Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

CHÈ XANH




               CHÈ XANH

 Bên tách chè thơm với khóm hoa,
Lâng lâng vị chát tiếp ngày qua.
Cố nhân mấy thuở luôn đằm thắm,
Tri kỷ bao năm chẳng nhạt nhòa.
Khơi dậy tâm sâu tìm chỗ đến,
Xua tan lối tắc nhận đường ra.
Đạo đời xen lẫn nơi trần thế,
Sáng tối đi về mãi bạn ta.

 Sớm tối đi về mãi bạn ta,
Động viên tỉnh giấc chặng đường qua.
Hương nồng đánh thức phai tình lụy,
Vị đắng chan hòa loãng lệ sa.
Hạ đến bên trời tô sắc lá,
Xuân vơi cùng cảnh điểm màu hoa,
Kề nhau thầm lặng nương bao lúc,
Để ngắm đời vui sáng sáng ra.

                                       Minh Đạo

                    
 

 

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

CẢNH ĐỜI





                   CẢNH ĐỜI

Xe đến tàu qua cảnh rộn ràng,
Cà phê gác nhỏ phút miên man.
Hàng rao lanh lảnh lời xuyên phố,
Nhạc trỗi du dương quán cách đàng.
Khấp khểnh đôi đường người sướng khổ,
Chông chênh vạn lối kẻ hèn sang.
Chiều mưa sáng nắng luôn thay đổi,
Phúc họa nghiệp duyên có phủ phàng?

                                   Minh Đạo

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

NHẬN THỨC VỀ CHÂN LÝ TRONG PHẬT GIÁO


tuong but.jpg

Ảnh: Đinh Quang Trung


NSGN - Nhận thức Phật giáo về chân lý có lẽ là một trong những mối quan tâm hàng đầu với những ai đang nghiên cứu hoặc tìm hiểu đạo Phật. Thực sự, đây là vấn đề bận tâm nhất của Phật. Trong kinh điển, chúng ta thường thấy xuất hiện nhiều từ ngữ như sacca, yathābhūtam, bhūtaṃ, tacchaṃ atthasaṃhitaṃ, tatva, tathatā, dharmatā... là để nói về chân lý, hay sự thật, hay những gì phù hợp với thực tế.

Ngoài ra, Đức Phật còn cho thấy Ngài đã vận dụng rất nhiều phương cách (phương tiện, cách nói) nhằm diễn đạt chân lý. Ngài từng nói rằng chân lý mà Ngài chứng ngộ là rất vi diệu, cao siêu, tịch tịnh, khó thấy, khó hiểu, chỉ có bậc Thánh mới thấu hiểu.1 Do vậy, Đức Phật từng do dự trong việc thuyết giảng giáo pháp sau khi chứng ngộ và có ý định nhập Niết-bàn vì nhận thấy rằng không có ai đủ khả năng lĩnh hội chân lý đó. Ngài nói rằng những vị đạo sư từng hướng dẫn cho Ngài trước đó có thể lĩnh hội được thì đều đã qua đời.

Tuy nhiên, sau khoảng thời gian do dự, Ngài dùng tuệ nhãn để quan sát và nhận thấy rằng có những chúng sanh có trí tuệ, ít phiền não nghiệp chướng có thể lĩnh hội giáo lý đó, nhưng phải bằng phương tiện khéo léo giảng nói họ mới có thể hiểu được. Liền sau đó Đức Phật đã quyết định giảng dạy chân lý mà Ngài đã chứng ngộ sau nhiều lần thỉnh cầu của Phạm thiên. Sự kiện này được nêu rõ trong nhiều kinh điển từ Nguyên thủy cho đến Đại thừa.
Theo đó, chân lý mà Đức Phật giảng dạy là như thế nào và liệu người đời sau có hiểu sai hay giải thích sai lời dạy của Ngài hay không? Đây là vấn đề đã tạo ra rất nhiều thắc mắc cho người nghiên cứu. Nhiều người khi mới tìm hiểu đạo Phật đã vội vã cho rằng kinh điển đạo Phật thật là rối rắm, khó hiểu, nhiều mâu thuẫn, thiếu nhất quán... Bởi lẽ, có khi Đức Phật nói có nhân có ngã, khi lại nói là vô nhân vô ngã; khi thì nói các pháp hiện hữu, khi lại dạy là không hiện hữu v.v... Điều đó đã tạo ra rất nhiều nhầm lẫn cho người học Phật vì họ không hiểu được mục đích sử dụng giáo pháp của Phật. Thật ra, Đức Phật đã tùy vào khả năng của từng đối tượng nghe pháp để giảng dạy cho phù hợp.
Chính vì lẽ đó mà trong kinh chúng ta thường thấy Đức Phật dùng nhiều ngôn từ, thí dụ, ẩn dụ, so sánh, đối chiếu, quy nạp, loại suy, hoặc là các trạng thái tâm giải thoát khác nhau để giải thích về chân lý. Tuy vậy, chính Đức Phật đã nói trong kinh Tập rằng chân lý chỉ có một và chánh kiến là phương tiện để nhận biết về chân lý đó. Tuy nhiên, ở nơi khác, ta lại thấy Ngài nói chân lý có hai (Nhị đế), có bốn (Tứ đế), rồi các trường phái nói có ba (Duy thức, Trung quán), cho đến nhiều chân lý (như 10 chân lý trong Bồ-tát địa luận của ngài Vô Trước)2.

Như vậy làm sao để hiểu được chân lý như được giải thích theo nhiều cách thức như thế? Thực sự, vấn đề nhận thức chân lý trong đạo Phật là một trong những vấn đề phức tạp nhất, bởi vì giáo lý đạo Phật không phải là nền tảng giáo điều đóng khung cái nhận thức của chúng ta, cũng không phải là sự cứng nhắc trong cách lý giải. Bởi lẽ, không có một chân lý cố định nào để giải thích cho các vấn đề thế gian vốn vô thường, giả tạm, sai biệt và không thật!
Tuy vậy, vẫn có những cơ sở, những tiêu chuẩn để nhận thức của chúng ta có thể thấu hiểu được mà thực hành tu tập cho phù hợp với những lời dạy thiết thực của Phật để chứng đạt chân lý giác ngộ. Sau đây là những nhận thức căn bản cho vấn đề nhận thức chân lý.

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

MƯA MÓC



                   MƯA MÓC

Trăng rằm tỏa sáng khắp muôn nơi,
Ẩn hiện linh thiêng nhuốm đất trời.
Vạn vật mừng vui mầu sắc mới,
Quần sanh rạng rỡ ánh ngời tươi.
Mang theo khoáng đạt qua trần thế,
Xua hết u thâm tận cõi đời.
Hiểu thấu nguồn chơn đem phúc lạc,
Thiên cơ diệu pháp tựa trùng khơi.

                                   Minh Đạo


CÂU CHUYỆN HÀI ĐÁNG SUY NGẪM: NIỆM PHẬT KHÔNG BẰNG TU TÂM TÍNH



          

Ngày xưa, có một đôi vợ chồng trẻ, người chồng hàng ngày đều chăm chú đọc sách, người vợ một lòng hướng Phật nên ngày ngày đều ngồi trong phòng tụng kinh niệm Phật rất lâu.
Một hôm, người chồng để ý thấy người vợ ngồi trong Phật đường không ngừng niệm: “Nam mô a di đà phật! Nam mô a di đà phật!”Người vợ cứ chăm chú niệm câu này mãi, niệm đi niệm lại trong một khoảng thời gian rất lâu. Người chồng thấy vậy liền nghĩ cách đùa người vợ một chút.
Anh ta  bèn đi vào phòng bên cạnh phòng mà người vợ đang niệm rồi bất ngờ gọi tên người vợ. Người vợ nghe thấy tiếng chồng gọi mình liền ngừng niệm và quay đầu sang phía người chồng hỏi: “Có việc gì vậy?”
Người chồng cười cười rồi nói: “Không có gì, không có gì!”
Người vợ lại tiếp tục quay lại vừa gõ vừa niệm. Một lát sau, người chồng lại gọi tên người vợ. Người vợ lại nhịn không được liền quay đầu ra hỏi chồng: “Rốt cuộc là anh có chuyện gì mà cứ gọi như vậy?”
 Người chồng lại cười cười rồi nói: “Không có gì, không có gì cả.”
Người vợ lại tiếp tục niệm Phật. Nhưng chẳng được bao lâu người chồng lại gọi tên người vợ. Người vợ lúc này có vẻ rất bực tức quay sang nói với người chồng: “Anh rốt cuộc là có chuyện gì mà cứ gọi mãi như thế? Anh cứ gọi như thế khiến em không thể tập trung tụng kinh niệm Phật được.”
Người chồng lúc này mới đứng lên đi đến bên người vợ và nói:“Vợ ơi! Anh mới gọi tên em có ba lần mà em đã thấy mệt mỏi và bực tức rồi. Thế mà, em ngày nào cũng niệm A di đà phật trong một thời gian lâu như vậy, không biết liệu ngài có thấy phiền toái không?”
Chúng ta muốn thông qua hình thức tụng kinh niệm Phật để cho Thần Phật biết rõ lòng thành kính của chúng ta đối với ngài. Nhưng mà chúng ta lại không chú ý tu luyện tâm tính của mình cho tốt mà chỉ thể hiện ở hình thức bên ngoài. Như vậy, có khác nào trong lòng chúng ta không thực sự thành kính Thần Phật? Như thế, thử hỏi Thần Phật có thể tiếp nhận hình thức “tụng kinh niệm Phật” của chúng ta không?
                                                                      Theo Secretchina
                                                                       Mai Trà biên dịch



Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016

MÙA SANG



        MÙA SANG

Ngoài sân gió lay nhẹ,
Nhụy xinh khóm cúc vàng.
Đôi chim cùng thỏ thẻ,
Vạn vật đợi mùa sang.

Trên bầu trời nắng sáng,
Nhẹ nhàng cánh én bay.
Mới cũ xen từng ngày,
Chóng qua cùng năm tháng.

Trải qua một kiếp người,
Đôi mươi rồi già cả,
Xen lẫn giữa khóc cười.
Bình minh rồi bóng ngã.

Không lọc lừa dối trá,
Chân thành và thiết tha,
Sống vui cùng hòa nhã,
Cuộc đời trổ đầy hoa.

Tận hưởng những ngày qua,
Nhìn vô thường được mất,
Giữa dòng đời tất bật,
Cố nhận đâu là nhà…

                        Minh Đạo


Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

CÁCH XƯNG HÔ TRONG PHẬT GIÁO




Ngôn ngữ, danh từ chỉ là phương tiện tạm dùng giữa con người với nhau, trong đạo cũng như ngoài đời, có thể thay đổi theo thời gian và không gian, cho nên cách xưng hô trong đạo Phật tùy duyên, không có nguyên tắc cố định, tùy theo thời đại, hoàn cảnh, địa phương, tông phái, hay tùy theo quan hệ giữa hai bên. Đó là phần tu tướng.
Trong khóa nghiên tu an cư mùa hạ năm 2005, tại Tổ đình Từ Quang Montréal, Canada, các thắc mắc sau đây được nêu lên trong phần tham luận:
1) Khi nào gọi các vị xuất gia bằng Thầy, khi nào gọi bằng Đại Đức, Thượng Tọa hay Hòa Thượng?
2) Khi nào gọi các vị nữ xuất gia bằng Ni cô, Sư cô, Ni sư hay Sư Bà? Có bao giờ gọi là Đại Đức Ni, Thượng Tọa Ni hay Hòa Thượng Ni chăng?
3) Khi ông bà cha mẹ gọi một vị sư là Thầy hay Sư phụ, người con hay cháu phải gọi là Sư ông, hay cũng gọi là Thầy?  Như vậy con cháu bất kính, coi như ngang hàng với bậc bề trên trong gia đình chăng?
4) Một vị xuất gia còn ít tuổi đời (dưới 30 chẳng hạn) có thể nào gọi một vị tại gia nhiều tuổi (trên 70 chẳng hạn) bằng “con” được chăng, dù rằng vị tại gia cao niên đó xưng là “con” với vị xuất gia?
5) Sau khi xuất gia, một vị tăng hay ni xưng hô như thế nào với người thân trong gia đình?
* * *
Trước khi đi vào phần giải đáp các thắc mắc trên, cần thông qua các điểm sau đây:
*1)  Chư Tổ có dạy: “Phật pháp tại thế gian”.  Nghĩa là: việc đạo không thể tách rời việc đời.  Nói một cách khác, đạo ở tại đời, người nào cũng đi từ đời vào đạo, nương đời để ngộ đạo, tu tập để độ người, hành đạo để giúp đời.  Chư Tổ cũng có dạy: “Hằng thuận chúng sanh”.  Nghĩa là: nếu phát tâm tu theo Phật, dù tại gia hay xuất gia, đều nên luôn luôn thuận theo việc dùng tứ nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự) để đem an lạc cho chúng sanh, tức là cho mọi người trong đời, bao gồm những người đang tu trong đạo.
*2) Từ đó, chúng ta chia cách xưng hô trong đạo Phật ra hai trường hợp:
Một là, cách xưng hô chung trước đại chúng nhiều người, có tính cách chính thức, trong các buổi lễ, cũng như trên các văn thư, giấy tờ hành chánh.  Hai là, cách xưng hô riêng giữa hai người, tại gia hay xuất gia, mà thôi.  Người chưa rõ cách xưng hô trong đạo không nhứt thiết là người chưa hiểu đạo, chớ nên kết luận như vậy.  Cho nên, việc tìm hiểu và giải thích là bổn phận của mọi người, dù tại gia hay xuất gia.
*3) Có hai loại tuổi được đề cập đến, đó là: tuổi đời và tuổi đạo.  Tuổi đời là tuổi tính theo đời, kể từ năm sinh ra.  Tuổi đạo là tuổi thường được nhiều người tính từ ngày xuất gia tu đạo. Nhưng đúng ra, tuổi đạo phải được tính từ năm thụ cụ túc giới và hằng năm phải tùng hạ tu học theo chúng và đạt tiêu chuẩn, mỗi năm như vậy được tính một tuổi hạ. Nghĩa là tuổi đạo còn được gọi là tuổi hạ (hay hạ lạp).  Trong nhà đạo, tất cả mọi việc, kể cả cách xưng hô, chỉ tính tuổi đạo, bất luận tuổi đời.  Ở đây không bàn đến việc những vị chạy ra chạy vào, quá trình tu tập trong đạo không liên tục.
* * *
Bây giờ, chúng ta bắt đầu từ việc một người tuổi đời dưới 20 phát tâm xuất gia, hay do gia đình đem gửi gắm vào cửa chùa, thường được gọi là chú tiểu, hay điệu. Đó là các vị đồng chơn nhập đạo. Tùy theo số tuổi, vị này được giao việc làm trong chùa và học tập kinh kệ, nghi lễ.  Thời gian sau, vị này được thụ 10 giới, gọi là Sa di (nam) hay Sa di ni (nữ), hoặc Chú (nam) hay Ni cô (nữ). Khi tuổi đời dưới 14, vị này được giao việc đuổi các con quạ quấy rầy khu vực tu thiền định của các vị tu sĩ lớn tuổi hơn, cho nên gọi là “khu ô sa di” (sa di đuổi quạ).
Đến năm được ít nhất là 20 tuổi đời, và chứng tỏ khả năng tu học, đủ điều kiện về tu tánh cũng như tu tướng, vị này được thụ giới cụ túc, tức là 250 giới tỳ kheo (nam) hay 348 giới tỳ kheo ni (nữ) và được gọi là Thầy (nam) hay Sư cô (nữ).  Trên giấy tờ thì ghi là Tỳ Kheo (nam) hay Tỳ Kheo Ni (nữ) trước pháp danh của vị xuất gia. 
Ở đây xin nhắc thêm, trước khi thụ giới tỳ kheo ni, vị sa di ni (hoặc thiếu nữ 18 tuổi đời xuất gia và chưa thụ giới sa di ni) được thụ 6 chúng học giới trong thời gian 2 năm, được gọi là Thức xoa ma na ni. Cấp này chỉ có bên ni, bên tăng không có.  Tuy nhiên trong tạng luật, có đến 100 chúng học giới chung cho cả tăng và ni.  Cũng cần nói thêm, danh từ tỳ kheo có nơi còn gọi là tỷ kheo, hay tỳ khưu, tỷ khưu. Bên nam tông, tỷ kheo có 227 giới, tỷ kheo ni có 311 giới.  Giới cụ túc (tỳ kheo hay tỳ kheo ni) là giới đầy đủ, viên mãn, cao nhất trong đạo Phật để từng vị xuất gia tu tập cho đến lúc mãn đời (thường gọi là viên tịch, không nên lạm dụng từ vãng sanh), không phải thụ giới nào cao hơn.  Việc thụ bồ tát giới (tại gia hay xuất gia) là do sự phát tâm riêng của từng vị theo bắc tông, nam tông không có giới này. 
Ở đây, xin nói thêm rằng: Bắc tông (hay bắc truyền, phát triển) là danh từ chỉ các tông phái tu theo sự truyền thừa về phương bắc của xứ Ấn Độ, qua các xứ Tây Tạng, Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật bổn và Việt Nam. Nam tông (hay nam truyền, nguyên thủy) là danh từ chỉ các tông phái tu theo sự truyền thừa về phương nam của xứ Ấn Độ, qua các xứ Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Cao Miên và Việt Nam.
Trong lúc hành đạo, tức là làm việc đạo trong đời, đem đạo độ đời, nói chung sự sinh hoạt của Phật giáo cần phải thiết lập tôn ti trật tự (cấp bậc) có danh xưng theo hiến chương của Giáo Hội Phật Giáo như sau:
1) Năm 20 tuổi đời, vị xuất gia thụ giới tỳ kheo được gọi là Đại Đức.
2) Năm 40 tuổi đời, vị tỳ kheo được 20 tuổi đạo, được gọi là Thượng Tọa.
3) Năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo được 40 tuổi đạo, được gọi là Hòa Thượng.
Còn đối với bên nữ (ni bộ):
4) Năm 20 tuổi đời, vị nữ xuất gia thụ giới tỳ kheo ni được gọi là Sư cô (hiện nay ở Canada, có giáo hội gọi các vị tỳ kheo ni này là Đại Đức).
5) Năm 40 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 20 tuổi đạo, được gọi là Ni sư.
6) Năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 40 tuổi đạo, được gọi là Sư bà (bây giờ gọi là Ni trưởng).
Đó là các danh xưng chính thức theo tuổi đời và tuổi đạo (hạ lạp), được dùng trong việc điều hành Phật sự, trong hệ thống tổ chức của Giáo Hội Phật Giáo, không được lạm dụng tự xưng, tự phong, tự thăng cấp, mà phải được xét duyệt và chấp thuận bởi một hội đồng giáo phẩm có thẩm quyền, và được cấp giáo chỉ tấn phong, nhân dịp Đại Lễ hay Đại Hội Phật Giáo, trong các Giới Đàn, hay trong mùa an cư kết hạ hằng năm.
Như trên, chúng ta có thể hiểu rằng: Sư cô nghĩa là Đại đức bên ni bộ.  Ni sư nghĩa là Thượng tọa bên ni bộ.  Sư bà (hay Ni trưởng) nghĩa là Hòa thượng bên ni bộ.  Bởi vậy cho nên, các buổi lễ hay văn thư chính thức, thường nêu lên là: “Kính bạch chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni”, chính là nghĩa đó vậy. Tuy vậy, trên thực tế, chưa thấy có nơi nào chính thức dùng các danh xưng: Đại đức ni, Thượng tọa ni, hay Hòa thượng ni.  Nếu có nơi nào đã dùng, chỉ là cục bộ, chưa chính thức phổ biến, nghe không quen tai nhưng không phải là sai. Đối với các bậc Hòa Thượng mang trọng trách điều hành các cơ sở Giáo Hội Phật Giáo trung ương cũng như địa phương, hay các Đại Tùng Lâm, Phật Học Viện, Tu Viện, thường là các vị trên 80 tuổi đời, được tôn xưng là Đại Lão Hòa Thượng hay Trưởng Lão Hòa Thượng. Các vị thuộc hàng giáo phẩm này thường được cung thỉnh vào các hội đồng trưởng lão, hoặc hội đồng chứng minh tối cao của các Giáo Hội Phật Giáo. Tuy nhiên, khi ký các thông bạch, văn thư chính thức, chư tôn đức vẫn xưng đơn giản là Tỳ kheo, hay Sa môn (có nghĩa là: thầy tu).

Đến đây, chúng ta nói về cách xưng hô giữa các vị xuất gia với nhau và giữa các vị cư sĩ Phật tử tại gia và tu sĩ xuất gia trong đạo Phật.
1)* Giữa các vị xuất gia, thường xưng con (hay xưng pháp danh, pháp hiệu) và gọi vị kia là Thầy (hoặc gọi cấp bậc hay chức vụ vị đó đảm trách).  Bên tăng cũng như bên ni, đều gọi sư phụ bằng Thầy, (hay Sư phụ, Tôn sư, Ân sư). Các vị xuất gia cùng tông môn, cùng sư phụ, thường gọi nhau là Sư huynh, Sư đệ, Sư tỷ, Sư muội, và gọi các vị ngang vai vế với Sư phụ là Sư thúc, Sư bá. Có nơi dịch ra tiếng Việt, gọi nhau bằng Sư anh, Sư chị, Sư em. Ngoài đời có các danh xưng: bạn hữu, hiền hữu, thân hữu, hội hữu, chiến hữu. Trong đạo Phật có các danh xưng: đạo hữu (bạn cùng theo đạo), pháp hữu (bạn cùng tu theo giáo pháp). Các danh xưng: tín hữu (bạn cùng tín ngưỡng, cùng đức tin), tâm hữu (bạn cùng tâm, đồng lòng) không thấy được dùng trong đạo Phật.
2)*  Khi tiếp xúc với chư tăng ni, quí vị cư sĩ Phật Tử tại gia (kể cả thân quyến của chư tăng ni) thường đơn giản gọi bằng Thầy, hay Cô, (nếu như không biết rõ hay không muốn gọi phẩm trật của vị tăng ni có tính cách xã giao), và thường xưng là con (trong tinh thần Phật pháp, người thụ ít giới bổn tôn kính người thụ nhiều giới bổn hơn, chứ không phải tính tuổi tác người con theo nghĩa thế gian) để tỏ lòng khiêm cung, kính Phật trọng tăng, cố gắng tu tập, dẹp bỏ bản ngã, dẹp bỏ tự ái, cống cao ngã mạn, mong đạt trạng thái: niết bàn vô ngã, theo lời Phật dạy.  Có những vị cao tuổi xưng tôi hay chúng tôi với vị tăng ni trẻ để tránh ngại ngùng cho cả hai bên. Khi qui y Tam Bảo thụ ngũ giới (tam qui ngũ giới), mỗi vị cư sĩ Phật Tử tại gia có một vị Thầy (Tăng bảo) truyền giới cho mình. Vị ấy được gọi là Thầy Bổn sư. Cả gia đình có thể cùng chung một vị Thầy Bổn sư, tất cả các thế hệ cùng gọi vị ấy bằng Thầy. Theo giáo phái khất sĩ, nam tu sĩ được gọi chung là và nữ tu sĩ được gọi chung là Ni. Còn nam tông chỉ có Sư, không có hay chưa có Ni. Việc tâng bốc, xưng hô không đúng phẩm vị của tăng ni, xưng hô khác biệt trước mặt và sau lưng, tất cả đều nên tránh, bởi vì không ích lợi cho việc tu tâm dưỡng tánh.
3)*  Khi tiếp xúc với quí vị cư sĩ Phật Tử tại gia, kể cả người thân trong gia quyến, chư tăng ni thường xưng là tôi hay chúng tôi (hay xưng pháp danh, pháp hiệu, hoặc bần tăng, bần ni), cũng có khi chư tăng ni xưng là Thầy, hay Cô, và gọi quí vị là đạo hữu, hay quí đạo hữu. Cũng có khi chư tăng ni gọi quí vị tại gia bằng pháp danh, có kèm theo (hay không kèm theo) tiếng xưng hô của thế gian. Cũng có khi chư tăng ni gọi quí vị tại gia là “Quí Phật Tử”. Chỗ này không sai, nhưng có chút không ổn, bởi vì xuất gia hay tại gia đều cùng là Phật Tử, chứ không riêng tại gia là Phật Tử mà thôi.  Việc một Phật Tử xuất gia (tăng ni) ít tuổi gọi một Phật Tử tại gia nhiều tuổi bằng “con” thực là không thích đáng, không nên. Không nên gọi như vậy, tránh sự tổn đức. Không nên bất bình, khi nghe như vậy, tránh bị loạn tâm. Biết rằng mọi chuyện trên đời: ngôi thứ, cấp bậc, đều có thể thay đổi, nhưng giá trị tuổi đời không đổi, cứ theo thời gian tăng lên. Theo truyền thống đông phương, tuổi tác (tuổi đời) rất được kính trọng trong xã hội, dù tại gia hay xuất gia.
4)*  Trong các trường hợp tiếp xúc riêng, tùy thuận theo đời, không có tính cách chính thức, không có tính cách thuyết giảng, chư tăng ni có thể gọi các vị cư sĩ Phật Tử tại gia, kể cả người thân trong gia quyến, một cách trân trọng, tùy theo tuổi tác, quan hệ, như cách xưng hô xã giao người đời thường dùng hằng ngày. Danh xưng Cư sĩ hay Nữ Cư sĩ thường dùng cho quí Phật Tử tại gia, qui y Tam bảo, thụ 5 giới, phát tâm tu tập và góp phần hoằng pháp.  Còn được gọi là Ưu bà tắc (Thiện nam, Cận sự nam) hay Ưu bà di  (Tín nữ, Cận sự nữ).
5)*  Chúng ta thử bàn qua một chút về ý nghĩa của tiếng xưng “con” trong đạo Phật qua hình ảnh của ngài La Hầu La. Ngài là con của đức Phật theo cả hai nghĩa: đời và đạo. Ngài sớm được tu tập trong giới pháp, công phu và thiền định khi tuổi đời hãy còn thơ. Ngài không ngừng tu tập, cuối cùng đạt được mục đích tối thượng. Ngài thực sự thừa hưởng gia tài siêu thế của đức Phật, nhờ diễm phúc được làm “con” của bậc đã chứng ngộ chân lý. Ngài là tấm gương sáng cho các thế hệ Phật tử tại gia (đời) cũng như xuất gia (đạo), bất luận tuổi tác, tự biết mình có phước báo nhiều kiếp, hoan hỷ được xưng “con” trong giáo pháp của đức Phật.
6)*  Đối với các vị bán thế xuất gia, nghĩa là đã lập gia đình trước khi vào đạo, vẫn phải trải qua các thời gian tu tập và thụ giới như trên, cho nên cách xưng hô cũng không khác. Tuy nhiên để tránh việc gọi một người đứng tuổi xuất gia (trên 40, 50) là chú tiểu, giống như gọi các vị trẻ tuổi, có nơi gọi các vị bán thế xuất gia này là Sư chú, hay Sư bác. Hai từ ngữ này có nơi mang ý nghĩa khác. Việc truyền giới cụ túc, hay tấn phong, có khi không đợi đủ thời gian như trên đây, vì nhu cầu Phật sự của giáo hội, hay nhu cầu hoằng pháp của địa phương, nhất là đối với các vị bán thế xuất gia có khả năng hoằng pháp, từng đảm nhận trọng trách, hay nghiên cứu tu tập trước khi vào đạo.
7)*  Vài xưng hô khác trong đạo như: Sư Ông, Sư Cụ thường dành gọi vị sư phụ của sư phụ mình, hoặc gọi chư tôn đức có hạ lạp cao, thu nhận nhiều thế hệ đệ tử tại gia và xuất gia. Một danh xưng nữa là Pháp Sư, dành cho các vị xuất gia tăng hay ni (sư) có khả năng và hạnh nguyện thuyết pháp (pháp) độ sanh. Ngoại đạo lạm dụng danh xưng này chỉ các ông bà thầy pháp, thầy cúng.
8)*  Danh xưng Sư Tổ được dành cho chư tôn đức lãnh đạo các tông phái còn tại thế, và danh xưng Tổ Sư được dành cho chư tôn đức đã viên tịch, được hậu thế truy phong vì có công lao trọng đại đối với nền đạo. Đối với các bậc cao tăng thạc đức thường trụ ở một tự viện, người trong đạo thường dùng tên của ngôi già lam đó để gọi quí ngài, tránh gọi bằng pháp danh hay pháp hiệu của quí ngài, để tỏ lòng tôn kính.
9)*  Ngày xưa khi đức Phật còn tại thế, các vị tỳ kheo thường dùng tiếng Ðại Ðức (bậc thầy đức độ lớn lao, phúc tuệ lưỡng toàn) để xưng tán Ngài, mỗi khi có việc cần thưa thỉnh.  Các vị đệ tử lớn của đức Phật cũng được gọi là Ðại Ðức.  Trong các giới đàn ngày nay, các giới tử cũng xưng tán vị giới sư là Đại Đức. 
10)*  Nói chung, cách xưng hô trong đạo Phật nên thể hiện lòng tôn kính lẫn nhau, noi theo Bồ tát Thường bất khinh, bất tùy phân biệt, bất luận tuổi tác, dù tại gia hay xuất gia, nhằm ngăn ngừa tư tưởng luyến ái của thế tục, nhắm thẳng hướng giác ngộ chân lý, giải thoát sinh tử khổ đau, vượt khỏi vòng luân hồi loanh quanh luẩn quẩn. Nhất giả lễ kính chư Phật. Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh.  Cho nên đơn giản nhất là: “xưng con gọi Thầy”.
Theo các bộ luật bắc tông và nam tông còn có nhiều chi tiết hơn.
                                                                         * * *
Tóm lại, ngôn ngữ, danh từ chỉ là phương tiện tạm dùng giữa con người với nhau, trong đạo cũng như ngoài đời, có thể thay đổi theo thời gian và không gian, cho nên cách xưng hô trong đạo Phật tùy duyên, không có nguyên tắc cố định, tùy theo thời đại, hoàn cảnh, địa phương, tông phái, hay tùy theo quan hệ giữa hai bên. Đó là phần tu tướng.

Các vị phát tâm xuất gia tu hành, các vị phát tâm tu tập tại gia, đã coi thường mọi thứ danh lợi, địa vị của thế gian thì quan trọng gì chuyện xưng hô, tranh hơn thua chi lời nói, quan tâm chi chuyện ăn trên ngồi trước, đi trước đứng sau, tranh chấp danh tiếng, tranh cãi lợi dưỡng, tranh giành địa vị, đòi hỏi chức vụ, nếu có, trong nhà đạo.  Đồng quan điểm hay không, được cung kính hay không, xưng hô đúng phẩm vị hay không, chẳng đáng quan tâm, tránh sự tranh cãi.  Nơi đây không bàn đến cách xưng hô của những người không thực sự phát tâm tu tập, hý ngôn hý luận, náo loạn thiền môn, dù tại gia cũng như xuất gia.  Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai. Nhất niệm sân tâm khởi, thiêu vạn công đức lâm, chính là nghĩa như vậy.
Cách xưng hô nên làm cho mọi người, trong đạo cũng như ngoài đời, cảm thấy an lạc, thoải mái, hợp với tâm mình, không trái lòng người, không quá câu nệ chấp nhứt, thế thôi!  Đó là phần tu tâm.
Trong đạo Phật, cách xưng hô có thể biến đổi nhưng có một điều quan trọng bất biến, không biến đổi, đó là phẩm hạnh, phẩm chất, đức độ, sự nổ lực, cố gắng  tu tâm dưỡng tánh không ngừng, cho đến ngày đạt mục đích cứu cánh: giác ngộ và giải thoát, đối với Phật Tử tại gia cũng như xuất gia. 
Đó chính là một phần ý nghĩa của “tùy duyên bất biến” trong đạo Phật vậy.[]

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
 PHẬT-HỌC TỊNH-QUANG CANADA


Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

RÂU NGÔ / RÂU BẮP




Khi ăn ngô, rất nhiều người vứt đi bộ phận chứa chất quý này.

Trong râu ngô có chứa vitamin K là một loại vitamin rất tốt cho sức khỏe mà rất ít loại thực phẩm có được.
Mỗi khi ăn ngô, chúng ta thường chỉ sử dụng bắp mà vứt đi những chùm râu ngô óng mượt. Đơn giản bởi chúng ta không biết rằng râu ngô cũng có giá trị dinh dưỡng.
Từ nhiều thế kỷ nay, râu ngô đã được sử dụng như một phương thuốc dân gian. Nó chứa vitamin K và nhiều chất dinh dưỡng khác.
Chúng ta có thể ăn râu ngô trực tiếp hoặc cũng có thể đun sôi râu ngô để lấy nước, sau đó rắc một vài giọt nước cốt chanh là có thể uống được luôn.
Tuy rất tốt nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng được râu ngô. Theo khuyến cáo của bác sĩ, phụ nữ mang thai, trẻ em và những người đang mắc bất kỳ căn bệnh nào cũng nên sử dụng thảo dược này.
Dưới đây là những lợi ích không ngờ tới của râu ngô đối với sức khỏe con người.

- Râu ngô được sử dụng như một bài thuốc dân gian giúp ngăn ngừa sỏi thận. Uống trà râu ngô đều đặn giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi thận bởi nó làm tăng lưu lượng nước tiểu, từ đó làm sạch cặn bã.
- Hàm lượng vitamin K có trong râu ngô giúp làm nhanh quá trình máu đông, làm tăng số lượng tiểu cầu, trở thành một loại thuốc cầm máu hiệu quả, đặc biệt là sau một chấn thương.
- Nó cũng có thể giữ lượng đường trong máu ở mức kiểm soát. Mỗi ngày dùng 40 - 50g râu ngô sắc lấy nước uống. Nếu bị tiểu đường, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện.

- Râu ngô cũng hiệu quả trong việc kiểm soát nồng độ cholesterol xấu trong cơ thể. Vì vậy, loại thảo dược này rất tốt cho sức khỏe tim mạch.
- Râu ngô có công dụng lợi tiếu nên giúp đào thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể.
- Những ai bị béo phì hoặc mắc các vấn đề như hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) cũng có thể dùng 10-20 râu ngô tươi đun sôi với 200-300 ml nước uống trong một ngày.
- Uống nước râu ngô cũng có thể ngăn ngừa viêm tuyến tiền liệt và bảo vệ hệ thống tiết niệu. 

                                                               Theo Trí thức trẻ

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

KHẤN NGUYỆN ĐÊM RẰM



                                                                                KHẤN NGUYỆN ĐÊM RẰM 

                                                                      Vầng trăng tỏa sáng giữa trời trong,
                                                                      Khấn nguyện chấp tay với tấm lòng.
                                                                      Lý đạo bốn phương Thầy thị hiện,(*)
                                                                      Nguồn chơn vạn nẻo chúng trông mong.
                                                                      Cửa không Bát Nhã đèn soi chiếu,
                                                                      Cõi Phật từ bi pháp rõ thông.
                                                                      Ân đức cao dày xua nghiệp chướng,
                                                                      Trầm luân bể khổ giúp tiêu vong.
                                                                            (*)Deva manuṣyānāṃ śāstṛ : Thiên Nhân Sư, là Bậc thầy của cõi người và cõi trời.

                                                                                                                     Minh Đạo

ĐỨC THÍCH CA MÂU NI BÀN VỀ KHỔ TÂM LỚN NHẤT CỦA ĐỜI NGƯỜI



“Người có tính ganh tỵ khổ sở hơn bất cứ một người bất hạnh nào. Bởi vì hạnh phúc của người khác càng lớn bao nhiêu thì nỗi bất hạnh trong anh ta sẽ nhân lên bấy nhiêu lần”.
Hơn 2500 năm trước, trong 14 điều răn của Phật, Đức Thích Ca Mâu Ni đã từng dạy chúng sinh: “Khổ tâm lớn nhất của đời người là sự ganh ghét, đố kỵ". Cho đến tận ngày nay lời dạy của đức Phật vẫn không hề sai.
Lòng ganh tỵ có thể hiểu là sự so tính thiệt hơn và thấy khó chịu khi người khác hơn mình. Trong Duy thức học, có 10 món tiểu tùy phiền não như sau: Phẫn (giận), hận (hờn), phú (che dấu), não (buồn), tật (ganh ghét), san (bỏn sẻn), cuống (dối), siễm (nịnh hót), hại (tổn hại), kiêu (kiêu căng). Như vậy, tật (ganh tỵ) là một trong 10 tùy phiền não mà con người dễ vướng phải.
Con người chúng ta hay mắc phải tính này và có thể cảm thấy khó chịu với người khác trên nhiều phương diện khác nhau như tài năng, sắc đẹp, danh vọng, địa vị, tiền bạc, tình cảm thậm chí là ganh tỵ nhau cả về con cái. Chẳng hạn, một người thấy người khác thông minh, giỏi giang và thành đạt thì tỏ ra vô cùng tức tối và ghen ghét dù những gì họ đạt được không ảnh hưởng gì đến mình. Lại có người vì thấy người bạn gái đẹp hơn mình, hạnh phúc hơn mình trong khi nhan sắc mình có hạn thì lại sanh tâm đố kỵ. Nhiều người khi lập gia đình, có con cái lại hay so sánh con cái của mình với con cái của bạn bè hoặc hàng xóm và sanh tâm bực tức nếu con họ hơn con mình…. Thậm chí, người có tâm ganh tỵ còn ghen ghét, đố kỵ với ngay cả với hạnh phúc, thành công của những người thân trong gia đình như anh, chị, em, con cháu của mình. Biểu hiện của lòng ganh tỵ cũng rất khác nhau. Tùy vào cá tính từng người mà tâm ganh tỵ được biểu lộ trực tiếp ra ngoài hoặc ẩn chức bên trong. Có người thường cau có, khó chịu và bực tức khi nhắc về ai đó hoặc chứng kiến ai đó giàu có, tài giỏi, xinh đẹp hoặc hạnh phúc hơn mình. Có người lại thâm độc hơn khi bên ngoài không hề biểu lộ bất kỳ một thái độ nào nhưng ngấm ngầm bên trong là cả một bầu trời tức tối, tìm mọi sơ hở của người khác để hãm hại và chà đạp, cuối cùng là hả hê nếu họ có gặp những thất bại trong cuộc sống. Lại có người biểu hiện lòng ganh tỵ bằng cảm xúc rất bi quan là thường buồn bã, tủi thân, nuối tiếc quá khứ và hay nhớ nghĩ về quá khứ, về thời gian mà chúng ta hơn người khác ở một lĩnh vực nào đó. Có thể nói, dù biểu hiện như thế nào nhưng với một người ít có đạo đức, không tin vào nhân quả và nghiệp báo thì từ tâm ganh tỵ ban đầu, họ sẽ nảy sinh những hành động tiêu cực khác như gièm pha, nói xấu, gây rối, phá hoại, tạo rối ren, thanh toán, bất chấp thủ đoạn để hãm hại người mà họ đang ganh tỵ. Nguy hại hơn, chính lòng ganh tỵ khiến tâm hồn con người trở nên chai sạn, vô cảm trước nỗi khổ, niềm đau của người khác. Bởi lẽ, vì tâm ganh tỵ quá lớn mà khi thấy người khác bất hạnh, chúng ta lại không tỏ ra thương cảm mà lại thấy vui mừng, sung sướng.
Nói như thế để chúng ta thấy được rằng, lòng ganh tỵ nghe tuy có vẻ đơn giản nhưng nó làm cho con người phiền não, khó chịu vô cùng và hơn thế nữa, nó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến nhiều hành động sai trái khác của con người.
Vậy làm thế nào để dừng sự đố kỵ và ganh tỵ?
Đừng sống trong thế giới của những so sánh
Thế giới này nơi mà cuộc sống của mỗi người được chia sẻ với mọi người qua các mạng xã hội, thật dễ dàng để luôn so sánh bản thân bạn với những người ngang hàng và những đối thủ của bạn.
Nếu cạnh tranh lành mạnh là dấu hiệu tốt, thì hiển nhiên đó không phải là đố kỵ. Nếu bạn muốn thành công trong cuộc sống, hãy đấu tranh với chính mình. Hãy so sánh với quá khứ của chính mình và cố gắng hơn nữa mỗi ngày. Điều đó sẽ giúp bạn trở thành người giỏi nhất bạn có thể tránh được việc trở thành nạn nhân của sự ghen tị nhỏ nhặt.
Những thành công của bạn là có ý nghĩa
Hãy chúc mừng cho những thành công của chính mình, mặc dầu chúng có thể nhỏ. “Thành Rome không thể xây xong trong một hôm”. Bạn không thể ghét ai đó chỉ vì họ nổi tiếng hay kiếm được nhiều tiền hơn bạn. Bởi tại một thời điểm nào đó, họ đã từng ở vị trí giống như bạn bây giờ.
Cuộc sống không dễ dàng. Nhưng với nỗ lực nghiêm túc và cống hiến, bạn có thể đạt được những giấc mơ của chính mình. Hạnh phúc của bạn dựa trên những thành quả của bạn chứ không phải là những thành quả của người khác, hoặc là bạn sẽ luôn thấy giận hờn và đau khổ ở chính mình.
Hãy đam mê cuộc sống của bạn
Hãy yêu bản thân và tôn trọng cuộc sống của chính bạn. Nếu bạn không hạnh phúc, Hãy chọn một con đường mới mà bạn yêu thích. Khi bạn tôn trọng chính mình, bạn sẽ không đố kỵ nhiều nữa. Bạn có thể thèm muốn, nhưng không phải là đố kỵ bởi vì bạn tin vào năng lực của chính mình. Nếu ai đó tốt hơn bạn, đó là lý do để bạn ước muốn được như họ và làm việc chăm chỉ hơn, chứ không phải ghen tị và mong ước họ kém đi.
Hãy luôn tích cực
Hãy tự tin và theo đuổi những giấc mơ của chính mình. Ghen tỵ là một cách chấp nhận sự thất bại. Tại sao bạn ghen tỵ? Phải chăng bạn nghĩ rằng một ngày nào đó bạn có khả năng đạt được những ước muốn giống như người mà bạn đố kỵ? Lòng ghen tỵ là phản ứng tiềm thức trong suy nghĩ của bạn khi bỏ cuộc và than vãn về cuộc sống bất công. Đừng khất phục nó. Thay vào đó, hãy đi ra ngoài và cải thiện mình tốt hơn.
                                                                        Theo Khỏe & Đẹp


Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

SẼ ĐẠT PHÚC ĐỨC VÔ LƯỢNG NẾU KHÔNG NÓI 8 LỜI NÀY


                                 
               



Sống ở trên đời, “tu cái miệng” là một điều đặc biệt quan trọng. Mỗi lời nói ra cũng giống như bát nước hắt đi, thật khó lòng thu hồi.
Nói chuyện là một nghệ thuật, dù là lời hay ý đẹp cũng phải đắn đo. Nói điều không tốt khiến đôi bên nghe xong đều mất hứng thì đương nhiên là không nên nói. Vậy những lời nói thế nào là không tốt và không nên nói ra?

1. Không nói những lời chán nản, thối chí
Có người bình thường thích nói những lời chán nản làm người khác nhụt chí. Thật ra cuộc sống rất cần những lời cổ vũ động viên từ người khác, cho dù không có ai khích lệ thì cũng phải tự khích lệ chính mình. Bản thân không cổ vũ chí hướng của mình, trái lại còn nói ra những lời thoái chí thì đương nhiên sẽ rơi vào vực sâu suy sụp.1. Không nói những lời chán nản, thối chí

2. Không nói những lời tức giận
Con người đang lúc tức giận thường không tự chủ được mà nói ra những lời giận dữ, có lúc làm tổn thương người khác, có khi lại làm tổn thương chính mình. Người ta khi bị xúc phạm thì cần nhất là giữ được tỉnh táo, không nên tùy tiện phát ngôn, vì lời nói lúc nóng giận thường rất khó nghe, vì vậy nhất định đừng nên nói.

3. Không nói những lời oán trách
Khi không hài lòng, người ta thường nói ra những lời bất mãn, oán giận ông chủ, oán giận bạn bè, thậm chí oán giận cả người nhà. Nếu bạn thường xuyên nói những lời oán trách, người khác nghe được sau này sẽ mượn đó làm đề tài để nói về bạn, gây ra bất hòa thị phi, khiến bạn phải đối phó với người này, đối phó với người kia, cuối cùng tự mình làm khổ mình, bạn việc gì phải khổ như vậy?

4. Không nói những lời tổn thương
Có người lỗ mãng nói năng tùy tiện, không biết bao dung tôn trọng người khác, thường hay nói những lời tổn thương người khác, có lúc “hại người ích ta”, nhưng cũng có khi “hại người hại mình”. Lời nói tổn thương người khác có thể chỉ là nhất thời, nhưng nhân cách của mình đã bị người ta xem thường rồi đó, tổn thương ấy là vĩnh viễn!
5. Không nói những lời khoe khoang

Có người khi nói chuyện thường thích tuyên truyền về bản thân, tự mình quảng cáo rùm beng, tự mình thổi phồng chính mình, người khác nghe xong nhất định không đồng tình. Cho nên khoe khoang thực tế cũng chẳng được lợi ích gì, trái lại còn làm mình bị tổn thương. Con người muốn vĩ đại thì phải làm những việc vĩ đại, vĩ đại ấy là phải để người khác nói, không thể tự nhận được đâu, bản thân mình khiêm tốn là tốt hơn cả.

6. Không nói những lời dối trá
Phật giáo giảng “Ngũ giới”, “cấm nói dối” là một trong năm giới cấm này. Nói dối tức là “thấy mà nói không thấy, không thấy mà nói thấy, đúng mà nói là sai, sai mà nói là đúng”, nói một cách đơn giản thì đó là những lời không thật.
Truyện ngụ ngôn “Sói đến rồi” (hay “Chú bé chăn cừu”) từng nói về hậu quả nghiêm trọng của việc nói dối. Một ví dụ khác, ban đầu có 1 chiếc máy bay, qua tai người khác nói thành 11 chiếc, cuối cùng biến thành 91 chiếc, đây chính là những tin đồn thất thiệt, chuyện bé xé ra to, cũng tương tự như là nói dối.

7. Không nói những lời bí mật
Trên đời này có lắm điều bí mật, từ gia đình đến công ty không đâu là không có, nghiệp vụ có bí mật nghiệp vụ, quốc gia có bí mật quốc gia. Hiện nay các quốc gia đều rất coi trọng việc bảo mật, nếu chẳng may tiết lộ bí mật quốc gia thì bạn sẽ bị xử lý nghiêm khắc và chịu hình phạt nặng nề.
Cho nên chúng ta cần phải tạo thành thói quen giữ bí mật, không được tùy tiện phát ngôn. Trước khi nói ra những chuyện bí mật, bạn phải nghĩ đến những hậu quả xấu có khả năng xảy ra, hiểu rõ tính nghiêm trọng của nó thì sẽ không dám tùy tiện ăn nói lung tung.

8. Không nói những lời riêng tư
Mỗi người đều có những chuyện riêng tư, việc riêng của mình đương nhiên không muốn người khác biết, việc riêng của người khác cũng không thể mang ra nói lung tung. Cho dù bạn có nói ra hết chuyện riêng của người khác mà họ không phản kháng lại thì tính xấu của bạn cũng đã lộ ra rồi, sau này bạn sẽ khó mà có được hậu phúc nữa.
Con người sống trong nhà không chỉ để che mưa che nắng mà còn vì an toàn, nhưng chủ yếu nhất là để đảm bảo sự riêng tư. Người ta mặc quần áo một phần là để giữ ấm nhưng quan trọng là để che đậy thân thể của mình. Vì thế, nếu muốn tôn trọng lẫn nhau thì không được tiết lộ những việc riêng tư của người khác.
Ngoài những điều kể trên, đương nhiên còn có rất nhiều điều không nên nói và không nên làm, thận trọng với những lời nói của mình cũng chính là đang “tu khẩu” (tu cái miệng của mình), bằng không chính bạn đang hủy đi phúc đức của mình đấy!


                                                                    Theo Phununews

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

NGÀY MỚI





                                                                
                   NGÀY MỚI

Ló dạng bình minh nở nụ cười,
Ngoài sân lá biếc rạng ngời tươi.
Hoa khoe hương sắc chào đầu ngõ,
Bướm lượn cánh xinh rộn góc trời.
Danh lợi đa mang buồn liễu rủ,
Thị phi vướng mắc khổ châu rơi.
An vui lý đạo bên duyên thắm,
Buông xả khoan hòa dạ thảnh thơi.

Buông xả khoan hòa dạ thảnh thơi,
Ân sâu tam bảo giữ trong đời.
Không nương phước báu sinh lười trễ,
Chẳng ỷ duyên may để nghỉ ngơi.
Cạnh pháp can trường qua những lúc,
Bên thầy chịu khó vượt bao thời.
Vươn cao chánh giác theo đường sáng,
Quả phúc siêng tu huệ tự khơi.

                                  Minh Đạo



                 

   

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016

LÀM BỐN ĐIỀU NÀY GIA ĐÌNH THỊNH VƯỢNG, PHÚC PHẦN ĐỜI ĐỜI





Nếu biết tu tâm dưỡng tính thì chẳng mấy chốc đời người hóa bình lặng, đừng bon chen xô bồ làm chi, để cuộc đời an nhàn là điều đúng đắn.
Trong dân gian có câu: “Giàu không quá ba đời”. Rất nhiều gia tộc giàu có đều không “thoát” khỏi sự linh ứng của nó. Nhưng cũng có những gia đình không hề bị ảnh hưởng, thậm chí càng ngày càng hưng thịnh. Vậy sự khác biệt nằm ở chỗ nào?
Bí quyết của gia tộc họ Tăng “trường thịnh không suy” này là ở 4 câu di chúc do Tăng Quốc Phiên để lại.
Đạo Phật nói cuộc đời là biển khổ mênh mông không có ngày thôi dứt, vì nhân loại lúc nào cũng đấu tranh giành giật, chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên để rồi giết hại lẫn nhau, lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu. Con người đau khổ bởi sinh già bệnh chết, tâm đau khổ vì phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến.
Người không biết tu, bản thân họ không được hưởng an lạc và hạnh phúc. Họ thường bị phiền não và đau khổ, cuộc đời chi phối bức bối và chẳng có một phút giây thanh thản.
Tấm lòng của mỗi người tuy khác nhau nhưng đều chung một đích là hướng thiện. Muốn có tấm lòng trong sáng, tốt đẹp, được người yêu thần quý thì nên săn sóc, nuôi dưỡng tấm lòng của mình (hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, hàng giây.
Tu tâm là việc có thể tự làm ở ngay tại nhà, ngay trong từng việc nhỏ hàng ngày, ở bất kì nơi đâu. Ở nhà biết kính trên nhường dưới, hòa nhã, yêu thương, ra đường biết bênh yếu chống mạnh, bảo vệ lẽ phải, chấp hành pháp luật cũng là tu tâm.
Trong gia đình khổ vì phải làm việc vất vả, nhọc nhằn để lo cơm áo gạo tiền, rồi thương yêu xa lìa khổ, oán ghét mà gặp nhau hoài lại càng khổ hơn, mong cầu mà không được cũng khổ, thân ốm yếu hoặc sung mãn quá cũng khổ.

1. Thận trọng thì trong tâm sẽ yên bình

Đạo lý tu dưỡng bản thân là phải hướng vào trong nội tâm. Trong nội tâm đã biết rõ thiện ác lại không thể tận lực hành thiện trừ ác thì chưa phải là thật tâm tu dưỡng. Chỉ chính mình mới biết rõ có đang tự lừa dối bản thân hay không, người ngoài nhìn khó thấy.
Mạnh Tử nói: “Trên không thẹn với trời, dưới không thẹn với lương tâm”. Cái gọi là dưỡng tâm, nhất định phải là “tâm thanh quả dục” (để tâm thanh tịnh, giảm bớt ham muốn dục vọng). Cho nên, người có thể tự thận trọng xét lại bản thân mình sẽ không bị cảm thấy áy náy.
Người nếu như không có việc gì phải áy náy thì khi đối mặt với quỷ thần, trời đất, thì thần sắc sẽ an nhiên, bình thản. Đây là phương thuốc tốt nhất, là việc lớn nhất của tu thân dưỡng tính, là đạo lý cần cố gắng đạt được trong đời người.

2. Cung kính thì thân thể sẽ khỏe mạnh

Trong nội tâm mà thuần khiết, bên ngoài chỉnh tề nghiêm túc, đây là công phu của “kính” (kính trọng, tôn kính, cung kính). Bước ra khỏi cửa giống như nhìn thấy khách quý, luôn kính trọng với người khác, đây là khí tượng của “kính”.
Bản thân tu dưỡng khiến dân chúng bình an, trung thực kính cẩn mà khiến thiên hạ được thái bình, đây là hiệu quả của “kính”. Thông minh và trí tuệ đều là từ “kính” mà ra.
Nếu như việc lớn hay việc nhỏ, người nhiều hay người ít, đều dùng lòng cung kính (cả bên trong và bên ngoài) để đối đãi, không dám buông thả thì thân thể sẽ khỏe mạnh.

3. Nhân từ sẽ được tự tại

Khổng Tử giáo dục con người đều là dùng chữ “nhân” (nhân từ, nhân ái) làm trọng. Ông nói: “Dục lập lập nhân, dục đạt đạt nhân”, (ý nói đến phương pháp hành nhân: Đem mong muốn sự nghiệp thành đạt của mình làm cho người khác giống y như cho mình vậy. Lấy những điều mà trong lòng mình mong ước để hiểu lòng mong ước của người khác).
Người có thể hành nhân sẽ không có tâm tranh giành, như thế trong tâm luôn thấy tự tại, vui vẻ, không bị vướng bận điều gì.

4. Lao động sẽ được quỷ thần tôn trọng

Người xưa quan niệm rằng, người mà ngày đêm không làm việc gì, an nhàn rảnh rỗi, trong khi có khả năng lao động mà lại sống dựa vào người khác là người bất hạnh, quỷ thần cũng không đồng ý. Người như vậy sao có thể sống được lâu dài?
Bậc thánh hiền xưa luôn là người cần cù, tận lực với dự định của bản thân, đọc sách và luyện tập, gia tăng trí huệ và mở mang kiến thức. Người thành công trong xã hội cũng luôn là người nỗ lực làm việc.
Di chúc của Tăng Quốc Phiên có ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu xa đến đời con cháu của ông. Sau khi Tăng Quốc Phiên mất, con trai của ông là Tăng Kỷ Trạch ra làm quan, làm ngoại giao.
Tăng Kỷ Hồng cả đời nghiên cứu toán học. Sau khi cháu trai Tăng Quảng Quân của ông đỗ tiến sĩ đã làm việc ở viện hàn lâm. Những đời sau của gia đình họ Tăng đều nghiên cứu học tập cao không tham gia binh nghiệp, thậm chí ít người ra làm quan.
Tăng gia luôn ghi nhớ những lời di ngôn của Tăng Quốc Phiên, không tranh giành địa vị, giữ tâm trong sạch và duy trì được: “Tăng gia trường thịnh không suy, đời đời có nhân tài”.
Tăng Quốc Phiên, tiến sĩ triều Đạo Quang, giữ chức vụ Thị lang các bộ Binh, Lễ, Lại, Hình, đồng thời là một nhà Nho lỗi lạc đã nói rằng, một gia đình có hưng thịnh hay không chỉ cần nhìn vào ba điểm dưới đây là biết rõ:

Thứ nhất: Nhìn xem con cháu ngủ đến mấy giờ? Nếu như ngủ đến lúc mặt trời lên cao mới bắt đầu dậy thì gia đình này đang từ từ lười biếng mà đi xuống.

Thứ hai: Nhìn xem con cháu trong nhà có chăm chỉ làm việc hay không? Bởi vì thói quen làm việc sẽ ảnh hưởng đến cả đời của một người.

 Thứ ba: Nhìn xem con cháu có thường đọc sách kinh điển của các bậc cao nhân thánh hiền hay không? Bởi vì người không học sẽ không hiểu nghĩa và không biết đạo lý.

Nhìn lại lịch sử có thể thấy, rất nhiều gia đình giàu có đều bị “linh nghiệm” bởi câu “giàu không quá ba đời” hay “thành đạt không quá ba đời”. Nhưng gia đình họ Tăng lại đời này tiếp nối đời sau mà sinh ra các bậc anh tài, những nhân vật kiệt xuất của lịch sử Trung Hoa.

                                                                                     Theo Khỏe & Đẹp