Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

LẠC THÚ, THẤT VỌNG VÀ THỎA MÃN


MẬT TÔNG VÀ SỰ HƯỞNG LẠC
  Vai trò của mật tông là chuyển hóa tất cả lạc thú thành kinh nghiệm siêu việt có tỉnh giác bén nhạy sâu xa. Thay vì khuyên ta tránh xa lạc thú thế tục như nhiều truyền thống tôn giáo khác, mật tông nhấn mạnh rằng tốt hơn con người ta nên cứ hưởng lạc tự nhiên, nhưng chuyển cái năng lượng của lạc thú thành con đường nhanh chóng hiệu nghiệm đưa đến sự toại ý và giác ngộ hoàn toàn. Đây là cách thiện xảo nhất để xử dụng tiềm năng con người quý báu của chúng ta.
  Qua phương pháp chuyển hóa sâu xa, mật tông chứng minh rằng con người vốn có khả năng thưởng thức hạnh phúc vô hạn mà đồng thời thoát khỏi những mê vọng vốn thường nhiễm độc lạc thú. Trái với những gì một số người có thể tưởng, vui thú khoái lạc chẳng có gì là sai quấy. Điều sai quấy là cái cách ngu si ta bám víu lạc thú, biến nó từ một nguồn vui trở thành nguyên nhân của khổ đau bất hạnh. Khoái lạc tự chúng không là vấn đề, mà vấn đề chính là sự bám víu chấp thủ vào khoái lạc. Bởi thế, nếu có thể thoát ly thói quen bám víu, thì ta có thể tha hồ vui thú mà không bị những rắc rối vẫn thường kèm theo sự tìm kiếm khoái lạc.
  Nếu hiểu đúng nghĩa sự chuyển hóa, thì bất cứ gì ta làm trong một ngày 24 giờ, đều có thể mang ta tiến gần hơn đến mục tiêu giác ngộ. Tất cả mọi hành động của ta- đi bộ, ăn uống, và ngay cả tiểu tiện- đều có thể đưa vào con đường tu tập. Ngay cả giấc ngủ ta, mà thông thường chỉ là bóng đen của vô thức hay sự hỗn mang của mộng mị, cũng có thể được chuyển thành kinh nghiệm quang sắc của trí giác vi tế sâu xa.
  Có lẽ những điều trên đây nghe thực vô lý. Cố nhiên những phương pháp tiệm tu, kể cả lối tu theo kinh điển trong đạo Phật, đều nhấn mạnh rằng những vọng tưởng như ham muốn, ganh tị...trong đời sống hàng ngày của ta luôn luôn là xấu, cần xem như chất độc. Chúng ta luôn được nhắc nhở về những hậu quả nguy hiểm của chúng, và được chỉ dẫn phải tránh ảnh hưởng chúng càng xa càng tốt. Nhưng như trên đã nói, mật tông lại theo đường lối khác. Mặc dù cũng nhấn mạnh tham ái chấp thủ là nguồn gốc khổ đau bất mãn, và do thế cần được khắc phục, mật tông lại dạy một phương pháp thiện xảo là sử dụng năng lượng của chính những vọng tưởng ấy để đào sâu sự tỉnh thức trong ta, thúc nhanh tiến trình tu tập. Như lương y có thể lấy cây độc để chế thuốc, cũng vậy hành giả mật tông thiện xảo có thể xử dụng năng lượng của tham sân một cách có lợi. Chắc chắn điều này có thể làm được lắm.
NHỮNG HÌNH ẢNH CỦA SỰ TOÀN VẸN
  Mật tông không những dạy ta tận dụng những kinh nghiệm khoái lạc thường nhật, mà còn chỉ cho ta làm thế nào để khởi động một kinh nghiệm lạc thú sâu xa nồng nàn hơn, đem lại thỏa mãn nhiều hơn là những khoái lạc mà giác quan thông thường có thể đem lại.
  Hiện tại mỗi khi tìm khoái lạc, chúng ta thường chỉ hướng đến những đối tượng bên ngoài mà ta ham muốn. Khi không thể tìm được hay không nắm giữ được đối tượng, thì ta đâm ra bất mãn sầu khổ. Ví dụ nhiều người đang đi tìm người yêu trong mộng tưởng của mình - một kẻ nào có thể làm suối nguồn hạnh phúc bất tận - nhưng dù có sưu tập nhiều bồ bịch đến đâu, họ cũng không bao giờ thực hiện được giấc mộng về người yêu lý tưởng.
  Cái điều ta không nhận ra là, trong mỗi con người chúng ta đều sẵn có một suối nguồn vô biên đầy đủ năng lượng thuộc nam tính và nữ tính. Bao nhiêu vấn đề rắc rối xảy đến cho chúng ta chỉ vì hoặc chúng ta không biết đến, hoặc chúng ta đè nén những gì ta sẵn có trong mình. Đàn ông cố che giấu khía cạnh nữ tính nơi mình, còn phụ nữ thì lại sợ bộc lộ năng lượng nam tính trong họ. Kết quả là ta luôn luôn cảm thấy mình bị tách rời khỏi một cái gì mình rất cần đến. Ta thấy mình không còn nguyên vẹn, và do đó ta quay sang người khác, mong tìm những đức tính mà ta không có, để có được cảm giác toàn vẹn. Do vậy nhiều lối hành xử của ta bị nhiễm tính bất an, chiếm hữu. Quả thế, tất cả vấn đề trên thế giới, từ nỗi lo sợ của một cá nhân cho đến chiến tranh giữa các quốc gia, đều có thể nói đã bắt nguồn từ cảm giác thiếu thốn này.
  Khi cần, những thiền gia vĩ đại có thể sống biệt lập hàng nhiều năm mà không cảm thấy cô đơn. Vậy mà chúng ta có thể vô cùng khó chịu nếu phải xa người bạn gái hay bạn trai của mình dù chỉ một ngày! Tại sao có sự khác biệt lớn lao ấy giữa chúng ta và thiền giả? Điều này có quan hệ đến những năng lượng nam tính và nữ tính trong ta. Khi những năng lượng này còn mất quân bình, bị phân chia manh mún, thì chúng ta vẫn còn mãi khát khao tụ hội với người khác, và không bao giờ được thỏa mãn. Nhưng nếu năng lượng âm dương bên trong ta được đầy đủ, thì không bao giờ ta cảm thấy cô đơn.
  Mật tông cung ứng nhiều phương pháp thần diệu để tiếp xúc với tính toàn vẹn nguyên ủy trong ta. Nghệ thuật mật tông có đầy những biểu tượng hợp nhất và toàn vẹn, diễn tả tiềm năng của ta để đạt đến viên mãn. Những hình ảnh chư thần giao hợp -mà một số người nghiên cứu Phật giáo Tây tạng cho là dấu hiệu suy đồi - kỳ thực là một biểu tượng của sự hợp nhất những năng lượng âm dương trong mỗi con người. Ở bình diện sâu xa hơn, sự giao hợp của họ còn biểu trưng mục đích của pháp hành trì cao nhất trong mật tông, là phát sinh đại lạc vi tế nhất, một tâm trạng vô cùng thích hợp để thâm nhập thực tại tuyệt đối giải thoát ta vĩnh viễn khỏi đau khổ mê mờ. Ở bình diện này, nam thần tượng trưng cho đại lạc và nữ thần là trí bất nhị. Vậy sự giao hợp của họ hoàn toàn không dính đến chuyện thỏa mãn giác quan, mà ám chỉ trạng thái trí tuệ đầy hỉ lạc toàn vẹn, vượt ngoài ham muốn giác quan thường tình.
  Với những người đã thuần thục, chỉ cần chiêm ngưỡng hình tượng ấy cũng đủ giúp họ phục hồi sự liên lạc hai năng lượng âm dương trong bản thể. Nhưng muốn tái lập mối liên lạc ấy, điều tối cần là phải đoạn tuyệt ảnh hưởng của cái tâm phân biệt nhị nguyên, vì chính tâm phân biệt này đã khiến ta trở thành xa lạ với thực thể sâu xa trong mình. Chính vì vậy mà những biểu tượng và hình ảnh xử dụng trong mật tông có thể hữu hiệu hơn danh từ suông, để đưa ta đi vào bản chất nguyên ủy.
BỐN LOẠI MẬT ĐIỂN
  Có bốn loại hay trình độ mật điển Phật giáo : mật điển thiên về hành động, mật điển thiên về tư duy, mật điển du già và tối thượng du già. Mỗi hạng dành cho một loại hành giả đặc biệt; và điều khác biệt giữa hạng này hạng kia là mức độ năng lượng ham muốn mà hành giả có đủ thiện xảo để hướng nó vào con đường tu tập. Theo truyền thống, những trình độ khác nhau về năng lượng lạc được ví dụ với mức thân mật tính dục trong quan hệ nam nữ. Hành giả mật tông bậc hạ có thể xử dụng để chuyển hóa năng lượng lạc khởi lên nơi một người lúc nhìn người yêu. Ở mức độ hai, năng lượng trao nhau nụ cười có thể được chuyển hóa. Ở mức độ ba, năng lượng cầm tay nhau được xử dụng để chuyển hóa, trong khi hành giả thuộc mật điển tối thượng du già thì có được cái thiện xảo để hướng ngay cả năng lượng của sự giao hợp tính dục vào con đường tu tập. Hình ảnh vô cùng mãnh liệt này cho ta một khái niệm về tầm mức càng lúc càng tăng của cái năng lượng có thể được chuyển hóa nhờ thực hành mật tông.
Một câu hỏi thực tế là, làm thế nào kỹ thuật chuyển hóa mật tông được vận hành có hiệu lực cho mỗi người. Nói rằng "mật tông xem ham muốn là con đường đến giác ngộ" chẳng có ý nghĩa gì lắm. Điều quan trọng là, sau khi quan sát kỹ những khả năng và kinh nghiệm của chính mình, phải tìm cách xác định trong hiện tại, ta xử lý cái năng lượng ham muốn của mình như thế nào. Ta phải tự hỏi mình có thể "quản lý" bao nhiêu lạc thú giác quan mà không trở thành điên dại. Hành trì mật tông cuối cùng có thể đánh thức trạng thái tâm sâu xa vi tế, nguồn phúc lạc kỳ diệu, song điều ấy không có nghĩa hiện tại ta nên lăn xả vào các ham muốn không cần phân biệt, chỉ vì chúng cũng có thể đưa đến một thứ lạc thú nào đó. Ta phải thành thực nhận ra những giới hạn của mình, và phải thực tế tự xét khả năng nếu muốn tu mật tông có chút nào kết quả.
  Một trong những chướng ngại lớn nhất cho việc tu hành là sự kiêu căng hợm hĩnh. Mối nguy này lại đặc biệt lớn lao trong sự thực hành mật tông. Khi nghe nói mật tông xử dụng ngay dục vọng để tu, ta có thể tưởng mình chỉ việc tự nhiên lăn xả vào những thèm khát bất trị, hoặc gia tăng số lượng ham muốn có sẵn, thế là ta đã thành một hành giả chân chính. Một số người quả có thái độ như vậy, thực hoàn toàn sai lạc. Ta không bao giờ nên quên rằng, nếu ngụp lặn trong dục vọng mà đồng nghĩa với hành trì mật tông, thì tất cả chúng ta đã thành những hành giả mật tông thượng thặng từ khuya! Mặc dù đời chúng ta đầy dẫy những ham muốn đủ thứ không bao giờ được thỏa mãn, điều duy nhất ta có được là sự bất mãn càng ngày càng tăng.
  Tại sao ra cơ sự ấy? Tại sao những ham muốn của ta luôn dẫn đến bất mãn và tuyệt vọng? Nếu không hiểu được điều này, thì tất cả cuộc nói chuyện về xử dụng ham muốn làm con đường giác ngộ, chỉ là chuyện đùa.


DỤC VỌNG VÀ SỰ MÉO MÓ
  Khi ham muốn một đối tượng, nhận thức của ta về đối tượng ấy thường bị méo mó vì đam mê. Ví dụ rõ nhất là ham muốn thuộc tính dục. Thử xét trường hợp một người đàn ông đang say đắm một phụ nữ. Dù phụ nữ ấy được cho là dễ coi, cũng không đến nỗi chim sa cá lặn như anh kia vì dục vọng đã phóng đại sắc đẹp của nàng một cách lố bịch. Càng bị ám bởi lòng ham muốn, thì trí tưởng tượng của anh ta về cô nàng càng xa thực tế, "trông gà hóa cuốc." Cuối cùng, hình ảnh ấy đi đến chỗ không còn ăn nhập gì đến sự thực. Khi ấy, thay vì bị lôi cuốn bởi bản thân người phụ nữ, anh ta lại mê say cái hình bóng của nàng do chính anh tạo nên.
  Khuynh hướng phóng chiếu và khuếch đại này không hạn cuộc vào một nền văn hóa nào, đấy là một hiện tượng phổ quát trong vũ trụ. Khi hai người nhìn nhau bằng con mắt của ham muốn quá trớn, thì người này vẽ ra một câu chuyện thần kỳ về người kia. "Ôi đẹp khôn tả! Từ trong ra ngoài không chỗ nào chê được!" Họ thuần dựng lên một huyền thoại về đối tượng mình tôn thờ. Do si mê và dục vọng, người này trở nên mù quáng trước những điểm xấu của người kia, còn những điểm tốt thì lại thổi phồng quá cỡ thợ mộc. Sự quá đáng này chính là kiểu giải thích mê tín dị đoan, sự phóng chiếu của một cái tâm bị mờ ám vì dục vọng.
  Có thể nói trong mọi ham muốn thông thường của chúng ta đều có ít nhiều khuynh hướng thổi phồng này. Chúng ta nói quá đáng về giá trị của bất cứ thứ gì mình thích, và hoàn toàn không thấy được bản chất thực của nó. Chẳng hạn, ta quên khuấy đi rằng cái đối tượng ham mê của ta- dù đấy là người hay vật- đang thay đổi không ngừng, cũng như chính ta đang thay đổi. Ta làm như thể đối tượng ấy sẽ mãi mãi đẹp đẽ đáng ưa, sẽ đem lại cho ta niềm vui vĩnh cửu, thỏa mãn lâu dài. Một quan niệm về trường tồn như thế dĩ nhiên hoàn toàn mất liên lạc với hiện thực, và khi bám víu vào nó là ta chỉ có nước sẵn sàng rước lấy thất vọng ê chề.
  Tuy nhiên, cho là trường cửu những gì mình ưa thích không phải là điều ta nghĩ bằng ý thức. Nếu ai hỏi "Bạn có nghĩ người bạn trai -hay bạn gái, hay chiếc xe mới, hay bất cứ gì- của bạn sẽ trường tồn và mãi mãi đẹp như thế không?" ngay lập tức ta sẽ trả lời "dĩ nhiên không!" Chúng ta đã quá quen thuộc với sự đổi thay, tàn tạ, già chết nên khó mà trả lời cách khác. Nhưng với phần đông, cái biết này chỉ là tri thức suông. Đó là một ý tưởng ta biết bằng óc não nhưng tim ta chưa thực chứng. Nếu kiểm soát lại thái độ sâu xa tự tâm khảm đối với những gì mình ưa thích, ta sẽ khám phá rằng sự bám víu vào trường tồn vẫn còn ở lì trong đó không mảy may thay đổi, mặc dù trên bình diện tri thức, ta có thể hiểu biết rất nhiều về tiến trình đổi thay. Hãy nhìn cách ta hồi hộp ra sao mỗi khi vướng vào ham muốn mãnh liệt đối với người nào hay vật gì. Ta có bị giao động nhiều đến thế không, nếu ta không có những mong mỏi thiếu thực tế?
  Đừng hiểu sai chỗ này. Tôi không cố khắt khe bảo rằng mọi ý tưởng của ta đều nông cạn, hay mọi phản ứng cảm xúc của ta đều méo mó. Tôi chỉ cố khám phá một tình trạng mà mọi người khắp nơi đều đã thân chứng: đó là, mặc dù những ham muốn của ta cốt yếu là để đem lại cho ta hạnh phúc, song chúng ta vẫn mãi hoài bất mãn vì những ước mơ không toại. Nếu ta không hiểu lý do điều này, thì bao nhiêu hi vọng sử dụng ham muốn để đạt đến phúc lạc viên mãn của giác ngộ, sẽ phải tiêu dên.
NGUỒN GỐC CỦA BẤT MÃN
  Vậy lỗi tại chỗ nào? Ai hay cái gì phải chịu trách nhiệm về nỗi thất bại triền miên của ta trong việc cảm thụ hạnh phúc an bình mà ta hằng tìm kiếm một cách vô vọng? Để trả lời câu hỏi này, ta hãy nhìn kỹ lại một lần nữa cái kiểu vận hành của ham muốn thông thường trong ta. Vì cảm thấy mình chưa toàn vẹn, bất an và không thỏa, ta tìm kiếm bên ngoài để có được một người nào hay một vật gì có thể khiến ta cảm thấy toàn vẹn, đầy đủ. Ta thường suy nghĩ một cách hữu thức hoặc vô thức như sau: "Nếu tôi có được điều này điều kia, thì tôi sẽ sung sướng." Được thúc đẩy bởi tư tưởng ấy, chúng ta cố chiếm hữu bất cứ đối tượng nào có triển vọng thỏa mãn ham muốn ta nhất. Trong quá trình ấy ta biến đối tượng thành một thần tượng, đánh giá quá mức những khía cạnh tốt của nó đến nỗi nó không còn giống gì với bản chất thực sự của nó nữa.
Trong nỗ lực để đạt được đối tượng ham muốn mà ta đánh giá quá mức ấy, ta có thể thành công hoặc không. Nếu sau bao nhiêu cố gắng mà ta không thành công, đối tượng ham muốn vẫn ở ngoài tầm tay ta, thì dĩ nhiên ta bị thất vọng; càng ham muốn đối tượng bao nhiêu ta càng sầu khổ bấy nhiêu vì không chiếm hữu được nó.
  Nhưng nếu ta thành công, có được điều ta mong mỏi, thì sao? Điều ta gặp được và điều ta mong mỏi gặp được hóa ra là hai chuyện khác xa nhau. Vì những gì ta có được không phải là hình ảnh từ lâu ta mơ ước - giải pháp toàn vẹn vĩnh cửu cho những vấn đề của ta - mà chỉ là một cái gì cũng bất toàn, vô thường như chính ta. Người hay vật mà ta có được ấy quả có đem lại cho ta một lạc thú nhất thời, nhưng không bao giờ đáp ứng đúng những kỳ vọng ta đã đặt vào nó. Bởi thế sớm muộn gì ta cũng cảm thấy mình bị đánh lừa, và đâm ra não nề tuyệt vọng.
  Bây giờ, hãy trở lại câu hỏi trên kia: ta phải trách cứ ai về nỗi bất hạnh của mình? Thông thường một cách phi lý, ta đổ thừa cho đối tượng ham muốn: "Nếu nàng dễ coi hơn một chút..." "Nếu anh ấy đối xử với tôi tốt hơn..." "Nếu chiếc xe ấy chạy nhanh hơn, mới hơn..." Nếu được như thế nọ thế kia. Ta luôn suy luận nước đôi như vậy mỗi khi thất vọng với cái ta có trong hiện tại, và tự hỏi có cách nào thay thế nó bằng một thứ gì sẽ bảo đảm đem lại cho ta cái hạnh phúc mà ta ước mơ. Điều kế tiếp ta biết được là, ta lại đang đi tìm một người vợ mới, hay chồng mới, hay xe mới, đặt hết hi vọng vào đối tượng mới này, nhưng rồi cũng chỉ là không tưởng như niềm hi vọng ta đã từng đặt nơi cái đối tượng ta mới vừa gạt ra. Với kiểu ấy ta cứ tiếp tục quay vòng tròn, đổi thứ này lấy thứ khác mà không bao giờ tiến gần hơn chút nào đến cái hạnh phúc ta mong mỏi.
LỐI GIẢI QUYẾT THEO MẬT TÔNG
  Mật tông giải quyết vấn đề này một cách triệt để, đấy là hoàn toàn chuyển lối nhìn thông thường của ta. Đây là điểm then chốt trong phương pháp mật tông. Cái năng lượng ham muốn đã đẩy chúng ta từ bất mãn này đến bất mãn khác, sẽ được chuyển thành tuệ giác và phúc lạc, nhờ phương pháp "luyện vàng" của mật tông. Hành giả tập trung tia laser của tuệ lạc này để đâm ngay vào trái tim thực tại, cắt đứt những cái bóng sai lạc về sự vật.
  Những tầng lớp mê mờ ngăn ta cảm nghiệm tính toàn vẹn của tiềm năng con người, bị nhổ tận gốc bởi tính giác đầy hoan lạc ấy. Như vậy năng lượng dục vọng thay vì làm tăng nỗi bất mãn nơi ta, bây giờ được dùng để phá hủy chính nguyên nhân của bất mãn, là sự ngu si cố hữu của ta về bản chất thực tại.
  Theo truyền thống mật tông Tây tạng, sự chuyển hóa năng lượng ham muốn được ví dụ như sau. Có vài loại côn trùng từ bọng cây sinh ra, chu kỳ sống của nó khởi sự từ lúc nó ấp trứng trong ruột thân cây. Khi lớn lên, chúng lấy thân cây làm thực phẩm, ăn thứ gỗ từ đấy nó đã sinh ra. Phép chuyển hóa của mật tông cũng vậy: dục vọng bất mãn làm phát sinh tuệ giác sâu xa, rồi tuệ giác này lại đốt cháy tất cả những phiền não che mờ tâm thức, kể cả những dục vọng đã làm phát sinh ra tuệ giác.
  Vậy ta có thể thấy rằng dục vọng có hai nhiệm vụ trái ngược hẳn nhau, một mê mờ một giác ngộ. Trong mật tông, kinh nghiệm hoan lạc do dục vọng phát sinh mở rộng tâm ta đến độ nó giúp ta vượt qua mọi giới hạn của mình; trong khi thông thường lạc thú phát sinh do sự tiếp xúc của giác quan với đối tượng ham muốn thì lại thu hẹp tầm chú ý của ta, và dẫn đến tâm hạn cuộc vì bị ám ảnh bởi ý muốn có thêm lạc thú. Bị mê mẩn trong những cảm giác hoan lạc, ta thường mất ý thức về toàn thể, và rơi vào trạng thái u mê ám chướng. Tâm trí ta thu hẹp lại quanh đối tượng, và càng bám víu đối tượng để được thêm thỏa mãn, ta càng xa rời thực tại. Có thể bảo rằng, khi đã ở dưới bùa lực của ham muốn mãnh liệt, thì ta gần như bị hôn mê bất tỉnh. Khi bừng tỉnh, ta mới thấy rằng lạc thú mà ta dù có nếm được cũng đã biến mất, chỉ còn lại một nỗi chán chường bất mãn nguyên xi như lúc ban đầu.
   Nói cách khác, thông thường khoái lạc của chúng ta bị đen tối vì vô minh vây phủ. Mặc dù có vài hứng khởi thoáng qua, cũng không có ý thức minh mẫn, không có ánh sáng. Thực hành mật tông là cốt để hợp nhất kinh nghiệm lạc thú với ánh sáng. Sự hợp nhất này như đã nói, được biểu trưng bằng hình ảnh nam nữ thần giao hợp, ám chỉ sự hợp nhất giữa năng lượng dương tính là phúc lạc và âm tính là trí tuệ bất nhị sâu xa. Hai thứ này cuối cùng phải hợp nhất thì ta mới đạt đến tự tính chân thực sâu xa nhất của mình. Nhưng hiện tại ta không có được sự hợp nhất giữa hoan lạc và trí tuệ như thế, nên ta phải nỗ lực khá nhiều để đào luyện cái kinh nghiệm toàn vẹn ấy.
MỘT CHÚT DÈ DẶT
  Chính vì thói quen thâm căn cố đế của chúng ta là, mỗi khi bám víu một lạc thú nào, ta lại rơi ngay vào trạng thái u mê đần độn, cho nên thực phi lý nếu nghĩ rằng ta có thể chuyển hóa ngay tức khắc năng lượng ham muốn nồng nhiệt của mình thành tâm sáng suốt thanh tịnh và khoáng đạt. Mặc dù mật tông là con đường nhanh nhất để thành tựu kinh nghiệm giác ngộ, ta vẫn phải tiến tuần tự qua các giai đoạn tùy khả năng mình, nếu không ta sẽ vướng vào một gánh nặng mà ta không đủ sức mang. Ta sẽ bị nguy khốn như tình trạng những nước nghèo vì nôn nóng canh tân đã vội vã rước vào mình quá nhiều, nên hậu quả bất hạnh là đời sống giản dị tương đối quân bình của họ bị xáo trộn. Như thế, mặc dù kỹ nghệ hóa là cốt đem lại phúc lợi, hậu quả thực sự lại là xáo trộn bất mãn còn nhiều hơn trước. Cũng vậy, nếu cứ tưởng mình chuyển hóa được những năng lượng lạc thú, rồi thực hành mật tông khi chưa đủ khả năng chuyển hóa, thì chỉ tổ đưa đến tình trạng rối ren hơn.
                                                       Thích Nữ  Trí Hải chuyển ngữ


Không có nhận xét nào: