Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

LẠC THÚ, THẤT VỌNG VÀ THỎA MÃN


MẬT TÔNG VÀ SỰ HƯỞNG LẠC
  Vai trò của mật tông là chuyển hóa tất cả lạc thú thành kinh nghiệm siêu việt có tỉnh giác bén nhạy sâu xa. Thay vì khuyên ta tránh xa lạc thú thế tục như nhiều truyền thống tôn giáo khác, mật tông nhấn mạnh rằng tốt hơn con người ta nên cứ hưởng lạc tự nhiên, nhưng chuyển cái năng lượng của lạc thú thành con đường nhanh chóng hiệu nghiệm đưa đến sự toại ý và giác ngộ hoàn toàn. Đây là cách thiện xảo nhất để xử dụng tiềm năng con người quý báu của chúng ta.
  Qua phương pháp chuyển hóa sâu xa, mật tông chứng minh rằng con người vốn có khả năng thưởng thức hạnh phúc vô hạn mà đồng thời thoát khỏi những mê vọng vốn thường nhiễm độc lạc thú. Trái với những gì một số người có thể tưởng, vui thú khoái lạc chẳng có gì là sai quấy. Điều sai quấy là cái cách ngu si ta bám víu lạc thú, biến nó từ một nguồn vui trở thành nguyên nhân của khổ đau bất hạnh. Khoái lạc tự chúng không là vấn đề, mà vấn đề chính là sự bám víu chấp thủ vào khoái lạc. Bởi thế, nếu có thể thoát ly thói quen bám víu, thì ta có thể tha hồ vui thú mà không bị những rắc rối vẫn thường kèm theo sự tìm kiếm khoái lạc.
  Nếu hiểu đúng nghĩa sự chuyển hóa, thì bất cứ gì ta làm trong một ngày 24 giờ, đều có thể mang ta tiến gần hơn đến mục tiêu giác ngộ. Tất cả mọi hành động của ta- đi bộ, ăn uống, và ngay cả tiểu tiện- đều có thể đưa vào con đường tu tập. Ngay cả giấc ngủ ta, mà thông thường chỉ là bóng đen của vô thức hay sự hỗn mang của mộng mị, cũng có thể được chuyển thành kinh nghiệm quang sắc của trí giác vi tế sâu xa.
  Có lẽ những điều trên đây nghe thực vô lý. Cố nhiên những phương pháp tiệm tu, kể cả lối tu theo kinh điển trong đạo Phật, đều nhấn mạnh rằng những vọng tưởng như ham muốn, ganh tị...trong đời sống hàng ngày của ta luôn luôn là xấu, cần xem như chất độc. Chúng ta luôn được nhắc nhở về những hậu quả nguy hiểm của chúng, và được chỉ dẫn phải tránh ảnh hưởng chúng càng xa càng tốt. Nhưng như trên đã nói, mật tông lại theo đường lối khác. Mặc dù cũng nhấn mạnh tham ái chấp thủ là nguồn gốc khổ đau bất mãn, và do thế cần được khắc phục, mật tông lại dạy một phương pháp thiện xảo là sử dụng năng lượng của chính những vọng tưởng ấy để đào sâu sự tỉnh thức trong ta, thúc nhanh tiến trình tu tập. Như lương y có thể lấy cây độc để chế thuốc, cũng vậy hành giả mật tông thiện xảo có thể xử dụng năng lượng của tham sân một cách có lợi. Chắc chắn điều này có thể làm được lắm.
NHỮNG HÌNH ẢNH CỦA SỰ TOÀN VẸN
  Mật tông không những dạy ta tận dụng những kinh nghiệm khoái lạc thường nhật, mà còn chỉ cho ta làm thế nào để khởi động một kinh nghiệm lạc thú sâu xa nồng nàn hơn, đem lại thỏa mãn nhiều hơn là những khoái lạc mà giác quan thông thường có thể đem lại.
  Hiện tại mỗi khi tìm khoái lạc, chúng ta thường chỉ hướng đến những đối tượng bên ngoài mà ta ham muốn. Khi không thể tìm được hay không nắm giữ được đối tượng, thì ta đâm ra bất mãn sầu khổ. Ví dụ nhiều người đang đi tìm người yêu trong mộng tưởng của mình - một kẻ nào có thể làm suối nguồn hạnh phúc bất tận - nhưng dù có sưu tập nhiều bồ bịch đến đâu, họ cũng không bao giờ thực hiện được giấc mộng về người yêu lý tưởng.
  Cái điều ta không nhận ra là, trong mỗi con người chúng ta đều sẵn có một suối nguồn vô biên đầy đủ năng lượng thuộc nam tính và nữ tính. Bao nhiêu vấn đề rắc rối xảy đến cho chúng ta chỉ vì hoặc chúng ta không biết đến, hoặc chúng ta đè nén những gì ta sẵn có trong mình. Đàn ông cố che giấu khía cạnh nữ tính nơi mình, còn phụ nữ thì lại sợ bộc lộ năng lượng nam tính trong họ. Kết quả là ta luôn luôn cảm thấy mình bị tách rời khỏi một cái gì mình rất cần đến. Ta thấy mình không còn nguyên vẹn, và do đó ta quay sang người khác, mong tìm những đức tính mà ta không có, để có được cảm giác toàn vẹn. Do vậy nhiều lối hành xử của ta bị nhiễm tính bất an, chiếm hữu. Quả thế, tất cả vấn đề trên thế giới, từ nỗi lo sợ của một cá nhân cho đến chiến tranh giữa các quốc gia, đều có thể nói đã bắt nguồn từ cảm giác thiếu thốn này.
  Khi cần, những thiền gia vĩ đại có thể sống biệt lập hàng nhiều năm mà không cảm thấy cô đơn. Vậy mà chúng ta có thể vô cùng khó chịu nếu phải xa người bạn gái hay bạn trai của mình dù chỉ một ngày! Tại sao có sự khác biệt lớn lao ấy giữa chúng ta và thiền giả? Điều này có quan hệ đến những năng lượng nam tính và nữ tính trong ta. Khi những năng lượng này còn mất quân bình, bị phân chia manh mún, thì chúng ta vẫn còn mãi khát khao tụ hội với người khác, và không bao giờ được thỏa mãn. Nhưng nếu năng lượng âm dương bên trong ta được đầy đủ, thì không bao giờ ta cảm thấy cô đơn.
  Mật tông cung ứng nhiều phương pháp thần diệu để tiếp xúc với tính toàn vẹn nguyên ủy trong ta. Nghệ thuật mật tông có đầy những biểu tượng hợp nhất và toàn vẹn, diễn tả tiềm năng của ta để đạt đến viên mãn. Những hình ảnh chư thần giao hợp -mà một số người nghiên cứu Phật giáo Tây tạng cho là dấu hiệu suy đồi - kỳ thực là một biểu tượng của sự hợp nhất những năng lượng âm dương trong mỗi con người. Ở bình diện sâu xa hơn, sự giao hợp của họ còn biểu trưng mục đích của pháp hành trì cao nhất trong mật tông, là phát sinh đại lạc vi tế nhất, một tâm trạng vô cùng thích hợp để thâm nhập thực tại tuyệt đối giải thoát ta vĩnh viễn khỏi đau khổ mê mờ. Ở bình diện này, nam thần tượng trưng cho đại lạc và nữ thần là trí bất nhị. Vậy sự giao hợp của họ hoàn toàn không dính đến chuyện thỏa mãn giác quan, mà ám chỉ trạng thái trí tuệ đầy hỉ lạc toàn vẹn, vượt ngoài ham muốn giác quan thường tình.
  Với những người đã thuần thục, chỉ cần chiêm ngưỡng hình tượng ấy cũng đủ giúp họ phục hồi sự liên lạc hai năng lượng âm dương trong bản thể. Nhưng muốn tái lập mối liên lạc ấy, điều tối cần là phải đoạn tuyệt ảnh hưởng của cái tâm phân biệt nhị nguyên, vì chính tâm phân biệt này đã khiến ta trở thành xa lạ với thực thể sâu xa trong mình. Chính vì vậy mà những biểu tượng và hình ảnh xử dụng trong mật tông có thể hữu hiệu hơn danh từ suông, để đưa ta đi vào bản chất nguyên ủy.
BỐN LOẠI MẬT ĐIỂN
  Có bốn loại hay trình độ mật điển Phật giáo : mật điển thiên về hành động, mật điển thiên về tư duy, mật điển du già và tối thượng du già. Mỗi hạng dành cho một loại hành giả đặc biệt; và điều khác biệt giữa hạng này hạng kia là mức độ năng lượng ham muốn mà hành giả có đủ thiện xảo để hướng nó vào con đường tu tập. Theo truyền thống, những trình độ khác nhau về năng lượng lạc được ví dụ với mức thân mật tính dục trong quan hệ nam nữ. Hành giả mật tông bậc hạ có thể xử dụng để chuyển hóa năng lượng lạc khởi lên nơi một người lúc nhìn người yêu. Ở mức độ hai, năng lượng trao nhau nụ cười có thể được chuyển hóa. Ở mức độ ba, năng lượng cầm tay nhau được xử dụng để chuyển hóa, trong khi hành giả thuộc mật điển tối thượng du già thì có được cái thiện xảo để hướng ngay cả năng lượng của sự giao hợp tính dục vào con đường tu tập. Hình ảnh vô cùng mãnh liệt này cho ta một khái niệm về tầm mức càng lúc càng tăng của cái năng lượng có thể được chuyển hóa nhờ thực hành mật tông.
Một câu hỏi thực tế là, làm thế nào kỹ thuật chuyển hóa mật tông được vận hành có hiệu lực cho mỗi người. Nói rằng "mật tông xem ham muốn là con đường đến giác ngộ" chẳng có ý nghĩa gì lắm. Điều quan trọng là, sau khi quan sát kỹ những khả năng và kinh nghiệm của chính mình, phải tìm cách xác định trong hiện tại, ta xử lý cái năng lượng ham muốn của mình như thế nào. Ta phải tự hỏi mình có thể "quản lý" bao nhiêu lạc thú giác quan mà không trở thành điên dại. Hành trì mật tông cuối cùng có thể đánh thức trạng thái tâm sâu xa vi tế, nguồn phúc lạc kỳ diệu, song điều ấy không có nghĩa hiện tại ta nên lăn xả vào các ham muốn không cần phân biệt, chỉ vì chúng cũng có thể đưa đến một thứ lạc thú nào đó. Ta phải thành thực nhận ra những giới hạn của mình, và phải thực tế tự xét khả năng nếu muốn tu mật tông có chút nào kết quả.
  Một trong những chướng ngại lớn nhất cho việc tu hành là sự kiêu căng hợm hĩnh. Mối nguy này lại đặc biệt lớn lao trong sự thực hành mật tông. Khi nghe nói mật tông xử dụng ngay dục vọng để tu, ta có thể tưởng mình chỉ việc tự nhiên lăn xả vào những thèm khát bất trị, hoặc gia tăng số lượng ham muốn có sẵn, thế là ta đã thành một hành giả chân chính. Một số người quả có thái độ như vậy, thực hoàn toàn sai lạc. Ta không bao giờ nên quên rằng, nếu ngụp lặn trong dục vọng mà đồng nghĩa với hành trì mật tông, thì tất cả chúng ta đã thành những hành giả mật tông thượng thặng từ khuya! Mặc dù đời chúng ta đầy dẫy những ham muốn đủ thứ không bao giờ được thỏa mãn, điều duy nhất ta có được là sự bất mãn càng ngày càng tăng.
  Tại sao ra cơ sự ấy? Tại sao những ham muốn của ta luôn dẫn đến bất mãn và tuyệt vọng? Nếu không hiểu được điều này, thì tất cả cuộc nói chuyện về xử dụng ham muốn làm con đường giác ngộ, chỉ là chuyện đùa.


Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

LÁ THƯ THANKSGIVING CỦA NGƯỜI BỐ GIÀ 100 TUỔI!!


Mang ơn tiền nhân.
Lời tác giả: Kính tặng tất cả những ai còn có nghĩa vụ chăm sóc Bố Mẹ già.

* * *
            Các con yêu quý,
  Thấm thoát trời đã vào Đông.
  Những ngày cuối năm thời tiết bắt đầu trở lạnh, năm nay chậm hơn mọi năm vì gần hết tháng 11 rồi còn gì! Nghe tin tức từ miền Đông, tuyết rơi liên tục chôn cả nhà cửa và đường xá vậy mà ở Nam Cali, nhiệt độ ban đêm xuống thấp lại chóng tan vào lúc bình minh dưới nắng ấm ban mai... Ấy là một đặc ân trời ban cho miền Tây này phải thế không con? Tuy nhiên sáng nay, hơi lạnh đầu mùa cũng đủ làm Bố co ro trên giường không muốn dậy. Người già chịu đựng cái cảnh cô đơn và lạnh lẽo rất kém cỏi... Con vẫn biết?
  À... Bố vừa nhắc hai chữ “đặc ân” tất sẽ phải nhớ nói câu cảm ơn. Ân với nghĩa như âm dương luôn tương tác sánh đôi không thể có ân mà thiếu nghĩa hơn nữa chúng ta đang bước vào mùa Thanksgiving, lễ Tạ Ơn cổ truyền hàng năm trên đất Mỹ. Nhập gia tùy tục, sống theo phép ơn đền nghĩa trả nhưng khả năng ngồi viết gẫy gọn một lá thư hầu như đã mất nên Bố đành nắn nót tâm tư... qua hơi thở đứt đoạn và nhịp tim già nua chậm chạp! Sức khỏe người già vào mùa lạnh mong manh lắm, nghĩ đến đâu tâm sự đến đó vậy... Con cảm phiền đọc lên bằng trực giác thì may ra mới hiểu cái đầu suy nhược này còn nghĩ vơ vẩn những gì? Hai bàn tay của Bố hiện nay sáng thì run rẩy, chiều lại đau nhức chẳng qua vì đang lận đận với cái tuổi thọ lọt ra ngoài giới hạn trăm năm đời người.
  Tạ ơn... Bâng quơ nhoẻn miệng cười mà nói đôi lời cảm tạ thì có gì khó đâu nhưng thổ lộ một lời tạ ơn bằng chánh niệm mới là điều đáng lưu ý để tâm! Tạ ơn Trời đã cho Bố tuổi đời trăm năm này ư? Bao đêm trằn trọc không ngủ vì tâm thân đau đớn hoảng loạn đến khi tỉnh táo là lúc lại đối diện với bối rối chẳng biết mình có phúc hay có tội mà phải sống tuổi già điêu đứng từng ngày? Tạ ơn các con đã thương xót thân già này ư? Trải qua bao lần nhắn nhủ, dù biết rằng mỗi đứa một tính nhưng thực tế vẫn dạ xót lòng đau bởi đa số các con thương để bụng rồi phát chướng! Xót như sát muối vào lòng cũng khó tiêu hóa để chuyển tình thương ấy ra hành động. Thân già cô độc vẫn hoàn cô đơn với nỗi buồn từng phút, từng giờ, từng ngày, từng đêm tháng này qua năm nọ... Thương mà vắng mặt, ở xa đã đành nhưng ở gần cũng thế, tìm cơ hội xa lánh người mình thương thì thương làm gì cho khổ tâm thân? Chẳng ích gì cho nhau cả! Quả thực, nghịch cảnh vô minh ấy đã vô hiệu hóa tình thương nên có đau có xót cũng chỉ pha thêm phần bạc bẽo... Nhiều lần trước mặt các con, Bố đã tỏ ý vui mừng nếu kết liễu được kiếp đời lê thê nặng nợ, xem như ấy là thượng sách chấm dứt tuổi già vô dụng với nỗi buồn lây lan làm ray rứt lòng thương nhưng sáng dậy vẫn thấy mình còn sống ngoài ý muốn.
  Quay lại câu chuyện Tạ ơn nhân ngày Thanksgiving 2014, dù hoàn cảnh nào thì gia đình mình cũng chân thành biết ơn nước Mỹ đã cưu mang chúng ta trong những năm đầu lưu lạc xa quê rồi bây giờ các con thành công ngay trên miền đất hứa. Lẽ thường ở đời, con người và sự việc đều bị giới hạn bởi không gian và thời gian, may hay rủi sống ngoài đường biên đã vạch sẵn thì phải tâm niệm sẽ khoác vào thân những ưu phiền. Ấy chính là phận già đau khổ này... Thỉnh thoảng có kẻ hồ đồ bảo rằng: “Cụ ơi sướng mà chẳng biết! Tuổi già như Cụ lẽ ra vào “tu” ở viện dưỡng lão lâu rồi... Còn được ở nhà như vầy là phúc bẩy mươi đời, than vắn thở dài làm chi cho tổn thọ”.
  Thôi thì mỗi người một ý... Tuổi già sống thọ mà đầu óc lú lẫn, ngồi cả ngày ngủ gà ngủ gật với
 tã ướt thì có khác gì phận tù chung thân? Ai đã từng qua cầu, mới mong hiểu nổi dòng sông nước chảy nông sâu khúc nào!“Trẻ cậy cha, già cậy con” là câu ơn nghĩa để đời nhưng phải chăng cái vế thứ hai vì sống vội mà con người văn minh ngày nay ít còn cơ hội khả thi? Tuổi già sáng dậy nhìn Trời cậy Phật chờ con nhưng họa hoằn mới có đứa một công đôi ba việc hững hờ đến thăm... Mỗi đêm nhắm mắt trên giường ngủ tưởng như đã nằm yên trong lòng đất nhưng may mà phiêu diêu được thì tối lửa tắt đèn cũng chẳng có đứa con nào hay biết!
  Tâm lý người già sợ nhất cảnh cô đơn nên nếu các con đã hiểu thì hãy thương cho tròn. Tình thương ấy không đánh đổi bằng tấm ngân phiếu kếch xù hay quà bánh đắt tiền mà chính là... thời gian. Một lúc nào đó trong ngày mà các con thấy trống vắng thừa thãi thì hãy mang đến tặng Bố giờ phút vô nghĩa ấy! Bản chất nó vô giá nhưng lại vô cùng quý báu nếu chia sẻ đúng đối tượng... Con dư biết, sáng chiều Bố lủi thủi hết ngồi lại nằm, cô đơn bên cạnh một người trả công chỉ biết im lặng canh chừng. Nếu con đến thăm, nhớ bỏ hết công việc và lo toan ở ngoài xe trước khi vào nhà, tránh cảnh thân tâm mỗi chỗ mỗi nơi để cha con sống thật những kỷ niệm cuối đời bên nhau. Người già như Bố đương nhiên ăn nói sẽ không còn mạch lạc hấp dẫn, xin con đừng nhăn nhó... Hãy nhẫn nại ngồi nghe như thuở nuôi con còn bé, Bố đã từng chăm chú theo dõi tiếng con bi bô học nói... lập đi lập lại nhiều lần một chữ từ ngày này qua ngày nọ liên hồi.
  Xin lỗi... Con nhận đi để Bố khỏi bị mặc cảm sống già là có tội, mỗi ngày mỗi tồi tệ và tương lai đang lùi dần về quá khứ bởi thân tâm này mang toàn cảnh vụng dại của một đứa trẻ tiềm ẩn vào thân xác một cụ già. Ấy chỉ là chuyện bình sinh chuyển hóa người già trở về con trẻ trước thời kỳ phải hóa thân đấy thôi... Nếu nghe Bố nói lăng nhăng đầu đuôi lẫn lộn thì hãy tha thứ vì đó là trạng thái bất ổn dẫn Bố từng bước tiến dần đến hồi chung cuộc và rồi chẳng bao lâu nữa, cha con mình sẽ phải vĩnh viễn xa nhau.
  Hãy kiên nhẫn với người già để mọi sân hận dễ từ bi buông xả tỷ dụ hôm nọ Bố lỡ tay đổ ly cà phê, bắt con phải chùi rửa cực khổ thì cũng đừng nặng lời như con đã làm bởi vì người già nhiều tự ái nên hay tủi thân. Con còn nhớ hay quên? Buổi trưa hôm ấy, nhìn con giận mà Bố thấy sợ hãi... như một đứa trẻ có phản xạ tự nhiên, Bố chỉ còn biết chắp tay niệm Phật cầu xin. Hối tiếc! Cha con mình cùng hối tiếc thì đã muộn.
  Mặc dù Bố luôn tha thiết cần sự hiện diện của các con như người bạn đồng hành trong khoảnh khắc nhưng đôi khi mơ màng ngồi gần nhau cả giờ im lặng... cũng đừng ngạc nhiên bởi khả năng tai với mắt của Bố đã suy yếu gần như mờ và điếc từ nhiều năm nay. Nếu Bố có lập đi lập lại câu hỏi không nghe rõ, dù khó chịu mong con vẫn nhẫn nại trả lời hay thảo xuống tờ giấy cho Bố đọc chứ lẳng lặng cắt đứt câu chuyện là điều khổ tâm vì nó khơi dậy cái tò mò bế tắc và tự ái bị khi dễ trong đầu kẻ đã đầy mặc cảm sa sút.
  Những lúc hiếm hoi ngồi gần nhau, con tránh bịt mũi rồi buông lời chê trách vì cái mùi dị biệt từ thân thể Bố toát ra. Người già có mùi của người già như trái chín trên cây thối ủng sắp rụng cành... Lẽ thường, đó là mùi tử biệt chẳng thể nào mãi mãi thơm tho như trái xanh trên cành. Cũng đừng lôi kéo bắt các Cụ phải tắm rửa thường xuyên vì tuổi già sợ lạnh và sợ nước. Thân thể họ gầy còm, yếu ớt, nhu nhược nên dễ bị đau ốm cảm lạnh, họ giống nhau ở điểm này nên con cần ghi nhớ mà thông cảm. Tuổi già sống nhiều với quá khứ vì thế Bố nhớ thuở còn bé, con chạy quanh nhà mỗi khi Mẹ bắt tắm và Bố phải đuổi theo, đến khi tóm được thì con vùng vẫy than khóc thật lâu mới ngừng. Kỷ niệm ấy con còn nhớ... hay đã quên?
  Nhẫn nại... Có lẽ chỉ cần thế thôi đối với người già! Các con phải hiểu thì mới thương rồi ân tình giúp đỡ. Nhẫn nại thăm nom chia sẻ, nhẫn nại ngồi nghe tào lao, nhẫn nại dọn dẹp vung vãi, nhẫn nại dắt đi quanh phố, nhẫn nại ngửi mùi khai thối, nhẫn nại chùi rửa vệ sinh và nhất là nhẫn nại giúp họ nhắm mắt thanh thản mỗi đêm... cùng với nụ cười. Từng ấy nhẫn nại, các con có thương thì mỗi người chỉ cần làm một chuyện. Thân già sống lâu mỗi ngày mỗi tệ hại rồi sẽ đến lúc không thể ngồi dậy, nằm trên giường thở, ăn và tiêu hóa. Đáng thương hay đáng tội còn tùy vào sự nhẫn nại hiểu biết của mỗi người.
  Được như thế thì giây phút chia ly cuối cùng, Bố sẽ mãn nguyện ra đi và các con cũng khỏi phải nhỏ một giọt lệ than khóc vì chúng ta chẳng còn gì hối tiếc. Tất cả đã đầy đủ bổn phận, tình thương và hiểu biết khi nghĩ rằng mười giọt nước mắt ân tình rơi giữa đám tang thì bẩy giọt đã phát xuất từ sự ân hận, xin lỗi... muộn màng!
  Ai cũng biết “cha mẹ có trong con” nên ghét con là ghét chính mình vì thế bức thư này chỉ là một thông điệp nhắc nhở thương yêu. Điều chắc chắn một mai khi Bố ra đi gặp Mẹ, ở thế giới bên kia sẵn phép nhiệm màu, Bố sẽ phù hộ cho cuộc sống các con nhiều may mắn nhưng sẽ từ chối chúc các con phải sống đời trăm tuổi vất vả như Bố hiện nay... không những thế lại còn lây lan bao lo âu khó nhọc sang cả gia đình.
  Cuối thư, Bố xin tạ ơn đời, tạ ơn người... 
Trong cái may có cái rủi và ở cái rủi đã có sẵn cái may, chuyện đời vô thường là thế! Cầu mong quê hương nước Việt thật sự độc lập, dân chủ, hạnh phúc và đất nước hùng cường này mãi mãi no ấm thịnh vượng như mùa gặt cuối thu 1621 của người Pilgrim khởi đầu truyền thống Thanksgiving: Gia đình quây quần bên bếp lửa có gà Tây, ngô khoai, bí đỏ... với hương vị ân tình.
        Hôn các con thật nhiều,
                                                                     Cao Đắc Vinh
                                                                      2014/11/23



Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

ĐƠN GIẢN HÃY GỌI NGƯỜI LÀ 'MẸ'

                                                         
 "Thiên thần của con sẽ hát cho con nghe và cũng sẽ tươi cười với con mỗi ngày. Con sẽ cảm nhận được tình thương của người dành cho con và con sẽ thấy rất hạnh phúc."
    Có một đứa bé sắp chào đời. Nó bèn hỏi Thượng Đế: "Họ nói ngày mai Người sẽ đưa con xuống trần gian, nhưng làm sao con sống nổi ở đó khi mà con quá nhỏ bé và bất lực như thế này?"
   Thượng Đế đáp: "Trong số những thiên thần, ta đã chọn cho con một người. Thiên thần của con sẽ đợi con và săn sóc con chu đáo."
Đứa bé băn khoăn: "Nhưng này, con không phải làm việc gì ngoài ca hát và vui cười hạnh phúc chứ?"
   Thượng Đế đáp: "Thiên thần của con sẽ hát cho con nghe và cũng sẽ tươi cười với con mỗi ngày. Con sẽ cảm nhận được tình thương của người dành cho con và con sẽ thấy rất hạnh phúc."
 'Con sẽ cảm nhận được tình thương của người dành cho con và con sẽ thấy rất hạnh phúc.'
   Đứa bé lại hỏi: "Và làm sao con có thể hiểu được khi họ nói chuyện với con bằng một ngôn ngữ mà con chưa hề biết đến?"
  Thượng Đế trả lời: "Thiên thần của con sẽ nói với con bằng những ngôn từ nhẹ nhàng và đẹp đẽ nhất mà con chưa từng được nghe, đồng thời với sự nhẫn nại và cẩn trọng, thiên thần của con sẽ dạy con biết nói."
  "Con nghe nói chốn trần gian lắm kẻ xấu xa. Ai sẽ bảo vệ con?"
  "Thiên thần của con sẽ hộ trì con ngay cả khi điều đó đe dọa đến tính mạng của người."
   "Nhưng con sẽ rất buồn vì không còn được nhìn thấy Ngài nữa."
  "Thiên thần của con sẽ luôn nói với con về Ta, và dạy con cách thức quay về với Ta dù rằng Ta luôn cận kề con."
      Chỉ cần gọi thiên thần hộ mệnh của con là "Mẹ" thôi
  Vào giây phút đó, ở nơi thiên đường ngâp tràn an lạc nhưng người ta vẫn có thể nghe thấy những tiếng gọi vang vọng từ cõi thế, và đứa bé vội vàng hỏi Thượng Đế: "Thưa Ngài, chắc con phải đi ngay bây giờ, xin hãy cho con biết tên thiên thần hộ mệnh của con."
    "Tên của người không quan trọng, con chỉ cần đơn giản gọi người là 'Mẹ' thôi."
                                                                              (Sưu tầm)


Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

TIẾNG ĐÓNG CỬA

                                                       

    Mỗi ngày có bao nhiêu phiền muộn xảy đến với chúng ta, thường thì theo bản năng của mình chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy và nghe được chính những phiền muộn của mình. Nhưng xung quanh còn rất nhiều cuộc đời với những hoàn cảnh khó khăn, những nỗi bất hạnh lớn hơn nhưng họ vẫn phải đang một mình gánh chịu tất cả. Nếu chúng ta có thể cùng chia sẻ, để làm vơi đi dù là một ít nỗi đau đó thì cũng thật đáng quý bao nhiêu.
   Tôi chuyển nhà đến nơi ở mới không bao lâu, cứ mỗi ngày vào lúc trời gần sáng ở lầu trên vang ra tiếng đóng cửa rất mạnh, và kế tiếp là âm thanh của một tràng tiếng chân bước đi tinh tinh tang tang. Những ngày kế tiếp, tiếng đóng cửa cũng đúng giờ ấy vang lên khiến tôi không sao chịu nổi, chẳng lẽ phải lên lầu để tranh luận.
  Mẹ tôi khuyên: “Chúng ta mới chuyển đến, con làm như vậy có thể hơi thiếu suy nghĩ và dễ làm mất lòng hàng xóm”. Tôi suy nghĩ hoài và hỏi ý kiến mẹ: “Vậy thì chúng ta đi tìm trưởng dân phố, thử xin cô ấy giúp được không?” Mẹ tôi đồng ý.
  Cô trưởng dân phố nghe chúng tôi trình bày xong thì khuyên nhủ và an ủi tôi rằng: “Chị cố gắng chịu đựng tiếng đóng cửa của gia đình bất hạnh đó một thời gian. Nửa năm trước, người cha bị tai nạn xe qua đời; người mẹ bị ung thư, nằm dài trên giường không đi lại được. Tôi đoán, tiếng đóng cửa đó là của đứa con. Nghĩ lại cũng thật đáng thương, xin chị khoan dung cho!”.
   Đúng vậy, cậu ta khoảng 16, 17 tuổi, trông thật thông minh. Tôi tự nhủ: “Phải cố chịu đựng thôi”. Mấy ngày sau tiếng đóng cửa vẫn cứ như vậy, và rốt cuộc tôi đành lên gõ cửa căn hộ nọ. Cậu bé đó ra mở cửa, hốt hoảng run cầm cập xin lỗi tôi: “Dì! Cháu xin lỗi, sau này cháu sẽ ráng cẩn thận…”.
    Tối hôm sau, tôi vừa thiu thiu an giấc thì tiếng đóng cửa quen thuộc đó lại vang lên đập mạnh vào tai nghe chát chúa, mẹ tôi an ủi: “Nhẫn nhịn đi con, có lẽ thằng bé đã thành thói quen, từ từ rồi nó sẽ sửa đổi”.
Mấy ngày kế tiếp, đúng như lời mẹ nói, tiếng đóng cửa đó biến mất. Tôi nằm trên giường nín thở lắng tai nghe, tiếng chân cũng nhỏ đi nhiều, bước đi nhè nhẹ xem ra rất cẩn thận.
  “Mẹ! Mẹ nói thật đúng”, tôi vừa dứt lời, hai mắt mẹ tôi bỗng nhiên ngấn lệ, bà nghẹn ngào nói: “Mẹ thằng bé trên lầu đã ra đi rồi, mấy ngày qua thằng bé ban ngày đi học, ban đêm đến quán ăn chạy bàn, nó đi làm thêm để kiếm tiền chạy chữa cho mẹ, nhưng rồi bà ấy vẫn mất…”.
   Một tối nọ, bất ngờ tôi gặp cậu bé ấy ở cầu thang của dãy lầu, nó cúi thấp đầu đau buồn bước đến gần tôi nói: “Dì! Chắc dì bị mất ngủ nhiều, mấy ngày trước cháu làm ảnh hưởng giấc ngủ của dì, thật là có lỗi”. Một lát sau, cậu bé nói như run lên: “Tiếng đóng cửa mạnh như vậy là do cháu cố ý. Mẹ cháu mỗi ngày một yếu, nói không được, khả năng nghe kém dần, cháu đóng cửa mạnh là muốn để mẹ biết được con mình đã về mà yên tâm đi vào giấc ngủ, sau này sẽ không còn nữa đâu…”.
   Tôi như không nghe được nữa, lệ từ hai khoé mắt tôi cứ tuôn trào ra

                                                                         Sưu tầm

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

BẠN LÀ NGƯỜI CÓ PHÚC !

                                                                          
  Nếu bạn thức dậy sáng nay
vẫn có nhiều sức khỏe hơn bệnh tật , được sống tự do...,
không phải nằm trong phòng cấp cứu bệnh viện ...thì bạn
đang may mắn hơn hằng triệu người sắp chết tuần này ... 
Người ta hay coi thường những gì mình đang có ! 
Chỉ khi nào mất đi , mới hiểu và...ân hận...muộn màng !

Nếu bạn chưa từng cảm nhận
sự nguy hiểm trong chiến trường , sự cô đơn trong ngục thất ,
sự đau đớn khi bị hành hình , cảnh nhục nhã , trốn tránh ,
sự đói ăn khát uống , cảnh sống lang thang vô gia cư...
sống không biết ngày mai sẽ ra sao...
Thì bạn  đã hạnh phúc hơn
mấy trăm triệu người trên thế giới ...

Nếu bạn được đi du lịch
mà không sợ bị làm khó dễ ,
Bạn may mắn hơn đa số trong khoảng
gần 3 tỉ người trên thế giới
Nếu bạn có thức ăn trong tủ lạnh
có áo che thân , có nơi cư ngụ
và có nơi để gối đầu khi ngủ , không phải lo lắng 
quá nhiều về ngày mai ....
Bạn đã giàu có hơn 75% người trên thế giới này

Nếu bạn có tiền trong nhà ngân hàng ,
trong ví , và có bạc lẻ đâu đó...
thì bạn là một trong số 8% người
giàu có hơn rất nhiều người trên cả thế giới này .

Nếu cha mẹ bạn vẫn còn sống
và may mắn hơn , vẫn còn sống chung với nhau ,
vẫn thương yêu , săn sóc bạn ,
trong gia đình không có tang tóc...
bạn thật sự là người may mắn hiếm có !
Bạn còn chờ gì mà không bày tỏ tình cảm với Cha Mẹ ,
thương yêu anh chị em , các người thân , bạn bè...
Sao bạn lại phải chờ đến khi Cha Mẹ sắp qua đời mới 
thương yêu , săn sóc ...?
Hạnh phúc đang trong tay các bạn đó ! 
Còn đi tìm đâu nữa ? Lên Thiên Đường đã chắc đâu được 
gặp Cha Mẹ ,Vợ Chồng , anh chị em , người thân ?        
10 năm nữa , có khi bạn không thể làm điều đó đâu  !!!
Cuộc đời trôi qua và thời gian không bao giờ trở lại ! 

Nếu bạn có thể ngẩng cao đầu , có thể mỉm cười
và cảm thấy biết ơn cuộc đời ...,
Bạn đã là người có hạnh phúc
vì đa số chúng ta có thể cảm nhận điều đó ,
nhưng lại không  chịu làm điều này . 
Quá nhiều người tham lam , tự làm khổ mình...

Nếu bạn có thể nắm tay người nào đó
ôm choàng họ , hoặc vỗ về an ủi , động viên họ bằng hình thức nào đó ..., từ tinh thần tới vật chất ...,
Bạn đã là người có hạnh phúc vì bạn có thể
hàn gắn vết thuơng lòng , làm vợi đi nỗi buồn của nhân loại !
 Hàng ngày , ngay lúc này đây , đang có biết bao người đau khổ vì đủ mọi bất hạnh , từ bệnh tật đến chiến tranh , tù đầy , các hoàn
cảnh cơ cực..., hàng nghìn trẻ em chết đói ở châu Phi mỗi ngày ...

Nếu bạn có thể đọc được email này
Bạn là người có phúc hơn 2 tỉ người
trên cả thế giới , vì họ không thể
đọc được bất cứ chữ gì và sống như
các động vật ...

Bạn là người  đang có nhiều hạnh phúc ...,
đang sung sướng...
chỉ có điều... Bạn chưa biết đó thôi !
 Đừng than phiền , đòi hỏi quá nhiều...
 Mai đây , chưa biết những gì ...sẽ tới !
 Quy luật " Vô thường " luôn đúng ...Xin
 đừng phí phạm hạnh phúc trong tay !
                                                                                            Sưu tầm     


Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

TỨ ĐẠI : ĐẤT - NƯỚC - GIÓ - LỬA




‘’Trong hạnh phúc, trong phiền não, lúc thăng, lúc trầm, ta phải giữ tâm như đất. 
Cũng như trên đất ta có thể vứt bất luận vật gì, dầu chua, dầu ngọt, dầu sạch, dầu dơ, đất vẫn thản nhiên, một mực trơ trơ. Đất không giận cũng không thương’’. 
                                                    Túc Sanh Truyện (Jãtaka)

Bài Pháp vi diệu của đức Thế Tôn về Tứ Đại
Tứ Đại là bốn cái lớn trong vũ trụ: đất, nước, gió, lửa. Con người cần phải có cách hành xử của Tứ Đại để có cuộc sống bình an và mãn nguyện.
Tứ Đại là bốn cái lớn trong vũ trụ: đất, nước, gió, lửa. Con người cần phải có cách hành xử của Tứ Đại để có cuộc sống bình an và mãn nguyện.
Đức Thế Tôn giáo hóa vị Si di La Hầu La về phương pháp hành xử với cuộc đời. Năm ấy Sa di La Hầu La được mười bảy tuổi, đã có khả năng tiếp nhận giáo lý sâu sắc. Phật dạy:

“Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của Đất. Dù người ta có đổ và rải lên Đất những thứ tinh sạch và thơm tho như hoa hương, nước ngọt, sữa thơm, hoặc người ta có đổ lên Đất những thứ hôi hám và dơ dáy như máu mủ, nước tiểu, đàm giải và phân giác thì Đất cũng tiếp nhận những thứ ấy một cách thản nhiên, không vướng mắc, tự hào cũng không oán hờn hay tủi nhục. Tại sao? Tại vì Đất là Địa Đại, có dung tích rộng lớn, có khả năng tiếp nhận và chuyển hóa. Nếu tâm con rộng lớn vô lượng như Đất thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công và oan ức, và những thứ ấy sẽ không thể làm cho con buồn tủi và đau khổ.

Này La Hầu La, con hãy hoc cách hành xử của Nước. Dù người ta có đổ xuống Nước những chất thơm tho đẹp đẽ hoặc giặt rửa trong nước những thứ dơ bẩn và hôi hám, thì cũng không phải vì thế mà nước bị vướng mắc, tự hào hoặc cảm thấy oán hờn và tủi nhục. Tại sao? Tại vì nước là Thủy Đại, có dung tích lớn, có khả năng lưu chuyển, có thể chấp nhận và chuyển hóa tất cả những gì đã tiếp nhận. Nếu tâm con rộng lớn, bao la, vô lượng như Nước, thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công và oan ức, và những thứ ấy sẽ không thể làm cho con khổ đau và buồn tủi.

Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của Lửa. Lửa có thể tiếp nhận và đốt cháy mọi thứ, dù là những cái xấu xa dơ bẩn, mà lửa vẫn không vì thế mà cảm thấy tủi nhục, buồn khổ và chán chường. Tại sao? Tại vì Lửa là Hỏa Đại, có dung tích rộng lớn, có khả năng thiêu đốt và chuyển hóa tất cả những gì người ta đem tới. Nếu tâm con không kỳ thị, không vững mắc, con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công và oan ức, và những thứ ấy sẽ không thể nào làm xáo trộn được hạnh phúc và bình an trong con.

Này La Hầu La, con hãy học cách hàng xử của Gió. Gió có thể chấp nhận, thổi đi và chuyển hóa mọi mùi hương, dù thơm, dù thối mà không bị vướng mắc, tự hào hoặc buồn khổ hay tủi nhục. Vì sao? Vì gió là Phong Đại, có dung tích rộng lớn, có khả năng di động phi thường. Nếu tâm con rộng lớn, nếu tâm con có khả năng chuyển hóa và di động thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi thứ bất công và oan ức mà kẻ khác trút lên con, và những thứ ấy sẽ không thể nào làm xáo trộn được sự bình an và hạnh phúc trong con được”
                                                                                                 Sưu tầm

Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

KHEN CHÊ

                                                              
                                   Học người xưa cách đối diện với thị phi trong cuộc sống
Thật khó để tìm ra cách ứng xử khi phải đối mặt với những thị phi trong cuộc sống. Nhưng trong mọi trường hợp, im lặng luôn là giải pháp tối ưu, bởi cuộc sống còn nhiều thứ để quan tâm hơn là mang trong mình sự ấm ức và  bực bội chỉ vì người khác không hiểu đúng về mình. Dưới đây là 2 câu chuyện nói về cách mà người thời xưa đối diện với những thị phi.     
                                                       Câu chuyện thứ nhất: 
   Trong một buổi nhàn hạ, vua Đường Thái Tông hỏi chuyện vị quan cận thần là Hứa Kính Tôn rằng:
– Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc. Sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế?
Hứa Kính Tôn trả lời:
–  Tâu bệ hạ. Mưa mùa Xuân tầm tã như dầu, người nông phu mừng cho ruộng  đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường đi trơn trợt. Trăng  mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, hàng thi nhân  vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì  ánh trăng quá sáng tỏ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn  nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương. Còn hạ thần  đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ  trích.
  Cho nên ngu thần trộm nghĩ, đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình  tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe. Vua tin nghe lời thị phi thì quan  thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ  chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế  gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy  máu.
                                                         Câu chuyện thứ hai:
  Một lần, Phật đi giáo hóa ở vùng có nhiều người tu theo Bà La Môn giáo. Các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón  đường Phật mà mắng chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau không  tiếc lời rủa xả. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:
– Ngài có điếc không?
– Ta không điếc.
– Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
–  Này tín đồ Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn  tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
– Quà ấy về tôi chứ ai.
– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.
 Trong kinh Phật viết rằng, khi người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận thì người ác giống như người ngửa  mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rời xuống ngay  mặt người phun. Có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an  vui hạnh phúc. Thế nên từ nay về sau nếu có nghe thấy ai đó nói lời  không tốt về mình, chớ có thọ nhận thì sẽ được an vui.
                                                      Theo tạp chí Gia Đình

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

KHÔNG ĂN SÁNG HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG

Bữa ăn sáng thực sự quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, để đảm bảo sức khỏe và tăng tuổi thọ, bạn hãy chú ý đến bữa ăn sáng.
Bệnh tim mạch: Một nghiên cứu của Mỹ vừa công bố cho rằng, nam giới bỏ bữa ăn sáng có nguy cơ lên cơn đau tim hoặc mắc bệnh tim mạch cao hơn tới 27% so với những người ăn sáng đầy đủ.
Ung thư túi mật: Sau giấc ngủ dài, thức ăn của bữa tối đã được tiêu hoá hết và dạ dày vẫn tiếp tục tiết ra dịch vị. Nếu bạn không 'nạp năng lượng' vào bữa sáng, các chất cặn bã tích tụ trong dạ dày không có cơhội đào thải ra ngoài, lâu ngày sẽ kết lại thành sỏi, gây bệnh sỏi thận và túi mật.
Già nhanh: Tình trạng bỏ bữa sáng kéo dài có thể khiến bạn nhanh già. Khi không ăn sáng, cơ thể con người tiêu thụ glycogen và protein được lưu trữ trong cơ thể. Dần dần nó sẽ gây khô da, hình thành nếp nhăn và thiếu máu, đẩy nhanh quá trình lão hóa của con người.
Tăng cân: Nếu bạn không ăn sáng, bạn sẽ ăn nhiều thức ăn hơn vào bữa trưa, do vậy nó sẽ gây ra khó khăn trong việc tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng. Trong trường hợp này, quá nhiều chất béo sẽ được tích lũy trong cơ thể và dần dần làm cho bạn béo.
Táo bón: Nếu bạn không ăn sáng sẽ dẫn đến táo bón. Nếu bạn luôn luôn không có bữa ăn sáng, nó có thể gây ra rối loạn phản xạ và sau đó dẫn đến táo bón. Nếu cơ thể không thể đẩy các độc tố, chất độc quá nhiều sẽ tích lũy trong cơ thể, và sau đó dẫn đến nhiều triệu chứng nhưnổi mụn.
Bệnh tiều đường tuýp 2: Bỏ qua bữa sáng sẽ khiến nâng lên và giảm xuống mức insulin, gây không cân đối thường xuyên làm cho cơ thể bạn tự nhiên tạo ra sự đề kháng với insulin gây nên bệnh tiểu đường tuýp 2.
Bệnh huyết áp thấp: Nếu bạn là người có sức khỏe yếu thì việc không ăn sáng thực sự là vô cùng tai hại và nguy hiểm. Nó sẽ làm bạn tụt đường huyết, hạ huyết áp. Bạn sẽ bị thường xuyên bị chóng mặt, nhức đầu, ngất xỉu, tay chân rã rời và đó là những dấu hiệu biểu hiện bạn bịbệnh huyết áp thấp rồi đấy
Đau dạ dày: Ngay sau khi bạn thức dậy, các cơ quan trong cơ thể bắt đầu hoạt động mạnh mẽ, nhưng khi bạn không ăn sáng, dạ dày luôn co bóp không, dịch vị tiết ra nhưng không có gì để tiêu hóa, dần dần sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày.
Xơ vữa động mạch: Nhiều người có suy nghĩ ăn bù dự trữ từ đêm hôm trước đề bỏ bữa sáng ngày hôm sau. Tuy nhiên, ăn nhiều vào bữa tối, đặc biệt là sau 19 giờ tối sẽ tích lũy thành mỡ đấy. Mỡ này sẽ bám vào thành mạch, thành tim, trong gan, trong thận và xơ vữa động mạch.
Một số bệnh mãn tính khác: Bạn bắt đầu ngày làm việc mới trong tình trạng đói mềm, để có sức lực, cơ thể phải huy động các tuyến nhưtuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến yên… hoạt động để tạo ra năng lượng. Khi các tuyến này hoạt động thái quá nó có thể tạo ra nhiều axit, dẫn tới các bệnh mãn tính.
Phản ứng chậm chạp: Bữa sáng là nguồn năng lượng cho hoạt động não bộ, nếu không ăn sáng, cơ thể không nạp đủ nhiên liệu và năng lượng để thực hiện những hoạt động trong ngày. Khi đó, cơ thể bạn mệt mỏi, não không thể tập trung, tinh thần không hưng phấn, phản ứng trì trệ.

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

KHAI THỊ CỦA MỘT VỊ CHÂN TU ĐÃ ĐẠT BẤT NIỆM TỰ NIỆM

Địa điểm: Chùa Vạn Đức, 

Lễ Khánh Tuế Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh 96 tuổi (17/7 Nhâm Thìn - 2/9/2012)

Khai Thị Của Một Vị Chân Tu Đã Đạt Bất Niệm Tự Niệm
HT Thích Trí Tịnh
 Trong những pháp môn Phật dạy, tôi cả đời chuyên tâm nơi pháp môn Trì danh niệm Phật. Pháp tu niệm Phật có nhiều, trì niệm danh hiệu Phật là một trong những pháp niệm Phật. 
  Đây là pháp môn dễ tu, dễ thực hành nhất, dễ thành tựu. Về chỗ thành tựu cũng như chỗ đạt được rất rõ ràng từng bước, từng nấc tiến, có thể diễn nói, có thể khắc nghĩa.
  Do cái rõ ràng mà người được nghe, người được biết, nghe cũng dễ mà biết đúng cũng dễ. Chỉ quan trọng là phải có lòng tin chân thật, chí nguyện vãng sanh chân thật và thực hành đúng pháp siêng năng.Được vậy, thì đã nắm vững ở pháp môn niệm Phật. Nếu lúc tu hành có sai cũng dễnhận biết, làm đúng mình cũng tự biết, khi được mình cũng tự biết. 
  Tôi nói thật với các huynh đệ, những gì sau khi tôi đã hiểu đã biết, lúc thực hành như thế nào, trải qua mấy mươi năm, các huynh đệ đôi khi thắc mắc: không biết Hòa thượng tu như vậy thành tựu được gì không? Có được mà chỉ được bước đầu tiên thôi.
  Các huynh đệ tụng kinh A Di Đà, đức Phật có nói, nếu thiện nam tử, thiện nữnhân được nghe đức Phật A Di Đà rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày nhất tâm bất loạn thì người đó đến lúc lâm chung được đức Phật A Di Đà cùng các Thánh chúng hiện ra trước mặt. Lúc ấy, do sức niệm của mình đã vững, lại có Phật và Thánh cùng đến tiếp đón nên tâm không điên đảo, được sanh về thế giới Tây phương Cực lạc.
  Khi về cõi Cực lạc lấy hoa sen làm bào thai mà sanh ra, thọ hưởng về chánh báo là thân thể, được thân kim cang bất hoại. Trong kinh nói, hoàn cảnh ở cõiđó rất rõ ràng, đất đai, nhà cửa, sự sinh hoạt đều rất trang nghiêm thanh tịnh, bảo đảm chắc chắn thành tựu quả vị Phật. Cho nên, vãng sanh Tịnh độ không phải chuyện tầm thường, phải được đức Phật cùng Thánh chúng đến tiếp đón.
  Vậy làm thế nào chúng ta được sanh về cõi Cực lạc? Trong kinh A Di Đà nói:“Chẳng thể dùng chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõiấy”. “Chẳng dùng chút ít” nghĩa là phải nhiều, nhiều thiện căn phước đức nhân duyên mới được sanh về. Nhưng muốn được nhiều phải làm sao? 
  Theo lời Phật dạy, rất dễ hiểu, dễ thực hành, dễ được kết quả. Nghĩa là: Người nào nghe đến đức Phật A Di Đà rồi chấp trì danh hiệu. “Nghe đến” nghĩa là chưa từng nghe biết cõi Cực lạc và đức Phật A Di Đà, bây giờ mới được nghe biết danh hiệu của Ngài.
  Bốn tiếng “Chấp trì danh hiệu” thường thường không ai chú ý. Khó lắm! Lời trong kinh nói là lời Phật nói không phải chuyện thường, từng tiếng phải nắm cho rõ chứ không phải như phàm phu nói chuyện với nhau. Nếu không như vậy thì sẽ hiểu sai lệch, đã hiểu sai thì tu sai, tất nhiên không có chỗ thành tựu. 
  Thế nào mới đúng ở nơi “chấp trì danh hiệu?” “Chấp” nghĩa là nắm, “trì” nghĩa là giữ, tức là trong tâm thường niệm Phật luôn luôn, chẳng phải như lúc mới tập niệm hoặc nửa tiếng hay một tiếng, hoặc một trăm câu nhưng lúc buông ra thì trong tâm không nhớ niệm Phật. Như vậy nghĩa của “chấp trì” là nắm luôn giữ kỹ,không lúc nào không có, lúc có lúc không thì chẳng phải.
  Về sau các bậc cổ đức diễn tả bốn tiếng ấy như là:
1. Bất niệm tự niệm: mình không nghĩ niệm nhưng trong tâm vẫn luôn tự niệm Phật.
2. Niệm lực tương tục: niệm Phật có sức mạnh thường niệm luôn, không lúc nào hở dứt.
  Nếu người nào tự thực hành thì sẽ tự biết. Từ chỗ được “chấp trì danh hiệu”là đạt bước đầu tiên về đạo lực trong pháp môn Trì danh niệm Phật.
  Tôi nói rõ cho các huynh đệ biết, điều này tôi cũng đã nói rồi. Từ trước đến giờ, tôi chuyên tu ở nơi pháp môn niệm Phật, là pháp tu mà Phật dạy từ phàm phu tiến lên bậc Thánh. 
  Về chỗ thành tựu, tôi chỉ được bốn tiếng như trong kinh đã nói là “chấp trì danh hiệu”. Từ bước đầu tiên này mới được những bước sau như tiến lên tam muội (chánh định) chẳng hạn. Đến bây giờ, tôi cũng chỉ được tầng bậc này thôi, phần ít nhất của pháp môn niệm Phật. Đời tôi năm nay đã 96 tuổi mà thọ dụng không hết. 
  Thứ nhất: ngũ tạng, lục phủ trong thân không sanh bệnh. Có lần tôi vô bệnh viện để khám bệnh. Sau khi khám xong, bệnh viện làm giấy kết quả xét nghiệm về tâm, cang, tỳ, phế, thận, máu huyết… Họ tổng kết rằng: kiểm tra kỹ, tất cả đều bình thường.
  Kế nữa, có điều làm chứng cho mình biết, các vị đắc đạo lên bậc Thánh, cái ngủ không có, thùy miên tâm sở bị trí lực làm cho thế lực của nó yếu hẳn hoặc mất đi. Người bình thường, thùy miên tâm sở còn nguyên, hễ nằm nhắm mắt thì khởi lên ngủ mê, còn trằn trọc không ngủ là bị bệnh mất ngủ. Còn người được đạo, thùy miên tâm sở yếu hoặc không còn. 
  Vì sao? Vì có trí lực chế phục. Như lâu rồi cho đến bây giờ, mấy tháng nay tôi không ngủ. Mấy chú thị giả nói: “Con không ngủ một đêm thì ngày sau không làm gì được! Sư ông mấy tháng không ngủ tinh thần vẫn tỉnh sáng, còn phấn chấn mạnh hơn lúc trước kia”.Thỉnh thoảng tôi cũng ngủ nhưng ít lắm, đến đỗi chỉ khi có chiêm bao mới biết mình ngủ.
  Trên đường đạo, mình biết rất rõ ràng chứ không phải mù mờ. Mù mờ nguy hiểm lắm! Chính mình không rõ để nhận biết, rồi tự viết thành sách. Người đọc tưởng rằng đúng, chẳng dè chỉ là phàm phu tự ý nói ra. Tôi thường nói, phải y cứ trong kinh làm chánh, gọi là Thánh giáo lượng. Trong kinh không nói, dù người có nói hoặc viết sách truyền bá thì chưa chắc chắn. Vì phàm phu vẫn phải phàm phu, chẳng thể phàm phu muốn thành Thánh liền thành Thánh.
  Hồi xưa, tôi chuyên nắm giữ nơi pháp môn niệm Phật là do có tâm ưa thích. Tâm ưa thích này, nghiệm lại là tập quán quen thuộc của mình nhiều đời nhiều kiếp chớ không phải mới đây. Kế đến, tôi nhận thấy pháp tu này chắc chắn, từ chỗ ứng dụng tu đến lúc được kết quả đều có mực thước rõ ràng. 
  Chẳng hạn, lúc hạ thủ công phu trì danh niệm Phật, bắt đầu thực hành cũng rõ ràng từ việc nghe tiếng Nam Mô A Di Đà Phật, chỉ có sáu chữ, dễ nhận, dễ biết, dễ nhớ. Nhưng niệm phải đúng pháp là thế nào? Lúc niệm Phật thì có âm thanh của câu Phật hiệu, nhưng tâm phải nhận rõ được tiếng niệm, chớ đừng miệng niệm mà tâm lại nghĩviệc khác. 
  Ví dụ: miệng niệm Phật, trong tâm lại suy nghĩ xâu chìa khóa để đâu rồi? Như vậy là tu trật, đúng hay sai liền biết.
  Niệm Phật đúng pháp là “tâm tiếng hiệp khắn nhau”. Tiếng ở đâu thì tâm ở đó, tâm ở đâu thì tiếng ở đó. Niệm thầm hay ra tiếng đều phải vậy. Thế nên, lúc ứng dụng tu đúng hay không đúng tự mình dễ dàng phân biệt. Muốn niệm đúng pháp cũng khó lắm! Tâm phải theo tiếng rất khó! Khó kềm, khó nhiếp cho đến phải dùng xâu chuỗi, nhờ lần chuỗi để trói buộc cái tâm loạn tưởng lại, chứ không phải lần chuỗi thiệt lẹ hột này rồi đến hột khác.
  Thuở trước, tôi tự tìm cách để niệm Phật. Lúc ngồi lại niệm Phật thầm, tôi định thời gian là một xâu chuỗi. Ban đầu niệm đủ ba câu Phật hiệu rồi lần một hột, nhưng ba câu Phật này phải chắc chắn, nếu nó xao lãng không rõ ràng thì bỏ, lại niệm ba câu khác. Sau đó, tiến lên năm câu lần một hột, rồi đến bảy câu lần một hột, sau rốt mười câu lần một hột. 

  Nếu lúc niệm Phật mà có một chút xao lãng, tạp niệm xen vào thì mười câu đó bỏ, niệm mười câu khác. Nhiếp tâm không dễ dàng, phải chuyên cần tinh tấn, nắm cho thật vững chắc. Mình tu đúng thì chính mình được thành tựu, do đó phải cố gắng.
  Lúc được “Bất niệm tự niệm” trong tâm biết rất rõ ràng như từ chỗ điểm A bước đến điểm B, được rồi thì nhất định không bao giờ mất, chắc thật không phải mờ mịt. Đến bây giờ, tôi chỉ được chỗ này thôi. Các huynh đệ đừng nghĩ rằng, các vị Thánh xuôi chân nằm ngủ ngáy khò khò như mình đâu, nghĩ vậy là sai. Tôiđược một chút đó mà cái ngủ đã tự nhiên mất, nếu có thì chỉ thỉnh thoảng.
  Các pháp môn khác cũng vậy, lúc còn phàm phu thì chưa có đạo lực, ở pháp Phật được chút gì thì gọi là đạo lực. Đã có sức mạnh trên đường đạo ắt phải khác hẳn lúc chưa có.
  Tôi từng diễn đạt phương pháp niệm Phật qua bài kệ:
Nam Mô A Di Đà
Không gấp cũng không hưỡn
Tâm tiếng hiệp khắn nhau
Thường niệm cho rành rõ.
  “Rành” là câu tiếng rành rẽ. “Rõ” là phải rõ ràng. Lúc niệm Phật đừng ham nhiều rồi niệm phớt phớt, không cần nhiều nhưng phải thật rành rõ. Khi công phu nắm thiệt vững chỗ này. Kế đến là “tâm tiếng hiệp khắn nhau”, tuy khó nhưng luôn luôn cố gắng, đừng để lúc niệm Phật tiếng một nơi, tâm một ngã.
  Đó là tu không đúng rồi, mà không đúng thì không thể được. Ví như anh thợ mộc muốn làm cái bàn, anh phải làm đúng phương pháp thì mới thành ra cái bàn. Do vậy, việc quan trọng trước nhất là phải tu đúng pháp. Trì danh niệm Phật mà tâm tiếng hiệp khắn nhau gọi là tu đúng pháp, còn sai trật thì không được gì.
   Muốn được như vậy, tôi đã dùng chuỗi để hạn định thời gian, lúc đến chỗ mười câu mới lần một hột phải mất mấy tiếng đồng hồ mới rồi một xâu chuỗi. Mỗi thời niệm Phật như vậy, ngồi khoanh chân niệm thầm phải mất hai tiếng đồng hồ. Tu hành phải chịu khó, phải bền bỉ thì mới có chỗ được. 
   Lúc tôi niệm thầm mười tiếng lần một hột chuỗi, trong mười tiếng đó tới câu số tám hoặc số chín mà xao lãng thì bỏ không lần qua, bắt đầu từ một trở lại. Thế nhưng lúc thành tựu được chút gì trên đường đạo (đạo lực), trong tâm an lạc khỏe lắm!
  Tôi từng nghĩ, bản thân mình có làm cái gì, được cái gì, có làm có được, phải đến chỗ được cho thật vững vàng rồi mới đem cái mình đã từng làm, từng tu khuyên nhắc truyền dạy người khác. Nguy hiểm nhất là phàm phu tự ý nghĩ ra rồi viết thành sách, làm lầm người khác. 
  Thế nên, đệ tử Phật phải lấy Thánh giáo lượng (lời Phật dạy trong kinh điển) làm mực thước để đo. Nếu đúng theo kinh thì chắc chắn tin theo, so lại mà chưa đúng thì cần kiểm tra suy xét cho kỹ.Nếu chưa được đạo đều gọi là phàm phu, tự ý nói thì không bảo đảm.
   Mấy huynh đệ phải nhớ đừng nên bỏ phí thời gian. Về Thiền Tông, tôi cũng đọc nhiều bộ sách lớn như Thiền Học Tập Thành, Thiền Học Đại Thành. Nhiều người đọc đến đoạn ngài Triệu Châu khi có người đến tham học, Ngài không chỉ dạy điều gì, chỉ kêu nói “Uống trà đi”! Người học lễ bái rồi lui ra. Đó là câu khai thị,nhưng người thường khó nhận khó hiểu, lại tưởng lầm rằng đã đắc Thiền thì chỉuống trà thôi!
  Riêng về pháp môn niệm Phật là pháp dễ tu, có mực thước rõ ràng mà hành giả đều có thể nắm vững để thực hành. Một phương pháp lúc tu hành có từng bước thật rõ, tu đúng hay không đúng dễ nhận biết. Tôi xem nhiều kinh sách nhận thấy pháp môn niệm Phật dễ nắm vững, thực hành cũng dễ, khi chưa được cũng biết chưađược, khi được thì cũng biết đã được, thật rõ ràng!
  Thời gian gần đây, tôi không thể lạy Phật nên mong các huynh đệ đừng lễ lạy tôi, chỉ xá là được rồi! Mong tất cả đều tinh tấn tu hành.
                                                              Trích email của muathom_phohue40@......