“Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài” là một trong bốn truyền thuyết lớn trong dân gian Trung Quốc, được truyền miệng qua nhiều thế hệ, kể về nàng thiếu nữ Chúc Anh Đài giả trai để được đi học, kết bạn đồng môn với chàng nho sinh Lương Sơn Bá, nhưng cuối cùng hai người không đến được với nhau, để lại một chuyện tình bi kịch lưu truyền thiên cổ.
Nhưng liệu câu chuyện này có phải chỉ đơn thuần là mối tình éo le giữa đôi tình nhân bạc mệnh, thế nhân vì bị cảm động bởi mối tình ấy mà lưu truyền mãi đến ngàn đời sau? Có lẽ là không phải chỉ như vậy, sau đây chúng ta hãy nhắc lại một đoạn về nội dung câu chuyện:
Chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài
Lương Sơn Bá từ khi trở về nhà, trong lòng u sầu buồn bã, không ăn không uống, dần dần lâm phải bệnh nặng.
Sau khi hay tin Sơn Bá đã chết, Anh Đài đã khóc lóc thảm thiết suốt ba ngày ba đêm, Chúc viên ngoại cũng không khỏi bất ngờ, nhưng lại nghĩ lần này thì Anh Đài thế nào cũng đã dứt hết hy vọng rồi, Chúc viên ngoại thúc giục Anh Đài chuẩn bị đồ cưới, Anh Đài trong lòng không chịu, nhưng không còn cách nào khác, liền nói với cha rằng: “Muốn con gả cho Mã gia cũng được, nhưng con gái có một tâm nguyện: Ngày lên kiệu hoa, con muốn toàn thân mặc đồ tang, trên đường đi ngang qua mộ của Lương huynh, mong được xuống kiệu cúng tế, sau đó con gái mới đến Mã gia. Cha nếu như đồng ý con gái, con gái sẽ gả, nếu như không đồng ý, con gái chỉ có chết thôi”.
Câu chuyện kết thúc vào ngày cưới của Chúc Anh Đài, khi đoàn rước dâu đi ngang qua mộ Lương Sơn Bá. Khi ấy, một trận cuồng phong nổi lên, Chúc Anh Đài lúc đó đang cúng tế mộ người tình đã khuất bỗng thấy nắp mộ mở ra.
Nàng chẳng hề đắn đo suy nghĩ mà đi thẳng vào và biến mất. Người đời sau kể lại, từ phần mộ của Lương Sơn Bá, một đôi bướm quấn quýt bên nhau bay ra, có lẽ cũng chính là hóa thân của đôi tình nhân sẽ mãi ở bên nhau trong kiếp uyên ương hồ điệp.
Có thực hay chỉ là hư cấu?
Theo khảo chứng của các nhà sử học nghiên cứu về thời Ngụy – Tấn, câu chuyện “Lương – Chúc” khởi nguồn tại thị trấn Mã Hương, huyện Nhữ Nam, tỉnh Hà Nam. Tại đây hiện còn những di tích như mộ Lương Chúc, Lương gia trang, Chúc gia trang, Mã gia trang, thư viện Hồng La Sơn, mộ của Trâu Đồng – thầy Lương Chúc,…
Từ cách đây gần 1000 năm, trong bản “Nghĩa Trung Vương miếu ký” của Tri phủ Minh Châu thuộc triều Tống tên là Lý Mậu Thành có ghi chép: Lương Sơn Bá sinh vào mùng 1 tháng 3 Âm lịch năm 352 Công nguyên, qua đời vào ngày 16 tháng 8 Âm lịch năm 373 Công nguyên, chưa từng kết hôn. Chúc Anh Đài kết hôn vào mùa xuân năm 374, miếu Lương Sơn Bá (còn gọi là miếu Nghĩa Trung Vương) xây dựng vào năm 397. Sau này, các ghi chép quan trọng khác còn có “Lý Tú Khanh kết nghĩa Huỳnh Trinh Nữ” của Phùng Mộng Long đời nhà Minh và “Chúc Anh Đài tiểu truyện” của Thiệu Kim Bưu đời nhà Thanh. Kết cục của đôi uyên ương khổ mệnh hoá bướm cũng có ghi chép trong “Chúc Anh Đài tiểu truyện”.
Tháng 7 năm 1997, người ta phát hiện một ngôi mộ có từ đời Tấn, trong miếu thờ Lương Sơn Bá ở Ninh Ba. Vị trí, quy cách và đồ tùy táng của ngôi mộ đều trùng khớp với thân phận Huyện lệnh huyện Ngân và nơi an táng của Lương Sơn Bá được ghi chép trong sách sử. Đây được cho là tư liệu, hiện vật đáng tin cậy.
Điều này cho thấy, câu chuyện về cặp đôi Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài không hoàn toàn là hư cấu mang tính phóng tác văn học. Liệu đây có phải là câu chuyện Thần thoại thời thiên cổ lưu lại cho người đời sau?
Trong các tác phẩm điện ảnh, cuộc tình của đôi trai tài gái sắc bị Mã Văn Tài dùng mọi thủ đoạn để ngăn cản. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, Mã Văn Tài thuộc dòng dõi danh gia học thức, am hiểu lễ nghĩa, lại sinh ra trong thời đại nhà Tấn – sau thời đại Tam Quốc, con người xem trọng phép tắc nhân nghĩa, anh ta vốn là bậc văn tài có tiếng thì liệu có thể xấu xa đến như vậy không?
Thực ra còn có một câu chuyện khác về Mã Văn Tài vốn được ít người biết, mà lại hoàn toàn trái ngược với nhân vật được tạo hình phản diện trong văn học.
Vốn dĩ Anh Đài là một kỳ nữ hiếm có xưa nay, nàng không cam lòng ngồi chờ số mệnh, mà lại nghĩ ra một cách. Nàng đích thân viết một lá thư cho Mã công tử Mã Văn Tài, âm thầm nhờ lão bộc gửi cho anh ta.
Mã công tử cũng là truyền nhân của dòng dõi có học, am hiểu lễ nghĩa, thấu tình đạt lý, lại là người rất có tiếng tăm. Khi xem lá thư này xong, anh ta cảm thấy nàng Chúc Anh Đài này thật đúng là một kỳ nữ dám nghĩ dám làm, lại có thể viết ra được một lá thư như vậy, cũng là điều thiên cổ xưa nay hiếm gặp.
Lại nhìn nét bút có tình có nghĩa, văn phong trang nhã đẹp đẽ, trích dẫn cổ kim, trong nhu có cương, bất giác cũng sinh lòng ái mộ, thầm nghĩ: “Kỳ nữ như thế này, tiếc thay lòng đã có người khác, Mã Văn Tài ta đây xem ra vô phúc rồi. Nhưng Anh Đài nàng có thể làm nghĩa nữ, lẽ nào ta lại không phải là một đấng nam tử hay sao? Người quân tử tác thành chuyện tốt cho người, ta vẫn còn hiểu được. Nhưng hôn nhân là đại sự, muốn hủy hôn không phải chuyện dễ. Quả thực là khó xử”.
Điều đó cho thấy Mã Văn Tài là người rộng lượng, anh ta thành tâm muốn giúp cho hai người thành đôi lứa. Nhưng số trời không chiều lòng người, kết cục lại trở thành một câu chuyện buồn. Có lẽ đó cũng là định mệnh an bài như vậy… Dự định của Mã Văn Tài chưa được thực hiện thì Lương Sơn Bá đã qua đời, từ đây mở ra giai thoại của câu chuyện tình yêu Lương – Chúc.
Vậy tấm lòng tốt của anh ta xem như trở thành vô ích hay sao? Thật ra số mệnh của Mã Văn Tài đâu chỉ đơn giản là làm người thứ ba, anh ta tận mắt chứng kiến hết thảy mọi chuyện này từ đầu đến cuối, trong lòng cảm khái lẫn tiếc thương. Mã Văn Tài về nhà kể lại mọi chuyện với cha, hai cha con hôm sau vào triều đã tấu lại với hoàng thượng, thuật lại tường tận mọi chuyện. Ai nấy đều ngợi khen Chúc Anh Đài là bậc kỳ nữ. Từ đây câu chuyện “Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài” đã trở thành giai thoại thiên cổ được truyền tụng cho đến ngày hôm nay.
Người xưa nói: “Quân tử không tranh đoạt vợ người khác”. Nên mới nói, nếu xã hội đề cao nhân nghĩa, tự mỗi người đều có ước thúc, thì đâu dễ xảy ra chuyện tranh đoạt vợ của người khác. Dẫu không thành một mối lương duyên, thì cũng thành một bài học lưu hoài trong nhân thế.
Ý nghĩa chân thực của chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài
Trong câu chuyện này, nếu nhìn kỹ thì sẽ thấy có sự an bài của tạo hóa, số mệnh nhân vật thứ ba Mã Văn Tài nhìn qua thì trông như là hoa rơi vô tình, nhưng thực ra là có sự sắp đặt để trở thành người làm chứng cho chuyện tình cảm động trời xanh, lưu truyền thiên cổ. Nếu như không phải là Mã Văn Tài thì khó lòng khiến người đương thời, tức là hoàng đế nhà Tấn, cảm thấy tính chân thực của câu chuyện mà xác lập danh phận cho họ.
Nhưng số phận an bài xảo diệu như vậy, rốt cuộc nội hàm chân chính trong chuyện này muốn để lại cho con người đời sau là điều gì? Nó có khiến cho người ta có những nhận thức chính diện về câu chuyện của cả ba người này? Ở đây xin được chia sẽ cùng độc giả hai góc nhìn:
Thứ nhất, đây là an bài trong số phận của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài. Họ vốn dĩ là những sinh mệnh trên Thiên thượng. Chính vì động phải phàm tình mà phải hạ xuống nhân loại, chịu hết mọi thống khổ bi ai trong chuyện tình yêu trai gái, trả hết nợ nghiệp rồi quay về con đường sinh mệnh chân chính của mình. Nếu như ai xem qua tác phẩm “Hồng Lâu Mộng”, sẽ ngộ ra ý nghĩa chân thực này. Lâm Đại Ngọc vốn là sinh mệnh trên Trời, chỉ vì mang nợ một gáo nước mà phải hạ xuống cõi người, dùng hết nước mắt một đời người mà trả nợ cho Giả Bảo Ngọc, chấp nhận một mối tình duyên dang dở mà qua đời. Nếu quả thực nhân duyên của hai người là vậy, không chừng hẳn đây lại là điều tốt. Hai sinh mệnh vốn từ nơi Thiên thượng đến, trả hết món nợ ân tình, sau quay trở về bản nguyên của mình là những sinh mệnh trên Thiên thượng vốn thuần khiết và thanh nhã.
Điều thứ hai chính là để lại tấm gương cho hậu thế về đạo nghĩa chân chính của tình yêu. Lương – Chúc ban đầu nảy sinh tình cảm mà kết duyên, nhưng sau vì giữ trọn trung nghĩa mà hai người đều tận mệnh, bản tính vốn dĩ chung thủy, trong thời khắc cuối cùng có thể tận nghĩa vứt bỏ sinh tử, vốn tự nhiên mà đạt đến cảnh giới của Thần. Lương – Chúc không vì tư tình nam nữ mà làm trái ý Trời, không cãi lệnh cha mẹ, thà rằng tự mình chịu đựng, kìm nén cảm xúc nhớ mong và đau khổ của ly biệt. Đây là kính Trời, cũng là tận hiếu. Tình yêu của họ không mang cái dục của phàm tục, mà là biểu hiện một cách chân thành, vô tư, và thuần khiết, như vậy họ đã chứng thực được cảnh giới cao trong nơi nhân loại, bởi vậy mới có thể cảm động trời đất.
Thiên hạ hữu tình, nhưng trời cao chính là trân quý sinh mệnh, thấy đôi nam nữ kia đời này không thể kết duyên vợ chồng, lại sớm đã lìa đời. Họ nếu xuống hoàng tuyền sẽ khó có thể gặp lại nhau, nếu muốn tác hợp lại cho trọn vẹn nhân duyên kiếp này thì phải đợi một thời gian rất dài, cho đến hoàn cảnh thích hợp để họ cùng được chuyển sinh làm người, rồi lại phải trải qua một quãng thời gian nhân sinh lâu dài mới có thể tái hợp. Như vậy quả thực rất khó, do đó Thần đã cho họ biến thành đôi bướm trong thế giới của Thần, có thể ở bên nhau mãi mãi.
Người xưa có câu rằng: “Vợ chồng đến với nhau là tình, ở với nhau là nghĩa”. Câu chuyện này thực ra để lại cho hậu thế một bài học: Nếu quan hệ vợ chồng chỉ đơn giản là tình cảm trai gái nảy nở ban đầu, không nói đến đạo nghĩa, vừa đụng một chút mâu thuẫn lại đường ai nấy đi, thì đó không phải là vợ chồng thật sự có thủy có chung. Hơn nữa, duyên phận vợ chồng vốn là an bài của tạo hóa, là sắp đặt của Thiên thượng, nếu hủy bỏ giữa chừng thì chính là phá vỡ đặt định của Thần, cũng khiến cha mẹ không an lòng, ấy là bất kính với Trời, cũng là bất hiếu với phụ mẫu.
Con người ta đến với nhau là bằng tư tình luyến ái, nhưng đó chưa phải là tất cả. Có thể cùng gắn bó trong hoạn nạn, chứng thực được đạo lý vợ chồng hay không, mới đủ cơ sở để cùng nhau xác lập vị trí trong trời đất.
Chính vì trung nghĩa vẹn toàn như vậy, chuyện tình Lương – Chúc mới có thể trường tồn với thời gian, đến ngàn năm vẫn còn truyền tụng. Là vợ chồng với nhau, không lẽ không thể cùng nhau đi quá trăm năm?
Thiên Bảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét