên khóc".

Sau khi xem chương trình này, nhiều người dùng mạng Trung Quốc nói rằng: "Nếu có những đứa con ngoan ngoãn thế này, tôi sinh bao nhiêu cũng được" hay "Nỗi sợ kết hôn và sinh con dường như không tồn tại sau khi xem chương trình". Tuy nhiên cũng có bà mẹ nói rằng, nếu để con 3 tuổi ra ngoài một mình như vậy, họ chưa bao giờ dám nghĩ đến nói chi là thực hiện.

Thực chất, chương trình "First Go" không khuyến khích cha mẹ để trẻ em 2-3 tuổi phải đi mua rau hoặc làm những việc tương tự một mình. Điều họ hướng tới là dạy trẻ tự lập, càng sớm càng tốt. Ở đất nước mặt trời mọc, phụ huynh đã giáo dục con cái "tuổi nhỏ làm việc nhỏ" ngay từ khi chúng mới 2-3 tuổi.

Trong bộ phim tài liệu "Thời thơ ấu của họ" được ghi hình tại nhiều quốc gia trên thế giới, cách giáo dục độc lập tại Nhật một lần nữa được nhắc tới.

Một đứa trẻ tên Wakamatsu tự thức dậy hàng sáng đi học mẫu giáo. Để tự vệ sinh cá nhân, cô bé trèo lên một chiếc ghế nhỏ rồi đánh răng, rửa mặt. Gấp chăn màn, tự mặc đồng phục là những việc tiếp theo cô bé 4 tuổi này thực hiện trước khi bước đến trường với đống túi được mẹ chuẩn bị sẵn. Wakamatsu tự tay xách đồ ăn, đồ chơi của mình mà không cần sự trợ giúp của mẹ.

Mẹ của Wakamatsu nói rằng dù không thể hoàn hảo nhưng cô bé học được nhiều điều từ khi tự làm mọi việc. "Con bé đang cố gắng trở thành người hữu ích nhất trong một ngày", người mẹ nói.

Tôi tự đặt câu hỏi cách dạy con của mẹ Wakamatsu có nguy hiểm tới cô bé không? Chắc chắn là không. Điều cốt lõi là nhiều phụ huynh không đủ tự tin buông tay, để con tự làm mọi việc giống người mẹ đó mà thôi.

Thái độ dạy dỗ của các bà mẹ Nhật có thể được gói gọn trong câu: "Nuôi dưỡng đứa trẻ 18 tháng giống như 18 tuổi". Khi đối mặt với một "người mới lớn" 18 tuổi, bố mẹ tin tưởng con thì nên cũng dành thái độ như vậy với một đứa trẻ 18 tháng tuổi.

Ví dụ khi trẻ làm việc nhà, cha mẹ khuyến khích và tin rằng trẻ có thể làm được. Hoặc khi trẻ học cách mặc quần áo cho đúng, bố mẹ cũng không nên can thiệp. Nên tin rằng con bạn rồi sẽ có bộ quần áo chỉnh tề. Hãy tin nếu con không làm tốt ngay từ đầu, chắc chắc những lần sau sẽ tốt hơn.

Cuốn sách "Giáo dục đẹp nhất không có lời gầm thét" của tác giả Hữu Giai đề cập, cuộc sống hiện đại xuất hiện rất nhiều trẻ em ỷ lại dựa dẫm vào cha mẹ. Trẻ sẽ trở nên yếu đuối và thụ động khi cha mẹ làm hết phần việc đáng nhẽ dành cho chúng.

"Trẻ không có khả năng tự xử lý các vấn đề. Không phải vì chúng không dám làm mà vì không tin tưởng bản thân có thể làm được. Trẻ em vốn không tự sinh ra sự tự tin, đặc biệt càng không thể có nếu cha mẹ không tin tưởng chúng", cuốn sách viết.

Trong bộ phim truyền hình Mỹ "Little Sheldon", để kiếm tiền, cậu bé 9 tuổi Sheldon phải bán báo một mình.

Để làm được việc này, Sheldon hàng ngày phải thức dậy lúc 6h sáng, lấy báo từ nhà sản xuất, đạp xe đến giao báo từ nhà này sang nhà khác. Mưa nắng, bão tuyết cậu vẫn không từ bỏ. Mặc dù mẹ của Sheldon cảm thấy đau khổ khi nhìn thấy con trai vất vả nhưng cô chỉ lặng lẽ đi phía sau con.

"Hãy để con đi và cho con thử", cô nói với chồng. Chính những trải nghiệm này khiến cậu bé 9 tuổi hiểu được khó khăn trong cuộc sống.

Trên thực tế, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là một hành trình trải nghiệm từ từ. Học cách "buông tay" cũng là một kiểu tăng trưởng với bậc làm cha mẹ. Và con bạn cũng hiểu được cách trưởng thành và lên đường với chỉ một mình.

Hải Hiền

 


Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

PHONG TỬ KHẢI: “TÂM NHỎ, VIỆC NHỎ SẼ THÀNH LỚN; TÂM LỚN, VIỆC LỚN SẼ THÀNH NHỎ”

                                                                      Phong Tử Khải: “Tâm nhỏ, việc nhỏ sẽ thành lớn; tâm lớn, việc lớn ...



Nhắc đến Phong Tử Khải tiên sinh, chúng ta lại nhớ đến ngòi bút mềm mại tươi mới, nội tâm phong phú tinh tế, lời châu chữ ngọc, ý vị sâu xa… của ông. Nhiều người thường thích tranh châm biếm của Phong Tử Khải, thích những bài thơ nho nhỏ, nhưng lại càng bị cuốn hút bởi “mê lực” trong cách đối nhân xử thế của ông.

Phong Tử Khải tiên sinh không chỉ là một người có tài hoa phi thường, mà còn có tấm lòng từ bi. Tình cảm chân thành của ông, người thường khó mà có được, Phong Tử Khải quả xứng đáng là bậc thầy của thế hệ. 
Ông từng nói: “Trái tim của tôi bị lấp đầy bởi bốn thứ: thần linh và các tinh tú trên trời, nghệ thuật và những đứa trẻ ở nhân gian.”

Trong trái tim của một người mà lại dành chỗ cho “thần linh và các vì tinh tú trên trời” thì ắt hẳn là người có tấm lòng biết kính sợ. 

Tâm biết sợ thì hành động sẽ có điểm dừng. Lòng lúc nào cũng biết kính sợ thì hành sự mới không ngông cuồng lỗ mãng, hoành hành ngang ngược, đi lệch khỏi quỹ đạo. 
Kính sợ trời đất, kính sợ thần linh, kính sợ tự nhiên, kính sợ vạn vật. Người biết kính sợ, hành sự sẽ có giới hạn của riêng mình, là người đáng mến, đáng tin tưởng, đáng được tôn trọng nhất.

Còn “Nghệ thuật nhân gian” lại là một sự theo đuổi và hưởng thụ về tinh thần ở cấp độ cao hơn trong cuộc sống. 

Trong cuốn “Hộ sinh họa tập”, ông chủ trương yêu thương, trân trọng tất cả các loài gia cầm, gia súc, cá, côn trùng. Ông đã sử dụng những đường nét đơn giản để phác họa lên tư tưởng sâu rộng của ông, nuôi dưỡng một trái tim nhân ái, đính kèm theo đó là bài văn của Hoằng Nhất đại sư Lý Thúc Đồng khiến mọi người vô cùng tán thưởng.

E rằng từ cổ chí kim ở cả trong và ngoài nước, chỉ có duy nhất một mình Phong Tử Khải tiên sinh là đặt “trẻ em” ngang hàng với tinh tú, nghệ thuật? 

Tiên sinh là một người có thế giới nội tâm thanh khiết, ấm áp, thuần túy, ông kính sợ thần linh, yêu cái đẹp, yêu nghệ thuật, yêu trẻ em. 

Dưới ngòi bút của ông có rất nhiều hình tượng nghệ thuật về trẻ em. Những đứa trẻ được so sánh như những chú én nhỏ, có vị trí như tinh tú và nghệ thuật. 

Tình yêu là biểu tượng cuộc sống của ông, là nguồn sống dồi dào cho sự sáng tạo nghệ thuật, cũng là nơi nuôi dưỡng sự phong phú trong cuộc sống. Người có thể yêu, nguồn cảm hứng sẽ không bao giờ cạn kiệt.

Cả đời Phong Tử Khải, có tấm lòng chất phác, mộng mơ, cảm hứng; yêu vẽ tranh, yêu trẻ con. Ông theo đuổi một cuộc sống dân dã, bình dị ấm áp tình người, từ đầu đến cuối luôn giữ khoảng cách như gần như xa với hiện thực. 

Bất luận trong mọi hoàn cảnh, ông luôn kiên trì giữ vững sự hiểu biết của mình về nhân sinh. 
Nói theo lời của ông là “Ông là một người rất giống người”, đó cũng là lời khen ngợi đầy tôn trọng của ông dành cho ân sư Lý Thúc Đồng.

Làm “một người rất giống người” là một chuyện vô cùng khó khăn, cũng là lý tưởng mà Phong Tử Khải tiên sinh dùng cả đời để theo đuổi. 

Nhiều người cứ vội vã, mải miết chạy trên con đường nhân sinh, đi mãi đi mãi liền quên đi ước nguyện ban đầu; đi mãi đi mãi liền quên đi ý định xa xưa. Cứ thế mà sống trong cuộc đời, rồi dần dần biến thành một người mà chính bản thân mình cũng không nhận ra. 
Họ coi những vọng tưởng là chân thật, bị dục vọng thúc giục khống chế, bị lòng tham không đáy nô dịch đày đọa, càng ngày càng không phải là chính mình nữa. 

Nửa đêm tỉnh mộng, bất ngờ khi thấy một người mơ hồ lạ lẫm, cảm thấy kinh ngạc khi phải đối diện với sự thật: Đây là ai? Người này là tôi sao? Sao người này lại là tôi? Nhìn thật kĩ, có chút quen thuộc, nhưng tại sao lại cảm thấy xa lạ như vậy?

Hầu hết ước nguyện và ý định ban đầu của mỗi người đều rất tốt đẹp, nhưng dòng đời xô đẩy, dần dần mọi thứ bị đi ngược lại với ước nguyện và ý định ban đầu. 

Thỉnh thoảng, không phải là do chúng ta mong muốn quá nhiều, mà là do chúng ta bị những thứ ở thế giới bên ngoài thao túng.

Thấy người khác đều ra nước ngoài, chúng ta cũng muốn ra nước ngoài; người khác mua nhà cao cửa rộng, chúng ta cũng phải mua một căn nhà thật hoành tráng; Con cái của người khác thi đậu trường quốc tế nổi tiếng, chúng ta cũng muốn con mình phải đi du học. 

Cái nhân vật “người khác” này cũng thật khó sống, lúc nào cũng bị coi là vật tham khảo, so sánh. 

Mà nhân vật “người khác” lại rất nhiều, trái cũng là người khác, phải cũng là người khác, hết nhìn trái lại nhìn phải, cuối cùng khiến chúng ta vô cùng mệt mỏi khi lúc nào cũng phải ngoái đầu để nhìn “người khác”.

Tâm càng nhỏ, việc sẽ càng lớn. Tất cả mọi chuyện trong cuộc sống suy cho cùng cũng chỉ như một ngọn núi, một con sông, vì vậy càng sân si, càng lo lắng, thì chuyện lớn cũng không thể nắm giữ, chuyện nhỏ càng không thể buông bỏ, từ đó mà khiến cuộc sống của chính mình không thể tự tại được nữa.

Có người nói, tâm càng lớn, thế giới càng lớn. Phong Tử Khải tiên sinh thì nói: “Tâm nhỏ, việc nhỏ sẽ thành lớn; tâm lớn, việc lớn sẽ thành nhỏ.”
Tâm lượng, tấm lòng lớn hay nhỏ thì liên quan đến điều gì? 

Tất nhiên là liên quan đến tầm nhìn, khí độ, học thức, tu dưỡng; liên quan đến sự từng trải của mỗi người. 

Tâm lượng lớn hay nhỏ sẽ quyết định người đó sống vui hay buồn. Tâm lượng càng lớn, vui vẻ càng nhiều; tâm lượng hẹp hòi, phiền não càng sâu. 
Trái tim con người giống như một đồ chứa, chất rất nhiều đồ, có người xếp đầy từ bi, hỷ, xả, xếp đầy vạn vật vũ trụ; có người trong đó chỉ có cái tôi cái nhân, ích kỷ, hẹp hòi.

Hãy tu dưỡng để tâm lượng trở nên rộng lớn, sống thật có ích, khiến ánh sáng tỏa ra từ trái tim bạn không chỉ soi rọi cho bản thân, mà còn soi rọi cho người khác. 

Hãy bước chầm chầm mỗi bước đi trong cuộc sống, hãy thưởng thức từng bữa cơm, hãy nói những lời tốt đẹp, chân thành sống mỗi ngày.
Chúc Di (Theo Secret China)