Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

DIỄN VĂN CHẤN ĐỘNG CỦA DOANH NHÂN VIỆT SUÝT TỰ SÁT Ở MỸ

Bài diễn văn của Tiến sỹ Trần Vinh Dự gây chấn động dư luận và được so sánh với bài phát biểu của huyền thoại Steve Jobs tại ĐH Stanford năm 2005.
   Chỉ trong một thời gian ngắn, bài diễn văn này được chia sẻ rất nhiều trên các trang mạng xã hội.
  Chủ nhân của bài diễn văn gây chấn động ấy là doanh nhân, Tiến sỹ Trần Vinh Dự - Chủ tịch Trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ (VATC) và Chủ tịch Trung tâm Quốc tế của Đại học Broward College (Mỹ) tại Việt Nam.
  Trao đổi với chúng tôi, TS Trần Vinh Dự cho biết, đây là bài diễn văn ông nói trong lễ tốt nghiệp của sinh viên trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ vào tháng 3/2010.

Tiến sĩ Trần Vinh Dự với bài diễn văn gây chấn động.
  Nhiều người bình luận luận cho rằng bài phát biểu giống với bài diễn văn của nhân vật huyền thoại Steve Jobs tại lễ tốt nghiệp của ĐH Stanford năm 2005; “bài phát biểu của Steve Jobs ở Việt Nam”.
Một độc giả khác đánh giá: “Bài viết có chiều sâu và sức hút kỳ lạ!”;“ Bài phát biểu quá hay, vì nó xuất phát từ trái tim chân thành và bộ não chứa đầy tri thức, trải nghiệm”…
  Trong bài diễn văn của mình nói với sinh viên ngày ra trường, TS Trần Vinh Dự đưa ra 3 điều: Sự thất bại, sự hữu hạn của cuộc đời, sự thành đạt và hạnh phúc.
  Chúng tôi xin phép đăng tải nguyên văn bài diễn văn “kinh điển” gây chấn động này của TS Trần Vinh Dự:
  Tôi rất hân hạnh được có mặt trong buổi lễ tốt nghiệp ngày hôm nay của các bạn, những cựu sinh viên yêu quý của trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ.
  Trong ngày vui này, tôi muốn chia sẻ với các bạn 3 điều với tư cách là một người bạn. Chỉ có 3 điều thôi, không có gì là lớn lao.
  Điều thứ nhất là về sự thất bại 
  Tôi tự cho mình là một người dám chấp nhận thất bại. Thất bại đầu đời của tôi là trong năm đầu Đại học. Tôi vào học Đại học Quốc Gia Hà Nội năm 1995 và đặt mục tiêu phải lấy được học bổng để đi Úc học ngay trong năm đầu tiên.
  Để làm được việc đó, tôi phải đứng đầu trường về thành tích học tập. Kết quả học tập của tôi năm đó đứng đầu trường.
  Nhưng đáng tiếc là chương trình học bổng của Úc mà tôi nhắm tới năm đó kết thúc. Giấc mơ không thành, tôi đã khóc nhiều ngày, nhưng tôi không bỏ cuộc.
  Khi tốt nghiệp Đại học, tôi cũng tốt nghiệp đứng đầu khoá. Tôi được trường Đại học Quốc Gia Hà Nội giữ lại làm giảng viên. Thế nhưng mức lương khi đó chỉ có 400 nghìn đồng mỗi tháng, đủ cho tôi uống café và ăn sáng vài ngày.
  Tôi nộp hồ sơ xin việc ở nhiều nơi, và trong suốt 6 tháng trời, tôi chỉ nhận được hết cái lắc đầu này tới cái lắc đầu khác. Lại một thất bại nữa.
  Sự thất bại trong việc tìm việc làm tốt và lương cao khiến tôi nhận ra tôi cần phải làm tốt hơn nữa. Tôi đã dành một năm tự học và xin học bổng.
  Thời kỳ này áp lực lớn tới mức tóc trên đầu tôi rụng từng mảng. Tôi cao 1m74, và khi đó tôi chỉ nặng hơn 50 kg đôi chút.
  Nhưng nỗ lực của tôi cuối cùng không uổng. Tôi được nhận học bổng của viện Harvard Yenching tại trường Đại học Harvard và được nhận vào học tại Đại học Tổng hợp Texas tại Austin. Năm 24 tuổi, tôi bắt đầu qua Mỹ học tiến sĩ Kinh tế.
  Gần 6 năm học tiến sĩ là một thời kỳ gian khổ, đặc biệt là trong giai đoạn làm luận án.
  Các thất bại liên tiếp trong nghiên cứu và áp lực phải thành công để tốt nghiệp là đặc biệt nghiêm trọng.
  Nếu thời gian kéo dài quá lâu, học bổng của tôi sẽ hết, và tôi sẽ phải bỏ cuộc và về Việt Nam với hai bàn tay trắng. Vì thế nhiều lúc quẫn trí tôi đã tính đến việc tự sát.
  Thế nhưng cuối cùng tôi vẫn vượt qua được. Khi tôi tốt nghiệp đầu năm 2007, tôi là một trong 3 nghiên cứu sinh được đánh giá cao nhất trong số khoảng gần 20 tiến sĩ Kinh tế tốt nghiệp năm đó của trường.
  Ngay từ trước khi ra trường, tôi đã có việc làm tại Mỹ với mức lương khởi đầu 6 con số, tức là hơn 100 nghìn USD/năm.
  Năm 2010, tôi về Việt Nam và bắt đầu làm việc cho một Quỹ đầu tư lớn nhất nhì Việt Nam trên cương vị cố vấn kinh tế cao cấp. Nhiều người ngăn cản quyết định này. Nhiều người cho tôi là ngu ngốc.
  Và quả thật, tôi bị sa thải chỉ sau 3 tuần làm việc ở tập đoàn này. Lý do, các lãnh đạo của họ sợ những gì tôi nói và viết có thể ảnh hưởng đến tương lai chính trị của tập đoàn. Lại một thất bại nữa. Lần này nặng hơn vì tôi đã 33 tuổi.
  Nhưng chính nhờ thất bại này, sự nghiệp của tôi rẽ sang một lối đi mới. Tôi tham gia cùng các bạn bè thân hữu của mình xây dựng công ty tài chính TNK Capital, giờ là một công ty tư vấn tài chính uy tín ở Việt Nam.
  Từ công ty này, chúng tôi lập ra Ismart Education, một công ty tiên phong ở Việt Nam trong lĩnh vực giải pháp giáo dục số, và đầu tư vào Học viện Giáo dục Hoa Kỳ, là công ty sở hữu trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ.
  Đó cũng là lý do mà tôi đứng trước các bạn ngày hôm nay với tư cách Chủ tịch của trường.
  Những thất bại mà tôi gặp phải trong 20 năm qua có thể chưa phải là những thất bại lớn. Tôi có thể sẽ còn gặp thêm nhiều thất bại nữa trong những năm tới. Nhưng mỗi khi thất bại, tôi lại thấy mình trưởng thành hơn và quyết tâm hơn.
  Ngày hôm nay các bạn ra trường, cũng giống như tôi ra trường hồi 15 năm trước. Dù học giỏi tới đâu, hành trang lập nghiệp của các bạn cũng giống như tôi ngày đó, vẫn còn nghèo nàn lắm.
  Các bạn chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, và sẽ có nhiều thất bại. Có những thất bại sẽ làm các bạn bật khóc. Có những thất bại sẽ làm các bạn không thể khóc thành lời.
  Có những thất bại sẽ làm các bạn mất niềm tin và gục ngã. Có những thất bại thậm chí làm các bạn đau đến mức ước như mình chưa bao giờ được sinh ra.
  Trong những giờ phút ấy, hãy nhớ rằng ai cũng sẽ phải trải qua những thử thách tương tự.
  Cái gì không giết chết được chúng ta thì sẽ làm chúng ta lớn mạnh hơn. Tôi mong điều ấy ở các bạn. Và đó là chia sẻ đầu tiên.
 

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

CHUYỆN DỄ NHƯNG LẠI KHÓ !!!


               

   Chuyện về loài chim ó:
   Nếu đặt một con chim ó vào trong một chiếc lồng, với kích thước khoảng 2m x 2,5m, nhưng hoàn không có nóc, tức là phần trên được mở toang; con chim này sẽ vẫn hoàn toàn là một... tù nhân trong lồng đó.
   Lý do: con chim ó luôn bắt đầu bay “chạy đà” khoảng 3- 4m đầu tiên. Không có quãng đường để chạy, theo thói quen, chim ó không thể bay lên, và sẽ chấp nhận bị cầm tù suốt đời, trong một “nhà giam” nhỏ không có mái!

   Câu chuyện con dơi:
   Một con dơi thường bay ra ngoài kiếm ăn vào buổi tối. Nó là một sinh vật nhanh nhẹn, linh lợi và bay chính xác.
  Tuy nhiên, nó không thể cất cánh mà lại thả người rớt xuống rồi mới bay. Nếu nó được đặt trên sàn hoặc một mặt phẳng, thì nó chỉ có thể lê bước loanh quanh một cách vô vọng, và, tất nhiên vô dụng, không thể bay đi.
   Cho đến khi nó được rớt từ một độ cao nhỏ thôi là có thể tung mình bay vào không trung.

   Câu chuyện về con ong nghệ:
   Con ong nghệ, nếu bị thả vào một cái ly lớn không đậy nắp, cũng sẽ ở trong ly đó cho đến chết.
   Nó không bao giờ nhìn thấy đường thoát ở phía trên, mà chỉ cố gắng tìm cách nào đó thoát ra qua các mặt ngang bên, hoặc qua... đáy ly.

   Và câu chuyện về con người...

   Trong rất nhiều trường hợp, con người cũng giống như con chim ó, con dơi và con ong nghệ ở trên. Vật lộn với tất cả các vấn đề rắc rối của mình, mà không bao giờ nhận ra rằng rất có thể có một giải pháp ở rất gần, trước mắt, vì từ lâu, con người đã thường tự giam mình trong những cái lồng của thói quen, sự cố chấp, sự ích kỷ, tham lam... và sự lệ thuộc vào người khác

                                                                                         st

Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Ý NGHĨA LẠY PHẬT



 Một em bé đi chùa lễ Phật, lễ xong em vừa ra đến sân chùa, gặp một quân nhân đứng ngắm cảnh. Thấy em, quân nhân liền hỏi: 
- Em đi đâu thế?  Bé gái đáp: Em đi chùa lễ Phật.
- Quân nhân hỏi: Tượng Phật bằng gỗ bằng xi măng, em lễ cái gì?
- Bé hỏi lại: Ở doanh trại anh mỗi sáng có chào cờ không? 
Quân nhân đáp: Sáng nào cũng chào cờ.

- Bé lại hỏi: Cờ bằng vải bằng màu, tại sao phải nghiêm trang chào? 
- Quân nhân đáp: Chào tinh thần Tổ quốc được tượng trưng qua lá cờ, chớ không phải chào vải màu.
- Em bé nói: Cũng thế, em lạy tinh thần Từ Bi Giác Ngộ của Đức Phật được tượng trưng qua hình tượng chớ không phải lạy gỗ lạy xi măng.
… Chúng ta lạy Phật không vì van xin tha tội, không vì cầu mong ban ân, chỉ vì quí kính một đấng lòng từ bi tràn trề, trí giác ngộ viên mãn. 
   Vì quí kính công đức trí tuệ của Phật nên chúng ta lạy Ngài. 
  Lạy Phật để thấy mình còn thấp thỏi ti tiện, bỏ hết những thói ngạo mạn cống cao. 
  Quí kính gương cao cả của Phật để mình noi theo. 
  Phước đức lạy Phật là tại chỗ đó . 

Trước khi chìm vào giấc ngủ, chúng ta có thể nghĩ rằng, 
  “ Mình sắp chết ...” và cầu nguyện để được tái sinh vào cõi Tịnh Độ của Phật A Di Đà. 
  Nếu chúng ta có thể làm quen với điều này trong thời gian dài, 
thì chúng ta nhớ về Phật A Di Đà khi trong giai đoạn trung ấm một cách dễ dàng hơn. 
  Chúng ta sẽ không còn thân vật chất mà chỉ có thần thức trong giai đoạn đó. 
  Vì thế, nếu chúng ta có thể nhớ tưởng tới Phật A Di Đà lúc đó, 
ta sẽ được Đức Phật A Di Đà dẫn dắt tới cõi Tịnh Độ rất dễ dàng.

                                                             Kyabje Yangthang Rinpoche


Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

HẠT TÁO



   Tại một xứ Hồi giáo nọ, có một người đàn ông bị vua truyền lệnh treo cổ vì đã ăn cắp thức ăn của một người khác. Như thường lệ, trước khi bị treo cổ, tù nhân được nhà vua cho phép xin một ân huệ.    Kẻ tử tội bèn xin với nhà vua như sau: "Tâu bệ hạ, xin cho thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi, hạt giống sẽ nảy mầm, thành cây và có trái ăn ngay tức khắc. Ðây là một bí quyết mà cha thần đã truyền lại cho thần. Thần tiếc là bí quyết này không được truyền lại cho hậu thế".
   Nhà vua truyền lệnh cho chuẩn bị mọi sự sẵn sàng để sáng hôm sau người tử tội sẽ biểu diễn cách trồng táo. Ðúng giờ hẹn, trước mặt nhà vua và các quan văn võ trong triều đình, tên trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói: "Chỉ có người nào chưa hề ăn cắp hoặc lấy của người khác, người đó mới có thể trồng được hạt giống này. Vì đã từng ăn trộm nên tôi không thể trồng được hạt giống này".
    Nhà vua tin người tử tội, nên mới quay sang nhìn vị tể tướng, có ý nhờ ông ta làm công tác ấy. Nhưng sau một hồi do dự, vị tể tướng mới thưa: "Tâu bệ hạ, thần nhớ lại lúc còn niên thiếu, thần cũng đã có lần lấy của người khác... Thần cảm thấy mình không đủ điều kiện để trồng hạt táo này".   Nhà vua đảo mắt nhìn quanh các quan văn võ đang cómặt, ông nghĩ bụng: may ra quan thủ kho trong triều đình là người nổi tiếng trong sạch có thể hội đủ điều kiện. nhưng cũng giống như vị tể tướng, quan thủ kho cũng lắc đầu từ chối và tuyên bố trước mặt mọi người rằng, ông cũng đã có một lần gian lận trong chuyện tiền bạc. không còn tìm được người nào có thể thực hiện được bí quyết trồng cây ấy, nhà vua định cầm hạt giống đến cho vào lỗ đã đào sẵn. Nhưng ông cũng chợt nhớ rằng lúc còn niên thiếu, ông cũng có lần đánh cắp một báu vật của vua cha...
   Lúc bấy giờ, người tử tội chỉ vì ăn cắp thức ăn, mới chua xót thốt lên: "Các ngài là những kẻ quyền thế cao trọng. Các ngài không hề thiếu thốn điều gì. Vậy mà các ngài cũng không thể trồng được hạt giống này, bởi vì các ngài cũng đã hơn một lần lấy của người khác. Còn tôi, một con người khốn khổ, chỉ lỡ lấy thức ăn của người khác để ăn cho đỡ đói qua ngày, thì lại bị các ngài nghị án treo cổ...".   Nhà vua và cả triều thần nghe như xốn xáo trong lương tâm. Ông ra lệnh phóng thích cho người ăn trộm.
   Hạt giống bình an đó chỉ có thể nảy mầm thành cây và mang lại hoa trái là nếu mỗi người ai cũng dọn sẵn đất đai cho nó. Ðất đai thuận tiện để cho hạt giống của Bình An ấy được nảy mầm, chính là lòng sám hối thực sự. Sám hối nghĩa là biết chấp nhận chính bản thân và sẵn sàng cảm thông, tha thứ cho người khác. Có nhận ra những yếu đuối bất toàn của mình, con người mới dễ dàng cảm thông và tha thứ cho người. Và có cư sử như thế, chúng ta mới thấy được hạt giống Bình An nảy mầm trong tâm hồn chúng ta và mang lại hoa trái cho người xung quanh...

                                                                              ST


Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

NHỮNG ĐIỀU NHẤT ĐỊNH CON PHẢI HỌC !!!!

                                Nếu con học được những điều này, con sẽ có một tinh thần “quý tộc”.


   1. Con ạ, con nhất định phải học nấu cơm. Việc này không liên quan với chuyện hầu hạ người khác. Khi những người yêu thương con đều không ở bên cạnh, con có thể đối đãi bản thân thật tốt. (Có thể độc lập sinh tồn)
   2. Con ạ, con nhất định phải học lái xe. Việc này không liên quan với thân phận địa vị. Như thế vào bất cứ lúc nào, con cũng có thể cất bước đi đến bất cứ nơi nào con muốn, không cầu cạnh bất cứ người nào. (Tự do)
  3. Con ạ, con nhất định phải học đại học, đại học chính quy. Việc này không liên quan với học lực. Trong đời người cần trải qua mấy năm này, cuộc sống không gò bó lại có thể thấm nhuộm thư hương. (Một khi đi vào xã hội, là đã đi vào thị trường)
  4. Con ạ, con có biết không? Dấu chân có bao xa, lòng dạ có bao rộng. Tấm lòng rộng rãi, con mới vui vẻ. Ngộ nhỡ đi không xa, hãy để sách vở đưa con đi. (Mở rộng tầm nhìn của mình, nhờ vào tầm nhìn của tri thức)
  5. Nếu trên đời chỉ sót lại hai bát nước, một bát dùng để uống, một bát phải dùng để rửa sạch gương mặt và quần áo lót của con. (Tự tôn không liên quan với giàu nghèo)
  6. Trời sập xuống cũng đừng khóc lóc, đừng oán trách. Như thế chỉ khiến những người yêu thương con càng đau lòng, những kẻ thù hận con thêm đắc ý. (Bình tĩnh chấp nhận số mệnh, những người yêu thương con đương nhiên sẽ quan tâm)
  7. Dù ăn cơm trộn nước tương, cũng phải trải khăn ăn sạch sẽ, ngồi với tư thế trang nhã. Sống cuộc sống thô sơ theo cung cách cầu kỳ. (Phong độ không liên quan với cảnh ngộ)
  8. Khi đến phương xa, ngoài máy ảnh, nhớ mang theo giấy bút. Phong cảnh giống nhau, nhưng tâm tình ngắm cảnh mãi mãi không trùng lặp. (Hình ảnh và ký ức tình cảm là khác nhau)
  9. Nhất định phải có không gian thuộc về mình, dù chỉ hơn chục mét vuông. Nó có thể giúp con khi cãi nhau với người yêu giận dỗi bỏ đi không đến nỗi lưu lạc đầu phố, đụng phải kẻ xấu. Càng quan trọng hơn là, khi con nông nổi, có một nơi để con bình tĩnh lại, cho lòng mình một góc ở yên. (Nhân cách độc lập)
  10. Lúc nhỏ phải có kiến thức, lớn lên phải có từng trải, con mới có cuộc đời tinh tế đẹp đẽ! (Đọc từng trải của người khác, tìm từng trải của bản thân)
  11. Bất kể lúc nào, đều phải làm một người hiền lành lương thiện. Hãy ghi nhớ, lương thiện, sẽ khiến con trở thành người được trời cao chiếu cố nhất. (Kiểu chiếu cố này không hẳn là giàu có và quyền thế. Thiện có thiện báo, thứ được báo đáp, là tình yêu thương.)
  12. Nụ cười, ưu nhã, tự tin, là của cải tinh thần lớn nhất. Sở hữu chúng, con sẽ sở hữu tất cả.
    Đây chính là tinh thần “quý tộc”
                                                                                            st

Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

TA TRỞ VỀ GIỮA SÂN TRƯỜNG......


(Trích trong tập Di cảo và Ký ức - Phan Phụng Thạch)


HÒN ĐÁ NÉM ĐI

anh-dep-ve-nhung-giot-nuoc-yana-bondareva-644 (7)
          Hòn Ðá Ném Ði
   Văn hào Nga Leon Tonstoï có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có một người hành khất nọ đến trước cửa nhà của một người giàu có để xin bố thí. Một đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi nơi người giàu có. Nhưng, mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Ðến một lúc không còn chịu nổi những lời van xin của người hành khất, thay vì bố thí, người giàu đã lấy đá ném vào con người khốn khổ.
   Người hành khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: "Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà người sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi".
   Ði đâu, người hành khất cũng mang theo hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu mang sự báo thù.
   Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu vào tù ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay ông không rời bỏ hòn đá mà người giàu đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sach mối nhục hằng đeo đẳng bên ông. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: "Tại sao ta lại phải mang nặng hòn đá và lòng thù hận này từ bao nhiêu năm qua? Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta".

       Lời hiền triết 
    Có một vị hiền triết đã hỏi các đệ tử rằng:
  “Tại sao trong cơn giận dữ người ta thường phải thét thật to vào mặt nhau ?”
   Sau một lúc suy nghĩ, một trong những đệ tử ấy đã trả lời:
  “Bởi vì người ta mất bình tỉnh, mất tự chủ!”
   Vị hiền triết không đồng ý với câu trả lời, ngài bảo:
   “Nhưng tại sao phải hét lên trong khi cả hai đang ở cạnh nhau, tại sao không thể nói với một âm thanh vừa phải đủ nghe ?”
   Các đệ tử lại phải ngẫm nghĩ để trả lời nhưng không có câu giải thích nào khiến vị thầy của họ hài lòng. Sau cùng ông bảo:
   “Khi hai người đang giận nhau thì trái tim của họ đã không còn ở gần nhau nữa. Từ trong thâm tâm họ cảm thấy giữa họ và người kia có một khoảng cách rất xa, nên muốn nói cho nhau nghe thì họ phải dùng hết sức bình sinh để nói thật to. Sự giận dữ càng lớn thì khoảng cách càng xa, họ càng phải nói to hơn để tiếng nói của họ bao trùm khoảng cách ấy.”
  Ngưng một chút, ngài lại hỏi:
  “Còn khi hai người bắt đầu yêu nhau thì thế nào? Họ không bao giờ hét to mà chỉ nói nhỏ nhẹ, tại sao? Bởi vì trái tim của họ cận kề nhau. Khoảng cách giữa họ rất nhỏ…”
Rồi ngài lại tiếp tục:
  “Khi hai người ấy đã yêu nhau thật đậm đà thì họ không nói nữa, họ chỉ thì thầm, họ đã đến rất gần nhau bằng tình yêu của họ. Cuối cùng ngay cả thì thầm cũng không cần thiết nữa, họ chỉ cần đưa mắt nhìn nhau, thế thôi! Vì qua ánh mắt đó họ đã biết đối phương nghĩ gì, muốn gì ..”
  Ngài kết luân:
 “Khi các con bàn cãi với nhau về một vấn đề, phải giữ trái tim của các con lúc nào cũng cận kề. Đừng bao giờ thốt ra điều gì khiến các con cảm thấy xa cách nhau… Nếu không thì có một ngày khoảng cách ấy càng lúc càng rộng, càng xa thì các con sẽ không còn tìm ra được đường quay trở về !”

    Chuyện người Samurai ...
   Một vị samurai đến thu nợ của người đánh cá.
  Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài.”
  Vị samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức.
  Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận.”
  Vị samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống. “Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Ðôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đo chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi.”
  Vị samurai trở về nhà khi đã khá muộn. Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo samurai đang ngủ trên giường. Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: “Ðừng hành động khi đang giận dữ.”
  Vị samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn. Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông.
  Ông gào lên: “Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa con đã giết cả hai người rồi!”
   Vợ ông giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để doạ chúng.”
  Một năm sau, người đánh cá gặp lại vị samurai. “Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa”, người đánh cá phấn khởi nói.
   “Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi.” Vị samurai trả lời, “Ngươi đã trả nợ rồi.”
                                                                                                     Sưu  tầm

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

TU BỒ TÁT ĐẠO NGAY TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY



                                  CÁC BÀ NỘI TRỢ LÀM CÁCH NÀO ĐỂ TU BỒ TÁT ĐẠO NGAY TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY 
     Mỗi ngày làm một số công việc lập đi lập lại hoài nhất định sẽ cảm thấy buồn chán, nhất là những bà nội trợ hình như vĩnh viễn cảm thấy không có ngày nào giải thoát ra được, rất nhiều người cảm thấy quá khổ não! Nếu như có thể đem quan niệm này đổi ngược lại thì sẽ cảm thấy vô cùng sung sướng. Trong quan điểm thông thường của phàm phu chúng ta có cái ‘ngã’ (tôi). Tôi đang làm, tôi rất khổ, tại sao tôi phải làm cho họ hưởng? Càng suy nghĩ phiền não càng nhiều. Nếu học Bồ Tát đạo, phát nguyện phổ độ chúng sanh, thì cách nhìn cách suy nghĩ của họ sẽ khác liền. Hành Bồ Tát đạo đầu tiên là phải tu ‘bố thí ba la mật’. Những bà ‘nội trợ Bồ Tát’ trong khi săn sóc lo lắng phục vụ cho mọi người trong gia đình là đang tu bố thí ba la mật đó. Bố thí gồm có bố thí tài, bố thí pháp, và bố thí vô uý. Bố thí tài có nội tài và ngoại  tài.                        Ngoại tài là kiếm tiền cúng dường nuôi duỡng người trong nhà. Nội tài là dùng sức lực và đầu óc của mình phục vụ cho người trong nhà. Làm việc nhà có đầy đủ hết ba loại bố thí này. Nếu bạn sắp xếp dọn dẹp trong nhà được gọn gàng sạch sẽ làm cho mọi người trong nhà rất thoải mái dễ chịu, hàng xóm láng giềng phải hâm mộ khen ngợi, đây là ‘trì giới ba la mật’. Trì giới nghĩa là giữ luật lệ. Bạn có đủ nhẫn nại để làm, không cảm thấy mệt nhọc, đây là ‘nhẫn nhục ba la mật’. Mỗi ngày phải cải tiến hy vọng là ngày mai sẽ được tốt hơn hôm nay, đây là ‘tinh tấn ba la mật’. Tuy là mỗi ngày làm rất nhiều việc trong nhà, tâm địa vẫn thanh tịnh, một tí gì cũng không nhiễm, đây là ‘thiền định ba la mật’. Tâm thanh tịnh thường sanh trí huệ, pháp hỷ sung mãn, đây là ‘bát nhã ba la mật’. Như vậy thì biết rằng, tất cả lục độ ba la mật của Bồ Tát đều nằm trong sự lau bàn, quét nhà, giặt áo, nấu cơm, tất cả đều thành tựu viên mãn. Ðây cũng giống như trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử biểu diễn đi học Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo. Bạn đem công việc nhà làm được tốt đẹp tức là làm gương tốt cho tất cả bà nội trợ trên thế gian, cho tất cả gia đình. Như vậy có thể độ được người hàng xóm, mở rộng ra thì có thể ảnh hưởng đến xã hội, quốc gia, thế giới, cho đến tận hư không biến pháp giới.   Cho nên mới biết Bồ Tát ở nhà quét dọn, lau bàn, nấu cơm, giặt áo đều là đại nguyện đại hạnh độ tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới. Ðây là học Phật, là chánh niệm, là thật tướng của chư pháp, nếu có thể quan sát như vậy thì sẽ đạt được pháp hỷ sung mãn (niềm vui của đạo) thì làm sao còn sanh phiền não nữa! Học Phật nhất định phải đem thực hành trong đời sống sanh hoạt thường ngày, nếu không như vậy thì vô dụng. Nếu hiểu được điểm này rồi từ đó suy ra, đi làm ở công ty thì cũng tu lục độ ba la mật. Bồ Tát ở mọi ngành mọi nghề, thị hiện ra người nam, nữ, già, trẻ, thân phận vai trò không giống nhau, đều trong môi trường sinh hoạt của mình tu học, tất cả đều bình đẳng giống nhau, tất cả đều đứng hạng nhất, không có hạng nhì.
                                                          HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG

Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

ĐỪNG TÌM HẠNH PHÚC

  Nếu hạnh phúc là thứ tìm có thể thấy thì có lẽ con người chẳng phải nếm mùi khổ đau nhiều như vậy . Nếu hạnh phúc là thứ ẩn nấp để cùng con người tham gia trò trốn tìm thì cuộc sống này liệu có còn thời gian cho yêu thương?
  Vì thế, hãy dừng cuộc tìm kiếm hạnh phúc ấy lại bởi nó không phải là đích đến mà nó là thứ luôn hiện hữu song hành bên ta, chỉ vì ta quá bận rộn với cuộc sống bộn bề mà ta quên mất nó đấy thôi.

   Hạnh phúc ở đâu ?
  Hạnh phúc nằm ở đôi môi của bạn đấy.
  Một đôi môi biết mỉm cười và biết nói lời yêu thương chính là cửa ngõ dẫn đến hạnh phúc an nhiên của con người.
  Nếu bạn chỉ biết than vãn, chỉ biết oán trách những trớ trêu của cuộc đời, chỉ biết dùng lời nói để chê bai, mỉa mai, công kích người khác thì đừng hỏi “Vì sao tôi không thấy hạnh phúc”. Hãy nói về những yêu thương tốt đẹp, hãy mỉm cười với cuộc sống xung quanh, hãy dành những lời ngọt ngào cho những người bạn yêu quý và bạn sẽ thấy hạnh phúc nảy nở từ đôi môi.
  Hạnh phúc nằm ở sự tha thứ.
  Chẳng có ai ôm trong lòng mối hận thù mà cảm thấy vui vẻ và thoải mái cả. Có thể, họ đã làm tổn thương bạn, họ đã phản bội lòng tin và hằn trong lòng bạn một vết thương sâu hoắm và nhức nhối nhưng hãy đặt tay lên ngực mình và dặn với chính mình “Cuộc đời này vốn không đủ dài để yêu thương chỉ sao lại phí hoài nó cho hận thù”
  Vì thế, bằng cách này hay cách khác, hãy quên đi những vết thương và quên đi người để lại vết thương ấy, bạn cho đi sự tha thứ cũng chính là cách bạn tự cho chính mình một món quà chứa đầy hạnh phúc và an nhiên.
  Tôi không chắc chúng ta có thể lại tin, lại yêu người ấy như chưa có chuyện gì nhưng chỉ cần bản thân tha thứ được thì ta sẽ lại có thể mỉm cười khi giáp mặt nhau.
Như vậy, không phải sẽ tốt hơn sao.
  Hạnh phúc nằm ở chữ Cho chứ không phải chữ Đòi.
  Hãy cho đi những thứ bạn muốn nhận rồi cuộc đời sẽ trả lại cho bạn những điều mà bạn muốn, có thể nó không đến từ người bạn cần nhưng chắc chắn rằng trong dòng đời sau này, sẽ có người cho bạn lại những điều như thế.
  Đừng đòi hỏi điều gì khi bản thân không làm được. Sự hụt hẫng khi điều mình muốn không được đáp lại rất dễ đẩy bạn vào hố sâu của thất vọng.
  Vì thế, đừng tự giết cảm xúc của mình chỉ vì những đòi hỏi cho thỏa mãn cảm xúc của bản thân, hãy học cách cho đi thật nhiều, cuộc sống này, không để bạn chịu thiệt thòi đâu.
  Hạnh phúc là khi bạn biết Đủ.
  Nói theo kiểu dân gian là “cái gì quá cũng không tốt”.
  Yêu thương quá sinh ra gò bó, quan tâm quá sẽ khiến mất tự do, ghen tuông quá
cũng mất vị tình yêu và cái gì cũng thế, chạm đến chữ Đủ sẽ chạm được hạnh phúc tròn vị.
  Đừng chạy theo cái gì quá hoàn chỉnh và cũng đừng ép bản thân phải trở nên quá hoàn hảo, yêu thương vừa đủ, ấm áp vừa đủ, quan tâm vừa đủ và bên nhau vừa đủ có lẽ sẽ hạnh phúc hơn.
  Và hạnh phúc chẳng nằm ở đâu xa, nó nằm ngay trong trái tim của chính ta, khi bản thân chông chênh mệt mỏi, hãy đặt tay lên tim và tự nỏi “Rồi mọi thứ sẽ ổn”.
 Khi nối buồn xâm chiếm tâm trí và cô đơn thống trị lấn át hạnh phúc, hãy tìm một khoảng không gian riêng với những bản nhạc ta yêu, những món ăn ta thích và tự nói với lòng “Hết hôm nay thôi nhé, ngày mai ta sẽ lại mỉm cười”.
  Đừng gắng gượng, hãy đối diện và tìm cách giải tỏa nỗi buồn và mang hạnh phúc quay về.
Hạnh phúc của ta nên tự ta xây lấy, đừng chạy theo người khác để thỏa mãn lòng họ và mang về thứ hạnh phúc ảo sẽ chết theo thời gian.
                                                                             Sưu tầm


Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

LẠC THÚ GIÁC QUAN-SỐNG THIỀN



  SDD: Tôi vừa đọc được một bài viết về lạc thú xác thân của một giáo sư Phật học nổi tiếng, ông nói tại sao lạc thú giác- quan là tai họa cho nhân loại. Ông giải thích tại sao sự bám níu vào lạc thú xác thân tạo ra nhiều vấn đề cho xã hội.
  T: Thật đúng là có sự quá trụy lạc trong lạc thú giác quan. Rõ ràng là xã hội tân thời đã quá chú trọng đến lạc thú xác thân đến nỗi trở thành nô lệ cho chúng. Chúng ta hãy nhìn một cách khách quan vào cội rễ của vấn đề. Bằng không, chúng ta lại rơi vào cạm bẫy của sự chối bỏ thế giới giác quan hay chạy trốn nó, và cuối cùng thì điều nầy cũng tai hại như là làm nô lệ cho chúng. Có thể chúng ta bị kẹt cứng trong sự chối từ thế giới giác quan.
  SDD: Sao lại thế?
  T: Nếu bạn nghĩ rằng quá chú tâm tới thế giới giác quan là cội rễ của vấn đề, thì bạn có thể có cảm giác tội lỗi khi hưởng thụ lạc thú. Bạn có thể trở nên sợ hãi việc kinh nghiệm lạc thú giác quan. Ðiều nầy dẫn tới sự trốn tránh và ám ảnh sợ hãi, nếu bạn không cẩn thận.
  SDD: Vậy thì giải pháp cho vấn đề là thế nào?
  T:Sự khao khát lạc thú xác thân phần lớn là do cảm giác bất an và sự thiếu tuệ giác. Chúng ta không biết mình thiếu cái gì, nên chạy tìm ở bên ngoài. Chúng ta cố lấp đầy khoảng trống cảm xúc bằng đủ loại giải trí. Và dĩ nhiên, với ngành thương mại ào ạt hiện nay, việc thuận tiện nhất cho chúng ta là đắm mình vào đủ loại kinh nghiệm đem lại lạc thú giác quan. Nhưng rồi thế nào chúng ta cũng nhận thấy là chu trình trụy lạc - tìm kiếm không có chấm dứt. Không thể có sự thỏa mãn tuyệt đối và bền lâu từ lạc thú xác thân, bởi vì chúng ta không có tự do trong giây phút hiện tại.
  SDD: Tại sao như thế?
  T: Tâm chúng ta, trong tình trạng bất an, cần phải bám níu vào một cái gì - sở hữu vật chất, lạc thú giác quan, giải trí, tài sản, danh tiếng, thành công, ...gần như bất cứ thứ gì trên thế gian nầy - để lấp đầy khoảng trống cảm xúc. Thật ra, những thứ nầy chỉ cho chúng ta cảm giác an ninh giả dối hay sự thỏa mãn tạm thời thôi.
  SDD: Làm sao đối phó với cảm giác bất an?
  T: Chỉ có một cách đối phó với cảm giác bất an mà thôi.
  SDD: Ðó là cách nào?
  T: Ðó là đi đến sự hiểu biết là chúng ta không thể tìm được an ninh bất cứ ở đâu và trong bất cứ gì.
  SDD: Ồ, sao lại thế?
  T: Chính là sự tìm kiếm an ninh đã làm cho tâm chúng ta bất an; bởi vì tâm bị trói buộc vào sự tìm kiếm cho nên nó không được tự do kinh nghiệm những gì có thể tìm được trong giây phút hiện tại. Chúng ta có khuynh hướng phóng tâm vào tương lai, cho nên chúng ta không thể sống hoàn toàn trong giây phút hiện tại; chúng ta chỉ kinh nghiệm được hiện tại phần nào thôi. Do đó chúng ta không kinh nghiệm được sự tươi mát của giây phút hiện tại. Nhưng nếu mỗi giây phút xảy tới được kinh nghiệm trọn vẹn, vẻ đẹp và niềm vui của khung cảnh chung quanh sẽ trở nên rất hiển nhiên đến nỗi chúng ta không cần tìm sự thỏa mãn ở nơi nào khác.
  SDD: Nhưng làm sao chúng ta học cách sống trong giây phút hiện tại?
  T: Chúng ta lại trở lại cách sống tỉnh giác với giây phút hiện tại.
  SDD: Tỉnh giác về cái gì? Tỉnh giác về thân thể hay là về chuyện ta đang làm?
  T: Tỉnh giác về thân thể giúp bạn hiện hữu trong giây phút hiện tại, nhưng điều quan trọng nhất là nhận biết sự tự do của chính mình trong giây phút đó. Nếu bạn bắt đầu muốn nầy muốn nọ, nghĩ về quá khứ và nghĩ cách hưởng thụ trong tương lai, bạn không còn tự do. Giây phút hiện tại bị dục vọng xâm chiếm và do đó sự tự do bản nhiên của bạn trong giây phút đó sẽ bị mất đi.
  SDD: Bà muốn nói là chúng ta bản nhiên vốn là tự do nhưng đã tự làm mình mất tự do?
  T: Phải, giống như là bạn bị cột chặc bằng một sợi dây vô hình, bởi chính bạn chớ không do ai khác.
  SDD: Bà muốn nói là, khi mình nhận biết rằng không có sợi dây nào trói mình, thì mình đã được tự do rồi?
  T: Thật đúng như vậy. Từ đó, bạn trở về với sự tự do bản nhiên trong giây phút hiện tại, và bạn có thể kinh nghiệm mọi sự liên hệ một cách tươi mát, trong đời sống thường ngày. Ngay cả những sự vật bình thường nhất cũng trở nên hoàn hảo, và bạn không cần phải đi tìm tự do ở nơi nào khác hay lệ thuộc vào những kinh nghiệm mới và lạc thú xác thân. Bạn thấy, sự tự do bản nhiên trong chúng ta là một cái gì vĩnh cữu, bởi vì nó là bản chất bẩm sinh của sự hiện hữu nơi chúng ta; nó là một món quà thiên nhiên của đời sống. Tất cả những gì bên ngoài chúng ta đều là giả tạo và kém khuyết.
  Như vậy, để có tự do đối với lạc thú giác quan không phải là bám níu hay chạy trốn nó, mà chúng ta phải học cách để được tự do nội tâm. Từ căn bản tự do bên trong nầy, các giác quan không còn đe dọa hay lôi cuốn bạn được nữa. Do đó bạn có khả năng kinh nghiệm lạc thú giác quan mà không trở thành nô lệ cho chúng.
  Thật ra, chúng ta học Phật pháp không phải là để tự khép kín đối với thế giới bên ngoài hay ngược lại làm nô lệ cho nó, mà là để đạt tới sự tự do bản nhiên và bẩm sinh của chúng ta. Từ đó chúng ta có thể kinh nghiệm thế giới đúng như thực tế, trong cái đẹp và cái xấu, trong cái bình thường và cái siêu việt - mà không bị trở ngại hay kẹt cứng trong những cạm bẫy của đời sống.
  Hình Thức Bên Ngoài
  D: Bà nói là chúng ta không nên bám níu vào hình thức và cũng không nên chối bỏ nó. Làm sao biết là chúng ta có bám níu hay không?
  T: Ðiều đó tùy thuộc bạn có tự mâu thuẫn về hình thức hay không. Xã hội chúng ta cần vài loại hình thức. Người ta mong đợi bạn xử sự theo cách nào đó, và ăn mặc theo một lối nào đó. Chân lý tương đối nầy gọi là Pannati. Nó có nghĩa là hiểu biết hình thức nào thích hợp cho tình thế đó. Nhưng nếu bạn bám níu vào hình thức, tâm bạn trở nên cứng ngắc và bạn làm nô lệ cho hình thức. Ngược lại, nếu bạn chối bỏ hình thức mà bạn đang ở trong đó, bạn cũng bị nô lệ hóa.
  D: Tại sao thế?
  T: Khi bạn chối từ cái gì, bạn đang bám níu vào sự chối từ đó. Tâm bạn bị dính níu vào sự chối bỏ. Dù bám níu hay chối bỏ, tâm bạn bị dính níu và không bao giờ thoát khỏi sự xung đột. Bạn luôn luôn đấu tranh.
   D: Làm sao thoát khỏi sự dính níu nầy?
  T: Bạn phải siêu thoát nhị nguyên của hình thức và không hình thức.
  Bạn bám níu hay chối bỏ bởi vì bạn đã dựng lên sự 'thích' hay 'không thích' trong tâm. Có thể là bạn chối bỏ một hình thức qui định. Mặc dù chân lý nầy là tương đối, nó vẫn là qui tắc được chấp nhận trong lúc đó. Nếu bạn nổi loạn chống lại hình thức, bạn không thể chấp nhận sự vật đúng như thực tế.
  D: Nhưng làm sao chúng ta có thể chấp nhận một hình thức khi nó ngược lại với sự phán đoán tốt hơn của chúng ta?
  T: Ðây đúng là trọng tâm của vấn đề. Chính là vì sự phán đoán giá trị mà chúng ta không thể nhìn sự vật 'như chúng là'. Chúng ta nhìn sự vật theo lối suy tư của chúng ta. Sự thích và không thích trở thành khuôn mẫuđịnh chuẩn của chúng ta. Chúng ta chối bỏ ngay những gì không thích hợp với khuôn mẫu. Ngược lại nếu cái gì hợp khuôn thì chúng ta ôm lấy làm sở hữu. Tâm chúng ta luôn luôn nhảy chuyền giữa hai thái cực nầy, bám níu và chối bỏ. Khi nào bản tâm còn bị phân cực như thế, chúng ta luôn luôn bị dính níu vào thích và không thích, thì làm sao chúng ta có thể nhìn hình thức đúng như thực tế?
  D: Vậy thì chúng ta phải làm sao?
  T: Bạn không cần làm gì khác trừ việc học cách giữ tâm im lặng, không phán đoán hình thức. Khi bạn ngưng phán đoán thì thích và không thích cũng ngưng, và bám níu hay chối bỏ cũng không còn. Một khi dừng phán đoán, bạn sẽ thấy hình thức là hình thức, không hơn không kém. Bạn sẽ thấy nó 'như nó là' và bạn có thể liên hệ với nó một cách tự do.
  Không bị cản trở bởi chối bỏ hay bám níu, bạn có thể hoạt động với cả hình thức hay không hình thức.
  Nhận Thức Bình Thường
  Khi là bạn thân, và càng thân hơn trong tâm linh, người ta có thể liên hệ với nhau một cách cởi mở và tự do mà không có một giới hạn nào.
  E: Tôi nhận thức được một sự yên tịnh thật là bình an và tuyệt vời bên trong, đến nỗi tôi cảm thấy như là mình đang sống trong một tổ kén.
  T: Ðây chỉ là một giai đoạn. Nó sẽ trôi qua, và sau đó sẽ trở thành bình thường. Sự bình an không có gì đặc biệt.
   E: Nhưng đây không phải là bình thường! Tôi đã cảm nhận được sự bình an nầy khi còn rất trẻ, nhưng khi lớn lên tôi trở thành đầy nghẹt cảm xúc, mâu thuẫn và bực bội, và tôi đánh mất sự yên tịnh nầy. Bây giờ đây, nhờ thiền định và học Phật pháp mà tôi bắt đầu kinh nghiệm nó trở lại! Ðây nhất định là chuyện tuyệt vời chớ không phải bình thường. Tôi cho bình thường là những nóng giận và bực bội mà tôi có trước đây. Bây giờ chúng không còn nữa. Ðó là điều mà tôi cho là không bình thường.
   T: Đúng là cảm giác kỳ thú và tuyệt vời làm cho mình cảm thấy như mình được bao bọc trong tổ kén. Ðây chỉ là lúc ban đầu. Cảm giác tuyệt diệu nầy - hay bạn gọi nó là cái gì cũng được - sẽ tan đi giống như mọi chuyện khác. Ngay lúc nầy, bạn cảm thấy mình cách biệt với người khác, và có thể nghĩ là mình ở trên họ. Thật ra, không có trên hay dưới. Chúng ta đều là con người. Mỗi người trong chúng ta đều có sự yên tịnh nội tâm.
                                                                    Nguyên Minh