Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

CẬU KHÁCH NHỎ TUỔI VÀ MÓN QUÀ TẶNG MẸ.


Hôm đó, trời nắng đẹp nhưng không có khách, tôi ngồi trước cửa tiệm hoa mắt lim dim tận hưởng những tia nắng ấm áp chan hòa. Bỗng một giọng nói non nớt vang lên khiến tôi giật mình bước ra khỏi giấc mơ đang dang dở.

     “Cô ơi, cháu muốn đặt hoa, cháu muốn đặt thật nhiều, thật nhiều hoa ạ!”
          Tôi mở mắt ra, một cậu bé gầy gò đứng trước mặt tôi, khuôn mặt trắng bệch kèm theo nụ cười tươi rói, đôi mắt to chớp chớp trông rất đáng yêu.
  Cậu bé nghiêm túc hỏi: “Cháu có thể đặt hoa cho mười mấy năm luôn được không ạ?”
          Tôi phì cười, làm gì có kiểu đặt hoa như vậy chứ.
          Cậu bé cười rồi hỏi tôi: “Cháu muốn đặt hoa cho 60 năm, ngày 22 tháng 9 hàng năm cô có thể chuyển đến cho cháu một bó hoa cẩm chướng được không ạ?”
           “Tại sao cháu lại đặt hoa như vậy? Từ trước đến nay chưa có ai đặt hoa kiểu như vậy đâu cháu”, tôi ngạc nhiên hỏi.
           “Cháu muốn tặng cho mẹ cháu, ngày 22 tháng 9 là ngày sinh nhật mẹ. Mẹ cháu năm nay 40 tuổi, mẹ sẽ sống đến 100 tuổi, vì thế cháu muốn đặt hoa cho 60 năm tới ạ. Sau này, vào ngày đó hàng năm, cô giúp cháu đưa một bó hoa cẩm chướng đến tặng mẹ, như vậy mẹ sẽ vui lắm ạ!”.
          Cậu bé cứ nói một mạch. Tôi cười trước vẻ ngây thơ, trong sáng của cậu bé. Nhưng mà tôi đâu thể cứ mở tiệm hoa thế này suốt 60 năm chứ!
           “Tại sao cháu lại muốn đặt hoa cho 60 năm luôn? Tiệm của cô cũng không chắc sẽ mở được suốt 60 năm, cháu có thể mỗi năm đặt một lần không?”.
       “Không được ạ, cháu nhất định phải đặt luôn 60 năm. Nếu như tiệm hoa của cô không mở nữa, cô có thể nhờ những tiệm hoa khác tiếp tục đưa hoa đến cho mẹ cháu mà!”. Cậu bé suy nghĩ rất chu đáo.
           “Cô tính giúp cháu với, hết bao nhiêu tiền ạ!”, cậu bé nghiêm túc nói.
          Tôi nghĩ, cậu bé chắc vì nhất thời cao hứng nên mới đặt một lúc nhiều hoa như vậy, tôi liền nói một cái giá với cậu bé:
           “Thôi được, của cháu sẽ hết 105 ngàn. À đúng rồi, nhà cháu cách đây bao xa?”.
           “Nhà cháu cũng gần đây thôi ạ. Cháu đưa cô 350 ngàn nhé, chắc sau này hoa sẽ tăng giá!”. Nói rồi, cậu bé lấy tiền từ trong túi áo rồi đưa cho tôi. Đứa bé này, xem chừng mới chỉ mười một, mười hai tuổi mà nói chuyện y như người lớn.
          Cậu bé đưa tiền cho tôi kèm theo một tờ giấy ghi rõ địa chỉ nhà: “Cô ơi, đây là địa chỉ nhà cháu, cô nhất định phải chuyển đến nhà cháu đấy nhé!”
         Tôi nhận lấy tờ giấy, nét chữ cậu bé nguệch ngoạc, xiêu vẹo. Tôi nói: “Cháu còn viết tên của mẹ nữa à?”
          Cậu bé gật gật cái đầu rồi mỉm cười đáp: “Tên của mẹ cháu rất hay, mẹ cháu tên là Đặng Vĩ Cầm. Còn nữa, cháu tên là Bạch Vĩ ạ!”.
          Tôi vừa ghi nhớ vừa nói: “Đúng rồi, bây giờ mới là tháng bảy, còn hai tháng nữa mới đến sinh nhật mẹ cháu, đến hôm đó, cô nhất định sẽ chuyển hoa đến nhà cháu”.
           “Cảm ơn cô ạ, năm nay chuyển, năm sau chuyển, năm sau nữa cũng chuyển, 60 năm nữa cũng chuyển cô nhé!”.
          Cậu bé nói với vẻ đắc ý. Trước khi ra về, cậu bé vẫn không quên dặn tôi lần nữa. Nhìn bóng dáng cậu bé khuất dần, tôi mỉm cười bởi tôi chưa từng gặp một cậu bé nào dễ thương, ngây thơ như thế.
   Ngày hôm sau, cậu bé lại đến. Câu đầu tiên cậu nói khi gặp tôi đó là: “Cô đừng quên nhé, ngày 22 tháng 9 nhất định phải chuyển hoa đến nhà cháu đấy ạ!”
Tôi cười nói: “Yên tâm đi, cô không quên đâu!”.
           “À, còn nữa, khi đến chuyển hoa, cô có thể nói với mẹ cháu câu “Chúc mừng sinh nhật!” được không ạ?”.
          Tôi xoa đầu cậu bé rồi nói:  “Cô đồng ý!”.
          Sau khi nhận được câu trả lời khẳng định của tôi, cậu bé nở nụ cười rạng rỡ, đắc ý rồi quay đi.
          Ngày hôm sau nữa, cậu bé lại đến, sau lưng đeo giá vẽ, trên tay cầm hộp bút vẽ. “Cô ơi, cháu có thể vẽ cho cô một bức chân dung được không ạ?”. Đối với lời đề nghị của cậu bé, tôi hơi có chút ngạc nhiên.
“Cô ơi, cảm ơn cô đã giúp cháu tặng hoa cho mẹ, cháu không có gì để tạ ơn cô ngoài việc tặng cô một bức tranh. Cháu học vẽ đã được 6 năm rồi, cháu nhất định sẽ vẽ cô thật xinh đẹp”.
          Lúc đó khách cũng vắng nên tôi ngồi xuống để cho cậu bé vẽ. Xem ra, trình độ vẽ tranh của cậu bé cũng không tồi. Chưa đến 30 phút, cậu đã vẽ xong xuôi rồi. Tôi lấy ra xem và thốt lên: “Oa, giống như thật luôn!”. Cậu bé cũng nở nụ cười rạng rỡ. Trước khi đi, cậu bé lại dặn lần nữa nhất định không được quên giao ước giữa chúng tôi.
          Ngày thứ tư, cậu bé không đến. Kỳ lạ thay, tôi có chút gì đó rất thất vọng. Tôi nghĩ chắc hôm nay cậu bé bận gì đó nên có khi ngày mai sẽ đến thôi.
          Thế nhưng, từ đó về sau cậu bé không xuất hiện ở cửa tiệm tôi nữa. Trong lòng tôi có một cảm giác rất khó chịu, tôi luôn ngồi trong cửa tiệm nhìn ngó khắp bốn phía với hy vọng cậu bé sẽ đến. Nhưng càng chờ đợi tôi lại càng thất vọng, chỉ còn biết đợi đến ngày 22 tháng 9, tôi nhất định phải đích thân đến nhà cậu bé, tôi nhất định phải nói với mẹ cậu bé rằng: “Con trai chị thật đáng yêu!”
Ngày 22 tháng 9 hôm đó, tôi tỉ mỉ chọn những bông hoa cẩm chướng đẹp nhất. Địa chỉ mà cậu bé đưa cho, tôi sớm đã ghi nhớ trong lòng. Tôi vừa đi vừa nghĩ, nếu cậu bé nhìn thấy hoa tôi chuyển đến nhất định sẽ rất vui và mẹ của cậu nhất định cũng sẽ hạnh phúc. Có lẽ, hôm nay cậu bé đã ngồi chờ sẵn ở nhà đợi tôi đến.
          Tôi bấm chuông, một người phụ nữ trung niên ra mở cửa, khuôn mặt hốc hác.
           “Chị là chị Đặng Vĩ Cầm đúng không ạ?”.
          Tôi hỏi, chị gật đầu.
           “Đây là hoa mà con trai chị đã đặt cho chị, chúc chị sinh nhật vui vẻ!”.
           “Cô…có phải cô đã nhầm rồi không, con trai tôi đã đặt hoa sao?”, chị tỏ vẻ vô cùng ngạc nhiên.
           “Hai tháng trước có một cậu bé tên là Bạch Vĩ có đến đặt hoa ở tiệm chúng tôi, cậu bé nói rằng hoa này dùng để tặng mẹ, cậu bé nói rằng chị là mẹ cậu”, tôi giải thích.
          Chị im lặng không nói, tôi bỗng nhìn thấy những giọt nước mắt chảy đầy nơi đôi mắt của chị. Tôi luống cuống không biết làm thế nào, trong lòng thấp thỏm không yên. Chị ấy khóc vì quá xúc động chăng?
          Chị lau nước mắt sau đó dẫn tôi vào nhà, vừa rót nước cho tôi vừa kể: “Cảm ơn cô, tôi thật sự không ngờ tới”.
           “Đúng rồi, con trai chị vô cùng đáng yêu, cậu bé cùng một lúc đặt hoa cho 60 năm và nhờ tôi mỗi năm đúng vào ngày sinh nhật của chị thì đưa hoa đến tặng chị đấy”.
           “Cái gì? 60 năm ư? Tôi đã hiểu rồi”, chị nói. Tôi thấy bàn tay chị đang run rẩy, lời của tôi khiến chị bị kích động.
           “Con trai chị rất đáng yêu, cậu bé còn vẽ tranh cho tôi nữa”.
           “Đúng vậy, nó rất đáng yêu…con trai tôi, nhưng...”. Nói rồi, chị chợt òa khóc không thành tiếng, tôi có cảm giác gì đó rất bất an, chẳng lẽ cậu bé Bạch Vĩ đáng yêu này…
           “Nó mắc phải căn bệnh máu trắng, tôi đưa nó đi chữa trị khắp nơi nhưng đều vô ích…Chắc chắn nó biết mình sắp phải rời xa thế giới này nên mới đi đặt hoa cho tôi. Ba năm trước, vào ngày sinh nhật tôi, nó tặng tôi một bó hoa cẩm chướng. Tôi vui mừng khôn xiết rồi nói với nó rằng được nó tặng hoa là niềm hạnh phúc của tôi. Nó đáp lại rằng mỗi năm nó sẽ tặng hoa cho tôi bởi nó muốn nhìn thấy tôi hạnh phúc. Nó còn ngoắc tay với tôi…Thế nhưng, năm sau đó, nó bị chẩn đoán mắc bệnh máu trắng…Đứa con trai tội nghiệp của tôi…”.

          Lời nói của chị như sét đánh ngang tai tôi, đầu tôi như ù đi, nước mắt chảy dài Tôi không biết rằng tôi đã tạm biệt mẹ cậu bé và ra về như thế nào. Trong đầu tôi tràn ngập hình ảnh của Bạch Vĩ, khuôn mặt xanh xao, nụ cười rạng rỡ,…
          Tôi không biết rằng mình có thể duy trì cửa tiệm cho đến 60 năm hay không nhưng tôi dám bảo đảm rằng, chỉ cần một ngày còn sống, tôi nhất định sẽ đưa hoa đến tặng mẹ cậu vào ngày 22 tháng 9 hàng năm. Tôi cầu mong ông trời có thể cho tôi sống 60 năm nữa và mẹ cậu bé cũng vậy để tôi có thể giúp cậu hoàn thành tâm nguyện của mình.

                                                                              Theo Blogtamsu

NHỚ EM



                      NHỚ EM
               ( Liên hoàn khúc )

Đàn ai trầm bổng dưới sương mờ,
Nhớ mãi người thương đến ngẩn ngơ.
Khúc nhạc Đường Về say lối hẹn,
Lời ca Cầu Gãy đắm tình mơ.
Mênh mang thuở ấy xinh duyên thắm,
Lặng lẽ bây giờ đẹp chỉ tơ.
Kỷ niệm xa xăm trong gió thoảng,
Ngọt ngào đọng lại với nàng thơ.

Ngọt ngào đọng lại với nàng thơ.
Thấp thoáng bóng ai lúc đợi chờ.
Trách mãi ve sầu vương nỗi nhớ,
Thương nhiều cánh én dỗ cơn mơ.
Gió mưa ngày ấy sao tầm tã,
Giông bão hôm nay thật lặng tờ.
Bên cửa đong đưa màu tím Huế,
Ngân nga hạnh phúc ánh dây tơ.

Ngân nga hạnh phúc ánh dây tơ,
Phím lướt đàn vang nốt thẩn thờ.
Mái tóc dịu êm chao cánh mộng,
Làn môi vội vã thoáng trăng mơ.
Em nghe lời hát sao đằm thắm,
Ta ngắm viền mi cứ ngẩn ngơ.
Nỗi nhớ quay về khi bóng ngả,
Long lanh giọt nắng với người thơ.

Long lanh giọt nắng với người thơ,
Duyên thắm mang theo đến tận giờ.
Có lúc lay thầm bao ước mộng,
Nhiều khi gõ nhẹ những niềm mơ.
Hoàng hôn đường phố không ai đợi,
Sương sớm bờ sông chẳng kẻ chờ.
Kỷ niệm bên nhau ngày xế bóng,
Tình xuân gặp lại dưới trăng mờ.

Tình xuân gặp lại dưới trăng mờ,  
Hiên vắng đêm về phút mộng mơ.
Một thuở bên phòng vui giá sách,
Bao ngày trước gió đẹp trang thơ.
Nên duyên Nguyệt Lão thôi e ấp
Trọn nghĩa Tào Khang thỏa ngóng chờ.
Biển cả thuyền trôi đà cập bến,
Hoa xinh nắng mới đợi trên bờ.

                                  Minh Đạo
http://poem.tkaraoke.com/70303/NHO_EM.html
https://minhdao1160.wordpress.com/
                                                                       http://www.saimonthidan.com/?c=author&a=1114

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

TRĂNG THU



    
                                         TRĂNG THU

                Trăng thu chếch bóng lọt qua hiên,
                Cảnh vắng nhà tranh thấy nhẹ mềm.
                Lóng lánh lá thưa sương đọng nước.
                Khuya dần tĩnh lặng gió ru êm.
             
                                                   Minh Đạo

 

BAO DUNG CÀNG LỚN HẠNH PHÚC CÀNG NHIỀU

Người một nhà bao dung càng lớn thì hạnh phúc càng nhiều; giữa vợ chồng bao dung càng lớn thì tình cảm càng thắm thiết; giữa hàng xóm với nhau, bao dung càng lớn thì càng dễ sống; giữa bạn bè bao dung càng lớn thì tình hữu nghị càng bền vững; giữa đồng nghiệp với nhau, bao dung càng lớn thì sự nghiệp càng thuận lợi…


Cuộc sống không phải là chiến trường, không cần phải so sánh cao thấp. Giữa con người với nhau, càng hiểu về nhau hơn thì càng giảm thiểu sự hiểu lầm; dùng tâm đối đãi nhau, thêm một phần bao dung thì giảm đi một phần tranh chấp.

Con người thường cho mình là quann trọng nhất nên hay lo chuyện được mất hơn thua, không nên đem kiến thức và cách nhìn của mình để bình luận người khác, kỳ thật tâm rộng bao nhiêu thì hạnh phúc bấy nhiêu; bao dung càng lớn, đạt được càng nhiều.

Không nên nói sau lưng người khác, cũng không nên lo ngại bị nói sau lưng.  Khi một người không có gì thì không ai nói, còn người càng xuất sắc thì bị nói càng nhiều. Trên đời không có việc gì mà không bị bình luận, cũng không có ai không bị người khác bình luận. Có một số việc cần phải nhẫn, không nên tức giận; có một số người cần phải nhường không nên quá hơn thua. Miệng lưỡi chịu thiệt chút có sao đâu, nhường họ ba tấc lưỡi thì mình bị gì sao? Nước sâu thì phẳng lặng, người chững chạc thì ít nói. Học hiểu nói chuyện tâm tư, học cách nhẫn nhịn đối diện sự bất mãn.

Làm người: chỉ cầu cho mình được một nửa còn một nửa kia cho đi; làm việc: chỉ cầu một nửa còn một nửa kia để tùy duyên. Mọi việc không nên quá cầu toàn vì cầu toàn sẽ không còn lối thoát. Đối nhân xử thế không được quá hà khắc vì quá hà khắc sẽ không còn bạn bè. Phải biết nhún nhường, phóng khoáng khẳng khái; phải biết bao dung, hào phóng, rộng lượng.

 
Quán Như (Dịch)

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

ĐỘT QUỴ: 4 DẤU HIỆU QUAN TRỌNG CẦN PHẢI BIẾT ĐỂ TRÁNH ĐỘT TỬ






Theo các chuyên gia, bệnh đột quỵ chính là căn bệnh nguy hiểm và đang ngày càng tăng với con số đáng sợ: 3000 người bị bệnh/ngày. Đây là 4 dấu hiệu mà ai cũng phải biết để tránh.

Theo các chuyên gia bệnh đột quỵ chính là căn bệnh nguy hiểm và đang ngày càng tăng mỗi ngày có tới 3000 người bị bệnh này. 4 dấu hiệu mà ai cũng phải biết.

Hiểu đúng về bệnh đột quỵ

Giáo sư Phạm Minh Thông – Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mô hình bệnh tật trong thế giới hiện đại đang ngày càng diễn biến phức tạp, bệnh không lây nhiễm đang dần chiếm ưu thế.

Đặc biệt là đột quỵ não với nhiều yếu tố nguy cơ như bệnh tim, bệnh mạch máu ngoại vi...

Các thống kê trên thế giới cho thấy, đột quỵ não là nguyên nhân đứng hàng thứ nhất gây tàn tật ở người trưởng thành. Do vậy, đột quỵ não là một chủ đề quan trọng của y học cấp cứu từ cơ sở tới các chuyên khoa.

Bệnh còn gọi là tai biến mạch máu não, đây là bệnh lý tổn thương một phần não xảy ra đột ngột do mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc vỡ.

Máu mang oxy và chất dinh dưỡng lên nuôi não. Khi thiếu máu nuôi, não sẽ ngưng hoạt động rồi chết đi trong vài giây đến vài phút.

Biểu hiện lâm sàng của đột quỵ là liệt nửa người, tê và mất cảm giác nửa người, nói khó hoặc không nói được hoặc hôn mê…



(Ảnh minh họa)

TS. Vũ Đăng Lưu, Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết, đột quỵ não bao gồm chảy máu não và nhồi máu não. Trong đó nhồi máu não chiếm từ 80-85% các trường hợp.

Đây là tình trạng bệnh lý thường gặp ở người trên 40 tuổi, phổ biến nhất là những người có tiền sử bệnh lý tiểu đường, tim mạch, huyết áp, tăng cholesterol máu, hút thuốc lá...

Ở các nước phát triển, đột quỵ não là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế và là nguyên nhân đứng hàng thứ ba gây tử vong, sau bệnh tim mạch và ung thư.

Tỷ lệ đột quỵ não được dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng và sẽ đạt 1,2 triệu người mắc mới mỗi năm vào năm 2025.

Tại Việt Nam, cùng với mức sống của người dân ngày càng được cải thiện, lối sống thay đổi theo hướng giảm vận động, tuổi thọ tăng thì nguy cơ xuất hiện các bệnh lý đột quỵ não, đặc biệt là nhồi máu não cũng gia tăng.

Những điều cần phải biết về các dấu hiệu của bệnh đột quỵ

Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ bao gồm: nói ngọng, liệt mặt (méo miệng), liệt nửa người, đau đầu đột ngột, chóng mặt, mất thị lực đột ngột…Cách đơn giản là yêu cầu người bệnh: CƯỜI – NÓI – CHÀO - QUAN SÁT. Cụ thể:

• Yêu cầu người bệnh cười và quan sát xem khuôn mặt có bị mất cân đối hay không.

• Yêu cầu người bệnh đưa hai tay lên và quan sát xem có tay bên nào bị yếu hoặc liệt không.

• Yêu cầu người bệnh lặp những từ đơn giản và nghe xem giọng nói có bị thay đổi, có méo giọng không.

TS Lưu cho biết, nếu thấy người bệnh có những dấu hiệu trên thì lập tức gọi cấp cứu 115 để đưa người bệnh đến bệnh viện. Thời gian vàng để xử trí hiệu quả bệnh đột quỵ là trong vòng 3 tiếng.

Lý do phải đưa người bệnh vào viện ngay vì, trường hợp não người bệnh bị thiếu máu, thiếu oxy, hoặc bị chảy máu thì não sẽ bị hoại tử chết đi rất nhanh. Để càng lâu thì phần não bị chết càng lớn, không thể chữa trị phục hồi lại được.

Do đó, phải đưa người bệnh vào viện càng nhanh càng tốt để có thể cứu sống kịp thời các phần não chưa chết nhưng đang bị thiếu máu nuôi, đang bị sưng hoặc bị chèn ép.

Nếu người bệnh mắc đột quỵ không được đưa đến bệnh viện kịp thời có thể để lại di chứng kéo dài như: hôn mê, liệt nửa người, rối loạn ý thức, rối loạn nuốt, mất ngôn ngữ không thể tự ăn uống, sinh hoạt cá nhân được… mà đòi hỏi người trợ giúp lâu dài.

Tuyệt đối không tự ý điều trị cho người bệnh dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu hay đánh gió vì những tác động này vô tình có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Không tự ý dùng thuốc huyết áp, chỉ dùng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp > 180/100mmHg (không dùng thuốc hạ huyết áp dạng nhỏ dưới lưỡi).


TS. Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Đối với đột quỵ thiếu máu não (do tắc mạch máu não), bệnh nhân có thể được xử trí cấp cứu như dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch trong 4,5 giờ đầu.
Nếu bệnh nhân có tắc các động mạch não lớn có thể lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học qua đường động mạch trong 6 giờ đầu. Khi bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não được xử trí cấp cứu có thể giảm tỉ lệ tử vong cũng như tỉ lệ tàn phế.

                                                                                          Nguồn soha.vn

 

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

VÔ ĐỀ - LÝ THƯƠNG ẨN




Vô đ (Tương kiến thì nan bit dic nan) 
Lý Thương Ẩn

Tương kiến thì nan biệt diệc nan,
Đông phong vô lực bách hoa tàn.
Xuân tàm đáo tử ty phương tận,
Lạp cự thành hôi lệ thuỷ can.
Hiểu kính đãn sầu vân mấn cải,
Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn.
Bồng Lai thử khứ vô đa lộ,
Thanh điểu ân cần vị thám khan.

Tạm dịch:

                      Vô Đề

Gặp nhau chẳng dứt cảnh ly tan,
Đông đến trăm hoa rũ cánh tàn.
Tằm thác kén lìa tơ bám víu,
Nến vơi đèn tắt  lệ tuôn tràn.
Gương buồn sáng ngắm đầu sương trắng
Thơ lạnh đêm ngâm nguyệt ánh vàng.
Cố tới bồng lai qua vạn lối,
Chim xanh hãy trọn giúp thăm đàng.


                                             Minh Đạo



Lý Thương Ẩn 李商隱 (813-858) tự Nghĩa Sơn 義山, hiệu Ngọc khê sinh 玉谿生, người Hà Nội, Hoài Châu (nay Tầm Dương, phủ Hoài Khánh, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ sa sút. Thuở thiếu thời giỏi văn thơ, được giao du với các con của tể tướng Lệnh Hồ Sở, trong đó có Lệnh Hồ Đào. Bấy giờ trong triều có hai phe đối nghịch nhau, tranh quyền đoạt lợi, một phe là Tăng Ngưu Nhu, phe kia là Lý Đức Dụ, hầu hết quan lại đều bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp ấy. Sở theo phe Ngưu. Năm Lý Thương ẩn mười bảy tuổi (829), Sở tiến cử làm tuần quan mạc phủ. Năm hai mươi lăm tuổi (837), ông lại được Lệnh Hồ Đào khen ngợi, nâng đỡ nên đỗ tiến sĩ niên hiệu Khai Thành II. Năm sau ông được Vương Mậu Nguyên, tiết độ sứ Hà Dương mến tài, dùng làm thư ký và gả con gái cho. Chẳng may, Vương thuộc phe Lý Đức Dụ khiến ông trở thành kẻ vong ân bội nghĩa, xảo quyệt vô hạnh trong mắt Lệnh Hồ Đào. Vương Mậu Nguyên chết, rồi Lý Đức Dụ thất thế, ông đến kinh sư nhưng không được làm gì cả. Sau nhờ Trịnh Á vận động, ông được làm chức quan sát phán quan. Trịnh Á bị biếm ra Lĩnh Biểu, ông cũng đi theo. Ba năm sau ông lại trở về, làm truyện tào tại Kinh Triệu. Ông nhiều lần đưa thư, dâng thơ cho Lệnh Hồ Đào để phân trần và xin tiến dẫn, nhưng vẫn bị lạnh nhạt. Tiết độ sứ Đông Thục là Liễu Trọng Hĩnh dùng ông làm tiết độ phán quan, kiểm hiệu Công bộ viên ngoại lang. Liễu bị bãi quan, ông cũng mất chức. Như thế là ông mắc kẹt giữa hai phái, chưa hề được đắc chí trên hoạn lộ, cứ bôn tẩu khắp nơi: Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây, Từ Châu nương nhờ hết người này đến người khác, long đong khốn khổ. Cuối cùng ông về đất Oanh Dương thuộc Trịnh Châu rồi bệnh chết năm 46 tuổi. 

Văn Lý Thương Ẩn có phong cách khôi lệ ỷ cổ, thơ nổi tiếng ngang Ôn Đình Quân, nên người Đương Thời gọi là "Ôn - Lý", hoặc ngang Đỗ Mục, nên được gọi là "tiểu Lý - Đỗ" (để phân biệt với "Lý - Đỗ" là Lý Bạch - Đỗ Phủ). Vương An Thạch đời Tống khen ngợi rằng người đời Đường học tập Đỗ Phủ mà đạt được mức "phiên ly" (rào dậu, xấp xỉ) của ông, thì chỉ có một mình Thương Ẩn. Dương Ức và Lư Tử Nghi mô phỏng thơ ông làm ra tập "Tây Côn thù xướng" nên có tên "Tây Côn thể". Tác phẩm của ông có "Phàn nam giáp tập" (20 quyển), "Ất tập" (20 quyển), "Ngọc khê sinh thi" (3 quyển); ngoài ra còn một quyển phú và một quyển văn. Tương truyền ông có tình luyến ái với nữ đạo sĩ Tống Hoa Dương và các cung nữ Lữ Phi Loan, Khinh Phụng, nên ông làm bảy bài "Vô đề" mang tính diễm lệ, bí ẩn. 

Thơ ca Lý Thương Ẩn có nhiều nét rất đặc sắc so với truyền thống thơ ca cổ điển Trung Quốc. Ông tiếp thu ảnh hưởng cổ thi, nhạc phủ Hán - Nguỵ và cả cung thể Lương - Trần. Ông cũng học tập ngũ ngôn hiện thực của Đỗ Phủ, phong cách lãng mạn của Lý Hạ cho nên thơ ông khá phức tạp cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật. 

Đặc sắc nhất trong thơ Lý Thương Ẩn là thơ tình. Với những bài "Vô đề", ta thấy được đời sống tình ái của kẻ sĩ đại phu xưa. Lễ giáo phong kiến và chế độ hôn nhân không cho phép tự do, vì thế không thoả mãn yêu đương, họ có nhiều ảo tưởng và khát vọng, hoặc là mang tâm trạng ẩn ức, hoặc là sống phóng đãng buông lung. Thơ Lý Thương Ẩn ít nhiều nói lên niềm mơ ước về hạnh phúc lứa đôi và có tính chống lại lễ giáo phong kiến. Những bài thơ Vô đề của ông âm điệu nhịp nhàng uyển chuyển, tình điệu thê luơng ai oán, niêm luật nghiêm túc chỉnh tề, ngôn từ gọt dũa bay bướm, tạo nên những hình tượng tươi đẹp, sinh động, cảm xúc sâu sắc chân thành. Tuy nhiên do không thể đấu tranh đập tan những gông cùm ấy nên ông cũng như tầng lớp của ông trở nên bi quan tiêu cực, bám lấy hư vô chủ nghĩa, kết hợp với sự suy tàn của thời đại và giai cấp. 
                                                                             Nguồn Thiviên 



8 CÂU CHUYỆN NGẮN THÂM THÚY VỀ CUỘC ĐỜI


Cuộc sống cần những câu chuyện nhỏ để giúp bạn có được kinh nghiệm sống quý báu, hay ít ra nó cũng có thể giúp các bạn có được chút niềm vui trong những bộn bề này.

1. Mark Twain và người phụ nữ kiêu ngạo
Trong một bữa tiệc, Mark Twain ngồi đối diện với một người phụ nữ. Theo lẽ lịch sự, ông đã nói với người này: “Cô thật là xinh đẹp!”.
Người phụ nữ đó lại không hề cảm kích, mà còn cao ngạo nói: “Rất tiếc là tôi không có cách nào để nói lời khen tương tự như thế với ông!”.
Mark Twain rất bình thản, nói: “Không sao cả, cô có thể giống như tôi vậy, nói một lời nói dối là được rồi”.
Người phụ nữ nghe xong, xấu hổ quá, phải cúi gầm mặt xuống mà không nói được lời nào.
Gợi ý nhỏ:
Tảng đá mà bạn ném ra, người bị nó làm cho vấp té sẽ luôn luôn là chính bản thân bạn;
Bạn nói lời cay nghiệt, sau cùng cũng sẽ tự mình rước lấy nhục nhã mà thôi.

2. Chuột sa hũ gạo
Một con chuột rơi vào trong lu gạo, số gạo trong lu vẫn còn một nửa, sự cố ngoài ý muốn này khiến nó vui mừng không sao tả được.
Sau khi xác định là không có nguy hiểm gì, nó liền bắt đầu cuộc sống ăn rồi lại ngủ, ngủ rồi lại ăn trong cái lu gạo.
Rất mau, lu gạo sắp cạn kiệt, nhưng nó rốt cuộc vẫn không thoát khỏi sự cám dỗ của những hạt gạo, nên tiếp tục ở lại trong lu. Cuối cùng, gạo đã ăn hết, chuột ta mới phát hiện rằng mình không thể nhảy ra ngoài được nữa, lực bất tòng tâm.
Gợi ý nhỏ:
Cuộc đời của chúng ta xem như rất yên bình nhưng thật ra khắp nơi đều đầy rẫy nguy cơ, cần phải giữ cho mình quan niệm sống ổn định, từ đó mà biết cân nhắc đến an nguy.

3. Con thỏ câu cá bằng cà rốt
Ngày đầu tiên, chú thỏ con đi câu cá, không thu hoạch được gì cả.
Ngày thứ hai, nó lại đi câu cá, kết quả vẫn không đổi.
Ngày thứ ba, nó vừa đến nơi, một con cá lớn từ trong hồ nhảy lên, lớn tiếng quát: “Nếu như ngươi còn dám dùng cà rốt để làm đồ ăn cho cá, ta sẽ làm thịt ngươi”.
Gợi ý nhỏ:
Những gì bạn cho đi đều là những gì bạn muốn cho, chứ nó không nhất định là những gì mà đối phương muốn; thế nên điều bạn cho đi ấy trong con mắt người ta căn bản vốn không có giá trị gì cả. Hãy biết cân nhắc đến người khác để giá trị cuộc sống của bạn thêm ý nghĩa.

4. Bệnh nhân ung thư “tưởng rằng” cuộc phẫu thuật đã thành công

Ảnh minh họa
Tôi có một người bạn là bác sĩ. Một lần anh làm phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư, sau khi mổ ra mới phát hiện chỗ bị viêm cắt bỏ không được, anh đành phải may lại, rồi đi giải thích tình huống với bệnh nhân. Bệnh nhân đó đến từ vùng quê, nghe không hiểu thuật ngữ y khoa, thế nên nghe xong thì vững tin rằng phẫu thuật xong rồi thì bệnh sẽ khỏi.
Bác sĩ không còn cách nào khác, đành phải để ông xuất viện.
Một năm sau tái khám, bệnh quả nhiên đã khỏi hẳn, các tế bào ung thư đã hoàn toàn biến mất.
Gợi ý nhỏ:
Tâm thái vui vẻ lạc quan chính là phương thức phẫu thuật tốt nhất vậy.

5. Nhân duyên vợ chồng
Năm đó, anh đang ngồi đợi bạn trong quán cà phê. Một người con gái bước đến hỏi: “Anh có phải là người mà dì Vương giới thiệu đến để xem mắt hay không?”.
Anh ngẩng đầu lên nhìn cô một cái, bất chợt phát hiện đây chính là mẫu người mình thích, lòng nghĩ thầm sao không “lỡ nhầm rồi đã nhầm cho trót luôn”, thế là vội vàng đáp: “Đúng vậy, mời ngồi”.
Ngày kết hôn, anh liền đem sự thật này nói với vợ, người vợ cười cười một cái, nói: “Em cũng không phải là đến xem mắt, chỉ là mượn cớ để bắt chuyện với anh thôi……”
Gợi ý nhỏ:
Khi cơ duyên đã đến rồi, thì đừng nên do dự mà hãy nắm chặt lấy nó.

6. Hoa khôi lớp xấu xí
Các sinh viên nữ công khai bỏ phiếu bầu chọn hoa khôi của lớp, Tiểu Mai là người có dung mạo bình thường nhưng cô đa đứng ra nói mọi người rằng: “Nếu như tôi được chọn, qua vài năm sau, các chị em ngồi ở đây có thể tự hào mà nói với chồng của mình rằng, ‘hồi em học đại học, em còn xinh đẹp hơn cả hoa khôi trong lớp cơ đấy!’”.
Kết quả là cô ấy đã được bầu chọn với số phiếu gần như tuyệt đối.
Gợi ý nhỏ:
Thuyết phục người khác ủng hộ bạn, không nhất định là phải chứng minh rằng bạn xuất sắc hơn người khác như thế nào, mà là cần để cho người ta biết được rằng nhờ có bạn mà họ mới trở nên ưu tú hơn và có nhiều thành tựu hơn.

7. Ông lão vứt bỏ đôi giày

Ảnh minh họa
Chuyến xe lửa đang chạy trên đường cao tốc, Gandhi không cẩn thận làm rơi một chiếc dép mới mua ra ngoài cửa sổ, mọi người chung quanh đều cảm thấy tiếc cho ông. Bất ngờ, ông liền ném ngay chiếc giày thứ hai ra ngoài cửa sổ đó. Hành động này của Gandhi khiến mọi người sửng sốt, thế là ông bèn từ tốn giải thích: “Chiếc giày này bất luận đắt đỏ như thế nào, đối với tôi mà nói nó đã không còn có ích gì nữa, nếu như có ai có thể nhặt được đôi giày, nói không chừng họ còn có thể mang vừa nó thì sao!”.
Gợi ý nhỏ:
Đối với nỗi thống khổ đã định sẵn là không thể vãn hồi, chi bằng hãy buông bỏ từ sớm.

8. Hai con hổ số phận khác nhau
Có hai con hổ, một con ở trong chuồng, một con nơi hoang dã.
Hai con hổ đều cho rằng hoàn cảnh của bản thân mình không tốt, đôi bên đều ngưỡng mộ đối phương, thế là chúng quyết định thay đổi thân phận với nhau. Lúc mới bắt đầu, cả hai đều vô cùng vui vẻ, nhưng không lâu sau đó, hai con hổ đều chết cả: một con vì đói mà chết, một con u sầu mà chết.
Gợi ý nhỏ:
Có những lúc, mọi người nhắm mắt làm ngơ đối với hạnh phúc của chính bản thân mình, để rồi luôn để mắt đến hạnh phúc của những người khác. Thật ra, những gì mà bạn đang có chính là những điều mà người khác phải ngưỡng vọng.
Cuộc đời là thế, nhiều chuyện xảy ra theo cách không thể ngờ tới, hy vọng sau khi đọc những câu chuyện này, mọi lúc mọi nơi ai cũng có thể tự nhắc nhở bạn thân mình vậy.

                                                   (Theo Tiểu Thiện/ cmoney)