Thứ Ba, 26 tháng 12, 2023

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024

 


CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 
 
Mây mùa đổi gió chạnh lòng ta
Trải chút đường thơ bận nỗi là
Chuyện cũ hằng vui đừng để quá
Đời yên vẫn tạc bước giao hoà
Bày câu bút kệ người vun nhã
Gợi ý ngôn từ kẻ ngẫm tha
Hạnh phúc an bình mong trỗ quả
Xin cầu hết thảy đẹp ngàn hoa.
 
                                Minh Đạo 


Thứ Tư, 20 tháng 12, 2023

UỐNG CÙNG LÚC TRÀ VÀ CÀ PHÊ CÓ TỐT?

 

                                                        Shutterstock

Bác sĩ CKI Đinh Trần Ngọc Mai, khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải đáp: Cả trà và cà phê đều chứa chất chống oxy hóa, chủ yếu là polyphenol, góp phần tạo nên hương vị đặc trưng và tăng cường sức khỏe. 

Các chất chống oxy hóa trong trà và cà phê đều giúp tăng cường năng lượng, có hiệu quả trong việc giảm cân, duy trì trạng thái tỉnh táo. 

Một số nghiên cứu cho thấy tiêu thụ một lượng caffeine vừa phải có tác dụng chống lại chứng mất trí, bệnh Alzheimer, hội chứng chuyển hóa và bệnh gan nhiễm mỡ... Nếu người dùng nhạy cảm với caffeine, trà có thể là lựa chọn tốt thay thế cho cà phê. 

Trà có chứa L-theanine, một loại axit amin có đặc tính làm dịu hệ thần kinh, giúp thư giãn trong khi vẫn giữ cơ thể tỉnh táo. 

Do đó việc sử dụng kết hợp trà và cà phê là hoàn toàn bình thường và tùy thuộc vào sở thích của mỗi cá nhân. 

Tuy nhiên, do tác dụng của caffeine lên não bộ, nên tiêu thụ lượng cà phê cao có thể dẫn đến sự phụ thuộc hoặc gây nghiện. Vì vậy, chúng ta không nên lạm dụng quá nhiều cà phê.

Bao nhiêu cữ cà phê mỗi ngày là tốt nhất? 

Nghiên cứu gần đây do các nhà khoa học tại Đại học Bologna và Bệnh viện Đại học Bologna (Ý), thực hiện, bao gồm hơn 1.500 người tham gia, đã so sánh huyết áp với thói quen uống cà phê của những người tham gia.

Kết quả phát hiện ra rằng những người uống từ 1 - 3 tách cà phê mỗi ngày có huyết áp tâm thu thấp hơn đáng kể, so với những người không uống cà phê; những người uống 3 tách cà phê mỗi ngày đã giảm huyết áp được nhiều hơn, theo Daily Mail.

Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh cảnh báo uống hơn 4 tách cà phê mỗi ngày có thể làm tăng huyết áp.

Từ kết quả nghiên cứu trên, theo các chuyên gia 3 cữ cà phê mỗi ngày là tốt cho sức khỏe, theo Daily Mail.

Nguồn: https://thanhnien.vn/

Thứ Hai, 18 tháng 12, 2023

KÍNH MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 2023

 


Khắp cõi tưng bừng đón Giáng Sinh
Vui mừng Thánh Tử mãi tôn vinh
Vì ơn đã trải, lành nhân tính
Bởi cảm hằng truyền, rõ đức tin
Thông điệp Cha trao qui nẻo chính
Tinh thần kẻ giữ hiểu đường minh
Khẩn cầu dẫn dắt nhà hưng thịnh
Cứu chuộc thế gian sống thái bình.
 
Con quì kính lễ đấng tôn vinh,
Máng Cỏ, Hang Lừa Chúa Giáng sinh.
Lầm lỡ người trần do tập tính…
Chan hòa lẽ sống để niềm tin.
Thánh Ca rộn rã vui đường chính,
Cha Xứ trong lành thấm nẻo minh.
Khát vọng nguyền trau, đời mãi thịnh,
Tình yêu Đức Cả giữ tâm bình…

2023
Minh Đạo


Thứ Tư, 13 tháng 12, 2023

NGUYỆT (Thơ)



( Lục ngôn – Bát vĩ đồng âm )
 
Thu vàng nguyệt hé nàng thơ,
Khách tục hồn say nghĩa tứ mờ.
Chếnh choáng bồng lai phiền chẳng vỡ,
Mênh mang cõi thế ngẩn nên chờ.
Thương thầm kiếp bạc yêu cùng lỡ,
Níu chặt trần ngây biết mãi khờ.
Trách cứ chi ai nói ngỡ!
Ừ thôi tuổi hạc ngẫm quay bờ…

Minh Đạo
 


Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

CHÙA XA (Thơ)

 


Hoàng hôn vội vã lặn sau đồi,
Trăng xuống chuông chùa phút dạ vơi.
Lững thững một mình rong cõi mộng,
Băn khoăn mấy lối tậnTây trời. (*)
Vô minh cũng khó bào mê ái,
Nghiệp chướng càng đau chuốc khổ hồi.
Bởi tánh mây che đời ám phủ,
Phiền nan hóa giải liễu chơn rồi…
 
Minh Đạo
----------- 
(*) Tây phương

Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2023

BÁC SĨ CẢNH BÁO NGUYÊN NHÂN KHÁC NHAU GÂY ĐỘT TỬ VÀ ĐỘT QUỴ

 

'Đột quỵ' đề cập đến bệnh lý bởi nguyên nhân mạch máu não; còn 'đột tử' là tử vong do bệnh lý tim mạch. Nhận biết dấu hiệu cảnh báo giúp người bệnh được cấp cứu kịp thời.

Đột quỵ não

"Có lẽ, rất nhiều người trong số chúng ta thường hay nhầm lẫn khái niệm "đột quỵ" và những trường hợp tử vong đột ngột do bệnh lý tim mạch là giống nhau. Thế nhưng, nói một cách dễ hiểu, khái niệm đột quỵ đề cập đến bệnh lý bởi nguyên nhân mạch máu não; còn đột tử là tử vong do bệnh lý tim mạch", TS Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, cho biết.

Theo TS Tuấn Anh, đột quỵ thường được nhắc đến là đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương không hồi phục (mất chức năng vĩnh viễn) do không được cung cấp máu lên nuôi dưỡng kịp thời.

Đột quỵ não gồm 2 thể đó là, đột quỵ xuất huyết não hay đột quỵ do vỡ mạch máu não, xảy ra do mạch máu não bị vỡ ra, khiến máu tràn vào trong hoặc xung quanh não.

Đột quỵ nhồi máu não hay đột quỵ do thiếu máu não hoặc đột quỵ do tắc mạch máu, xảy ra do cục huyết khối (cục máu đông), xơ vữa động mạch gây tắc nghẽn hoặc cản trở lượng máu và các chất dinh dưỡng lên nuôi dưỡng các tế bào não.

Đột tử do bệnh lý tim mạch

Đột tử có 4 nguyên nhân chính gây ra là: vấn đề về tim mạch, đột quỵ, thuyên tắc phổi, vỡ động mạch chủ.

Trong đó các vấn đề về tim mạch chiếm tỷ lệ lớn. Đột tử do bệnh tim mạch có thể hiểu như là "đột quỵ tim", vì đây là tình trạng người bệnh chết một cách bất ngờ, đột ngột ngay lập tức khi vừa phát hiện do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do các bệnh lý cấp tính về tim mạch kể trên (hay gặp nhất là ngừng tim và nhồi máu cơ tim). 

Như vậy, đột tử do bệnh lý tim mạch được hiểu cơ bản là tình trạng người bệnh bị chết đột ngột do thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim dẫn tới hoại tử mô cơ tim.

Các nguyên nhân gây ngừng tim chủ yếu do một số bệnh lý tim mạch như bệnh cơ tim phì đại hoặc giãn to, bất thường động mạch, bệnh tim bẩm sinh, viêm cơ tim, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim trầm trọng (cơn nhịp nhanh thất, rung thất), hội chứng Brugada.

Các nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim cấp là: xơ vữa động mạch, cục máu đông (huyết khối), co thắt động mạch vành, bóc tách động mạch chủ, dị dạng động mạch bẩm sinh.

Cách phòng tránh đột quỵ não và đột tử do bệnh tim mạch

Hiệp hội Tim học Mỹ đánh giá sức khỏe tim mạch quốc gia bằng cách theo dõi 7 yếu tố sức khỏe và hành vi chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ ("Life's simple 7", với 7 nguyên tắc sống đơn giản) và đo lường những chỉ số này để theo dõi tiến trình cải thiện sức khỏe tim mạch.

Life's simple 7 (7 nguyên tắc sống đơn giản) gồm có: không hút thuốc, hoạt động thể chất, chế độ ăn uống lành mạnh, cân nặng, cũng như khả năng kiểm soát cholesterol, huyết áp và đường huyết.

Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ não và đột quỵ tim cần cấp cứu ngay:

Đột quỵ não gồm các dấu hiệu sau:

Méo mặt, méo miệng thường ở một bên. Rõ nhất khi người bệnh há lớn miệng hoặc cố gắng mỉm cười.

Yếu tay thường ở một bên. Đưa 2 tay lên không đều nhau.

Nói không rõ chữ, nói lắp, nói khó, không diễn đạt được điều muốn nói, thậm chí không thể nói được.

Nhiều người hợp mất ý thức, hôn mê sâu và dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Đột quỵ tim thường là các triệu chứng:

Đau hoặc tức ngực.

Choáng váng, buồn nôn hoặc nôn ói.

Đau hàm, cổ hoặc lưng.

Khó chịu hoặc đau ở cánh tay hoặc vai.

Khó thở.

Ngoài ra, khi có các triệu chứng: khó thở, chóng mặt, đau hoặc tức ngực, ho ra máu hoặc đau bụng dữ dội, đau thắt lưng dữ dội, tụt huyết áp, sốc, bụng nổi khối... cần nhanh chóng đưa người bệnh đi cấp cứu ngay tại cơ sở y tế, để được thăm khám và xử trí kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm do thuyên tắc động mạch phổi và phình hoặc vỡ động mạch chủ.

Nguồn: https://thanhnien.vn/

Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2023

BÁC SĨ KHUYÊN: CHUỐI RẤT TỐT, NHƯNG ĐỪNG ĂN CHUNG VỚI 4 THỨ NÀY

 

                                             Hình https://laodong.vn/

Bạn có hay ăn chuối với những thực phẩm sau đây không? Nếu có thì đã đến lúc phải suy nghĩ lại.

Chuối là loại trái cây phổ biến trên thế giới. Nó chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Loại quả ngon miệng này chứa nhiều chất xơ, protein, chất béo lành mạnh, một số khoáng chất và vitamin cần thiết.

Tuy nhiên, bác sĩ lưu ý nếu kết hợp chuối với một số thực phẩm, nó có thể gây tác dụng phụ cho sức khỏe.

Bác sĩ Surya Bhagwati, chuyên gia y học cổ truyền tại Bệnh viện Y học cổ truyền Dr. Vaidya (Ấn Độ) chỉ ra một số thực phẩm bạn cần tránh kết hợp với chuối, vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, theo đài NDTV.

Sau đây là một số loại thực phẩm bạn phải tránh kết hợp với chuối:

1. Sữa: Theo y học cổ truyền, chuối có tính axit, còn sữa có chứa casein. Hai chất này gặp nhau có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa.

Tiến sĩ Bhagwati nhận xét: Đó là một sự kết hợp thực phẩm sai lầm vì sẽ gây khó tiêu, có thể dẫn đến đầy hơi và khó chịu. 

2. Thực phẩm giàu đạm: Chuối có chứa purine, rất dễ tiêu hóa. Trong khi đó, thực phẩm giàu đạm như thịt, trứng được tiêu hóa rất chậm.

Sự kết hợp này có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và thậm chí có thể dẫn đến chứng khó tiêu. Bởi thực phẩm giàu protein có thể dẫn đến quá trình lên men trong dạ dày, tạo ra nhiều khí trong đường tiêu hóa. Điều này không tốt cho cơ thể và có thể gây khó chịu.

3. Bánh mì: Bữa sáng với chuối và bánh mì đã có từ xưa. Nhưng bạn có biết, điều đó có thể không tốt cho sức khỏe.

Bánh mì chứa carbs tinh chế khiến cơ thể mất nhiều thời gian để tiêu hóa. Trong khi đó, chuối lại được tiêu hóa nhanh. Kết hợp hai loại thực phẩm có bản chất tương phản này với nhau sẽ làm tăng nguy cơ mất cân bằng tiêu hóa, không tốt cho sức khỏe.

4. Các loại trái cây họ cam quýt: Ăn những loại trái cây này cùng với chuối có thể dẫn đến chứng khó tiêu, thậm chí gây khó chịu cho một số người. Nguyên nhân là do cả hai đều có tính axit. Sự kết hợp này có thể gây khó chịu cho dạ dày.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi ăn cùng nhau, chuối và trái cây có tính axit sẽ tạo ra các vấn đề như buồn nôn, đau đầu, theo NDTV.

Nguồn: https://thanhnien.vn/