Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

TIÊM TRỘN 2 VACCINE COVID-19 KHÁC NHAU CÓ AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ HAY KHÔNG?

 


Theo các bác sĩ của Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, kết hợp tiêm một số vaccine COVID-19 có vẻ an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều này có thể không đúng với tất cả các loại vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận. 

Kết hợp các chế phẩm vaccine COVID-19, tức là mũi đầu tiên tiêm một loại vaccine, mũi thứ hai lại tiêm loại vaccine khác.

Cơ sở khoa học và thực tiễn

Các nghiên cứu gần đây từ một số quốc gia đã chỉ ra rằng tiêm vaccine AstraZeneca ở liều đầu tiên và vaccine Pfizer ở liều thứ hai có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Lượng kháng thể sinh ra tương đương tiêm 2 mũi vaccine Pfizer. Tuy nhiên, sự kết hợp này cũng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn.

Ở Mỹ, các thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra để xem liệu kết hợp vaccine có thể được sử dụng làm mũi tiêm nhắc lại ở người lớn đã được tiêm chủng đầy đủ hay không. Pháp và Đức đã đưa ra lời khuyên ủng hộ tiêm trộn vaccine trong một số trường hợp, bởi vì các chính phủ đó không còn khuyến nghị sử dụng vaccine AstraZeneca cho một số nhóm tuổi nhất định.

Canada, Phần Lan, Pháp, Na Uy, Thụy Điển, Tây Ban Nha và Hàn Quốc cũng đã cho phép sử dụng một loại vaccine khác cho liều thứ hai nếu liều đầu tiên được tiêm là AstraZeneca.

Nghiên cứu của Combivacs ở Tây Ban Nha cho thấy những người được tiêm liều đầu tiên của vaccine AstraZeneca và liều thứ hai của vaccine Pfizer có phản ứng mạnh hơn so với những bệnh nhân được tiêm hai liều AstraZeneca.

Trong khi đó, một nghiên cứu của thử nghiệm Com-Cov của Oxford Vaccine Group cho thấy những người được tiêm các loại vaccine hỗn hợp có tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Nghiên cứu vẫn chưa xác định tác động của việc trộn vaccine lên hệ thống miễn dịch.

AstraZeneca hiện đang nghiên cứu xem liệu liều đầu tiên của họ và liều thứ hai của vaccine Sputnik V có thể giúp tăng cường phản ứng miễn dịch hay không. Các nhà sản xuất vaccine Sinovac và Sinopharm gần đây đã thông báo rằng họ đang xem xét nghiên cứu về việc kết hợp các loại vaccine đó với vaccine của các công ty khác.

Việc kết hợp vaccine đã được kiểm nghiệm và phê duyệt có thể giúp giảm bớt áp lực chuỗi cung ứng, tăng cường phản ứng của hệ thống miễn dịch, cung cấp khả năng miễn dịch rộng hơn, giảm sự xuất hiện của các biến thể mới, đồng thời tạo ra sự bảo vệ mạnh mẽ hơn và lâu dài hơn. Một lần nữa, điều này phụ thuộc vào sự kết hợp cụ thể và việc trộn vaccine không được phê duyệt có thể dẫn đến các tác động tiêu cực đến sức khỏe hoặc giảm hiệu quả.

Việc trộn vaccine từ các nhà sản xuất khác nhau cho các bệnh cụ thể đã được thực hiện trước đây đối với bệnh cúm, viêm gan A và các bệnh khác. Đôi khi lựa chọn này phải được thực hiện do nguồn cung cấp hạn chế, sự chậm trễ trong sản xuất, dữ liệu gần đây về các tác dụng phụ cần được điều tra.

Một số quan điểm chính thống hiện nay

Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo, những người đã tiêm mũi 1 vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vaccine đó. Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vaccine do Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine do AstraZeneca sản xuất nếu người được tiêm chủng đồng ý. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 8-12 tuần. Không sử dụng vaccine do Moderna sản xuất hoặc các loại vaccine khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca.

Những người đã tiêm vaccine do Sinopharm, Pfizer, Moderna, SputnikV sản xuất mũi thứ 1 thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vaccine cùng loại. Khoảng cách giữa hai mũi theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Canada cho phép phối hợp vaccine nếu nguồn cung bị hạn chế, khi người được tiêm khó có thể được tiêm liều thứ hai cùng loại với liều thứ nhất, hoặc nếu họ đã tiêm mũi đầu với vaccine của AstraZeneca.

Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh ở Mỹ mới cho phép phối hợp vaccine của Pfizer và Moderna với nhau và chỉ áp dụng cho các trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn thiếu vaccine hoặc khi người được tiêm không nhớ trước đây mình đã tiêm loại nào. Hai loại này sử dụng chung một công nghệ.

Ts. Nguyễn đăng mạnh, ths. Phạm văn chung - viện lâm sàng các bệnh truyền nhiễm – bệnh viện trung ương quân đội 108


Không có nhận xét nào: