Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2021

TÂM KHÔNG 心空 • TÂM KHÔNG - VIÊN CHIẾU THIỀN SƯ

 


THIỀN SƯ VIÊN CHIẾU (999 – 1090) : 

Thiền sư Viên Chiếu tên huý là Mai Trực, người huyện Long Đàm, châu Phúc Đường, nay thuộc địa phận huyện Thanh Trì, Hà Nội, là con người anh của Thái hậu Linh Cảm đời Lý. Đến thụ nghiệp với thiền sư Định Hương ở núi Ba Tiêu (còn gọi là núi Ba Sơn), tinh thông phép Tam quán. Đã từng soạn sách Dược sư thập nhị nguyện văn được vua Lý Nhân Tông cho đem bản thảo tặng vua Triết Tông đời Tống được đánh giá cao, giảng giải kinh nghĩa rất tinh vi. Thiền sư Viên Chiếu thuộc thế hệ thứ 8 dòng thiền Vô Ngôn Thông. Các tác phẩm của Viên Chiếu thiền sư có Tán Viên Giác kinh, Thập nhị Bồ Tát Hành hành tu chứng đạo tràng  Tham đồ hiển quyết

Tháng 9 năm Canh Ngọ niên hiệu Quang Hựu thứ 6 (1090) đời vua Lý Nhân Tông, sư không bênh, gọi đệ tử đến bảo rằng : Thân mình ta đây, xương thịt gân cốt đều do bốn đại hợp thành, tất không thể thường tồn được. Cũng như khi khung nhà đã hư hỏng thì rui mè đều rơi rụng. Các người hãy trân trọng lời kệ của ta đây!” .Đọc kệ xong thiền sư qua đời thọ 92 tuổi đời, 56 tuổi hạ :





 

Tâm không

Thân như tường bích bĩ đồi thì,
Cử thế thông thông thục bất bi?
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng,
“Sắc”, “không” ẩn hiện nhậm suy di.


Tâm Không
 
Thân như tường vách cũng rồi tan,
Vội vã người đời xót mãi mang.
Nếu biết tâm không, không tướng sắc,
Sắc không ẩn hiện mặc thời gian.
 
Minh Đạo (Phỏng dịch)
 

 


CỰC THỊNH TẤT SUY, SỐNG NGÀY YÊN ỔN NÊN NGHĨ ĐẾN NGÀY GIAN NGUY

 


Người thông minh, dù thuận lợi hay khó khăn, dù nghèo khó hay giàu sang, vinh quang hay tầm thường, thậm chí là đối diện với sống chết, đều sẽ nghĩ đến vấn đề ý nghĩa của sinh mệnh. Mà ý nghĩa thực sự của sinh mệnh, đôi khi nó sẽ đến một cách thật là giản dị.

Cổ nhân giảng: “Vật cùng tắc biến”, “Vật cực tất phản”“Cực thịnh tất suy”, ý nói một vật hoặc một sự việc khi đi đến điểm cực độ trong giới hạn thì sẽ phản đảo lại. Cho nên, càng là ở vào lúc vô vọng, thì càng có thể là hy vọng đang ở ngay trước mắt. 

Thân ở vào nghịch cảnh, chính là cơ hội tốt để tôi luyện bản thân mình. Cũng như vậy, khi thân đang trên đỉnh vinh quang, nhất định phải biết giữ mình, khiêm hạ, nếu không, khi bị danh lợi khống chế, sẽ khó tránh khỏi cảnh thân bại danh liệt.

Lý Tư

Lý Tư là Thừa tướng thời Tần Thủy Hoàng, văn võ song toàn, là người đặt ra triện thư, thống nhất văn tự, công phạt sáu nước, thống nhất thiên hạ, thành tựu cả đời không sao kể xiết. Ông không chỉ là vinh hiển cá nhân, thanh thế gia tộc cũng rất hiển hách.

Phàm đời người khi đến hoàn cảnh như vậy, khó tránh khỏi vênh váo tự đắc, ngông cuồng ta đây, nhưng Lý Tư lại đủ thông minh để tự xét lại mình. Ông đã làm tới chức quan cao nhất, dưới một người mà trên vạn người, nhưng lại cảm thán:

“Than ôi! Ta nghe nói: ‘Sự vật không nên đi đến chỗ quá thịnh’. Lý Tư này là kẻ áo vải đất Thượng Sái, một tên đầu đen ở nơi làng xóm, nhà vua không biết ta hèn kém, cất nhắc lên tận vị trí này. Nay ta ở địa vị không thua kém ai, có thể nói là giàu sang cùng cực rồi vậy. Nhưng phàm sự vật đến cùng cực rồi thì sẽ suy, ta chưa biết sau này kết cục ra sao”.

Quả thực đúng như sự lo lắng của Lý Tư, Tần Thủy Hoàng sau khi băng hà, tình thế chính trị thay đổi, do không đấu lại kế phản gián của Triệu Cao, hai cha con Lý Tư đều bị Tần Nhị Thế xử tử, phải chịu ngũ hình, chém ngang lưng ở thành phố Hàm Dương. 

Trước khi bị xử tử, Lý Tư nói với con trai của mình: “Ta muốn lại được dắt chó, đi đến cửa đông Thượng Thái bắt thỏ, giá mà được như vậy!”.

Một người trước khi chết, lại không phải lo lắng vinh hoa phú quý tích lũy cả đời sẽ đi về đâu, mà chỉ có một nguyện vọng vô cùng đơn giản: Cùng con trai sống tự do không lo không nghĩ, thoải mái dắt chó đi dạo, đi săn thỏ.

Những nguyện vọng này từ một người chí cao vô thượng, có đóng góp lớn cho quốc gia, đúng là có phần kỳ lạ. Nguyện vọng nhỏ này, nếu mà so với danh lợi phú quý trong mắt người đời thì không đáng là gì, nhưng đây lại là mong ước chân thành nhất.

Tại thời khắc này, danh lợi phú quý chẳng phải cũng thoảng qua như mây khói hay sao? Thời gian nếu như có thể quay trở lại, bạn có nguyện ý sẽ sống một cuộc đời tầm thường hay lại từng bước dấn thân vào chốn hiểm nguy để theo đuổi danh lợi?

Mã Viện

Lý Tư cả đời công danh hiển hách, nhưng đến cuối đời lại toàn là thất bại. Trong khi Mã Viện cả đời khốn đốn, cuối cùng lại từng bước tiến về thành công. Ông là người có chí lớn, hơn nữa nhãn quan lại rất tốt.

Vào những năm cuối cùng của nhà Tân, quần hùng khởi lên khắp nơi, ông biết Công Tôn Thuật không phải là người tài, dứt khoát đầu quân cho Lưu Tú, sau được coi trọng, nhiều lần chinh chiến đều lập công lớn, rồi được phong làm phục ba tướng quân. Sau lần đi phá địch ở Giao Chỉ, được phong làm tân tức hầu, ban cho thực ấp 3000 hộ.

Người mà phải trải qua nguy nan mới đạt được thành công, thường dễ bị thắng lợi làm mờ đôi mắt, tự nhiên sẽ đánh giá cao năng lực của mình. Nhưng Mã Viện ngay lúc đắc ý nhất, lại nhớ tới lời khuyên của người em trai Mã Thiếu Du:

“Nhân sinh trên đời, không nên theo đuổi vinh hoa phú quý quá mức, chỉ cần có vật chất tối thiểu nhất, có sự trang trọng tối thiểu nhất là đủ rồi, quá nhiều sẽ chỉ tự chuốc lấy khổ mà thôi”.

Mã Viện luôn có thể tự  xem lại chính mình. Ông ngay sau khi yên ổn có thể suy nghĩ về lúc nguy nan, ngay lúc thành công lại không nghĩ sẽ hưởng thụ như thế nào, mà chỉ nghĩ đến khốn cảnh “Mưa to sương mù, khí độc nóng bức”.

Ông tự nguyện buông hết thảy trói buộc của danh lợi, hoàn toàn đắm mình vào thiên nhiên rộng lớn, sống một cuộc đời giản dị. Thời khắc thức tỉnh là đáng quý nhất, ít ra cũng không như Lý Tư, muốn trở về với tự nhiên cũng không được nữa rồi.

Một đời ngập trong vàng son, cầu danh cầu lợi đến không còn lối thoát, những ví dụ xưa đầy máu và nước mắt, thật khiến chúng ta phải suy ngẫm thêm về cuộc sống hiện tại của mình.

Chân Chân biên dịch

Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

DUYÊN TRẦN (Thơ)

 




DUYÊN TRẦN (Thủ nhất tự - Bát vỹ đồng âm)
 
Vẫn hẹn hoa tràn nắng ngập sân,
Vườn ươm hạnh phúc rộn duyên trần.
Vòng tay ấm áp tình vô tận,
Việc phước thanh cao nghĩa sáng ngần.
Vả lại lòng an đâu có lẫn,
Ví như kiếp bạc cũng không cần.
Vào đời nhận rõ thôi nương phận,
Vạn sự nhau cùng lấy chữ chân…
 
2019
Minh Đạo
 
 
nỗi niềm qua ( Đối họa )
(Thủ nhất tự - Bát vỹ đồng âm – Ngũ độ thanh)
 
Chưa hè phượng nở khắp vườn sân,
Chất nỗi niềm qua lặng nẻo trần.
Chỉ lỡ thời yêu đời xót tận,
Còn đâu buổi dỗi dạ trong ngần.
Công chàng mấy nhịp vay nào lẫn,
Cảnh bậu ngàn năm ngẫm vốn cần.
Có dẫu quay tròn xô đẩy phận,
Chong đều nghĩ kỉ sống tình chân.
 
30/3/2019
 
HƯƠNG TRẦN ( Đối họa )
(Thủ nhất tự - Bát vỹ đồng âm – Ngũ độ thanh)
 
Lá rọi xanh đồng tỏa ngõ sân,
Lòng vui chẳng động lắng hương trần.
Len vào cửa tĩnh càng vô tận,
Lóng  mở thời an sẽ lộng ngần.
Lẳng lặng am thiền soi trí lẫn,
Lầm than cõi thế dụng tâm cần.
Lần ra nẻo khổ  sao buồn phận,
Lý sự tu tròn hiểu nghĩa chân.
 
31/3/2019
 
PHƯỢNG HỒNG  ( Đối họa )
(Thủ nhất tự - Bát vỹ đồng âm – Ngũ độ thanh)
 
Phượng thắm chưa về tỏa ngõ sân,
Phần ta sợ mãi dáng vai trần.
Phờ duyên nỗi nhớ dài không tận,
Phải dạ tình trông rối đã ngần.
Phớt bệnh… lùi mơ thành chả lẫn,
Phòng đau… giảm lụy biết đang cần.
Phù dung mấy nẻo buồn than phận,
Phá được ngây lòng tỏ ngưỡng chân.
 
31/3/2019
 

ẨN Ý NÀO ĐẰNG SAU CHUYỆN TÌNH “LƯƠNG SƠN BÁ – CHÚC ANH ĐÀI” ĐƯỢC TRUYỀN TỤNG NGÀN ĐỜI?

 

Ảnh qua Evarociocom

“Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài” là một trong bốn truyền thuyết lớn trong dân gian Trung Quốc, được truyền miệng qua nhiều thế hệ, kể về nàng thiếu nữ Chúc Anh Đài giả trai để được đi học, kết bạn đồng môn với chàng nho sinh Lương Sơn Bá, nhưng cuối cùng hai người không đến được với nhau, để lại một chuyện tình bi kịch lưu truyền thiên cổ.

Nhưng liệu câu chuyện này có phải chỉ đơn thuần là mối tình éo le giữa đôi tình nhân bạc mệnh, thế nhân vì bị cảm động bởi mối tình ấy mà lưu truyền mãi đến ngàn đời sau? Có lẽ là không phải chỉ như vậy, sau đây chúng ta hãy nhắc lại một đoạn về nội dung câu chuyện:

Chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài

Lương Sơn Bá từ khi trở về nhà, trong lòng u sầu buồn bã, không ăn không uống, dần dần lâm phải bệnh nặng. 

Sau khi hay tin Sơn Bá đã chết, Anh Đài đã khóc lóc thảm thiết suốt ba ngày ba đêm, Chúc viên ngoại cũng không khỏi bất ngờ, nhưng lại nghĩ lần này thì Anh Đài thế nào cũng đã dứt hết hy vọng rồi, Chúc viên ngoại thúc giục Anh Đài chuẩn bị đồ cưới, Anh Đài trong lòng không chịu, nhưng không còn cách nào khác, liền nói với cha rằng: “Muốn con gả cho Mã gia cũng được, nhưng con gái có một tâm nguyện: Ngày lên kiệu hoa, con muốn toàn thân mặc đồ tang, trên đường đi ngang qua mộ của Lương huynh, mong được xuống kiệu cúng tế, sau đó con gái mới đến Mã gia. Cha nếu như đồng ý con gái, con gái sẽ gả, nếu như không đồng ý, con gái chỉ có chết thôi”.

Câu chuyện kết thúc vào ngày cưới của Chúc Anh Đài, khi đoàn rước dâu đi ngang qua mộ Lương Sơn Bá. Khi ấy, một trận cuồng phong nổi lên, Chúc Anh Đài lúc đó đang cúng tế mộ người tình đã khuất bỗng thấy nắp mộ mở ra.

Nàng chẳng hề đắn đo suy nghĩ mà đi thẳng vào và biến mất. Người đời sau kể lại, từ phần mộ của Lương Sơn Bá, một đôi bướm quấn quýt bên nhau bay ra, có lẽ cũng chính là hóa thân của đôi tình nhân sẽ mãi ở bên nhau trong kiếp uyên ương hồ điệp.

Có thực hay chỉ là hư cấu?

Theo khảo chứng của các nhà sử học nghiên cứu về thời Ngụy – Tấn, câu chuyện “Lương – Chúc” khởi nguồn tại thị trấn Mã Hương, huyện Nhữ Nam, tỉnh Hà Nam. Tại đây hiện còn những di tích như mộ Lương Chúc, Lương gia trang, Chúc gia trang, Mã gia trang, thư viện Hồng La Sơn, mộ của Trâu Đồng – thầy Lương Chúc,… 

Từ cách đây gần 1000 năm, trong bản “Nghĩa Trung Vương miếu ký” của Tri phủ Minh Châu thuộc triều Tống tên là Lý Mậu Thành có ghi chép: Lương Sơn Bá sinh vào mùng 1 tháng 3 Âm lịch năm 352 Công nguyên, qua đời vào ngày 16 tháng 8 Âm lịch năm 373 Công nguyên, chưa từng kết hôn. Chúc Anh Đài kết hôn vào mùa xuân năm 374, miếu Lương Sơn Bá (còn gọi là miếu Nghĩa Trung Vương) xây dựng vào năm 397. Sau này, các ghi chép quan trọng khác còn có “Lý Tú Khanh kết nghĩa Huỳnh Trinh Nữ” của Phùng Mộng Long đời nhà Minh và “Chúc Anh Đài tiểu truyện” của Thiệu Kim Bưu đời nhà Thanh. Kết cục của đôi uyên ương khổ mệnh hoá bướm cũng có ghi chép trong “Chúc Anh Đài tiểu truyện”.

Tháng 7 năm 1997, người ta phát hiện một ngôi mộ có từ đời Tấn, trong miếu thờ Lương Sơn Bá ở Ninh Ba. Vị trí, quy cách và đồ tùy táng của ngôi mộ đều trùng khớp với thân phận Huyện lệnh huyện Ngân và nơi an táng của Lương Sơn Bá được ghi chép trong sách sử. Đây được cho là tư liệu, hiện vật đáng tin cậy.

Điều này cho thấy, câu chuyện về cặp đôi Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài không hoàn toàn là hư cấu mang tính phóng tác văn học. Liệu đây có phải là câu chuyện Thần thoại thời thiên cổ lưu lại cho người đời sau?

Trong các tác phẩm điện ảnh, cuộc tình của đôi trai tài gái sắc bị Mã Văn Tài dùng mọi thủ đoạn để ngăn cản. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, Mã Văn Tài thuộc dòng dõi danh gia học thức, am hiểu lễ nghĩa, lại sinh ra trong thời đại nhà Tấn – sau thời đại Tam Quốc, con người xem trọng phép tắc nhân nghĩa, anh ta vốn là bậc văn tài có tiếng thì liệu có thể xấu xa đến như vậy không?

Thực ra còn có một câu chuyện khác về Mã Văn Tài vốn được ít người biết, mà lại hoàn toàn trái ngược với nhân vật được tạo hình phản diện trong văn học.

Vốn dĩ Anh Đài là một kỳ nữ hiếm có xưa nay, nàng không cam lòng ngồi chờ số mệnh, mà lại nghĩ ra một cách. Nàng đích thân viết một lá thư cho Mã công tử Mã Văn Tài, âm thầm nhờ lão bộc gửi cho anh ta.

Mã công tử cũng là truyền nhân của dòng dõi có học, am hiểu lễ nghĩa, thấu tình đạt lý, lại là người rất có tiếng tăm. Khi xem lá thư này xong, anh ta cảm thấy nàng Chúc  Anh Đài này thật đúng là một kỳ nữ dám nghĩ dám làm, lại có thể viết ra được một lá thư như vậy, cũng là điều thiên cổ xưa nay hiếm gặp.

Lại nhìn nét bút có tình có nghĩa, văn phong trang nhã đẹp đẽ, trích dẫn cổ kim, trong nhu có cương, bất giác cũng sinh lòng ái mộ, thầm nghĩ: “Kỳ nữ như thế này, tiếc thay lòng đã có người khác, Mã Văn Tài ta đây xem ra vô phúc rồi. Nhưng Anh Đài nàng có thể làm nghĩa nữ, lẽ nào ta lại không phải là một đấng nam tử hay sao? Người quân tử tác thành chuyện tốt cho người, ta vẫn còn hiểu được. Nhưng hôn nhân là đại sự, muốn hủy hôn không phải chuyện dễ. Quả thực là khó xử”.

Điều đó cho thấy Mã Văn Tài là người rộng lượng, anh ta thành tâm muốn giúp cho hai người thành đôi lứa. Nhưng số trời không chiều lòng người, kết cục lại trở thành một câu chuyện buồn. Có lẽ đó cũng là định mệnh an bài như vậy… Dự định của Mã Văn Tài chưa được thực hiện thì Lương Sơn Bá đã qua đời, từ đây mở ra giai thoại của câu chuyện tình yêu Lương – Chúc. 

Vậy tấm lòng tốt của anh ta xem như trở thành vô ích hay sao? Thật ra số mệnh của Mã Văn Tài đâu chỉ đơn giản là làm người thứ ba, anh ta tận mắt chứng kiến hết thảy mọi chuyện này từ đầu đến cuối, trong lòng cảm khái lẫn tiếc thương. Mã Văn Tài về nhà kể lại mọi chuyện với cha, hai cha con hôm sau vào triều đã tấu lại với hoàng thượng, thuật lại tường tận mọi chuyện. Ai nấy đều ngợi khen Chúc Anh Đài là bậc kỳ nữ. Từ đây câu chuyện “Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài” đã trở thành giai thoại thiên cổ được truyền tụng cho đến ngày hôm nay.

Người xưa nói: “Quân tử không tranh đoạt vợ người khác”. Nên mới nói, nếu xã hội đề cao nhân nghĩa, tự mỗi người đều có ước thúc, thì đâu dễ xảy ra chuyện tranh đoạt vợ của người khác. Dẫu không thành một mối lương duyên, thì cũng thành một bài học lưu hoài trong nhân thế.

Ý nghĩa chân thực của chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài

Trong câu chuyện này, nếu nhìn kỹ thì sẽ thấy có sự an bài của tạo hóa, số mệnh nhân vật thứ ba Mã Văn Tài nhìn qua thì trông như là hoa rơi vô tình, nhưng thực ra là có sự sắp đặt để trở thành người làm chứng cho chuyện tình cảm động trời xanh, lưu truyền thiên cổ. Nếu như không phải là Mã Văn Tài thì khó lòng khiến người đương thời, tức là hoàng đế nhà Tấn, cảm thấy tính chân thực của câu chuyện mà xác lập danh phận cho họ. 

Nhưng số phận an bài xảo diệu như vậy, rốt cuộc nội hàm chân chính trong chuyện này muốn để lại cho con người đời sau là điều gì? Nó có khiến cho người ta có những nhận thức chính diện về câu chuyện của cả ba người này? Ở đây xin được chia sẽ cùng độc giả hai góc nhìn:

Thứ nhất, đây là an bài trong số phận của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài. Họ vốn dĩ là những sinh mệnh trên Thiên thượng. Chính vì động phải phàm tình mà phải hạ xuống nhân loại, chịu hết mọi thống khổ bi ai trong chuyện tình yêu trai gái, trả hết nợ nghiệp rồi quay về con đường sinh mệnh chân chính của mình. Nếu như ai xem qua tác phẩm “Hồng Lâu Mộng”, sẽ ngộ ra ý nghĩa chân thực này. Lâm Đại Ngọc vốn là sinh mệnh trên Trời, chỉ vì mang nợ một gáo nước mà phải hạ xuống cõi người, dùng hết nước mắt một đời người mà trả nợ cho Giả Bảo Ngọc, chấp nhận một mối tình duyên dang dở mà qua đời. Nếu quả thực nhân duyên của hai người là vậy, không chừng hẳn đây lại là điều tốt. Hai sinh mệnh vốn từ nơi Thiên thượng đến, trả hết món nợ ân tình, sau quay trở về bản nguyên của mình là những sinh mệnh trên Thiên thượng vốn thuần khiết và thanh nhã.

Điều thứ hai chính là để lại tấm gương cho hậu thế về đạo nghĩa chân chính của tình yêu. Lương – Chúc ban đầu nảy sinh tình cảm mà kết duyên, nhưng sau vì giữ trọn trung nghĩa mà hai người đều tận mệnh, bản tính vốn dĩ chung thủy, trong thời khắc cuối cùng có thể tận nghĩa vứt bỏ sinh tử, vốn tự nhiên mà đạt đến cảnh giới của Thần. Lương – Chúc không vì tư tình nam nữ mà làm trái ý Trời, không cãi lệnh cha mẹ, thà rằng tự mình chịu đựng, kìm nén cảm xúc nhớ mong và đau khổ của ly biệt. Đây là kính Trời, cũng là tận hiếu. Tình yêu của họ không mang cái dục của phàm tục, mà là biểu hiện một cách chân thành, vô tư, và thuần khiết, như vậy họ đã chứng thực được cảnh giới cao trong nơi nhân loại, bởi vậy mới có thể cảm động trời đất.

Thiên hạ hữu tình, nhưng trời cao chính là trân quý sinh mệnh, thấy đôi nam nữ kia đời này không thể kết duyên vợ chồng, lại sớm đã lìa đời. Họ nếu xuống hoàng tuyền sẽ khó có thể gặp lại nhau, nếu muốn tác hợp lại cho trọn vẹn nhân duyên kiếp này thì phải đợi một thời gian rất dài, cho đến hoàn cảnh thích hợp để họ cùng được chuyển sinh làm người, rồi lại phải trải qua một quãng thời gian nhân sinh lâu dài mới có thể tái hợp. Như vậy quả thực rất khó, do đó Thần đã cho họ biến thành đôi bướm trong thế giới của Thần, có thể ở bên nhau mãi mãi. 

Người xưa có câu rằng: “Vợ chồng đến với nhau là tình, ở với nhau là nghĩa”. Câu chuyện này thực ra để lại cho hậu thế một bài học: Nếu quan hệ vợ chồng chỉ đơn giản là tình cảm trai gái nảy nở ban đầu, không nói đến đạo nghĩa, vừa đụng một chút mâu thuẫn lại đường ai nấy đi, thì đó không phải là vợ chồng thật sự có thủy có chung. Hơn nữa, duyên phận vợ chồng vốn là an bài của tạo hóa, là sắp đặt của Thiên thượng, nếu hủy bỏ giữa chừng thì chính là phá vỡ đặt định của Thần, cũng khiến cha mẹ không an lòng, ấy là bất kính với Trời, cũng là bất hiếu với phụ mẫu.

Con người ta đến với nhau là bằng tư tình luyến ái, nhưng đó chưa phải là tất cả. Có thể cùng gắn bó trong hoạn nạn, chứng thực được đạo lý vợ chồng hay không, mới đủ cơ sở để cùng nhau xác lập vị trí trong trời đất. 

Chính vì trung nghĩa vẹn toàn như vậy, chuyện tình Lương – Chúc mới có thể trường tồn với thời gian, đến ngàn năm vẫn còn truyền tụng. Là vợ chồng với nhau, không lẽ không thể cùng nhau đi quá trăm năm?

Thiên Bảo

RỬA RAU CHO THÊM 2 THỨ NÀY ĐẢM BẢO HẾT THUỐC TRỪ SÂU, AN TOÀN

 


Những cách rửa rau thường thấy thực sự không lành mạnh. Chuyên gia chỉ ra cách rửa rau vừa sạch lại đảm bảo an toàn sức khỏe.


Ngâm nước muối

Một trong những phương pháp phổ biến nhất thường thấy là sử dụng muối để rửa rau củ quả. Đây là một trong những phương pháp hiệu quả thay thế cho việc rửa hoa quả bằng giấm.

Bạn có thể sử dụng muối tinh i-ốt hay muối hột đều được. Pha muối trong một lượng nước phù hợp, khuấy đều cho muối tan hoàn toàn. Sau đó cho rau củ quả vào ngâm trong khoảng 10 phút rồi vớt ra, xả sạch lại với nước.

Lưu ý: Không nên áp dụng phương pháp này đối với các loại trái cây vỏ mỏng vì như thế nước muối sẽ làm hỏng trái cây.

Cho thêm giấm và chanh

Các chuyên gia chỉ ra, giấm và chanh có tác dụng như thuốc khử trùng và cũng có thể giúp loại bỏ sáp hoặc bất kỳ thuốc trừ sâu còn sót lại trên vỏ.

Chiết xuất hạt bưởi là một tác nhân chống vi khuẩn mạnh cũng như chống nấm. Vì chiết xuất hạt bưởi hơi đắng và có thể gây kích ứng nên cả chai nước xịt to chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ khoảng 10 giọt.

Cụ thể: Dùng 1/2 đến 2 ly nước; 2 muỗng giấm trắng; 2 muỗng nước cốt chanh; 10 giọt chiết xuất hạt bưởi (không bắt buộc)

Hãy pha trộn với nhau và đổ vào một bình xịt. Phun vào trái cây và rau củ (trừ nấm) và để yên trong một vài phút. Dùng tay xoa nhẹ nếu cần thiết rồi rửa sạch.

Làm thế nào để rửa rau sạch, đảm bảo an toàn cho sức khỏe


1. Rửa rau dưới vòi nước chảy

Lực xả của dòng nước và sức mạnh của bàn tay khi chà có thể giúp chúng ta lấy đi phần lớn bụi bẩn trên bề mặt rau, và không làm hỏng bề mặt của rau, do đó các chất dinh dưỡng không bị mất hoặc không bị ô nhiễm thứ cấp.

2. Gọt vỏ

Rửa có thể loại bỏ thuốc trừ sâu ở bề mặt, nhưng không có tác dụng đối với một số loại rau củ có phần thấm. Nói chung, phần thấm chủ yếu được phân bố ở lớp biểu bì, do đó cách tốt nhất là gọt vỏ, ví dụ như cà rốt, khoai tây, mướp, bầu bí,… Tốt nhất là gọt vỏ trước khi chế biến.

3. Nhúng qua nước sôi

Nhúng rau qua nước sôi rồi mới nấu, lượng dinh dưỡng mất đi ít, độ an toàn cao, đồng thời làm tăng quá trình phân hủy thuốc trừ sâu, loại trừ vi khuẩn hiệu quả. Đặc biệt là các loại rau như súp lơ, bông cải xanh, rất dễ lưu lại thuốc trừ sâu và côn trùng, trụng qua nước sôi là cần thiết. 

Theo Khỏe & Đẹp

 


KÍNH TRUNG XUẤT HÌNH TƯỢNG 鏡中出形像 • BÓNG HIỆN TRONG GƯƠNG - BẢN TỊNH THIỀN SƯ

 


  




 

Kính trung xuất hình tượng

Huyễn thân bản tự không tịch sinh,
Do như kính trung xuất hình tượng.
Hình tượng giác liễu nhất thiết không,
Huyễn thân tu du chứng thực tướng.

 

Bóng hiện trong gương

Thân nầy hư ảo vốn từ không,
Như tựa bóng hình hiện trước gương.
Vốn rõ bóng hình đều huyễn thảy,
Ảo thân thực tướng chốc rồi tường.

                        Minh Đạo (Phỏng dịch)

Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

ĐI NGỦ SAU 11 GIỜ: GAN, NÃO VÀ NHIỀU CƠ QUAN BỊ TÀN PHÁ

 

Một nghiên cứu cho biết những "cú đêm" có nguy cơ tử vong cao hơn 10% so với những người ưa dậy sớm và đi ngủ sớm.

Gan rất quan trọng đối với cơ thể con người, nếu gan có vấn đề thì đương nhiên cơ thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. 

Các chất độc hại sinh ra từ quá trình chuyển hóa của cơ thể sẽ được gan giải độc. Tuy nhiên, gan cần được nghỉ ngơi sau 11h để phục hồi và tự sửa chữa các thương tổn. Do đó, nếu bạn ngủ không đủ giấc hoặc thức khuya trong thời gian dài sẽ làm tăng gánh nặng cho gan và ảnh hưởng đến chức năng trao đổi chất. Kết quả là hiệu quả giải độc bị giảm sút, gan chứa nhiều chất độc hại, ngoài ra còn làm suy giảm hệ thống miễn dịch.

Các bệnh về tim mạch và mạch máu não

Thức khuya sẽ khiến hệ thần kinh căng thẳng. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, huyết áp của những người đi ngủ muộn sẽ cao hơn nhiều so với những người có giờ giấc nghỉ ngơi khoa học. Sự kết hợp của cả hai vấn đề này sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và mạch máu não. 

Tổn thương ruột và dạ dày

Ngủ muộn cũng là một hành vi rất có hại cho dạ dày, nếu bạn không ngủ sau 11 giờ trong một thời gian dài sẽ khiến cho dạ dày không được nghỉ ngơi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ và tiêu hóa của chúng ta.

Các vấn đề về đường tiêu hóa sẽ tác động tiêu cực đến chức năng hấp thụ và bài tiết chất dinh dưỡng của cơ thể, khiến chúng ta rất dễ bị ốm, suy nhược. Vì vậy, những người có vấn đề về đường tiêu hóa càng không nên thức khuya.

Ung thư

Thức khuya trong một thời gian dài là nguyên nhân làm tăng rủi ro khởi phát ung thư. Như đã đề cập, mất ngủ làm tăng sự tích lũy của các gốc tự do trong cơ thể.

Nếu gốc tự do tấn công vào phân tử lipid ở mạch máu, nó sẽ góp phần gây ra xơ cứng động mạch, tăng huyết áp, đột quỵ,… Gốc tự do tấn công vào ADN ở nhân tế bào sẽ góp phần làm thay đổi cấu trúc ADN, gây đột biến hoặc chết tế bào, gây lão hóa hoặc nhiều bệnh lý khác nhau, đặc biệt là ung thư.

Bên cạnh đó, việc thức khuya còn gây rối loạn nội tiết tố của con người, tác động vào quá trình phân chia của tế bào và làm tăng nguy cơ ung thư.

Rối loạn chức năng miễn dịch

Khi đi ngủ, cơ thể sẽ bước vào quá trình sửa chữa các thương tổn, dọn dẹp độc tố đồng thời tăng sinh các tế bào miễn dịch. Do đó, nếu thức khuya trong thời gian dài hệ miễn dịch sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Khi lớp phòng thủ của cơ thể suy yếu cũng là thời cơ cho các bệnh cơ hội bùng phát. Biểu hiện rõ nhất là tần suất mắc các bệnh về đường hô hấp như cảm, cúm hoặc bệnh đường ruột như viêm dạ dày, viêm đường ruột sẽ tăng lên thấy rõ.

Suy nhược thần kinh, đau đầu và mất ngủ

Thông thường các dây thần kinh giao cảm của con người sẽ được nghỉ ngơi vào ban đêm và ở trong trạng thái kích thích vào ban ngày. Tuy nhiên, việc thức khuya lại làm xáo trộn chu trình này, khi ép dây thần kinh giao cảm trong trạng thái kích thích trong khoảng thời gian lẽ ra nó được nghỉ ngơi. Trước mắt, hiện tượng này sẽ khiến chúng ta ở trong trạng thái thiếu năng lượng, chóng mặt, giảm trí nhớ, thiếu tập trung, phản ứng chậm ngay buổi sáng hôm sau. Trong trường hợp thói quen xấu này được duy trì trong thời gian dài, bạn có thể đối mặt với tình trạng suy nhược thần kinh và mất ngủ.

Minh Nhật
Tổng hợp