Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

MỘT BUỔI CHIỀU TRONG CÔNG VIÊN


Bạn không cần phải làm việc gì đó lớn lao để trở nên tuyệt vời trong mắt người khác. Bạn chỉ cần có một trái tim ấm áp và biết quan tâm, sẻ chia với mọi người xung quanh là đủ.
                                                  


   Có một cậu bé muốn gặp Thượng Đế. Cậu biết rằng phải đi cả một quãng đường rất dài mới có thể đến được nơi ở của Người, nên gói ghém mang theo bên mình những chiếc bánh Twinkie và cả sáu hộp nước trái cây, rồi bắt đầu cuộc hành trình.

  Khi đi qua được khoảng ba dãy phố, cậu gặp một bà lão. Bà đang ngồi trong công viên, lặng nhìn đàn chim bồ câu đang ríu rít trước mặt. Cậu bé ngồi xuống cạnh bà và mở túi xách của mình ra.
  Cậu định uống một hộp nước trái cây, nhưng chợt để ý thấy bà lão có vẻ đói, nên không ngần ngại mời bà một chiếc bánh. Bà cầm lấy và mỉm cười với cậu. Nụ cười của bà tươi tắn đến nỗi cậu bé muốn trông thấy một lần nữa, thế nên cậu mời bà một hộp nước trái cây. Bà lại cười với cậu. Cậu bé cảm thấy rất vui sướng!

 Cả buổi chiều, hai bà cháu cứ ngồi bên nhau, vừa ăn, vừa mỉm cười, nhưng không nói với nhau lời nào.

 Khi trời bắt đầu sẩm tối, cậu bé cảm thấy mệt nên đứng dậy ra về. Đi được một lúc, cậu quay trở lại, chạy đến bên bà và ôm bà. Bà cười với cậu – một nụ cười đẹp nhất mà cậu từng được thấy.

  Khi cậu bé bước vào nhà, mẹ cậu rất đỗi ngạc nhiên vì nét mặt tươi tắn hân hoan của cậu. Bà hỏi: “Hôm nay có chuyện gì mà trông con vui thế?”

  Cậu trả lời: “Con đã ăn trưa với Thượng Đế mẹ à! Mẹ biết không, Người có nụ cười tuyệt nhất mà con từng thấy!”

  Trong khi đó, bà lão cũng về tới nhà, khuôn mặt rạng rỡ niềm vui.
Con trai bà lấy làm ngạc nhiên trước niềm hạnh phúc rạng ngời trên gương mặt bà:      “Mẹ ơi, hôm nay có chuyện gì khiến mẹ vui đến thế?”
  Bà hân hoan: “Mẹ ăn bánh Twinkie trong công viên với Thượng Đế. Con biết không, Người còn bé hơn là mẹ nghĩ cơ đấy!”

- Julie A. Manhan -

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

SỰ SỐNG QUÝ GIÁ CỦA CON NGƯỜI


                                            Mỗi ngày khi vừa thức giấc,
                                            Hãy nghĩ rằng
                                            May mắn thay hôm nay,
                                            Tôi đã thức dậy,
                                            Thấy mình vẫn còn sống,
                                            Vẫn giữ được sự sống quý giá của con người.
                                            Tôi nguyện sẽ không phung phí sự sống đó,
                                             Mà sẽ tận dụng mọi sinh lực để biến cải chính tôi,
                                             Và mở rộng tim tôi với tất cả mọi người,
                                             Nhằm giúp tôi đạt được giác ngộ,
                                             Hầu mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh.
                                             Tôi sẽ cố gắng phát động tâm từ hướng vào kẻ khác,
                                             Sẽ không để cho bất cứ một sự giận dữ nào
                                             có thể bùng lên trong tôi,
                                             Cũng không nghĩ đến
                                             những điều xấu về kẻ khác.
                                             Với tất cả khả năng mình,
                                             Tôi sẽ ra sức mang lại những điều tốt lành
                                             cho tất cả.
                                                            Lời dạy của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV

Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

TẠI SAO CHÚNG TA PHẢI HÀNH THIỀN


   Trong bài pháp thoại trước chúng ta đang nói về vấn đề gì? Tôi đã giải thích về 4 loại ánh sáng, ánh sáng mặt trời, ánh sáng mặt trăng, ánh sáng của lửa & ánh sáng của trí tuệ thì ánh sáng nào là tối thắng? Ánh sáng trí tuệ mà quý vị có thể có được qua sự thực hành thiền định là ánh sáng tối thắng trong 4 loại ánh sáng. Ánh sáng trí tuệ đạt được qua thiền định, tuy nhiên không phải ánh sáng này có được đối với tất cả mọi người nó chỉ có được đối với những người có tâm tục sinh câu hữu với trí tuệ và chỉ khi họ thực hành thiền định thì họ mới có thể có ánh sáng trí tuệ này. Ánh sáng mặt trời giúp quý vị có thể nhìn thấy mọi vật vào ban ngày, ánh sáng mặt trời chỉ tỏa sáng vào ban ngày nhưng vào ban đêm thì không có ánh sáng mặt trời. Như vậy ánh sáng mặt trời không thể lúc nào cũng tỏa sáng và giúp quý vị có thể thấy được mọi vật. Tuy nhiên vào những ngày mây mù quý vị cũng không thể thấy rõ vật vào ban ngày. Cũng vậy ban đêm thỉnh thoảng cũng có ánh sáng mặt trăng nhưng không phải luôn luôn có, có những đêm hoàn toàn tối mịt và không có ánh sáng mặt trăng để nhìn thấy mọi việc. Vì vậy vào thời xa xưa người ta dùng ánh sáng của lửa, ánh sáng của nến khi cần thiết. Bây giờ thì có ánh sáng của đèn điện, như vậy khi quý vị bật công tắc đèn điện quý vị có thể thấy được những vật ở trong căn phòng nhưng nếu khi không có điện hoặc khi chúng ta tắt đèn đi thì dù cho có mắt chúng ta cũng không thể thấy được cái gì giống như chúng ta đang bị mù vậy.
  Như vậy ánh sáng mặt trăng, ánh sáng mặt trời & ánh sáng của lửa không phải lúc nào chúng ta cũng có được. Những loại ánh sáng này chỉ tỏa sáng để giúp quý vị nhìn thấy những vật xung quang bằng cặp mắt thịt của mình, tuy nhiên sau khi đã phát triển tâm định thì quý vị thấy ánh sáng luôn luôn cho dù là ban đêm hay ban ngày, ánh sáng này luôn hiện hữu. Ánh sáng này có thể chiếu sáng và giúp cho quý vị nhìn thấy những thân phần bên trong cơ thể của quý vị, với con mắt mở và với sự trợ giúp của ánh sáng mặt trời, ánh sáng mặt trăng thì quý vị có thể nhìn thấy các bộ phận bên trong cơ thể mình không? Đúng vậy, dưới ánh sáng mặt trời, dưới ánh sáng mặt trăng, hay dưới ánh sáng của lửa, của đèn điện với con mắt mở quý vị cũng không thể nào mà nhìn thấu được các thân phần bên trong cơ thể của mình. Nhưng thông qua việc hành thiền và việc phát triển tâm định nhờ ánh sáng của định phát ra quý vị có thể thấy mọi vật dù cho mắt nhắm. 
  Mục đích của việc hành thiền là để thấy được sự thật cũng như biết được sự thật như nó là. Chúng ta dính mắc với nhau và bởi vì sự dính mắc này chúng ta đau khổ. Quý vị nghĩ sao? Nguyên nhân của khổ đau là gì? Nguyên nhân của khổ đau đó chính là: tham ái, dính mắc, ham muốn. Bởi vì bộ da bên ngoài chúng ta nó che đậy những thành phần bên trong cơ thể cho nên chúng ta không thấy được cái sự thật bên trong. Nếu chúng ta mở cơ thể này ra, và nếu chúng ta để lộn ngược vật bên trong cho ra bên ngoài, tương tự như vậy để bên ngoài lộn ngược vào bên trong thì chuyện gì sẽ xảy ra? Giả sử như có người thân yêu nào đó mà quý vị rất là yêu mến và chúng ta đảo ngược những thân phần của người đó, bên trong ra ngoài bên ngoài vào trong thì quý vị còn muốn ở gần anh đó hay cô đó nữa hay không? Quý vị muốn biết sự thật hay không? Quý vị có muốn thấy sự thật không? Quý vị muốn biết nhưng khi quý vị biết quý vị sẽ chạy mất, bởi vì bộ da này mà chúng ta gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ vào ánh sáng của định tôi dạy các thiền sinh nhìn vào các thân phần bên trong, họ có thể thấy được các thành hần bên trong của cơ thể như phổi, thận, gan ruột, mật, chất lỏng… những thể trượt của cơ thể một cách rõ ràng, đây là một trong những đề mục hành thiền được dạy bởi Đức Phật, nó được gọi là: “32 thể trược”. 
  Khi người thiền sinh có thể phân biệt được 32 thể trược của cơ thể họ một cách rõ ràng từng phần một thì họ không thể ăn được nữa, vì nó quá là ghê ghớm, và Đức Phật đã hướng dẫn chúng ta phân biệt cả bên trong lẫn bên ngoài cơ thể của mình. Chúng tôi cũng hướng dẫn thiền sinh phân biệt những thân phần này đối với thiền sinh ngồi thiền phía trước, bên phải bên trái và phía sau lưng của họ, và khi đó họ chẳng thấy đó là người nam hay nữ, họ chỉ thấy đó là một nhóm 32 các thân phần đang ngồi, và khi đó cho dù là nam hay là nữ, xa hay gần thì họ chỉ thấy đó là một nhóm 32 thể trược mà thôi. Tôi có một đệ tử và tôi cũng để dạy các rất nhiều các đệ tử của tôi quán 32 thân phần này, và tôi muốn chia sẻ câu chuyện đặc biệt về người đệ tử đó, người tôi đã dạy cho 32 thể trược;
  Anh đó là một người nam và là một giáo viên rất giỏi, bởi vì khinh cảm vô thường và do parami trong quá khứ mà anh ấy cảm thấy cần phải thực hành thiền một cách tinh tấn miêm mật. Anh ta có thể phát triển đến tứ thiền do parami quá khứ của mình, và sau khi đã đạt đến tứ thiền thì ánh sáng của định tỏa ra khắp nơi xung quanh anh ta, và sau đó thì tôi dạy anh ta quán 32 thể trược bắt đầu từ bên trong cơ thể trước, ra đến bên ngoài xa và gần lặp đi lặp lại nhiều lần. Đầu tiên quán thể trược cho những người ngồi cùng phòng, và anh ấy đã quán 32 thể trược đầu tiên với những người ngồi ở lầu một, sau đó quán đến tầng trệt. Và quý vị hãy thử hình dung không cần lột hết da của những người đang ngồi ra người hành thiền có thể nhìn thấu bên trong 32 thể trược của tất cả. Đối với những người có khả năng này ngồi ở đây nếu họ nhìn bạn lúc đó họ cũng không thấy bạn là nam hay nữ gì hết họ chỉ thấy 32 thể trược đang ngồi mà thôi, nếu quý vị thấy như vậy, điều gì sẽ xảy ra đối với quý vị? Quý vị sẽ cảm thấy như thế nào? Không phải là thấy sợ nữa mà là thấy ghớm ghiếc. Thế thì người thiền sinh đó đã làm gì khi tôi bảo anh ta quán các thể trược bên ngoài như là một cách tổng thể, và tôi đã dạy cho anh ta quán 32 thể trược một cách tổng quát từ gần cho đến xa, cho đến cả thế giới.
  Một này nọ, anh ta đến gặp tôi để trình pháp, anh đảnh lễ tôi và anh ấy đã nói gì: “ thưa ngài, con đã rất là may mắn”, khi đó tôi nhìn anh ta xem anh ta sắp nói gì, anh ta lại lặp lại: “thưa ngài, con rất là may mắn”, và tôi cứ chờ đợi xem anh ta sẽ nói gì, và anh ta chẳng nói gì anh ta lại lặp lại: “ thưa ngài, con rất là may mắn” lặp đi lặp lại như vậy. Và tôi bảo anh ấy: “ Anh muốn nói gì với tôi thì anh nói đi”, “ thưa ngài con đã quán 32 thể trược người bạn gái của con, con đã rất may mắn là con đã không cưới cô ấy, nó quá là ghê ghớm” Điều đó tốt hay xấu? Câu trả lời của quý vị là gì? Rất tốt.
  Và quý vị có thể từ bỏ dính mắc tham ái đối với những người mà quý vị yêu thích. Bởi vì dính mắc với nhau nên chúng ta đau khổ, bởi vì không thấy được sự thật nên chúng ta dính mắc với nhau. Sau khi chúng ta lấy nhau điều gì nhiều hơn: hạnh phúc hay là đau khổ? Quý vị có thể nói cho tôi biết sự thật được không? Vâng, hạnh phúc thì rất là ít chỉ như bèo mây bọt nước mà thôi, và đau khổ thì rất rất nhiều. Đau khổ thì nhiều mà hạnh phúc thì ít.
  Vào một kiếp quá khứ của Bồ Tát khi đó ngài sống với cha mẹ mù của mình, và tất cả các trách nhiệm của gia đình đều dựa vào đức Bồ tát, vì vậy cha mẹ mù của ngài đã bảo con họ rằng; “hãy cưới một cô gái đi”, quý vị có muốn nghe câu trả lời của đức Bồ Tát chúng ta là gì không? “Thưa cha, Thưa mẹ, con không muốn mình là nguyên nhân đau khổ của những người muốn tìm hạnh phúc” quý vị có hiểu câu này không ? Con không muốn làm những người mà họ muốn hạnh phúc bị đau khổ. Quý vị có đồng ý điều này không? Quý vị có hiểu điều này không? Vâng chính vì không hiểu cho nên quý vị vẫn còn thích thú, vẫn còn thưởng thức, bởi vậy mà Đức Bồ Tát ngài đã không cưới một ai cả, ý tôi muốn nói là kiếp sống đó. Bởi vì lúc đó ngài rất trí tuệ và ngài biết được nguyên nhân của đau khổ. Tôi muốn lặp lại cái câu này: Con không muốn làm những người mà họ muốn hạnh phúc bị đau khổ (I don’t want to make those want to be happiness do suffer). Bởi vì ngài đã hiểu được sự thật cho nên ngài đã từ chối cái việc cưới hỏi
  Vâng tôi sẽ kể lại việc quán 32 thể trược của người đệ tử kia, anh ta đã nói: “thưa ngài con đã quán 32 thể trược của người bạn gái của con, con đã rất may mắn là con đã không cưới cô ấy, nó quá là ghê ghớm”. Như vậy quí vị thấy 32 thể trược có tốt không? Vâng để từ bỏ sự dính mắc Đức Phật đã dạy điều này, nguyên nhân của khổ là do không nhìn thấy sự thật, bởi vì không nhìn thấy sự thật chúng ta đã không từ bỏ được sự dính mắc tham ái đối với những thứ mà mình đáng nhờm ghớm. Vì vậy đối với những người chưa thấy được sự thật họ sẽ dính mắc lẫn nhau, Vì vậy nếu quý vị muốn chấm dứt sự khổ đau thì quý vị phải biết được sự thật. Và để biết được sự thật thì quý vị không thể dựa vào ánh sáng của mặt trời, ánh sáng của mặt trăng, ánh sáng của lửa, ánh sáng của đèn, nhưng quý vị tất cả đều đang sống dưới ánh sáng mặt trăng mặt trời ánh sáng của lửa vì lý do đó quý vị không thể biết được sự thật. Để biết và thấy được sự thật quý vị cần một loại ánh sáng trí tuệ, ánh sáng này được phát triển thông qua việc thực hành thiền định. - 
                                                                     Thiền sư Revata
                                                           (Khóa thiền Tứ Niệm Xứ Pa Auk Đà Lạt )

Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

TÙY DUYÊN CUỘC SỐNG



Tùy duyên trong cuộc sống là sống mà không câu nệ và chấp trước bất cứ một sự việc nào dù đó là thuận hay nghịch trong cuộc sống.

     Những việc đã và đang diễn ra trong cuộc sống chúng ta đều là những bài học làm tăng thêm vốn kinh nghiệm cho bản thân dù đó là những việc tốt hay xấu, đem đến thành công hay thất bại.
  Ngày tam phục - mùa mà cái nóng oi bức nhất trong năm, cả vườn cỏ của thiền viện đã trở thành một thảm cỏ khô vàng.
  "Phát dọn cho sạch sẽ đám cỏ này đi, thế này thì thật là khó coi quá!", chú tiểu nói.
"Đợi trời mát đã." Sư phụ vẫy vẫy tay, "Tùy thời".
  Trung thu, Sư phụ lại mua về một bao hạt cỏ giống, gọi chú tiểu đem bao hạt giống này đi gieo. Gió mùa thu trỗi lên và cuốn đi những hạt giống vừa gieo. "Không xong rồi! Các hạt giống bị gió thổi bay đi cả rồi", chú tiểu kêu la.
  “Thôi đi con, không sao đâu, hạt giống vẫn còn rất nhiều, gió cuốn đi cũng không mọc được.” Sư phụ nói, "Tùy tính".
  Sau khi cơn gió đã lấy đi những hạt giống, tiếp theo lại có mấy chú chim đáp xuống mổ ăn. "Chết rồi! Hạt cỏ giống lại bị chim ăn hết rồi!", chú tiểu vừa nhảy vừa la. 
  "Không sao! Hạt giống còn nhiều, ăn không hết đâu!" Sư phụ nói, "Tùy ngộ".
  Nữa đêm lại bị một trận mưa dữ dội. Vừa mờ sáng chú tiểu vội vã chạy vào phòng thầy: "Sư phụ, lần này thì xong thật rồi! Những hạt giống bị mưa cuốn trôi hết rồi"
"Trôi đến đâu, thì nó sẽ mọc ở đó." Sư phụ nói, "Tùy duyên".
Hơn nữa tháng sau, một vùng đất trơ trụi lúc trước giờ lại mọc lên những mầm cỏ non xanh biêng biếc, có một số ngốc ngách không hề gieo trồng nhưng vẫn mọc lên xanh rờn. Chú tiểu vỗ tay và vô cùng vui sướng.
Sư phụ gật gật đầu: "Tùy hỷ".
Cảm nhận cuộc sống:
  Tùy duyên trong cuộc sống không có nghĩa là phó thác cuộc đời mình cho tự nhiên, cho xã hội quyết định. Không phải như những cành cây khô mặc tình cho dòng nước cuốn trôi, vùi dập để rồi một lúc nào đó dòng nước lại dạt chúng vào bờ, đây là sự biểu hiện vô ý thức, không định hướng. Mà tùy duyên là sự hòa mình vào tự nhiên để cải thiện tự nhiên, là sự dấn thân vào xã hội để góp phần điều chỉnh những hành vi xấu, bất thiện đang tồn tại trong xã hội.
  Tùy duyên trong cuộc sống là sống mà không câu nệ và chấp trước bất cứ một sự việc nào dù đó là thuận hay nghịch trong cuộc sống. Những việc đã và đang diễn ra trong cuộc sống chúng ta đều là những bài học làm tăng thêm vốn kinh nghiệm cho bản thân dù đó là những việc tốt hay xấu, đem đến thành công hay thất bại. Với những kinh nhiệm ấy chúng ta sẽ vận dụng trong cuộc sống hiện tại và tương lai, sử dụng chúng để tiếp nhận và ứng đối với những gì đang và sẽ diễn ra. Những Con người, xã hội và điều kiện cuộc sống luôn thay đổi và vận động, đây là sự tồn tại hoàn toàn hiện thực và khách quan. Bởi lẽ, mọi việc trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng có thể sắp đặt được, có những sự việc do mình thiết lập, nhưng cũng có những việc do điều kiện tự nhiên và nhân duyên kết hợp tạo nên.  Vì thế, chúng ta không thể trốn tránh những gì đang diễn ra trong cuộc sống, ngược lại chúng ta phải đối diện, phải có bản lĩnh tiếp nhận và giải quyết trên cơ sở những điều kiện vốn có và đang diễn ra đó. Cần hòa mình vào quy trình cuộc sống để rồi từ đó phát huy và cống hiến cho cuộc sống những gì tốt đẹp mà mình đang có và xã hội đang cần. Cuộc sống là mãnh đất để chúng ta sống với chính mình và thực lý tưởng của chính mình. Đây chính là giá trị thực tiễn của sự "Tùy duyên".
Sự biểu hiện của nước là hình ảnh, là tấm gương của lối sống tùy duyên. Nước dù ở điều kiện nào, môi trường nào chúng vẫn thích ứng "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", dù thay đổi hình thức, tướng dạng nhưng không hề thay đổi bản chất của nó. Đây là tinh thần "Tùy duyên bất biến", tùy duyên là để thuận theo nguyên lý cuộc sống, bản chất cuộc sống; sống Đời mà không mất Đạo, với tinh thần này chúng ta có thể hiện hữu khắp nơi cùng chốn, hiện hữu trong từ ý niệm, hiện hữu trong từng cử chỉ hành vi. Nếu chúng ta có thể sống và vận dụng được tinh thần "Tùy duyên bất biến" thìchúng ta sẽ luôn luôn duy trì được ánh sáng của tự tâm, sẽ không bị những cám dỗ lôi kéo, không bị bất cứ hiện tượng sự vật nào làm cản trở hoặc đánh mất giá trị cuộc sống, con đường lý tưởng của chúng ta. 


                                                                                                              ST

Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

THẬT RA CHÚNG TA ĐỀU GIỐNG NHAU

                                                 
         
   Một phụ nữ da trắng dắt theo con trai 6 tuổi ra ngoài, bà gọi xe taxi, tài xế là một người da đen.
   Thằng bé 6 tuổi chưa bao giờ gặp qua người da đen, trong lòng rất là sợ hãi, bèn hỏi mẹ :
  “Người này có phải là người xấu không mẹ? Tại sao người đen thui vậy?”
  Tài xế người da đen nghe thấy trong lòng rất lấy làm khó chịu.
   Lúc này, người phụ nữ liền nói với con trai :
“Chú tài xế này không phải người xấu, ông ta là một người tốt con à!”
  Con trai nhíu mày trầm tư một hồi lại hỏi tiếp :
“Nếu chú ấy không phải là người xấu, vậy chú có phải đã làm điều gì xấu xa, cho nên   Thượng Đế mới trừng phạt chú?”
  Người da đen ấy nghe xong, mắt ngấn lệ, ông ta rất muốn biết người phụ nữ da trắng ấy sẽ trả lời thế nào.
  Người mẹ nói : “Ông ta là một người rất là tốt, cũng không làm điều gì xấu xa. Vườn hoa của chúng ta có màu hồng, màu trắng, màu vàng … có phải không?”
“Vâng! Đúng ạ!”
“Vậy hạt của hoa có phải đều là màu đen không?”
  Đứa bé nghĩ ngợi một lúc :
“Đúng thế ạ ! Toàn là màu đen hết.”
“Hạt giống màu đen cho nở ra những đóa hoa đầy màu sắc và thơm ngát, tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ, đúng thế không?”
“Vâng!”
  Con trai đột nhiên ngộ ra và nói :
“Vậy là chú tài xế ấy không phải là người xấu rồi ! Cám ơn chú tài xế, chú đã tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ, con muốn cầu nguyện cho chú ấy.”
Đứa bé thơ ngây đang ngồi cầu nguyện, người tài xế da đen giờ nước mắt đã lăn dài trên má, lòng nghĩ :
“Vì những người da đen bị xem thường không ngoi đầu lên nỗi, hôm nay, người phụ nữ da trắng này đã dùng lời lẽ ôn hòa dạy con trai mình, hóa giải nỗi ám ảnh về mình trong lòng con, đã vì mình cầu nguyện và chúc phúc, thật sự phải cảm ơn bà ta rất nhiều! ”
  Lúc này, xe đã đến điểm dừng, người tài xế kiên quyết không lấy tiền, ông ta nói :
“Lúc bé, tôi đã từng hỏi mẹ cũng cùng một câu hỏi ấy, mẹ nói vì chúng tôi là người da đen, phải chịu thua kém. Nếu khi xưa mẹ tôi đổi thành câu trả lời của bà, hôm nay tôi nhất định sẽ có một thành tựu khác…”.
                                                                                 Sưu tầm


Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

ĐỨC PHẬT KHÔNG ĐỘC QUYỀN QUẢ VỊ GIÁC NGỘ

Đức Phật khuyên đệ tử trông cậy vào chính mình để giải thoát, vì cả sự thanh tịnh và nhiễm ô đều tùy thuộc nơi mình.
   Ý chí sắt đá, trí tuệ sâu xa, tình thương rộng lớn, lòng từ bi vô hạn, đức phụng sự vô tư, sự từ bỏ thế tục có tính cách lịch sử, tinh khiết hoàn toàn, nhân cách hấp dẫn, những phương pháp kiểu mẫu dùng để truyền bá giáo lý.
  Vào ngày trăng tròn tháng 5 năm 623 trước Tây lịch (DL), Hoàng tử Thích-Ca người Ấn Độ, đản sinh tại Nepal. Ngài đã được tiên đoán sẽ là một vị đạo sư vĩ đại nhất thế giới. Được nuôi dưỡng trong cảnh xa hoa, tiếp thụ nền giáo dục thích hợp với một Hoàng tử, Ngài cũng lấy vợ và có con như những người khác. Bản tính trầm tư và lòng từ bi vô hạn của Ngài không cho phép Ngài hưởng thụ những thú vui vật chất tạm bợ của chốn cung đình. Ngài không biết đau khổ, nhưng cảm thương sâu sắc nỗi khổ đau của nhân loại. Giữa cảnh sung túc phồn vinh, Ngài nhận chân được sự khổ đau đại đồng. Tòa lâu đài với tất cả những phương tiện giải trí thế tục không còn là nơi thích hợp với vị Hoàng tử đầy lòng từ bi ấy. Thời gian đã chín muồi để cho Ngài ra đi. Nhận chân được tính chất hão huyền của dục lạc, vào năm 29 tuổi, Ngài từ bỏ tất cả lạc thú trần tục, khoác chiếc áo vàng đơn giản của một tu sĩ khổ hạnh, một mình, tay trắng, du hành đó đây, cầu tìm chân lý an bình.
    Đó là một đại sự xuất thế vô tiền khoáng hậu trong lịch sử; vì không phải Ngài xuất gia lúc tuổi già mà là đang lúc thanh xuân, không phải trong cảnh nghèo khổ mà là trong cảnh sung túc. Từ thời xưa người ta đã tin rằng không thể đạt được giải thoát trừ khi người ta sống một cuộc sống khổ hạnh khắc nghiệt, Ngài nỗ lực thực hành tất cả những hình thức ép xác khốc liệt nhất. “Hết nỗ lực này đến nỗ lực kia, hết khổ hạnh này đến khổ hạnh khác,” Ngài đã cố gắng phi thường trong suốt 6 năm ròng rã.
    Thân thể của Ngài hầu như chỉ còn một bộ xương. Càng hành hạ thân xác, mục đích Ngài nhắm đến càng lùi xa Ngài. Các pháp môn khắc nghiệt đem lại khổ đau và vô hiệu mà Ngài nỗ lực hành trì đã chứng tỏ hoàn toàn thất bại. Giờ đây, nhờ kinh nghiệm bản thân, Ngài hoàn toàn tin sự hành xác là hết sức vô ích, chỉ làm suy yếu thân thể và kết quả là tinh thần bải hoải.
   Trải qua kinh nghiệm vô giá của bản thân ấy, cuối cùng Ngài quyết định đi theo con đường độc lập, tránh hai cực đoan: phóng túng và hành xác. Sống phóng túng làm cho tinh thần chậm tiến và hành xác làm cho trí óc suy yếu. Con đường mới mà Ngài khám phá là con đường trung đạo (Majjhimà patipada), về sau đã trở thành một đặc trưng giáo lý nổi bật trong giáo pháp của Ngài.
   Một buổi mai tốt lành, trong khi Ngài đang nhập sâu vào Thiền định, không có bất cứ một quyền năng siêu nhiên nào hướng dẫn và giúp đỡ, mà chỉ trông cậy vào sức cố gắng và trí tuệ của mình, Ngài đoạn tận gốc rễ mọi ô nhiễm, thanh tịnh hóa bản thân, thấu triệt chân tính của vạn vật, đạt đến giác ngộ vào năm 35 tuổi. Ngài không phải sinh ra đã là một bậc giác ngộ, nhưng Ngài đã trở thành một bậc giác ngộ bằng nỗ lực của chính mình. Ngài thể hiện trọn vẹn một đức tính mà Ngài thuyết giảng bằng trí tuệ cao thâm đi đôi với lòng từ bi vô hạn; Ngài dâng hiến cuộc đời cao quí còn lại của mình để phụng sự nhân loại, bằng sự gương mẫu và giới hạnh mà không bị bất cứ một động cơ cá nhân nào chi phối.
   Sau 45 năm hoàn thành viên mãn thiên chức cao cả của mình, đức Phật như tất cả mọi người, tuân theo định luật vô thường khe khắt, cuối cùng Ngài đã từ giã cõi đời năm 80 tuổi. Ngài khuyên các đệ tử hãy xem giáo pháp như chính bậc Đạo sư của mình.
  Đức Phật vốn là một con người. Ngài sinh ra như một con người, sống như một con người, và kết thúc cuộc đời như một con người. Mặc dù là một con người, Ngài đã trở thành một người phi thường (Acchariya manussa), nhưng không bao giờ tự cho mình là đấng thần linh. Đức Phật từng nhấn mạnh điểm quan trọng này và không để chỗ nào cho bất cứ ai rơi vào sai lầm khi nghĩ rằng Ngài là một đấng thần linh bất tử. May thay, không có sự thần thánh hóa nào trong trường hợp đức Phật.
  Tuy nhiên, phải để ý rằng không một bậc đạo sư nào “từng vô thần như đức Phật, mà cũng không có ai lại giống thần linh như thế”.
  Đức Phật không phải hiện thân của Thần Vishnu Ấn Độ giáo như một số người đã tin, Ngài cũng không phải một đấng cứu thế rộng lượng cứu vớt người khác bằng sự cứu độ của chính mình. Đức Phật khuyên đệ tử trông cậy vào chính mình để giải thoát, vì cả sự thanh tịnh và nhiễm ô đều tùy thuộc nơi mình. Để thanh minh mối quan hệ của mình với đệ tử và nhấn mạnh điểm quan trọng phải trông cậy vào chính mình và nỗ lực cá nhân, Đức Phật đã dạy rõ ràng: “Các con phải tự nỗ lực, các Đức Như Lai chỉ là những bậc Đạo Sư”.
  Đức Phật chỉ đường, còn bổn phận chúng ta là theo con đường ấy để bản thân mình được thanh tịnh.
  “Trông cậy vào người khác để giải thoát là tiêu cực, trông cậy vào chính mình mới là tích cực”.
  Trông cậy vào người khác có nghĩa là bỏ mất sự nỗ lực của chính mình. Để khuyến khích đệ tử trông cậy vào chính mình, Đức Phật đã dạy trong kinh Đại Bát Niết Bàn (Parinibbana Sutta): “Các con hãy lấy mình làm hòn đảo, hãy lấy mình làm chỗ nương tựa, chớ tìm chỗ nương tựa nơi người khác”. Những lời dạy này đầy ý nghĩa hướng thượng cho bản thân. Chúng biểu lộ biết bao sinh động nỗ lực bản thân để thành tựu mục đích của chính mình, và biết bao phù phiếm khi tìm kiếm sự cứu độ của những đấng cứu thế từ thiện, hoặc khát vọng hạnh phúc hão huyền trong một kiếp lai sinh bằng cách thờ cúng thần linh tưởng tượng, hoặc bằng những lời cầu nguyện không được đáp lại và những tế lễ vô nghĩa.
   Hơn nữa, đức Phật không đòi độc quyền quả vị giác ngộ, sự thực nó không phải là đặc quyền của một người có ân điển riêng. Ngài đã đạt đến mức hoàn thiện cao nhất mà con người có thể kỳ vọng, và là một bậc đạo sư rất cởi mở, Ngài khai mở một con đường thẳng duy nhất dẫn đến Phật quả. Theo lời dạy của đức Phật, bất cứ ai (nếu có nỗ lực cần thiết) cũng có thể cầu mong đạt đến viên mãn. Đức Phật không kết án loài người đều là những kẻ hèn hạ, trái lại, Ngài khích lệ họ, bảo tâm hồn họ vốn xưa nay thanh khiết. Theo quan niệm của Ngài thì thế giới loài người này không ác, nhưng bị mê lầm bởi vô minh. Thay vì làm cho các đệ tử thất vọng và chỉ giữ riêng trạng thái cao siêu cho mình, Ngài khuyến khích và dẫn dắt họ noi theo Ngài, vì Phật tính tiềm tàng trong mọi chúng sinh. Theo một nghĩa nào đó, tất cả chúng sinh đều là Phật đang thành.
  Một người khao khát thành Phật được gọi là Bồ tát (Bodhisatta), có nghĩa là bậc hiền trí. Lý tưởng Bồ tát này là nếp sống tốt đẹp và cao quí nhất từng được nêu ra giữa thế giới vị kỷ này, vì còn có gì cao thượng hơn là sống thanh khiết và phụng sự. Là một con người, Ngài đạt đến Phật quả và tuyên bố cho thế giới những tiềm năng siêu việt và khả năng sáng tạo của con người. Thay vì đặt một Thượng đế toàn năng vô hình trên con người, vũ đoán điều khiển vận mệnh của nhân loại, biến họ thành nô lệ cho một quyền năng siêu việt, thì Ngài lại đề cao giá trị của nhân loại. Chính Ngài đã dạy rằng con người có thể đạt đến giải thoát và thanh tịnh bằng tự nỗ lực mà không cần lệ thuộc vào một đấng Thượng đế ngoại tại hoặc đám giáo sĩ trung gian nào. Chính Ngài đã dạy cho thế giới vị kỷ này lý tưởng phụng sự cao cả và vô tư. Chính Ngài đã chống lại hệ thống giai cấp hủ lậu, dạy sự bình đẳng nhân loại, đem đến cơ hội đồng đều cho tất cả, để tự vươn lên trong mọi nẻo đường đời.
  Ngài tuyên bố rằng các cánh cửa đưa đến thành công đã mở cho tất cả mọi người trong mọi điều kiện, hoàn cảnh sống cao hay thấp, thánh hiền hay tội phạm, những ai muốn lật một trang đời mới và ước mong được hoàn thiện.
  Bất kể màu da, chủng tộc và giai cấp, Ngài thành lập một hội chúng gồm cả nam và nữ, sống độc thân và dân chủ. Ngài không bắt đệ tử phải lệ thuộc giáo lý của Ngài hay lệ thuộc chính Ngài mà cho phép họ hoàn toàn tự do tư tưởng.
  Ngài khích lệ những kẻ xấu số bằng những lời an ủi. Ngài cứu chữa những người bệnh bị ruồng bỏ. Ngài giúp đỡ những người nghèo không nơi nương tựa.
  Ngài nâng cao những cuộc đời mê lầm, làm cho thanh khiết những cuộc đời tội lỗi sa đọa. Ngài khuyến khích những kẻ yếu đuối, hòa giải những người chia rẽ, soi sáng kẻ mê lầm, làm sáng tỏ những người tu huyền bí, dìu dắt người lương thiện, nâng cao kẻ thấp hèn, tăng phẩm giá những người cao thượng. Tất cả người giàu lẫn người nghèo, những thánh nhân và phàm phu, đều một niềm yêu kính Ngài. Những vị vua bạo ngược và chân chánh, những triệu phú hào phóng và keo kiệt, những học giả kiêu căng và khiêm tốn, những người nghèo khổ thất thế, những kẻ đổ rác bị chà đạp, những kẻ giết người tàn bạo, những cô gái giang hồ bị khinh bỉ - tất cả đều được lợi lạc nhờ những lời dạy đầy lòng từ bi và trí tuệ của Ngài.
  Tấm gương cao cả của Ngài là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người. Dáng thanh thản an bình của Ngài là hình ảnh dịu dàng đối với những đôi mắt thầm kín. Sứ mệnh hòa bình và bao dung của Ngài được mọi người hoan nghênh bằng niềm hân hoan khôn tả, và những ai may mắn được nghe và thực hành sẽ vĩnh viễn lợi lạc.
  Bất kỳ ở đâu giáo lý của Ngài thâm nhập, nó đều để lại trên tính cách của các dân tộc khác nhau ấy một ấn tượng không thể phai mờ. Sự tiến bộ về văn hóa của tất cả các dân tộc theo Phật giáo chính là nhờ giáo lý tuyệt vời của Ngài. Đúng như thế, tất cả các nước Phật giáo như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt, Việt Nam, Lào, Nepal, Tây Tạng, Trung Hoa, Mông Cổ, Triều Tiên, Nhật Bản v.v... đều đã trưởng thành trong cái nôi của đạo Phật. Mặc dù vị Đại Đạo sư này đã nhập diệt hơn 2500 năm, vậy mà nhân cách độc đáo của Ngài vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tất cả những ai biết đến Ngài.
  Ý chí sắt đá, trí tuệ sâu xa, tình thương rộng lớn, lòng từ bi vô hạn, đức phụng sự vô tư, sự từ bỏ thế tục có tính cách lịch sử, tinh khiết hoàn toàn, nhân cách hấp dẫn, những phương pháp kiểu mẫu dùng để truyền bá giáo lý, và cuối cùng sự thành công của Ngài - tất cả những yếu tố ấy đã khiến cho một phần năm nhân loại trên thế giới ngày nay hoan nghênh đức Phật như là vị Giáo Phụ tối thượng vậy.
  Tỏ lòng tôn kính triệt để đối với đức Phật, Sri Radha Krishna nhận định: “Đối với đức Phật Gautama, chúng ta có một vị Thầy tinh thần phát xuất từ Đông phương, ảnh hưởng vào tư tưởng và đời sống nhân loại không nhường chỗ cho bất cứ một ai, và Ngài là nhà sáng lập một truyền thống Tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng không kém bất cứ một Tôn giáo nào. Ngài thuộc về lịch sử tư tưởng thế giới, thuộc về di sản chung của những người có học thức, và xét về đức tính vô tư trí thức, lòng nhiệt thành đạo đức và giác ngộ tâm linh, chắc chắn Ngài là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử”.
   Nói về ba người vĩ đại nhất trong lịch sử, nhà sử học H.G.Wells viết: “Qua đức Phật, các bạn thấy rõ Ngài là một người giản dị, nhiệt thành, đơn độc chiến đấu, vì ánh sáng chân lý, một nhân cách sống động, có thực, chứ không phải là một nhân vật huyền thoại. Ngài cũng ban cho nhân loại một bức thông điệp có tính cách phổ quát đại đồng.
  Nhiều tư tưởng cận đại và hiện đại nhất của chúng ta thật hết sức hài hòa với Phật giáo. Ngài dạy tất cả mọi thống khổ và tranh chấp đều do lòng vị kỷ, trước khi một người có thể trở nên bình thản, người ấy phải từ bỏ lối sống vì dục lạc của mình, hoặc sống vì mình. Bấy giờ người ấy mới đồng nhất với một người cao cả. Năm trăm năm trước đức Cơ Đốc (Christ), trong một thứ tiếng nói khác, đức Phật đã kêu gọi nhân loại về sự tự quên mình. Trên một vài phương diện, Ngài gần gũi với chúng ta và hợp với những nhu cầu của chúng ta hơn. Ngài thấu suốt về giá trị cá nhân và nhiệm vụ của chúng ta hơn đức Cơ Đốc, và ít mơ hồ hơn về vấn đề bất tử của con người”.
  Thánh Hilaire nhận xét: “Đức Phật là kiểu mẫu hoàn hảo của tất cả những đức tính mà Ngài dạy: Đời sống của Ngài không một vết nhơ”.
  Fausboll nói: “Càng biết Ngài bao nhiêu, tôi càng yêu Ngài bấy nhiêu”.
  Một tín đồ khiêm tốn của Ngài có thể nói: “Càng biết Ngài bao nhiêu, tôi càng yêu Ngài bấy nhiêu; càng yêu Ngài bao nhiêu, tôi càng biết Ngài bấy nhiêu". 
                                                           Kienthuc.net

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

"NGƯỜI ƠI, ĐỪNG QUA SÔNG" (My Love, Don’t Cross That River)

   Đây là tiêu đề bộ phim tài liệu dài 85 phút của đạo diễn Jin Mo Young, kể về cuộc sống lãng mạn có thực của vợ chồng ông Jo Byeong Man (98 tuổi) và bà Kang Gye Yeol (89 tuổi).
  Hai ông bà sống với nhau hơn 75 năm, có tổng cổng 35 người con, cháu chắt nhưng vẫn sống độc lập trong một môi nhà nhỏ dưới chân núi của tỉnh Gangwon. Để thực hiện bộ phim tài liệu này, đoàn làm phim đã phải quay từ năm 2012, từ lúc ông bà khỏe mạnh cho đến tận khi ông qua đời. Bộ phim đã lấy đi nước mắt của người dân Hàn Quốc cũng như quốc tế.
  Ra rạp từ hôm 27/1/2014, bộ phim tài liệu “Người ơi đừng qua sông” ngay lập tức trở thành hiện tượng phòng vé, thu hút hàng triệu khán giả mọi lứa tuổi. Chỉ trong tuần đầu công chiếu, bộ phim có ngân sách 110.000 USD thu về 4,6 triệu USD và vươn lên đứng đầu doanh thu phòng vé xứ kim chi, soán ngôi các bom tấn Mỹ là Interstellar và Exodus: Gods & Kings.
  Đến gần cuối tháng 12, phim hút hơn ba triệu lượt khán giả Hàn Quốc đến rạp, thu về gần 8 triệu USD và vẫn đang tiếp tục ăn khách. Ban đầu, phim chỉ được chiếu hạn chế ở 186 phòng rạp, đến nay phim có mặt ở 806 phòng chiếu và trở thành tác phẩm độc lập thành công nhất Hàn Quốc.
                                     cu

  Các khán giả khi xem, ai cũng khóc vì thương và vì khâm phục tình yêu vừa giản dị nhưng lại vừa sâu nặng của hai ông bà. Hai ông bà chẳng bao giờ to tiếng, đưa cho nhau cái gì cũng nói “cảm ơn bà lão, cảm ơn ông lão”.
– Ông lão ăn cơm đi
– Vâng, cảm ơn bà lão
“Ông ấy chẳng bao giờ chê cơm tôi nấu. Cho cái gì cũng khen ngon. Hôm nào đồ ăn ngon thật thì ăn nhiều, không ngon thì ăn ít”
  Đang quét lá trước sân, ông bốc lá ném vào người bà. “Ơ hay cái ông lão này, sao đùa dai thế nhỉ?”, bà giận bỏ vào nhà. Ông lão ra ngoài hái hoa dại mang tặng, rồi vòng tay lên đầu món mém “Bà lão ơi, Saranghae”. Vậy là bà lão lại nở nụ cười tươi
                                    My Lover, Dont Cross That River trở thành bộ phim hiện tượng dịp cuối năm 2014 ở Hàn Quốc.

  Bà kể về ông: Ông ấy phải ở rể, làm quần quật như trâu, lấy tôi về lúc tôi còn bé tí. Chẳng dám đụng vào người vợ chỉ mới 14 tuổi. Vì yêu vợ, thương vợ phải về làm dâu khi còn nhỏ, nên ông lão hay có thói quen…sờ mặt bà lão khi ngủ. Cho đến tận khi già vẫn giữ thói quen đó, nhiều khi vô thức, ông lão cứ vừa ngủ vừa vuốt tóc, vuốt mũi, vuốt má bà lão, làm bà bão chẳng ngủ được.
Hai ông bà thích mặc đồ Hanbok đôi, đi đâu cũng nắm tay nhau thật chặt. Ăn gì, làm gì cũng đều có nhau.
                                    cu2
                            cu3     
  
  Đến khi ông mất, bà nói trong nước mắt “Ông lão đi trước đi nhé. Giờ tôi chưa đi ngay với ông được đâu. Tôi ở lại một thời gian, rồi sẽ đi gặp ông lão. Ông lão đi khỏe nhé, chờ tôi nhé!”
                                     Vợ chồng ông bà Jo Byeongman và Kang Gyeyeol.
  Xem phim tài liệu về ông bà, nhận ra được chân lý của hạnh phúc:
  Hạnh phúc nhiều khi rất giản đơn. Hạnh phúc là khi ta đủ tỉnh táo để biết giá trị đích thực của cuộc sống này, dám buông bỏ những hư danh, phù phiếm để dành trọn tấm chân tình cho những người thân yêu bên cạnh ta.
Clip giới thiệu bộ phim:
My Love, Don’t Cross That River (Người yêu ơi, đừng băng qua sông)


Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

RUMI, THI HÀO BẤT TỬ CỦA BA-TƯ

                                                           

                                                                                   Jalal Uddin Rumi.
Thế giới của Rumi không phải là thế giới của người Sufi, cũng không phải thế giới của người Ấn hay thế giới của người Do Thái, mà đó là trạng thái cao nhất của con người, một "ensaaneh kaamel", nghĩa là một con người toàn thiện. Mà một con người đã toàn thiện thì không bị câu thúc bởi những ranh giới về văn hóa, con người đó gần gũi với bất cứ ai trong chúng ta.
Jalal Uddin Rumi (1207-1273) là nhà thơ thần bí Ba tư thế kỷ 13. Tên ông được đồng nhất với Sufi, một học thuyết thần bí của Hồi giáo nhằm tới sự thần hiệp, hay sự hợp nhất thần bí với Thượng đế. Trong suốt 25 năm ông đã viết trên 70.000 câu thơ với các chủ đề tình yêu mang tính thánh thiêng, niềm đam mê thần bí và sự mạc khải. Giới học giả ngày nay coi Rumi là một trong các nhà thơ lớn nhất của mọi thời đại; tác phẩm của ông được so sánh với tác phẩm của Dante và Shakespeare.

Tác phẩm chính của Rumi là Diwan-i Shams-i Tabriz-i (Tác phẩm về Shams người xứ Tabriz) gồm khoảng 40.000 câu thơ, đề tặng Shams ad-Din, người bạn lớn, người thầy tinh thần và nguồn cảm hứng của ông, vàMathnawigồm khoảng 25.000 câu thơ. Ngoài ra còn các cuộc trò chuyện và thư từ của ông gồm ba tập vẫn giữ được đến ngày nay.
Tầm quan trọng của Rumi nằm ở chỗ ông vượt qua các ranh giới quốc gia và dân tộc. Tuy làm thơ chủ yếu bằng tiếng Ba-tư, ông còn viết một số bài thơ bằng tiếng Ả rập, tiếng Hy Lạp và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ (cổ). Trong suốt nhiều thế kỷ, thơ ông có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với văn chương Ba-tư cũng như văn chương Urdu (Ấn Độ) Và Thổ Nhĩ Kỳ. Thơ ông được rất nhiều người đọc ở các nước nói tiếng Ba-tư ngày trước như Iran, Afghanistan, Tajikistan và ngày nay đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
 Jalal Uddin Rumi sinh năm 1207 ở thành phố Balkh thời đó nằm ở tỉnh Khorasan của đế quốc Ba-tư nhưng ngày nay thuộc Afghanistan. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống phụng sự các cơ quan luật pháp và tôn giáo. Ngay từ nhỏ Jalal Uddin đã tỏ ra tư chất khác thường. Có giai thoại kể rằng có một lần, Attar, một nhà thơ và nhà hiền triết lớn đương thời, khi gặp hai cha con Jalal Uddin, người cha đi trước còn người con theo sau, đã nói một câu có tính tiên tri: “Một biển đang bước đi, theo sau là một đại dương”.
Vào khoảng năm 1218, để tránh họa xâm lăng của người Mông Cổ, ông cùng gia đình di chuyển qua nhiều nơi, từ Balkh đến Baghdad, Mecca, Damascus và cuối cùng định cư ở Karaman gần Konya (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) thời đó là thủ đô của người Turk Seljuk. Ở đây cha của cậu thiếu niên Jalal Uddin hành nghề đạo sư và hoạt động như một nhà thần học. Jalal Uddin theo gương cha, và sau khi người cha qua đời vào năm 1231, chàng thanh niên cũng trở thành một đạo sư lỗi lạc. Thời đó vùng này được người dân gọi là Rum, một cái tên có nguồn gốc từ thời đế quốc Byzantine. Biệt danh Rumi của nhà thơ bắt nguồn từ cái tên này.
Vào khoảng năm 1244 C.E. Rumi gặp Shams ad-Din, một giáo sĩ hay một tín đồ Sufi mà trước kia ở Tabriz, và cuộc tao ngộ này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông. Shams ad-Din trở thành bạn và người thầy tinh thần của Rumi. Trong khoảng hai năm Rumi cùng Shams ad-Din sống cùng một nhà và gắn bó thân thiết với nhau trong một tình bạn mang tính thuần khiết và lý tưởng. Sufi vốn có truyền thống những tình bạn thuần khiết và lý tưởng như vậy, dựa trên sự chung nhau nỗ lực tâm linh.
  Trước đó Rumi vốn là đạo sư và lãnh tụ của một đoàn tăng lữ Mevlevi. Các môn đồ của ông hết sức bức xúc bởi sư phụ quá quấn quýt với Shams mà quên mất họ, thế là họ đe dọa dùng vũ lực để chia lìa đôi bạn. Shams ad-Din biến mất một cách khó hiểu vào năm 1247, có thể là bị các môn đồ của Rumi giết chết. Sau đó Rumi viết 40.000 câu thơ lấy tên là Diwan-i Shams-i Tabriz-I để bày tỏ nỗi đau mất người bạn tri kỷ.
Chủ đề chung của tư tưởng ông, cũng như của các nhà thơ thần bí và Sufi khác trong văn học Ba-tư, là về khái niệm Tawheed (nhất thể) và sự hợp nhất với người yêu (cái cội rễ uyên nguyên) mà ông đã bị cắt rời khỏi nó, cũng như nỗi khao khát được tái hợp với người yêu hay cái cội rễ kia và trở thành nhất thể.
Tác phẩm Masnavi kết hợp nhiều truyện ngụ ngôn và cảnh đời thường, những thiên khải lấy từ kinh Qu’ran, cùng những suy tư siêu hình thành để dệt thành một bức tranh chung rộng lớn và phức tạp. Rumi được coi là hình mẫu của “ensaaneh kamel”, con người hoàn hảo hay con người toàn diện. Rumi nhiệt thành tin ở việc dùng âm nhạc, thơ ca và nhảy múa làm con đường đến với Thượng đế. Với Rumi, âm nhạc giúp các tín đồ tập trung toàn bộ bản thể mình vào cái thánh thiêng, làm việc đó một cách tập chú đến nỗi linh hồn họ vừa bị hủy diệt vừa được phục sinh.
Trên thực tế, ông là người thành lập giáo phái Mevlevi của các “giáo sĩ xoay tròn” và sáng tạo nên “sema”, điệu nhảy xoay tròn có tính chất thánh thiêng của các vị này. Theo truyền thống Mevlevi, sema tiêu biểu cho một cuộc hành trình thăng tiến tâm linh, thông qua trí tuệ và tình thương để đạt tới “cái Hoàn hảo”. Trong cuộc hành trình đó hành giả hướng về chân lý, trưởng thành thông qua tình thương, xả bỏ cái tôi, tìm thấy chân lý và đến được “cái Hoàn hảo”, sau đó, khi từ cuộc hành trình này trở về, họ hoàn thiện hơn, có khả năng yêu thương và phụng sự toàn bộ các tạo vật trên thế giới không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, tôn giáo, quốc gia.
Theo lời Shahram Shiva, một nhà thơ Mỹ gốc Iran nổi tiếng với những buổi đọc thơ Rumi, một trong những lý do khiến Rumi đến được với nhiều người như vậy là bởi “Rumi có khả năng chuyển thành ngôn từ một cách thẳng thắn và trực tiếp cái thế giới mang tính cá nhân cao độ và thường rất phức tạp của sự trưởng thành về tinh thần và cái huyền nhiệm. Ông không xúc phạm bất cứ ai, ông gồm thâu tất cả mọi người.
Thế giới của Rumi không phải là thế giới của người Sufi, cũng không phải thế giới của người Ấn hay thế giới của người Do Thái, mà đó là trạng thái cao nhất của con người, một ensaaneh kaamel, nghĩa là một con người toàn thiện. Mà một con người đã toàn thiện thì không bị câu thúc bởi những ranh giới về văn hóa, con người đó gần gũi với bất cứ ai trong chúng ta. Ngày nay ta có thể nghe người ta đọc thơ Rumi trong nhà thờ, thánh đường Hồi giáo, tu viện Thiền tông, cũng như trong các cuộc trình diễn âm nhạc trên phố phường New York”.
Chỉ mới cách đây khoảng 20 năm Rumi hãy còn hầu như chưa được biết tới ở phương Tây, nhưng hiện nay ông là một trong những nhà thơ được đọc nhiều nhất tại Hoa Kỳ.
Tác phẩm của Rumi đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới trong đó có tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Ý, Tây Ban Nha, v.v. và ngày càng xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau như hòa nhạc, hội thảo, đọc thơ, múa và nhiều hình thức nghệ thuật khác nữa.
   Các giáo sĩ Mevlevi đang thực hiện điệu múa thiêng liêng sema.
   Năm nay, 2007, được UNESCO chọn là “Năm Quốc tế Rumi” nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh của nhà thơ. Ba nước Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Afghanistan dự kiến tổ chức một số chương trình đặc biệt để tưởng niệm Rumi. Riêng Iran sẽ mở một hội nghị tương tự vào mùa thu năm 2007. Nhiều chương trình đặc biệt sẽ được tổ chức tại nơi ra đời của nhà thơ (nay thuộc Iran) và nơi ông qua đời (nay tại Thổ Nhĩ Kỳ).
  Trong các chương trình dự kiến được thực hiện trong năm nay nhân dịp Năm Quốc tế Rumi, Bộ Văn hóa Iran sẽ ấn hành tập thơ Masnavi của Rumi in song ngữ - bằng tiếng Ba-tư và bản dịch sang tiếng Thổ, tổ chức buổi lễ tưởng niệm Forouzanfar và Golpinarli, hai chuyên gia có uy tín người Iran và Thổ trong lĩnh vực nghiên cứu về Rumi, xuất bản một cuốn tự điển thành ngữ Thổ-Ba-tư, cũng như tổ chức một số buổi hòa nhạc của các nghệ sĩ Iran tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một sự kiện mà tầm quan trọng của nó vượt xa ngoài khuôn khổ một nền văn hóa: bởi thông qua Rumi, nhân loại nhận thức được trở lại một phần tinh hoa của nền văn minh Hồi giáo mà những cuộc xung đột cũng như sự kiện khủng bố có tính tôn giáo trong những năm gần đây không thể xóa mờ.
 

Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

22 BÀI HỌC CUỘC ĐỜI ĐÁNG SUY NGẪM TỪ ÔNG CỤ 99 TUỔI

   Cuộc đời của cụ ông Andy Anderson ly kỳ như trên phim. Cụ gặp người vợ của mình vào thứ 7 rồi cả hai đi đến quyết định cưới nhau đúng 1 tuần sau đó.
    Họ gắn bó với nhau hạnh phúc cho tới khi người con gái trút hơi thở cuối cùng 67 năm sau. Trong khoảng thời gian 67 năm ấy, hai cụ kịp có với nhau 2 người con, nhận nuôi thêm một người con trai và từng đoạt nhiều giải thưởng về thể thao ở hạt.
22 bài học cuộc đời đáng suy ngẫm từ ông cụ 99 tuổi 1 
Tình yêu không bao giờ dễ dàng. Bạn cần phấn đấu để có được và duy trì nó.
  Không học đại học nhưng cụ ông Andy vẫn rất thành đạt trong sự nghiệp. Cụ là giám đốc điều hành mảng bơ sữa của Safeway phân phối đi toàn quốc. Biệt danh của cụ là Ngài Pho mát, còn trong gia đình, cụ được cả nhà yêu quý gọi là "ông nội Pho-mát".
  Một con người như vậy hiển nhiên có nhiều bài học quý giá để chia sẻ với bạn sau 99 năm sống trên cuộc đời này.
1. Luôn hài hước.
2. Sẵn sàng khởi sự từ đáy cùng
3. Tập thể dục mỗi ngày, kể cả khi không thích chút nào.
4. Đừng chi nhiều hơn thu.
5. Uống nước cam vắt mỗi ngày
6. Tình yêu sét đánh không phải là truyền thuyết vô căn cứ
7. Có công việc tồi vẫn còn tốt chán so với việc chẳng có gì mà làm.
8. Ăn hết sạch những gì có trên đĩa, không bỏ thừa thức ăn.
9. Gia đình là điều quý giá nhất trong đời.
10. Cuộc đời rất mong manh. Nếu bạn thờ ơ với chính mình, bạn sẽ hỏng bét. Đó chính là những gì mà pho mát đã dạy cho ta.
11. Đừng sợ khi là chính mình.
12. Mọi người mua quá nhiều quần áo. Chỉ mặc những gì bạn có và đừng mua sắm nữa.
13. Phải biết tha thứ, dù cho việc đó rất khó.
14. Tiết kiệm tiền để khi cần thì có cái mà dùng.
15. Tình yêu không bao giờ dễ dàng, đôi khi bạn cũng phải lao lực để duy trì và có được nó.
16. Hãy tìm ra khía cạnh khôi hài trong mọi tình huống.
17. Nếu đang phải đối mặt với rắc rối, đừng trì hoãn. Hãy cố tìm cách giải quyết nó. Nhưng nếu vô phương cứu chữa, bạn sẽ phải học cách quên rắc rối đó đi.
18. Hãy đảm bảo rằng bạn đang làm những gì mà mình yêu thích. Đừng sợ đi theo giấc mơ của chính mình.
19. Giáo dục là quan trọng, nhưng không nhất thiết phải theo đuổi. Bản thân trường đời cũng đủ để dạy bạn rồi.
20. Khám phá thế giới riêng của mình và hãy luôn sống tò mò.
21. Hãy nghĩ đến những câu trả lời hợp lý nhất trong mọi tình huống. Nếu như không biết đặt mình vào vị trí người khác, bạn sẽ là một kẻ tồi tệ.
22. Cuộc sống là món quà mà bạn bắt buộc phải tự tháo vỏ để tìm hiểu. Cũng không ai khác ngoài bạn có thể quyết định được thứ bên trong sẽ mang đến hạnh phúc hay xui xẻo.
                                                                                                 Theo Vietnamnet



Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

TÁNH KHÔNG LUẬN CỦA LONG THỌ (NAGARJUNA)




Có gì khác biệt gì giữa Tánh Không Luận của Nagarjuna và giáo lý vô ngôn, bất khả tư nghị của ĐứcPhật không?
Không có khác biệt chút nào. Nếu có sự khác biệt thì đấy chỉ là cách phát biểu khác nhau. Long Thọ (Nagarjuna) là một triết gia vĩ đại, một trong những người kỳ tài nhất thế giới. Chỉ vài người trên thế giới, rất ít người, mới có phẩm chất thâm thúy như Nagarjuna. Cho nên, cách nói của Ngài là rất triết học, logic, tuyệt đối logic. Phật là nhà huyền học, không phải triết gia. Cách nói của Ngài nhiều thi vị hơn là triết lý. Hai phương pháp khác nhau, nhưng Nagarjuna nói y hệt như Phật nói. Cách phát biểu của họ chắc chắn là khác nhau, nhưng điều họ nói cần phải hiểu rõ.

Bharti hỏi, “Có gì khác biệt giữa Tánh Không Luận (shunyavada)…” Shunyavada có nghĩa là lý thuyết, triết học về chân không. Trong tiếng Anh không có từ nào có thể tương đương, xấp xỉ tương đương với Tánh Không (shunya). Tánh Không nghĩa là trống không; nhưng không phải trống không tiêu cực, mà rất tích cực. Nó có nghĩa là chân không, nhưng không phải không có gì; nó có nghĩa là tính chất không có vật thể (no-thing-ness). Tánh Không có nghĩa là hư vô, không có bất cứ cái gì. Nhưng bản thân cái hư vô ấy tròn đầy, hiện diện khắp nơi (chân không diệu hữu), cho nên nó không phải chỉ là hư vô. Cũng tựa như bầu trời thăm thẳm, chỉ là không gian trống rỗng, nhưng nó hiện hữu. Mọi thứ đến trong đó rồi ra đi, nó thì còn lại mãi mãi.

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

SẮC DỤC QUA CÁCH NHÌN CỦA ĐẠO PHẬT

 
     Vạn hữu vũ trụ có muôn màu muôn vẻ. Từ cảnh trí thiên nhiên đến vạn vật, con người, mỗi một đều có sắc thái riêng hoặc đáng yêu, hoặc đáng ghét, hoặc không đáng yêu nhưng không đáng ghét. Đối với những hình sắc đang yêu thì khởi tâm tam, bằng mọi cách phải thu về làm sở hữu cho mình. Với những sắc thái đáng ghét thì khởi tâm quyết tâm phá huỷ cho bằng được, với những sắc không yêu cũng không ghét, thì si mê mờ mịt chẳng màng ra sao cũng được. Yêu ghét là hai mặt của tâm dục. Dục là sự ham muốn thôi thúc trong lòng khiến người ta phải hành động để được thoả mãn. Tâm dục đặt trên các sắc tướng gọi là “Sắc dục”.
  Dục tuy nhiều nhưng không ngoài năm thứ là: tài (tiền của), sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ.
  Ở đây nói về sắc dục tức là lòng ham muốn đối với tất cả các hình sắc vừa mắt người nhìn như hình sắc nam, nữ xinh đẹp, khôi ngô tuấn tú, mắt phượng, mày ngài, môi hồng má thắm, sắc tướng dễ mến đáng yêu, nhìn chúng rồi sinh lòng tham ái. Đây là tham ái hình sắc nam nữ.
  Lại có hạng người đối với sự luyến ái nam nữ tâm nhiễm nhẹ nhàng chẳng sinh chấp trước nhưng lại rất yêu quí các thứ bảo vật thế gian như vàng, bạc, kim cương, ngọc ngà, châu báu ánh lên những màu sắc rực rỡ, hoặc yêu thích những vật dụng đồ dùng cổ xưa, đam mê trong sự sưu tầm tem thư, đồ cổ.
  Lại có người yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên cỏ cây hoa lá, say mê với chậu kiểng, giàn lan, v.v…
  Thông thường, nói đến sắc dục là nhấn mạnh vào sự đắm sắc của nam nữ, tình ái si mê, trai yêu sắc gái, gái đắm hình trai, ân ái qua bao kiếp buộc ràng nhau không có kỳ chấm dứt. Lại có người chỉ yêu chuộng tự thân, cứ trau chuốt, điểm trang cho nó sang đẹp rồi tự hào, kiêu căng về nhan sắc của mình, không ngờ đây chính là hoạ hại. Vì nhan sắc dẫn đến ái dục, nó là một loại cạm bẫy, nó ngọt ngào mời gợi lòng dục của người khác phái, thách thức với lòng ganh tị của người cùng phái, nó nhận chìm chính đương sự và đối tượng cam tâm chịu chết trong ái dục mà không có khả năng từ khước. Lăn lộn trong biển dục mênh mông, làm nô lệ cho sắc tình, rất đau khổ mà người ta vẫn đắm đuối không chịu tránh xa như con thiêu thân biết sẽ thiệt mạng mà vẫn cứ lao vào ngọn lửa.
  Người đuổi theo sắc dục không biết chán như người uống nước muối, càng uống càng khát, càng đắm mê thì hoạ hại càng lắm, tự đem mình vào chỗ hang hùm miệng sói mà vẫn không sợ. Sắc dục làm cho bản thân chóng tàn cỗi, bệnh hoạn lại thêm nhiều phiền não khổ đau. Những thiên tình sử đẫm lệ cũng xuất phát từ sự đam mê tình ái. Vì sắc dục một người hiền lương có thể trở thành tướng cướp, một con người hiếu thuận có thể trở nên ngỗ nghịch làm khổ cha me, một người chồng tốt, một người vợ đảm đang có thể đánh mất lòng chung thuỷ làm cho gia đình ly tán, con cái bơ vơ. Trong lịch sử có biết bao anh hùng hảo hán chỉ vì đắm sắc mà phải tan thân mất mạng. Các vị vua chúa vì sắc dục mà quốc phá gia vong, thân bại danh liệt lưu tiếng xấu muôn đời.
  Đam mê sắc dục là tự phá hoại đời mình, đó là hạng phàm phu tự dìm mình xuống chỗ bùn lầy. Đức Phật ví họ như một đứa bé dại khờ vì tham tiếc một chút mật trên lưỡi dao bén, le lưỡi liếm mà phải chịu cái hoạ đứt lưỡi, hoặc như người ngu si cầm đuốc đi ngược gió ắt phải bị cháy tay. Sắc dục hại người hơn cả thú dữ, hơn cả nước lũ vì nó mê hoặc người làm việc xấu ái, tạo tai hoạ nhiều kiếp sau dày, chịu trầm luân khổ sợ không thể nào thoát khỏi.
  Nhận thức rõ hoạ hại của sắc dục Đức Phật dạy các đệ tử Ngài phải dè dặt đừng để đắm luyến sắc đẹp. Ngài khẳng định sức mạnh của sắc dục như sau: "Sự ham muốn không gì hơn sắc đẹp, sụ ham muốn sắc đẹp ngoài nó không có gì lớn bằng cũng may chỉ có một mình nó mà thôi. Nếu có cái gì thứ hai bằng nó thì người khắp thiên hạ không ai có thể tu hành được”.
  Con người có nhiều ham muốn, trong đó ham muốn sắc đẹp tức sắc dục là nặng hơn hết. Chỉ một mình nó là hơn hết nên còn có người khả dĩ tu được, khả dĩ vượt qua nỗi.
  Tất cả các loài sinh trong vũ trụ đều do dục mà ra. Ai dục là bản chất của mọi đời sống. Loài thực vật biểu lộ tính dục bằng sự nở rộ các loài hoa khoe sắc hương để nhờ gió hoặc để các loài ong bướm đến thụ phấn cho những nhuỵ hoa. Ơ loài động vật, tiếng thú kêu, tiếng chim hót là lời kêu gọi bạn tình. Cho đến loài người hạt giống ái dục ngủ ngầm tiềm ẩn bên trong thúc giục thần thức đi vào thai mẹ để rời có mặt, quay cuồng trong vòng luân hồi sinh tử. Được sin hra từ sự đam mê sắc dục, được nuôi dưỡng trưởng thành nơi dục cho nên muốn vượt qua nó là một việc rất khó khăn, vì thế Đức Phật nói rằng sắc dục rất mạnh, nó mạnh hơn tất cả các thứ dục và ngài khuyên nhắc để được giải thoát an lạc phải dè dặt đừng để đắm luyến trong sắc dục.
   Giáo pháp của Đức Phật đã vạch trần bản chất của sắc tướng là vô thường, nó mong manh phù dù, chợt có chợt không như ánh chớp, như hòn bọt, như giọt sương trong sức nóng của mặt trời, không thể nắm bắt được.
   Bản chất của sắc tướng là vô ngã, nó chỉ là sự tụ hội của nhiều yếu tố, điều kiện mà thành, nếu các yếu tố ấy phân ly thì sắc tướng kia cũng mất. Vì thế tuy đang hiện hữu đây mà rõ chỉ là trướng hư giã nó theo duyên mà hình thành, theo duyên mà tồn tại, theo duyên mà lụi tàn nên nó không có thực chất.
  Bản chất của sắc tướng là nhơ uế. Nhìn lại hình hài một con người để thấy rõ điều này.
  Thân người được phủ bên ngoài một lớp da chi chít những lỗ li ti gọi là lỗ chân lông, bên trong là lớp mở thịt, đắp vào một khung xương rồi nối liền nhau bởi những sởi gân và lục phủ ngũ tạng chứa đựng đồ nhơ uế như phân, nước tiểu, máu huyết, mồ hôi, đờm, dãi, chảy tràn ra ngoài qua các lỗ chân lông. Mắt tai, mũi, miệng, cửa đại, tiểu. Nếu trong 24 giờ mà không chải răng, súc miệng, tắm rữa thì tự mình cũng không chịu nổi sự hôi dơ nơi mình huống chi là người khác. Thế nên Phật bảo thân người là một túi da hôi thúi, dù tô son trét phấn, áo lụa quần là bao bọc bên ngoài thì thực chất cũng chỉ là túi da hối thúi mà thôi. Người trí quán chiều sâu sắc để thấy rõ thực chất của sắc thân, để không bị sắc dục nhấn chìm trong biển ái.
  Vua Trần Thái Tông, một ông vua thiền sư đời Trần trong bài “Rộng nói về sắc thân” đã nói rõ cái ô uế của thân qua các câu sau.
  “Đầu sọ khô cài trâm giắt ngọc, túi da hôi ướp xạ xông hương, cắt lụa là che đậy máu tanh, dồi son phấn át thùng phân thối. Trang sức như thế trọn là gốc nhớp. Không thể nơi đây tự thẹn lại hướng trong ấy mến yêu."
  Ngài sống trong triều đình, trong cung có biết bao cung phi mỹ nữ điểm trang lộng lẫy, giắt ngọc cài hoa, hương xông xạ ướp nhưng ngài thấy rõ tận gốc chỉ là “đầu sọ khô”, “túi da nhớp”, “máu tanh hôi”, “thùng phân thôi”, đâu có gì là mỹ lệ yêu kiều. Trang sức như vậy cũng chỉ để che đậy cái thân bẩn thỉu gớm ghê. Thế mà lại có những kẻ mê muội lại hướng vào đó mà tự hào, yêu mến nó. Thật là không biết hổ thẹn, thật là quá đổi mê lầm. Đáng thương vậy.
  Giọt mật trên lưỡi dao bén không có lỗi, lỗi là do kẻ dại khờ, ngọn đuốt cháy tạt theo hướng gió không có tội, tội là do người ngu muội, sắc thân vốn không lỗi gì, tự nó không có lỗi cũng không có hại. Lợi hay hại là do người đã sử dụng sắc thân một cách mê si hay trí tuệ.
  Mê si là nhận thức sai lầm về thân, khởi tâm dục nhiễm nên chuốt tai hoạ sa đoạ trầm luân.
  Trí tuệ là nhận thức đúng đắn về thân, thấy rõ hoạ hại của ái dục nên dè dặt không để nó sinh khởi, sụ dụng thân như một phương tiện để hành đạo. Ngay nơi thân mà quán chiếu về bất tinh, vô thường, vô ngã, thoát ly ái dục tiến đến giác ngộ giải thoát.
  Người học Phật dù là tại gia hay xuất gia đều phải thường tự cảnh tỉnh trước sự quyến rũ của sắc dục, không để nó mê hoặc làm mất phẩm hạnh đạo đức và tinh tấn thực hành lời Phật dạy đoạn tận gốc rễ của ái dục hầu kiến lập một đời sống trong lành, tự tại an vui ngay giữa cuộc đời này.

                                                                                           Theo kienthuc