Thứ Ba, 26 tháng 7, 2022

CON KHÔNG CÒN SỢ CÔ ĐƠN

 


Sống với lòng biết ơn, yêu thương mỗi ngày, tự khắc lòng mình sẽ nhẹ nhàng, thanh thản, an trú với những hạnh phúc dù là bé nhỏ.

Con xin nguyện thực tập sống chánh niệm, luôn quán chiếu thấy tất cả chúng sinh là cha mẹ, luôn nhớ nghĩ đến công ơn đức độ của Thầy, tập nhìn xuống để khởi tâm vị tha, sống xứng đáng với những gì cha mẹ, Thầy Tổ truyền trao. 

Con nguyện thực hành nhìn sâu để thấy trong con luôn có cha mẹ, luôn có Thầy bạn hiện hữu, học biết ơn những gì con đang có, giữ thân luôn chánh và tâm luôn chánh.

(Phỏng theo Sự thực tập 5 cái lạy của Sư ông Làng mai)

1. Cơ hội…

Một chiều những ngày cuối tháng Năm, ngồi bên hiên cửa nhìn mưa rơi – những cơn mưa rào mùa hè bất chợt đến rồi đi trong vội vã. Nếu là một ngày tháng Năm như trước, có lẽ tôi cũng đang bận rộn trong công việc, hay rong ruổi trên những chuyến tàu xe tấp nập người qua lại.

Nhưng năm nay, một năm thật đặc biệt, khi cả thế giới đang cùng vượt qua khủng hoảng dịch bệnh; bao mảnh đời đang bấp bênh vì mất việc, mất người thân; bao nhiêu số phận đã ra đi vì đói khát, bệnh tật. Ngồi nơi đây, tôi bỗng cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc biết nhường nào khi vẫn có nơi để ở, có thức ăn để ăn, gia đình vẫn hiện hữu, thân và tâm còn khoẻ mạnh an lạc.

Thời gian giãn cách xã hội vừa qua đã cho tôi cơ hội được trở về tìm lại con người thật của chính mình, có cơ hội nhìn lại suốt chặng đường đã qua. Tôi thấy được phải trân quý cuộc sống này hơn, phải cố gắng sống cho đáng kiếp người, không lãng phí từng phút giây.

Ngày mưa giăng, gió đổ về từng cơn, mây đen nặng trĩu bầu trời, cây lá xào xạc lay chuyển tựa vào nhau để cùng vượt qua giông tố. Tôi thắp nén trầm hương, bật chút nhạc thiền, gửi gắm vào đó chút lời tri ân.

2. Nhìn về thực tại

Có một người bạn đã hỏi tôi: “Phải làm gì khi sống một mình quá lâu? Không được ra ngoài, không được thoải mái gặp bạn bè chắc tự kỷ mất!”

Tôi chỉ biết nhẹ nhàng nhắn lại: “Cậu hãy thử theo dõi tình cảnh Ấn độ hiện tại, đọc những trang viết về đại dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu dân nhập cư lên thành phố kiếm tiền không về được quê, có người phải đi bộ hàng ngàn dặm để trở về nhìn con trai lần cuối, người con gái 15 tuổi đạp xe chở bố về quê giữa nắng hè oi bức vượt qua quãng đường vài trăm cây số đoàn tụ gia đình… Cái bức bối, tự kỷ mà cậu nói có lẽ sẽ chẳng là gì, khi cậu thấu hiểu được rằng hạnh phúc đơn giản là ta vẫn còn được sống, đủ ăn, đủ mặc, có nhà cửa để trở về. Vì chúng ta ích kỷ, chỉ luôn nghĩ tới riêng mình, những niềm vui nỗi buồn của chính mình nên tâm cáu ghét, phiền muộn dễ nảy sinh”. người bạn của tôi nhờ đó cũng tích cực lên được phần nào.

Nói tới đây, tôi chợt nghĩ đến cuộc đời của đức Phật, của những bậc Thầy đạo hạnh tu hành cả một đời. các Ngài đâu có bị trói buộc bởi phiền não khi sống một mình. Thái tử Tất-đạt-đa đã từ bỏ vương thành xa hoa, có người hầu hạ, hát ca vui vẻ suốt ngày mà dấn thân vào rừng sâu, núi hiểm, tu hành chứng quả vị Phật; Các bậc chân tu ngày đêm công phu, đâu cần phải ra ngoài tiếp xúc thật nhiều người, nói cười thỏa thích mà vẫn tỏa sáng từ dung, tràn đầy năng lượng an vui. Vì sao các Ngài làm được như vậy? có lẽ vì Tâm Bồ-đề, tâm nguyện vị tha vì chúng sinh của các Ngài quá lớn. còn chúng ta vì sống ích kỷ, chỉ nghĩ cho riêng mình, mình vui đã còn kệ người khác cho nên vẫn còn bị trói buộc trong phiền não khổ đau.

3. Con đường đã có

Nếu chúng ta, ai ai cũng nghĩ, cũng làm được như lời Phật dạy, sống cuộc đời như các vị tiền nhân đạo hạnh đã sống, thì xã hội sẽ bớt khổ đau nhiều lắm.

Tôi lại càng thấm thía những lời dạy từ Thầy tôi: “Đức Phật vì độ chúng sinh mà Ngài không ngại bất cứ hoàn cảnh nào. Tâm từ bi độ sinh của Ngài là bao la rộng lớn vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn. Ngay cả người anh em Đề-bà-đạt-đa cố ý hãm hại Ngài, nhưng Ngài vẫn một lòng độ tận. Hay khi Ngài cúi xuống lạy một đống xương khô tưởng chừng như vô tri vô giác, Ngài thành tâm cúi lạy bởi trong nắm xương khô đó có cả xương của cha mẹ Ngài nhiều đời nhiều kiếp”(1). Nghĩ và làm được như vậy quả không dễ dàng!

Chúng ta ngày nay, được cha mẹ sinh ra nuôi nấng, học hành, xây dựng sự nghiệp, gia đình. Nhưng chung quy vẫn là xây dựng cái hạnh phúc cá nhân, vì bản thân trước hết, còn mấy ai chịu hy sinh, chịu khó, chịu khổ vì nghĩ đến người khác. Có chăng chỉ vì tình yêu cố chấp mà sẵn sàng bỏ mạng; hay vì oán thù mà sát hại nhau bằng dao đâm, kiếm chém; hoặc vì hơn thua được mất mà dùng mưu hèn kế bẩn.

Nếu ai cũng nghĩ những người đến với ta, có duyên gặp ta đều là cha mẹ anh em ta, ta xin nguyện cầu cho họ được hạnh phúc, được chuyển hóa. Nguyện cho những người làm ta khổ sẽ tìm được niềm vui sống bởi chính họ cũng đang khổ đau. Làm được như vậy, quan hệ người với người sẽ tốt hơn biết nhường nào.

4. Ra đi để trở về

Cách đây vài năm khi cuộc sống vần xoay, tôi bắt đầu trải nghiệm cái gọi là “nếm mùi đời”. Nếm mùi đời, cuộc sống công việc quay như chong chóng, nếm mùi cảm xúc nhất thời của một đứa độc thân lăng xăng tìm bến đỗ, nếm mùi của parties – những cuộc vui chè chén chốn công sở bạn bè. Tôi hăng hái tham gia hết những gì có thể, không quản đường xa sức mệt. Âu có lẽ vì chưa biết nên muốn thử. Nhưng rồi mọi thứ cũng chỉ được một thời gian, bởi bản tính cả thèm chóng chán, hơn nữa cũng không hợp tính tình cho lắm.

Tôi đã không nhận ra mình quá may mắn khi còn có những người tiền bối, người Thầy, người bạn đạo đồng hành, có mặt trong những lúc nguy nan. Chỉ vì cái ngã quá lớn, cái tính bất cần, bồng bột mà quên hết lời Phật, lời Thầy. Tôi luôn hỏi tại sao Thầy luôn khắt khe, áp đặt mọi thứ như vậy, “Thầy có phải là con đâu mà biết?” Lúc ấy, tôi trách Thầy, trách bạn hữu nhiều hơn là cảm ơn.

Xa Thầy, xa bạn đạo quá lâu tôi dần nhận ra mình đã thiếu chánh niệm, thiếu tỉnh thức, đánh mất mình từ khi nào không hay.

Thời gian trôi đi, tôi bình tâm lại. Tìm về với lời dạy bảo từ Thầy, lời khuyên từ những người bạn đạo, tôi dần kéo mũi thuyền về lại đúng hướng, nếu không có lẽ giờ này thuyền tôi đã đâm vào tảng băng của tuyệt vọng, chán đời mà chìm nghỉm mất tích rồi.

Ngày hôm nay, khi nghe lại những lời dạy từ bi, tôi thấm thía hiểu ra rằng Thầy luôn vì chúng sinh, nhẫn nại khoan dung, dùng lời khuyên bảo. Tôi biết tôi đã sai, vì đã làm mà không biết xấu hổ, tôi đã không thực hành đầy đủ hạnh Tàm-Quý đối với chính mình.

Nhớ lại câu chuyện của ngài Xá-lợi-phất, một vị đại đệ tử của đức Như Lai, dù đã gần 80 tuổi nhưng Ngài luôn cung kính đối trước Phật. 7 ngày trước khi nhập Niết-bàn, Ngài còn quỳ xuống, bộc bạch trước đức Phật : “Thưa Thầy, con hạnh phúc khi đi theo Thầy, hơn 40 năm con được thân cận, học hỏi Thầy, một bậc toàn giác. trong suốt thời gian đó có điều gì từ thân, miệng, ý của con không phải cho con xin được sám hối!”(2).

Với tôi, đây là bài học lớn. Bởi tôi chưa làm được gì, chưa giúp được gì cho Tam bảo, cho chúng sinh mà trái lại còn trách móc, còn xa rời họ. Giống như một người có viên kim cương quý giá mà đem vứt bỏ đi vậy. Tôi tự nhủ phải luôn nhớ nghĩ về những thâm ân to lớn mà Thầy đã dành trao, nhớ về lòng từ bi của chư Phật, chư Tổ mà kính trọng, khắc ghi để sống cho xứng đáng.

Bao lớp học trò, thanh niên đến lại đi, cũng vì hai chữ “mưu sinh”, để rồi có mấy ai nhớ nghĩ về lời Thầy dạy, mà sống cho xứng đáng với kỳ vọng từ Thầy. Quên mất những tháng năm chúng ta còn bồng bột, Thầy đã đi tìm chúng ta. Với lòng từ mẫn, với hạnh nguyện đưa chúng ta vượt qua những khổ cùng sâu thẳm nhất của bể luân hồi, Thầy như vị lương y, như cơn mưa mát lành cứu thoát ta khỏi lửa cháy nơi ngục tù phiền não.

Những ngày qua nhìn sâu quán sát, tôi lại càng cảm thấy may mắn vì gặp được người Thầy tốt, những bạn đạo vững chãi trên con đường tu tập. Nghe có vẻ chẳng là gì giữa thế gian vật chất, nhưng với tôi đó là cả kho tàng.

5. Dưỡng nuôi hạt giống “Biết ơn”

Cuộc sống là chuỗi tháng ngày vất vả lo toan cơm áo gạo tiền, chúng ta dần quên đi những điều hạnh phúc nhỏ nhặt. Nhưng được cơ hội nhìn lại, tôi thầm cảm ơn, biết ơn cuộc đời, biết ơn những lời dạy của Phật, lời dạy của Thầy, của bạn đạo giúp tôi đứng vững giữa bão táp khổ đau.

Có lẽ cả cuộc đời tôi cũng không thể trả hết ân tình cao quý này. Tôi tự dặn với lòng, hãy sống chân thành, chăm sóc nuôi lớn hạt giống biết ơn, nguyện xin báo ơn, nghĩ tưởng quán chiếu khắp chúng sinh là cha mẹ, là Thầy Tổ để lòng từ bi thêm lớn, sống có ý nghĩa để không uổng phí kiếp người.

Sống với lòng biết ơn, yêu thương mỗi ngày, tự khắc lòng mình sẽ nhẹ nhàng, thanh thản, an trú với những hạnh phúc dù là bé nhỏ.

Liên Anh
Chú thích:
(1),(2): Khuyến phát Bồ đề tâm lược giảng

Không có nhận xét nào: