Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

VACCINE DẠNG VIÊN - VŨ KHÍ TIỀM NĂNG CHỐNG COVID-19

 

Một vỉ đựng vaccine Covid-19 dạng viên tiềm năng của hãng công nghệ sinh học Mỹ Vaxart. Ảnh: Vaxart.

Cầm trên tay một vỉ thuốc, Sean Tucker, giám đốc khoa học hãng công nghệ sinh học Mỹ Vaxart, nói: "Đây là dạng vaccine Covid-19 của chúng tôi".

Nhằm kiềm chế tình trạng nCoV lây lan chóng mặt với các biến chủng nguy hiểm, thế giới đang cố gắng đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng Covid-19. Tuy nhiên, trở ngại đã xuất hiện tại nhiều nơi, không chỉ bởi nguồn cung vaccine hạn chế, mà còn do không có dây chuyền bảo quản lạnh hay đủ nhân lực để tiêm cho người dân.

Trong nỗ lực khắc phục thách thức đối với việc bảo quản và vận chuyển vaccine, công ty Vaxart, trụ sở tại San Francisco, hy vọng giải quyết được vấn đề bằng vaccine Covid-19 dạng viên, có thể được sử dụng trên toàn thế giới mà không vấp phải những hạn chế của vaccine dạng tiêm.

"Bạn có thể gửi vaccine qua đường bưu điện hoặc thiết bị bay không người lái. Đó là điểm tuyệt vời của vaccine dạng viên. Lợi thế nằm ở chỗ không cần những điều kiện y tế đủ tiêu chuẩn để tiếp nhận, không cần dây chuyền bảo quản lạnh", tiến sĩ Tucker tuần trước cho biết. Vaccine Covid-19 dạng viên tiềm năng của Vaxart đang được thử nghiệm Giai đoạn Hai.

Những loại vaccine Covid-19 dạng tiêm hiện nay đòi hỏi một số hình thức bảo quản lạnh để duy trì hiệu quả, như vaccine của AstraZeneca phải được giữ trong điều kiện 2-8 độ C, hay vaccine của Pfizer cần bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C.

Yêu cầu này đặt ra thách thức đối với các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy 59% cơ sở y tế ở những nước này thiếu nguồn điện ổn định để duy trì điều kiện bảo quản lạnh. Ngoài những khu vực tại châu Phi hay Ấn Độ, vấn đề bảo quản còn gây trở ngại đối với các vùng nông thôn của Mỹ hay những nơi hẻo lánh ở Australia.

Một loại vaccine do Viện Khoa học Ấn Độ (IISc) và startup công nghệ sinh học Mynvax phát triển đã tạo ra bước tiến đáng chú ý trong hướng đi này. Các nhà nghiên cứu, bao gồm cơ quan khoa học quốc gia Australia, ghi nhận vaccine này vẫn ổn định ở 37 độ C trong tối đa một tháng và 100 độ C trong tối đa 90 phút. Kết quả thử nghiệm trên chuột hồi tháng trước cho thấy vaccine có thể tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ với Covid-19, vô hiệu hóa được 4 biến chủng nCoV, bao gồm Delta.Những "vaccine ấm" đang được phát triển sẽ giúp việc bảo quản và phân phối dễ dàng hơn nhiều, tạo ra một cuộc cách mạng trong ứng phó đại dịch, đặc biệt tại những nơi khí hậu nóng và điều kiện hạn chế hơn, theo bình luận viên Debarshi Dasgupta của Straits Times.

Tiến sĩ Raghavan Varadarajan, giáo sư tại IISc và là người đồng sáng lập Mynvax, cho biết vaccine của họ rất có thể sẽ ở dạng bột đông khô, đi kèm một loại chất lỏng hỗ trợ đựng trong lọ riêng. Chất lỏng này là một thành phần được sử dụng trong vaccine để tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn.

Cả bột và chất lỏng đi kèm đều có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng và vận chuyển dễ dàng. Chúng sẽ phải được trộn với nhau, tạo thành dung dịch vaccine để tiêm. Các thử nghiệm lâm sàng dự kiến bắt đầu trong vòng 6 tháng tới và sản phẩm sẽ có giá rẻ hơn những vaccine hiện nay, được kỳ vọng tạo ra bước ngoặt tiêm chủng cho Ấn Độ, nơi chưa đến 10% dân số được tiêm đầy đủ.

Tuy nhiên, phương án sản xuất "vaccine ấm" không được nghiên cứu nhiều trên toàn cầu. Theo một bài bình luận đăng trên tạp chí y khoa Lancet hồi tháng 3, các nước phát triển "không thực sự quan tâm" đến việc phát triển những vaccine chịu nhiệt, bởi họ không phải lo lắng về khả năng bảo quản lạnh. Vì vậy, những "vaccine ấm" không được các nhà phát triển và tổ chức tài trợ ưu tiên, bất chấp nhu cầu từ các nước thu nhập thấp và trung bình.

Nhằm đáp ứng nhu cầu bị bỏ qua này, tiến sĩ Tucker quyết định theo đuổi phương án sản xuất vaccine dạng viên, chiến lược mà Vaxart đang tập trung. Hồi tháng 5, ứng viên vaccine của họ đạt kết quả thử nghiệm Giai đoạn Một đầy hứa hẹn, cho thấy phản ứng của tế bào CD8+ T mạnh hơn so với các vaccine của Pfizer và Moderna. Đây là một loại tế bào bạch cầu chịu trách nhiệm tạo ra phản ứng miễn dịch.

Nếu mọi thứ suôn sẻ, Vaxart hy vọng có thể nộp đơn xin phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine dạng viên của mình trong vòng một năm tới, đồng thời hướng đến sản xuất hàng triệu, thậm chí hàng tỷ liều vaccine mỗi năm với giá cả hợp lý.

Vaccine dạng viên còn có thể giúp giải quyết vấn đề ngần ngại tiêm chủng. Theo kết quả khảo sát hồi đầu năm của Vaxart, gần 19 triệu người Mỹ trưởng thành cho biết họ sẽ sử dụng vaccine nếu nó ở dạng viên, thay vì dung dịch tiêm.

Mặc dù vậy, việc phát triển công thức vaccine dạng viên là một thách thức lớn, bởi không phải lúc nào cũng hiệu quả với người như thử nghiệm trên động vật. Do đó, nhóm nghiên cứu tại Vaxart phải tập trung vào việc đảm bảo hiệu quả tốt nhất ở người.

Ngoài Vaxart, công ty dược phẩm Oramed của Israel cũng đang theo đuổi việc sản xuất vaccine Covid-19 dạng viên nang, dự kiến bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người vào tháng tới, ngay sau khi nhận được quyết định phê duyệt cuối cùng từ Bộ Y tế Israel.

Oramed, công ty chuyên bào chế phiên bản dùng qua đường uống đối với các loại thuốc tiêm, hồi tháng 3 cho biết ứng viên vaccine Covid-19 dạng viên nang, được công ty hợp tác phát triển cùng hãng Premas Biotech của Ấn Độ, đã sản sinh kháng thể khi được thử nghiệm trên lợn.

Nadav Kidron, giám đốc điều hành Oramed, cho biết loại viên nang của họ còn có thể được sử dụng như một liều vaccine tăng cường, trong bối cảnh một số quốc gia đang xem xét phương án tăng liều tiêm trước thách thức từ biến chủng Delta. Israel đã bắt đầu tiêm liều vaccine Covid-19 thứ ba cho những người bị suy giảm miễn dịch và nhóm từ 60 tuổi trở lên.

"Vaccine dạng uống của chúng tôi không cần giữ lạnh sâu như những vaccine Covid-19 khác. Đặc biệt tại những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 nhưng chiến dịch tiêm chủng bị đình trệ, vaccine dạng uống có thể thay đổi cuộc chơi", Kidron nhận định.

Nguồn vnexpress.net

DỊCH (Thơ xướng hoạ)

 


DỊCH (Mạ đề)

(Hoán vận- Thủ vĩ ngâm)
Vần bằng:
Nghiệp cõi dương trần tích khổ vây,
Tràn qua khắp nẻo nghịch ươm đầy.
Quê nghèo cũng mỏi, nhà ngăn tiếp,
Ngõ nhỏ đang sầu, dịch hướng lây.
Rã rượi chường, thôi phiền thấy cảnh,
Nhừ đau cởi, miễn nhích thêm ngày.
Yên bình vạn cõi phai thời nạn,
Nghiệp cõi dương trần tích khổ vây.
Vần trắc:
Nghiệp cõi dương trần vây khổ tích,
Tràn qua khắp nẻo đầy ươm nghịch.
Quê nghèo cũng mỏi, tiếp ngăn nhà,
Ngõ nhỏ đang sầu, lây hướng dịch.
Rã rượi chường, thôi cảnh thấy phiền,
Nhừ đau cởi, miễn ngày thêm nhích.
Yên bình vạn cõi nạn thời phai,
Nghiệp cõi dương trần vây khổ tích.
Minh Đạo
Bài hoạ:

DỊCH ( Y đề)
(Hoán vận - Thủ vĩ ngâm)
Vần bằng:
Dương trần vạn nẻo tích phiền vây
Đói lã thềm hiên nghịch cảnh đầy
Khởi nỗi tình thâm người đến ngại
Thương phần nghĩa lớn dịch ngừng lây
Bao đường chặng đóng mang sầu quả
Mọi dãy nhà than nhích khổ ngày
Nhận thảy buồn đau thêm vững bước
Dương trần vạn nẻo tích phiền vây
Vần trắc:
Dương trần vạn nẻo vây phiền tích
Đói lã thềm hiên đầy cảnh nghịch
Khởi nỗi tình thâm… ngại đến người
Thương phần nghĩa lớn… lây ngừng dịch
Bao đường chặng đóng quả sầu mang
Mọi dãy nhà than ngày khổ nhích
Nhận thảy buồn đau bước vững thêm
Dương trần vạn nẻo vây phiền tích.
30/7/2021
Viên Minh

Đình Diệm
HTM KÍNH HỌA
CÔ VÍT HOÀI VÂY
Non sông cô vít cứ hoài vây
Khắp chốn cô vi dịch nhiễm đầy
Cửa khép then cài phòng nhiễm tỏa
Đường ngăn chợ đóng chống truyền lây
Tiêu điều sự nghiệp đà bao tháng
Quạnh vắng mưu sinh đã lắm ngày
Ước nguyện dân tình qua kiếp nạn
Non sông cô vít cứ hoài vây
VẦN TRẮC
Lan tràn dịch bệnh vây sầu tích
Vất vả bao nơi phiền chướng nghịch
Níu nghĩa thâm lòng..khó viếng người
Neo tình thấm dạ … khôn thăm dịch
Muôn đường cản trở cảnh thương phiền
Lắm nẻo ngăn ngừa đời khổ nhích
Rã rượi bên chiều ước nguyện hết
Lan tràn dịch bệnh vây sầu tích
Hương Thềm Mây 30.7.2021

Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

CÁCH XỊT SÁT KHUẨN PHÒNG COVID-19 SAU KHI MUA THỰC PHẨM VỀ NHÀ

 Sau khi đi chợ, siêu thị… về nhà, bạn nên xịt sát khuẩn bao bì đựng thực phẩm, vệ sinh sạch sẽ bằng dung dịch sát khuẩn các bề mặt (bàn, nơi để…) có tiếp xúc với thực phẩm.

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều người lo lắng về sự an toàn khi mua thực phẩm ở chợ, siêu thị về nhà. Dưới đây là infographic do ĐH Y dược TP.HCM thực hiện, hướng dẫn bạn cách xịt khuẩn sau khi mua thực phẩm về nhà.

Hướng dẫn cách đi mua thực phẩm an toàn, phòng tránh Covid-19

Cách xử lý, chế biến thực phẩm sau khi mua về

Nguồn vietnamnet




CDC MỸ: BIẾN THỂ DELTA LÂY NHANH NHƯ THỦY ĐẬU, MẠNH HƠN CÚM MÙA

 


 Tài liệu nội bộ của Cơ quan Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đánh giá biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây mạnh hơn virus cúm mùa và có độc lực cao hơn chủng ban đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Báo Washington Post tiếp cận được một tài liệu nội bộ của Cơ quan Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ đề ngày 29-7, trong đó cung cấp thông tin chi tiết về sự nguy hiểm của biến thể Delta đang hoành hành khắp thế giới.

Cụ thể, các chuyên gia Mỹ đánh giá Delta có mức độ lây tương đương với virus gây bệnh thủy đậu (varicella) - một trong những virus hiện nay có mức độ truyền nhiễm cao nhất, đồng thời lây nhanh hơn virus cúm thông thường, virus cúm Tây Ban Nha (gây đại dịch năm 1918) và virus đậu mùa.

Ngoài khả năng lây lan gia tăng, độc lực của Delta "có vẻ như mạnh hơn chủng gốc" - một trang tài liệu viết.

Trong phần tóm tắt, nhóm tác giả khuyến cáo do sự xuất hiện của Delta, CDC cần phải nhìn nhận rằng "cuộc chiến đã thay đổi", và cần thông tin nhiều hơn để công chúng hiểu vắc xin là cách duy nhất giảm nguy cơ tử vong và bệnh nặng.

Hiện nay đa số ca COVID-19 mới ở Mỹ đều nằm trong nhóm người chưa tiêm vắc xin, nhưng CDC ước tính khoảng 35.000 người Mỹ đã tiêm đủ 2 liều vắc xin - trên tổng số hơn 162 triệu người - có thể mắc bệnh mỗi tuần.

Các trường hợp đã tiêm vắc xin nhưng vẫn mắc COVID-19 như vậy được gọi là các "ca nhiễm đột phá" (breakthrough infection), tuy nhiên chỉ số ít trong những ca này bị bệnh nặng hoặc tử vong.

Dữ liệu về ổ dịch ở Cape Cod, bang Massachusetts, ngày 4-7 dường như là nguyên nhân khiến giám đốc CDC Rochelle Walensky đầu tuần này khuyến cáo người đã tiêm vắc xin vẫn nên đeo khẩu trang trong không gian kín nơi công cộng, nếu khu vực đó có mức độ lây nhiễm từ mức "đáng kể" đến "cao".

CDC Mỹ cam kết sẽ sớm cung cấp thêm dữ liệu chi tiết về ổ dịch Cape Cod trong thời gian tới.

Nguồn: https://tuoitre.vn/


Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

10 VIỆC CẦN LÀM VÀ CẦN TRÁNH TRƯỚC KHI TIÊM VẮC XIN COVID-19

 Nắm rõ các việc cần làm, cần tránh trước khi tiêm sẽ giúp bạn chủ động và tránh sai lầm khi đến lượt được tiêm vắc xin COVID-19.

 Trong diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, việc tiêm vắc xin COVID-19 đang được đẩy nhanh tốc độ. Trong khi chờ đợi đến lượt tiêm chủng vắc xin COVID-19, bạn nên thực hiện 10 điều sau đây.

1. Chuẩn bị thông tin giấy tờ chứng minh được độ tuổi và công việc của mình, để chứng minh bạn đến lượt và quyền ưu tiên được tiêm vắc xin COVID. Khai báo các thông tin cá nhân trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.

Khai báo các thông tin cá nhân trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.

2. Chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ liên quan sức khỏe của bạn. Nếu bạn đang tiềm ẩn một số bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận mạn, béo phì, dị ứng thuốc…, cần xuất trình bằng chứng rằng bạn có bệnh lý đó và tư vấn bác sĩ trước khi tiêm.

3. Tránh dùng steroid trước tiêm: Các chuyên gia y tế khuyến cáo tránh dùng steroid một tuần trước khi tiêm chủng. Các steroide như prednisone và dexamethasone thường dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp và các bệnh lý tự miễn khác. Không nên dùng steroid một tuần trước, hiện tại và sau khi tiêm chủng, vì steroid ức chế mạnh quá trình viêm và có thể làm suy giảm miễn dịch của cơ thể, dẫn đến giảm đáp ứng đối với vắc xin COVID-19. Bạn cần thông báo về kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 cho bác sĩ điều trị bệnh của mình. Nếu đang sử dụng thuốc steroid, bác sĩ có thể kê toa những thuốc có tác dụng tương tự, nhưng không làm ức chế miễn dịch cơ thể.

Tránh dùng các thuốc ức chế miễn dịch như prednisone và dexamethasone một tuần trước, hiện tại và sau tiêm vắc xin COVID-19 vì có thể làm giảm đáp ứng với vắc xin.

4. Đi tiêm đúng ngày, giờ hẹn và tuân thủ thực hiện 5K tại điểm tiêm chủng: Đến chính xác địa điểm và đúng giờ, tránh bị chậm trễ và ùn tắc trong đám đông. Điều này đặc biệt quan trọng khi các các địa điểm tiêm chủng mở ra hàng loạt. Bạn cần quan sát những người cùng đi tiêm, nhằm giữ khoảng cách tối thiểu theo khuyến cáo và thực hiện 5K.

5. Không dùng thuốc giảm đau trước tiêm: Các chuyên gia khuyên không nên dùng các thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hay non-steroide ngay trước khi tiêm vắc xin COVID-19 vì chúng có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin. Ibuprofen là một loại thuốc chống viêm, sẽ ngăn cản nỗ lực của vắc xin trong việc huấn luyện hệ thống miễn dịch của bạn phản ứng với virus bằng cách làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể. Nếu có các phản ứng phụ sau khi tiêm như đau cánh tay, ớn lạnh và đau cơ…, đó là do hệ thống miễn dịch đang học cách tạo ra các kháng thể chống lại virus.

Tránh dùng các thuốc giảm đau như ibuprofen hay non-steroide ngay trước khi tiêm vắc xin COVID-19 vì chúng có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin.

6. Bù đủ nước cho cơ thể: Nước không chỉ quan trọng đối với sức khỏe hằng ngày mà còn có thể kiểm soát hoặc thậm chí ngăn ngừa sự khó chịu do vắc xin COVID-19 gây ra.

7. Không uống rượu bia trước và vào ngày tiêm chủng: Không chỉ có vậy,trong thời kỳ đại dịch, các chuyên gia khuyến cáo tránh uống rượu bia để tối ưu hóa sức khỏe. Giữ sức khỏe tốt nhất giúp hệ thống miễn dịch của bạn ở trạng thái tốt nhất, giúp chống lại vi rút nếu bạn bị phơi nhiễm hoặc giúp tạo ra kháng thể chống lại vi rút khi bạn tiêm chủng.

Nói KHÔNG với rượu bia để tối ưu hóa sức khỏe trong thời kỳ đại dịch.

8. Mặc quần áo thích hợp: Mặc trang phục phù hợp để tiến hành tiêm chủng thuận lợi (dễ dàng tiếp cận vùng da ở phần trên cánh tay của bạn).

9. Nên tiêm vào cánh tay không thuận: Phòng trường hợp bạn bị đau ở nơi tiêm và khó khăn khi cử động cánh tay. Cánh tay thuận giúp bạn có thể thực hiện được các hoạt động hằng ngày.

10. Chủ động tìm hiểu rõ các thông tin về phản ứng phụ của vắc xin trước khi tiêm. Sau khi tiêm vắc xin phải đợi ít nhất 30 phút để xem có phản ứng hay gặp tác dụng phụ nghiêm trọng nào sau khi tiêm hay không. Nếu có bất cứ triệu chứng nào phát sinh, báo ngay cho bác sĩ tại nơi tiêm. Bạn cần lưu giữ giấy xác nhận tiêm vắc xin phòng COVID-19. Không nên lái xe ngay sau khi tiêm vắc xin để phòng những tình huống bất ngờ. Cập nhật trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử các phản ứng sau tiêm gặp phải nếu có. Không bôi, đắp thuốc hoặc bất cứ thứ gì lên vết tiêm. Ghi nhớ tên, địa chỉ, số điện thoại của bác sĩ theo dõi và cơ sở y tế cần liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.

Lời khuyên của chuyên gia y tế

Hiện nay, có nhiều loại vắc xin COVID-19, một số người có tâm lý lựa chọn và chờ đợi vắc xin mình mong muốn. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nên chủng ngừa càng sớm càng tốt với bất kỳ loại vắc xin nào có sẵn tại địa phương. Càng sớm tạo miễn dịch cộng đồng, càng bảo đảm an toàn khi bạn sống chung với dịch.

Cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa như rửa tay, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, vì bạn không được bảo vệ đầy đủ ngay sau khi tiêm vắc xin.

Nên chủng ngừa càng sớm càng tốt với bất kỳ loại vắc xin nào có sẵn tại địa phương để sớm tạo miễn dịch cộng đồng.

TS.BS. Lê Thanh Hải

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/10-viec-can-lam-truoc-tiem-vac-xin-covid-19-n196228.html

MẮC BỆNH TIM MẠCH CÓ NÊN TIÊM VACCINE COVID-19?

 


Bệnh nhân tim mạch nên tiêm vaccine Covid-19. Người nào có tiền sử phản ứng, phản vệ nặng hoặc đang dùng thuốc cần báo với nhân viên y tế để hỗ trợ.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thái, Viện Tim Mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hiện không có bằng chứng nào cho thấy bệnh tim mạch chống chỉ định đối với vaccine Covid-19. Nhiều nghiên cứu của Cơ quan quản lý thực phẩm dược phẩm (FDA) Mỹ và Cơ quan quản lý dược (EMA) của châu Âu khuyến cáo tiêm vaccine cho tất cả các bệnh nhân có bệnh nền trên 18 tuổi (bao gồm cả bệnh lý tim mạch); trên 12 tuổi đối với vaccine Pfizer và Moderna.

Các chuyên gia đến từ Hội Tim mạch Mỹ (AHA) đã khuyến khích mọi người tiêm vaccine ngay khi họ có đủ điều kiện, đặc biệt ở người có các yếu tố nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, người mắc bệnh tim hoặc sống sót sau nhồi máu cơ tim và đột quỵ, "vì họ đối diện nguy cơ cao hơn rất nhiều từ virus so với nguy cơ từ vaccine".

Ngoài ra, người có bệnh lý tim mạch cũng là đối tượng dễ trở nặng khi mắc Covid-19. Nghiên cứu từ American College of Cardiology (ACC), chỉ ra người bị bệnh tim mạch có tỷ lệ tử vong cao hơn (10,5%) so với người mắc bệnh phổi mạn tính (6,3%). 91% các trường hợp tử vong do Covid-19 ở Anh và xứ Wales là có bệnh nền, trong đó bệnh tim chiếm tỷ lệ nhiều nhất 14%.

Tạp chí Khoa học Y Học Mỹ cho thấy tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở người có bệnh tim mạch là 10,5-14% và tỷ lệ này tăng vọt lên 35-87% ở bệnh nhân mạch vành. Nguyên nhân là do tình trạng nhiễm virus ảnh hưởng đến tim qua nhiều cơ chế bao gồm cả tác động viêm trực tiếp đến tim. Do đó, tiêm vaccine giúp người bệnh phòng ngừa nhiễm, giảm tình trạng bệnh nặng phải nhập viện và tử vong.

Theo bác sĩ, vaccine hiện hành được phê duyệt không chứa virus sống giảm độc lực do vậy không có nguy cơ gây nguy hiểm ở bệnh nhân có hệ thống miễn dịch yếu bao gồm cả những người dùng các thuốc ức chế miễn dịch. Các vaccine này chứa các chất liệu di truyền khi vào trong tế bào kích thích tổng hợp protein gai của virus. "Chỉ protein gai của virus là vô hại nhưng đủ để nhận diện là vật lạ và kích hoạt phản ứng phòng vệ của hệ miễn dịch, phòng khi virus thực xâm nhập vào cơ thể, do sự ghi nhớ của hệ miễn dịch đem lại đáp ứng mạnh với protein gai để tiêu diệt virus", bác sĩ giải thích.

Trường hợp bệnh nhân có phản ứng miễn dịch giảm có thể không có đáp ứng mạnh với vaccine và cần các biện pháp bổ trợ khác sau khi tiêm.

Tuy nhiên, trước khi tiêm vaccine, người bệnh tim nên thông báo cho nhân viên y tế nếu họ có tiền sử phản ứng phản vệ nặng và không nên tiêm chủng. Tùy trường hợp cá nhân nếu chỉ dị ứng với các dị nguyên khác (không liên quan đến vaccine) như thuốc uống, hải sản...vẫn có thể tiêm được vaccine nhưng cần theo dõi tại cơ sở y tế 30 phút sau tiêm. Bệnh nhân đang ốm sốt cũng tránh tiêm phòng.

Nhiều bệnh nhân tim mạch đang dùng thuốc chống đông đường uống (kháng vitamin K, thuốc chống đông trực tiếp (DOACs)); thuốc chống ngưng tập tiểu cầu như aspirin, clopidogrel, ticagrelor hoặc prasugrel thì dễ làm tăng nguy cơ chảy máu khi bị chấn thương và tiêm bắp và có thể có thâm tím hoặc sưng xung quanh vị trí tiêm. Khi đó, nhân viên y tế nên dùng kim tiêm nhỏ (cỡ 23G hoặc 25G) sau đó ép không day ít nhất 2 phút.

Bệnh nhân đang dùng thuốc kháng vitamin K nên kiểm tra INR ở dưới ngưỡng cao trong giới hạn có thể tiêm bắp vaccine. Tuyệt đối không được bỏ thuốc điều trị tim mạch trước hoặc sau khi tiêm vaccine nếu không có chỉ định.

Bác sĩ khuyến cáo, mọi người sau khi tiêm vaccine cần theo dõi các tác dụng phụ như đau, đỏ hoặc nóng tại vị trí tiêm; mệt, đau đầu, sốt, ớn lạnh, đau cơ và khớp, buồn nôn. Tiêm mũi hai thường có biểu hiện mạnh hơn mũi đầu nhưng thông thường các tác dụng phụ này sẽ mất sau vài ngày.

Một số tác dụng phụ khác cần theo dõi như huyết khối giảm tiểu cầu do vaccine (Astra Zeneca, Janssen) sau tiêm 4-28 ngày thường ở phụ nữ tuổi 18-59; viêm cơ tim và màng ngoài tim (Pfizer, Moderna) triệu chứng bắt đầu vài ngày sau tiêm mũi hai ở người trẻ và thanh thiếu niên, thường hồi phục sau vài ngày; hội chứng Guillain-Barré (Astra Zeneca, Janssen) gây yếu cơ và các triệu chứng khác trong vòng 6 tuần sau tiêm. Tuy nhiên các biến cố này rất hiếm gặp.

Thông thường, hiệu lực sinh kháng thể của vaccine tối ưu là sau hai tuần đối với mũi cuối cùng theo khuyến cáo và vẫn cần áp dụng các biện pháp 5K khi đã tiêm đủ liều vaccine.

Nguồn: vnexpress.net


Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

LÀM 7 ĐIỀU NÀY LÀ BẠN ĐANG TỰ RƯỚC LẤY BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

 


Bệnh tiểu đường nói chung không phát triển trong một sớm một chiều, mà chính những việc nhỏ bạn làm thường xuyên sau đây đã vô tình khiến bạn mắc bệnh này, theo eatthis.com.

Bệnh tiểu đường đang ở mức kỷ lục trên thế giới, chiếm 10,5% dân số trên thế giới. Bệnh xảy ra khi cơ thể không thể xử lý đúng cách lượng đường trong máu. Từ đó có thể làm hỏng các mạch máu khắp cơ thể, có khả năng dẫn đến bệnh tim, đột quỵ, mù lòa và bị cắt cụt chi.
Sau đây, các bác sĩ điều trị bệnh tiểu đường chỉ ra 7 thói quen hằng ngày khiến bạn mắc bệnh này mà không hề hay biết.

1. Uống nhiều đồ uống có đường

Bác sĩ Thomas Horowitz, từ Trung tâm Y tế CHA Hollywood Presbyterian ở Los Angeles (Mỹ), cho biết một trong những thói quen không lành mạnh phổ biến là uống nước ngọt thay cho nước lọc mỗi khi khát nước.
Hàm lượng đường trong nước ngọt thường rất cao, tiến sĩ Kathleen Wyne, bác sĩ nội tiết điều trị bệnh nhân tiểu đường tại Trung tâm Y tế Wexner Đại học Bang Ohio (Mỹ), cho biết đối với nhiều người, ngừng uống nước ngọt có thể giúp giảm cân nhanh chóng đến 9 kg, béo phì là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tiểu đường.

2. Ăn quá nhiều đường

Bác sĩ Horowitz nói, cách tốt nhất để tránh bệnh tiểu đường là thực hiện một chế độ ăn uống không ảnh hưởng đến việc cung cấp insulin của cơ thể.
Nên chọn các loại thực phẩm giải phóng đường từ từ hoặc chứa ít đường, ví dụ: protein, ngũ cốc thô và rau quả thay vì ngũ cốc tinh chế hoặc đồ ngọt.

3. Lười vận động

Lối sống ít vận động là yếu tố nguy cơ chính của bệnh tiểu đường. Tiến sĩ Wyne cho biết, bất kỳ hoạt động nào cũng có thể cải thiện độ nhạy insulin và làm chậm sự tiến triển của bệnh tiểu đường.

4. Lựa chọn thực phẩm không lành mạnh

Tiến sĩ Wyne đưa ra những lời khuyên để tránh ăn quá nhiều có thể dẫn đến bệnh tiểu đường và các vấn đề sức khỏe khác. Đó là:
Đừng mua đồ ăn vặt để tránh ăn vặt
Kiểm soát khẩu phần ăn bằng cách ăn trong đĩa nhỏ.
Trong bữa ăn, hãy ăn rau trước
Hãy coi thịt là món ăn phụ.

5. Ngồi cả ngày

Bác sĩ Sarah Rettinger, chuyên khoa nội tiết tại Trung tâm y tế Providence Saint John ở Santa Monica, California (Mỹ), cho biết cho dù có tập thể dục thường xuyên, việc ngồi cả ngày có thể tạo ra những thay đổi về trao đổi chất làm tăng lượng đường trong máu, làm suy yếu cơ bắp và ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, theo eatthis.com.
Bác sĩ khuyên nên đặt hẹn giờ nhắc nhở bạn đứng dậy và di chuyển ít nhất 5 - 10 phút, sau mỗi giờ ngồi.
Nếu không thể đi bộ bên ngoài, hãy đi bộ lên và xuống cầu thang, đi vài vòng trong nhà hoặc thực hiện một vài động tác bật nhảy, chạy tại chỗ - bất cứ việc gì có thể làm tăng nhịp tim một chút, bác sĩ Rettinger nói. Những lần vận động nhỏ này cộng dồn trong suốt cả ngày thực sự mang lại lợi ích lớn.

6. Ăn vô tội vạ

Bác sĩ Rettinger khuyên, cần phải ăn uống lành mạnh và có ý thức. Ví dụ, nếu bạn thấy mình đang đứng gần tủ lạnh đang ăn quá nhiều, hãy dừng lại và hỏi, “Tại sao mình lại ăn? Mình có đói bụng không? Mình có đang buồn chán, căng thẳng hay cần cảm thấy dễ chịu không?”
Sẽ rất tốt nếu tự quy định cho mình chỉ ăn đúng bữa mà không ăn vặt, hoặc chỉ ăn trước 7 giờ tối chẳng hạn.

7. Không nhận được sự hưởng ứng từ gia đình

Bác sĩ Rettinger nói, bạn cần có được sự hưởng ứng từ mọi người trong gia đình. Đôi khi, thật khó để ăn uống lành mạnh nếu những người khác trong gia đình cứ mua về những thứ kém lành mạnh nhưng cực kỳ hấp dẫn, như bánh rán hoặc kem vào ban đêm. Bạn sẽ dễ tập những thói quen lành mạnh khi những người xung quanh cùng đồng lòng.
theo eatthis.com




BA 'HÒN ĐÁ TẢNG' TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG COVID-19

 


Cuộc chiến giữa con người và dịch bệnh Covid-19 là một cuộc chiến quyết liệt, nếu không loại bỏ được virus, thế giới sẽ không thể yên bình. Việc dịch bệnh ở bất kỳ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào tạm thời dịu bớt và được ngăn chặn đều không phải là chiến thắng quyết định cho cuộc chiến phòng chống dịch bệnh trên toàn cầu.

Vaccine phòng Covid-19 là vũ khí mạnh mẽ để chống lại đại dịch. Sau khi thế giới đẩy nhanh việc nghiên cứu, sản xuất vaccine và nhiều nước nhanh chóng tiến hành tiêm chủng trên diện rộng, tình hình dịch bệnh căng thẳng trên toàn cầu đã có phần dịu bớt, dẫn đến tình trạng nhiều quốc gia và người dân buông lỏng cảnh giác với dịch bệnh.

Nhiều nước đã dỡ bỏ phong tỏa, các hoạt động xã hội bắt đầu quay trở lại, ngành du lịch nhanh chóng phục hồi, người dân lại tập trung ở các nhà hàng và quán bar cũng như các địa điểm vui chơi giải trí. Nhiều người đã vội quên đi những mất mát, họ xem nhẹ và tỏ ra lơ là trước dịch bệnh. Đây là điều đáng lo ngại.

Lịch sử loài người từ lâu đã chứng minh rằng chiến thắng đại dịch là một điều khó khăn. Nhiều bệnh truyền nhiễm sau nhiều năm vẫn chưa thể loại bỏ triệt để và công tác phòng chống dịch cũng sẽ không thể thay đổi theo mong muốn chủ quan và ý chí của con người.

SARS-CoV-2 là một loại virus rất nguy hiểm, không những chưa tìm ra được nguồn gốc mà còn liên tục đột biến tạo ra các biến thể mới, nhiều chuyên gia trên thế giới đang dốc sức nghiên cứu để tìm cách đối phó hiệu quả hơn với dịch bệnh.

Tuy nhiên, hàng loạt sự thật phũ phàng gần đây cho thấy loài người sẽ phải mất một khoảng thời gian rất dài mới có thể đánh bại được hay thậm chí là ngăn chặn một cách hiệu quả đại dịch Covid-19. Công tác phòng chống dịch trên toàn cầu phải được thắt chặt, bất kỳ hành động buông lỏng nào cũng đều có thể tạo cơ hội cho virus lây lan, khiến dịch bệnh bùng phát và hoành hành trở lại.

Cuộc chiến giữa con người và dịch bệnh Covid-19 là một cuộc chiến quyết liệt, nếu không loại bỏ được virus, thế giới sẽ không thể yên bình. Việc dịch bệnh ở bất kỳ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào tạm thời dịu bớt và được ngăn chặn đều không phải là chiến thắng quyết định cho cuộc chiến phòng chống dịch bệnh trên toàn cầu.

Công cuộc phòng chống đại dịch phải đối mặt với 3 thách thức vô cùng lớn.

Không thể ngăn chặn sự gia tăng các biến thể mới của virus

Biến thể Delta xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ và đến nay đã được ghi nhận tại 124 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngày 21/7, WHO cho biết, biến thể Delta chiếm hơn 3/4 mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gene ở những quốc gia lớn và dự kiến trong vài tháng tới sẽ nhanh chóng vượt qua các biến thể khác để trở thành biến thể lây nhiễm chính.

Theo thông tin do WHO công bố, tỷ lệ các mẫu phân tích là biến thể Delta ở các nước Australia, Bangladesh, Botswana, Anh, Đan Mạch, Ấn Độ, Indonesia, Israel, Bồ Đào Nha, Nga, Singapore và Nam Phi đều đã vượt quá 75%. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh hơn so với những biến thể không thuộc nhóm “biến thể đáng lo ngại” (VOC).

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác về việc cơ chế nào khiến biến thể này có khả năng lây nhiễm dễ dàng hơn, do đó rất khó ngăn chặn dịch bệnh

Ngoài Delta, trên thế giới đã xuất hiện các biến thể khác của virus SARS-CoV-2. WHO đã đặt tên cho loại biến thể được phát hiện ở Peru là biến thể Lambda. Loại virus này được phát hiện vào tháng 8/2020, nhưng cho đến năm nay mới hoành hành. Gần đây, Peru cho biết, biến thể này hiện chiếm hơn 80% ca mắc Covid-19 ở nước này và đang lây lan sang các nước Mỹ Latinh khác.

Trước đó, WHO cũng đã phát hiện ra một số biến thể đáng quan tâm khác. Trong đó, biến thể Alpha lần đầu tiên được phát hiện ở Anh hiện đã được ghi nhận ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; biến thể Beta lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi cũng đã lây lan đến 130 quốc gia và vùng lãnh thổ; biến thể Gamma lần đầu tiên được phát hiện ở Brazil đã được báo cáo ở 78 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Về xu hướng, các biến thể này đang nhanh chóng lây lan trên diện rộng. Chúng không những dễ lây hơn các loại virus thông thường mà nồng độ virus trong không khí người bệnh hít thở cũng cao hơn, điều này khiến phạm vi lây lan rộng hơn và tính nguy hiểm tăng lên.

Các biến thể này có cả những điểm tương đồng lẫn điểm khác biệt, mang lại những thách thức mới đối với việc xét nghiệm, phát hiện và chẩn đoán virus, cũng như hiệu quả của vaccine và công tác phòng dịch, điều trị.

Các chuyên gia hầu như nhất trí rằng, nếu virus SARS-CoV-2 không nhanh chóng bị tiêu diệt và công tác tiêm chủng ở một số quốc gia còn chậm trễ, thì dịch bệnh sẽ tiếp tục hoành hành trên toàn cầu và các biến thể của virus sẽ tiếp tục xuất hiện, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng con người.

Trên thực tế, thế giới hiện đã ở thế bị động trong việc đối phó với các biến thể của virus SARS-CoV-2.

Các làn sóng dịch liên tục tái bùng phát

Xem xét từ bản đồ tình hình dịch Covid-19 và xu hướng thay đổi của số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới gần đây, có thể thấy tình hình dịch bệnh đang rất tồi tệ, những quốc gia và khu vực từng có thời điểm số ca mắc giảm mạnh thì giờ đây lại tiếp tục tăng vọt.

Gần đây, việc Mỹ gia hạn tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đã làm lộ rõ tình trạng nghiêm trọng của dịch bệnh ở nước này. Trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, số ca mắc Covid-19 mới ở Mỹ đã tăng gấp gần 3 lần trong 3 tuần gần đây, hiện tại có ít nhất 44 trong tổng số 50 bang trên toàn nước Mỹ đều có các ca mắc mới.

Tình hình dịch Covid-19 ở các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Myanmar, khu vực Nam Á như Ấn Độ, khu vực phía Nam châu Phi như Nam Phi, khu vực Bắc Phi như Tunisia, Ai Cập, khu vực Bắc Âu như Anh, khu vực Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, khu vực Trung Âu và Đông Âu như Nga, Ba Lan, Ukraine đều đang diễn biến hết sức phức tạp.

Thậm chí, một số nước còn mất đi niềm tin chống dịch bệnh và buộc phải chuyển sang ứng phó tiêu cực với cái gọi là miễn dịch cộng đồng. Vấn đề chung của những quốc gia này trong cuộc chiến chống dịch là không thể chống chịu được việc tiếp tục phong tỏa kinh tế và đời sống của người dân trên quy mô lớn, tuy nhiên việc tái khởi động các hoạt động kinh tế và dỡ bỏ phong tỏa lại khiến dịch Covid-19 mất kiểm soát, số ca mắc mới tăng vọt, gây ra cuộc khủng hoảng lớn hơn về chính trị, kinh tế, xã hội và đời sống của người dân.

Tiêm chủng diện rộng gặp trở ngại

Quá trình tiêm chủng trên diện rộng gặp trở ngại, khiến số lượng người được tiêm chủng không tăng lên.

Tình hình tiêm vaccine trên thế giới hiện nay được phân hóa thành hai cực nghiêm trọng. Trong khi các nước phát triển mua tích trữ lượng lớn vaccine, do vấp phải sự phản đối của người dân nên số vaccine này bị quá hạn sử dụng và không thể tiêm được thì nhiều nước nghèo và lạc hậu vẫn không thể kịp thời có đủ lượng vaccine cho người dân.

Các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển có nguồn lực tài chính hạn chế, dân số đông, chỉ dựa vào vaccine do bên ngoài viện trợ thì còn lâu mới có thể đáp ứng được nhu cầu của dân số thực tế.

Ngoài ra, việc sản xuất vaccine chất lượng cao trên thế giới không thể đáp ứng được nhu cầu quá lớn, trong khi virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện các biến thể khiến hiệu quả của vaccine xuất hiện ngày càng nhiều tranh cãi.

Những thông tin giả liên quan đến vaccine là một thảm họa lớn ngăn cản nhiều nước thúc đẩy một cách hiệu quả quá trình tiêm chủng và chống dịch. Ngoài một số nước phát triển, một số quốc gia lạc hậu cũng liên tục lan truyền tin giả trên mạng xã hội, tuyên truyền thông tin vaccine không có hiệu quả, thậm chí còn lan truyền thông tin vaccine có hại, điều này gây ra những định hướng sai lầm nghiêm trọng cho xã hội và người dân.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), đến nay Mỹ mới tiêm chủng được cho chưa đến 50% dân số và hầu hết những người chưa tiêm chủng cơ bản đều không muốn tiêm.

Gần đây, Tiến sĩ Anthony Fauci, Cố vấn y tế cấp cao của Tổng thống Joe Biden, cảnh báo rằng, nếu những người không tiêm chủng kiên quyết giữ vững quan điểm thì dịch Covid-19 ở Mỹ có thể vẫn sẽ âm ỉ trong thời gian tương đối dài.

Nguồn: https://baoquocte.vn/

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

BỔ SUNG VITAMIN C NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG?

 


Vitamin C là một chất tan trong nước có nhiều ích lợi cho sức khỏe, song không phải uống vitamin C càng nhiều là càng tốt.

Vitamin C có tác dụng chính là chất xúc tác trong nhiều phản ứng oxy hóa khử quan trọng trong việc tổng hợp collagen, chuyển hóa acid folic thành acid folinic giúp tổng hợp tế bào hồng cầu, ức chế hyaluronidase làm bền vững thành mạch.

Bên cạnh đó, chất này giúp tổng hợp hormone tuyến thượng thận, tổng hợp các thành phần hữu cơ khác ở răng, xương và nội mô mạch máu. Giúp tăng hấp thu sắt ở ruột, kết hợp với vitamin E, beta- caroten, selen ngăn cản sự tạo thành gốc tự do gây độc tế bào.

Ngoài ra, vitamin C còn tăng tổng hợp interferon chống virus, giảm nhạy cảm với histamine (một loại hóa chất trung gian gây ra phản ứng dị ứng. Có thể đây là lý do mọi người khuyến cáo bổ sung vitamin C trong thời điểm dịch bệnh. Tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy vitamin C giúp phòng ngừa Covid-19. Ngược lại nếu bổ sung quá liều sẽ gây nên các tác dụng phụ buồn nôn, tiêu chảy và co thắt dạ dày...

Do đó trước khi bổ sung, bạn cần xem cơ thể có đang thiếu vitamin C không, lượng thực phẩm hàng ngày có đủ vitamin C chưa?

Nếu thiếu vitamin C nặng có thể gây chảy máu dưới da, chảy máu chân răng, rụng răng, dầy sừng nang lông. Nhẹ hơn gây viêm miệng, viêm lợi, thiếu máu, giảm sức đề kháng với các bệnh nhiễm trùng.

Ngược lại khi dùng vitamin C liều cao trên 1000 mg/ngày kéo dài có thể gây thừa vitamin C, dẫn đến mất ngủ, kích động, tiêu chảy, viêm bàng quang, loét dạ dày - ruột, giảm sức bền hồng cầu gây tan máu. Ngoài ra còn gây sỏi thận, thậm chí tăng huyết áp, cản trở hấp thu vitamin A, B12. Nếu dừng đột ngột còn gây phản ứng ngược.

Liều lượng vitamin C được khuyên dùng mỗi ngày để dự phòng thiếu đối với người ở từng nhóm tuổi cụ thể như sau:

- Trẻ từ 1 đến 3 tuổi: 15 mg.

- Trẻ từ 4 đến 8 tuổi: 25 mg.

- Trẻ từ 9 đến 13 tuổi: 45 mg.

- Trẻ vị thành niên 14-18 tuổi: 75 mg (với nam) và 65 mg (với nữ).

- Người lớn trên 19 tuổi: 90 mg (với nam) và 75 mg (với nữ).

Một số trường hợp đặc biệt cần bổ sung thêm vitamin C như: Người hút thuốc lá nên bổ sung thêm 35mg/ ngày so với liều khuyên dùng; phụ nữ khi mang thai nên bổ sung 85 mg vitamin C mỗi ngày; phụ nữ đang cho con bú nên bổ sung 120 mg vitamin C mỗi ngày.

Vitamin C có nhiều trong các loại thực phẩm như rau cải xoong, cam, quýt, chanh, bưởi, cà chua. Việc bổ sung vitamin C nguồn gốc tự nhiên là tốt nhất.

Khi chế độ ăn không đa dạng, thiếu chất, thiếu vitamin C thì có thể bổ sung bằng chế phẩm uống. Tuy nhiên khi bổ sung bằng viên uống mỗi ngày, cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ, nhân viên y tế. Vì ngoài lợi ích, vitamin C cũng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như dị ứng gây khó thở, phát ban; sưng môi, lưỡi, họng hoặc mặt; tiêu chảy, co rút dạ dày; ợ nóng, buồn nôn.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Thọ
Phòng khám Minh Trí - Hà Nội

MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP CHỮA ĐAU KHỚP NGÓN TAY

 



ĐAU KHỚP NGÓN TAY

Đau khớp ngón tay bạn đừng nên coi thường mà bỏ qua, có thể nó là biểu hiện ban đầu của các bệnh lý như bị thoái hóa khớp ngón tay, bị viêm khớp ngón tay, bị thiếu hụt can-xi, bị viêm đa khớp dạng thấp…cần phải tới bệnh viện khám chữa để bác sĩ chuẩn đoán chính xác căn bệnh và dùng đúng thuốc để trị dứt điểm căn bệnh. Đau khớp ngón tay gây lên rất nhiều phiền phức trong sinh hoạt hàng ngày cũng như công việc của người bệnh. Thậm chí có người đau nhức quá bứt dứt khó chịu mà mất ngủ, ăn không ngon miệng dẫn đến bị suy nhược cơ thể.

 Nguyên Nhân

Do căn bệnh thoái hóa khớp: đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc bị đau nhức ở vùng khớp ngón tay. Một phần do tuổi tác tạo lên một phần do đặc thù công việc khiến ngón tay bị thoái hóa, hình thành các gai xương chúng mọc lên và chèn ép vào dây thần kinh gây ra hiện tượng bị đau nhức.
 Do phần bao khớp ở ngón tay bị bong tróc: gây lên đau đớn và sưng viêm khiến ngón tay bị đau.
Do bị viêm đa khớp dạng thấp: thông thường bị mắc căn bệnh này biểu hiện ban đầu đều là đau nhức, lâu dần sẽ dẫn tới sự biến dạng của các khớp, khi nhìn vào bạn sẽ thấy các ngón tay bị cong keo, sưng phồng rất khó coi, làm mất đi sự tự tin của chủ nhân.
Do bị thiếu hụt can-xi: có thể là do thiếu bẩm sinh hoặc do con đường ăn uống hoặc do cơ thể không hấp thụ can-xi khiến cho can-xi bị thiếu hụt hình thành lên các cơn đau nhức, gây lên tình trạng bị co cắp các cơ, loãng xương, xương dễ bị hao mòn, khô ráp.
Do bị mắc bệnh loạn dưỡng cơ bắp: đây là căn bệnh mang tính di truyền bởi các sợi cơ trong cơ thể của con người rất dễ bị tổn thương, dần dần sinh ra hiện tượng đau nhức, khó chịu.
Do bị mắc hội chứng ống cổ tay: bệnh lý này thường gặp ở những người ngồi bàn giấy (dân văn phòng) thường xuyên sử dụng máy tính đánh chữ dùng chuột trong một thời gian dài sẽ khiến các khớp ở ngón tay, cổ tay, khuỷu tay bị đau thậm chí là vai và cổ cũng đau.
Đây là căn bệnh thường gặp ở những người làm công việc văn phòng, sử dụng máy tính với những thao tác trên bàn phím và chuột liên tục trong thời gian dài. Điều này khiến bệnh nhân dễ xuất hiện những cơn đau khớp ngón tay, bàn tay, cổ tay, khuỷu tay hay vai,…
 Do bị mắc hội chứng De Quervain: bệnh lý này ở phần bao gân cơ dạng dài và duỗi của các ngón bị sưng viêm nó gây ảnh hưởng đến hai gân và làm chi phối hoạt động của các ngón tay, gây lên hiện tượng đau nhức.

Một số phương pháp chữa đau khớp ngón tay

 Tái tạo sụn khớp và xương dưới sụn
Nhiều người khi bị các cơn đau ở khớp ngón tay gây lên thì đã không chịu được và mua thuốc giảm đau , kháng viêm về uống . Nhưng không biết rằng chính loại thuốc đó có 2 mặt , nếu sử dụng đúng theo hướng dẫn của bác sỹ thì sẽ giảm bớt được triệu chứng không muốn , còn nếu tự ý mua thuốc giảm đau , kháng viêm về uống thì sẽ bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc . Bởi những loại thuốc đó chỉ có tác dụng giảm đau tức thời mà không có chức năng chăm sóc và tải tạo sụn khớp . Các cơn đau đo có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào thì thuốc giảm đau đã hết .
Đặc biệt không được sử dụng thuốc giảm đau , kháng viêm quá nhiều sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho bệnh nhân , có khi còn ảnh hưởng đến gan , thận và gia tăng mắc bệnh tim mạch , đột quỵ …Chính vì vậy cách chữa đau các khớp ngón tay đó là phải giúp phục hồi các tổn thương của lớp sụn khớp và dưới sụn , lấy lại sực chắc khỏe cho bộ đôi sụn khớp .
Tập vật lý trị liệu bàn tay, ngón tay
Khi bị đau các khớp ở ngón tay , cũng khá nhiều người quan tâm là chữa như thế nào cho không bị đau nữa ? nên áp dụng các vật lý trị liệu , phương pháp này cũng khá hiệu quả có thể giúp lưu thông máu và giảm khả năng viêm , sưng ở các khớp ngón tay . Phương pháp vật lý trị liệu khi được kết hợp sử dụng thực phẩm chức năng có thể kích thích đồng thời việc sản xuất chất nhầy cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp . Điều này giúp cắt các cơn đau hiệu quả và làm chậm quá trình thoái hóa khớp bàn tay và ngón tay .
 Chế độ ăn nhiều đạm, ít mỡ, tăng cường vitamin
Các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống của người bệnh cũng khá là quan trọng . Theo các chuyên gia nghiên cứu , cần ăn nhưng thực phẩm nhiều đạm , ít mỡ và tăng cường các vitamin A , C , D , E vào mỗi bữa ăn hàng ngày của người bệnh sẽ thấy hiệu quả trong công cuộc điều trị bệnh đau khớp ngón tay và các bệnh xương khớp khác . Chính những chất dinh dưỡng đó giúp cho sức khỏe xương khớp được tốt hơn và giảm sưng viêm hiệu quả .
 Hạn chế bẻ ngón tay, cầm nắm vật nặng
Cần hạn chế bẻ các khớp ngón tay , đấy là một thói quen không tốt cho việc điều trị bệnh đau khớp ngón tay . Bỏ việc bẻ các khớp ngón tay chính là làm giảm áp lực lên các đầu ngón tay , không nên mang vác những vật nặng mà chỉ sử dụng các khớp ở đầu ngón tay .
Những người già rất dễ dàng mắc phải các bệnh về xương khớp như : viêm khớp ngón tay , viêm khớp dạng thấp , bệnh Gout…Ngoài ra còn có những người thường xuyên chơi thể dục thể thảo quá sức , lao động nặng hay làm việc nội trợ …Cần phải kết hợp các phương pháp chữa bệnh khác để điều trị bệnh hiệu quả hơn , bởi bệnh viêm đau khớp ngón tay cũng khá là quan trọng và nguy hiểm nếu không điều trị sớm . Người bệnh cũng không được tự ý sử dụng thuốc nếu không được sự chỉ dẫn của bác sỹ chuyên khoa , bởi trong thuốc giảm đau và kháng viêm cũng có những tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ thể .

Chữa đau khớp ngón tay bằng thuốc nam

Bài thuốc từ ngải cứu: dùng 1 nắm ngải cứu, đem rửa sạch để ráo rồi cho vào cối giã nát, cho 1 thìa canh muối hạt vào trộn đều và mang hỗn hợp này lên một cái chảo để sao nóng, sau khi được trải ra tấm vải hay cái túi vải mỏng (làm bằng vải xô của bé là tốt nhất) buộc chặt lại rồi đắp lên vùng khớp ngón tay bị tổn thương. (Bao nhiêu đốt thì bấy nhiêu miếng cứ đắp vào như thế, nguội lại bỏ ra làm nóng lại rồi lại đắp, trong khoảng 30p thì thôi.
Đắp thường xuyên từ 7 ngày trở ra sẽ thấy triệu chứng đau nhức giảm hẳn, nếu bị nặng quá ngày đắp hai lần, sáng và tối trước khi đi ngủ để các cơn đau không bị hoành hành về đêm người bệnh được ngủ ngon giấc.
Gừng + muối + ngải cứu một trong những vị thuốc tuyệt vời chữa đau khớp ngón tay.
Bài thuốc với gừng: Dùng gừng tươi 500g, rượu gạo 40 độ 1 lít, đem gừng đi rửa sạch, để cả vỏ rồi xắt miếng mỏng. Sau đó cho vào một bình thủy tinh lớn, đổ rượu vào ngâm, ngâm 30 ngày thì lấy ra dùng. Mỗi lần chắt ra một chén nhỏ, dùng bông thấm và xoa đều lên vùng khớp ngón tay bị sưng viêm, mát xa nhẹ nhàng để cho thuốc ngấm vào. Sau 7 ngày sẽ thấy triệu chứng đau nhức giảm, tiêu viêm và kháng khuẩn.


Nguồn: bvthanhpho.ytethanhhoa