Cuộc chiến giữa con người và dịch bệnh Covid-19 là một cuộc chiến quyết liệt, nếu không loại bỏ được virus, thế giới sẽ không thể yên bình. Việc dịch bệnh ở bất kỳ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào tạm thời dịu bớt và được ngăn chặn đều không phải là chiến thắng quyết định cho cuộc chiến phòng chống dịch bệnh trên toàn cầu.
Vaccine phòng Covid-19 là vũ khí mạnh mẽ để chống lại đại dịch. Sau khi thế giới đẩy nhanh việc nghiên cứu, sản xuất vaccine và nhiều nước nhanh chóng tiến hành tiêm chủng trên diện rộng, tình hình dịch bệnh căng thẳng trên toàn cầu đã có phần dịu bớt, dẫn đến tình trạng nhiều quốc gia và người dân buông lỏng cảnh giác với dịch bệnh.
Nhiều nước đã dỡ bỏ phong tỏa, các hoạt động xã hội bắt đầu quay trở lại, ngành du lịch nhanh chóng phục hồi, người dân lại tập trung ở các nhà hàng và quán bar cũng như các địa điểm vui chơi giải trí. Nhiều người đã vội quên đi những mất mát, họ xem nhẹ và tỏ ra lơ là trước dịch bệnh. Đây là điều đáng lo ngại.
Lịch sử loài người từ lâu đã chứng minh rằng chiến thắng đại dịch là một điều khó khăn. Nhiều bệnh truyền nhiễm sau nhiều năm vẫn chưa thể loại bỏ triệt để và công tác phòng chống dịch cũng sẽ không thể thay đổi theo mong muốn chủ quan và ý chí của con người.
SARS-CoV-2 là một loại virus rất nguy hiểm, không những chưa tìm ra được nguồn gốc mà còn liên tục đột biến tạo ra các biến thể mới, nhiều chuyên gia trên thế giới đang dốc sức nghiên cứu để tìm cách đối phó hiệu quả hơn với dịch bệnh.
Tuy nhiên, hàng loạt sự thật phũ phàng gần đây cho thấy loài người sẽ phải mất một khoảng thời gian rất dài mới có thể đánh bại được hay thậm chí là ngăn chặn một cách hiệu quả đại dịch Covid-19. Công tác phòng chống dịch trên toàn cầu phải được thắt chặt, bất kỳ hành động buông lỏng nào cũng đều có thể tạo cơ hội cho virus lây lan, khiến dịch bệnh bùng phát và hoành hành trở lại.
Cuộc chiến giữa con người và dịch bệnh Covid-19 là một cuộc chiến quyết liệt, nếu không loại bỏ được virus, thế giới sẽ không thể yên bình. Việc dịch bệnh ở bất kỳ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào tạm thời dịu bớt và được ngăn chặn đều không phải là chiến thắng quyết định cho cuộc chiến phòng chống dịch bệnh trên toàn cầu.
Công cuộc phòng chống đại dịch phải đối mặt với 3 thách thức vô cùng lớn.
Không thể ngăn chặn sự gia tăng các biến thể mới của virus
Biến thể Delta xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ và đến nay đã được ghi nhận tại 124 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngày 21/7, WHO cho biết, biến thể Delta chiếm hơn 3/4 mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gene ở những quốc gia lớn và dự kiến trong vài tháng tới sẽ nhanh chóng vượt qua các biến thể khác để trở thành biến thể lây nhiễm chính.
Theo thông tin do WHO công bố, tỷ lệ các mẫu phân tích là biến thể Delta ở các nước Australia, Bangladesh, Botswana, Anh, Đan Mạch, Ấn Độ, Indonesia, Israel, Bồ Đào Nha, Nga, Singapore và Nam Phi đều đã vượt quá 75%. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh hơn so với những biến thể không thuộc nhóm “biến thể đáng lo ngại” (VOC).
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác về việc cơ chế nào khiến biến thể này có khả năng lây nhiễm dễ dàng hơn, do đó rất khó ngăn chặn dịch bệnh
Ngoài Delta, trên thế giới đã xuất hiện các biến thể khác của virus SARS-CoV-2. WHO đã đặt tên cho loại biến thể được phát hiện ở Peru là biến thể Lambda. Loại virus này được phát hiện vào tháng 8/2020, nhưng cho đến năm nay mới hoành hành. Gần đây, Peru cho biết, biến thể này hiện chiếm hơn 80% ca mắc Covid-19 ở nước này và đang lây lan sang các nước Mỹ Latinh khác.
Trước đó, WHO cũng đã phát hiện ra một số biến thể đáng quan tâm khác. Trong đó, biến thể Alpha lần đầu tiên được phát hiện ở Anh hiện đã được ghi nhận ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; biến thể Beta lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi cũng đã lây lan đến 130 quốc gia và vùng lãnh thổ; biến thể Gamma lần đầu tiên được phát hiện ở Brazil đã được báo cáo ở 78 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Về xu hướng, các biến thể này đang nhanh chóng lây lan trên diện rộng. Chúng không những dễ lây hơn các loại virus thông thường mà nồng độ virus trong không khí người bệnh hít thở cũng cao hơn, điều này khiến phạm vi lây lan rộng hơn và tính nguy hiểm tăng lên.
Các biến thể này có cả những điểm tương đồng lẫn điểm khác biệt, mang lại những thách thức mới đối với việc xét nghiệm, phát hiện và chẩn đoán virus, cũng như hiệu quả của vaccine và công tác phòng dịch, điều trị.
Các chuyên gia hầu như nhất trí rằng, nếu virus SARS-CoV-2 không nhanh chóng bị tiêu diệt và công tác tiêm chủng ở một số quốc gia còn chậm trễ, thì dịch bệnh sẽ tiếp tục hoành hành trên toàn cầu và các biến thể của virus sẽ tiếp tục xuất hiện, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng con người.
Trên thực tế, thế giới hiện đã ở thế bị động trong việc đối phó với các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Các làn sóng dịch liên tục tái bùng phát
Xem xét từ bản đồ tình hình dịch Covid-19 và xu hướng thay đổi của số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới gần đây, có thể thấy tình hình dịch bệnh đang rất tồi tệ, những quốc gia và khu vực từng có thời điểm số ca mắc giảm mạnh thì giờ đây lại tiếp tục tăng vọt.
Gần đây, việc Mỹ gia hạn tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đã làm lộ rõ tình trạng nghiêm trọng của dịch bệnh ở nước này. Trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, số ca mắc Covid-19 mới ở Mỹ đã tăng gấp gần 3 lần trong 3 tuần gần đây, hiện tại có ít nhất 44 trong tổng số 50 bang trên toàn nước Mỹ đều có các ca mắc mới.
Tình hình dịch Covid-19 ở các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Myanmar, khu vực Nam Á như Ấn Độ, khu vực phía Nam châu Phi như Nam Phi, khu vực Bắc Phi như Tunisia, Ai Cập, khu vực Bắc Âu như Anh, khu vực Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, khu vực Trung Âu và Đông Âu như Nga, Ba Lan, Ukraine đều đang diễn biến hết sức phức tạp.
Thậm chí, một số nước còn mất đi niềm tin chống dịch bệnh và buộc phải chuyển sang ứng phó tiêu cực với cái gọi là miễn dịch cộng đồng. Vấn đề chung của những quốc gia này trong cuộc chiến chống dịch là không thể chống chịu được việc tiếp tục phong tỏa kinh tế và đời sống của người dân trên quy mô lớn, tuy nhiên việc tái khởi động các hoạt động kinh tế và dỡ bỏ phong tỏa lại khiến dịch Covid-19 mất kiểm soát, số ca mắc mới tăng vọt, gây ra cuộc khủng hoảng lớn hơn về chính trị, kinh tế, xã hội và đời sống của người dân.
Tiêm chủng diện rộng gặp trở ngại
Quá trình tiêm chủng trên diện rộng gặp trở ngại, khiến số lượng người được tiêm chủng không tăng lên.
Tình hình tiêm vaccine trên thế giới hiện nay được phân hóa thành hai cực nghiêm trọng. Trong khi các nước phát triển mua tích trữ lượng lớn vaccine, do vấp phải sự phản đối của người dân nên số vaccine này bị quá hạn sử dụng và không thể tiêm được thì nhiều nước nghèo và lạc hậu vẫn không thể kịp thời có đủ lượng vaccine cho người dân.
Các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển có nguồn lực tài chính hạn chế, dân số đông, chỉ dựa vào vaccine do bên ngoài viện trợ thì còn lâu mới có thể đáp ứng được nhu cầu của dân số thực tế.
Ngoài ra, việc sản xuất vaccine chất lượng cao trên thế giới không thể đáp ứng được nhu cầu quá lớn, trong khi virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện các biến thể khiến hiệu quả của vaccine xuất hiện ngày càng nhiều tranh cãi.
Những thông tin giả liên quan đến vaccine là một thảm họa lớn ngăn cản nhiều nước thúc đẩy một cách hiệu quả quá trình tiêm chủng và chống dịch. Ngoài một số nước phát triển, một số quốc gia lạc hậu cũng liên tục lan truyền tin giả trên mạng xã hội, tuyên truyền thông tin vaccine không có hiệu quả, thậm chí còn lan truyền thông tin vaccine có hại, điều này gây ra những định hướng sai lầm nghiêm trọng cho xã hội và người dân.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), đến nay Mỹ mới tiêm chủng được cho chưa đến 50% dân số và hầu hết những người chưa tiêm chủng cơ bản đều không muốn tiêm.
Gần đây, Tiến sĩ Anthony Fauci, Cố vấn y tế cấp cao của Tổng thống Joe Biden, cảnh báo rằng, nếu những người không tiêm chủng kiên quyết giữ vững quan điểm thì dịch Covid-19 ở Mỹ có thể vẫn sẽ âm ỉ trong thời gian tương đối dài.
Nguồn: https://baoquocte.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét