Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

HAI TRIỆU CHỨNG COVID-19 ĐANG DẦN BIẾN MẤT

 

                                                     Ảnh  VnExpress 

Người nhiễm chủng BA.5 thường ít gặp triệu chứng mất vị giác, khứu giác hoặc khó thở so với các biến chủng nCoV trước đây.

Tháng 7, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ báo cáo biến chủng phụ của Omicron là BA.5 chiếm ưu thế tại nước này. Các chuyên gia cho rằng nhìn chung biến chủng không có các triệu chứng khác biệt rõ rệt so với các phiên bản Omicron trước đó. Người nhiễm BA.5 có thể bị ho, sổ mũi, đau họng, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Peter Chin-Hong, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, người nhiễm BA.5 ít có khả năng mất vị giác và khứu giác hoặc khó thở hơn so với người nhiễm chủng Delta hoặc các biến chủng khác của nCoV.

Tiến sĩ Joseph Khabbaza, bác sĩ về phổi tại Cleveland Clinic, cho biết bệnh nhân có xu hướng gặp các triệu chứng đường hô hấp trên, từ "thanh quản đến mũi". Theo các giai đoạn Covid-19 với các chủng khác nhau, ông đã chứng kiến nhiều bệnh nhân bị nghẹt xoang và đau họng nặng hơn có kết quả xét nghiệm dương tính với BA.5. Nhiều người nghĩ rằng họ bị viêm họng, với cơn đau họng nghiêm trọng và dai dẳng.

"Bệnh nhân mô tả BA.5 khiến cổ họng họ bốc cháy. Chúng tôi được nghe rằng đó là cơn đau họng tồi tệ nhất mà họ mắc phải", tiến sĩ Chin-Hong nói.

Nghiên cứu tại Anh cho thấy triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm BA.5 là chảy nước mũi, đau họng, đau đầu, ho dai dẳng và mệt mỏi.

Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến chủng phụ gây bệnh nặng hơn so với những phiên bản trước đây của Omicron. Tuy nhiên, BA.5 dễ lây lan hơn, có nghĩa là ngày càng nhiều người nhiễm bệnh, số ca nhập viện tăng lên nhanh chóng.

Người nhiễm virus cũng cho biết các triệu chứng rất khó chịu. "Nếu bạn nói chuyện với một người bình thường bị Covid-19, rất có thể họ sẽ nói đây là lần mắc bệnh nặng nhất họ từng trải qua", David Souleles, giám đốc Nhóm ứng phó Covid-19 tại Đại học California, giải thích.

Thục Linh (Theo NY Times)

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

TRÍ HUỆ CỔ NHÂN: “MỘT TIẾNG THỞ DÀI HƠN NGHÈO 3 NĂM”, LÀM SAO ĐỂ CẢI BIẾN MỆNH TỐT HƠN?

 

Ảnh: Ghép SOH

Người có tấm lòng hẹp hòi và luôn so đo tính toán sẽ không có một cuộc sống tự do như ý, vì một chút chuyện nhỏ mà luôn cảm thấy không vui vẻ và bất bình trong tâm, họ thường phàn nàn và than thở khăp nơi. Thói quen than thở là một thói quen không tốt.

Người xưa có câu: “Một tiếng thở dài hơn nghèo ba năm”, những người thường xuyên thở dài, sẽ khiến vận may của mình ngày một giảm đi, dễ chiêu mời những điều bất hạnh, xui xẻo và thậm chí là cả đời nghèo khó.

Nếu không muốn hao tổn vận may, đừng tùy tiện thở dài và than vãn

Có một số người thường xuyên thở dài và than thở, nhưng bản thân lại không nhận thức ra được đó là thói quen hết sức không tốt.

Những người hay thở dài, thường là vì bất bình và có nhiều uẩn khúc trong lòng, điều này cũng sẽ tạo ra luồng khí xấu xung quanh họ. Ngoài ra, thở dài cũng sẽ làm cạn kiệt sức sống và nguyên khí trên cơ thể con người, mỗi tiếng thở dài sẽ khiến bạn thiếu tự tin. Một người không có ý chí phấn đấu và niềm tin vào chính mình, làm sao có thể tạo dựng hạnh phúc cho chính mình được đây? Bởi vậy, không nên thở dài và than thở một cách tùy tiện. Khi gặp phải tình huống không tốt, càng cần phải kiên cường, kiên trì giữ vững niềm tin.

Người xưa có câu: “Người thường xuyên nở nụ cười sẽ không dễ gặp xui xẻo”, những người suy nghĩ tích cực, vận khí sẽ ngày càng tốt. Thái độ tốt sẽ mang đến những vận may bất ngờ, thái độ bi quan càng ít, thì vận khí ngày càng nhiều.

Thay đổi thái độ, thay đổi cuộc đời

Quỷ Cốc Tử nói: “Tu một cái miệng phú quý, hưởng một đời giàu có”. Một người muốn phú quý, trước hết cần phải có một nội tâm giàu có và phong phú. Trong cuộc sống, rất nhiều người luôn than vãn bản thân nghèo khổ và vô dụng. Kì thực, càng than vãn càng không thể thay đổi tình thế, càng than vãn, càng trở nên bất lực và nghèo khổ.

Bởi vì khi một người than vãn nghèo khó, tức là không biết hài lòng với cuộc sống của bản thân, họ cũng ngại ngùng khi phải lấy tiền để bố thí, Ông Trời sẽ chỉ mang lại sự nghèo đói cho họ mà thôi. Người càng than nghèo thì phúc khí càng hao tổn. Đây là biểu hiện của tâm lý tiêu cực, tâm lý này sẽ khiến bạn ngày càng bần cùng, khó khăn. Do đó, hãy hạn chế than vãn bản thân nghèo khó và kém may mắn.

Ngày xưa, có một ông lão đến trước mặt vị Cao Tăng, vừa khóc lóc vừa than vãn rằng: “Cao Tăng tôn kính, tại sao tôi cố gắng hết sức mà vẫn không thể đạt được thành công như mong đợi?”

Vị Cao Tăng mỉm cười, nói: “Đó là vì ông không hiểu thế nào là cho đi, không hiểu thế nào là phó xuất”.

Ông lão rất hoài nghi, nói: “Đó là vì tôi không có tiền, lấy gì mà cho đi, lấy gì mà phó xuất? Tôi thực sự không có gì cả.”

Vị Cao Tăng trả lời: “Một người, cho dù không có tiền, nhưng có năm điều thiện có thể làm:

Thứ nhất là “Mặt thiện”: Hòa đồng và thân thiện với mọi người, trao đi nụ cười cùng với khuôn mặt tươi tắn và dễ chịu.

Thứ hai là “Khẩu thiện”: Nói những điều dễ nghe và dễ chịu, những lời động viên và khen ngợi người xung quanh.

Thứ ba là “Tâm thiện”: Một trái tim lương thiện, biết suy nghĩ cho người khác, không làm điều ác, năng làm việc tốt.

Thứ tư là “Mắt thiện”: Nhìn những điểm tốt của người khác, phát hiện ra những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Thứ năm là “Hành động thiện”: Thích giúp đỡ người khác, lấy thiện đãi người làm niềm vui.

Một người, dù nghèo khó đến đâu, nếu có thể làm được năm điều thiện và phó xuất như vậy, thì cuộc sống sẽ ngày càng chuyển biến theo hướng tốt đẹp. Một người không sẵn sàng giúp đỡ, phó xuất cho mọi người thì vĩnh viễn không thể nào khá lên được.

Nguyên nhân dẫn đến sự nghèo khó, đó chính là không biết phó xuất và cho đi. Trong Phật gia giảng rằng, hết thảy phú quý và phúc phận là do Đức mà tạo nên, mà Đức là từ làm việc tốt, tích đức hành thiện mà tạo ra.

Một người suốt ngày than vãn, kể lễ về sự nghèo đói của bản thân, luôn ích kỷ và chỉ nghĩ đến bản thân, cuối cùng họ lại càng ngày càng trở nên nghèo khó và không có gì trong đời.

Trong tâm dung chứa điều gì thì miệng sẽ nói ra điều đó. Miệng nói điều gì thì sẽ thu hút điều đó. Do vậy, không nên than vãn khó khăn, nghèo khổ, bởi đây là một hành vi thiếu khôn ngoan. Hãy tự nuôi dưỡng cho bản thân mình một cái miệng giàu có, phú quý, cố gắng chăm chỉ hết mình, đến một ngày cuộc sống của bạn sẽ cải thiện hơn lên.

Muốn có một cuộc sống như mong đợi, thay vì dùng thời gian để phàn nàn, oán hận, chi bằng hãy nghĩ cách để giúp bản thân vượt quan khó khăn, thử thách. Ngôn ngữ và tâm trạng thật sự có thể cải biến vận mệnh của đời người. Để thay đổi vận mệnh của bản thân thì trước tiên, hãy thường xuyên nói những điều tích cực và may mắn.

Suy nghĩ thoáng hơn, tâm thái luôn lạc quan vui vẻ, không than phiền và trách cứ, như vậy, mọi chuyện mới có thể thuận buồm xuôi gió, cuộc sống sẽ trở nên dễ chịu, tốt đẹp hơn.

Lan Hòa biên dịch
Nguồn: Secretchina – Sát Phương

CHÓNG MẶT DO HẠ ĐƯỜNG HUYẾT, HUYẾT ÁP SAU ĂN

 

                                                                              Ảnh: Freepik

Hạ đường huyết phản ứng, huyết áp thấp, mất cân bằng giữa insulin và carbohydrate… thường dẫn đến chóng mặt sau khi ăn.

Chóng mặt thường là một trong những dấu hiệu thể chất đầu tiên xảy ra khi bạn nhịn đói quá lâu. Nhưng khi bạn đã ăn no hoặc vừa ăn xong lại có cảm giác chóng mặt có thể do hạ đường huyết. Tình trạng này còn xảy ra khi huyết áp giảm do đứng dậy quá đột ngột, dùng thuốc điều trị tiểu đường. Dưới đây là những nguyên nhân thường gây ra chóng mặt sau khi ăn, theo Very Well Health.

Lượng đường trong máu thấp: thông thường, lượng đường trong máu tăng sau bữa ăn. Tuy nhiên, khi lượng đường trong máu thấp trong khoảng từ 2-5 giờ sau ăn là tình trạng hạ đường huyết phản ứng. Đây là một loại hạ đường huyết xảy ra không do bệnh tiểu đường. Hạ đường huyết sau ăn thường gây ra chóng mặt, mệt mỏi. Nguyên nhân do tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa chất bột đường (carbohydrate). Người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường dễ bị hạ đường huyết phản ứng do sản xuất insulin gặp khó khăn, không đáp ứng đúng nhu cầu cơ thể cần.

Thuốc điều trị bệnh tiểu đường: Người mắc tiểu đường đang dùng các loại thuốc tiểu đường hoặc dùng insulin nhưng ăn không đủ carbohydrate tiêu chuẩn có thể bị chóng mặt. Tiêm quá nhiều insulin hoặc tiêm trực tiếp vào cơ cũng có thể dẫn đến hạ đường huyết và chóng mặt sau khi ăn.

Huyết áp thấp: hạ huyết áp sau ăn ảnh hưởng đến nhiều người lớn tuổi. Huyết áp thấp làm cứng các động mạch, khiến việc co và thư giãn động mạch khi cần thiết gặp khó khăn. Tình trạng này xảy ra khi ruột và dạ dày cần thêm máu để tiêu hóa, khiến lưu lượng máu đến các bộ phận khác của cơ thể bị giảm. Việc giảm đột ngột này dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu, đau ngực, mờ mắt và buồn nôn.

Nhạy cảm với thực phẩm: tiếp xúc với thực phẩm dị ứng có khả năng gây ra chóng mặt hoặc ngất xỉu trong vài phút hoặc 1-2 giờ sau khi ăn. Không dung nạp thức ăn cũng có thể khiến bạn choáng, xây xẩm.

Bạn cần biết rõ nguyên nhân để giải quyết tình trạng này. Nếu chóng mặt do hạ đường huyết, bạn cần điều chỉnh bằng cách bổ sung từ 15-20g carbohydrate, tương đương với 1/2 cốc nước ép trái cây hoặc 6-7 viên kẹo. Nếu chóng mặt sau ăn do hạ huyết áp thì tạm thời chưa có cách điều trị dứt điểm. Tuy nhiên bạn có thể giảm bớt triệu chứng bằng cách nằm nghỉ. Trường hợp dị ứng thực phẩm gây chóng mặt, bạn nên liên hệ bác sĩ để được hướng dẫn dùng các thuốc chống dị ứng hoặc biện pháp điều trị phù hợp.

Khi cơn chóng mặt kéo dài và đi kèm với các triệu chứng tức ngực, nói lắp, mệt mỏi, ngất xỉu và đau đầu dữ dội, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và có biện pháp khắc phục sớm.

Theo Very Well Health, để giảm và phòng ngừa chóng mặt sau ăn, bạn có thể thử một số cách như uống đủ nước trước và trong bữa ăn, hạn chế hoặc tránh caffeine, rượu, chia các bữa ăn thành bữa nhỏ và cách nhau sau 3 giờ. Bữa ăn cầnđầy đủ các chất dinh dưỡng như chất đạm, chất béo và chất bột đường chất lượng cao. Người bệnh tiểu đường nên theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu sau mỗi bữa ăn để có biện pháp điều chỉnh, tránh ăn các loại carbohydrate tinh chế chẳng hạn như bánh mì trắng, gạo và đồ uống có đường...

Anh Chi
(Theo Very Well Health)

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

KỶ NIỆM (Thơ)

  


 KỶ NIỆM
( Thuận nghịch độc )
 
( Thuận )
 
Vai mềm thấm ướt lạnh càng mưa,
Rảo nhẹ chân chùng cảnh vắng trưa.
Hoài cảm những đêm nhiều dịu ngọt,
Ngóng mong bao buổi lắm dư thừa.
Phai tàn sắc dáng ngây sầu vẫn!
Ủ dột xuân tình lụy rã chưa?
Cài mộng xướng vui đời mãi sáng…
Ai còn rõ bóng! ngắm người xưa…
 
( Nghịch )
 
Xưa người ngắm bóng rõ còn ai…
Sáng mãi đời vui xướng mộng cài.
Chưa rã lụy  tình xuân dột ủ,
Vẫn sầu ngây dáng sắc tàn phai.
Thừa dư lắm buổi bao mong ngóng,
Ngọt dịu nhiều đêm những cảm hoài.
Trưa vắng cảnh chùng chân nhẹ rảo,
Mưa càng lạnh ướt thấm mềm vai.
 
30/8/2018

Minh Đạo

HÃY SỐNG TỐT LÀ ĐỦ, ĐỪNG QUAN TÂM NGƯỜI KHÁC NGHĨ GÌ VỀ BẠN

 


Nhân sinh cũng giống như một ly trà, chi phải tranh giành? Nồng đậm hay nhạt nhẽo cũng được, vẫn đều có hương vị riêng. Vội vàng cũng tốt mà chậm chạp cũng được, cuộc sống, bởi vì để tâm cho nên mới đau khổ; bởi vì nghi ngờ cho nên mới tổn thương.

Vì sao con người ta lại sinh ra ở cõi phàm trần? Vì sao thế gian lại có nhiều chuyện đau khổ như vậy? Dưới đây là câu chuyện giữa người đàn ông và Đức Phật. Sau cuộc trò chuyện, chất vấn với Đức Phật, người đàn ông nhận ra nguồn gốc của mọi khổ đau trên đời.
Cuộc trò chuyện giữa người phàm và Đức Phật

Một ngày kia, có người đàn ông ở chốn phàm trần ngẩng đầu lên trời hỏi Đức Phật: "Vì sao ngài không cho chúng con một trái tim trong sáng, để cho cõi hồng trần được an lạc?"

Nghe thấy câu hỏi ấy, Đức Phật đáp lời: "Ta đã cho rồi. Mỗi người ở vào thời điểm mới sinh ra, trái tim của họ đều giống nhau, chí thuần, chí mỹ, chí chân, chí thiện. Chỉ đến khi họ mở mắt ra, liền bị phù hoa trần thế mê hoặc, khiến cho trái tim bị nhuốm bụi trần".

Người phàm lại hỏi: "Vì sao ngài lại là Đức Phật?"

Đức Phật nhẹ nhàng: "Ta cũng là người. Chỉ có điều trái tim của ta khác với các con. Ta trao trái tim cho vạn vật chúng sinh, cho nên cuộc sống của ta được tự tại".

Người phàm vò đầu bứt tai:

"Vậy con là ai? Vì sao con lại sinh ra ở chốn hồng trần?"

Đức Phật trả lời:

"Con là đứa con của ta, chỉ vì ham chơi, tinh nghịch, u mê, hồ đồ nên rơi xuống cõi phàm".

Nghe vậy, người phàm không khỏi buồn rầu

"Cõi hồng trần này có tình yêu không? Vì sao con chỉ thấy đau khổ?"

Đức Phật từ tốn lý giải: "Có chứ! Bởi vì sợ các con chịu khổ, nên ta đã đem tình yêu ban phát khắp vạn vật chúng sinh.

Chỉ có điều chúng sinh lại đem nó xé lẻ, lấy làm của riêng, mà một khi đã có được tình yêu liền không chịu buông tay, suy tính thiệt hơn, cho nên đau khổ".

Người phàm trầm ngâm một lúc rồi nói tiếp: "Chúng con còn có thể về nhà hay không? Ngài tha lỗi cho chúng con rồi phải không?"

Đức Phật đáp: "Ta không cản được bước chân sa ngã của các con. Ta đã từng rất đau lòng, mỗi giờ, mỗi khắc, mỗi ngày đều giang hai tay mình chờ đợi chúng sinh quay đầu.

Chỉ có điều, các con cõng trên lưng quá nhiều thứ. Ta chỉ nghe thấy tiếng thở nặng nề của các con, chứ không nghe được tiếng kêu gào đau khổ. Kỳ thực, ta rất mong muốn đón các con về nhà".

Vừa nghe tới đây, người phàm ấy đã dùng ánh mắt mong chờ mà nói rằng: "Vậy con phải làm thế nào mới có thể trở về bên ngài?"

Đức Phật mỉm cười: "Khi các con rơi vào cõi hồng trần, ta đã gieo trong tim mỗi người một hạt giống bồ đề. Chỉ cần con chăm chút cho nó lớn lên, đợi đến khi cành lá sum suê, đơm hoa kết trái, con sẽ thấy một con đường rợp bóng cây xanh đón con về nhà".

Thế nhưng người phàm lại không khỏi rầu rĩ: "Vì sao con không thấy được con đường ấy?"

Đức Phật nhẹ nhàng nói: "Kỳ thực con đã ở trên con đường ấy, chỉ có điều đi mãi, đi mãi, con cứ mải ngắm phong cảnh bên đường, hái hoa bắt bướm, nên đi ngược lại dự tính ban đầu. Con đã lạc đường mất rồi!"

Người phàm vội hỏi: "Vậy con phải làm thế nào đây? Con muốn trở về nhà!"

Đức Phật trả lời: "Dừng chân lại một chút, suy nghĩ rõ ràng, có lúc lui về phía sau lại chính là bước về phía trước".

Lần này, người phàm không khỏi thắc mắc: "Vì sao con không thấy được bóng dáng của ngài?"

Giọng nói của đức Phật tựa như lúc gần, lúc xa, hồi đáp rằng: "Con hãy vứt bỏ gánh nặng trên lưng mình, ngẩng đầu nhìn lên bầu trời, ta và con tưởng như xa tít chân trời, nhưng hóa ra lại gần ngay trước mắt…"

Hãy sống tốt, đừng quan tâm người khác nghĩ gì về bạn

Suy cho cùng, mọi đau khổ trong cuộc đời ở chốn hồng trần này đều do chúng ta gồng gánh trên lưng quá nhiều việc, ôm trong lòng quá nhiều khao khát mà mọi mê muội, thống khổ, tham lam, ích kỷ, đố kỵ…Vậy nên chúng ta đừng quá cứng nhắc và quan tâm nhiều đến suy nghĩ, đánh giá của người khác giành cho mình, thay vào đó hãy cứ sống tốt, sống thiện, ắt hẳn sau này quả ngọt sẽ đến với bạn. 

Lục Tổ Huệ Năng từng giảng: “Mọi phúc lành đều không tách khỏi chữ Tâm”. Vì có lương thiện cho nên biết đủ, vì có lương thiện mà biết thấu hiểu, bởi vì thấu hiểu cho nên từ bi, không so đo tranh giành, không ganh đua ân oán từ đó mà nội tâm thanh tịnh, an hòa, vui vẻ. Thiện lương chính là phẩm chất cao quý của con người, là kim chỉ nam cho mỗi chúng ta và cũng là nguồn tài sản vô giá cho mỗi người. Người thông minh chưa hẳn đã lương thiện, nhưng người lương thiện chắc chắn là người thông minh nhất. Vì vậy lương thiện chắc chắn là một loại trí tuệ, là một loại phúc lành.

Nhân sinh như mộng, quá lắm chỉ trăm năm. Bạn có trong đó 20 năm để sống vô tư và trưởng thành, thêm 20 năm để trải nghiệm cuộc sống và sống theo ý mình. Và có thêm 30 - 40 năm nữa để đón nhận những gì mình làm, mình sống, theo cách mình đã gieo, đã cư xử. Đó chính là luật nhân quả. Có những sự nhân quả nó sẽ theo ta đến tận kiếp sau. Nhưng có những "quả báo" nó sẽ đến với ta ngay trong kiếp này, rất nhanh. Khi bạn trao đi thiện lương, có thể bạn sẽ không nhận được sự báo đáp ngay trước mắt, nhưng nhất định vào một thời điểm khi duyên lành hội đủ, Trời xanh đã tự có an bài...

Nguồn: vuonhoaphatgiao.com

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

BIẾT LỖI LẦM CỦA CHÍNH MÌNH

 


Biết lỗi lầm của mình chính là giác ngộ; trong nhà Phật thường gọi là “khai ngộ”. Mọi người nghe nói đến “khai ngộ” thường nghĩ là rất u huyền.

Thế nào là khai ngộ? Biết chứng bệnh, biết lỗi lầm của mình (tức là những hành vi sai trái), sửa đổi cho đúng, người như vậy gọi là “tu hành”. Bởi vậy, quý vị phải biết là mỗi ngày ta đọc kinh, niệm Phật, lễ Phật có phải là tu hành hay không?

Không nhất định! Nếu như quý vị đối với mỗi hành vi trong cuộc sống chẳng hề cải biến tí ti nào, vẫn y hệt như cũ, dù mỗi ngày quý vị tụng kinh, niệm Phật, lễ Phật vẫn chẳng phải là tu hành, chẳng dính dáng gì đến tu hành chi cả! Quan niệm lầm lẫn, lời lẽ, hành vi sai trái của quý vị chẳng được sửa đổi cho đúng thì quý vị chẳng hề tu hành.

Ngàn vạn phần chớ nghĩ rằng mỗi ngày niệm mấy bộ kinh chính là tu hành, còn cảm thấy là mình tu hành khá lắm! Khi chẳng niệm kinh thì tâm không kiêu ngạo, niệm kinh rồi bèn tưởng mình là ghê gớm lắm. Tôi có thể thuộc lòng kinh Vô Lượng Thọ, mấy người còn thua tôi xa lắc! Như vậy là quý vị không niệm kinh thì không có phiền não đó, chẳng tạo tội nghiệp; sau khi quý vị thuộc kinh nhuần nhuyễn rồi, hằng ngày sanh phiền não, tạo tội nghiệp khắp mọi chỗ, đều là do hiểu lầm nghĩa chân thật của Như Lai. Phật dạy quý vị đọc thuộc là để thường nhớ kỹ trong lòng, mỗi khi khởi tâm động niệm bèn nhớ đến lời Phật dạy răn: Ta có nên suy nghĩ như thế hay chăng? Ta có nên nói lời như vậy hay chăng? Ta có nên làm những việc đó hay chăng? Mục đích của niệm kinh là như vậy.

Cho nên biết lỗi lầm của mình đấy chính là thật sự giác ngộ. “Khéo nói pháp giác ngộ như thế”, giác ngộ rồi bèn quay đầu.

Bài viết: "Biết lỗi lầm của chính mình"
(Trích Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh - phần 1)

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2022

ĂN GỪNG NÊN GỌT VỎ HAY ĂN CẢ VỎ? NHIỀU NGƯỜI ĐANG LÀM SAI MÀ KHÔNG BIẾT

 


Những thông tin mới này có thể sẽ thay đổi thói quen sơ chế gừng của bạn.

Nhiều người có thói quen gọt vỏ gừng trước khi chế biến, số khác lại chỉ rửa sạch rồi đập dập dùng luôn. Hầu hết mọi người đều làm theo thói quen chứ không hề biết việc bỏ vỏ hay ăn cả vỏ gừng có những ưu, nhược điểm riêng. Vậy cụ thể khi nào nên ăn gừng cả vỏ, khi nào nên gọt vỏ?

Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta đều có thể ăn gừng cả vỏ.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Dana Angelo White, vỏ gừng khá an toàn để tiêu thụ, không có độc tố. Vỏ còn chứa nhiều chất xơ khi so với phần còn lại của củ gừng.

Y học Trung Quốc cũng khuyên ăn gừng cả vỏ vì gừng có tính ấm, vị hăng; trong khi vỏ gừng tính mát tự nhiên, có vị cay nồng, tác dụng lợi tiểu, tiêu sưng. Hai thành phần này có thể bổ trợ cho nhau như một cặp âm dương, cân bằng dược tính của nhau. Đặc biệt, những người đang bị phù nề, táo bón, hôi miệng thì rất nên ăn gừng cả vỏ.

Ngược lại, do đặc tính của vỏ gừng nên y học cổ truyền vẫn khuyến cáo một số trường hợp nên gọt sạch vỏ khi ăn. Đó là:

- Người bị bệnh dạ dày, lá lách không ăn vỏ gừng vì vỏ gừng có tính mát, khi ăn cả vỏ có thể gây khó chịu cho tỳ vị, dạ dày.

- Người bị cảm lạnh nên bỏ vỏ gừng để giữ nguyên tính ấm của gia vị này, giúp giải cảm nhanh chóng.

- Khi nấu hải sản nên bỏ vỏ gừng vì vỏ có vị cay nồng sẽ làm ảnh hưởng tới hương vị món ăn.

Một số lưu ý khi ăn gừng

Không ăn gừng ban đêm

Uống trà gừng hay ngậm một lát gừng vào buổi sáng rất tốt cho sức khỏe, giúp tăng cường và tăng tốc lưu thông máu, thúc đẩy tiêu hóa và kháng khuẩn. Thế nhưng khi ăn gừng vào ban đêm, cơ thể sẽ bị nóng phừng phừng, không tốt cho giấc ngủ.

Không ăn gừng nẫu

Một nghiên cứu của FDA Hoa Kỳ cho thấy, safrole - một chất tồn tại trong củ gừng bị thối nẫu - có khả năng gây ung thư gan. Vì vậy khi thấy gừng có dấu hiệu chảy nước, mềm nhũn thì nên vứt bỏ ngay đi.

Không ăn gừng mọc mầm

Gừng mọc mầm mặc dù vẫn còn vị cay nhưng sẽ rất nguy hiểm vì khi chế biến nó có thể sinh ra chất lưu huỳnh, độc tố gây tổn thương cho gan. Khi ăn loại gừng này, dạ dày và ruột hấp thụ được rất ít chất dinh dưỡng, có khi còn làm cho tế bào gan nhiễm độc và biến tính, tổn hại tới công năng bài tiết của gan.

Nguồn: soha.vn

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2022

CON KHÔNG CÒN SỢ CÔ ĐƠN

 


Sống với lòng biết ơn, yêu thương mỗi ngày, tự khắc lòng mình sẽ nhẹ nhàng, thanh thản, an trú với những hạnh phúc dù là bé nhỏ.

Con xin nguyện thực tập sống chánh niệm, luôn quán chiếu thấy tất cả chúng sinh là cha mẹ, luôn nhớ nghĩ đến công ơn đức độ của Thầy, tập nhìn xuống để khởi tâm vị tha, sống xứng đáng với những gì cha mẹ, Thầy Tổ truyền trao. 

Con nguyện thực hành nhìn sâu để thấy trong con luôn có cha mẹ, luôn có Thầy bạn hiện hữu, học biết ơn những gì con đang có, giữ thân luôn chánh và tâm luôn chánh.

(Phỏng theo Sự thực tập 5 cái lạy của Sư ông Làng mai)

1. Cơ hội…

Một chiều những ngày cuối tháng Năm, ngồi bên hiên cửa nhìn mưa rơi – những cơn mưa rào mùa hè bất chợt đến rồi đi trong vội vã. Nếu là một ngày tháng Năm như trước, có lẽ tôi cũng đang bận rộn trong công việc, hay rong ruổi trên những chuyến tàu xe tấp nập người qua lại.

Nhưng năm nay, một năm thật đặc biệt, khi cả thế giới đang cùng vượt qua khủng hoảng dịch bệnh; bao mảnh đời đang bấp bênh vì mất việc, mất người thân; bao nhiêu số phận đã ra đi vì đói khát, bệnh tật. Ngồi nơi đây, tôi bỗng cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc biết nhường nào khi vẫn có nơi để ở, có thức ăn để ăn, gia đình vẫn hiện hữu, thân và tâm còn khoẻ mạnh an lạc.

Thời gian giãn cách xã hội vừa qua đã cho tôi cơ hội được trở về tìm lại con người thật của chính mình, có cơ hội nhìn lại suốt chặng đường đã qua. Tôi thấy được phải trân quý cuộc sống này hơn, phải cố gắng sống cho đáng kiếp người, không lãng phí từng phút giây.

Ngày mưa giăng, gió đổ về từng cơn, mây đen nặng trĩu bầu trời, cây lá xào xạc lay chuyển tựa vào nhau để cùng vượt qua giông tố. Tôi thắp nén trầm hương, bật chút nhạc thiền, gửi gắm vào đó chút lời tri ân.

2. Nhìn về thực tại

Có một người bạn đã hỏi tôi: “Phải làm gì khi sống một mình quá lâu? Không được ra ngoài, không được thoải mái gặp bạn bè chắc tự kỷ mất!”

Tôi chỉ biết nhẹ nhàng nhắn lại: “Cậu hãy thử theo dõi tình cảnh Ấn độ hiện tại, đọc những trang viết về đại dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu dân nhập cư lên thành phố kiếm tiền không về được quê, có người phải đi bộ hàng ngàn dặm để trở về nhìn con trai lần cuối, người con gái 15 tuổi đạp xe chở bố về quê giữa nắng hè oi bức vượt qua quãng đường vài trăm cây số đoàn tụ gia đình… Cái bức bối, tự kỷ mà cậu nói có lẽ sẽ chẳng là gì, khi cậu thấu hiểu được rằng hạnh phúc đơn giản là ta vẫn còn được sống, đủ ăn, đủ mặc, có nhà cửa để trở về. Vì chúng ta ích kỷ, chỉ luôn nghĩ tới riêng mình, những niềm vui nỗi buồn của chính mình nên tâm cáu ghét, phiền muộn dễ nảy sinh”. người bạn của tôi nhờ đó cũng tích cực lên được phần nào.

Nói tới đây, tôi chợt nghĩ đến cuộc đời của đức Phật, của những bậc Thầy đạo hạnh tu hành cả một đời. các Ngài đâu có bị trói buộc bởi phiền não khi sống một mình. Thái tử Tất-đạt-đa đã từ bỏ vương thành xa hoa, có người hầu hạ, hát ca vui vẻ suốt ngày mà dấn thân vào rừng sâu, núi hiểm, tu hành chứng quả vị Phật; Các bậc chân tu ngày đêm công phu, đâu cần phải ra ngoài tiếp xúc thật nhiều người, nói cười thỏa thích mà vẫn tỏa sáng từ dung, tràn đầy năng lượng an vui. Vì sao các Ngài làm được như vậy? có lẽ vì Tâm Bồ-đề, tâm nguyện vị tha vì chúng sinh của các Ngài quá lớn. còn chúng ta vì sống ích kỷ, chỉ nghĩ cho riêng mình, mình vui đã còn kệ người khác cho nên vẫn còn bị trói buộc trong phiền não khổ đau.

3. Con đường đã có

Nếu chúng ta, ai ai cũng nghĩ, cũng làm được như lời Phật dạy, sống cuộc đời như các vị tiền nhân đạo hạnh đã sống, thì xã hội sẽ bớt khổ đau nhiều lắm.

Tôi lại càng thấm thía những lời dạy từ Thầy tôi: “Đức Phật vì độ chúng sinh mà Ngài không ngại bất cứ hoàn cảnh nào. Tâm từ bi độ sinh của Ngài là bao la rộng lớn vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn. Ngay cả người anh em Đề-bà-đạt-đa cố ý hãm hại Ngài, nhưng Ngài vẫn một lòng độ tận. Hay khi Ngài cúi xuống lạy một đống xương khô tưởng chừng như vô tri vô giác, Ngài thành tâm cúi lạy bởi trong nắm xương khô đó có cả xương của cha mẹ Ngài nhiều đời nhiều kiếp”(1). Nghĩ và làm được như vậy quả không dễ dàng!

Chúng ta ngày nay, được cha mẹ sinh ra nuôi nấng, học hành, xây dựng sự nghiệp, gia đình. Nhưng chung quy vẫn là xây dựng cái hạnh phúc cá nhân, vì bản thân trước hết, còn mấy ai chịu hy sinh, chịu khó, chịu khổ vì nghĩ đến người khác. Có chăng chỉ vì tình yêu cố chấp mà sẵn sàng bỏ mạng; hay vì oán thù mà sát hại nhau bằng dao đâm, kiếm chém; hoặc vì hơn thua được mất mà dùng mưu hèn kế bẩn.

Nếu ai cũng nghĩ những người đến với ta, có duyên gặp ta đều là cha mẹ anh em ta, ta xin nguyện cầu cho họ được hạnh phúc, được chuyển hóa. Nguyện cho những người làm ta khổ sẽ tìm được niềm vui sống bởi chính họ cũng đang khổ đau. Làm được như vậy, quan hệ người với người sẽ tốt hơn biết nhường nào.

4. Ra đi để trở về

Cách đây vài năm khi cuộc sống vần xoay, tôi bắt đầu trải nghiệm cái gọi là “nếm mùi đời”. Nếm mùi đời, cuộc sống công việc quay như chong chóng, nếm mùi cảm xúc nhất thời của một đứa độc thân lăng xăng tìm bến đỗ, nếm mùi của parties – những cuộc vui chè chén chốn công sở bạn bè. Tôi hăng hái tham gia hết những gì có thể, không quản đường xa sức mệt. Âu có lẽ vì chưa biết nên muốn thử. Nhưng rồi mọi thứ cũng chỉ được một thời gian, bởi bản tính cả thèm chóng chán, hơn nữa cũng không hợp tính tình cho lắm.

Tôi đã không nhận ra mình quá may mắn khi còn có những người tiền bối, người Thầy, người bạn đạo đồng hành, có mặt trong những lúc nguy nan. Chỉ vì cái ngã quá lớn, cái tính bất cần, bồng bột mà quên hết lời Phật, lời Thầy. Tôi luôn hỏi tại sao Thầy luôn khắt khe, áp đặt mọi thứ như vậy, “Thầy có phải là con đâu mà biết?” Lúc ấy, tôi trách Thầy, trách bạn hữu nhiều hơn là cảm ơn.

Xa Thầy, xa bạn đạo quá lâu tôi dần nhận ra mình đã thiếu chánh niệm, thiếu tỉnh thức, đánh mất mình từ khi nào không hay.

Thời gian trôi đi, tôi bình tâm lại. Tìm về với lời dạy bảo từ Thầy, lời khuyên từ những người bạn đạo, tôi dần kéo mũi thuyền về lại đúng hướng, nếu không có lẽ giờ này thuyền tôi đã đâm vào tảng băng của tuyệt vọng, chán đời mà chìm nghỉm mất tích rồi.

Ngày hôm nay, khi nghe lại những lời dạy từ bi, tôi thấm thía hiểu ra rằng Thầy luôn vì chúng sinh, nhẫn nại khoan dung, dùng lời khuyên bảo. Tôi biết tôi đã sai, vì đã làm mà không biết xấu hổ, tôi đã không thực hành đầy đủ hạnh Tàm-Quý đối với chính mình.

Nhớ lại câu chuyện của ngài Xá-lợi-phất, một vị đại đệ tử của đức Như Lai, dù đã gần 80 tuổi nhưng Ngài luôn cung kính đối trước Phật. 7 ngày trước khi nhập Niết-bàn, Ngài còn quỳ xuống, bộc bạch trước đức Phật : “Thưa Thầy, con hạnh phúc khi đi theo Thầy, hơn 40 năm con được thân cận, học hỏi Thầy, một bậc toàn giác. trong suốt thời gian đó có điều gì từ thân, miệng, ý của con không phải cho con xin được sám hối!”(2).

Với tôi, đây là bài học lớn. Bởi tôi chưa làm được gì, chưa giúp được gì cho Tam bảo, cho chúng sinh mà trái lại còn trách móc, còn xa rời họ. Giống như một người có viên kim cương quý giá mà đem vứt bỏ đi vậy. Tôi tự nhủ phải luôn nhớ nghĩ về những thâm ân to lớn mà Thầy đã dành trao, nhớ về lòng từ bi của chư Phật, chư Tổ mà kính trọng, khắc ghi để sống cho xứng đáng.

Bao lớp học trò, thanh niên đến lại đi, cũng vì hai chữ “mưu sinh”, để rồi có mấy ai nhớ nghĩ về lời Thầy dạy, mà sống cho xứng đáng với kỳ vọng từ Thầy. Quên mất những tháng năm chúng ta còn bồng bột, Thầy đã đi tìm chúng ta. Với lòng từ mẫn, với hạnh nguyện đưa chúng ta vượt qua những khổ cùng sâu thẳm nhất của bể luân hồi, Thầy như vị lương y, như cơn mưa mát lành cứu thoát ta khỏi lửa cháy nơi ngục tù phiền não.

Những ngày qua nhìn sâu quán sát, tôi lại càng cảm thấy may mắn vì gặp được người Thầy tốt, những bạn đạo vững chãi trên con đường tu tập. Nghe có vẻ chẳng là gì giữa thế gian vật chất, nhưng với tôi đó là cả kho tàng.

5. Dưỡng nuôi hạt giống “Biết ơn”

Cuộc sống là chuỗi tháng ngày vất vả lo toan cơm áo gạo tiền, chúng ta dần quên đi những điều hạnh phúc nhỏ nhặt. Nhưng được cơ hội nhìn lại, tôi thầm cảm ơn, biết ơn cuộc đời, biết ơn những lời dạy của Phật, lời dạy của Thầy, của bạn đạo giúp tôi đứng vững giữa bão táp khổ đau.

Có lẽ cả cuộc đời tôi cũng không thể trả hết ân tình cao quý này. Tôi tự dặn với lòng, hãy sống chân thành, chăm sóc nuôi lớn hạt giống biết ơn, nguyện xin báo ơn, nghĩ tưởng quán chiếu khắp chúng sinh là cha mẹ, là Thầy Tổ để lòng từ bi thêm lớn, sống có ý nghĩa để không uổng phí kiếp người.

Sống với lòng biết ơn, yêu thương mỗi ngày, tự khắc lòng mình sẽ nhẹ nhàng, thanh thản, an trú với những hạnh phúc dù là bé nhỏ.

Liên Anh
Chú thích:
(1),(2): Khuyến phát Bồ đề tâm lược giảng

TIỂU ĐƯỜNG UỐNG CÀ PHÊ ĐƯỢC KHÔNG?

 


Nhiều người thường bắt đầu ngày mới với ly cà phê thơm ngây ngất, hương vị cuốn hút. Không chỉ ngon miệng, mà còn là nét văn hóa của người Việt, giúp tinh thần sảng khoái, làm việc hứng khởi. Cà phê có vị đắng, người bệnh đái tháo đường có thể pha thêm đường hoặc sữa không?

Theo bác sĩ Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. HCM, người bệnh hoàn toàn có thể pha thêm đường hoặc sữa tươi vào cà phê. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có bằng chứng xác định cụ thể số gram đường người bệnh đái tháo đường có thể tiêu thụ mỗi ngày. Với người bình thường, Hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo mức đường nhanh (đường kính, đường mía…) tiêu thụ mỗi ngày như sau: nam giới dùng khoảng 36 gram (9 muỗng trà, mỗi muỗng tương đương 4 gram); nữ giới dùng khoảng 25 gram (6 muỗng trà). Người bình thường nên sử dụng lượng ít hơn mức trên. Như vậy, người bệnh có thể thêm khoảng 1 – 2 muỗng cà  phê đường/sữa đặc để ly cà phê vừa thơm ngon vừa không gây tăng đường huyết. Đồng thời, nên uống trong bữa phụ để không tăng lượng đường trong máu.

Mỗi buổi sáng sáng uống một ly cà phê mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cà phê chứa caffeine – một loại chất kích thích tăng cường dẫn truyền xung thần kinh, có tác dụng cải thiện tâm trạng, trí nhớ, khả năng tập trung trong học tập cũng như công việc. Nhờ chứa thành phần polyphenol có tính chống oxy hóa, cà phê giúp trái tim khỏe mạnh, ngăn ngừa đột quỵ, ung thư,… Uống cà phê điều độ một ly mỗi ngày giúp giảm nguy cơ mất trí nhớ, suy giảm nhận thức, bệnh Alzheimer.

Ngoài ra, các thành phần chất chống oxy hóa trong cà phê có khả năng duy trì chức năng của các tế bào beta trong tuyến tụy và quá trình chuyển hóa trong cơ thể, từ đó duy trì sản xuất insulin điều chỉnh đường huyết, hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Người bệnh tiểu đường có thể lựa chọn nước uống khác thay thế cà phê

Bác sĩ Duy chia sẻ thêm, bên cạnh cà phê, người bệnh có thể sử dụng các loại nước uống ít chứa đường hoặc không chứa đường mà vẫn thơm ngon, giải khát. Cụ thể:

  • Trà xanh: nước nấu từ lá trà xanh không chứa calo, lại chứa nhiều chất chống oxy hóa như polyphenol có tác dụng chống ung thư, kháng khuẩn,… Người bệnh tiểu đường nên uống thường xuyên mỗi ngày tuy nhiên không nên uống quá nhiều hay uống trước bữa ăn làm loãng dịch dạ dày, lâu dần dẫn đến viêm dạ dày.
  • Nước chanh: trong những ngày hè, nước chanh là một trong những gợi ý để giải nhiệt dành cho người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, nên pha nước chanh với 1-2 muỗng cà phê đường hoặc 1-2 muỗng cà phê đường ăn kiêng cho người bệnh. Để ly nước chanh thêm hấp dẫn, có thể thêm một vài cọng sả, gừng hoặc vài lá bạc hà.
  • Sữa: nên chọn loại không đường, ít béo hoặc không béo. Trong 100 gram sữa có khoảng 50kcal, vì vậy, người bệnh chỉ nên uống khoảng 200ml/ngày. Trường hợp người bệnh không ăn uống được, có thể bổ sung sữa nhiều hơn để đảm bảo năng lượng cho hoạt động trong ngày.
  • Sữa hạt: để thay thế sữa bò, người bị đái tháo đường có thể chọn sữa hạt. Đặc biệt, đây là gợi ý hàng đầu dành cho những người ăn chay hoặc không dung nạp lactose. Một ly sữa hạnh nhân, sữa đậu nành, đậu phộng… thơm ngon sẽ giúp người bệnh vừa cung cấp dinh dưỡng cần thiết vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến đường huyết.
  • Người bệnh có thể chọn nhiều thức uống khác theo nhu cầu của cơ thể nhưng cần đảm bảo kiểm soát đường huyết ổn định để tránh các biến chứng nguy hiểm: bệnh tim, suy thận,… từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống.

  • Nguồn: tamanhhospital.vn

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2022

5 CÂU NÓI TỔN THƯƠNG TỰ TRỌNG CỦA CHỒNG, CÁC BÀ VỢ NHẤT ĐỊNH KHÔNG NÊN NÓI

 

                                                    Nguồn ảnh: zingnews

Lòng tự trọng và tự ái của chồng là điều mà những người vợ nên khắc cốt ghi tâm và tránh động chạm đến nếu không muốn “rước họa vào thân”.

Khổng Tử từng nói: “Nếu bạn không hiểu được sức mạnh của ngôn từ, bạn chưa thể hiểu được sức mạnh của con người”. Ông bà ta thì nhẹ nhàng hơn: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ngôn từ có sức mạnh rất to lớn và khó lường. Sử dụng hợp lý và uyển chuyển sẽ giúp bạn đỡ vất vả hơn trên đường đời, còn cẩu thả và bất cẩn sẽ khiến lời nói quay lại làm khó chính bạn.

Vậy nên trong mọi hoàn cảnh, tình huống, dù lúc tâm trạng tồi tệ nhất, đừng bao giờ vô tình hay dại dột thốt ra những câu nói hoặc có những hành động nông nổi để tránh phải ân hận hay khiến không khí gia đình nặng nề.

Các bà vợ hãy thử kiểm tra lại xem, bạn đã từng vô tình nói những câu nói sau với chồng chưa? Nếu có thì anh ấy có “dậy sóng” không?

1. “Họ là cha mẹ anh, không liên quan gì tới em”

Phụ nữ à, muốn được chồng tôn trọng và nắm giữ được trái tim người đàn ông của đời mình, nhất định nên học cách hiếu thuận với cha mẹ chồng. Nguyên nhân bởi trong lòng rất nhiều người con trai, cha mẹ là quan trọng nhất, đôi khi còn hơn cả vợ mình. Họ rất hy vọng vợ biết tôn ti trật tự, hiếu kính với cha mẹ mình.

Đạo làm người, chẳng phải “Trăm việc thiện, chữ Hiếu đứng đầu” (Bách thiện hiếu vi tiên) hay sao? Nếu một người đàn ông đến cả cha mẹ mình cũng không yêu quý trân trọng, thì có xứng làm người tốt, có thật sự coi trọng bạn? Vì vậy, là người vợ cần chú ý, dù trong lúc cáu giận nhất cũng không nên nói ra câu này. Nó sẽ gây tổn thương lớn tới chồng, từ đó họ sẽ vô cùng thất vọng về bạn.

2. “Rốt cuộc anh có phải là đàn ông không?”

Lòng tự trọng và tự tôn của người đàn ông là rất lớn. Không những vậy, họ cũng rất hy vọng được vợ tôn trọng và thừa nhận. Bởi vậy, là một người vợ đừng nên động một chút là nói với bạn đời câu này.

Một người đàn ông có chí tiến thủ thường rất coi trọng việc chăm sóc gia đình, con cái. Họ lăn lộn, vất vả với cuộc sống cũng chỉ vì mong muốn bạn và con cái có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Bởi vậy, là người đồng cam cộng khổ với chồng, bạn nên thấu hiểu, cảm thông điều đó. Cho dù họ làm chưa tốt hay chưa vừa ý bạn, cũng nên học cách bao dung cho họ, thông cảm cho họ. Có như vậy hôn nhân của hai người mới có thể bền lâu và tình cảm mới ngày càng tốt đẹp.

Kể cả khi anh ấy không chịu chí thú làm ăn, chăm lo cho vợ con, thì càng nói câu đó, anh ta sẽ càng mất tự tin hoặc bị đả kích mà mang tâm thái phản kháng, bất cần và chán nản.

Là phụ nữ, hãy học cách thông cảm cho chồng, ôn nhu, bao dung dịu dàng như nước. Vì nước chảy về chỗ thấp, giống như phụ nữ trong gia đình nên hạ mình xuống để nâng gia đình lên. Nước có tính nhu, dòng nước gặp phải chướng ngại vật biết tự động rẽ tránh, sẽ không đối đầu, thế nên vĩnh viễn nước không bị tổn thương. Nước biết nuôi dưỡng vạn vật, vạn vật sinh trưởng đều nhờ vào nước. Người phụ nữ dịu dàng như nước sẽ luôn có thể tìm thấy được điểm tốt ở người đàn ông, âm thầm khích lệ họ, khen ngợi họ. Những lời động viên ấy có thể giúp người đàn ông có thêm ý chí và nghị lực để vươn lên. Như vậy thì mối quan hệ của hai người mới có thể thân mật, khăng khít được.

3. “Anh nhìn chồng người ta kìa, anh đúng là đồ vô dụng”

Đàn ông sẽ dễ dàng nổi giận khi niềm kiêu hãnh bị tổn thương. Đàn ông tự xác định và chứng minh giá trị bản thân mình thông qua nghề nghiệp và những gì họ có thể cung cấp cho gia đình, cho những người họ yêu thương. Bởi thế, khi người vợ thốt ra câu nói này, nghĩa là bạn đã “tấn công” vào điểm yếu, vào sự tự ái và lòng tự tôn của chồng. Anh ấy sẽ cảm thấy bạn coi thường chồng, xem nhẹ những gì anh ấy đã nỗ lực làm vì vợ, vì con.

Chẳng người chồng nào cảm thấy dễ chịu khi bị vợ chê bai năng lực kiếm tiền và khả năng đóng góp cho gia đình sau những gì mà anh ấy đã cố gắng. Đây là câu nói tệ hại nhất khi bạn nói với người bạn đời của mình. Nếu bạn không muốn bị so sánh với bất kỳ ai, nhất là với người phụ nữ khác thì anh ấy cũng vậy.

So sánh chồng với người khác là sai lầm cơ bản để giết chết tình cảm vợ chồng. Làm như vậy chứng tỏ bạn chú ý nhiều hơn tới người đàn ông khác, đánh giá cao họ chứ không phải chồng mình. Đàn ông luôn muốn mình là người tốt nhất trong lòng vợ, anh ấy không bao giờ muốn trở thành thứ kém cỏi để vợ mang ra so sánh và hạ bệ với một người đàn ông khác.

4. “Phiền quá đi mất, em không cần anh lo việc của em”

Là người vợ, người mẹ trong gia đình hãy ghi nhớ rằng, trong bất kể hoàn cảnh nào, dù có cáu giận đến mấy cũng đừng nên nói những câu tương tự như “Anh tránh xa ra một chút, đừng tìm cách quản thúc em, hãy để tôi yên…”. Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao anh ấy lại muốn quản việc của mình? Vì trong lòng anh ấy bạn vẫn còn vị trí vô cùng quan trọng. Vì hy vọng bạn có thể tốt hơn lên, vui vẻ và hạnh phúc nên mới hỏi thêm một vài điều. Đừng nên coi những lời đó là phiền phức, là chồng muốn quản giáo mình. Ngược lại hãy nên cảm ơn anh vì sự quan tâm đó. Có như vậy, hôn nhân của bạn mới có thể hạnh phúc.

5. “Chồng tôi có nhiều tật xấu lắm”

Đừng nên đi kể với người khác về những tật xấu của chồng. Nếu bạn mang những điều đó ra “buôn”, khi chồng bạn biết anh ta sẽ vô cùng tức giận. Nguyên nhân vì bạn đã mang những điều riêng tư bí mật của gia đình đi kể lể. Nếu muốn tìm chủ đề cho cuộc trò chuyện tán gẫu với bạn bè, hãy học cách tìm những điểm tốt của chồng, để anh ấy thực sự tốt đẹp trong mắt mọi người.

Giữ gìn danh dự cho chồng là biểu hiện tốt nhất của sự tôn trọng mà một người vợ nên làm. Khi chồng cảm nhận được sự tôn trọng này, anh sẽ càng tăng cường sự tự tin vào bản thân, tin tưởng mình có khả năng gánh vác trọng trách làm một người chồng, người cha tốt. Từ đó cũng tin tưởng hôn nhân của mình sẽ càng ngày càng tốt đẹp hơn và niềm tin này chính là phần thưởng tốt nhất cho bạn.

Nguồn: DKN (Kiên Định)

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2022

LÀ PHỤ NỮ, HÃY ƯU NHÃ GIỐNG NHƯ MỘT QUYỂN SÁCH

 

Ảnh: Guu

Phụ nữ, có thể dịu dàng như hoa như nước, nhưng càng phải ưu nhã giống như một quyển sách. Bởi sách sẽ không bị tác động bởi thời gian, không vì ngoại cảnh xung quanh mà thay đổi…

Người ta thường nói, phụ nữ giống như một đóa hoa, bởi vì hoa đại diện cho sự thanh tao, mỹ lệ. Thế nhưng, hoa lại dễ dàng héo úa.

Cũng có người nói, phụ nữ tựa như nước, bởi vì nước mềm mại, thanh tịnh; nhưng cũng đừng quên, hình dáng của nước sẽ thay đổi khi vật chứa đựng của nó thay đổi.

Phụ nữ, có thể như hoa như nước, nhưng càng phải giống như một quyển sách. Sách, sẽ không vì thời gian trôi qua mà tàn lụi, cũng không bởi vì giá sách khác nhau mà thay đổi hình dạng hoặc nội dung.

Sách, chỉ lặng lẽ tồn tại trên thế gian, cho dù người khác có đọc hay không đọc, nó vẫn yên vị ở đó. Cho nên, người phụ nữ hãy giống như một quyển sách. Phụ nữ như sách, có thể cả đời tự mình bảo trì, tự mình tỏa sáng.

Sách nếu muốn thu hút được càng nhiều độc giả hơn nữa, thuyết phục được những người khó tính nhất, thì nhất định phải có nội hàm phong phú, phải chú trọng đến vẻ bề ngoài. Cho nên, nữ nhân hãy nên giống như một quyển sách. Phụ nữ như sách, có thể không ngừng siêu việt chính mình, rực rỡ chính mình

Phụ nữ có thể làm được giống như sách cũng không phải chuyện dễ dàng, nhất định cần phải có nội hàm về văn hóa, có trình độ tu dưỡng và sự từng trải về nhân sinh.

Sự ưu nhã của người phụ nữ phần lớn đều đến từ chỗ thâm sâu trong nội tâm, là ánh trăng dưới hồ nước, là đóa hoa quỳnh lẳng lặng khai nở giữa trời đêm. Phụ nữ như vậy, chính là người trong sáng thuần khiết, có nét dịu dàng tựa như nước, là người phụ nữ khéo hiểu lòng người.

Sự ưu nhã của người phụ nữ còn ở đức hạnh. Người phụ nữ mà tâm tính bất thiện, thì cho dù sở hữu vẻ đẹp khuynh quốc, cho dù cô ấy có tài năng xuất chúng, cũng không phải là phụ nữ ưu tú khả ái.

Phụ nữ như sách, tĩnh tựa nước lặng, động tựa sóng gợn. Nhà văn Chu Tự Thanh từng có một đoạn miêu tả về người phụ nữ như sau: “Nữ nhân ôn nhu tựa như không khí, như nghe tiếng tiêu, như ngửi hoa hồng, như nước mát, như sương như khói bao phủ chúng ta. Nữ nhân mỉm cười giống như đóa hoa khai nở, bên trong tràn đầy thơ họa, còn có âm nhạc không lời”.

Phụ nữ như sách, thường hiểu được nội ngoại kiêm tu, hiểu được điểm yếu của chính mình. Họ ở những độ tuổi khác nhau, phong cách khác nhau, nhưng lại khiến người đọc bị cuốn vào trong một thế giới đầy thú vị.

Khi còn nhỏ, nữ nhân tựa như một bức tranh lung linh; đến tuổi thanh xuân, thiếu nữ tựa như vần thơ đầy ý vị; 30 tuổi nữ nhân tựa như văn xuôi dào dạt; 40 tuổi phụ nữ giống như những câu nói đầy triết lý, ý vị sâu xa; 50 tuổi nữ nhân tựa như cuốn tiểu thuyết phong phú, từng tình tiết đều khiến người ta mê đắm; 60 tuổi, nữ nhân thực sự là một tản văn, khiến cho người cảm động từ đáy lòng, khó có thể từ bỏ.

Phụ nữ tựa như sách, giữa những hàng chữ đều là nhân sinh. Trang sách ở bên trong viết ngây thơ, viết đơn thuần, viết truy cầu, viết cố gắng, viết yêu, viết tình, viết lý trí, viết bao dung, viết lương thiện, viết kiên cường, viết cảm ân, viết bình thản, viết hạnh phúc… cũng chính như tấm lòng của người phụ nữ vậy.

Tuệ Tâm


Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2022

TRONG TÂM MỖI NGƯỜI ĐỀU CÓ MỘT LỖ THỦNG, BẠN ĐÃ BIẾT NÓ LÀ GÌ CHƯA?

 

Ảnh Internet

Tại võ quán trên núi Võ Đang, các môn sinh ngày đêm rèn luyện chờ ngày tỉ thí, so tài để được chọn làm chưởng môn. Trong môn phái có năm huynh đệ võ công cao cường. Tam đệ giỏi nhất nhưng vì quá giỏi nên bị mọi người đố kỵ, lúc nào cũng đơn độc một mình…

Mọi việc nặng nhọc, các huynh đệ đều bắt tam đệ phải làm hết nhưng cậu vẫn cam chịu không một lời oán trách. Họ cho rằng như thế sẽ khiến tam đệ không còn thời gian luyện tập võ công. Để chắc chắn hơn, vị huynh trưởng còn tập hợp mọi người lại giao hẹn rằng ai bốc thăm đấu với tam đệ thì phải ra tay tàn độc để loại bỏ cậu ta.

Trước khi bắt đầu thi đấu, sư phụ trong võ quán cho biết cuộc thi gồm có 3 phần: Luận võ công, luận khinh công và luận võ học. Sư phụ nhắc mọi người trong lúc giao đấu không được ra độc chiêu để tránh gây sát thương cho đồng môn của mình.

Thế nhưng ở phần đấu võ trong các vòng loại, tam đệ đã bị các huynh đệ ra tay hết sức tàn độc. Dù chiến thắng nhưng cậu bị thương khá nặng. Khi vào đến vòng trong, vị huynh trưởng chẳng tốn chút sức lực nào để hạ gục tam đệ.

Phần thi khinh công, sư phụ đưa cho các đệ tử những chiếc thùng đựng nước bị thủng, yêu cầu họ vận dụng khinh công đưa nước từ bờ sông quay về đổ đầy chum lớn. Các đệ tử thi nhau ra sức mà vẫn không thể đổ đầy nước được. Họ thậm chí còn chẳng thể mang được chút nước nào về khi thùng nước đều thủng một miếng lớn ngay dưới đáy.

Tam đệ vì bị thương nặng ở phần đấu võ nên sớm phải đầu hàng ở thử thách này. Còn vị huynh trưởng còn đầy sức vóc mà cũng chẳng thể làm gì hơn, càng ra sức càng vô ích, rốt cuộc chỉ là dã tràng xe cát, trong tâm vô cùng khó chịu.

Bước vào phần luận võ học sư phụ yêu cầu các đệ tử giải thích vì sao không thể đổ nước đầy chum trong phần thi khinh công vừa rồi. Vị huynh trưởng nhẫn nhịn nãy giờ không nổi nữa, bèn lên tiếng: “Thưa sư phụ, người đưa cho chúng con cái thùng bị thủng thế kia, ngay từ đầu đã biết trước rằng không thể đổ đầy được rồi. Khinh công có giỏi mấy cũng không thể giữ nước bên trong một cái thùng thủng đáy“.

Tam đệ bấy giờ mới bước lên thưa rằng: “Thưa sư phụ, là bởi tại con bất tài, không đủ sức chắt chiu từng giọt mà mang về. Chiếc thùng tuy thủng nhưng không phải là không đựng nước nổi nữa. Chỉ vì con bị thương quá nặng ở vòng trước nên mới phải chịu thua cuộc sớm mà thôi!“.

Sư phụ nhìn tam đệ, ôn tồn nói: “Không phải vì thùng thủng đáy mà chính là tâm con không lành lặn. Con mang đầy thù hận với các huynh đệ đã ra tay hãm hại mình, đánh con trọng thương. Tâm con đã thủng một lỗ lớn như vậy, dẫu chiếc thùng không thủng thì liệu có thể vượt qua bài thi chăng?“.

Đoạn, sư phụ lại quay sang nghiêm nghị dạy bảo huynh trưởng: “Ngươi là huynh trưởng, được học nhiều đạo lý, lẽ ra phải làm gương cho các huynh đệ của mình. Nhưng trong lòng ngươi lại chứa đầy sân hận, tham lam đố kỵ, tranh đoạt không thôi, lại xúi bẩy các huynh đệ khác tiếp tay hại tam đệ của mình.

Thành kiến ấy đã đục thành một cái lỗ lớn trong tâm tưởng ngươi, càng khiến ngươi không thể đạt được gì, cũng giống như cái thùng bị thủng kia, không giữ được chút nước nào”.

Rồi sư phụ nhìn các đệ tử khắp một lượt, ôn tồn giảng: “Tâm của mỗi người đều là có một lỗ thủng, hoặc là thành kiến, ghen ghét, đố kỵ hoặc là nghi ngờ vô căn cứ, hèn nhát, nóng nảy, thù hận… Ai cũng có lỗ thủng đó, chỉ là mỗi người có một cái khác nhau mà thôi.

Trong tâm có lỗ thủng thì chẳng thể khoan dung, dung chứa được người khác, chẳng thể tiếp nhận được bất kể điều tốt đẹp nào. Chỉ có loại bỏ chúng đi thì tâm người ta mới được bồi đắp hoàn thiện, tấm lòng mới đỡ chật hẹp vậy!”.

Sau đó, sư phụ thông báo rằng trong cuộc thi hôm nay tất cả đều thất bại, không ai xứng lên làm chưởng môn kế tục sự nghiệp của ông. Các đệ tử được dặn dò phải chú trọng rèn luyện tâm tính, trừ bỏ đố kỵ, ganh ghét. Nếu ai còn bày mưu hãm hại đồng môn thì sẽ bị đuổi ra khỏi võ quán.

Các đệ tử được dặn dò phải chú trọng rèn luyện tâm tính, trừ bỏ đố kỵ, ganh ghét.

Sự ganh ghét, đố kỵ luôn là khởi nguồn của những bi kịch. Vì ganh ghét mà huynh đệ mưu hại lẫn nhau, tranh quyền đoạt lợi, không còn coi trọng võ đức nữa.

Lòng ganh ghét là biểu hiện của sự ích kỷ, nhỏ nhen. Người ta bởi quan niệm đối nghịch, luôn luôn đối đầu để hạ uy tín, hãm hại nhau. Trong võ quán kia chỉ cần phảng phất chút thành kiến, đố kỵ là nội bộ lủng củng, tình huynh đệ chẳng còn, mọi người không còn có thể sống chân tình với nhau được nữa.

Có người thể hiện lòng ganh ghét, đố kỵ ra ngoài nhưng có người lại chôn kín nó trong lòng, âm thầm hãm hại người khác. Một khi thấy ai đó có thành tích, địa vị, vinh dự, võ công hơn mình là liền nảy sinh ganh ghét, đố kỵ. Đức Phật chẳng phải đã từng dạy đó sao: “Khổ tâm lớn nhất của đời người là sự ganh ghét, đố kỵ”.

Một khi tâm danh lợi của người ta nổi lên là không muốn ai có được danh tiếng hay thành tựu hơn mình. Họ luôn coi chính mình là trung tâm vũ trụ, là tài giỏi hơn người, chỉ muốn một mình thống lĩnh cả thế giới. Nhưng cũng vì thế mà họ ngày đêm lo lắng, sợ hãi, mệt mỏi, phải tìm đủ cách để triệt hạ người khác.

Những người như vậy dù có học được võ công cao cường, tài nghệ siêu việt thì rốt cuộc cũng chỉ có thể gây họa cho đời mà thôi. Sư phụ, người làm thầy cũng chỉ cần những đệ tử có đức cao, sẽ chỉ truyền dạy tinh hoa chân truyền cho họ. Những đệ tử thiếu phẩm đức sẽ chỉ mang lại tai tiếng, làm mất thanh danh bao đời mà sư phụ đã khổ công gây dựng nên vậy.

Nguyệt Hòa
Theo DKN