I- TU THIỀN LÀ BÁC BỎ NHÂN QUẢ CHĂNG ?
Nhân quả là đạo lý căn bản của người học
Phật. Người tu, nhất là tu Thiền cần phải hiểu rõ, nhận kỹ điểm này, không để
sảy chân sa đọa phải hối hận kiếp kiếp lâu dài. Bời người tu Thiền thường nghe
nói: “Xưa nay không một vật”, thì nhân quả để ở chỗ nào? Nhân quả có hay không
?
Đây dẫn câu chuyện thời Tổ Bá Trượng: Sư
mỗi khi thượng đường dạy chúng, có một ông già theo chúng nghe pháp. Hôm nọ,
chúng ra hết chỉ còn ông già không đi. Sư hỏi:
- Ông là người gì ?
Ông già thưa:
- Con chẳng phải người, thời quá khứ thuở
Đức Phật Ca diếp, con làm tăng ở núi này, nhân học trò hỏi: “Người đại tu hành
có rơi vào nhân quả chăng?”. Con đáp: “Không rơi vào nhân quả”. Do đó đến năm
trăm đời đọa làm thân chồn. Nay thỉnh Hòa thượng chuyển một câu nói để con
thoát khỏi thân chồn.
Sư bảo:
- Ông hỏi đi!
Ông già hỏi:
- Người đại tu hành có rơi vào nhân quả
chăng ?
Sư đáp:
- Không lầm nhân quả.
Ngay câu nói ấy, ông già đại ngộ làm lễ
thưa:
- Con đã thoát thân chồn. Con ở sau núi
dám xin Hòa thượng lấy theo lễ Tăng chết mà tống táng con.
Sư vào trong kêu Duy Na đánh kiểng bảo
chúng ăn cơm xong đưa đám một vị tăng. Đại chúng nhóm nhau bàn tán: “Đại chúng
đều mạnh, nhà dưỡng bệnh không có người nào nằm, tại sao có việc này?”.
Sau khi ăn cơm xong, Sư dẫn chúng đến
hang núi phía sau, lấy gậy khơi lên thấy xác một con chồn vừa chết, bèn làm lễ
thiêu như vị Tăng.
Trong đây cho thấy người làm thầy chỉ đáp
lầm một chữ thôi mà phải năm trăm kiếp đọa làm chồn. Người học đạo có thể hời
hợt, khinh thường đối với việc này sao?
Bởi ông Tăng đáp “chẳng rơi”, tức gạt
nhân quả qua một bên, sống ngoài nhân quả. Đó là phủ nhận một bên, rơi vào đoạn
kiến nguy hiểm! Xưa, Tôn giả Đại Mục Kiền Liên là bậc A La Hán thần thông đệ
nhất trong hàng đệ tử Thanh Văn của Phật, nhưng đến cuối đời, bị bọn xấu đánh
nát thân, thì thế nào? Hơn nữa, đối trong con mắt nhà Thiền, câu hỏi: “Có rơi
không” là đã mắc kẹt hai bên, “rơi - chẳng rơi” rồi. Câu đáp “chẳng rơi”, cũng
là rớt một bên, cho thấy người đáp chưa đủ mắt sáng.
Tổ Bá Trượng đáp: “Chẳng lầm” tức không
kẹt “rơi” hay “chẳng rơi”, mà chính là thấy rõ ràng, thấy tường tận nhân quả,
không chút sai lầm, không chút lờ mờ hỗn tạp. Đó mới thật là bậc sáng suốt. Cho
nên người đại tu hành là đã mở sáng mắt trí tuệ, thấy tột cùng nhân quả không
còn nghi ngờ.
Trong Tuyệt Quán Luận có đoạn nhân duyên
hỏi đáp:
Hỏi:
- Có nhân duyên được sát sinh chăng ?
Đáp:
- Lửa hoang đốt núi, gió mạnh thổi gãy
cây, núi lở đè thú, nước tràn làm trôi trùng, tâm được đúng như thế thì cả đến
người cũng giết được. Nếu có tâm do dự, thấy sống, thấy giết, trong đó chưa hết
tâm có, thì dù đến con kiến cũng buộc mạng ông.
Nghĩa là vừa có động niệm là không tránh
khỏi nhân quả; huống nữa đã tạo tác rổi lại khởi tâm biện luận để muốn phủ nhận
nhân quả được sao ?
Thiền sư Thừa Hạo khoảng niên hiệu Thiên
Khánh 1023 – 1031, xuất gia ở viện đại Lực, sau sư đến tham học với Thiền sư Tư
Quảng ở Bắc Tháp, đạt thấu huyền chỉ, được Tam muội đại tự tại. Sư có may cái
khố vải, rồi viết tên các vị Tổ sư trên đó tùng lâm gọi là Hạo Bố Côn. Có ông
tăng trẻ thấy vậy bắt chước cũng may một cái làm như thế. Sư biết được, gọi ông
đến quở trách. Một tuần sau ông tăng ấy thổ huyết chết.
Học thiền không tới nơi mà bắt chước là
nguy hiểm như thế. Làm để tỏ ra ta đây đạt Thiền, ta đây tự tại không vướng
mắc… Nhưng không ngờ mình đã vướng mắc rồi. Vướng cái gì? Tức là vướng mắc vào
cái khuôn của người xưa. Thêm một điểm nữa là, đã có tâm làm rồi, thì chạy đâu
cho khỏi? Có tâm thì có pháp, có mình, có người, có đủ tất cả, không thể lý
luận để chạy trốn!
Hòa thượng Minh hỏi Quốc Sư Đức Thiều ở
Thiên Thai:
- Ngài Ca Diếp mang chiếc y trượng sáu
của Đức Thích Ca vào núi Kê Túc đợi lúc Di Lặc hạ sanh mới đem y một trượng sáu
khoác lên trên thân nghìn thước của Đức Di Lặc, kích thước vẫn vừa vặn. Chỉ như
thân của Đức Thích Ca cao một trượng sáu, thân Đức Di Lặc cao một nghìn thước,
vậy thì thân biết rút ngắn lại hay y biết nới dài ra?
Sư đáp:
- Ông lại hội.
Minh phủi áo đi ra.
Sư nói:
- Kẻ tiểu nhi, Sơn tăng nếu như đáp cho
ông chẳng phải, chính sẽ có nhân quả. Ông nếu chẳng phải, ta sẽ thấy rõ.
Minh trở về bảy ngày sau bị thổ huyết.
Hòa thượng Phù Quang khuyên:
- Ông mau đi sám hối.
Minh liền đến phương trượng của Sư buồn
khóc thưa:
- Nguyện Hòa thượng từ bi nhận cho con
sám hối.
Sư bảo:
- Như người té xuống đất, nhân đất mà
đứng dậy, ta chưa từng dạy ông có ngã hay đứng.
Minh lại thưa:
- Nếu Hòa thượng cho con sám hối, con
nguyện suốt đời hầu Hòa thượng.
Sư vì Minh mà nói ra:
- Phật Phật đạo đạo đồng, bổng dưng chia
có cao thấp. Thích Ca, Di Lặc như con dấu in vào đất bùn. Đây cho thấy nhân quả
không phải là chuyện đùa chơi, phải rất cẩn thận! Đối với nhân quả không có
luật sư biện hộ như ở thế gian, mà gốc chính từ tâm tạo thành, tâm gây ra để có
nghiệp quả báo, thì cũng phải chính từ tâm mà chuyển nghiệp. Tâm không chuyển
chỉ cứ lý luận suông thì không thể sạch được nghiệp. Người chân chính học đạo
phải thật chín chắn nhận định rõ ràng chỗ này!
II- NHÂN VÔ THƯỜNG, QUẢ VÔ THƯỜNG
Người tu giải thoát nhưng không rõ nhân
quả, lấy tâm sinh diệt tu hành thì được quả là sinh diệt không nghi. Ngày xưa
nhiều vị tu Tiên, đem tâm tưởng bám vào cái ta sinh diệt này mà tu, cầu sống
lâu, cầu thần thông, cuối cùng vẫn thuộc luân hồi, không hết phiền não.
Trong tập Nhân Thiên Bảo Giám có thuật
lại câu chuyện Lữ Đồng Tân Thiền sư Hối Cơ ở Hoàng Long. Ông sống vào khoảng
thời Đường, niên hiệi Thiên Bảo (742-755), nhiều lần đi thi Tiến sĩ mà không
đậu, nhân đó đi dạo chơi ngọn Hoa Sơn gặp Chung Ly Quyền, là vị lang tướng đời
Tấn tránh loạn vào núi học pháp dưỡng mạng, lúc đó đem truyền dạy cho ông thuật
luyện Kim đan và kiêế pháp Tiên thiên, ông đạt được phép dạo đi tự tại.
Nhân đi qua núi Hoàng Long ở Châu Ngạc
thấy khí tía vờn quanh, ông nghi là có bậc di nhân ở, bèn đi vào thì gặp lúc
Thiền sư Cơ thượng đường. Sư biết có người lạ ẩn dưới tòa, liền lớn tiếng bảo:
- Trong chúng có kẻ trộm pháp.
Ông đi ra hiên ngang hỏi:
- Trong một hạt lúa chứa thế giới, trong
nồi nửa thăng nấu núi sông, hãy nói ý chỉ này thế nào?
Sư đáp:
- Quỷ giữ thây chết.
Ông thưa:
- Ngặt vì trong túi chứa thuốc trường
sinh bất tử thì sao?
Sư bảo:
Dù trải qua tám muôn kiếp, cuối cùng cũng
phải chết mất thôi.
Lữ đồng Tân bất mãn, bực tức bỏ đi. Đến
tối, ông phóng kiếm đến định hại Sư. Sư đã biết trước nên lấy pháp y trùm lên
đầu rồi ngồi nơi phương trượng. Kiếm bay đến bay quanh Sư mấy vòng, Sư lấy tay
chỉ, kiếm liền rơi xuống đất. Ông tạ tội. Sư nhân đó gạn hỏi:
- Trong nồi nửa thăng thì chẳng hỏi, thế
nào là trong một hạt lúa chứa thế giới?
Ông ngay lời đó liền có tỉnh, bèn làm bài
kệ:
Bóp nát bầu rượu đập vỡ đàn,
Giờ đây chẳng luyến thuốc Kim đan.
Từ khi gặp được Hoàng Long đó,
Mới biết từ xưa dụng tâm quàng.
Ảo khước biều nhi toái khước cầm,
Như kim bất luyến thủy trung kim
Tự tùng nhất kiến Hoàng Long hậu,
Thủy giác tùng tiền thố dụng tâm.
Cho thấy ông Lữ Đồng Tân tu được thần
thông, được sống lâu nhưng phiền não không sạch, tâm hơn thua còn nặng, tức là
vẫn sống trong lòng sinh tử luân hồi thôi.
Thiền sư Cơ ở Hoàng Long thương xót đánh
thức cho ông thấy rõ, dù luyện được Kim đan, uống thuốc tiên sống lâu hàng ngàn
năm, nhưng cuối cùng cũng phải chết, cũng trở lại luân hồi, đó chỉ như quỹ giữ
thây chết thôi. Phải tỏ ngộ được tự tánh, là cái nhân không sanh diệt mà nương
đó tu hành, mới là con đường giải thoát chân thật.
Trong thời Tôn giả Ưu Ba Cúc Đa có tỳ
kheo Thiện Kiến ở nước Kế Tân tu hành chứng được tứ thiền và năm thứ thần
thông. Gặp những lúc trời hạn hán, ông thường cầu được mưa nên khởi lòng tăng
thượng mạn, tự cho mình đã được quả A-la-hán. Tôn giả Ưu Ba Cúc Đa muốn độ ông,
Ngài bèn hóa làm cho mười hai năm hạn hán. Mọi người đều hoảng sợ, đến chỗ Tôn
giả bạch rằng: “Kính mong Ngài vì chúng con mà cầu mưa cho”. Tôn giả đáp: “Ta
không thể cầu mưa, ở nước Kế Tân có Tỳ kheo Thiện Kiến có khả năng cầu mưa”.
Khi ấy mọi người trong nước liền sai sứ đi qua chỗ Tỳ Kheo kia cầu thỉnh. Tỳ
kheo Thiện Kiến nhận lời thỉnh, dùng sức thần thông của thế tục bay đến nước Ma
Đột La đồng thỉnh cầu: “Bạch Xà Lê! Xin Ngài vì chúng con mà cầu mưa cho!”. Tỳ Kheo
Thiện Kiến cầu mưa kết quả mưa to ngập đầy các nơi. Mọi người đều vui mừng sắm
sửa đồ cúng đem đến cúng dường. Tỳ Kheo Thiện Kiến rất được lợi dưỡng, liền
khởi lòng kiêu mạn nói rằng: “Chỗ Ngài Ưu Ba Cúc Đa được cúng dường chẳng bằng
ta”. Sau đó Tỳ Kheo ấy liền tự suy nghĩ: “Bậc A-la-hán thì không có ngã mạn,
mới biết ta nay chẳng phải là A-la-hán rồi”.
Tỳ Kheo ấy liền đi qua chỗ Tôn giả cầu
chỉ dạy phương pháp để tiến thêm. Tôn giả bảo: “Ông chẳng giữ gìn phép tắc của
Phật, làm sao dạy ông? Phật chẳng cho Tỳ Kheo cầu mưa, ông đã làm lại còn sanh
tâm kiêu mạn, làm sao tự nói rằng ta được A-la-hán?”. Tỳ Kheo ấy liền hướng về
Tôn giả chí tâm sám hối. Tôn giả chỉ dạy cho, ông liền đắc quả A-la-hán.
Như vậy Tỳ Kheo Thiện Kiến tu hành chứng
được tứ thiền, được năm thần thông nhưng còn lòng kiêu mạn, tức cái nhân sinh
tử chưa hết nên không chứng được giải thoát vô sinh. Cũng may là ông tỉnh lại,
nếu không, cứ bám chặt vào đó cho là mình đã thật đắc đạo, rồi khinh thường các
bậc thánh khác, thì cuối cùng không biết sẽ đi về đâu? Giải thoát thì hẳn là
khó đến rồi.
Còn người tu cầu phước đời sau hưởng thế
nào? Đây là tu trong luân hồi, nhưng tránh mất thân người. Bởi đời sau hưởng là
ai hưởng? Ta hưởng chớ gì! Đó là con máng tính chấp ngã, nghĩ đến mình hưởng,
tức còn vướng trong sinh tử. Kinh Kim Cang Phật dạy bố thí bảy báu đầy cả hằng
sa thế giới, không bằng người trì bốn câu kệ kinh Kim Cang . Bởi bố thí nhiều
thì được phước lớn rồi cứ lo hưởng phước, sinh đi sinh lại để hưởng trong vòng
luân hồi này, với con mắt của bậc giác ngộ cũng đâu có gì vui sướng! Mỗi một lần
sinh tử là bao nhiêu đau khổ trong đó, đâu hẳn là vui. Hơn nữa, nếu thiếu trí
tuệ mà có phước tức còn lòng tham thì càng tham thêm.
Như chuyện vua Đảnh Sanh, do phước báu
đời trước, vua cai trị một nước rộng lớn, có vòng vàng, voi bạc, ngựa khỏe,
ngọc minh châu, vợ xinh đẹp, quan văn trung hiếu, quan võ hùng dũng và một ngàn
người con. Vua được trời mưa vàng bạc, các nước bốn phương thần phục, nhưng vẫn
chưa thỏa mãn, vua nghĩ muốn lên cõi trời cho biết. Nhờ phước lành của vị
chuyển luân vương, chiếc vòng vàng kéo vua bay lên trời. Trời Đế Thích nhìn
thấy vua Đảnh Sanh liền ra nghinh đón vào trong cung trời và nhường tòa cho
ngồi. Vua Đảnh Sanh ngồi xong, nhìn xuanh quanh thấy cung điện làm bằng bảy
báu, tỏa sáng khác xa ở nhân gian, vua chưa từng thấy bao giờ, lúc đó, vua thầm
nghĩ: “Ở hạ giới, ta đã thống lĩnh đất đai bốn phương, ngọc ngà châu báu, mỹ nữ
nhiều vô kể, nhưng những thứ đó đâu có thể sánh được với những thứ ở thiên cung
này. Hay là trời Đế Thích sắp qua đời, ngài gọi ta ngồi vào cung điện này để
cho ta cai quảng cả trên trời lẫn hạ giới, thật là tuyện diệu biết bao!”.
Vua Đảnh Sanh vừa có ý nghĩ xấu đó, bị
trời Đế Thích đẩy rơi trở lại hạ giới. Sau đó vua mắc bệnh nặng, các đại thần
đến vây quanh thăm hỏi, vua trịnh trọng bảo:
- Các ngươi luôn ở bên ta, tất cả những
gì ta làm, các ngươi đều biết rõ. Nếu như sau này có ai đó hỏi: “Đại vương của
các ngươi chết như thế nào?”. Các ngươi phải đáp rằng: “Ông ta chết vì bệnh
tham lam vô độ. Bây giờ ta đã hiểu rằng tham lam là con dao lợi hại để làm tổn
hại sinh mạng của con người, là nọc độc làm vong quốc! Tiếc quá, ta hiểu ra thì
đã muộn rồi. Các ngươi nên bảo người đời rằng: tham lam là ngọn lửa thiêu thân,
chớ nên xem thường!
Nói xong, vua Đảnh Sanh buông xuôi tay
xuống, ngài qua đời. (Theo truyện cổ Phật giáo).
Đây cho thấy, người có phước nhưng thiếu
tuệ, bị lòng tham sai khiến, tham không biết đủ, tham quá mức nên đành chịu
khổ. Đã lên được cung trời, được vua trời nhường cho ngồi chung tòa, vẫn còn
chưa biết đủ, muốn chiếm luôn tòa ngồi một mình, thành tổn phước, rơi trở lại
nhân gian.
Kinh Pháp Cú câu 186-187, Phật cũng dạy:
Giả sử mưa vàng
bạc
Cũng chẳng thỏa lòng tham
Người trí rõ ái dục
Vui ít mà khổ nhiều
Thế nên vui cõi trời
Người cũng chớ mong cầu
Để tử bấc chính giác
Chỉ cần trừ ái dục.
Nghĩa là, lòng tham của con người là
không đáy, không biết đâu là giới hạn. Mà như vậy thì có bao giờ được thỏa mãn?
Không thỏa mãn thì sao gọi là vui được? Nên gọi là vui trong cái khổ thôi! Đó
là nói về cái vui trong luân hồi thuộc nhân quả sinh diệt, giữ không mất thân
người, để tiến lên nữa, chớ không dừng ngay đây.
III- NHÂN CHẲNG SINH DIỆT, QUẢ CHẲNG SINH
DIỆT
Người tu hành giải thoát muốn đạt quả
chẳng sinh diệt, phải chọn đúng cái nhân chẳng sinh diệt mà tu, nhân quả tương
ứng với nhau thì chỗ làm mới đáng tin chắc.
Trong kinh Viên Giác, Bồ tát Văn Thù hỏi
Phật:
- Bạch Đức Đại Bi Thế Tôn! Xin vì chúng
nghe pháp trong này mà nói nhân địa pháp hạnh thanh tịnh bổn khởi của Đức Như
Lai, và nói cho các Bồ tát đối với Đại thừa phát tâm thanh tịnh, làm sao mà xa
lìa các bệnh, hay khiến cho chúng sinh đời sau, người cầu Đại thừa khỏi rơi vào
tà kiến?
Phật bảo:
- Này thiện nam tư! Đức Vô thượng pháp
vương có môn Đà-la-ni tên Viên Giác, lưu xuất tất cả thanh tịnh chân như, Bồ
đề, Niết bàn và Ba-la-mật, trao dạy cho các bồ tát. Tất cả nhân địa bổn khởi
của Như Lai đều y nơi giác tướng thanh tịnh viên chiếu này, hằng đoạn vô mình
mới thành Phật đạo.
Tức Bồ tát Văn Thù hỏi Đức Phật về nhân
địa ban đầu của các Đức Phật tu hành, nhân đó mà thành quả Viên Giác. Phật chỉ
rõ, nhân địa đó, chỉ là y theo tánh Viên Giác thanh tịnh mà dứt sạch vô minh,
liền thành quả giác. Tánh Viên Giác tức tâm thể chân thật không sinh không diệt
nơi mỗi người chứ không gì khác. Lấy đó làm nhân địa tu hành, tức khế hợp với
quả thường trụ, đó là nhânq quả tương ưng với nhau, việc làm thành tựu như ý
nguyện là không nghi.
Kinh Kim Cang, Phật cũng từng dạy Bồ tát
phát tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, muốn hàng phục tâm, phải độ tất cả
chúng sinh vào vô dư Niết bàn mà không thấy có một chúng sinh được diệt độ.
Phát tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác,
tức tâm chẳng sinh chẳng diệt. Độ hết chúng sanh vào vô dư Niết bàn, tức sống
trở về trước khi động niệm. Đó là sống trong tâm chẳng sinh chẳng diệt, không
theo các tâm sinh diệt động khởi, đi lang thang vào các trần quyên mất đường
về. Chỗ tu hành chân thật là như thế, đâu thể lẫm lẫn!
Kinh Lăng Nghiêm, qua bảy chỗ Phật gặn
hỏi tâm cuối cùng Phật bảo A-nan:
- Ngay cả hư không còn có tên, có tướng,
huống chi cái chân tâm sáng suốt, trong sạch, nhiệm mầu, là tánh của tất cả tâm
mà không tự thể sao?
Song nếu ông quyết chấp cái phân biệt
giác quan, hiểu biết là tâm, thì cái tâm ấy phải rời hành tướng của các trần:
sắc, thanh, hương… có toàn tánh. Chứ hiện nay, ông vâng nghe pháp âm của ta, đó
là nhân tiếng mà có phân biệt, dầu cho diệt hết tất cả thấy, nghe, giác, biết,
bên trong giữ lấy cái trống rỗng, u nhàn thì cũng còn là sự phân biệt bóng dáng
pháp trần mà thôi.
Tôi không bảo ông chấp cái ấy không phải
là tâm, nhưng ông phải chính nơi tâm ông, suy xét chính chắn, nếu rời tiền trần
không có tự thể, thì nó chỉ là sự phân biệt bóng dáng tiền trần. Tiền trần
không thường trụ, vậy khi chúng biến diệt, cái tâm nương vào tiền trần ấy cũng
đồng như lông rùa sừng thỏ, ắt pháp thân của ông cũng đồng với hoại diệt, còn
gì để chứng Vô sanh pháp nhẫn?
Tức là Phật không bác bỏ tâm phân biệt,
song phải nhận rõ thể chân thật của nó để sống không lầm nhân quả để tu
hành. Bởi tâm suy nghĩ phân biệt là thứ luôn luôn đi theo duyên, theo cảnh cần
phải có đối tượng mới tồn tại. Lìa đối tượng, không chỗ duyên là nó mất dấu, là
hết phân biệt. Đó không phải là chỗ tựa vững chắc. Còn tánh phân biệt lìa tiền
trần tức lìa đối tượng mà nó vẫn có, vẫn thường hiện hữu đó mới là cái nhân
thường trụ, luôn có mặt không thiếu vắng. Đây mới đích thực là cuộc sống vững
chắc lâu dài không có gì phá hoại được. Do đó, trong nhà thiền dạy người phải
minh tâm kiến tính, tin nhạn mặt mày chân thật xưa nay của chính mình, nếu chưa
nhận được chỗ này là vẫn còn đứng ngoài cửa Tổ, chưa vào nhà thiền.
Thiền sư Hoài Nhượng ở Nam Nhạc bảo Đạo
Nhất tức Mã Tổ sau này: “Nếu lấy thành hoại, tụ tán mà thấy đạo là không thể
thấy đạo”. Tức đem cái sinh diệt vô thường mà vào đạo là không thể được. Muốn
vào đạo, phải dám buôn cái vô thường sinh diệt này, tin nhận chẳng vào cái chân
thật không sinh diệt mới là chỗ gặp nhau với chư Tổ.
Thiền sư Phổ Nguyên ở Nam Tuyền cũng từng
dạy chúng: “Chỉ lãnh hội được tính từ vô lượng kiếp đến giờ không biến đổi tức
tu hành, diệu dụng mà chẳng trụ tức hạnh Bồ tát”.
Ý Sư bảo, lãnh nhận tính không sinh diệt
nơi mình, đó là chỗ sống chân thật, là tu hành, ngoài ra đều là phương tiện
chưa phải thật. Người tu thiền phải nắm rõ then chốt này để tu hành không lầm
nhân quả, thì bảo thành tựu được ý nguyện.
Thiền sư Sư Bị ở Huyền cũng dạy chúng:
- Nay ông muốn ra khỏi cái chủ tể của
thửa ruộng thân năm uẩn, chỉ biết nhận lấy thể kim cương bí mật. Cổ nhân đã nói
với các ông: “Viên thành chính kiến khắp sa giới”. Nay tôi lấy ít phần nói thí
dụ, các ông có trí do đó có thể biết: các ông thấy mặt trời nơi thế giới này
chăng ? Người thế gian tạo tác, sinh hoạt, bao nhiêu việc tâm hành tạo nghiệp
đều nhờ ánh sáng mặt trời mà có. Song mặt trời có nhiều thứ đến tâm hành chăng?
Lại có chỗ chẳng giáp chăng? Muốn biết thể kim cương này cũng như thế. Hiện nay
núi sông đất bằng, mười phương cõi nước, sắc không sáng tối và thân tâm ông,
đều nhờ cái oai quang viên thành của ông mà hiện.
Cả thảy trời người các loài quần sinh tạo
nghiệp, thọ quả báo có tính không tính, đều nhờ cái oai quang của ông, cho đến
Chư Phật thành đạo, thành quả, tiếp vật lợi sanh, đều trọn nhờ cái oai quang
của ông. Nhưng thể kim cương lại có phàm phu chư Phật chăng? Có tâm hành của
ông chăng? Không thể nói không là đúng được. Biết chăng? Ông đã có cái kỳ đặc
như thế, bày hiện chỗ xuất thân sao chẳng phát minh lấy? Lại theo người nhằm
trong thửa ruộng thân năm uẩn, trong cõi quỹ mà tìm kế sống. Hẳn là tự dối mất
vậy. Chợt gặp quỷ vô thường đến, mắt trợn miệng méo, thân kiến mạng kiến như
thế ấy thật khó chống chọi được. Giống như lột vỏ con rùa sống, thật khổ!
Muốn tu giải thoát chân thật, phải nhận
thể Kim Cang bí mật, tức cái nhân chẳng sinh chẳng diệt nơi mỗi người đều sống
hằng ngay trong cái oaiq uang đó. Chớ lầm nhận thân năm uần này, nó là cái sinh
diệt vô thường, sẽ đưa đến quả sinh tử luân hồi, không phải là lối ra.
Hàn Sơn có một bài thơ:
Một bình vàng đúc thành,
Một bình nặn từ đất.
Hai bình mặc anh em,
Cái nào là bền chắc ?
Muốn biết bình có hai,
Cần rõ nghiệp chẳng một.
Lấy đây nghiệm nhân sinh,
Ngày nay tu hành đấy.
***
( Nhất bình chú kim thành,
Nhất bình duyên nê xuất.
Nhị bình nhậm quân khan,
Na cá bình lao thật.
Dục tri bình hữu nhị,
Tu tri nghiệp phi nhất,
Tương thử nghiệp sinh nhân.
Tu hành tại kim nhật. )
Trong đây, Ngài Hàn Sơn muốn nhắc cho
người sáng suốt, phải khéo nhận rõ hai cái nhân quả vô thường sinh diệt và bền
chắc lâu dài, để lấy đó tu hành đúng đắn không phải ăn năn về sau.
IV- TRONG SINH DIỆT, RÕ CHẲNG SINH DIỆT
Cái chân thật chẳng sinh chẳng diệt là
phải nhận ngay trong cái sinh diệt, không phải tìm đâu khác. Lìa bỏ sinh diệt
để tìm chẳng sinh diệt, là còn có tâm lấy bỏ, cũng thuộc sinh diệt. Đây là đạo
lý thực tế, mỗi người có thể chứng nghiệm ngay cuộc sống này.
Có vị tăng hỏi Thiền sư Huệ ở Hoa Nghiêm:
- Vọng tâm không chỗ nơi tức Bồ đề.
Vọng tâm tức là cái sinh diệt vô thường,
là hư dối không thật. Nhưng ngay khi vọng thấy rõ nó vốn không có chỗ nơi,
không có gốc nguồn thật sinh, tức đó là Bồ đề rồi! Bởi nếu nó thật có chỗ nơi
thì đâu gọi là vọng. Chính ngay khi vọng đó, đã sẵn tính chân trong đó rồi. Chỉ
vì quên tính chân mới khởi vọng, rồi lầm theo đó thành đi theo sanh diệt. Giờ
ngộ trở lại, ngay vọng tức chân, lẽ thật vẫn luôn hiện hữu đó!
Huệ Khả hỏi Tổ Bồ Đề Đạt Ma:
- Tâm con chưa an, xin Hòa thượng dạy con
pháp an tâm.
Tổ Đạt Ma bảo:
- Ông đem tam ra đây ta an cho.
Huệ Khả lặng im tìm trở lại hồi lâu, liền
thưa:
- Con tìm tâm không thể được.
Tổ Đạt Ma bảo:
- Ta đã an tâm cho ông rồi!
Đây là một bài pháp tuyệt diệu mà không
phải thuyết dài dòng. Bởi quên chân khởi vọng nên thành bất an, rồi chạy đi tìm
cách để an. Tâm bất an đó là gì? Nắm bắt nó đem trình ra xem! Quả là lầm! Xoay
trở lại tìm kỹ nó, nó đâu còn chỗ duyên để khởi, tức tự nó lặng mất, không còn
bóng dáng để thấy. Ngay đó tự an rồi! An tức hợp về tính chân, khỏi tìm đâu
nữa. Lối vào thiền là đây.
Thiền sư Bổn Tịch tham thiền với Hòa
thượng Động Sơn và được thầm trao tông chỉ. Khi Sư từ giã đi, Động Sơn hỏi:
- Ông đi về đâu?
Sư thưa:
- Đi về chỗ không biến đổi.
Động Sơn hỏi:
- Chỗ không biến đổi há có đi sao?
Sư thưa:
- Đi cũng chẳng biến đổi.
Đây là nói lên chỗ sống chân thật của
người đạt đạo. Đi tức là động, là sinh diệt, biến đổi. Chỗ không biến đổi là
chỗ sống thiền. Người đạt đạo thì ngay trong chỗ biến đổi, động chuyển vẫn sống
trong bất động, không lầm theo cái biến đổi. Sống được như vậy tức lìa niệm hai
bên động tịnh, còn ai gạt mình được?
Đây là ngay chỗ đi cũng là thiền rồi.
Và kinh Hoa Nghiêm, khi Phật thành đạo
liền than: “Lạ thay! Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ dức tướng trí tuệ
của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng được. Nếu lìa vọng
tưởng là trí thanh tịnh, trí tự nhiên, trí vô sư tự nhiên hiện tiền”.
Nghĩa là Phật thấy rõ ngay thân chúng
sanh vô thường sinh diệt này có sẵn thân Như Lai, chỉ vì những thứ vọng tưởng
chấp trước che đậy mà không nhận ra. Chư Phật, chư Tổ cũng chính ngay thân sinh
diệt này mà chứng ngộ thân chân thật bất diệt, đâu phải từ nơi nào khác tới. Đó
là một lẽ thật muôn đời, mỗi người khéo nhận ra là mở mắt trí tuệ, vén màn vô
minh từ vô thủy.
Rõ ràng ngay thân sinh diệt của chúng
sanh đều có đủ ông Phật thường trụ vô lượng thọ, còn gì nghi ngờ nữa!
V- THẤU TỘT NHÂN QUẢ TRONG MỘT NIỆM
Thiền sư Trí Tạng ỡ Tây Đường đang công
tác toàn chúng, liền bảo:
- Nhân quả rõ ràng, phải làm sao? Phải
làm sao?
Khi ấy có vị tăng bước ra lấy tay chống
dưới đất. Sư hỏi:
- Làm gì?
Tăng thưa:
- Cứu nhau! Cứu nhau!
Sư bảo đại chúng:
- Ông tăng này hơi giống chút
ít.
Tăng phủi áo bỏ đi. Sư bảo:
- Trùng trong thân sư tử tự ăn thịt sư
tử.
Như vậy tự mình làm, rồi tự mình kêu cứu,
ái cứu mình? Trùng trong thân sư tử tự ăn thịt sư tử là tự nhắc người phải tự
khéo giữ gìn. Nhân quả rõ ràng, nhít một chút không thể được. Người tu kỹ không
thể dễ duôi, hời hợt trong một niệm. Vừa động niệm là rơi vào nhân quả rồi!
Động tức là sinh, có sinh tức diệt, ngay đó rơi vào nhân quả sinh diệt vi tế.
Trong Chứng Đạo Ca Thiền sư Huyền Giác bảo:
Phải đó, Long Nữ thoắt thành Phật,
Trái đó, Thiện Tinh rơi địa ngục.
***
( Thị tắc Long Nữ đốn thành Phật
Phi tắc Thiện Tinh sanh hãm trụy )
Nghĩa là ngay một niệm chớp nhoáng đó,
liền lên xuống như điện xẹt, người tu hành có thể khinh thường được sao? Thành
Phật cũng ngay một niệm này, vào địa ngục cũng ngay một niệm này, chỉ cách nhau
ở mê và giác. Giác nó là chân thật, sáng suốt. Mê nó là vào địa ngục, tối tăm.
Thấy tột đến chỗ này thì tu hành thật kỹ, không dám xem thường trong từng tâm
niệm, vậy còn gì gạt được mình?
Nhân quả đến đây không còn là lý cạn cợt
nữa, mà phải công phu thật sâu mới thấu tột. Cho nên “Chằng lầm nhân quả” liền
thoát khỏi kiếp chồn. Người đại tu hành là phải thấy tường tận, thấu tột đến
như thế, đâu thể chỉ hiểu suông trên chữ nghĩa. Rất nguy hiểm!
Vua Trần Nhân Tông từng hỏi Thượng sĩ Tuệ
Trung:
- Chỉ như gìn giữ giới hạnh trong sạch
không chút sao lãng là thế nào?
Thượng sĩ cười không đáp. Ngài thỉnh cầu
thêm, Thượng sĩ nói hai bài kệ:
Giữ giới cũng nhẫn nhục,
Chuốc tội chẳng chuốc phúc.
Muốn biết không tội phúc,
Chẳng giữ giới nhẫn nhục.
***
Như người leo lên cây,
Trong an tự cầu nguy.
Như người không leo cây,
Trăng gió có làm gì?
Đây là chỗ sâu sa khó hiểu, hiểu lầm là
rơi địa ngục dễ dàng. Ý hai bài kệ ngầm chỉ, người còn có tâm giữ giới, có tâm
nhẫn nhục tức là còn chưa hết tội, còn chưa sạch phiền não tham sân, cho nên
mới có giữ, có nhẫn để khắc phục nó. Nhưng trước khi động niệm thì tội phúc trụ
vào đâu? Có động niệm mới có niệm lành, niệm dữ; niệm lành thì được phúc, niệm
dữ thì mắc tội. Như người không leo cây, tức trước khi động niệm thì tự an đâu
có lo gì; trái lại, mình khởi niệm rồi lại lo giữ nó, có phải tốn công nhiều chăng?
Tuy nhiên sống được chỗ này không phải dễ, đâu thể lý luận mà được. Lý luận để
khỏi tội phúc được sao? Vì vậy Thượng sĩ nói xong liền dặn kỹ: “Chớ bảo cho
người không ra gì biết”. Bởi sợ rằng họ nghe suông rồi chỉ bắt chước nói rỗng,
làm bừa, sẽ chuốc lấy nhân quả khó lường được! Miệng nói không tội phúc nhưng
tâm chứa đầy niệm phải quấy, hơn thua, thì bảo rằng khỏi tội được sao? Rất phải
cẩn thận!
VI- TÓM KẾT
Người tu hành, nhất là tu Thiền đối với
lý nhân quả phải cho tường tận, thấy tột cội nguồn sinh diệt vi tế, không thể
hời hợt thông qua, hoặc lờ mờ nhân quả dễ đi lạc!
Hòa thượng Hư Vân dạy: “Điều kiện Quyềt
Định trước khi tu tập, thì điều thứ nhất đó là TIN SÂU NHÂN QUẢ. Ngài bảo: -
Không luận người nào, nếu muốn dụng công tu tập, trước cần phải tin sâu vào
nhân quả. Nếu không tin nhân quả, thực hành càn bướng, không những tu hành
chẳng thành công mà tam đồ cũng khó tránh” (Tham Thiền Yếu Chỉ)
Đây là kinh nghiệm của bậc đi trước,
người đi sau phải nhận kỹ để bước đi vững chắc thành công.
Trên đây đã trình bày rõ ràng nhân quả từ
thô đến tế, từ vọng đến chân, người tu hành phải nhận định kỹ để sống đúng đắn,
không lầm lẫn. Còn đường đã chỉ rõ, lối đi đã phân rành chỉ còn tùy người chọn
lấy mà đi thôi!
Nguồn http://thuongchieu.net/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét