Ngôn ngữ, danh
từ chỉ là phương tiện tạm dùng giữa con người với nhau, trong đạo cũng như
ngoài đời, có thể thay đổi theo thời gian và không gian, cho nên cách xưng hô
trong đạo Phật tùy duyên, không có nguyên tắc cố định, tùy theo thời đại, hoàn
cảnh, địa phương, tông phái, hay tùy theo quan hệ giữa hai bên. Đó là phần tu
tướng.
Trong khóa
nghiên tu an cư mùa hạ năm 2005, tại Tổ đình Từ Quang Montréal, Canada, các
thắc mắc sau đây được nêu lên trong phần tham luận:
1) Khi nào gọi
các vị xuất gia bằng Thầy, khi nào gọi bằng Đại Đức, Thượng Tọa hay Hòa
Thượng?
2) Khi nào
gọi các vị nữ xuất gia bằng Ni cô, Sư cô, Ni sư hay Sư Bà? Có bao giờ gọi là
Đại Đức Ni, Thượng Tọa Ni hay Hòa Thượng Ni chăng?
3) Khi ông
bà cha mẹ gọi một vị sư là Thầy hay Sư phụ, người con hay cháu phải gọi
là Sư ông, hay cũng gọi là Thầy? Như vậy con cháu bất kính, coi như ngang
hàng với bậc bề trên trong gia đình chăng?
4) Một vị
xuất gia còn ít tuổi đời (dưới 30 chẳng hạn) có thể nào gọi một vị tại gia
nhiều tuổi (trên 70 chẳng hạn) bằng “con” được chăng, dù rằng vị tại gia
cao niên đó xưng là “con” với vị xuất gia?
5) Sau khi
xuất gia, một vị tăng hay ni xưng hô như thế nào với người thân trong
gia đình?
* * *
Trước khi đi
vào phần giải đáp các thắc mắc trên, cần thông qua các điểm sau đây:
*1) Chư Tổ có dạy: “Phật
pháp tại thế gian”. Nghĩa là: việc đạo không thể tách rời việc
đời. Nói một cách khác, đạo ở tại đời, người nào cũng đi từ đời vào đạo,
nương đời để ngộ đạo, tu tập để độ người, hành đạo để giúp đời. Chư Tổ
cũng có dạy: “Hằng thuận chúng sanh”. Nghĩa là: nếu phát tâm tu
theo Phật, dù tại gia hay xuất gia, đều nên luôn luôn thuận theo việc dùng tứ
nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự) để đem an lạc cho chúng sanh,
tức là cho mọi người trong đời, bao gồm những người đang tu trong đạo.
*2) Từ đó, chúng ta chia cách xưng hô
trong đạo Phật ra hai trường hợp:
Một là, cách
xưng hô chung trước đại chúng nhiều người, có tính cách chính thức, trong
các buổi lễ, cũng như trên các văn thư, giấy tờ hành chánh. Hai là, cách
xưng hô riêng giữa hai người, tại gia hay xuất gia, mà thôi. Người
chưa rõ cách xưng hô trong đạo không nhứt thiết là người chưa hiểu đạo, chớ nên
kết luận như vậy. Cho nên, việc tìm hiểu và giải thích là bổn phận của
mọi người, dù tại gia hay xuất gia.
*3) Có hai loại tuổi được đề cập đến,
đó là: tuổi đời và tuổi đạo. Tuổi đời là tuổi tính theo đời, kể từ
năm sinh ra. Tuổi đạo là tuổi thường được nhiều người tính từ ngày xuất
gia tu đạo. Nhưng đúng ra, tuổi đạo phải được tính từ năm thụ cụ túc giới và hằng
năm phải tùng hạ tu học theo chúng và đạt tiêu chuẩn, mỗi năm như vậy được tính
một tuổi hạ. Nghĩa là tuổi đạo còn được gọi là tuổi hạ (hay hạ lạp).
Trong nhà đạo, tất cả mọi việc, kể cả cách xưng hô, chỉ tính tuổi đạo, bất luận
tuổi đời. Ở đây không bàn đến việc những vị chạy ra chạy vào, quá trình
tu tập trong đạo không liên tục.
* * *
Bây giờ, chúng
ta bắt đầu từ việc một người tuổi đời dưới 20 phát tâm xuất gia, hay do gia
đình đem gửi gắm vào cửa chùa, thường được gọi là chú tiểu, hay điệu. Đó
là các vị đồng chơn nhập đạo. Tùy theo số tuổi, vị này được giao việc làm trong
chùa và học tập kinh kệ, nghi lễ. Thời gian sau, vị này được thụ 10 giới,
gọi là Sa di (nam) hay Sa di ni (nữ), hoặc Chú (nam) hay Ni cô
(nữ). Khi tuổi đời dưới 14, vị này được giao việc đuổi các con quạ quấy rầy khu
vực tu thiền định của các vị tu sĩ lớn tuổi hơn, cho nên gọi là “khu ô sa
di” (sa di đuổi quạ).
Đến năm được ít
nhất là 20 tuổi đời, và chứng tỏ khả năng tu học, đủ điều kiện về tu tánh cũng
như tu tướng, vị này được thụ giới cụ túc, tức là 250 giới tỳ kheo (nam) hay
348 giới tỳ kheo ni (nữ) và được gọi là Thầy (nam) hay Sư cô
(nữ). Trên giấy tờ thì ghi là Tỳ Kheo (nam) hay Tỳ Kheo Ni
(nữ) trước pháp danh của vị xuất gia.
Ở đây xin nhắc
thêm, trước khi thụ giới tỳ kheo ni, vị sa di ni (hoặc thiếu nữ 18 tuổi đời
xuất gia và chưa thụ giới sa di ni) được thụ 6 chúng học giới trong thời gian 2
năm, được gọi là Thức xoa ma na ni. Cấp này chỉ có bên ni, bên tăng không
có. Tuy nhiên trong tạng luật, có đến 100 chúng học giới chung cho cả
tăng và ni. Cũng cần nói thêm, danh từ tỳ kheo có nơi còn gọi là tỷ kheo,
hay tỳ khưu, tỷ khưu. Bên nam tông, tỷ kheo có 227 giới, tỷ kheo ni có 311
giới. Giới cụ túc (tỳ kheo hay tỳ kheo ni) là giới đầy đủ, viên mãn,
cao nhất trong đạo Phật để từng vị xuất gia tu tập cho đến lúc mãn đời (thường
gọi là viên tịch, không nên lạm dụng từ vãng sanh), không phải thụ giới nào cao
hơn. Việc thụ bồ tát giới (tại gia hay xuất gia) là do sự phát tâm
riêng của từng vị theo bắc tông, nam tông không có giới này.
Ở đây, xin nói
thêm rằng: Bắc tông (hay bắc truyền, phát triển) là danh từ chỉ các tông
phái tu theo sự truyền thừa về phương bắc của xứ Ấn Độ, qua các xứ Tây Tạng,
Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật bổn và Việt Nam. Nam tông (hay nam truyền, nguyên
thủy) là danh từ chỉ các tông phái tu theo sự truyền thừa về phương nam của xứ
Ấn Độ, qua các xứ Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Cao Miên và Việt Nam.
Trong lúc hành
đạo, tức là làm việc đạo trong đời, đem đạo độ đời, nói chung sự sinh hoạt của
Phật giáo cần phải thiết lập tôn ti trật tự (cấp bậc) có danh xưng theo hiến
chương của Giáo Hội Phật Giáo như sau:
1) Năm 20
tuổi đời, vị xuất gia thụ giới tỳ kheo được gọi là Đại Đức.
2) Năm 40
tuổi đời, vị tỳ kheo được 20 tuổi đạo, được gọi là Thượng Tọa.
3) Năm 60
tuổi đời, vị tỳ kheo được 40 tuổi đạo, được gọi là Hòa Thượng.
Còn đối với bên
nữ (ni bộ):
4) Năm 20
tuổi đời, vị nữ xuất gia thụ giới tỳ kheo ni được gọi là Sư cô (hiện nay
ở Canada, có giáo hội gọi các vị tỳ kheo ni này là Đại Đức).
5) Năm 40
tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 20 tuổi đạo, được gọi là Ni sư.
6) Năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 40 tuổi đạo, được gọi là Sư bà (bây giờ gọi là Ni trưởng).
6) Năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 40 tuổi đạo, được gọi là Sư bà (bây giờ gọi là Ni trưởng).
Đó là các danh
xưng chính thức theo tuổi đời và tuổi đạo (hạ lạp), được dùng trong việc
điều hành Phật sự, trong hệ thống tổ chức của Giáo Hội Phật Giáo, không được
lạm dụng tự xưng, tự phong, tự thăng cấp, mà phải được xét duyệt và chấp thuận
bởi một hội đồng giáo phẩm có thẩm quyền, và được cấp giáo chỉ tấn phong,
nhân dịp Đại Lễ hay Đại Hội Phật Giáo, trong các Giới Đàn, hay trong mùa an cư
kết hạ hằng năm.
Như trên, chúng
ta có thể hiểu rằng: Sư cô nghĩa là Đại đức bên ni bộ. Ni sư nghĩa là
Thượng tọa bên ni bộ. Sư bà (hay Ni trưởng) nghĩa là Hòa thượng bên ni
bộ. Bởi vậy cho nên, các buổi lễ hay văn thư chính thức, thường nêu lên
là: “Kính bạch chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni”, chính là
nghĩa đó vậy. Tuy vậy, trên thực tế, chưa thấy có nơi nào chính thức
dùng các danh xưng: Đại đức ni, Thượng tọa ni, hay Hòa thượng ni. Nếu có
nơi nào đã dùng, chỉ là cục bộ, chưa chính thức phổ biến, nghe không quen tai
nhưng không phải là sai. Đối với các bậc Hòa Thượng mang trọng trách điều hành
các cơ sở Giáo Hội Phật Giáo trung ương cũng như địa phương, hay các Đại Tùng
Lâm, Phật Học Viện, Tu Viện, thường là các vị trên 80 tuổi đời, được tôn xưng
là Đại Lão Hòa Thượng hay Trưởng Lão Hòa Thượng. Các vị thuộc
hàng giáo phẩm này thường được cung thỉnh vào các hội đồng trưởng lão, hoặc hội
đồng chứng minh tối cao của các Giáo Hội Phật Giáo. Tuy nhiên, khi ký các
thông bạch, văn thư chính thức, chư tôn đức vẫn xưng đơn giản là Tỳ kheo, hay Sa
môn (có nghĩa là: thầy tu).
Đến đây, chúng
ta nói về cách xưng hô giữa các vị xuất gia với nhau và giữa các vị cư sĩ Phật
tử tại gia và tu sĩ xuất gia trong đạo Phật.
1)* Giữa các vị xuất gia, thường xưng con
(hay xưng pháp danh, pháp hiệu) và gọi vị kia là Thầy (hoặc gọi cấp bậc hay
chức vụ vị đó đảm trách). Bên tăng cũng như bên ni, đều gọi sư phụ bằng
Thầy, (hay Sư phụ, Tôn sư, Ân sư). Các vị xuất gia cùng tông môn, cùng
sư phụ, thường gọi nhau là Sư huynh, Sư đệ, Sư tỷ, Sư muội, và gọi các vị ngang
vai vế với Sư phụ là Sư thúc, Sư bá. Có nơi dịch ra tiếng Việt, gọi nhau
bằng Sư anh, Sư chị, Sư em. Ngoài đời có các danh xưng: bạn hữu, hiền hữu,
thân hữu, hội hữu, chiến hữu. Trong đạo Phật có các danh xưng: đạo hữu (bạn
cùng theo đạo), pháp hữu (bạn cùng tu theo giáo pháp). Các danh xưng: tín hữu
(bạn cùng tín ngưỡng, cùng đức tin), tâm hữu (bạn cùng tâm, đồng lòng) không
thấy được dùng trong đạo Phật.
2)* Khi tiếp xúc với chư tăng ni,
quí vị cư sĩ Phật Tử tại gia (kể cả thân quyến của chư tăng ni) thường đơn giản
gọi bằng Thầy, hay Cô, (nếu như không biết rõ hay không muốn gọi phẩm trật của
vị tăng ni có tính cách xã giao), và thường xưng là con (trong tinh thần Phật
pháp, người thụ ít giới bổn tôn kính người thụ nhiều giới bổn hơn, chứ không
phải tính tuổi tác người con theo nghĩa thế gian) để tỏ lòng khiêm cung, kính
Phật trọng tăng, cố gắng tu tập, dẹp bỏ bản ngã, dẹp bỏ tự ái, cống cao ngã mạn,
mong đạt trạng thái: niết bàn vô ngã, theo lời Phật dạy. Có những vị cao
tuổi xưng tôi hay chúng tôi với vị tăng ni trẻ để tránh ngại ngùng cho cả hai
bên. Khi qui y Tam Bảo thụ ngũ giới (tam qui ngũ giới), mỗi vị cư sĩ Phật Tử
tại gia có một vị Thầy (Tăng bảo) truyền giới cho mình. Vị ấy được gọi là Thầy
Bổn sư. Cả gia đình có thể cùng chung một vị Thầy Bổn sư, tất cả các thế hệ
cùng gọi vị ấy bằng Thầy. Theo giáo phái khất sĩ, nam tu sĩ được gọi chung
là Sư và nữ tu sĩ được gọi chung là Ni. Còn nam tông chỉ có Sư,
không có hay chưa có Ni. Việc tâng bốc, xưng hô không đúng phẩm vị của
tăng ni, xưng hô khác biệt trước mặt và sau lưng, tất cả đều nên tránh,
bởi vì không ích lợi cho việc tu tâm dưỡng tánh.
3)* Khi tiếp xúc với quí vị cư sĩ
Phật Tử tại gia, kể cả người thân trong gia quyến, chư tăng ni thường xưng là
tôi hay chúng tôi (hay xưng pháp danh, pháp hiệu, hoặc bần tăng, bần ni), cũng
có khi chư tăng ni xưng là Thầy, hay Cô, và gọi quí vị là đạo hữu, hay quí đạo
hữu. Cũng có khi chư tăng ni gọi quí vị tại gia bằng pháp danh, có kèm theo
(hay không kèm theo) tiếng xưng hô của thế gian. Cũng có khi chư tăng ni gọi
quí vị tại gia là “Quí Phật Tử”. Chỗ này không sai, nhưng có chút không
ổn, bởi vì xuất gia hay tại gia đều cùng là Phật Tử, chứ không riêng tại gia là
Phật Tử mà thôi. Việc một Phật Tử xuất gia (tăng ni) ít tuổi gọi
một Phật Tử tại gia nhiều tuổi bằng “con” thực là không thích đáng,
không nên. Không nên gọi như vậy, tránh sự tổn đức. Không nên bất bình, khi
nghe như vậy, tránh bị loạn tâm. Biết rằng mọi chuyện trên đời: ngôi thứ, cấp
bậc, đều có thể thay đổi, nhưng giá trị tuổi đời không đổi, cứ theo thời gian
tăng lên. Theo truyền thống đông phương, tuổi tác (tuổi đời) rất được kính
trọng trong xã hội, dù tại gia hay xuất gia.
4)* Trong các trường hợp tiếp xúc
riêng, tùy thuận theo đời, không có tính cách chính thức, không có tính cách
thuyết giảng, chư tăng ni có thể gọi các vị cư sĩ Phật Tử tại gia, kể cả người
thân trong gia quyến, một cách trân trọng, tùy theo tuổi tác, quan hệ, như cách
xưng hô xã giao người đời thường dùng hằng ngày. Danh xưng Cư sĩ hay Nữ Cư
sĩ thường dùng cho quí Phật Tử tại gia, qui y Tam bảo, thụ 5 giới, phát tâm tu
tập và góp phần hoằng pháp. Còn được gọi là Ưu bà tắc (Thiện nam, Cận
sự nam) hay Ưu bà di (Tín nữ, Cận sự nữ).
5)* Chúng ta thử bàn qua một chút về
ý nghĩa của tiếng xưng “con” trong đạo Phật qua hình ảnh của ngài La Hầu
La. Ngài là con của đức Phật theo cả hai nghĩa: đời và đạo. Ngài
sớm được tu tập trong giới pháp, công phu và thiền định khi tuổi đời hãy còn
thơ. Ngài không ngừng tu tập, cuối cùng đạt được mục đích tối thượng. Ngài
thực sự thừa hưởng gia tài siêu thế của đức Phật, nhờ diễm phúc được làm “con”
của bậc đã chứng ngộ chân lý. Ngài là tấm gương sáng cho các thế hệ Phật tử tại
gia (đời) cũng như xuất gia (đạo), bất luận tuổi tác, tự biết mình có phước báo
nhiều kiếp, hoan hỷ được xưng “con” trong giáo pháp của đức Phật.
6)* Đối với các vị bán thế xuất gia,
nghĩa là đã lập gia đình trước khi vào đạo, vẫn phải trải qua các thời gian tu
tập và thụ giới như trên, cho nên cách xưng hô cũng không khác. Tuy nhiên để
tránh việc gọi một người đứng tuổi xuất gia (trên 40, 50) là chú tiểu, giống
như gọi các vị trẻ tuổi, có nơi gọi các vị bán thế xuất gia này là Sư chú,
hay Sư bác. Hai từ ngữ này có nơi mang ý nghĩa khác. Việc truyền giới cụ túc,
hay tấn phong, có khi không đợi đủ thời gian như trên đây, vì nhu cầu Phật sự
của giáo hội, hay nhu cầu hoằng pháp của địa phương, nhất là đối với các vị bán
thế xuất gia có khả năng hoằng pháp, từng đảm nhận trọng trách, hay nghiên cứu
tu tập trước khi vào đạo.
7)* Vài xưng hô khác trong đạo như: Sư
Ông, Sư Cụ thường dành gọi vị sư phụ của sư phụ mình, hoặc gọi chư tôn đức
có hạ lạp cao, thu nhận nhiều thế hệ đệ tử tại gia và xuất gia. Một danh xưng
nữa là Pháp Sư, dành cho các vị xuất gia tăng hay ni (sư) có khả năng và
hạnh nguyện thuyết pháp (pháp) độ sanh. Ngoại đạo lạm dụng danh xưng này chỉ
các ông bà thầy pháp, thầy cúng.
8)* Danh xưng Sư Tổ được dành
cho chư tôn đức lãnh đạo các tông phái còn tại thế, và danh xưng Tổ Sư
được dành cho chư tôn đức đã viên tịch, được hậu thế truy phong vì có công lao
trọng đại đối với nền đạo. Đối với các bậc cao tăng thạc đức thường trụ ở một
tự viện, người trong đạo thường dùng tên của ngôi già lam đó để gọi quí ngài, tránh
gọi bằng pháp danh hay pháp hiệu của quí ngài, để tỏ lòng tôn kính.
9)* Ngày xưa khi đức Phật còn tại
thế, các vị tỳ kheo thường dùng tiếng Ðại Ðức (bậc thầy đức độ lớn lao,
phúc tuệ lưỡng toàn) để xưng tán Ngài, mỗi khi có việc cần thưa thỉnh.
Các vị đệ tử lớn của đức Phật cũng được gọi là Ðại Ðức. Trong các giới
đàn ngày nay, các giới tử cũng xưng tán vị giới sư là Đại Đức.
10)* Nói chung, cách xưng hô trong đạo
Phật nên thể hiện lòng tôn kính lẫn nhau, noi theo Bồ tát Thường bất khinh, bất
tùy phân biệt, bất luận tuổi tác, dù tại gia hay xuất gia, nhằm ngăn
ngừa tư tưởng luyến ái của thế tục, nhắm thẳng hướng giác ngộ chân lý, giải
thoát sinh tử khổ đau, vượt khỏi vòng luân hồi loanh quanh luẩn quẩn. Nhất
giả lễ kính chư Phật. Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh. Cho nên
đơn giản nhất là: “xưng con gọi Thầy”.
Theo các bộ
luật bắc tông và nam tông còn có nhiều chi tiết hơn.
* * *
Tóm lại, ngôn ngữ, danh từ chỉ là phương tiện
tạm dùng giữa con người với nhau, trong đạo cũng như ngoài đời, có thể thay đổi
theo thời gian và không gian, cho nên cách xưng hô trong đạo Phật tùy duyên,
không có nguyên tắc cố định, tùy theo thời đại, hoàn cảnh, địa phương, tông
phái, hay tùy theo quan hệ giữa hai bên. Đó là phần tu tướng.
Các vị phát tâm
xuất gia tu hành, các vị phát tâm tu tập tại gia, đã coi thường mọi thứ danh
lợi, địa vị của thế gian thì quan trọng gì chuyện xưng hô, tranh hơn thua
chi lời nói, quan tâm chi chuyện ăn trên ngồi trước, đi trước đứng sau, tranh
chấp danh tiếng, tranh cãi lợi dưỡng, tranh giành địa vị, đòi hỏi chức vụ, nếu
có, trong nhà đạo. Đồng quan điểm hay không, được cung kính hay không,
xưng hô đúng phẩm vị hay không, chẳng đáng quan tâm, tránh sự tranh cãi.
Nơi đây không bàn đến cách xưng hô của những người không thực sự phát tâm tu
tập, hý ngôn hý luận, náo loạn thiền môn, dù tại gia cũng như xuất gia.
Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai. Nhất niệm sân tâm khởi, thiêu
vạn công đức lâm, chính là nghĩa như vậy.
Cách xưng hô
nên làm cho mọi người, trong đạo cũng như ngoài đời, cảm thấy an lạc, thoải
mái, hợp với tâm mình, không trái lòng người, không quá câu nệ chấp nhứt, thế
thôi! Đó là phần tu tâm.
Trong đạo Phật,
cách xưng hô có thể biến đổi nhưng có một điều quan trọng bất biến, không biến
đổi, đó là phẩm hạnh, phẩm chất, đức độ, sự nổ lực, cố gắng tu tâm dưỡng
tánh không ngừng, cho đến ngày đạt mục đích cứu cánh: giác ngộ và giải
thoát, đối với Phật Tử tại gia cũng như xuất gia.
Đó chính là một
phần ý nghĩa của “tùy duyên bất biến” trong đạo Phật vậy.[]
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
PHẬT-HỌC TỊNH-QUANG CANADA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét