Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

ĐỨC THÍCH CA MÂU NI BÀN VỀ KHỔ TÂM LỚN NHẤT CỦA ĐỜI NGƯỜI



“Người có tính ganh tỵ khổ sở hơn bất cứ một người bất hạnh nào. Bởi vì hạnh phúc của người khác càng lớn bao nhiêu thì nỗi bất hạnh trong anh ta sẽ nhân lên bấy nhiêu lần”.
Hơn 2500 năm trước, trong 14 điều răn của Phật, Đức Thích Ca Mâu Ni đã từng dạy chúng sinh: “Khổ tâm lớn nhất của đời người là sự ganh ghét, đố kỵ". Cho đến tận ngày nay lời dạy của đức Phật vẫn không hề sai.
Lòng ganh tỵ có thể hiểu là sự so tính thiệt hơn và thấy khó chịu khi người khác hơn mình. Trong Duy thức học, có 10 món tiểu tùy phiền não như sau: Phẫn (giận), hận (hờn), phú (che dấu), não (buồn), tật (ganh ghét), san (bỏn sẻn), cuống (dối), siễm (nịnh hót), hại (tổn hại), kiêu (kiêu căng). Như vậy, tật (ganh tỵ) là một trong 10 tùy phiền não mà con người dễ vướng phải.
Con người chúng ta hay mắc phải tính này và có thể cảm thấy khó chịu với người khác trên nhiều phương diện khác nhau như tài năng, sắc đẹp, danh vọng, địa vị, tiền bạc, tình cảm thậm chí là ganh tỵ nhau cả về con cái. Chẳng hạn, một người thấy người khác thông minh, giỏi giang và thành đạt thì tỏ ra vô cùng tức tối và ghen ghét dù những gì họ đạt được không ảnh hưởng gì đến mình. Lại có người vì thấy người bạn gái đẹp hơn mình, hạnh phúc hơn mình trong khi nhan sắc mình có hạn thì lại sanh tâm đố kỵ. Nhiều người khi lập gia đình, có con cái lại hay so sánh con cái của mình với con cái của bạn bè hoặc hàng xóm và sanh tâm bực tức nếu con họ hơn con mình…. Thậm chí, người có tâm ganh tỵ còn ghen ghét, đố kỵ với ngay cả với hạnh phúc, thành công của những người thân trong gia đình như anh, chị, em, con cháu của mình. Biểu hiện của lòng ganh tỵ cũng rất khác nhau. Tùy vào cá tính từng người mà tâm ganh tỵ được biểu lộ trực tiếp ra ngoài hoặc ẩn chức bên trong. Có người thường cau có, khó chịu và bực tức khi nhắc về ai đó hoặc chứng kiến ai đó giàu có, tài giỏi, xinh đẹp hoặc hạnh phúc hơn mình. Có người lại thâm độc hơn khi bên ngoài không hề biểu lộ bất kỳ một thái độ nào nhưng ngấm ngầm bên trong là cả một bầu trời tức tối, tìm mọi sơ hở của người khác để hãm hại và chà đạp, cuối cùng là hả hê nếu họ có gặp những thất bại trong cuộc sống. Lại có người biểu hiện lòng ganh tỵ bằng cảm xúc rất bi quan là thường buồn bã, tủi thân, nuối tiếc quá khứ và hay nhớ nghĩ về quá khứ, về thời gian mà chúng ta hơn người khác ở một lĩnh vực nào đó. Có thể nói, dù biểu hiện như thế nào nhưng với một người ít có đạo đức, không tin vào nhân quả và nghiệp báo thì từ tâm ganh tỵ ban đầu, họ sẽ nảy sinh những hành động tiêu cực khác như gièm pha, nói xấu, gây rối, phá hoại, tạo rối ren, thanh toán, bất chấp thủ đoạn để hãm hại người mà họ đang ganh tỵ. Nguy hại hơn, chính lòng ganh tỵ khiến tâm hồn con người trở nên chai sạn, vô cảm trước nỗi khổ, niềm đau của người khác. Bởi lẽ, vì tâm ganh tỵ quá lớn mà khi thấy người khác bất hạnh, chúng ta lại không tỏ ra thương cảm mà lại thấy vui mừng, sung sướng.
Nói như thế để chúng ta thấy được rằng, lòng ganh tỵ nghe tuy có vẻ đơn giản nhưng nó làm cho con người phiền não, khó chịu vô cùng và hơn thế nữa, nó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến nhiều hành động sai trái khác của con người.
Vậy làm thế nào để dừng sự đố kỵ và ganh tỵ?
Đừng sống trong thế giới của những so sánh
Thế giới này nơi mà cuộc sống của mỗi người được chia sẻ với mọi người qua các mạng xã hội, thật dễ dàng để luôn so sánh bản thân bạn với những người ngang hàng và những đối thủ của bạn.
Nếu cạnh tranh lành mạnh là dấu hiệu tốt, thì hiển nhiên đó không phải là đố kỵ. Nếu bạn muốn thành công trong cuộc sống, hãy đấu tranh với chính mình. Hãy so sánh với quá khứ của chính mình và cố gắng hơn nữa mỗi ngày. Điều đó sẽ giúp bạn trở thành người giỏi nhất bạn có thể tránh được việc trở thành nạn nhân của sự ghen tị nhỏ nhặt.
Những thành công của bạn là có ý nghĩa
Hãy chúc mừng cho những thành công của chính mình, mặc dầu chúng có thể nhỏ. “Thành Rome không thể xây xong trong một hôm”. Bạn không thể ghét ai đó chỉ vì họ nổi tiếng hay kiếm được nhiều tiền hơn bạn. Bởi tại một thời điểm nào đó, họ đã từng ở vị trí giống như bạn bây giờ.
Cuộc sống không dễ dàng. Nhưng với nỗ lực nghiêm túc và cống hiến, bạn có thể đạt được những giấc mơ của chính mình. Hạnh phúc của bạn dựa trên những thành quả của bạn chứ không phải là những thành quả của người khác, hoặc là bạn sẽ luôn thấy giận hờn và đau khổ ở chính mình.
Hãy đam mê cuộc sống của bạn
Hãy yêu bản thân và tôn trọng cuộc sống của chính bạn. Nếu bạn không hạnh phúc, Hãy chọn một con đường mới mà bạn yêu thích. Khi bạn tôn trọng chính mình, bạn sẽ không đố kỵ nhiều nữa. Bạn có thể thèm muốn, nhưng không phải là đố kỵ bởi vì bạn tin vào năng lực của chính mình. Nếu ai đó tốt hơn bạn, đó là lý do để bạn ước muốn được như họ và làm việc chăm chỉ hơn, chứ không phải ghen tị và mong ước họ kém đi.
Hãy luôn tích cực
Hãy tự tin và theo đuổi những giấc mơ của chính mình. Ghen tỵ là một cách chấp nhận sự thất bại. Tại sao bạn ghen tỵ? Phải chăng bạn nghĩ rằng một ngày nào đó bạn có khả năng đạt được những ước muốn giống như người mà bạn đố kỵ? Lòng ghen tỵ là phản ứng tiềm thức trong suy nghĩ của bạn khi bỏ cuộc và than vãn về cuộc sống bất công. Đừng khất phục nó. Thay vào đó, hãy đi ra ngoài và cải thiện mình tốt hơn.
                                                                        Theo Khỏe & Đẹp


Không có nhận xét nào: