Trên đời này, dù ta có cố gắng như thế nào, vẫn không thể tránh được bị hiểu lầm, bị những lời thị phi phá quấy. Trang Tử từng nói: Trời đất vĩ đại nhưng chẳng nói gì. Bốn mùa có phép tắc rõ ràng nhưng chúng đâu nghị luận gì đâu. Hiểu được những lời này, những thị phi ngoài kia sẽ chẳng còn thể làm bận lòng ta.
Đừng đánh thức một người đang vờ ngủ
Trang Tử từng nói: 'Người thế tục đều thích kẻ đồng ý với mình mà ghét kẻ khác ý với mình. Việc thích và ghét này là do lòng họ muốn vượt trội hơn kẻ khác'.
Con người chúng ta, không ai giống ai, mỗi người đều có môi trường, lối suy nghĩ của riêng mình. Chẳng ai có thể biết rõ ta bằng chính bản thân ta. Chính vì không hiểu, không đồng cảm được nên người ta mới đàm tiếu, thậm chí còn có cả phần ác ý. Với những người không muốn hiểu, cố gắng giải thích cho những người này chẳng khác gì đánh thức một người đang vờ ngủ. Chỉ là phí công vô ích.
Có một câu chuyện như thế này. Năm xưa, khi vua Solomon gặp một kẻ ngốc trên đường phố. Ông liền bảo hắn rằng: 'Ta có thể cho ngươi sự khôn ngoan, ngươi muốn không?'.
Kẻ ngốc kia liền đáp: 'Có sự khôn ngoan để làm gì?'. Vua Solomon đáp rằng: 'Nếu khôn ngoan, ngươi sẽ có một cuộc sống dễ dàng hơn, giúp ngươi kiếm được đồ ăn mỗi ngày'. 'Vậy chẳng bằng ông mang luôn đồ ăn đến cho tôi' kẻ ngốc đáp lời.
Đối với những kẻ không muốn nghe, không muốn tiếp nhận. Tốn thời gian với họ không những vô ích mà còn làm tổn thương lại đến chính mình. Những ai muốn hiểu sẽ không cần bạn phải tốn công giải thích.
Thời gian của chúng ta là có hạn, đừng lãng phí vào những việc vô ích.
Cẩn thận với những kẻ đang tỏ ra thân thiện
Ai cũng biết rằng, vẽ rồng, vẽ hổ khó vẽ xương, biết người, biết mặt không biết lòng. Có một loại người, khi gặp người khác đều tỏ ra tươi cười, nhiệt tình tiếp đó, không tiếc lời tâng bốc người khác lên tận mây xanh. Đối với những người như vậy cần phải đặc biệt cẩn thận. Rất có thể, người đâm sau lưng bạn sẽ chính là hắn ta.
Năm xưa, dưới thời Đường Huyền Tông, có Lý Lâm Phủ và Lý Thích đều là quan trong triều. Lý Lâm Phủ ghen ghét, muốn hãm hại Lý Thích, nhưng trong lòng lại luôn tỏ ra thân mật.
Một ngày, hắn đến nói với Lý Thích rằng: 'Tôi nghe nói trên Hoa Sơn có mỏ vàng rất lớn, nếu có thể khai thác, thì đúng là nguồn lợi to của nước nhà. Đáng tiếng bệ hạ lại không biết, ngài là một người rất được tín nhiệm, hay là ngài thử đề nghị với bệ hạ xem sao'.
Lý Thích liền tin là thật, ngay lập tức tìm đến Hoàng thượng để thương nghị. Đường Huyền Tông nghe vậy liền rất cao hứng, ngay lập tức gọi Lý Lâm Phủ đến thương nghị. Lý Lâm Phủ lúc đó lại nói rằng: 'Chuyện này thần đã sớm biết, nhưng Hoa Sơn là long mạch của Đại Đường ta, sao có thẻ tùy tiện đào bới chỗ đó. Kẻ khuyên ngài khai thác chỗ đó, thật sự là không có ý tốt'.
Để tránh những bi kịch như của Lý Thích, phải thật cẩn thận với những kẻ dùng lời ngon ngọt, nhường lợi lộc cho ta mà không đòi hỏi gì. Vì đâu có ai cho không ai cái gì. Có khi, trong lúc ta đang giúp người kiếm tiền, người lại đâm một dao vào lưng ta.
Đừng áp đặt người khác
Cuộc sống mỗi người một cảnh, mỗi người ấm lạnh đều tự mình biết lấy. Mỗi người đều có những cảm nhận, mục tiêu khác nhau. Không thể nào lấy cảm nhận, mục tiêu của người này áp lên người kia được.
Năm đó, Trang Tử sang thăm Huệ Tử, lúc đó đang làm tể tướng nước Lương. Có kẻ nói với Huệ Tử rằng Trang Tử sang để tranh ngôi tể tướng. Huệ Tử sợ hãi, sai người tìm Trang Tử khắp nơi suốt ba ngày đêm. Khi tới, Trang tử bảo:
'Ông có biết một con chim ở phương Nam người ta gọi là con phượng không? Khi nó cất cánh từ biển Nam mà lên biển Bắc, không phải là cây ngô đồng thì nó không đậu, không phải là hột luyện thì nó không ăn, không phải là nước suối ngọt thì nó không uống. Một con chim cú đương rỉa xác một con chuột thấy nó bay ngang, sợ bị tranh ăn mà ngửa lên nhìn nó, kêu lên một tiếng lớn dọa nó. Nay ông vì cái ngôi tể tướng nước Lương mà cũng muốn kêu doạ tôi sao?
Tôi không phải là ông, dĩ nhiên tôi không biết được ông, nhưng ông không phải là cá thì hiển nhiên là ông không biết được cái vui của cá'.
Huệ Tử nghe vậy, xấu hổ vô cùng. Trên đời có muôn vàn kiểu người. Tuyệt đối đừng bao giờ áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác, suy bụng ta ra bụng người, cũng đừng để người khác áp đặt mình.
Theo Lê Dương/Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét