Thứ Ba, 24 tháng 8, 2021

NHIỄM COVID-19 THÌ UỐNG THUỐC GÌ, CÓ PHẢI CỨ DƯƠNG TÍNH LÀ UỐNG THUỐC NGAY?

 


Nhiều người bị nhiễm là rối lên rồi uống thuốc vô tội vạ, uống nhiều thuốc cùng lúc và thậm chí khi chưa có triệu chứng cũng đã uống tới tấp. Nhưng nhiễm Covid-19 thì uống thuốc gì, có phải cứ dương tính là uống thuốc ngay?

Qua quá trình tham gia cùng các bác sĩ Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM hỗ trợ điều trị F0 từ xa (F0 điều trị tại nhà), tiến sĩ - bác sĩ Phạm Lê Duy, bác sĩ tại phòng khám dị ứng và miễn dịch lâm sàng, giảng viên bộ môn sinh lý - sinh lý bệnh - miễn dịch của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đã nhận thấy một thực trạng rất bất cập đó là nhiều người bị nhiễm Covid-19 hoảng hốt, rối lên rồi tự ý dùng thuốc mà không rõ về dược tính hoặc khi chỉ mới có những triệu chứng nhẹ là đã tới tấp uống cùng lúc vừa hạ sốt, vừa kháng viêm, kháng đông, và cả kháng sinh. Nhưng đây là lợi bất cập hại, rất nguy hiểm và có thể ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị. Chính vì thế, bác sĩ Phạm Lê Duy đã có những chia sẻ, hướng dẫn về việc nhiễm Covid-19 thì uống thuốc gì và lúc nào nên uống những loại thuốc nào cho phù hợp.

Nhiều nguy hiểm nếu tự ý dùng thuốc

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy cho biết vừa qua Sở Y tế TP.HCM có đưa ra hướng dẫn các loại thuốc có thể dùng để điều trị cho các bệnh nhân Covid trở nặng khi đang điều trị tại nhà.
Theo đó, rất nhiều những toa thuốc từ nhiều nguồn khác nhau được lan truyền trong cộng đồng qua các phương tiện thông tin, và đó là những cứu cánh cho các bệnh nhân Covid tại nhà. Các toa thuốc đó liệt kê những loại thuốc mà Sở Y tế hướng dẫn, như corticoid (methylprednisolone, prednisolone hay dexamethasone), thuốc giảm đau hạ sốt (paracetamol, Ibuprofen), thuốc kháng đông (rivaroxaban, apixaban, dabigatran).
Nhưng điều đáng lo lắng, đó chỉ là những toa thuốc “vô hồn”, nghĩa là chỉ kê khai tất cả những loại thuốc có thể dùng, liều lượng từng loại uống mỗi ngày, mà không ghi rõ: khi nào thì dùng, dùng loại nào trong số đó, dùng bao nhiêu ngày... Dẫn đến việc người bệnh tự ý dùng thuốc khi không rõ về dược tính cũng như hiệu quả của các loại thuốc đó.
“Có những trường hợp, người bệnh uống 4 - 5 loại giảm đau hạ sốt cùng một lúc, cùng hoặc khác dược chất, nhiều trường hợp uống tất cả các loại thuốc trong toa đó, gần cả chục loại, dẫn đến những tác dụng phụ do thuốc gây ra, như viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến viêm gan cấp do thuốc. Nhiều người khi chỉ mới được trả kết quả xét nghiệm dương tính, chưa có triệu chứng gì hoặc chỉ mới là triệu chứng viêm đường hô hấp trên như hắt hơi, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, ho khan là đã bắt đầu uống thuốc, vừa hạ sốt, vừa kháng viêm, kháng đông, và cả kháng sinh nữa. Thật là lợi bất cập hại”, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy chia sẻ.

"Trong giai đoạn đầu của quá trình nhiễm vi rút, cơ thể sẽ nhờ vào hoạt động của hệ miễn dịch để chiến đấu và tiêu diệt vi rút, cũng như những tế bào đã nhiễm vi rút. Khi đó, người bệnh sẽ có một số triệu chứng như sốt nhẹ, nhức mỏi cơ và các triệu chứng ở đường hô hấp kể trên. Nếu dùng corticoid (thuốc kháng viêm) tại thời điểm đó, hoạt động của hệ miễn dịch sẽ bị ức chế, từ đó có thể tạo cơ hội cho vi rút xâm nhập và phát triển nhiều hơn, có thể ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị"

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy

Theo tiến sĩ, bác sĩ Duy thì người bệnh cần phải được cung cấp các thông tin tối thiểu để biết được tác dụng của thuốc và thời điểm sử dụng, cũng như kết hợp thuốc thể nào để có thể đạt được hiệu quả cao nhất. Tốt nhất, người bệnh nên được bác sĩ tư vấn thời điểm sử dụng thuốc và những loại thuốc nên sử dụng tại từng thời điểm khác nhau.

Không phải cứ nhiễm Covid-19 là dùng thuốc ngay

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy khuyên việc dùng thuốc giảm đau, hạ sốt thì chỉ dùng khi có sốt >= 38°C, hoặc sử dụng khi đau đầu, đau nhức cơ khiến bệnh nhân mệt mỏi. Tốt nhất nên sử dụng 1 loại thuốc, không nên uống một lúc nhiều loại vì có thể làm tăng nguy cơ loét dạ dày và xuất huyết tiêu hóa. Có thể dùng acetaminophen (hay còn gọi là paracetamol), liều lượng là 500mg, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ nếu còn sốt (còn em bé là 10mg/kg/lần). Thuốc giảm đau hạ sốt có thể dùng bất cứ thời điểm nào trong quá trình bệnh nếu có các triệu chứng nêu trên. Tuy nhiên, nếu người bệnh chỉ sốt nhẹ, không đau đầu, không đau cơ, thì không nên dùng thuốc.
“Đối với thuốc kháng viêm (corticoid) và thuốc kháng đông, theo như hướng dẫn của các tổ chức lớn như WHO, CDC Hoa Kỳ và cũng như ý kiến của các chuyên gia, chỉ nên sử dụng khi bắt đầu có viêm đường hô hấp dưới và có dấu hiệu của suy hô hấp (khó thở, thở nhanh, thở co kéo các cơ vùng cổ, giảm độ bão hòa oxy máu ngoại biên hay còn gọi là SpO2). Mặc dù, suy hô hấp cũng có nhiều mức độ khác nhau, và mức độ suy hô hấp nào thì nên bắt đầu dùng corticoid và kháng đông vẫn phải tùy thuộc vào tình hình của bệnh nhân, điều kiện cấp cứu và nhập viện lúc đó mà quyết định, nhưng đa số các chuyên gia đều đồng thuận rằng chỉ sử dụng khi có triệu chứng của suy hô hấp như kể ở trên”, bác sĩ Duy nhấn mạnh.
Điều đặc biệt, bác sĩ Duy lưu ý: “Không sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông khi người bệnh chỉ mới có triệu chứng đường hô hấp như sốt nhẹ, sổ mũi, nghẹt mũi, ho khan, mất vị, mất mùi… và càng không nên sử dụng khi chỉ mới có xét nghiệm dương tính mà chưa có triệu chứng gì”.
Lý giải về điều này, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy cặn kẽ: “Trong giai đoạn đầu của quá trình nhiễm virus, cơ thể sẽ nhờ vào hoạt động của hệ miễn dịch để chiến đấu và tiêu diệt virus, cũng như những tế bào đã nhiễm virus. Khi đó, người bệnh sẽ có một số triệu chứng như sốt nhẹ, nhức mỏi cơ và các triệu chứng ở đường hô hấp kể trên. Nếu dùng corticoid tại thời điểm đó, hoạt động của hệ miễn dịch sẽ bị ức chế, từ đó có thể tạo cơ hội cho virus xâm nhập và phát triển nhiều hơn, có thể ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị. Nên nhớ rằng, mục đích của việc dùng corticoid và thuốc kháng đông là để giúp hạn chế tác hại khi đáp ứng miễn dịch của người bệnh diễn ra quá mạnh, tạo ra cơn bão cytokine, làm viêm phổi nặng và đông máu, gây nguy hiểm của người bệnh. Do đó, chỉ sử dụng hai loại thuốc này khi thấy dấu hiệu của một đáp ứng miễn dịch mạnh bắt đầu diễn ra, như sốt cao liên tục không hạ, và có dấu hiệu suy hô hấp”.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy cũng cho biết thêm: "Việc điều trị kháng sinh khi không cần thiết (không đúng chỉ định) cũng rất thường gặp. Nên nhớ rằng, Covid là bệnh do vi rút, còn kháng sinh là để điều trị bệnh do vi khuẩn. Do đó, kháng sinh hầu như không có tác dụng gì với vi rút SARS-CoV-2 cả. Tuy nhiên, người bị viêm phổi do vi rút có thể bị bội nhiễm thêm vi khuẩn, khi đó người bệnh sẽ có các triệu chứng như sốt cao, lạnh run, ho đàm nhiều, đàm có màu xanh, vàng. Việc sử dụng kháng sinh khi không có chỉ định sẽ có thể dẫn đến tình trạng đề kháng kháng sinh sau này cho chính người đó, và cho cả cộng đồng. Chính vì thế, không nên sử dụng kháng sinh khi chưa có triệu chứng gì, hoặc chỉ mới là triệu chứng của viêm đường hô hấp trên do vi rút, chưa có dấu hiệu nhiễm vi khuẩn. Tốt nhất vẫn được bác sĩ tư vấn trước khi sử dụng"
Ngoài những chia sẻ về nhiễm Covid-19 thì uống thuốc gì và khi nào nên uống những loại thuốc nào cho phù hợp, bác sĩ Phạm Lê Duy khuyên đối với người bệnh F0 đang điều trị tại nhà thì nên liên lạc với các lực lượng y tế chăm sóc từ xa để được các bác sĩ theo dõi và hướng dẫn điều trị. Ngoài ra, các bác sĩ hỗ trợ từ xa cũng có thể giúp bệnh nhân xử trí các tình huống có thể xảy ra trong quá trình điều trị bệnh khi người bệnh chưa chưa cần nhập viện. “Hãy thật sự bình tĩnh nếu bạn nhận được kết quả dương tính với SARS-CoV-2, vì đại đa số các trường hợp là nhẹ, trung bình, và các bác sĩ sẽ giúp bạn vượt qua nó để nhanh chóng bình phục”, bác sĩ Duy gửi gắm.


Không có nhận xét nào: