Giữa những nỗi tủi hổ của dân tộc và sự chỉ trích lẫn nhau, một gợn nước nhỏ bé hy vọng sẽ trở thành cơn sóng lớn cuốn trôi những gì được đặt tên là xấu xí trong tác phong, lối sống của người Việt hiện đại.
Thay vì cứ nói mãi về những điều chưa được, chúng ta hãy cùng thực hành với sự rộng lượng và đốc thúc lẫn nhau. Bởi cái xấu chỉ có thể bị đẩy lùi bởi cái Thiện.
Chúng ta thường hay nghe thấy cụm từ “thuần phong mỹ tục”, thậm chí còn có cả dự thảo về quy tắc ứng xử nơi công cộng trong đó có nêu vấn đề trang phục cần phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Nhưng chắc rằng khá nhiều người trong chúng ta không biết hoặc không thể định nghĩa khái niệm này. Và thực tế là đã có rất nhiều ý kiến trái chiều quanh dự thảo kia, chủ yếu từ giới trẻ, vì họ cần một sự rõ ràng hơn về thế nào là “thuần phong mỹ tục”, bởi có chế tài cho việc vi phạm thì cũng cần một khái niệm cụ thể, một ranh giới để tuân theo.
Xét về câu từ, thuần phong mỹ tục có nghĩa là phong tục thuần hậu, tục lệ tốt đẹp. Chữ thuần trong tiếng Hán là mộc mạc, chất phác, trong sạch. Theo bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì “phong” là nền nếp đã lan truyền rộng rãi, “tục” là thói quen lâu đời.
Trong cuốn “Thuần phong mỹ tục Việt Nam” của tác giả Sơn Nam có giải thích rằng “thuần phong mỹ tục” nôm na là ăn ở “lịch sự”. Lịch sự không chỉ là hình thức bề ngoài mà còn chỉ cách ứng xử với người trong gia đình, dòng họ, xã hội sao cho đúng phép tắc, lễ nghĩa. Vậy nên thuần phong mỹ tục bao hàm rất nhiều mặt của đời sống.
Có người cho rằng cứ cái gì mà các cụ thấy “chướng tai gai mắt” thì đó là trái với thuần phong mỹ tục. Thế nên thước đo của thuần phong mỹ tục lại phụ thuộc vào quan niệm của “các cụ” mà thôi.
Thời thế thay đổi, xã hội đổi thay, có thể một lúc nào đó quan niệm của các cụ không còn phù hợp với đám con cháu nữa, thì có cần giữ cái thuần phong mỹ tục đó nữa không?
Đó có thể là lý lẽ của các bạn trẻ mặc áo ba lỗ, quần đùi dép tông loẹt quẹt ra ngoài đường; là lý lẽ của những người ăn uống nhồm nhoàm ngồi gác chân lên ghế trong hàng ăn; của những người chen lấn xô đẩy trong siêu thị; của những anh chàng cô nàng mà lời đầu môi luôn là một từ chửi tục…
Nhưng thiết nghĩ, những tác phong, nề nếp, thói quen đã được lan truyền và gìn giữ lâu đời nghĩa là đã trải qua sự kiểm nghiệm khắt khe của thời gian.
Những gì chúng ta thấy là không phù hợp với thời đại mới chưa chắc là do nó không đúng, có thể là do thời đại mới này đang lệch dần so với đạo đức thuần hậu xưa kia mà thôi.
Chẳng phải nhiều người trong chúng ta, cũng chưa đến mức lên lão, cũng có thuộc thế hệ 8x, 7x, sống trong xã hội “văn minh” này lại ước “bao giờ cho tới ngày xưa” hay sao? Chẳng phải có những thứ xưa nhưng không bao giờ là cũ bởi nó phù hợp với một thứ tiêu chuẩn vô hình mà mỗi người chúng ta đều chỉ có thể cảm nhận được, đó là Tốt và Xấu.
Thời nay người ta thích nhanh, thoáng, tiện, mọi người đều đề cao tự do cá nhân vì đó là quyền cơ bản của con người. Nhưng mọi sự tự do cá nhân đều phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng tự do và quyền lợi của người khác nữa.
“Các cụ” ngày xưa làm gì cũng nghĩ tới việc người khác sẽ cảm nhận ra sao, chỉ cần làm người đối diện thấy hơi chút bất tiện hay bối rối là đã không nên làm rồi chứ đừng nói là để họ phải bực bội hay thiệt thòi.
Cụ Hoàng Đạo Thúy từng viết: “Cái ‘thuần phong mỹ tục’ ấy xây dựng từ người lớn đến trẻ con… Các thầy đồ dạy học trò ‘cái mà mình không muốn, thì đừng làm cho người’. Bà cụ dặn cháu ‘được lòng ta, xót xa lòng người’.
Trẻ con khua trống, bố mẹ bảo ‘đừng làm điếc tai hàng xóm!’ Cái rãnh nước bẩn cho vào cống thấm, chớ không cho chảy ra đường. Trẻ em chơi với nhau, hay cãi nhau, bố dặn: ‘Khéo không việc trẻ con lại làm mất lòng người lớn!’ Ra quét hè, tiện chổi, quét sang cả hè hàng xóm…”
Có những tục lệ, lễ nghi rườm rà, cực đoan không còn thích hợp thì tự nó sẽ mai một, nhưng những điều đã trở thành thuần phong mỹ tục thì chỉ giúp ước thúc chúng ta hành động, cư xử tốt đẹp hơn mà thôi. Bạn có thể phá vỡ nó, nhưng không thể phủ nhận nó.
Thuần phong mỹ tục bao gồm rất nhiều mặt của cuộc sống, từ việc ăn ở với hàng xóm, khu phố ra sao, giao tiếp với mọi người thế nào, cho tới hành động nhỏ khi đưa cho ai cái gì… tất cả đều thể hiện con người bạn ở trong đó, đều là thể hiện sự tôn trọng, lịch sự đối với người khác chứ không chỉ là cốt lấy bỗ bã, suồng sã cho gần gũi, thân thiết.
Về cái thanh lịch, thuần hậu một thời, cụ Thúy cũng có viết: “…Cả xóm như một nhà. Biết ‘nể’ nhau, tránh những việc làm ‘mất lòng’ nhau. ‘Chín bỏ làm mười!’….Có lúc thấy phải góp ý thì nói ‘chân thật’, ‘thực tình’, sao cho người ta không ‘tự ái’; không ‘nói quá’.
Không ‘đao to, búa lớn’, ‘không nói tục’; nói tục thấy ‘ngượng mồm’. Cũng giữ ý, không ‘tọc mạch’ chuyện nhà người ta. ‘Chuyện đâu, bỏ đấy’….Trong phố có một ‘hòa khí’ – không khí hòa hợp, thì ‘cận duyệt, viễn lai’ – ở gần đẹp lòng, ở xa muốn đến”.
Đấy là cách người ta ứng xử với làng phố, còn với từng người là đều chú trọng lời ăn tiếng nói, xưng hô cho phải phép: “Người ngoài, biết nhau vì tiếng nói, vì thế mà ‘nói phải chọn lời’. Sao cho người khác không hiểu lầm ý mình….Nói với người dưới vẫn có lễ. Quan trên nói với thông lại: ‘Cho tôi tập hồ sơ’. Chủ nói với người làm ‘tôi xin…’”.
Cái sự lịch sự, phép tắc ấy, không chỉ là để ước thúc hành vì giữa người với người, với xã hội, cộng đồng, mà còn là chính mình với mình cũng phải có tôn kính. Người không tôn trọng mình thì ai tôn trọng họ được. Thế nên thời xưa ra đường sẽ không để cho người khác nhìn thấy nhiều phần thân thể của mình.
“Ra đường, không mặc cẩu thả, là tỏ ý tôn trọng người đi đường. Lại sao cho không hở hang. Chỉ có người đang làm việc nặng là được ở trần.
Áo quần không cần quý giá, mà phải chỉnh đốn. Mặc áo vá không sao, nhưng không mặc áo rách. Dùng áo đắt tiền, thì có áo phủ ngoài. Mặc áo vóc, gấm trần, là thấy ngượng”.
Chính vì người xưa coi trọng đạo nghĩa, coi trọng nhân phẩm hơn hình thức bề ngoài, nên họ khiêm nhường và thanh tao trong cách ăn mặc. Nhưng cũng vẫn có cái tôn kính, đường hoàng, vì thiếu thốn về vật chất không hạ lưu bằng thiếu thốn đạo đức.
Ngoài việc cư xử, ăn mặc, thuần phong mỹ tục còn có rất nhiều những hành động dù nhỏ bé, khiêm nhường, nhưng thể hiện cái tâm thế lớn lao:
“….Hành động cũng chú ý, đưa cái gì cho ai, thì dùng cả hai bàn tay, bưng lên mời khách hay đưa lên người mình tôn kính thì nâng cao cái khay. Ông đồ đi chơi về, cầm miếng trầu, cũng đặt vào đĩa, đưa cho bà đồ. Gặp người không ‘khúm núm’, mà cũng không ‘vênh váo’. Chỗ hàng chợ cũng giữ được ‘lễ độ’.
Người xưa chú trọng tiểu tiết không phải vì họ cầu kì, sính lễ nghĩa, câu nệ hình thức. Những hành động giờ bị cho là thừa thãi, mất thời gian nhưng là thể hiện cái đạo ở trong đó.
Những thứ chúng ta phủ nhận và lãng quên đó ngày nay lại được người Nhật Bản giữ gìn và ứng dụng hiệu quả trong đời sống hàng ngày. Ở Nhật, bạn có thể thấy đạo ở khắp mọi nơi, trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, từ Kiếm đạo, Trà đạo, Không Thủ đạo (môn võ nổi tiếng thế giới Karatedo), thậm chí còn có nghệ thuật Hương đạo (nghệ thuật thưởng thức hương trầm)…
Trong tác phẩm Musashi nổi tiếng, vị kiếm sĩ số một Nhật Bản đã nói đại ý thế này: “Kiếm đạo không phải là đạo luyện kiếm, đạo thì vô hình và bất biến, luyện kiếm chỉ là con đường, là công cụ để đạt đến đạo mà thôi”.
Vì thế ở Nhật, dù bạn làm công việc gì, bạn phải tập trung, tận tụy, nghiên cứu và trở thành chuyên gia ở lĩnh vực đó. Mọi kiến thức, mọi thao tác, hành động đều phải đặt tâm vào để mà thực hành, nên người Nhật làm ra cái gì thì đều chứa đựng trong đó bao sự tinh tế, khéo léo và hữu dụng.
Bởi họ đã ứng dụng được “Làm việc lớn mà không quên tiểu tiết” trong mọi suy nghĩ, hành động và đi tìm đạo bằng mọi con đường mà mình có.
Thế nên cái tiểu tiết trong sinh hoạt hàng ngày của bạn, nó không chỉ là một chi tiết nhỏ bé vô dụng, mọi thứ đều có thể giúp bạn tu tâm dưỡng tính, ước thúc bản thân, thể hiện sự tôn trọng và khiêm nhường, rèn luyện sự kiên trì, nhẫn nại và tĩnh tại.
Khi chúng ta tĩnh lại, chúng ta mới nghe thấy được những tiếng nói dẫn đường, những ý tưởng tươi đẹp mà đơn giản; Chúng ta mới nhìn thấy những điều tốt đẹp ở người khác mà bình thường có thể chúng ta đã không nhận ra.
Khi tĩnh lại chúng ta cũng mới có thể hiểu được chính bản thân mình mà không để bị cuốn theo những mong muốn, ảnh hưởng của người khác. Và khi tĩnh lại, chúng ta mới thưởng thức được những tinh tế của cuộc sống mà không cần mượn những thứ giải trí hiện đại kích động cảm xúc thái quá và ảo tưởng.
Ai cũng có quyền lựa chọn, nhưng chắc tôi vẫn chọn lối sống như “các cụ” với những thuần phong mỹ tục sống cùng năm tháng, vì nó cho tôi thấy ranh giới rất rõ ràng của cái Thiện, cho phép tôi có đủ điều kiện để phát triển bản thân tốt hơn thay vì buông thả và mông lung vì chẳng biết mình là ai và muốn gì. Những điều tốt đẹp sẽ luôn có đất sống, và người làm theo những điều tốt đẹp sẽ luôn thanh thản và tự tại.
Cụ Nguyễn Trãi đã từng viết trong bài Mạn hứng kỳ 1: “Phác tán thuần ly thánh đạo nhân”, nghĩa là khi tính chất phác tiêu tan, nét đôn hậu thành bạc bẽo, thì đạo thánh sẽ mai một.
Vậy nên khi những thuần phong mỹ tục bị lãng quên, con người không còn gì để ước thúc, đó sẽ là sự chơi vơi của đạo đức và hỗn loạn của xã hội.
Nguyệt Hòa
Theo DKN (Thu Hiền)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét