Biểu
hiện đầu tiên của tu tập là phát tâm buông xả. Sơ tâm hùng tráng là nguyện
buông hết. Người xuất gia thì từ bỏ gia đình, sự nghiệp thế gian dấn thân trên
đường đạo. Người tại gia thì nhờ buông bỏ mà trở nên nhẹ nhàng với mọi thứ,
không còn cố bám víu hơn thua giành giật như xưa. Nếu giữ vững được sơ tâm như
vậy thì quý hóa biết bao.
Chỉ tại cái tâm vô thường, nguyện xưa không chắc, nên có
người chỉ buông được lúc đầu. Vì nhiều nguyên nhân, về sau họ lại dính mắc,
thích đủ thứ, nên đường đạo lại lắm nỗi gian truân. Khoan nói đến những dính
mắc nhỏ nhiệm vô hình khó biết như bám víu bản ngã, những thứ bình thường như
tài vật, lợi danh một thời phù phiếm nhẹ hơn tơ nhưng nay lại cột chặt vào
mình. Nên Thế Tôn, tuy dạy chúng Tỳ-kheo mà như tự sự về những trải nghiệm
“Dính mắc tài vật thật là khó bỏ”.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà,
vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ta ở trong chúng này, nếu có một người
nghĩ điều gì, Ta đều biết rõ. Về sau người này ở trong đại chúng, không vì ăn
uống mà nói lời hư vọng, nhưng hoặc vào lúc khác, Ta xem thấy người này vì sanh
tâm nhiễm trước, nghĩ nhớ tài vật nên ở trong đại chúng nói lời hư dối. Sở dĩ
như thế, này các Tỳ-kheo, vì dính mắc tài vật thật là khó bỏ, khiến người đọa
vào ba đường ác, chẳng được đến chỗ vô vi. Thế nên, này các Tỳ-kheo, đã sanh
tâm này liền nên rời bỏ, dù người chưa sanh chớ có khởi lòng dính mắc tài vật.
Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong,
vui vẻ vâng làm.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 11, Bất đãi, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.125)
Tất cả cũng “vì sanh tâm nhiễm trước, nghĩ nhớ tài vật” nên
thành ra dính mắc. Tâm tham nhiễm vốn là bản chất của chúng sinh. Được huân tập
từ nhiều đời kiếp nên tham ái rất sâu dày. Khi phát nguyện dũng mãnh, hay những
lúc tâm an tịnh với chánh niệm cao độ, hoặc những khi tuệ vụt lóe sáng thì tham
ái tạm thời lắng xuống. Tuy vậy, tất cả chỉ như lấy đá đè cỏ tranh, nếu không
duy trì chánh niệm thường trực thì tham ái lại trỗi dậy, mọi hệ lụy cũng bắt
đầu từ đây.
Trong pháp thoại này Thế Tôn đã chỉ rõ. Một vị Tỳ-kheo
nguyện làm khất sĩ thanh bần với ba y và một bát nhưng rồi vì tham đắm tài vật
mà nói lời hư dối. Từ tham sinh ra dối trá, từ hư dối nên sợ hãi, ưu phiền.
Trong quá trình hành đạo, sự hư dối thô phù mình và người đều dễ nhận ra. Nhưng
có những sự tham đắm và hư dối chính mình cũng khó nhận biết vì tự huyễn rằng
đó là phương tiện, làm đạo cần như thế. Thành ra không ít người, vì xây dựng
kiên cố hay những dự án kỷ lục mà rơi vào nợ nần, thất hứa khiến tín đồ mất
niềm tin, bản thân thì lo âu, phiền não.
Lời cảnh tỉnh “Dính mắc tài vật thật là khó bỏ” của Thế Tôn
vốn lặp đi lặp lại nhiều lần trong các giáo huấn của Ngài nhưng xem ra vẫn là
công án cho rất nhiều người. Ở thời đại mà vật dục lên ngôi, đời sống xã hội
được nâng cao, sự cúng dường hậu hĩ thì thực hành “muốn ít, biết đủ” càng trở
nên khó khăn gấp bội. Đành rằng, tài vật rất cần cho sự tu tập và hành đạo
nhưng cũng đừng để dính mắc, vì dính mắc “khiến người đọa vào ba đường ác,
chẳng được đến chỗ vô vi”.
Tự dặn lòng, tâm tâm niệm niệm, hãy cố gắng, chuyên cần,
tinh tấn nếu “đã sanh tâm này liền nên rời bỏ, chưa sanh chớ có khởi lòng dính
mắc tài vật”. Được như vậy thì đời tu trở nên nhẹ nhàng. Giữ được sơ tâm buông
xả thì đường đạo sẽ thảnh thơi. Ta đến với cuộc đời từ hai bàn tay trắng và
chắc chắn sẽ ra đi với bàn tay không. Chẳng ai mang theo được thứ gì ngoài
nghiệp lực của mình. Nhẹ thì nổi lên cao, nặng thì chìm xuống là lẽ đương
nhiên. Ai khéo tu, không dính, không nặng, không chìm thì sẽ sang bờ kia.
Quảng Tánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét