Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020

TIẾT CHẾ LỜI NÓI, NÓNG GIẬN, LẮNG NGHE NHIỀU HƠN LÀ THỂ HIỆN CỦA NGƯỜI CÓ TU DƯỠNG

                                                             Tiết chế lời nói, nóng giận, lắng nghe nhiều hơn là thể hiện của người có tu dưỡng - ảnh 1


                                                       Hình Internet

Người có tu dưỡng là người biết tiết chế cảm xúc của bản thân lại, không nóng vội, lời nói ra luôn có trọng lượng, nghĩ trước nói sau. Làm việc gì cũng nghĩ đến cảm xúc của người khác trước, lắng nghe nhiều hơn là thể hiện cái tôi của bản thân mình.

Trong cuộc đời, trí tuệ của người ta được thể hiện ra như thế nào? Cách người ta hành xử, ăn nói… rất có thể đều chứng tỏ trí tuệ của họ. Chỉ khi nào kiềm chế được cơn nóng giận thì mới có thể đắc được phúc khí. Trong sách “Thái Căn Đàm” viết: “Không nên giận dữ, không nên khinh thường”. Tính khí tốt của một người không chỉ là hành trang trong các mối quan hệ xã giao mà còn là tài phú suốt một đời của họ.

Bởi thế, có thể kiên nhẫn lắng nghe, đợi người khác nói xong mới bày tỏ ý kiến, nghe có vẻ đơn giản nhưng làm được lại khó vô cùng. Đây không chỉ là vấn đề ai đó biết cách nói chuyện khéo léo hay không mà là thể hiện sâu sắc nhất của tầng thứ tu dưỡng nhân cách. 
Nước sâu chảy chậm vì thế mà bình hòa. Người sang ăn nói thong thả vì thế mà trở nên sâu sắc. Ăn nói từ tốn, ngữ khí bình hòa, chính là một trong những biểu hiện đầu tiên của người có tu dưỡng, hàm dưỡng vậy. 
Nói về những đại cảnh giới lớn nhất đời người này, cổ nhân chia thành 3 điểm sau:

1. Không cướp lời – chính là không thể hiện mình thông minh hơn người khác

Rất nhiều người có một thói quen xấu là cướp lời người khác trước khi đối phương kịp nói hết câu, hết ý. Họ thường tự cho rằng mình thông minh, hiểu chuyện hơn người khác. Thử tưởng tượng ra một tình huống như thế này. Mấy người bạn túm tụm lại một chỗ nghe một người trong số đó đang bừng bừng hứng khởi kể một câu chuyện rất lôi cuốn, li kỳ. Ai nấy đều chăm chú lắng nghe, vô cùng hồi hộp. Liền có một người khác nhập hội, chẳng cần biết ngược xuôi, bèn “cướp mic” người đang kể kia và nói toẹt ra kết cục của câu chuyện. Kết quả là những người đang chăm chú nghe kia cụt hứng mà người kể chuyện cũng mất vui. Đối với người đã cướp lời kia cũng chẳng ai có thiện cảm cả. 
Sách “Thái Căn Đàm” viết: “Nói mười câu, có chín câu đúng chưa chắc đã lấy làm lạ, nhưng chỉ nói một câu không đúng thì tội lỗi nối nhau kéo đến”. Đại thể, ta cứ hình dung như anh thủ môn trong bóng đá, đẩy được 9 trong 10 quả sút cầu môn thì cũng không nhất định được người ta khen ngợi, mà chỉ để lọt lưới 1 bàn thôi cũng đủ bị coi là ‘tội đồ’ rồi!
Dù là hiểu rõ cũng không nhất định phải nói ra. Trong bụng có mấy lời, xét thấy không thích hợp cũng chớ nói ra. Lại có nhiều trường hợp nói ra chẳng thà cứ giữ trong lòng. Cướp lời không chỉ làm người đối diện mất đi thiện cảm mà đôi khi nó còn dẫn đến những hiểu lầm chẳng đáng có.
Một chàng trai thực lòng yêu mến một cô gái nhưng e dè một mực không dám nói ra. Chẳng ngờ, một hôm, cô gái ấy đến trước mặt cậu thổ lộ: “Mình thích cậu!” Chàng trai được lời như cởi tấm lòng, hấp tấp nói: “Em là một cô gái tốt…” Nhưng chưa đợi chàng trai dứt lời, cô gái cắt ngang: “Được rồi, em biết rồi, anh không cần nói ra nữa…” Chàng trai ngượng ngùng: “Anh… anh”. Cô gái quay đi lạnh lùng nói: “Không cần nói thêm nữa, tạm biệt!” Chỉ là chàng trai định nói: “Anh cũng thích em” nhưng vì quá ngượng ngùng nên chưa kịp thốt nên lời. Còn cô gái vì quá vội vã cắt lời, không thể kiên nhẫn lắng nghe người khác mà từ đó về sau vĩnh viễn cũng không thể nghe được những lời yêu thương vốn để dành cho mình ấy.
Rất nhiều chuyện dở khóc dở cười khác, rất nhiều những hiểu lầm không đáng có khác đều nảy sinh từ thói quen không chịu kiên nhẫn lắng nghe người khác nói hết lời. Người không cướp lời người khác cũng chính là người hiểu được lẽ khiêm cung, không tự thể hiện ra chỗ thông minh hơn người của mình và do vậy không bao giờ “từ bụng ta suy ra bụng người” vậy.
Không cướp lời chính là lễ nghi xã giao cơ bản nhất, cũng là thể hiện cao nhất của tầng thứ tu dưỡng cá nhân.

2. Không cướp lời – nghĩa là không hành động theo cảm tính

Thường khi người ta có việc gấp, gặp phải khó khăn, trong lòng dễ nảy sinh tâm lý nóng nảy, vội vàng. Lúc ấy, người ta dễ cướp lời người khác hơn cả. Lời nói ra giống như bát nước hắt đi, làm cách nào cũng không thu lại được. Họ cũng chẳng suy tính đến điều hơn lẽ thiệt, lời lẽ hay chừng mực gì, thường là nói mà không nghĩ đến cảm giác của người nghe. Sau khi cơn nóng giận qua đi, khi bình tĩnh lại, dẫu có làm cách gì đi nữa người ta cũng không thể nào vãn hồi được tổn thất đã gây ra. 
Người ta phát hiện rằng, khi đang thao thao bất tuyệt, hùng hồn thuyết nói thì não bộ của bạn gần như là chết đi một nửa. Bởi khi ấy bạn chỉ nói và nói mà không thể nghe bất cứ một âm thanh gì, kể cả là lời của người đối diện. Khi gặp phải vấn đề, ngôn ngữ chính là cách để người ta giao tiếp, trao đổi ý kiến và giải quyết vấn đề chứ không phải để tranh luận, tấn công lẫn nhau. Nếu dùng lời nói để mạt sát, đả kích nhau thì kết cục cuối cùng chính là “lưỡng bại câu thương”, đôi bên đều phải chịu tổn thất.
“Thái Căn Đàm” viết: “Tâm loạn thì trong tĩnh vẫn loạn, tâm tĩnh thì trong loạn vẫn tĩnh”. Thực vậy, trong lòng luôn giữ được tĩnh khí thì dẫu là chung quanh có ngàn vạn đao thương cũng không thể làm rối loạn tâm can.
Người có tu dưỡng thì dù là trong lòng có sóng gió mãnh liệt đến đâu cũng sẽ mau chóng bình ổn trở lại, vui buồn coi như không lộ ra ngoài, khiến cho người bên cạnh luôn cảm thấy họ chững chạc, thành thục.
Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng, nếu một người trong lòng gặp chuyện thì sẽ có xu hướng nói ra hết tâm can của mình, nói đến cạn lời mới chịu dừng lại, mới có thể lắng nghe ý kiến của người khác. Vậy nên, muốn giải quyết vấn đề thấu triệt hoàn toàn thì trước tiên phải học cách lắng nghe tâm sự của người đối diện.
Cổ nhân nói: “Bậc trí ngẫm trước rồi mới nói, kẻ ngu nói trước rồi mới ngẫm”. Người thông minh sẽ không bao giờ cướp lời. Bởi vì họ tự biết phân biệt được sự việc là nặng hay nhẹ, là thong thả hay cấp bách. Tất nhiên, họ cũng chẳng cần tranh chấp.
Nói nhiều chẳng bằng nói trúng. Cướp lời chẳng thà suy nghĩ thật kỹ, chỉ nói một câu mà giải quyết được vấn đề. Đó mới là cách hành xử của người thông thái vậy.

3. Không cướp lời – nghĩa là luôn luôn tôn trọng người khác

Thực sự có nhiều lời vẫn là không thể giữ lại được trong lòng, không nói thì không cảm thấy khoái. Nói được ra miệng những gì mình nghĩ đúng là một niềm vui thích lớn. Nhưng niềm vui thích ấy lại phải được xây dựng từ nền tảng cơ bản là sự tôn trọng người khác. Nói làm sao để người khác không cảm thấy khó chịu, phiền phức, đó là một nghệ thuật xử thế.
Tạo hóa ban cho con người hai lỗ tai nhưng lại chỉ có một cái miệng, chính là để cho người ta nói ít lại và lắng nghe nhiều hơn. Muốn lắng nghe, người ta phải buông bỏ được cái tôi cá nhân, hoàn toàn thấu hiểu cảm giác của đối phương, quan tâm thực sự đến người đang nói chuyện với mình. Sở dĩ lắng nghe khó đến vậy là bởi lý do này.
Mỗi người đều có quyền được biểu đạt cái tôi của mình nhưng trong rất nhiều trường hợp thì khống chế cái miệng của mình lại đem đến hiệu quả tốt đẹp hơn nhiều so với việc thao thao bất tuyệt.
Năm ấy, ở một vùng quê nhỏ của nước Mỹ, có một bé trai cứ hướng về phía mặt trăng mà gắng sức nhảy thật cao. Mẹ của cậu rất tò mò, bèn hỏi: “Con đang làm gì thế?” Cậu chỉ lên mặt trăng sáng vằng vặc rất hưng phấn nói: “Con phải nhảy được lên trên đó”. Người mẹ giật mình nhưng vẫn yên lặng lắng nghe cậu bé nói về chuyến du hành tưởng tượng lên không trung của mình.
Sau khi nghe xong, bà mẹ cười xòa, xoa đầu cậu mà nói: “Tốt lắm, nhưng con phải nhớ về nhà ăn cơm tối nghe chưa!” Nhiều năm sau này, Neil Armstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng. Armstrong chính là cậu bé năm ấy. Chuyện đùa năm nào đã trở thành hiện thực. Nếu mẹ cậu không chịu nghe câu chuyện viển vông ấy mà nổi cáu hay ngắt lời cậu, liệu thế giới còn có một Armstrong vĩ đại đến thế không?
Sách “Thái Căn Đàm” viết: “Miệng chính là cửa của tâm vậy”. Người mà lời nói ra đầy khí giận thì càng nói nhiều lại càng mất nhiều. Người có tu dưỡng thì trong lòng luôn có chỗ cho người khác, vậy nên sẽ chẳng bao giờ cướp lời, mà lại biết lắng nghe, lĩnh hội.
Người biết lắng nghe thì chẳng cần phải làm gì cả, chỉ ngồi ở đó nghiêm cẩn lắng nghe một hồi thì tự khắc nội tâm đã được bồi bổ đầy đủ rồi.
Ông Trời cấp cho mỗi người một lượng phúc khí như nhau. Có người vì nóng giận mà tiêu tan phúc phí rất mau. Có người vì hàm dưỡng mà giữ gìn phúc khí trọn đời.
Người tính khí càng tốt thì phúc khí càng nhiều. Dùng cái tâm hòa nhã mà nhìn thế giới, lấy cái tâm thiện lương mà đối đãi với mọi người xung quanh, ít nóng vội đi thì tự nhiên sẽ có thêm một phần phúc đức.
Theo ĐKN

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

NHỮNG 'ĐẠI KỴ' KHI ĂN TRỨNG CỰC HẠI SỨC KHỎE KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT

                                                                  Những 'đại kỵ' khi ăn trứng cực hại sức khỏe không phải ai cũng biết - 1



Trứng là món ăn bổ dưỡng và quá quen thuộc với các gia đình. Nhưng ít ai biết rằng, loại thực phẩm tưởng như lành tính này sở hữu một danh sách kiêng kỵ không hề ngắn.

Đường
Tại các nước châu Á, nhiều bà nội trợ có thói quen dùng nước đường để tạo màu khi chế biến món thịt kho trứng.
Kỳ thực, việc làm này sẽ khiến cho protein fructose acid amin trong trứng kết hợp với lysine và tạo thành một chất rất khó hấp thu vào cơ thể, thậm chí còn gây ra nhiều phản ứng bất lợi đối với sức khỏe.
Không nên cho bột ngọt vào trứng
Những 'đại kỵ' khi ăn trứng cực hại sức khỏe không phải ai cũng biết - 2
Nhiều bà nội trợ có thói quen cho bột ngọt vào khi đánh trứng để chuẩn bị làm món trứng chiên.
Về mặt dinh dưỡng, đây là một sai lầm. Ở nhiệt độ cao, các chất natri, acid glutamic, chất clo hóa… trong trứng kết hợp và tạo thành muối natri của acid glutamic.
Chất này cũng là thành phần chủ yếu của bột ngọt.
Do vậy, việc cho thêm bột ngọt khi chế biến trứng sẽ làm phá vỡ kết cấu của các nguyên tử muối natri tự nhiên, từ đó làm giảm hàm lượng dinh dưỡng của trứng.
Sữa đậu nành
Mặc dù được coi là một đồ uống lành tính và dễ hấp thu, nhưng sữa đậu nành cũng nằm trong danh sách những thực phẩm không thể kết hợp cùng trứng.
Nguyên nhân nằm ở chỗ, khi thưởng thức đồng thời hai loại thực phẩm này, protein trong trứng sẽ kết hợp cùng trypsin trong sữa đậu, gây cản trở quá trình phân giải và hấp thụ chất đạm của cơ thể, đồng thời cũng làm hao hụt hàm lượng dinh dưỡng trong sữa và trứng.
Thịt ngỗng, thịt thỏ
Trứng cũng không thể kết hợp cùng thịt ngỗng và thịt thỏ. Điều này đã được Lý Thời Trân ghi lai trong “Bản thảo cương mục”.
Đó là bởi cả thịt thỏ, thịt ngỗng và trứng đều có tính hàn và chứa một số chất có hoạt tính sinh học, khi kết hợp cùng nhau sẽ sinh ra những phản ứng kích thích tiêu hóa, tạo thành chứng tiêu chảy.
Trứng gà đã chín để qua đêm cần bỏ ngay
Những 'đại kỵ' khi ăn trứng cực hại sức khỏe không phải ai cũng biết - 3
Nếu trứng gà được luộc chín lòng đào nhưng sau khi để qua đêm thì chất dinh dưỡng trong đó sản sinh ra vi khuẩn.
Hồng
Ăn hồng ngay sau khi thưởng thức món trứng là một điều tối kỵ đối với sức khỏe. Hành động này có thể kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm như ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày cấp tính, kết sỏi trong phổi.
Những người không nên ăn trứng 
Bệnh tiểu đường
Trứng là loại thực phẩm chứa nhiều chất béo omega-3, là nguồn cung cấp vitamin, protein và nhiều dưỡng chất khác có lợi sức khỏe nhưng chúng cũng chứa rất nhiều cholesterol và chất béo bão hòa. Đây là những “thủ phạm” có thể gây ra bệnh tiểu đường loại 2. Theo các chuyên gia dinh dưỡng những người có bệnh tiểu đường không nên hạn chế ăn.
Người đang sốt
Đối với, những người bị sốt (nhất là trẻ em), ăn trứng gà sẽ làm cho nhiệt lượng cơ thể tăng lên, không tán phát ra ngoài được, giống như “lửa đổ thêm dầu”, bệnh sốt càng thêm trầm trọng. Vì vậy, khi bị sốt không nên ăn trứng gà, nên uống nhiều nước và pha thêm chút muối, ăn nhiều rau quả tươi, hạn chế ăn những thứ có nhiều protein.
Người mắc bệnh thận
Khi bị viêm thận, chức năng trao đổi chất của cơ thể giảm mạnh, lượng nước tiểu cũng giảm khiến thận không loại bỏ hết các độc tố ra khỏi cơ thể.
Ăn trứng có thể làm lượng urê trong cơ thể tăng nhanh, từ đó, làm tình trạng viêm thận trở nên trầm trọng, thậm chí là gây nhiễm độc đường tiết niệu.
Người cơ địa dị ứng
Trứng là nguyên nhân hay gặp thứ hai gây dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ, khoảng 1,5% các bé dị ứng với trứng gà. Tuy nhiên đến khoảng 80% trẻ thoát khỏi dị ứng trứng khi lên 6 tuổi.
Phần lớn các protein gây dị ứng nằm trong lòng trắng, trong khi protein lòng đỏ ít gây dị ứng hơn. Do sự tương đồng giữa protein trứng gà và các loại trứng khác, người dị ứng trứng gà thường dị ứng với trứng vịt, trứng ngan… Vì vậy, nếu cơ địa dị ứng với trứng, bạn nên tránh món này để không ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Bị bệnh gan
Trứng là loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng. Trong trứng có đủ protit, lipit, gluxit, các vitamin, các khoáng chất, các men và hormon. Các chất dinh dưỡng tập trung chủ yếu ở lòng đỏ trứng, đặc biệt lòng đỏ chứa 1,6 hay 0,3gr cholesterol. Vì trứng rất bổ, khó tiêu nên khi ăn trứng, gan phải làm việc nhiều.
Do vậy, những người bị bệnh gan không nên ăn trứng, nếu ăn nhiều, trong thời gian dài có thể càng làm cho gan yếu hơn rồi bệnh nặng, dẫn đến viêm gan, xơ gan và ung thư gan…

Theo Hòa Thuận (Tiền Phong)

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

NGƯỜI THÔNG MINH CÓ 5 ĐIỀU KHÔNG MUỐN HỎI, VÌ KHÔNG HỎI NÊN MỚI AN NHIÊN

                                                                

Đời người phải trải qua không ít phiền não, nếu lòng cứ mãi như sóng cuộn bão tố, nhấp nhô mãi không dừng, đắm chìm trong ưu sầu của thế gian thì cả đời cũng không tìm được hạnh phúc, chi bằng cứ coi nhẹ hết thảy, chẳng cần nhớ về quá khứ, không lo sợ hiện tại, cũng chẳng cần biết về tương lai, chỉ cần biết không thẹn với lòng và bản thân nổ lực bao nhiêu là đủ.

Cuộc sống xưa nay chưa từng dễ dàng với bất kỳ ai, nó luôn đi kèm với những nhấp nhô và thách thức, rất nhiều người đều bị hủy hoại bởi phiền não của chính mình.
Vậy làm thế nào đột phá bản thân cùng những quan niệm cố hữu? Người thông minh, sẽ hiểu được điều hòa nội tâm của mình, không bị những sự tình bên ngoài ảnh hưởng, coi nhẹ ưu sầu của thế gian, nội tâm tự nhiên bình yên phẳng lặng.

1. Người trưởng thành, không hỏi về quá khứ


Tô Thức có một bài thơ viết: “Nhân sinh như quán trọ, ta cũng là lữ khách qua đường”. Nhân sinh vốn là một chuyến hành trình gian nan, tôi và bạn đều là những vị khách qua đường vội vã.
Đừng vì quá khứ mà đau buồn, bởi vì chúng ta đang sống ngay ở thời điểm hiện tại, nên cần vui vẻ thoải mái, chớ làm tăng thêm phiền não cho chính mình.
Người thực sự trưởng thành, sẽ không để cho quá khứ chiếm cứ hiện tại. Cho dù quá khứ có khó chịu đựng đến đâu, cũng đã trở thành chuyện xưa cũ, chi bằng dừng chân ở hiện tại, buông bỏ những chấp niệm vô nghĩa, sống tốt mỗi phút mỗi giây.
Quá khứ của bạn, có lẽ có rất nhiều chuyện thương tâm, nhưng nói cho cùng, những chuyện đó đều đã qua, bất kể là bạn để ý nhiều hay ít, đều không thể thay đổi được. Chi bằng để cho tâm tình của mình được hưởng chút ánh nắng ấm áp, để thời gian lưu lại những khoảnh khắc đã qua.
Kỳ thực, rất nhiều thứ chỉ cần bạn muốn buông xuống, liền có thể buông được, chỉ có buông bỏ thống khổ, mới có thể nắm lấy được hạnh phúc. Từ nay về sau, học cách bỏ qua cho chính mình. Không vì chút vụn vặt mà thút thít nỉ non, cũng không vì một người, một sự tình không đáng mà giày vò bản thân mình.
Người muốn rời đi thì hãy để họ đi, thứ gì không thuộc về mình thì cũng không cần cố lấy. Sống thanh thản thoải mái, mới là phương thức yêu bản thân mình tốt nhất.

2. Người nỗ lực, không hỏi hiện tại

Có lẽ, tình cảnh hiện tại của bạn đang không được như ý, mỗi ngày đều rất mệt mỏi, rất mờ mịt, nhưng tuyệt đối không nên vì vậy mà hoài nghi mình, thậm chí cam chịu. Nếu như bạn cũng từ bỏ mình, vậy người khác càng không có lý do để coi trọng bạn.
Nhân sinh chính là một quyển sổ tiết kiệm, bạn đầu tư mỗi một phần cố gắng, thì tương lai một ngày nào đó sẽ được đền đáp lại. Người khác có được, chỉ cần bạn nguyện ý phó xuất, cũng có thể có được giống như vậy.
Là vàng ắt sẽ phát sáng, cơ hội vĩnh viễn lưu lại cho người có chuẩn bị. Những người này chính là hiểu rõ bản thân cần gì, vĩnh viễn sẽ không bị ràng buộc trong trạng thái hiện tại. Dù cho hiện tại trôi qua không như ý, cũng sẽ không hối hận, dù cho hiện tại có đắc ý, cũng sẽ không kiêu ngạo tự mãn, buông lỏng yêu cầu đối với mình.
Chỉ cần bạn chịu cố gắng, bất cứ thời điểm nào cũng là không quá muộn. Đường tương lai, vĩnh viễn ở dưới chân của bạn chứ không phải ở trong ánh mắt của người khác. Làm tốt mỗi một chuyện đơn giản chính là không đơn giản, làm tốt mỗi một chuyện bình thường chính là không tầm thường.
Hiện tại có rất nhiều sự tình khiến bạn khổ sở, nhưng nếu sau này quay đầu nhìn lại, sẽ phát hiện cái đó cũng không phải là chuyện gì đáng kể. Thời gian là liều thuốc hay trị hết thảy những mềm yếu, bồng bột, để tương lai sẽ trở nên vững vàng.
Lúc đắc ý cần xem nhẹ, lúc thất ý cần nghĩ thoáng, tha thứ nhiều một chút, so đo ít một chút, chỉ có bạn mới chính là chỗ dựa vững chắc nhất của cuộc đời mình.

3. Người rộng lượng, không hỏi tương lai

Có người từng nói, con nít và người già khi cười đều rất hồn nhiên. Con nít là bởi vì mới bắt đầu một kiếp nhân sinh, tâm không tích trữ điều gì; người già là bởi vì nhìn thấu nhân sinh, nên tâm không còn chỗ nào trở ngại.

Kỳ thực, nếu ai cũng có được tâm thái này thì cuộc sống sẽ trôi qua rất an vui. Con người vốn không có phiền não, chỉ là khi dục vọng nhiều lên liền biến thành phiền não.
Rất nhiều người đều vì những chuyện chưa phát sinh trong tương lai mà cảm thấy sầu lo, như vậy chính là tự tìm phiền não cho mình. Hết thảy mọi chuyện đều đã có câu trả lời của nó, chỉ là thời gian còn chưa tới, bạn mới không biết giải đáp như thế nào.
Đừng nghĩ cuộc sống quá khó khăn, ai cũng đều chậm rãi mà tiến tới như thế, điều bạn có thể làm chính là cố gắng hết mình ở hiện tại, như vậy mới không khiến tương lai phải lưu lại tiếc nuối.
Mặc kệ kết quả như thế nào, chỉ cần cố gắng hết mình, không thẹn với tâm, như vậy là tốt rồi. Cuộc sống đơn giản, tâm hồn thanh cao chính là cảnh giới tối cao của nhân sinh.
Tâm tình, là một con sông, tâm tình tốt hay xấu, quyết định ở chỗ chiều sâu của nó. Nếu tâm lượng quá nhỏ, một sợi lông gà cũng có thể kích thích bọt nước, khiến cho mình bực bội không thôi; tâm độ lượng, khó khăn lớn hơn nữa cũng có thể tâm bình khí hòa, bình yên đối đãi hết thảy.
Quá khứ, không cần tiếc nuối; hiện tại, trân quý bội phần; tương lai, không cần sầu lo. Không hỏi tương lai, không đồng nghĩa với cam chịu, tương lai còn chưa tới, mang theo rất nhiều nhân tố không xác định. Người trí tuệ, điều hưởng thụ cả đời chính là sống tự do tự tại trong cảnh giới của chính mình.

4. Mọi chuyện không hỏi đúng sai, chỉ cần không thẹn với lòng

Mỗi người sinh ra trên đời chính là một cá thể độc lập, không thể nào tìm thấy 2 người có đặc điểm giống hệt như nhau.
Cùng là con mắt, nhưng khác nhau cách nhìn; cùng là cái miệng, nhưng lại không giống nhau về cách nói. Bạn có tư tưởng của bạn, tôi có nguyên tắc của tôi; bạn có cái nhìn của bạn, tôi cũng có quan niệm của riêng mình. Chỉ cần không thẹn với lương tâm, thì sợ gì người khác nghị luận!

5. Cuộc sống không hỏi kết quả, chỉ hỏi nỗ lực bao nhiêu

Cuộc sống cần dũng cảm tiến tới, mặc kệ nhiều khổ nhiều khó khăn nhiều mệt mỏi, đều cần kiên cường đối mặt.
Bạn cố gắng, mới có thể thu hoạch được thành quả; không cố gắng, cuối cùng chẳng làm nên trò trống gì.
Mong rằng cuộc đời của mỗi người, không phải lưu lại bất kỳ tiếc nuối nào, những tháng ngày về sau sẽ ngày càng vui vẻ thoải mái.
Tuệ Tâm (Theo Sound of Hope)