Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

NHỮNG TÁC HẠI 'KINH HOÀNG' CỦA MÌ TÔM VỚI SỨC KHỎE MÀ BẠN CHƯA BIẾT

 


Mì tôm hay mì ăn liền là món khoái khẩu của không ít người trong xã hội hiện đại. Bởi sự nhanh gọn và thuận tiện của món ăn này trong cuộc sống hằng ngày với bao bộn bề. Tuy rất tiện lợi và ngon miệng nhưng thức ăn này lại mang đến nhiều nguy cơ với sức khỏe người sử dụng.

Gây béo phì: Theo thói quen, nhiều người thường chế biến món mì theo sở thích, những thực phẩm ăn theo sẽ khiến cơ thể nạp thêm quá nhiều carbohydrate và chất béo vào cơ thể dẫn tới hàm lượng chất béo, calo tăng cao từ đó gây béo phì và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới béo phì như tim mạch, tiểu đường, cholesterol cao… Những biểu hiện ban đầu, rõ rệt nhất như chóng mặt, mệt mỏi, tim đập nhanh…

Gia tăng quá trình lão hóa: Chất mỡ trong mì tôm thông thường đều thêm chất chống ô xy hóa, nhưng nó chỉ làm chậm tốc độ ô xy hóa, kéo dài thời gian biến mùi của mì tôm. Thời gian dài dung nạp quá nhiều chất chống ô xy hóa sẽ ảnh hưởng xấu tới hệ nội tiết và thúc đẩy lão hóa.

Gây sỏi thận: Mì tôm được ướp rất nhiều muối. Chính bởi thế khi ăn chúng, bạn đã tăng gánh nặng cho thận, cho hệ thống tim mạch và thậm chí nó có thể gây sỏi thận.

Loãng xương: Mì tôm cũng là thực phẩm chứa phosphate, một chất giúp bạn ngon miệng nhưng lại dễ làm loãng xương, mất xương, răng cũng yếu dần.

Tăng nguy cơ ung thư: Để cải thiện hương vị, hoặc kéo dài thời gian bảo quản, các hãng sản xuất thường cho thêm một vài chất phụ gia như phosphate, chất chống oxy hóa, chất bảo quản…

Bởi thế, khi trữ quá lâu, ảnh hưởng môi trường nên các chất này cũng sẽ từ từ biến chất. Khi ăn, chúng tích tụ lâu trong cơ thể, để lại hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt có thể dẫn đến ung thư.

Hơn nữa, quá trình chế biến của mì là sấy khô hoặc chiên qua dầu nên quá trình này có thể sinh ra một vài chất có độc như chất acrylamide gây ung thư.

Gây nóng trong người: Đa phần ai ăn mì xong cũng sẽ cảm thấy khát nước và khô miệng bởi lẽ mì được chiên với dầu ở nhiệt độ cao. Ăn mì thường xuyên sẽ gây thiếu nước và tình trạng nóng trong, đồng thời gây nên vấn đề mụn nhọt mà không ai mong muốn.

Gây hại cho gan: Để tiện dụng hơn, nhiều người thường lựa chon những hộp mì ăn liền để không phải dọn dẹp sau khi ăn, tuy nhiên các hộp nhựa chứa mì khi ngâm trong nước nóng trên 70 độ C sẽ sản sinh ra các chất độc hại làm tổn hại đến gan.

Gánh nặng cho dạ dày, tiêu hóa: Mì ăn liền là một trong những món ăn được sấy khô sau khi chiên qua dầu. Trong mì chứa khá nhiều hương liệu và chất phụ gia, ăn thường xuyên sẽ không những khiến vị giác giảm sút mà còn có thể tạo áp lực cho dạ dày trong việc tiêu hóa chung. Nếu bạn ăn mì ăn liền xuyên có thể sẽ gây rối loạn chức năng dạ dày, làm xuất hiện các triệu chứng như đầy hơi, đau dạ dày… Đặc biệt, những đứa trẻ thích ăn mì tôm càng dễ mắc chứng biếng ăn.

Gây bệnh tiểu đường, tim mạch: Thường xuyên dùng mì ăn liền, bạn có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, đột quỵ cao hơn bình thường. Nguyên nhân nằm ở thành phần chất béo có trong hầu hết các loại mì ăn liền. Loại chất béo này là transfat và chất béo bão hòa, chúng vô cùng có hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với những người cao tuổi hay người có tiền sử bệnh tim mạch.

Những cách ăn mì gói gây hại cho sức khỏe

Bản thân mỗi chúng ta đều có thói quen ăn mì tôm khác nhau, có người thích ăn mì bằng cách úp nước sôi, có người lại thích ăn sống hoặc chiên xào.

Tuy nhiên, trong số đó có những cách ăn mì có thể gây nguy hại cho sức khỏe. Dưới đây là 4 cách ăn mì gói phổ biến có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe con người:

Ăn mì úp nước sôi thay cho bữa sáng: Ăn mì tôm vào bữa sáng là thói quen rất phổ biến của nhiều người. Tuy nhiên, một gói mì vào buổi sáng sẽ không thể nào cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể.Điều này sẽ khiến cho bạn cảm thấy nhanh đói, mệt mỏi, khó tập trung nên mọi hoạt động đều kém hiệu quả. Đặc biệt về lâu dài tình trạng này sẽ gây ra sự ảnh hưởng không tốt cho dạ dày.

Dùng mì làm bữa ăn chính: Dinh dưỡng trong mì tôm chủ yếu là tinh bột, rất ít chất xơ, vitamin, đạm nhưng lại giàu carbonhydrates và chất béo bão hòa không tốt cho sức khỏe.Nếu sử dụng mì tôm làm bữa ăn chính sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng và lâu dần sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Hơn nữa, ăn mì quá nhiều còn gây nóng trong người và nổi nhiều mụn.

Ăn trước khi ngủ: Theo các nghiên cứu cho thấy, 2 giờ sau khi vào dạ dày mì tôm vẫn không thể tiêu hóa hết. Do đó, việc ăn mì tôm vào buổi tối hoàn toàn không tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, năng lượng trong mì tôm không được tiêu đi sẽ tích tụ khi ngủ và tạo thành mỡ khiến chúng ta tăng cân nhanh chóng.

Ăn sống: Nhiều người trong chúng ta có sở thích ăn sống mì tôm vì nó giòn giòn, thơm thơm. Tuy nhiên, do mì tôm được sản xuất bằng cách chiên qua dầu nên chứa rất nhiều chất béo khó tiêu hóa. Thói quen ăn mì tôm sống không chỉ gây đầy bụng mà còn gây tăng cân mất kiểm soát.

Cách ăn mì tôm đúng cách

- Tuyệt đối không ăn "mỳ úp", nên luộc bỏ nước đầu, nấu mì với nước lần 2 và các thực phẩm kết hợp khác.

- Nên vứt bỏ gói gia vị, vì trong đó tích nhiều dầu mỡ, vì nếu ăn vào dễ gây béo, tim mạch...

- Thêm rau xanh để giảm tối đa lượng chất béo thừa.

- Nên bổ sung mỗi bát mì từ 25-30 gr chất đạm như thịt bò, thịt lợn hoặc tôm...

- Cần kiểm tra hạn sử dụng, bao bì trước khi dùng để tránh dùng hàng hết hạn hoặc kém chất lượng.

-Sau khi ăn bạn nên bổ sung nhiều nước, trái cây để cơ thể giải nhiệt và đào thải độc tố ra ngoài. Từ đó, hạn chế các hiện tượng sinh nhiệt, nổi mụn hay béo bụng.


Nguồn: https://baomoi.com/

 

TRÁNH LÂY NHIỄM KHI ĐI TIÊM VACCINE NHƯ THẾ NÀO?

 


Người dân khi đi tiêm vaccine Covid-19 phải tuân thủ yêu cầu 5K phòng dịch, về nhà cởi bỏ khẩu trang, vệ sinh cơ thể đúng cách.

Chiến lược tiêm vaccine phòng Covid-19 đang trong giai đoạn gấp rút để nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ những người chưa nhiễm bệnh. Tuy nhiên, có rất nhiều mối quan ngại về việc lây nhiễm Covid-19 khi đi tiêm ngừa. Đây là mối quan ngại có căn cứ, vì nơi tiêm chủng cũng là khu vực đông người - có nguy cơ lây nhiễm nếu chúng ta không tuân thủ các nguyên tắc an toàn.

Để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm khi đi tiêm vaccine, cần:

Bảo hộ bản thân đúng cách và nghiêm túc

Khẩu trang phải che chắn cả mũi, miệng, cằm. Nếu đeo khẩu trang N95 và muốn bảo vệ hai lớp thì đeo N95 ở trong, khẩu trang y tế ở ngoài. Không có khẩu trang N95 thì hai lớp khẩu trang thường vẫn được. Nhớ điều chỉnh gọng cao su hay kim loại ở phía trên khẩu trang cho ôm sát hai bên cánh mũi, để khẩu trang thật kín, ôm sát khuôn mặt.

Nếu có mặt nạ chắn giọt bắn thì sử dụng luôn càng tốt, đeo luôn cho đến lúc rời khỏi địa điểm tiêm chủng, không nên tháo ra rồi đeo vào, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Chủ động mang theo nước rửa tay sát khuẩn. Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là khi chạm vào những vật dùng chung. Tốt nhất tránh sờ, chạm những vật xung quanh nếu không cần thiết.

Bạn có mang găng tay y tế vẫn phải tuân thủ rửa tay (rửa bên ngoài găng), bởi mang găng vẫn không giúp giảm nguy cơ lây nhiễm. Đôi bàn tay mang găng vẫn có thể nhiễm virus, khi chạm lên mũi, miệng sẽ lây nhiễm. Xin nhớ rằng Covid-19 lây truyền qua đường hô hấp, không phải qua da. Trước khi ra về, bạn cần tháo găng, bỏ vào thùng rác y tế (màu vàng) tại điểm tiêm chủng, rửa tay thật sạch và đừng mang găng về nhà. Thật ra, bạn không cần thiết phải mang găng tay y tế, chỉ cần tuân thủ rửa tay là được.

Nên mang theo một cây bút riêng vì có thể phải điền thông tin cá nhân vào các tờ phiếu tiêm chủng, hạn chế dùng bút chung. Nếu phải dùng bút chung thì nhớ rửa tay sau khi dùng.

Một số người mặc đồ phòng hộ cá nhân (PPE) đi tiêm chủng, nếu không nắm rõ quy trình tháo bỏ PPE thì có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Bên ngoài PPE là nơi có thể virus bám vào, do đó khi cởi bỏ PPE phải tuân thủ theo quy trình chuẩn.

Bạn có thể tham khảo các video hướng dẫn "cách mặc và cởi trang phục phòng hộ". Nhiều người mặc PPE nhưng nóng quá lại cởi phanh ngực, thậm chí mặc theo kiểu thời trang thì bộ PPE đó không có tác dụng gì. Tương tự với găng tay y tế, bạn đừng mang PPE từ điểm tiêm chủng về nhà, hãy cởi chúng tại đó, bỏ vào thùng rác y tế (màu vàng).

Đảm bảo khoảng cách an toàn

Giữ khoảng cách với người xung quanh. Nếu đứng xếp hàng thì bạn nên giữ khoảng cách hai mét với người trước và người sau, hạn chế nói chuyện, đùa giỡn khi đang ở nơi đông người. Nếu không phải xếp hàng, hãy tìm một nơi vắng người nhất để đứng, không nên gia nhập vào một nhóm đông người.

Hạn chế mặt đối mặt với nhân viên y tế. Khi ngồi khai báo, khám sàng lọc hay tiêm ngừa, bạn nên ngồi "vuông góc" với nhân viên y tế, không mặt đối mặt trực tiếp với nhân viên y tế, trừ những trường hợp bắt buộc.

Vệ sinh cơ thể đúng cách khi về đến nhà

Tắm gội ngay sau khi về đến nhà rất quan trọng, nên làm tuần tự theo các bước để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm. Trong đó, việc đầu tiên là rửa tay. Trước khi chạm vào bất kỳ thứ gì trong nhà, bạn phải rửa tay thật sạch với nước sát khuẩn, tốt hơn là với nước và xà phòng diệt khuẩn.

Giày dép nên cởi ra và bỏ ở ngoài, hoặc ở góc nào đó không ai qua lại. Có thể xịt sát khuẩn giày dép trước khi mang vào nhà.

Cởi quần áo mặc bên ngoài (trong khi vẫn đang đeo khẩu trang, vì quần áo có thể dính virus và có thể tiếp xúc với mũi, miệng trong lúc cởi quần áo). Sau đó, bỏ quần áo vào máy giặt hoặc ngâm xà phòng ngay. Tiếp đến mới cởi bỏ khẩu trang, cho vào thùng rác. Sau mỗi bước cần rửa tay với nước sát khuẩn.

Cuối cùng là gội đầu, tắm rửa sạch sẽ với sữa tắm, dầu gội để khử khuẩn.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy

Giảng viên Khoa Y, Đại học Y Dược TP HCM

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

4 LỘ TRÌNH TIÊM VACCINE TỪ NAY ĐẾN HẾT NĂM CỦA TPHCM

 


TPHCM cần hơn 8,1 triệu liều vaccine để tiêm cho người dân theo 4 lộ trình từ nay đến cuối năm 2021.

Dựa trên yêu cầu bao phủ vaccine cho người dân và quy định của Bộ Y tế về việc tiêm 2 liều vaccine phòng COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM đã xây dựng 4 lộ trình tiêm vaccine.

Giai đoạn 1 từ ngày 29.8 đến ngày 15.9, tiêm mũi 1 cho khoảng 680.000 người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1. Tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine với gần 2,1 triệu người.

Trong đó, 733.000 người tiêm vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer, 485.000 người tiêm vaccine Moderna, 31.000 người tiêm vaccine Pfizer, 840.000 người tiêm vaccine Vero Cell. Tổng số lượng vaccine cần sử dụng là hơn 2,7 triệu liều.

Giai đoạn 2 từ ngày 16.9 đến ngày 30.9, bao phủ mũi 1 cho 10% còn lại của người từ 18 tuổi trở lên (khoảng 720.000 người). Tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine, khoảng 656.900 người

Trong đó, 500.000 người tiêm vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer, 18.200 người tiêm vaccine Moderna, 700 người tiêm vaccine Pfizer, 138.000 người tiêm bằng vaccine Vero Cell. Tổng số lượng vaccine cần sử dụng là gần 1,4 triệu liều.

Giai đoạn 3 từ ngày 1.10 đến ngày 15.10, tiêm nhắc mũi 2 cho 2,6 triệu đã tiêm mũi 1 đủ thời gian bằng vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer.  

Giai đoạn 4 từ ngày 16.10 đến ngày 31.12, tiêm nhắc mũi 2 cho 1,4 triệu người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo loại vaccine phù hợp (trong giai đoạn từ ngày 29.8 đến ngày 30.9).

Như vậy, tổng cộng số lượng vaccine cần sử dụng từ ngày 29.8 đến ngày 31.12 là hơn 8,1 triệu  liều (trong đó, sử dụng cho mũi 1 là 1,4 triệu liều, sử dụng cho mũi 2 là hơn 6,7 triệu liều). 

Đến ngày 29.8, TPHCM tiêm hơn 6,1 triệu liều vaccine cho người dân. Trong đó, có gần 5,8 triệu người đã tiêm mũi 1 và hơn 332.000 người đã tiêm mũi 2.

TPHCM đã sử dụng 4 loại vaccine COVID-19 để tiêm cho người dân, gồm AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Vero Cell. 

MINH QUÂN

TIÊM TRỘN 2 VACCINE COVID-19 KHÁC NHAU CÓ AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ HAY KHÔNG?

 


Theo các bác sĩ của Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, kết hợp tiêm một số vaccine COVID-19 có vẻ an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều này có thể không đúng với tất cả các loại vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận. 

Kết hợp các chế phẩm vaccine COVID-19, tức là mũi đầu tiên tiêm một loại vaccine, mũi thứ hai lại tiêm loại vaccine khác.

Cơ sở khoa học và thực tiễn

Các nghiên cứu gần đây từ một số quốc gia đã chỉ ra rằng tiêm vaccine AstraZeneca ở liều đầu tiên và vaccine Pfizer ở liều thứ hai có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Lượng kháng thể sinh ra tương đương tiêm 2 mũi vaccine Pfizer. Tuy nhiên, sự kết hợp này cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn.

Ở Mỹ, các thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra để xem liệu kết hợp vaccine có thể được sử dụng làm mũi tiêm nhắc lại ở người lớn đã được tiêm chủng đầy đủ hay không. Pháp và Đức đã đưa ra lời khuyên ủng hộ tiêm trộn vaccine trong một số trường hợp, bởi vì các chính phủ đó không còn khuyến nghị sử dụng vaccine AstraZeneca cho một số nhóm tuổi nhất định.

Canada, Phần Lan, Pháp, Na Uy, Thụy Điển, Tây Ban Nha và Hàn Quốc cũng đã cho phép sử dụng một loại vaccine khác cho liều thứ hai nếu liều đầu tiên được tiêm là AstraZeneca.

Nghiên cứu của Combivacs ở Tây Ban Nha cho thấy những người được tiêm liều đầu tiên của vaccine AstraZeneca và liều thứ hai của vaccine Pfizer có phản ứng mạnh hơn so với những bệnh nhân được tiêm hai liều AstraZeneca.

Trong khi đó, một nghiên cứu của thử nghiệm Com-Cov của Oxford Vaccine Group cho thấy những người được tiêm các loại vaccine hỗn hợp có tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Nghiên cứu vẫn chưa xác định tác động của việc trộn vaccine lên hệ thống miễn dịch.

AstraZeneca hiện đang nghiên cứu xem liệu liều đầu tiên của họ và liều thứ hai của vaccine Sputnik V có thể giúp tăng cường phản ứng miễn dịch hay không. Các nhà sản xuất vaccine Sinovac và Sinopharm gần đây đã thông báo rằng họ đang xem xét nghiên cứu về việc kết hợp các loại vaccine đó với vaccine của các công ty khác.

Việc kết hợp vaccine đã được kiểm nghiệm và phê duyệt có thể giúp giảm bớt áp lực chuỗi cung ứng, tăng cường phản ứng của hệ thống miễn dịch, cung cấp khả năng miễn dịch rộng hơn, giảm sự xuất hiện của các biến thể mới, đồng thời tạo ra sự bảo vệ mạnh mẽ hơn và lâu dài hơn. Một lần nữa, điều này phụ thuộc vào sự kết hợp cụ thể và việc trộn vaccine không được phê duyệt có thể dẫn đến các tác động tiêu cực đến sức khỏe hoặc giảm hiệu quả.

Việc trộn vaccine từ các nhà sản xuất khác nhau cho các bệnh cụ thể đã được thực hiện trước đây đối với bệnh cúm, viêm gan A và các bệnh khác. Đôi khi lựa chọn này phải được thực hiện do nguồn cung cấp hạn chế, sự chậm trễ trong sản xuất, dữ liệu gần đây về các tác dụng phụ cần được điều tra.

Một số quan điểm chính thống hiện nay

Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo, những người đã tiêm mũi 1 vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vaccine đó. Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vaccine do Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine do AstraZeneca sản xuất nếu người được tiêm chủng đồng ý. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 8-12 tuần. Không sử dụng vaccine do Moderna sản xuất hoặc các loại vaccine khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca.

Những người đã tiêm vaccine do Sinopharm, Pfizer, Moderna, SputnikV sản xuất mũi thứ 1 thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vaccine cùng loại. Khoảng cách giữa hai mũi theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Canada cho phép phối hợp vaccine nếu nguồn cung bị hạn chế, khi người được tiêm khó có thể được tiêm liều thứ hai cùng loại với liều thứ nhất, hoặc nếu họ đã tiêm mũi đầu với vaccine của AstraZeneca.

Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh ở Mỹ mới cho phép phối hợp vaccine của Pfizer và Moderna với nhau và chỉ áp dụng cho các trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn thiếu vaccine hoặc khi người được tiêm không nhớ trước đây mình đã tiêm loại nào. Hai loại này sử dụng chung một công nghệ.

Ts. Nguyễn đăng mạnh, ths. Phạm văn chung - viện lâm sàng các bệnh truyền nhiễm – bệnh viện trung ương quân đội 108


Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2021

MỘT TRẬN ĐẠI DỊCH GIÚP TA THẤU THỊ HƠN LẼ NHÂN SINH

 


Benjamin Franklin từng nói: “Phần lớn những nỗi thống khổ của nhân loại đều do con người tự gây ra vì đánh giá nhầm giá trị của nhiều điều”.

Hàn Phi Tử nói: “Mang theo dục vọng nhiều, tâm ắt sẽ loạn, tâm loạn thì dục vọng càng mạnh mẽ, dục vọng càng mạnh mẽ khiến tà tâm chi phối, tà tâm chi phối làm cho cách hành xử bị rối loạn, hành xử rối loạn chắc chắn sẽ sinh ra tai họa.”

Con virus vô hình khiến cả thế giới chao đảo. Nhưng Phật gia giảng: “Không có gì là ngẫu nhiên”. Dường như nó cũng là một sự sắp xếp vô hình để loài người nhận ra những điều quan trọng quyết định sự sinh tử của mỗi người.

Trận ôn dịch khiến lòng người hoảng loạn. Nhưng xét cho cùng thì chúng ta vốn vẫn sống trong sự bấn loạn lâu nay đó thôi. Nếu nhìn lại những ngày trước đại dịch, chẳng phải ai cũng sống trong một cuộc chạy đua. Giao thông hỗn loạn, ai cũng vội vã đi như chạy, mấy giây đèn đỏ cũng không thể kiên nhẫn chờ nổi. Nhưng đâu chỉ giao thông, việc gì chẳng biến thành chạy: chạy trường, chạy điểm, chạy việc, chạy tiền, chạy chức, chạy quyền, chạy ăn, chạy doanh số, chạy thành tích… Virus khiến cuộc sống chậm lại hay bởi chúng ta đã sống quá nhanh. Cuộc sống của chúng ta khác nào cuộc thi chạy, cuộc đời khác nào cuộc đua mà cái đích cuối cùng cũng chỉ là nghĩa trang mà thôi. 

Phải chăng Thượng đế thông qua con virus khiến chúng ta dừng lại tất cả cuộc đua học hành, kiếm tiền, chạy chọt, toan tính, thi đua, tranh đấu… Thật tình cờ mà không ngẫu nhiên, nó khiến mọi người phải sống chậm lại, nó tạo ra thời gian cần thiết để chúng ta suy ngẫm về chính mình và cuộc đời, bằng cách đó, ta có cơ hội để nhìn lại xem ta đang sống vì điều gì, bằng cách nào và sẽ đi về đâu, điều gì thực sự quan trọng trong cuộc đời…

Virus phơi bày sự thật dưới ánh sáng khác

Trước khi có đại dịch, điều khiến người ta quan tâm nhiều nhất là danh, lợi, tiền, quyền, sự thành công, các thứ giải trí xa hoa… Khi dịch bệnh khiến hàng ngàn người chết, người ta mới thấu hiểu tất cả những thứ đó không đảm bảo cho con người thoát khỏi virus, bởi vì nó không có cơ chế mua bằng tiền hay hối lộ, như cách con người vẫn tin dùng thứ quyền năng đó.

Khi nhận ra tiền, quyền không mua được sức khoẻ và hạnh phúc, sự an toàn, không mua được thời gian sống, sự thật về những điều con người ta suốt đời theo đuổi được chiếu rọi bằng một thứ ánh sáng khác, và những giá trị mà ta tin tưởng bám chặt vào bấy lâu hoá ra cũng chỉ là ảo ảnh. 

Virus khiến con người đánh giá lại vai trò những thứ ta tưởng là quan trọng. Chúng ta cố gắng theo đuổi các thứ bề ngoài nhưng giờ đây, khi ai ai cũng phải mang khẩu trang cũng như là ai cũng bình đẳng trước cái chết, những cái đắp điếm ở bên ngoài cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Chức vụ, tiền bạc, đất đai, nhà cửa… không là gì cả trước phán quyết của con virus vô hình. 

Khi không phải đeo khẩu trang, vốn dĩ con người chẳng vẫn luôn đối với nhau bằng một cái mặt nạ. Cái mặt nạ của những xã giao hình thức, quà cáp biếu xén, chúc tụng tiệc tùng, đối nhân xử thế. Con người ảo tưởng về giai cấp, vị thế, tin rằng mình có thể hơn người khác vì địa vị, sự sở hữu tài sản. Nhưng hoá ra virus không phân biệt sang hèn, không phân biệt thể chế chính trị, dân tộc, giới tính hay tuổi tác, giàu nghèo, trình độ, giai cấp, quốc tịch. Nó nói với ta rằng: “Con người sinh ra bởi Thượng đế và bình đẳng trước sự sống và cái chết.”

Ai cũng chán nản vì phải cách ly, nhưng vốn dĩ sự cách ly của lòng người thì lúc nào chẳng tồn tại. Khi không có sự cách ly bởi dịch bệnh thì người ta vẫn cách ly nhau bằng công nghệ đó thôi. Ở nhà, ngoài đường, trong thang máy, bất kỳ chỗ nào cũng thấy cảnh mọi người ôm điện thoại không cần biết đến xung quanh. Lạ lùng thay phương tiện giúp con người kết nối nhanh hơn lại đẩy họ ra xa nhau nhiều hơn.

Người ta nghi ngờ, thù hận, đấu tranh với nhau, miệt thị nhau về vùng miền ngay cả khi cùng nhau chống dịch, thờ ơ với những thân phận yếu thế, vẫn bàng quan với những bất công miễn sao đời mình được yên ổn. Thực ra chúng ta vốn đã luôn sống quá lâu trong sự cách ly của lòng người, mà nó còn xa xôi hơn sự cách ly về địa lý rất nhiều.

Thời gian phải ở yên một chỗ vì giãn cách đối với nhiều người là không thể chịu nổi. Bởi vì bấy lâu nay niềm vui của chúng ta đến từ những thứ bên ngoài. Phần lớn thời gian con người dùng để xây dựng cái bề ngoài, nào nhà, xe, quần áo, hàng quán, điện thoại, giải trí… Và khi những sự vui thú bề ngoài đó bị dừng lại bởi đại dịch, chúng ta cảm thấy trống rỗng, vô vị, chán nản. Càng mưu cầu những thứ bên ngoài, con người càng rơi vào vòng xoáy của vật chất. Khi dục vọng và tham vọng chi phối thì con người càng rời xa các giá trị đạo đức. Và lòng tham thì vô hạn cho nên càng chạy ra ngoài con người càng rời xa chính mình.

Chúng ta đã tạo ra một xã hội rối loạn và chạy theo nó, cuốn vào cái vòng hoảng loạn, mà chúng ta vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân. Nhưng khi có thời gian tĩnh lại, người ta sẽ nhận ra cái khiến ta quay cuồng, hoảng loạn đó là bởi ta không nhận ra những giá trị thật và ảo mà bấy lâu ta vẫn theo đuổi. Khi ta sống bằng những giá trị ảo thì chỉ cần một cơn lốc cũng đủ khiến hồn xiêu phách lạc. Cuộc sống chậm lại, nếu tỉnh táo xem xét, thực ra cũng chỉ là dừng lại những thứ phù phiếm, vô nghĩa mà bấy lâu người ta dành quá nhiều thời gian công sức để đánh đổi mà thôi.

Virus giả dối

Con virus đã được sinh ra và phát triển từ sự giả dối của chính quyền Trung Quốc. Sau hơn 2 năm, ĐCSTQ vẫn ngăn chặn mọi nỗ lực tìm kiếm nguồn gốc của virus. Người ta cũng không còn tin vào sự chính trực cần có của những tổ chức như WHO. Và, thật kỳ lạ là nó cũng phơi bày sự giả dối vốn là thứ virus ghê gớm nhất khuynh đảo xã hội.

Báo chí đưa tin về những trường hợp tử vong hoặc nhiễm bệnh sau khi đã tiêm đủ vaccine, rồi sau đó xóa đi thông tin “đã tiêm vaccine”; tráo đổi hình ảnh người tiêm và tên thuốc để giả mạo thông tin về hiệu quả vaccine nhằm tuyên truyền cho mục đích nào đó bất chấp nguy hiểm cho cộng đồng. Lại có kẻ dựng lên những câu chuyện cảm động về bác sỹ xả thân cứu người lấy đi bao nước mắt để lừa người đọc, kêu gọi ủng hộ tiền bạc. Thậm chí có những kẻ làm giả khẩu trang bán cho người tiêu dùng và các tổ chức thiện nguyện. Thứ văn hóa giả dối đã bao trùm toàn xã hội, hàng hóa giả, những giá trị giả, mánh lới lừa đảo… Nhưng dường như đại dịch chưa đủ làm con người thức tỉnh, họ tiếp tục phơi bày ra những chiêu trò giả dối, lừa lọc… trong thời khắc sinh tử.

Thiên tai cũng bởi nhân họa mà ra

Trong cơn hoảng loạn của tin tức về dịch bệnh – thiên tai, người ta lại càng tuyệt vọng bởi nhân hoạ, với đủ những chuyện cay đắng đau lòng về cách hành xử của con người trong cơn hoạn nạn chung. Khi dịch bệnh xảy ra, người ta sẵn sàng bán luôn cả nhân phẩm để trục lợi bằng mọi mánh lới buôn bán với giá cắt cổ, như thể đại dịch không phải là nỗi nguy hiểm cho đồng bào mà sẽ là cơ hội để kiếm tiền. Khẩu trang, thực phẩm, thuốc men, bất cứ cái gì cũng có thể là mục tiêu tranh giành hoặc kiếm lợi.

Cái thứ triết học đấu tranh phản lại đạo lý truyền thống mà ĐCSTQ đã bồi đắp mấy chục năm qua khiến cho người ta tin rằng họ có thể giành nhau cả sự sống.

Người vô tình bị nhiễm bệnh trở thành đối tượng bị ghẻ lạnh, truy đuổi, thóa mạ, khinh bỉ. Ngay cả khi làm từ thiện hay cứu trợ thì họ lại tiếp tục mạt sát nhau vì vùng miền, vì tiêm hay không tiêm vaccine, lúc nào cũng chuyện để hơn thua lời ăn tiếng nói. Con virus thì không ai nhìn thấy nhưng con virus trong tâm người thì được dịp hiển hiện, phơi bày ra thật não nùng.

Cái gì là thiết yếu

Các thứ chỉ thị mệnh lệnh khiến cho cuộc sống của người dân khó khăn hơn nhưng chính sự bất hợp lý của nó lại khiến dịch bệnh lan truyền mạnh hơn, như việc người ta đóng cửa chợ truyền thống ở nơi thoáng khí để chen lấn nhau trong siêu thị, cấm người dân ra đường nhưng lại gây chen chúc ở những nơi kiểm duyệt.

Sự trớ trêu diễn ra ở khắp mọi nơi như việc người ta không làm cách nào phân biệt được bánh mỳ hay rau muống hoặc những nhu yếu phẩm đời thường của con người có phải lương thực hay đồ thiết yếu hay không. Vô số những câu chuyện cười ra nước mắt đó, tự nó, phơi bày sự thật là, người ta thậm chí còn quên mất rằng điều thiết yếu nhất đối với con người là lương tri, khi không dùng lương tri để hành xử, biến mình thành công cụ của mệnh lệnh thì ngay cả bản năng làm người cũng mờ tối, thì dẫu là thực phẩm cho đồng loại của mình trong cơn khốn khó cũng khiến người ta loay hoay, bối rối không biết có là mặt hàng thiết yếu hay không.

Trong khi truyền thông vẫn đưa tin về bội thu ngân sách bất chấp đại dịch khó khăn, thì chẳng thiếu những mảnh đời lay lắt, người đói đi gõ cửa từng nhà xin ăn, đi ăn trộm cả gói mì. Vừa mới đây thôi người ta có thể điều máy bay để giải cứu vải ở Bắc Giang, vậy mà hàng ngàn người lao động tự mình chới với giữa cơn bão dịch, đi bộ, đi xe đạp, đi xe ba gác, đùm túm cả gia đình trên những phương tiện thô sơ nhất vượt hàng ngàn cây số cả ngày lẫn đêm, phơi mình trong mưa nắng, đói khát, tháo chạy khỏi thành phố mà chính họ góp phần tạo nên sự thịnh vượng của nó. Chưa hết họ lại còn bị ngăn cản ngay ở nơi họ muốn tìm về, tiến thoái lưỡng nan, quay xe không được mà về quê thì cấm cản, bế tắc. Đau xót hơn cả là trên chặng đường thiên di đẫm nước mắt đó, có người bỏ mạng, không kịp nhìn thấy quê hương… 

Giá mà những tượng đài nghìn tỷ, những cổng chào hoành tráng, những đường sắt triệu đô có thể cứu đói dân trong thảm cảnh. Nhưng không, đã từ lâu, khi có thiên tai dịch bệnh là người dân tự nguyện lo nhau bằng những phong trào từ thiện khởi lên một cách tự phát. Thân phận người như con sâu cái kiến loay hoay giữa đủ thứ nghịch lý oái oăm.

Đại dịch khiến xã hội trở thành một màn trình diễn khổng lồ, mà trên sân khấu đó người ta được xem cả hài kịch lẫn bi kịch trong một vở diễn vô tiền khoáng hậu, nơi những chiêu trò dối trá hiện ra chẳng còn kể đến liêm sỉ, và các khái niệm bị đảo lộn, các giá trị bị sụp đổ, nhân phẩm con người bị đẩy xuống tận cùng.

Mỗi ngày, con virus lần lượt phơi bày tất cả sự thật mà chúng ta từ lâu đã không có khả năng nhìn thấy hoặc cố tình quên đi. Nó phơi bày ra toàn bộ những cái được che đậy, trang điểm màu mè. Trước con virus vô hình, con người bộc lộ rõ bản chất như soi vào chiếc gương của phẩm giá: Sự cơ hội, lòng tham, hay sự hy sinh, tính trách nhiệm; sự vô cảm, trí tuệ hay vô minh, những người tử tế và những kẻ đạo đức giả… Nó không chỉ ở phương diện cá nhân mà còn là cả các quốc gia, nhân tính hay dân tộc tính, đều hiển hiện rõ ràng. Những thứ chưa được phơi bày ra ánh sáng của sự thật chỉ còn là vấn đề thời gian! Đại tự nhiên hiểu rõ lòng người và mọi sự vô tình đều có thể là hữu ý để con người thể hiện chính mình trong một cuộc phán xét sinh tử.

Cuộc thanh lọc của những giá trị

“Nhiều dục vọng sinh ra tai họa”. Trong chữ Hán, từ “bận rộn” 忙 gồm bộ “tâm”⺖ và chữ “vong” 亡 ghép lại, biểu hiện nội hàm: một người luôn quá bận rộn sẽ đánh mất trái tim và hủy diệt lòng người. Đây chẳng phải chính là lời cảnh báo của Thần đối với con người? Loài người đổ xô đi làm những điều có vẻ quan trọng nhưng quên làm một thứ quan trọng nhất là tự cứu bản thân mình.

Những thảm họa liên tiếp bất ngờ phải chăng đang cố gắng lan truyền thông điệp về sự vô thường mong manh của sinh mệnh? Rằng hành trình của đời người không phải là đến thế giới này miệt mài tranh giành nơi danh lợi, vật chất. Bởi vì đến giờ có lẽ mọi người đều có thể thấy, khi có đại nạn thì tiền kiếm được dẫu bằng núi cũng không cứu nổi chính mình. Phải chăng đó chính là điểm hoá của Thần cảnh tỉnh con người nhìn lại chính mình trong một quy luật nhân quả bất biến của vũ trụ. 

Mỗi người đã tạo nên một mảnh vỡ trong xã hội ngày một tan nát về đạo đức và lương tri. Thế giới đã bất ổn từ quá lâu rồi, đã mục rỗng từ bên trong, khi các giá trị đạo đức bị đảo lộn, cái xấu, ác, giả dối thống trị thế giới. Và mỗi người đều góp sóng thành bão trong đó.

Con virus nguy hiểm nhất thực ra chính là con người khi đánh mất bản tính thiện lương, đánh mất những giá trị tốt đẹp đã có, đánh mất mình trong vòng xoáy vật chất, danh, lợi, tình. Bao nhiêu thảm họa trong lịch sử đã xảy ra đều là khi lòng người vô Đạo.

Cuộc đào thải ở bên ngoài khiến số người chết không ngừng tăng lên và thực sự thì người ta còn chưa biết chính xác số lượng người nhiễm và tử vong là bao nhiêu. Nhưng không chỉ thế, nó còn là cuộc thanh lọc từ bên trong: thanh lọc những giá trị ảo, những thứ không cần thiết cho đời sống, những giả dối, lòng tham, độc ác, vô cảm, vô trách nhiệm…

Trạng Trình có câu sấm truyền rằng:

Lời sấm về một cuộc đào thải đáng sợ. Nhưng cũng nhắc nhở con người cách vượt qua nó, bằng cuộc thanh lọc ở bên trong. Khi cái phần xấu trong mỗi người “chết” đi, thì cơ hội sống của con người sẽ tăng lên. Và cái phần còn lại đó có lẽ sẽ là ngày thái bình của nhân loại?

Tâm bất động ức chế vạn động

Chiếc khẩu trang để che chắn cái bên ngoài hay Thượng đế đang nhắc ta quay vào bên trong, tìm lại những giá trị cơ bản của sinh mệnh, chính điều đó mới mang đến sự yên định và bình an nơi mình. Chỉ khi mong muốn tìm vào bên trong chính mình, người ta mới thấy sự cần thiết và vẻ đẹp của sự tĩnh tại, giống như trong trạng thái thiền định, chúng ta sẽ nhận ra sự giàu có không phải ở thế giới bên ngoài mà trong chính nội tâm mình, chúng ta cảm nhận sự đủ đầy trong tỉnh thức và giác ngộ, đó mới là sự đủ đầy mà không thể bị lấy đi bởi virus hay bất kỳ thế lực nào.

Bình tĩnh suy xét điều gì mới thực sự có thể cứu vãn chúng ta trong hoạn nạn. Virus không chỉ có một loại, trước đây thế giới đã trải qua đại dịch SARS, và tương lai, biết đâu sẽ còn những đại dịch nào khác nữa. Chế tạo ra vacxin này thì lại có virus khác… Chừng nào chúng ta còn mãi chạy chữa cái bên ngoài, và không nhìn nhận nguyên nhân sâu xa từ bên trong, thì cuộc sống của chúng ta sẽ mãi chỉ là chạy theo các tai hoạ mà thôi.

Những cảm xúc tiêu cực lại là một chất xúc tác khiến cơ thể trở nên yếu hơn. Người ta có thể chưa chết vì bệnh, nhưng đã có thể chết vì sợ hãi, lo lắng, hoảng loạn. Đó đều là những trạng thái khiến con người suy giảm năng lượng miễn dịch tự nhiên, vốn là cách duy nhất chống lại virus. 

Sống chậm lại để nhận ra ý nghĩa cuộc đời là viên mãn trong phẩm hạnh của mình, với niềm tin vào Thần Phật và quy luật Nhân quả. Chính sự bình an nơi tâm là nguồn năng lượng lớn để chúng ta miễn nhiễm với bệnh dịch. Trong trạng thái thiền của tâm trí, chính là khi ta có đủ năng lượng để bình yên trước biến động cuộc đời. Nhưng sự bình an đó chỉ có khi chúng ta có niềm tin vào những giá trị bất biến. Những giá trị tinh thần thuộc về đạo đức, luôn cao hơn cả sự tồn vong của một con người. Khi trong tâm có Đạo, mọi sự biến loạn sẽ dừng lại ở bên ngoài ta, mà đời người cũng giữ được an nhiên trong mọi cảnh ngộ.

Thiên tai, dịch bệnh là lời cảnh tỉnh của Thượng đế, để con người quay lại lựa chọn yêu thương và tử tế với nhau. Bởi vì suy cho cùng thì thế giới này chỉ nên tồn tại và chỉ có thể tồn tại bằng sự chân thực, lòng lương thiện, bao dung, những phẩm chất cao quý tương thông với Trời, với Thần. Đó là cách Thần Phật, Thượng đế sẽ bảo hộ những đứa con của Ngài.

Đan Thư



Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

VẮC XIN VIỆT ĐÃ RẤT GẦN

 

Nghiên cứu sản xuất vắc xin chống COVID-19 tại Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen - Ảnh: DUYÊN PHAN

 Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh quốc gia đã thông qua báo cáo đánh giá giữa kỳ vắc xin Nano Covax và báo cáo cuối sau khi chỉnh sửa hoàn tất đã nộp lại hội đồng ngày 25-8 - một dấu mốc quan trọng của quá trình bào chế vắc xin nội.

Theo hướng dẫn về đăng ký vắc xin Bộ Y tế vừa ban hành ngày 19-8, các vắc xin nghiên cứu phát triển và nhận chuyển giao công nghệ tại Việt Nam (hiện có 3 vắc xin là Nano Covax, Covivac và Arct-154) có khả năng sẽ được cấp phép lưu hành sớm hơn so với quy trình bình thường.

Và theo quy định, sau khi thông qua báo cáo, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh quốc gia (gọi tắt là Hội đồng đạo đức) sẽ chuyển hồ sơ sang Hội đồng tư vấn cấp phép lưu hành thuốc và vắc xin của Bộ Y tế (gọi tắt là Hội đồng tư vấn cấp phép). 

Trong vòng 3 ngày sau khi nhận hồ sơ, Hội đồng tư vấn cấp phép sẽ họp cho ý kiến và nếu hội đồng này thông qua thì Bộ Y tế sẽ cấp phép trong vòng 20 ngày.

Từ "số 0" đến an toàn, đạt yêu cầu miễn dịch

Nano Covax là sản phẩm của các nhà nghiên cứu thuộc Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen, một công ty chuyên về sản xuất thuốc, đặc biệt là thuốc trị ung thư, viêm gan siêu vi nhưng chưa có kinh nghiệm về sản xuất vắc xin. 

Đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, ý tưởng ban đầu của những người phát triển vắc xin này là "làm gì đó cho người thân, cho thành viên công ty sử dụng", như tâm sự của ông Hồ Nhân - tổng giám đốc - trong buổi trao đổi trực tuyến gần đây.

Nhóm phát triển vắc xin Nano Covax được hình thành và đến tháng 7-2020 trở thành 1 trong 3 đơn vị tham gia "cuộc đua" phát triển vắc xin nội khi thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật. Quá trình này kéo dài từ thử trên chuột nhắt trắng, rồi chuột hamster, do Việt Nam chưa có cơ sở nhận thử trên linh trưởng.

Đến tháng 12-2020, Nano Covax là đơn vị đầu tiên khởi động thử nghiệm vắc xin trên người tại Học viện Quân y. Sau khi giai đoạn 1 được đánh giá đạt yêu cầu về độ an toàn, ngày 26-2-2021 vắc xin Nano Covax bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên hơn 500 người. 

Tiếp đó, nhóm nghiên cứu bắt đầu thu tuyển người tham gia giai đoạn 3 với 13.000 người tình nguyện (chia làm giai đoạn 3a và 3b) và ngày 11-6 đã tiêm mũi đầu tiên.

Qua đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 trên 1.000 người thử nghiệm giai đoạn 3a, trong đó 60% 18-45 tuổi, 22% từ 46-60 tuổi, số còn lại trên 60 tuổi. Trong đó, 3,45% có bệnh lý kèm theo (1 người có tiền sử ung thư, 3 người bệnh tim, 20 người tăng huyết áp, 60 người đái tháo đường...). 

Kết quả cho thấy trung bình nồng độ kháng thể Anti-S-IgG đạt 57,56 U/ml, tăng gấp 218.93 lần so với D0 (trước khi tiêm), tỉ lệ chuyển đảo huyết thanh đạt 99,2%. Nhóm nghiên cứu đánh giá vắc xin đạt yêu cầu về tính sinh miễn dịch.

Về độ an toàn, sau tiêm vắc xin có 38,7% người thử nghiệm cho biết có đau nhẹ, 12% "đau trung bình", 1 người đau nhiều tại vị trí tiêm; 2,6% có đỏ nhẹ tại vết tiêm, 5,4% có ngứa, 2,2% có sưng thành cục cứng tại vị trí tiêm, 2% có buồn nôn, 6,7% có đau cơ. Có 2 người gặp phản ứng phản vệ độ 2 và hồi phục trong ngày tiêm. Số còn lại bình thường.

Với 12.000 người tham gia giai đoạn 3b (đều đã tiêm 2 mũi) cũng không ghi nhận phản ứng nặng, cho thấy vắc xin đảm bảo về độ an toàn. Nhóm nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục lấy mẫu đánh giá ngày thứ 42 sau tiêm của 12.000 tham gia giai đoạn 3b, đồng thời đề nghị cấp phép khẩn cấp cho Nano Covax.

Vắc xin Việt đã rất gần - Ảnh 2.

Bên trong khu vực điều chế vắc xin Nano Covax của Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cắt giảm thủ tục nhưng không giảm yêu cầu chuyên môn

Đây là yêu cầu được lãnh đạo Bộ Y tế nhiều lần thông báo trong quá trình nghiên cứu, phát triển các vắc xin nội. Hiện tại có 3 vắc xin đang được thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam, gồm Nano Covax đã báo cáo giữa kỳ giai đoạn 3, Covivac vừa bước vào giai đoạn 2 và Arct-154 (vắc xin nhận chuyển giao công nghệ) vừa bước vào giai đoạn 1.

Phát biểu gần đây tại phiên nghiệm thu thử nghiệm giai đoạn 2 vắc xin Nano Covax, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã cho biết: "Bộ Y tế ủng hộ và thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt với nghiên cứu phát triển vắc xin COVID-19 trong nước, khẩn trương nhưng cần phải chặt chẽ, khoa học, đảm bảo dữ liệu đưa ra là tin cậy". 

Chính vì vậy, mặc dù đã có quốc gia cho phép lưu hành khẩn cấp vắc xin COVID-19 sau khi có dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, nhưng Việt Nam đã làm kỹ hơn, yêu cầu dữ liệu đến giai đoạn 3a, song song thử nghiệm tiếp giai đoạn 3b.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, vắc xin Nano Covax sử dụng công nghệ tương tự công nghệ mà Cuba dùng và vừa phê duyệt cho vắc xin COVID-19 do Cuba phát triển, nhưng vắc xin của Cuba tiêm 3 mũi, so về mức độ thuận tiện thì Nano Covax có thuận tiện hơn khi yêu cầu tiêm 2 mũi.

Còn cần thêm những đánh giá, những yêu cầu từ các hội đồng chức năng trước khi Nano Covax được phê duyệt cho phép sử dụng khẩn cấp. 

Nhưng với việc Hội đồng đạo đức đã thông qua báo cáo giữa kỳ giai đoạn 3 là một dấu mốc quan trọng không chỉ riêng với vắc xin Nano Covax mà còn là niềm hy vọng của Việt Nam về tự chủ được vắc xin cho chủng phòng bệnh để sớm quay lại sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, học tập bình thường.

Vắc xin Việt đã rất gần - Ảnh 3.

Dữ liệu H.L. - Đồ họa: T.ĐẠT

Đang nghiên cứu cả dạng xịt mũi

Theo giới chuyên gia, Việt Nam đã sản xuất vắc xin từ những năm 1960 và hiện nay đang tự chủ gần như toàn bộ vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Riêng Nanogen là "tân binh" chưa có kinh nghiệm nghiên cứu vắc xin so với các đơn vị có truyền thống khác, nhưng về công nghệ tái tổ hợp protein để sản xuất vắc xin Nano Covax thì Nanogen có kinh nghiệm.

Ngoài dạng tiêm, Nano Covax còn đang được nghiên cứu cả dạng xịt mũi.

Cho phép sử dụng khẩn cấp thời điểm này là hợp lý

TS Nguyễn Huy Luân, trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, cho hay vắc xin Nano Covax được phát triển theo công nghệ tái tổ hợp protein, đây là một công nghệ cổ điển, do đó nhiều khả năng là an toàn.

Vấn đề còn lại các cơ quan chuyên môn làm sao chứng minh công khai được hiệu quả bảo vệ để người dân tin tưởng ủng hộ vắc xin "made in Vietnam".

Ông Luân cho rằng nếu vắc xin Nano Covax được cấp phép khẩn cấp trong bối cảnh này là điều khá tốt, giúp tự chủ được nguồn vắc xin trong nước. Tuy nhiên cần có thêm các báo cáo đánh giá ở giai đoạn 4, tức sau khi đưa ra thị trường tiêm cho người dân.

"Giai đoạn này đòi hỏi phải có mạng lưới khảo sát chi tiết, cần có báo cáo phản ứng và hiệu quả sau tiêm để khẳng định tính hiệu quả, an toàn của loại vắc xin này như thế nào" - bác sĩ Luân nói.

Theo ông Luân, việc "bung" vắc xin ra ở thời điểm nào cũng là vấn đề rất quan trọng.

"Nếu được phê duyệt, tôi cho rằng cần phải bung vắc xin này tiêm cho cộng đồng càng sớm càng tốt, ngay thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh và đang thiếu hụt vắc xin như hiện nay. Đây là mũi tên trúng hai đích, vừa đáp ứng nhu cầu vắc xin vừa là phép thử nhằm đánh giá mức độ hiệu quả thực sự của vắc xin đến đâu khi tiêm trên nhóm người có nguy cơ cao" - ông Luân phân tích.

Một chuyên gia theo sát quá trình phát triển vắc xin Nano Covax cho rằng dù chưa đánh giá được hiệu lực bảo vệ nhưng trong tình huống thực sự khẩn cấp như hiện nay, việc cấp phép sử dụng vắc xin này là hợp lý bởi mức độ an toàn của vắc xin có thể tin tưởng.

"Nếu được cấp phép, trước tiên nên tiêm cho người trẻ tuổi để theo dõi hiệu lực bảo vệ, nếu chưa đạt yêu cầu có thể dễ dàng phủ một loại vắc xin khác để bảo vệ họ. Chưa nên tiêm cho nhóm người cao tuổi vì khi dịch lây lan rất khó kiểm soát, khó tiêm phủ lại, điều này có thể gây nguy hiểm cho người bệnh" - vị này nói.

HOÀNG LỘC