Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

BA CÂU HỎI KHÓ

                                                           

Có một vị vua, một hôm chợt nghĩ rằng: Giá mà trả lời được ba câu hỏi thì vua sẽ không bao giờ bị thất bại trong bất cứ công việc nào. Ba câu hỏi ấy là...
1. Làm sao để biết được thời gian nào là thời gian thuận lợi nhất cho mỗi công việc?

2. Làm sao để biết được nhân vật nào là nhân vật quan trọng nhất mà ta phải chú trọng?

3. Làm sao để biết được công việc nà o là công việc cần thiết nhất mà ta phải thực hiện?

Nghĩ thế vua liền ban chiếu ra khắp trong bàn dân thiên hạ, hứa rằng sẽ ban thưởng trọng hậu cho kẻ nào trả lời được ba câu hỏi đó. 

Rất nhiều bậc hiền thần tìm đến thử sức nhưng không câu trả lời nào làm vua thoả mãn. Vua quyết tâm đi tìm hỏi một vị Đạo sĩ tu trên núi. Nhà vua cải trang làm thường dân, khi đi đến chân núi vua dặn vệ sĩ đứng chờ ở dưới và một mình trèo lên am của ông Đạo. Nhà vua gặp ông Đạo đang cuốc đất trước am. Ông Đạo đã già, tỏ ra mỏi mệt. Nhà vua tới gần ông Đạo và nói: “Tôi tới đây để xin ông Đạo trả lời giúp ba câu hỏi: làm thế nào để biết đúng thì giờ hành động, đừng để cơ hội qua rồi sau phải hối tiếc? Ai là những người quan trọng nhất mà ta phải chú ý tới nhiều hơn cả? Và công việc nào quan trọng nhất cần thực hiện trước?”.  

Ông Đạo lắng nghe nhưng không trả lời, tiếp tục cuốc đất. Nhà vua nói:“Ông Đạo mệt lắm rồi, thôi để tôi cuốc một lát”. Cuốc xong hai vòng đất, vua ngừng tay và lặp lại câu hỏi. Ông Đạo vẫn không trả lời. Ông Đạo vẫn không trả lời và đòi cuốc đất nhưng nhà vua thay vì trao cuốc lại tiếp tục cúi xuống cuốc đất. 

Mặt trời bắt đầu khuất sau đỉnh núi. Nhà vua ngừng tay, buông cuốc và nói với ông Đạo: “Tôi tới để xin ông Đạo trả lời cho mấy câu hỏi, nếu ông Đạo không trả lời cho tôi câu nào hết thì xin cho tôi biết để tôi còn về nhà”.  

Chợt lúc đó, ông Đạo nghe tiếng chân người chạy đâu đây bèn nói với nhà vua: “Bác thử xem có ai chạy lên kìa”. Đó là một người đàn ông đang bị thương nặng ở bụng. Ông ta cố chạy tới chỗ nhà vua và ngất xỉu giữa đất, nằm im bất dộng, miệng rên rỉ. Vua và ông Đạo cởi áo người đó ra thì thấy có một vết đâm sâu nơi bụng. Vua rửa chỗ bị thương thật sạch và xé áo của mình ra băng bó vết thương. Nhưng máu thấm ướt cả áo. Vua giặt áo và đem băng lại vết thương. Cứ như thế cho đến khi máu ngưng chảy. Lúc bấy giờ người bị thương mới tỉnh dậy và đòi uống nước. Vua chạy đi múc nước suối cho ông ta uống.

Khi đó mặt trời đã khuất núi và bắt đầu lạnh. Nhờ sự hỗ trợ của ông Đạo, nhà vua khiêng người bị nạn vào trong am và đặt nằm trên giường của ông Đạo. Ông ta nhắm mắt nằm im. Nhà vua cũng mệt quá vì leo núi và cuốc đất cho nên ngồi dựa vào cánh cửa mà ngủ thiếp đi. Vua ngủ ngon cho đến nỗi khi nhà vua thức dậy thì trời đã sáng và phải một lúc lâu sau vua mới nhớ được là mình đang ở đâu và đang làm gì.

Vua nhìn về phía giường thì thấy người bị thương cũng đang nhìn mình chòng chọc, hai mắt sáng trưng. Người đó thấy vua tỉnh giấc thì cất giọng rất yếu: “Xin bệ hạ tha tội cho thần!”, vua đáp: “Ông có làm gì nên tội đâu mà phải tha?”, “Bệ hạ không biết hạ thần nhưng hạ thần biết bệ hạ. Hạ thần đã thù bệ hạ từ lâu. Hôm nay quyết lên đây để giết bệ hạ, rình dưới núi mãi không thấy bệ hạ xuống, định mò lên núi tìm giết bệ hạ thì bị các vệ sĩ đâm trọng thương. Nếu không có bệ hạ thì chắc hạ thần đã chết. Hạ thần hối hận quá. Giờ đây nếu hạ thần còn sống được thì hạ thần nguyện làm tôi mọi cho Bệ hạ suốt đời”.

Thấy mình hòa giải được với kẻ thù một cách dễ dàng, nhà vua rất vui mừng. Vua không những hứa tha tội cho người kia mà còn hứa sẽ trả lại gia sản cho ông ta và gửi ngay thầy thuốc cùng quân hầu tới săn sóc cho ông ta lành bệnh.  

Sau khi cho vệ sĩ khiêng người bị thương về, nhà vua trở lên tìm ông Đạo để chào. Trước khi ra về vua còn lập lại lần cuối ba câu hỏi của vua. Ông Đạo đang quỳ gối xuống đất mà gieo những hạt đậu trên những luống đất đã cuốc sẵn hôm qua. Vị đạo sĩ đứng dậy nhìn vua đáp: “Nhưng ba câu hỏi của vua đã được trả lời rồi màHôm qua nếu vua không thương hại bần đạo già mà ra tay cuốc dùm mấy luống đất này thì khi ra về vua đã bị kẻ kia mai phục hành thích mất rồi. Vì vậy thời gian quan trọng nhất là thời gian vua đang cuốc đất, nhân vật quan trọng nhất là bần đạo đây và công việc quan trọng nhất la công việc giúp bần đạo.

Rồi sau đó khi người bị thương nọ chạy lên, thời gian quan trọng nhất là thời gian vua chăm sóc cho ông ta, bởi vì nếu vua không băng vết thương cho ông ta thì ông ta sẽ chết và vua không có dịp hoà giải với ông ấy, cũng vì thế mà ông ta là nhân vật quan trọng nhất và công việc vua làm để băng bó vết thương là quan trọng nhất.

Xin vua hãy nhớ kỹ điều này: chỉ có một thời gian quan trọng mà thôi, đó là thời gian hiện tại, là giờ phút hiện tại, giờ phút hiện tại quan trọng bởi vì đó là thời gian duy nhất trong đó ta có thể làm chủ được ta. Và nhân vật quan trọng nhất là kẻ đang cụ thể sống với ta, đang đứng trước mặt ta, bởi vì ai biết được mình sẽ đương đầu làm việc với những kẻ nào trong tương lai. Công việc quan trọng nhất là công việc làm cho người đang cụ thể sống bên ta, đang đứng trước mặt ta được hạnh phúc. Bởi vì đó là ý nghĩa chính của đời sống”.  

Trích từ “Phép lạ của sự tỉnh thức”
Thích Nhất Hạnh
(Theo Bwportal)

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

DUYÊN XƯA

                     
               
                                 

                                                                         DUYÊN XƯA
                                                                                      Nương vần Duyên chiều - XY

                                         Chẳng rõ hôm nay nghĩ cảnh này,
                                         Lâng lâng giả bộ chạm vào tay.
                                         Ngỡ ngàng tìm lại  tim rung nhẹ,
                                         Bẽn lẽn nhận ra  lệ ứa đầy.
                                         Nhớ lúc đò Cồn chiều rộn rã,
                                         Mơ khi Đập Đá sáng nồng say.
                                         Dáng em anh giữ trong trang giấy,
                                         Cách trở xa xôi với những ngày.

                                                                               Minh Đạo




                                                               

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

TRANH LUẬN GIỮA BÀ CỤ VÀ BA VỊ TIẾN SĨ VỀ LINH HỒN VÀ SỰ SỐNG SAU KHI CHẾT

                                                    


Sau Thế chiến thứ nhất, một nước nọ muốn dùng phương pháp khoa học để tuyên truyền cho thuyết vô thần, họ mong muốn cả dân tộc thoát ly khỏi tôn giáo tín ngưỡng. Một lần chính quyền mời ba vị tiến sĩ lên thuyết giảng trước công chúng ở quảng trường.

Vị thứ nhất là tiến sĩ về Thiên văn, sau khi ông bước lên sân khấu lý giải vô số lý do về thuyết vô thần, cuối cùng ông hô to: “Tôi đã dùng kính viễn vọng quan sát vũ trụ hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ trông thấy thần, vì thế chắc chắn không có thần thánh”. Sau câu nói ông nhận được tràng pháo tay của số đông công chúng.

Vị thứ hai là tiến sĩ Y học, sau khi nói rất nhiều đạo lý cho rằng con người tuyệt nhiên không có linh hồn, ông kết luận: “Tôi từng giải phẫu hàng trăm thi thể, quan sát tỉ mỉ các bộ phận, thế nhưng không phát hiện có nơi nào để linh hồn gửi gắm. Trong tim à? Trong đầu à? Trong máu à? Tôi đều giải phẫu nhiều lần rồi nhưng không thấy gì, vì thế chắc chắn không có linh hồn”. Nói xong lại nhận được tràng pháo tay vang dội.

Vị thứ ba là một nữ tiến sĩ, một nhà luận lý học. Cô từ từ bước lên sân khấu rồi phát biểu: “Người chết giống như cái đèn bị tắt. Chết là hết, tuyệt đối không có cái gọi là Thiên đàng hay Địa ngục để phán xét. Tôi từng đọc qua các sách cổ kim đông tây nhưng không thấy ghi chép gì về chuyện này”.Sau khi ba vị tiến sĩ thuyết giảng xong, người chủ trì hướng về phía công chúng nói: “Nếu trong tất cả mọi người có ai không thỏa mãn, hoặc muốn tranh luận, đều có quyền lên thảo luận công khai”.

Sau một lúc lâu nhưng không có ai lên tiếng phản bác, buổi tuyên truyền chuẩn bị kết thúc trong sự thắng lợi. Bỗng một bà cụ bước lên sân khấu, nói với người chủ trì: “Tôi có thể hỏi thêm vài câu hỏi được không?”

Vị chủ trì nói: “Rất hoan nghênh cụ!”

Thế rồi bà cụ nhìn vị tiến sĩ đầu tiên, hỏi: “Anh dùng kính viễn vọng nhìn được hơn 20 năm, thế anh có nhìn thấy gió không? Nó có hình dạng thế nào?”

Vị tiến sĩ trả lời: “Kính viễn vọng sao có thể trông thấy gió được thưa cụ?”

Bà cụ nói: “Trên thế giới có gió không? Anh dùng kính viễn vọng nhìn không thấy gió, lẽ nào anh có thể dùng kính viễn vọng nhìn thấy thần? Anh dùng kính viễn vọng nhìn không thấy thần thì có nghĩa là không có thần sao?”. 

Vị tiến sĩ chỉ biết im lặng không thể nói lại được.

Thế rồi bà cụ lại nhìn sang vị tiến sĩ thứ hai, hỏi: “Anh có yêu vợ anh không?”

Vị tiến sĩ kia thưa: “Dạ, có yêu thưa cụ”.

Bà cụ tiếp lời: “Vậy anh đưa con dao giải phẫu cho tôi, tôi thử mổ bụng anh xem thử cái gọi là ‘yêu’ đó nằm ở bộ phận nào? Trong gan? Trong dạ dày? Hay trong ruột?”. 

Bên dưới mọi người cười vang dội.

Tiếp tục, bà cụ lại nhìn sang nữ tiến sĩ hỏi: “Cô đã đọc quyển sách này chưa? Nó gọi là «Kinh thánh». Chẳng phải rõ ràng quyển sách này có nói mọi người sau khi chết đều chịu phán quyết sao? Cô đừng tưởng chết là hết, phải biết rằng việc sau khi chết còn nhiều và dài hơn lúc còn sống rất nhiều! Khi cô còn trong bụng mẹ, nếu có người nói với cô rằng ‘không lâu nữa cô sẽ có mặt trên trái đất, có trời trăng sơn thủy, phải ăn cơm mặc quần áo’, cô có tin không? Thế nhưng hôm nay cô không chỉ tin mà còn thực sự đã đang sống trong thế giới này. Thế giới vĩnh hằng cũng là như thế!”

                                                                            Theo secretchinaTinh Vệ biên dịch

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

LÝ GIẢI NGUYÊN NHÂN ĂN THỨC ĂN THỪA ĐỂ TRONG TỦ LẠNH CÓ THỂ GÂY UNG THƯ

Dù lưu trữ trong tủ lạnh thì vẫn có quá trình biến đổi protein xảy ra, làm cho thực phẩm mất chất dinh dưỡng và chuyển thành chất độc.

Nhiễm độc vì ăn thức ăn thừa trong tủ lạnh
Thông tin được đăng tải trên mạng xã hội về một người phụ nữ Malaysia mắc bệnh ung thư chỉ vì ăn thức ăn thừa để trong tủ lạnh từ hôm trước khiến không ít người cảm thấy hoang mang.
Theo chia sẻ của người nhà thì trong suốt 10 năm nay, người phụ nữ này có thói quen ăn thức ăn thừa để qua đêm trong tủ lạnh. Sau một thời gian dài, cô được phát hiện mắc ung thư dạ dày. Chỉ sau 1 năm, cơ thể cô giảm nhanh từ 60kg xuống còn 28kg và quá trình diễn tiến của bệnh tật nhanh tới nỗi không thể tưởng tượng nổi. Tháng 7 năm ngoái, cô được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày. Sau khi trải qua 8 đợt hóa trị và phẫu thuật cắt bỏ dạ dày, bệnh tình không được kiểm soát và dẫn đến tử vong.
Người phụ nữ Malaysia được cho là mắc bệnh ung thư vì trong 10 năm ăn thức ăn thừa trong tủ lạnh.
Trước thông tin này, nhiều người tự hỏi, liệu có đúng ăn thức ăn thừa để trong tủ lạnh đến ngày hôm sau có thực sự nguy hiểm, dẫn đến ung thư hay không?
Nhiều người có quan niệm nếu thức ăn thừa có thể cất đi vào tủ lạnh để ngày mai, ngày kia ăn cũng không sao. Nhưng theo kỹ sư hóa thực phẩm, Hồ Thị Thu Thủy nguyên cán bộ Trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm Miền Trung: Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh vẫn bị biến đổi tuy nhiên tốc độ chậm hơn so với để ở bên ngoài. Vì ở nhiệt độ tủ lạnh thường 5-8 độ C, vi sinh vật ưa lạnh vẫn phát triển và quá trình biến đổi protein trong thực phẩm vẫn diễn ra. Quá trình này tạo nitrat, nitrit. Khi muối nitrat khi vào cơ thể người tham gia phản ứng khử ở dạ dày và đường ruột do tác dụng của các men tiêu hóa sinh ra NO2-. Nitrit rất độc, với hàm lượng 0,01 mg/l đã có thể gây độc hại cho sức khỏe con người.
Khi bị ngộ độc nitrit thì cơ thể sẽ không thể làm tròn chức năng hô hấp, có các biểu hiện như khó thở, ngột ngạt. Với hàm lượng cao hơn có thể gây ức chế oxy dẫn đến hiện tượng thiếu oxy trong máu làm cho cơ thể bị choáng váng và ngất khi đang làm việc hay vui chơi. Trường hợp nhiễm độc trầm trọng nếu không được cứu chữa kịp thời dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Ngoài ra, NO2- trong cơ thể dễ tác dụng với các amin tạo thành nitrosamine-1 hợp chất tiền ung thư. Hàm lượng nitrosamin cao khiến cơ thể không kịp đào thải, tích lũy lâu ngày trong gan gây ra hiện tượng nhiễm độc, ung thư.
Nhiều người tiêu dùng thường nghĩ bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh thì thực phẩm sẽ an toàn, tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Dù lưu trữ trong tủ lạnh thì vẫn có quá trình biến đổi protein xảy ra, làm cho thực phẩm mất chất dinh dưỡng.
Thực tế, việc đun nấu ở nhiệt độ cao chỉ giúp diệt các vi khuẩn, nấm mốc có hại trong thức ăn, nhưng hàm lượng các chất độc như nitrit vẫn không thay đổi.
Dù lưu trữ trong tủ lạnh thì vẫn có quá trình biến đổi protein xảy ra, làm cho thực phẩm mất chất dinh dưỡng và chuyển thành chất độc. Ảnh minh họa
Thói quen ăn không khoa học giết chết chúng ta
Trường Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) đã làm một số thí nghiệm chứng minh đồ ăn thừa dù được bảo quản trong tủ lạnh vẫn dễ bị phân hủy tạo ra các hợp chất nitrit – một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư .
Nitrat (công thức hóa học là NO3-) và nitrit (công thức hóa học là NO2-) là hợp chất của nitơ và oxy, tồn tại trong đồ ăn do kết quả của quá trình phân hủy các hợp chất hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên. Thông thường nitrat không gây ảnh hưởng sức khỏe, tuy nhiên nếu nồng độ nitrat quá lớn hoặc nitrat bị chuyển hóa thành nitrit sẽ gây độc cho con người. Nhiễm độc nhẹ biểu hiện bằng tình trạng ngộ độc, độc tích tụ lâu ngày có thể là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư.
Để đo nồng độ nitrit trong đồ ăn đã nấu chín để qua đêm, nhóm nghiên cứu đã chọn 4 đĩa đồ ăn: rau cải xào, hẹ xào trứng, thịt kho tàu và cá trích kho. Những món ăn này được chế biến bởi một nhà hàng có tiếng, đều hợp vệ sinh, hàm lượng nitrit đạt tiêu chuẩn cho phép. Bốn đĩa thức ăn được bọc kín và bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 40 độ C.
Sau 6 giờ, hàm lượng nitrit trong rau cải xào tăng 16%, hẹ xào trứng tăng 6%, riêng hàm lượng nitrit trong thịt kho tàu và cá kho tăng đến trên 70%, vượt ngưỡng tiêu chuẩn là 3 mg/kg thịt.
Sau 18 giờ, các món ăn được cho vào lò vi sóng hâm nóng rồi mang đi xét nghiệm, hàm lượng nitrit trong rau cải xào đã tăng đột biến, cao hơn 443% so với hàm lượng đo được sau 6 giờ. Hàm lượng nitrit trong cá trích kho cũng tăng đến 54%, hẹ xào trứng tăng 47%, riêng thịt kho tàu không có biến đổi lớn về hàm lượng nitrit.
Theo các chuyên gia y tế có rất nhiều trường hợp bị ung thư đều có nguyên nhân xuất phát từ thói quen ăn uống xấu, điển hình là thói quen ăn đồ ăn thừa qua đêm. Ngoài ra, nhiều người trẻ tuổi còn có những thói quen không tốt khác như ăn quá nhiều đồ chiên rán, đồ nướng tẩm ướp nhiều gia vị ở các hàng quán ven đường không đảm bảo vệ sinh. Những thói quen này khiến hàm lượng nitrit tích tụ trong cơ thể nhiều hơn và nguy cơ dẫn đến ung thư cũng tăng cao hơn.
                                                                       Theo baomoi

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

NGƯỜI UNG THƯ CÒN SỐNG 20 NGÀY TRỞ VỀ TỪ CÕI CHẾT NHỜ BÀI THUỐC ĐƠN GIẢN

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm có thể cướp đi mạng sống của bất kỳ ai từ già trẻ, lớn bé cho đến người đang vô cùng khỏe mạnh.

Môi trường sống ô nhiễm, thói quen xấu trong sinh hoạt, chế độ ăn không hợp lý và yếu tố di truyền là nguyên nhân khiến ung thư ngày càng gia tăng.
Theo y học, hiện nay có hai phương pháp điều trị ung thư là hóa liệu và xạ trị, gây nhiều đau đớn và tốn kém cho người bệnh nhưng kết quả không mấy khả quan vì không chỉ tiêu diệt tế bào xấu phương pháp này khiến các tế bào khỏe mạnh cũng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, sau khi đọc được bài viết này, tất cả mọi người sẽ có thêm một thông tin vui khi biết rằng, một người phụ nữ ở liên bang Bosinia và Herzegovia bị ung thư tuyến nội tiết và chỉ còn sống được 20 ngày đã quyết định chia sẻ công thức giúp cô chiến đấu thành công với căn bệnh quái ác này.
congthucgiupnguoiungthuconsong20ngaytrovetucoichet3
Gừng và mật ong giúp người phụ nữ này chiến đấu thành công với ung thư nội tiết.
Công thức thần kỳ khiến các tế bào ung thư bị tiêu diệt, bảo vệ các tế bào khỏe mạnh của người phụ nữ trên chỉ bao gồm 2 loại nguyên liệu là mật ong và gừng. Phương pháp này giúp cô hồi phục trong thời gian rất ngắn và không hề có bất kỳ đau đớn nào.
Bạn sẽ khá bất ngờ khi biết rằng người phụ nữ ngày chỉ  uống công thức dưới đây để “đi từ cõi chết trở về”mà không cần hóa trị hoặc phẫu thuật đau đớn gì cả.
Nguyên liệu
– 2 nhánh gừng lớn, mỗi nhánh 5-7cm.
– 400ml mật ong nguyên chất.
Thực hiện
Bước 1: Gừng tươi rửa sạch, cạo vỏ và giã nát thành từng mảng nhỏ hoặc dùng máy xay nhuyễn.
Bước 2: Sau đó, trộn chung với mật ong đã chuẩn bị sẵn rồi cho vào một lọ thủy tinh, đậy nắp kín.
congthucgiupnguoiungthuconsong20ngaytrovetucoichet(1)
Gừng xay sau khi trộn với mật ong.
Cách uống
Mỗi ngày bạn nên uống 3-4 lần, mỗi lần 1 muỗng canh (muỗng ăn cơm).
Tuy nhiên, có một điểm bạn cần phải lưu ý đó chính là không được sử dụng muỗng kim loại, thay vào đó là muỗng gỗ, gốm sứ hoặc nhựa đều được. Đây là lời khuyên của người phụ nữ đã áp dụng thành công cách này.
congthucgiupnguoiungthuconsong20ngaytrovetucoichet4
Mỗi ngày sử dụng 3-4 muỗng canh.
Chỉ sau một vài ngày bạn sẽ nhận thấy sự tác động đầu tiên đến cơ thể và thật sự khỏi bệnh nhờ công thức trên.
Phương pháp này hoàn toàn tự nhiên, an toàn, không ảnh hưởng tới sức khỏe vậy tại sao bạn không thử ngay hôm nay.
Theo Healthy Food Team

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

CHÚC MỪNG BÀ NỘI NHÂN NGÀY 20 THÁNG 11 NẶM 2015

                                                         


           Nếu thời gian ngăn cách giữa cháu với bà, thì cháu sẽ vượt thời gian để được ở bên Bà DÀI VÀ LÂU HƠN
                                                                 Cháu Lê Vũ Nguyên Bảo
                                                          Viết vào ngày 19 tháng11 năm 2015
                                                            Vào lúc 22 giờ 55 (Lúc ba đã ngủ)

"Thời gian" là kẻ thù của sự "yêu thương"! Mới đây thôi, cháu vẫn còn nhớ những lúc ngồi học VĂN cùng Bà, những khoảnh khắc ấy dường như đã in sâu vào trong tâm trí cháu. Nhưng chuyện cũng đã 15 năm rồi Bà nhỉ! Giờ đây cháu đã lớn hơn rất nhiều rồi không còn phải học văn vừa mít ướt nữa đâu, không còn rầy la như trước đâu Bà ơi! Chắc có lẽ cháu dường như đã thầm hiểu rằng càng lớn thì phải càng ngoan càng vâng lời Bà hơn! điều đặc biệt giờ đây đó chính là phải quan tâm đến Bà nhiều hơn. Cầ phải nhắc nhở Bà uống thuốc hằng ngày, khuyên bà không nên ăn những đồ ăn để qua đêm vì nó gây hại đến sức khỏe Bà rất nhiều. Còn nhiều nữa nhưng viết cũng có giới hạn thôi Bà nghe. 15 năm qua cháu đã nói những lời ngon ngọt hết rồi cho nên năm nay sẽ hơi khác một tí là cháu sẽ không nói những lời đó nữa đâu vì cháu muốn thực hiện bằng hành động của mình...

PHẦN THƯỞNG

                                                             

                                                                                        PHẦN THƯỞNG
 
                                                                Tặng cháu Lê Vũ Minh Triết   

                                          Kỷ năng rèn luyện toán Ku  mon 
                                          Nhật Việt trường chuyên chọn một môn 
                                          Học tập  từng ngày càng nhã nhặn 
                                          Thi đua năm tháng thấy lanh khôn
                                          Bục cao Thầy xướng anh lòng nể
                                          Trò thấp Cô khen bạn dạ cồn
                                          Viết vội dòng thơ mừng kết quả
                                          Bình minh tỏa rạng thoát hoàng hôn

                                                              Minh Đạo – 20/11/2015


Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

' 'AI TỪNG DẠY TÔI THÌ GIƠ TAY!'

                                                 

Thú thật, khi được nghe câu chuyện này tôi không tin. Nhưng, người kể lại là một người có thật, một thầy giáo ở một trường đại học (ĐH) có thật, kể về một cuộc gặp gỡ có thật, và người nói câu mệnh lệnh trên cũng có thật một trăm phần trăm!
Bây giờ tôi viết lại câu chuyện này, ai “tin thì tin, không tin thì thôi” (câu trong ngoặc kép là thơ của Nguyễn Trọng Tạo).
Chuyện là có một người đã học và đã tốt nghiệp ở một trường ĐH vào loại có tiếng ở nước ta. Sau khi ra trường mấy năm, không hiểu trời xui đất khiến hay tổ tiên phù hộ độ trì gì đó mà anh ta được “bắn” sang một nước ngoài nào đấy sinh sống và làm ăn. Rồi nghe nói anh ta dần dần “nổi tiếng” trở thành một đấng trượng phu…
Rồi anh ta muốn về nước chơi, thăm thú quê hương, mong góp sức mình cho đất nước trong thời kì đổi mới. Anh trở về ngôi trường xưa, muốn có một cuộc giao lưu với thầy cô giáo và bạn bè cũ.
Cuộc họp cũng không ít người, các bạn trẻ đến vì tò mò, các thầy giáo già đến vì muốn xem mặt học trò cũ mà trước đây mình không chú ý nên không nhớ ra.
Sau vài câu xã giao thường lệ, con người thành đạt ấy dừng một lúc để mọi người tập trung chú ý và nói: “Ai đã từng dạy tôi thì giơ tay!”.
Phòng họp đột nhiên im lặng như tờ, và không một cánh tay nào giơ lên… Rồi có tiếng động di chuyển bàn ghế và… các thầy giáo lần lượt im lặng ra về.
Chuyện kể đã xong, bây giờ xin cho phép tôi nhớ lại chuyện cũ hồi đi học. Có một bài học trong sách giáo khoa tiểu học mà tôi không thể nào quên. Bài học nhan đề: “Thưa thầy, con là Các-nô đây”. Bài học chỉ hơn nửa trang giấy cùng với một bức ảnh (hay bức vẽ, tôi không phân biệt được vì còn nhỏ).
Trong bức ảnh có một thầy giáo già đang ngồi sau chiếc bàn, trước mặt là học trò, cửa ra vào mở rộng và trong khung cửa là hình một người đàn ông chững chạc có râu mép quăn, đi ủng cao đến đầu gối. Tay phải ông ta ấp lên ngực trái chỗ con tim, đầu cúi thấp và miệng ông dường như đang nói : “Thưa thầy, con là Các-nô đây”.
Cho đến nay tôi cũng không biết Các-nô là ai, chỉ biết rằng ông ta là một quan to, trở về quê hương, muốn đến thăm thầy giáo cũ và lớp học cũ của mình, và bài học trong sách giáo khoa nói về cái phút giây gặp gỡ ấy.
Tôi còn nhớ người thầy tên là thầy Thái đã dạy tôi bài học ấy ở ngôi trường làng. Thầy thường đánh vào mông tôi mỗi khi tôi viết sai chính tả hoặc làm ồn trong lớp. Thầy thường quát: “Lại thằng Cương phải không? Làm ồn vừa chứ, muốn đét vào đít hả ?”.
Học xong bài học ấy tôi cứ mong ước một ngày nào đó, khi đã trưởng thành, tôi sẽ quay về đúng lớp học này, mở cửa bước vào, không chỉ cúi đầu như Các-nô, mà tôi sẽ quỳ xuống trước mặt thầy và nói : “Thưa thầy, con là …thằng Cương đây”.
Nhưng tôi đã không làm được điều đó. Hỡi ôi! Thầy tôi đã mất trước khi tôi kịp nên người…
Văn Như Cương
Theo Bee.net.vn

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

TRI ÂN NGÀY NHÀ GIÁO VỚI NHỮNG TRUYỆN NGẮN HAY VỀ THẦY CÔ

                                                                                     

"Người mẹ thứ hai"

Tuổi thơ của tôi không được đủ đầy như bao đứa trẻ khác. Vừa sinh ra đã không được thấy mặt ông bà nội, ngoại. Lên sáu tuổi, mẹ tôi qua đời vì bạo bệnh. Nhà đông anh em, cha lại phải đi làm xa, năm anh chị em sống bao bọc lấy nhau, cùng bảo ban nhau trong cuộc sống. Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng chị em tôi luôn là tấm gương điển hình dẫn đầu trong lớp và trong trường về thành tích học tập. Đó là nhờ công dạy bảo của cha, nhưng cũng là nhờ các thầy, cô giáo luôn tận tâm chỉ bảo. Với tôi, suốt cuộc đời này, dẫu có đi đâu về đâu, tôi cũng không bao giờ quên được cô Lịch – cô giáo chủ nhiệm lớp 3 của tôi hồi ấy – người mẹ hiền thứ hai đã chắp cánh ước mơ cho tôi ngay từ những ngày thơ ấu.

Từ quê nghèo chuyển lên thị trấn sinh sống, lại mồ côi mẹ, tôi thuộc vào hàng học sinh nghèo nhất lớp. Trong khi các bạn trong lớp quần nọ áo kia, cặp sách, giày dép đủ các loại đắt tiền thì tôi quanh năm chỉ có mỗi bộ đồng phục quần xanh áo trắng và thêm chiếc áo ấm đã cũ màu vào mùa đông. Nhưng bù lại, tôi là học sinh dẫn đầu trong lớp về tất cả các môn học. Vốn dạn dĩ, tôi không tự kiêu vì thành tích học tập của mình, nhưng luôn thấy mặc cảm và tự ti về hoàn cảnh gia đình. Tôi không chơi thân với ai, chỉ sống khép mình ở cuối góc lớp.
Cô là giáo viên chủ nhiệm mới của lớp tôi, thay cho cô chủ nhiệm cũ vừa chuyển trường. Cô có gương mặt thật hiền, dáng người thon thả và giọng nói miền Bắc dễ thương đến lạ.
- Chào các em, cô tên Lịch, là chủ nhiệm mới của các em từ bây giờ. Cô sẽ rất vui nếu các em xem cô là bạn, chia sẻ với cô mọi khó khăn trong học tập cũng như cuộc sống.
Rồi cô đi từng bàn, hỏi thăm từng học sinh một. Tôi dõi mắt theo cô từ lúc cô mới bước vào lớp, bỗng thấy hồi hộp khi cô bước lại gần và hỏi thăm về gia đình tôi. Tôi trả lời cô, giọng lí nhí trong cổ họng với mặc cảm phận nghèo. Bỗng nhiên, cô xoa đầu tôi, mỉm cười:
- Cô có xem qua học bạ của em. Em giỏi lắm, cố gắng phát huy nữa nhé. Có gì khó khăn cứ bảo với cô, đừng ngại. Cô nói và nhìn thẳng vào mắt tôi, mỉm cười. Nụ cười toát lên nét nhân hậu, thân thương và gần gũi. Ngay từ lúc đó, tôi thấy mình sẽ gắn bó với cô.
Từ lúc cô Lịch về chủ nhiệm, lớp tôi “thay da đổi thịt” hẳn lên. Từ một lớp học lực chỉ đạt loại trung bình khá, dần vươn lên đứng đầu trong bảng xếp loại của trường. Những giờ học của cô khiến cả lớp cảm thấy rất hứng thú, chỉ mong thời gian trôi chậm lại. Cô không dạy cứng nhắc theo giáo trình, không phụ thuộc vào sách giáo khoa, vậy mà sự linh hoạt trong cách truyền đạt của cô khiến cả lớp háo hức như nuốt lấy từng lời giảng. Cô biết tường tận hoàn cảnh gia đình của từng đứa trong lớp. Đứa nào học kém, cô chủ động ghép nhóm học kèm để các bạn học khá kèm cặp cho các bạn học yếu… Phong trào học tập trong lớp sôi động hẳn lên. Ngay cả những học sinh cá biệt trong lớp cũng trở nên yêu thích và chăm chỉ học tập. Chỉ cần một hôm vắng bóng cô, chúng đã nhao nhao lên hỏi thăm và thế nào cuối giờ học cũng dẫn đầu các bạn trong lớp đến nhà thăm cô giáo ốm. Lớp tôi đã trở thành một tập thể rất đoàn kết và cô Lịch chính là “cô tiên” làm nên điều kỳ diệu đó.
 Kỳ thi vở sạch chữ đẹp của huyện năm đó, cô chọn tôi làm đại diện cho lớp và cũng là cho khối lớp 3 tham dự cuộc thi. Vốn không có tiền mua những cuốn vở đẹp nhưng nhờ chữ đẹp và trình bày sạch sẽ nên vở viết của tôi nhìn rất đẹp mắt. Chỉ có điều, tôi hơi ái ngại vì giấy báo bọc vở thì đã cũ, nên nhìn bên ngoài những cuốn vở có vẻ xấu xí. Cuối giờ học, cô gặp riêng tôi, nhỏ nhẹ bảo: “Chiều Hằng mang vở đến nhà cô nhé. Hai cô trò mình sẽ cùng “tu bổ” lại nó một tý”.
Tới nhà cô, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy nhà cô ở cũng giản dị và chẳng lớn hơn nhà tôi là mấy. Chỉ khác là… nhà cô rất ít người. Hoá ra, vợ chồng cô không có con. “Cô chú hiếm muộn đường con cái nên quyết định sẽ ở vậy với nhau suốt đời” – cô cười buồn, nói như đọc được suy nghĩ của tôi.
Cô ân cần bọc lại sách vở, thay nhãn vở mới cho tôi, chỉ cho tôi các trường hợp ra đề mà ban giám khảo có thể đề cập tới. Cô khuyên tôi nên nỗ lực học tập để sau này thi vào đại học. Cô bảo đó là con đường duy nhất sẽ giúp tôi thoát khỏi phận nghèo. Rồi cô hỏi tôi về hoàn cảnh gia đình… Biết tôi mồ côi mẹ từ bé, cô ngồi lặng đi một lúc, rồi… bất ngờ cô ôm tôi vào lòng: “Hãy xem cô như người mẹ của em, nếu em muốn”. Trong vòng tay của cô, tôi thấy mình trở nên bé bỏng, cảm giác gần gũi, thân thiết như chính mẹ ruột của mình. Có cái gì đó trỗi dậy trong lòng tôi… như tình mẫu tử thiêng liêng mà bấy lâu tôi thiếu vắng…
Kỳ thi ấy, tôi không giành giải nhất. Cầm bằng khen giải nhì trên tay, tự dưng tôi ứa nước mắt. Tôi đã không làm tròn lời hứa với lòng mình, mang giải nhất về tặng cô… Suốt cả buổi học, tôi cúi gằm mặt… không dám ngước lên nhìn cô. Bỗng giật mình khi một bàn tay đặt nhẹ lên vai và giọng cô nhỏ nhẹ: “Thôi nào cô bé. Cô biết em đã cố gắng hết sức rồi mà.”. Tôi ngẩng đầu nhìn cô, mắt nhòe lệ nhưng chan chứa yêu thương…
Cô Lịch chủ nhiện lớp tôi cho tới lúc bọn tôi thi hết cấp. Năm đó, lớp tôi là lớp duy nhất có học sinh thi vượt cấp đạt 100%. Buổi liên hoan chia tay thấm đẫm nước mắt. Cô và trò ôm nhau cùng khóc. Đứa nào cũng ước giá như thời gian dừng lại… lưu luyến, bịn rịn không muốn rời xa.
Bây giờ, tôi đã lớn khôn, đã ra trường và có công việc ổn định nơi thành phố. Mỗi năm về quê ăn tết, tôi lại ghé vào thăm cô, mua tặng cô loài hoa hồng tiểu muội mà cô rất yêu thích. Cô giờ đã có tuổi, mái tóc đã “pha sương”, trên mặt đã điểm một vài nếp nhăn. Vợ chồng cô vẫn sống giản dị trong ngôi nhà nhỏ xinh thuở nào. Mười bốn năm đã trôi qua, vậy mà cô tôi vẫn giống như ngày xưa, dịu dàng và nhân hậu với đôi mắt rạng ngời… Dẫu đi hết cuộc đời này, tôi cũng không thể nào quên được đôi mắt ấy…

 Cảm động Về Nghề Giáo

Tôi là một học sinh… không dạy nổi. Tất cả các thầy cô giáo đã dạy tôi đều nhận xét như vậy với ba mẹ tôi. Chưa có lớp học nào chịu thu nhận tôi quá một tháng. Mẹ tôi khóc. Bố thở dài: thằng này vậy là coi như xong...

Chuyển qua trường mới. Nhìn sơ qua học bạ, thầy hiệu trưởng đã muốn đuổi tôi đi nhưng nể tiếng ngoại tôi là giám đốc ty giáo dục cũ, thầy đành nhận. “Tôi sẽ xếp em vào lớp thầy Tiến”.

Thầy dạy lớp tập hợp toàn học sinh cá biệt của trường. Ngày đầu tiên vào lớp, bố đích thân dẫn tôi đến “trao tận tay thầy”. Tôi lén quan sát “đối thủ” của mình. Thầy gầy gò, mang cặp kính gọng đen nặng trịch, mắt nhướng lên nhìn sát mặt tôi “A, con trai, để xem thầy làm được gì cho con không, khá đây”. Thầy xếp tôi ngồi với một con nhóc tóc tém mặt mũi lanh lẹ. Nó khẽ hích vào vai tôi giành chỗ ngồi rộng hơn. Tôi đành chịu vậy, chưa bao giờ tôi đánh con gái cả. Thầy thắng tôi 1-0 rồi.

“Thầy biết tại sao em dây mực vào áo bạn”, thầy nói với tôi khi Tú còm mếu máo mách chuyện. Sao ông ấy lại biết nhỉ? Mình đã khai gì đâu. Trước đây, mỗi lần tôi dây mực vào hầu hết các trò trong lớp các cô đều hỏi tại sao, các thầy thì ngay lập tức thi hành hình phạt. Bao giờ tôi cũng bịa ra một chuyện mà mình là nạn nhân. Tôi mặc sức bịa dù chẳng ai tin. Tôi cũng chẳng quan tâm hình phạt là gì và có ai tin hay không. Vậy mà hôm nay thầy bảo là thầy biết. Ngạc nhiên hơn là thầy chẳng phạt tôi gì cả. Thầy chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi: “Lần sau em nhớ cẩn thận hơn”. Mấy hôm sau nữa tôi lại vẩy mực lên áo 3 nạn nhân nữa. Thầy vẫn bảo biết rồi và không phạt. Tôi đâm chán trò vẩy mực cũ rích chẳng ấn tượng này. 
Thời ấy chúng tôi đứa nào cũng mang kè kè tấm bảng và mấy mẩu phấn. Ra chơi, tôi gom hết phấn ném vào lũ con gái nhảy dây trước sân. Hết buổi học tôi xô lũ bạn ngã dúi dụi, chạy ngay ra cổng trước. Đứa nào xấu số đi qua chỗ tôi đều bị tịch thu hết phấn thừa. Hôm sau thầy gọi tôi lên phòng họp. Thầy mở tủ ra, ấn vào tay tôi hộp phấn to đùng mà không nói gì. Tôi xấu hổ quay mặt đi tránh ánh nhìn của thầy. Tôi nhớ mình đã lì mặt ra như thế nào khi cô giáo cũ mắng tôi, hôm sau tôi càng lấy phấn nhiều hơn nữa. Vậy mà khi cầm hộp phấn thầy cho trong tay, tôi thấy xấu hổ quá chừng. Ôm hộp phấn lên trả cho thầy, tôi lí nhí: “Lần sau em không làm thế nữa”. Thầy mỉm cười bảo: “Em ngoan lắm!”. 
Lần đầu tiên tôi được người lớn khen ngoan. Tôi nằm nghĩ cả đêm. Từ nay mình sẽ ngoan mãi, để không ai mắng mình nữa.
Nhưng ngoan chưa chắc đã giỏi. Quả thật tôi đúng với trường hợp ấy. Tôi có thể bắn bi, chơi bắn bàng cả ngày không chán. Nhưng hễ cứ ngồi vào bàn học là tôi chán ngay. Ba mẹ có đánh, có mắng thế nào cũng chịu. Môn toán còn đỡ, có tí gì dính đến văn chương là tôi mù tịt.
Vào học được một tháng, tôi thấy thầy đạp xe qua nhà. Chiếc xe của thầy chẳng biết trước đây sơn màu gì, giờ chỉ còn trơ ra màu gỉ sét xấu xí. Thầy vào nhà, ba mẹ tôi đều đi vắng cả. Ngó qua căn nhà tồi tàn của tôi, thầy hẹn ngày mai quay lại. Tôi lo hết cả một ngày. Chẳng biết mình làm gì sai. Hôm sau thầy đến. Thầy đứng luôn ngoài sân “bàn chuyện” với ba tôi.
Thầy bảo cần một người đọc và ghi chép lại tài liệu giúp thầy. Nhất thiết phải là chữ trẻ con. Thầy đang nghiên cứu gì đó. Ba mẹ tôi mừng rỡ vì không phải khản cổ quản tôi nửa ngày không đến trường. Tôi vùng vằng mãi mới chịu đến nhà thầy. Thầy ở một mình. Ngoài giá sách ra cũng chẳng có gì đáng giá. Mỗi ngày một buổi, tôi gò lưng ghi chép lại những gì đọc được.
hầy bắt tôi viết những dòng cảm nhận ngắn sau mỗi tác phẩm. Sau đó tôi đọc to lên và thầy chỉnh sửa những điều tôi nghĩ lệch lạc, thêm vào một số ý. Thỉnh thoảng thầy bảo tôi dừng ghi, chuyển qua tính toán giúp thầy vài việc. Tôi về nhà cố luyện cách tính toán sao cho nhanh nhất để không bị mất mặt trước thầy. Dần dần, kiến thức “tự nhiên” đến với tôi lúc nào không biết. Lần đầu tiên cầm tờ giấy khen của tôi trên tay, mẹ tôi đã khóc, khóc to hơn lúc tôi bị đuổi học. Ba tôi thì chẳng nói gì, chỉ gật gù cười.
Năm học qua đi nhanh chóng. Tôi nghỉ hè vẫn không quên đọc và ghi chép lại một chồng sách cao ngất ngưởng thầy giao trước khi nghỉ học. Ngày khai trường, tôi tìm mãi vẫn không thấy thầy đâu. Linh tính điều không hay, tôi bỏ cả buổi lễ chạy đến nhà thầy. Căn nhà trống hoác. Bác hàng xóm nghe chó sủa ran chạy sang xem xét. “Cậu là Phong hử?”. “Dạ”. “Thầy Tiến gửi cái này cho cậu. Thầy ấy bảo chuyển vào Nam ở với con trai”. Tôi vội vàng mở ra, bức thư rất ngắn. “Thầy mong em cố gắng học thật tốt. Em luôn là học trò ngoan của thầy”.
Mười năm qua đi, tôi mới hiểu hết những gì thầy muốn nhắn. Có những điều không hay nhưng không thể thay đổi bằng sự giận dữ. Tình yêu thương và sự sáng tạo mới là thứ giúp bạn thay đổi mình, thay đổi mọi người.
Cảm ơn thầy với phương pháp dạy đặc biệt đã giúp em trưởng thành. Cám ơn Thầy của em! 

  "Người thầy năm xưa"

Tôi sinh ra ở làng quê nhỏ. Ngôi trường tiểu học của tôi cũng là trường làng bé lắm. Ngồi trường ấy ngày ngày chào đón các em học sinh nghèo tay lấm chân trần. Vâng, trường tôi nghèo lắm. Nhưng ở nơi đó tôi đã tìm thấy nhiều niềm vui và những kỉ niệm về người thầy thân thương với lòng biết ơn sâu sắc.
Đã hơn 10 năm nhưng hình ảnh và lời nói của thầy vẫn luôn hằn sâu trong ký ức tôi. Đó là năm học lớp 5, tôi được chuyển sang học lớp mới. Ngày đầu đi học tôi đứng rụt rè ở cửa lớp vì e sợ thầy, bạn không quen. Thầy nhìn thấy tôi và hỏi han ân cần. Nhìn ánh mắt trìu mến và cầm bàn tay ấm áp của thầy, tôi bước vào lớp trong sự yên tâm lạ thường. Từ lần đầu được gặp thầy rồi được thầy dạy dỗ, tôi càng hiểu và thấy yêu quý thầy nhiều hơn. Với thầy, tôi có thể diễn tả bằng hai từ “yêu thương” và “tận tụy”. Thầy tận tụy trong từng bài giảng, từng giờ đến lớp. Cả những ngày nóng bức hay những ngày mưa, thầy đều đến lớp để mang cho chúng tôi nhiều điều mới lạ. Tôi nhớ đến mùa nước nổi, khắp đường xá, trường học đều đầy nước. Thế mà thầy trò chúng tôi vẫn đến lớp đều đặn, học bì bõm trong nước thế mà vui đến lạ. Những bài giảng của thầy dường như “đánh thắng” cả mùa nước lũ. Khi không đến lớp, thầy lặn lội đến nhà các học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và tạo điều kiện tốt hơn để chúng tôi yên tâm ngày hai buổi đến trường. Thầy tôi là như thế, thầy tận tụy với nghề, yêu thương tất cả học sinh. Tôi đã từng được đến chơi nhà thầy – một ngôi nhà mái lá đơn sơ nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Căn nhà bé nhỏ ấy chứa đựng tấm lòng yêu thương bao la của thầy tôi. Hơn cả 1 người thầy dạy chữ, thầy còn dạy chúng tôi biết bao điều trong cuộc sống. Thầy luôn nhắc nhở chúng tôi cố gắng học tập, không khuất phục cái nghèo. Thầy vẫn tin rằng các học trò của thầy sẽ xây dựng một tương lai tươi sáng hơn. Niềm tin của thầy truyền sang niềm tin của chúng tôi – những đứa học trò nghèo chan chứa bao nhiêu là ước mơ và hoài bão. Những lời dạy dỗ của thầy đã theo tôi trong suốt những tháng năm dài.
Riêng với tôi, tôi vẫn nhớ mãi những lần được thầy đưa đến trường. Con đường đá đến trường đã thấm biết bao giọt mồ hôi của thầy tôi. Tôi không sao quên được hình ảnh thầy với chiếc xe đạp cũ kĩ cứ kêu “kót két” theo từng vòng quay. Thế mà chỉ cần ngồi sau lưng thầy, con đường dài dường như ngắn lại; cái nóng của buổi trưa nắng gắt dường như cũng mát dịu hẳn đi. Nhìn lưng thầy ướt đẫm mồi hôi mà miệng vẫn vui cười. Ôi! Sao mà nhớ thầy đến thế! Trên con đường dài với lắm gập ghềnh, thầy và tôi cùng nhau trò chuyện nhiều điều thú vị. Bất chợt tôi cảm thấy thầy thật gần gũi và thân thiết như một người bạn lớn. Có lần thầy hỏi tôi rằng: “Nếu chỉ được đi qua một lần trên con đường đầy hoa dại, con sẽ chọn một bông hoa nào con cho là đẹp nhất?!”. Lúc bé thơ ấy tôi nào hiểu những gì thầy muốn nói, chỉ khẻ cười rồi im lặng. Rồi thầy bảo rằng “trên đường con đi sau này sẽ có nhiều “bông hoa” như thế. Con đừng đợi phải đi hết quãng đường, hãy nắm lấy cơ hội để con có thể tiến xa hơn”. Và khi đó tôi mới hiểu điều thầy muốn nói, lời nói của thầy đã cổ vũ tôi đủ can đảm bước xa làng quê bé nhỏ để lên thành phố học tốt hơn. Đúng là thầy tôi, lời khuyên nhủ thật nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và làm người ta yên lòng lắm. Đến hôm nay, tôi bỗng nhớ lại những câu chuyện của người thầy năm xưa. Thầm cảm ơn thầy về những gì tốt đẹp thầy đã dành cho tôi. Đó là những lời dạy dỗ quý báu cổ vũ tôi trong những tháng năm dài. Gần 10 năm nay ít có dịp về thăm thầy cũ. Ngôi trường làng ngày xưa đã tàn phai ít nhiều. Mỗi lần về thăm lại thấy mái tóc thầy tôi bạc trắng nhiều hơn. Nhưng dù thời gian có trôi qua bao nhiêu, tấm lòng thầy vẫn như thế, vẫn tận tụy và đầy yêu thương.
Đối với tôi, “người thầy năm xưa” là biểu tượng của một nhà giáo Việt Nam ưu tú. Ở thầy tôi là sự hy sinh cao cả xuất phát từ lòng yêu nghề, yêu trẻ. Đến hôm nay, trong lòng tôi vẫn mãi mãi kính trọng và biết ơn “người thầy giáo năm xưa”. 

Bài học làm người từ cô giáo dạy Sử

Sau ba năm tôi mới có dịp trở lại trường cũ. Mọi thứ không thay đổi nhiều, sân trường vẫn rợp bóng cây, và những chiếc ghế đá vẫn ở đó, trầm mặc và nhẫn nhịn. Tiếng cô giảng đều đều trên lớp và ánh mắt ngây thơ của đám trẻ học trò khiến tôi nhớ lại những kỷ niệm thời cắp sách. Tiếng trống trường đã điểm, giờ ra chơi đến.
Tôi lại bóng dáng của cô từ trong lớp, vẫn dáng hình ngày xưa khi gieo mầm con chữ cho chúng tôi. Cô vẫn tận tụy đến lớp, vẫn chèo lái những con thuyền mơ ước của những cậu học trò nhỏ chúng tôi đến bến bờ hạnh phúc. Giọng cô nhẹ nhàng phân tích cho học sinh chúng tôi những sự kiện lịch sử đáng nhớ, những chiến thắng vang dội của quân ta khắp các chiến trường. Chốc chốc cô ngừng giảng và nhìn đám học trò đang tròn mắt suy ngẫm. Chính cô cũng không thể nhận ra được những thế hệ học trò đó còn nhớ mãi công ơn của cô tự ngày nào.
Cô về trường tôi từ khi trường chỉ có mái lá đơn sơ. Ngày mưa cũng như ngày nắng cô vẫn đạp chiếc xe Thống Nhất đã bạc màu đến lớp. Có lần những hôm trời mưa bão rất to mà cô vẫn cố đạp hơn chục cây số đến lớp vì sợ học sinh phải chờ. Có khi nước ngập quá bánh xe mà cô vẫn bước tiếp, đến lớp thì cả thầy cả trò đều ướt hết.
Phòng học dột nát không thể theo học. Những khi mưa gió như vậy cô lại nhớ về vùng quê Bình Lục, nơi người ta vẫn “cưỡi trâu đi họp huyện” cô lại thấy xót thương. Cô thường kể cho chúng tôi nghe rất nhiều về miền quê và gia đình cô. Miền quê chiêm trũng, ngập quanh năm những có nghị lực phi thường.

Giờ đây khi mọi thứ đã được thay mới, cô vẫn ngày ngày đến lớp. Là một giáo viên dạy sử nên tính cô rất nghiêm khắc. Cô luôn dạy chúng tôi phải biết tự phấn đấu vươn lên. Cô thường bảo, lịch sử là cái gốc rễ của một quốc gia dân tộc, khi các em hiểu sử cũng hiểu truyền thống quý báu của ông cha ta, biết mà học hỏi, biết mà phát huy những truyền thống quý báu đó. Theo lời dạy đó, mỗi thế hệ học sinh chúng tôi đều cố gắng trở thành một học sinh ngoan trong mắt cô.
Đã 27 năm trôi qua với bao thế hệ học trò đến và đi khỏi ngôi trường này, nhưng hình bóng cô mỗi ngày lên lớp thì vẫn vậy. Những học trò đầu tiên của cô nay đã đầu hai thứ tóc cũng không sao quên được những lời dạy, những kiến thức mà cô đã truyền đạt. Cô luôn dạy cách làm sao để hiểu và nhớ về một sự kiện lịch sử lâu nhất. “Chỉ khi các em hiểu rõ nguyên nhân tại sao và giải thích được những sự kiện, những mối ràng buộc đó thì em mới có thể làm tốt một bài lịch sử”.
 Tôi còn nhớ kỷ niệm về cô khi còn đang học phổ thông. Là một học sinh chuyên văn nên tôi rất thích những môn xã hội, đặc biệt là tìm hiểu những kiến thức lịch sử. Khi còn học ở trung học cơ sở tôi đã được nghe những thông tin về cô với phương pháp dạy hay, là một giáo viên giỏi ở trường. Và khi theo học cô tôi thực sự bị thuyết phục bởi cách giảng dạy ân cần và chu đáo.
Trong những giờ giảng, cô nhấn mạnh đến những sự kiện then chốt nhất, có tính quyết định đến giai đoạn lịch sử đang nghiên cứu. Cô thường dặn chúng tôi: “muốn học được lịch sử thì cần phải biết hệ thống kiến thức, tóm gọn vấn đề lại rồi triển khai thật nhỏ ra. Như vậy vừa nhớ lâu lại không bị mất ý”. Theo lời khuyên của cô, mỗi chúng tôi đều nhớ rất rõ những vấn đề lịch sử và không hề bỏ sót chút nào khi làm bài kiểm tra.
Không chỉ cho chúng tôi những bài học lịch sử mà cô còn dậy cách đối nhân xử thế ở đời. Cô cho mỗi chúng tôi biết thế nào là cuộc sống thực tại, nó không màu hồng cũng không trải thảm đỏ mà mỗi trái tim non nớt chúng tôi vẫn hoài tưởng. Cô vẫn ví, cuộc đời như một cuộc chiến đấu chính bản thân mình vậy. Nếu kiên cường thì họ sẽ không bao giờ gục ngã, nhưng chỉ cần sơ xảy họ có thể đánh đổi cả cuộc đời. Tôi mơ hồ hiểu những gì cô nói, nhưng đến giờ thì đó lại là bài học đáng giá theo mãi cuộc đời tôi.
Mỗi một năm trôi qua cô đón một thế hệ học trò tìm đến những điều mới mẻ trong trang sách lịch sử. Nhưng cũng là lúc cô tiễn thế hệ học trò của mình đi. 40 năm như vậy, sau 27 năm mà “tay lái” của cô vẫn vững mái chèo. Cô không còn đạp xe đến lớp như ngày xưa nữa, cô không còn giảng bài khi lớp ngập mưa, nhưng những tiếng giảng của cô vẫn trong trẻo và dịu hiền. Nó vẫn hàng ngày dẫn dắt những thế hệ học trò như chúng tôi tìm đến được những chân trời mới.
Cô trang bị cho mỗi chúng tôi đầy đủ hành trang tri thức và vốn sống của cô để chúng tôi không còn lạ lẫm và bỡ ngỡ khi bước chân vào đời. Những đồng nghiệp của cô vẫn nghĩ sao cô tận tâm với học trò đến vậy. Cô cười nhẹ và nói: “Nó đã theo cái nghiệp mất rồi, thiếu học sinh như thiếu chân tay vậy. Không sao chịu được”.
Có lẽ nhờ cô mà những bài giảng lịch sử vẫn thấm nhuần trong tôi. Mỗi khi tiếp cận một sự kiện tôi không quên tìm kỹ về nguyên nhân của nó. Hiểu nghề để làm nghề như cô vẫn dặn chúng tôi. Sẽ mãi nhớ những kỷ niệm về cô, kỷ niệm về thời học trò và những bài giảng quý báu mà cô đã trao tặng cho mỗi chúng em. Chúng em sẽ luôn trân trọng nó như món quà quý giá nhất của cuộc đời.

 "Thầy và kỉ niệm"

Cô nhỏ nhướn mày lên, nhìn xuống đồng hồ đeo tay, rồi dõi mắt ra ngoài cửa lớp. Nơi dãy hành lang dài đang im ắng, chờ đợi, lắng nghe tiếng giày gõ nhịp để thầm đoán: thầy hay cô ? Giờ Toán của lớp 9P1 hôm nay thay đổi giáo viên. Cô giáo cũ nghỉ hộ sản. Thầy giám thị thông báo sẽ có giáo viên mới đến thay. Mười lăm phút trôi qua nhanh chóng trong sự sốt ruột của học trò. Phía cuối lớp có ai nghịch ngợm ngân nga: “Mười lăm phút đồng hồ, buồn nhớ Toán thấy mồ, buồn như con cá rô… đang trôi… vào tô…”
- Nghiêm!
Giọng trưởng lớp vang to, khá oai (nhờ to con). Thầy giám thị xuất hiện. Một trăm con mắt học trò đen láy đổ dồn về phía cửa . Thấp thoáng phiá sau thầy là một bóng dáng lạ, chắc “ông” thầy Toán mới ?!!. Ô, nhưng sao mà… giống học trò quá đỗi!!! Thầy giám thị cười khá tươi:
- Xin giới thiệu với các em, đây là thầy T. sẽ phụ trách môn Toán lớp 9 thay cho cô N…
Một tràng pháo tay ngưỡng mộ (?) vang lên như mưa rào tháng sáu . Thầy T mĩm cười gật nhẹ đầu “chào các em thân mến!”. Ôi chao, hai má thầy sao mà đỏ như màu xác pháo, cặp kính cận suýt chút nữa rơi khỏi sóng mũi . Chắc vì cảm động trước “thịnh tình” của lũ học trò cỡ… hoa khôi đến hai phần ba lớp, dành cho!
Trước khi trở về văn phòng, thầy Giám thị còn “ân cần dặn dò”.
- Các em phải học cho ngoan. Nhớ là không được phá thầy!
Ôi! Lời “đe nẹt” ấy không phải là không có duyên cớ. Bởi vì, con gái 9P1 có truyền thống mấy mùa tuy thông minh, học giỏi, đẹp người, tốt hạnh kiểm nhưng… chuyên nghịch ngợm cũng đứng vào hàng… quái chiêu! Thầy cô thương cũng lắm, mà dở khóc, dở cười cũng nhiều . Không biết trước khi vào lớp, thầy T. đã “nghiên cứu lý lịch” học trò chưa mà… ngó bộ thầy “bình tĩnh rồi … run” thấy rõ.
Sau màn tự giới thiệu rất “dễ sương” – Sinh viên năm cuối Đại Học Khoa học tự nhiên (bằng cái giọng mà phong thái điệu đà như con gái). Thầy vui vẻ đòi … kiểm tra bài cũ. Năm mươi cái miệng than trời càng lúc vẫn không làm thay đổi được quyết định “sắt đá” của thầy . Thầy cầm quyển sổ điểm dò tên (sao thầy không chịu nhìn vào sơ đồ lớp nhỉ ?!) rất lâu, hai bàn tay run run (chắc do bị học trò “chiếu tướng” khá kỹ). Khi cây viết đỏ hạ xuống gần giữa sổ, một cái tên được xướng lên:
- Trần Thị L.N.
Cả lớp im phăng phắc theo từng bước đi “dịu dàng” của N., để rồi sau đó hai phút, bổng nổ ra 1 trận cười bom dội – N là một cô gái có dáng dấp “oai phong” của một vận động viên bóng rỗ. Cao 1m65, học trễ hai năm nên rất đáng mặt đàn chị so với cả lớp: Trong khi thầy T. ốm nhom, chiều cao chỉ khoảng 1m60 hay 1m62 gì đó (cộng luôn bề dày đế của đôi giày da mũi nhọn rộng quá khổ chân). Một sự tương phản khá hài hước. Thầy T điếng người, mặt đỏ như người say nắng biển, vội vã hỏi dăm ba câu lấy lệ rồi “mời” N về chổ. Quyển sổ điểm được gấp lại vội vàng và bài học mới bắt đầu cũng rất nhanh chóng…
Cái sự khởi đầu nan ấy rồi cũng qua rồi mọi chuyện cũng biến thành kỷ niệm. Mà kỷ niệm lại bắt đầu từ sự nhiệt tình khá ngây ngô của cả thầy lẫn trò, lúc hai bên biết “hợp đồng tác chiến”.
Còn nhớ 1 lần, thầy T có hứa sẽ dựng mô hình cho một bài toán hình học không gian khó nuốt, để học trò dễ hình dung hơn là nhìn vào hình vẽ. Vậy mà, hai lần, ba lượt thầy … cứ quên. Lúc thì… thầy bận… học (?!), lúc lại bận soạn bài cho môn dạy, lúc làm xong rồi nhưng… để quên ở… Sài Gòn ?!!! Lần cuối cùng, thầy nhớ đem theo, mà xe đò đông quá, thiên hạ chen nhau làm hỏng mất mô hình của thầy ?!! Học trò đâu chịu tin! Học trò đòi thầy dựng mô hình ngay tại lớp. Thầy bối rối “huy động” thước kẻ với số lượng tối đa, “chấm” các em bé bỏng ở hai dãy bàn đầu (trong đó có cô nhỏ dễ thương) lên giúp thầy … dựng mô hình (?). Trời đất! Năm bảy mái tóc thề, hơn một chục bàn tay nho nhỏ, cộng thêm thầy đứng vây quanh chiếc bàn giáo sư thì… còn ai nhìn thấy được gì! Vậy là… thầy cho học trò xếp hàng một, theo từng dãy bàn có trong lớp, từ từ tiến về phía “mô hình sinh động” tham gia theo kiểu “cưỡi trực thăng… xem hoa”. Vậy mà vui ghê gớm, vậy mà rất hoà bình. Cả thầy lẫn trò không ai thấy được nét ngây ngô, khờ khạo trong hành động của mình, mà còn xem như đó là 1 “kỳ tích” của thứ chỉ số IQ thuộc vào loại thông minh ?!!
Rồi cũng có lần, thầy nổi giận hét to như … “Trương Phi” chỉ vì chút nghịch ngợm đi quá đà của lũ học trò thơ dại . Khiến học trò rơm rớm nước mắt tủi hờn. Còn thầy bất chợt dịu xuống như … giọt nắng cuối thu để hỏi một câu thật dễ “Ký kết hiệp ước hoà bình”:
- Ôi, sao bỗng dưng các em ngoan quá vậy ?
* * *
Vâng, thầy T. là vậy đó – người không biết giận lâu, người rất dễ quên hờn, dễ nhập cuộc với áo trắng ngu ngơ . Thầy như một chiếc lá, tình vờ rơi xuống mặt nước hồ đang dao động của tuổi học trò, góp thêm một con sóng giao thoa nhỏ bé, rồi lại theo gió bay đi … Thầy dạy chưa hay . Học trò biết vậy, nhưng học trò không chê, mà mặc nhiên chấp nhận như một thứ kỷ niệm, xếp bên cạnh những tầng lớp kỷ niệm phải có trong tuổi ngây thơ . Bởi thầy T. rất hẳn nhiệt tình (dẫu thầy càng nhiệt tình giảng giải, học trò càng… nhiệt tình ngơ ngác!). Bởi đối với thầy T., tất cả những gương mặt trong sáng ngồi bên dãy bàn học bằng gỗ dưới kia, đều được thầy xếp đồng đẳng bằng một cái “mác” học trò đơn giản. Chúng như một quần thể tập hợp từ những cá thể lạ lẫm mà thầy đang có nhu cầu khám phá và ghi nhớ. Nhu cầu hòa nhập để vô tư yêu mến, bỏ qua những cái mà thiên hạ âu yếm gọi là danh vị, tiền tài của mẹ cha chúng bên ngoài xã hội …
Nếu có ai bảo học trò 9P1 ngày ấy – Hãy chọn ra một nhân vật kỳ lạ nhất trường. Cô nhỏ năm xưa tin cha*’c, cả lớp sẽ đồng lòng bỏ phiếu cho thầy – Thầy T.
* * *
Ai bảo học trò ngày xưa khác với ngày nay ? Đâu có, khá giống nhau đấy chứ (khi nhìn theo một khía cạnh muốn nhìn!). Họ cũng thích cóp nhặt kỷ niệm, hình thành từ những mãnh pha lê rơi rớt (dẫu không tròn trịa) trong suốt khoảng đời còn làm… “Cái thứ ba … danh tiếng”!

 "Người thầy và những tờ tiền cũ"

900.000đồng, nó cứ mân mê những đồng 10.000 đã cũ mà thèm một góc không có ai để khóc.
Cuối cùng nó cũng đậu đại học. Người đầu tiên nó muốn thông báo tin quan trọng ấy không phải là ba hay mẹ nó mà là người thầy kính yêu của nó…
Nhà nó nghèo, lại đông anh em, quê nó cũng nghèo nên từ lâu chẳng có mấy ai dám nghĩ đến chuyện cho con vào đại học. Ba mẹ nó cũng vậy, phần vì quá nghèo, phần là vì nghĩ đến điều kiện của con mình “làm sao mà chọi với người ta”!… Thầy là người duy nhất ủng hộ nó, cho nó niềm tin rằng “mình có thể”.

Vui mừng chẳng được bao lâu, bao nhiêu lo lắng tràn về vây lấy nó… Năm năm trời, hàng trăm thứ tiền như bầy ong vo ve trong đầu nó.
Rồi thầy đến mang cho nó một lô sách, vở mà nó đoán là những bài học “nhân-lễ-nghĩa” của thầy, dúi vào tay nó một gói nhỏ mà thầy bảo là “bí kíp” rồi dặn chỉ lúc nào khó khăn nhất mới được mở ra. Nó đã không “cảnh giác” thừa. Gói “bí kíp” mà lúc nhận từ tay thầy nó đã ngờ ngợ là một xấp những tờ tiền 10.000đ bọc trong hai lớp nilon cũ kỹ, những tờ tiền được vuốt phẳng phiu phần nhiều đã nhàu nát mà nó tin rằng thầy đã để dành từ lâu lắm! 900.000đồng, nó cứ mân mê những đồng 10.000 đã cũ mà thèm một góc không có ai để khóc.
Đã hai năm kể từ cái ngày thầy lặn lội lên Sài Gòn thăm nó, dúi vào tay nó những đồng 10.000 nhọc nhằn rồi lại vội vã trở về. Sau đó thầy chuyển công tác. Hai năm, thỉnh thoảng nó vẫn nhận được những đồng 10.000 của thầy (lạ thay, lại vào những lúc tưởng chừng như nó bế tắc nhất!)… Hai năm, nó vẫn chưa một lần về thăm thầy.
Trưa, mới đi học về, mẹ điện lên báo: “Thầy H. mất rồi!”. Nó chỉ lắp bắp hỏi được ba chữ: “Sao thầy mất?”, rồi sụp xuống khi mẹ cũng nghèn nghẹn ở đầu dây bên kia: “Thầy bệnh lâu rồi mà không ai biết. Ngày đưa thầy vào viện, bác sĩ chụp hình mới biết thầy đã hư hết lục phủ ngũ tạng rồi, chưa ai kịp đi thăm thì thầy đã…”.
Nó bỏ hết mọi sự leo lên xe đò. Trong cái nóng ban trưa hầm hập với cơn say xe mệt mỏi, nó thấy thầy hiền hậu đến bên nó, dúi vào đôi tay nóng hổi của nó những tờ 10.000 đồng lấp lánh… Đến bây giờ nó mới để ý thấy thầy đã xanh xao lắm, bàn tay tài hoa khéo léo ngày xưa đã gân guốc lên nhiều lắm… Nó chợt tỉnh, nước mắt lại lăn dài trên má, trái tim nó gào lên nức nở: “Thầy ơi… sao không đợi con về…!?”.
Vì nó cứ đinh ninh: nếu đổi những đồng 10.000 kia thành thuốc, thầy sẽ sống cho đến khi nó kịp trở về

                                                                                                    Trích từ: www.langque.vn