Cách xử sự của Đức Phật không chỉ khiến các học trò ngạc nhiên, mà còn khiến kẻ gây ra hành động đó phải sững sờ, rồi sau đó đã lần lượt làm những việc anh ta chưa từng làm.
Hành động nhổ nước bọt khiến tất thảy đều kinh ngạc trừ một người
Một hôm, Đức Phật đang ngồi nói chuyện với các môn đồ ở bên dưới một cái cây to thì đột nhiên có một người đàn ông đi tới và nhổ nước bọt vào mặt Ngài. Song trái lại với mọi dự đoán, Đức Phật vẫn ngồi điềm tĩnh, Ngài chỉ lau mặt và hỏi lại người đàn ông một câu: 'Tiếp theo là gì nào?'
Trong khi đó, các môn đồ của Ngài thì rất tức giận. Môn đồ gần gũi nhất với Đức Phật là Ananda nói: 'Thế này là quá lắm. Chúng ta không thể tha thứ cho hành động vô lễ này. Cần phải trừng trị hắn, nếu không những kẻ khác sẽ lại bắt chước điều đó'.
Nhưng Đức Phật đã trấn an Ananda: 'Ngươi hãy im lặng đi. Anh ta không khiến ta thấy phiền, nhưng ngươi thì có. Anh ta là một người mới, là người ta không quen biết.
Hẳn anh ta đã nghe người khác nói gì đó về ta, rằng ta là một người đạo đức giả, một người nguy hiểm, khiến người ta đi chệch hướng, một kẻ xấu xa. Và có thể trong đầu anh ta đã hình thành một định kiến về ta. Anh ta không nhổ nước bọt vào ta, mà vào hình ảnh mà anh ta nghĩ ra trong đầu.
Anh ta nhổ nước bọt vào hình ảnh đó vì anh ta không hiểu ta. Nếu suy nghĩ kỹ, ngươi sẽ thấy người đàn ông đáng thương này hẳn là có điều gì đó muốn nói, đây là cách anh ta bày tỏ điều đó. Nhổ nước bọt là cách để anh ta nói điều gì đó.
Có những lúc, khi ta thấy bất lực với ngôn từ, ta sẽ dùng hành động để biểu đạt. Ta có thể hiểu được anh ta. Vì thế, ta mới hỏi anh ta rằng 'Tiếp theo là gì nào?'
Ta cảm thấy rất thất vọng, không phải vì anh ta, mà vì các ngươi. Đã đi theo ta nhiều năm như vậy rồi, mà các ngươi vẫn còn có cách phản ứng như vậy'.
Trước phản ứng bất ngờ này, người đàn ông như đứng chết trân tại chỗ. Anh ta chưa từng gặp chuyện như vậy trong đời. Anh ta đã từng sỉ nhục rất nhiều người, và họ đều phản ứng lại tương tự.
Với những kẻ hèn nhát và yếu thế, họ cố cười gượng rồi tìm cách lấy lòng anh ta. Nhưng Đức Phật thì khác. Ngài không tức giận, cũng không cố tỏ ra vui vẻ. Nét mặt của Ngài toát ra sự điềm tĩnh, và Ngài chỉ muốn biết anh ta có muốn nói gì không.
Sự sám hối của người đàn ông
Chẳng biết nói gì nữa, người đàn ông trở về nhà. Tối đó, anh ta không thể ngủ được. Anh ta bị ám ảnh bởi những gì đã diễn ra. Anh ta không thể giải thích nó cho bản thân chuyện đã xảy ra.
Anh ta run rẩy, người vã ra đầy mồ hôi. Anh ta chưa từng gặp ai như vậy. Đức Phật đã khiến cho thứ tâm trí rối bời, đen tối, đầy oán hận cũng như toàn bộ quá khứ của anh ta như bị vỡ vụn thành trăm mảnh.
Sáng hôm sau, người đàn ông quay trở lại, phủ phục dưới chân Đức Phật. Đức Phật ân cần hỏi anh ta: 'Sao nào? Đây cũng là cách nói điều gì đó. Khi ngươi đến phủ phục dưới chân ta, ngươi đang muốn gián tiếp nói một điều gì đó mà ngôn từ dường như bất lực.'
Rồi, Đức Phật nhìn sang Ananda: 'Ananda, người đàn ông này lại tới, anh ta đang nói điều gì đó. Anh ta là một người đang chất chứa rất nhiều cảm xúc'.
Mỗi con người là một dòng sông
Người đàn ông ngẩng đầu lên nhìn Đức Phật rồi nói: 'Xin Ngài hãy tha thứ cho những gì tôi làm hôm qua'.
Đức Phật hỏi lại: 'Tha thứ điều gì? Nhưng ta đâu phải là người mà ngươi đã sỉ nhục. Sông Hằng luôn chảy không ngừng, sông Hằng của hôm nay đâu phải sông Hằng của hôm qua. Mỗi người đều là một dòng sông.
Người bị ngươi sỉ nhục đã không còn ở đây. Ta chỉ giống người đó thôi, chứ không phải ông ta. Trong 24 giờ đồng hồ, có rất nhiều chuyện xảy ra. Vì thế, ta không thể tha thứ cho ngươi, vì ta không có gì oán hận ngươi cả. Và ngoài ra, ngươi cũng không phải là người đàn ông hôm qua tới đây.
Vì anh ta lúc đó rất giận dữ, anh ta khạc nhổ vào ta, còn ngươi thì phủ phục dưới chân ta. Sao 2 người các ngươi lại là một được? Vì thế, hãy quên chuyện đó đi. Hãy tới gần ta hơn và nói về chuyện khác'.
Lời bàn: Là một trong số những giai thoại về Đức Phật được nhiều người kể lại, câu chuyện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và to lớn trong việc giáo dục cách ứng xử giữa con người với con người.
Thông thường, người ta dễ dàng tha thứ cho bản thân, nhưng lại hà khắc trước những sai sót của người khác. Khi bản thân gặp chuyện không vui, người ta cho phép mình hành động bất cẩn, thậm chí gây tổn thương cho người khác.
Nhưng nếu là nạn nhân, họ lại tỏ ra tức giận và khó tha thứ cho kẻ đã gây ra của những hành động ấy. Song, theo như lời Đức Phật nói, ai cũng là một dòng sông, ai cũng có những khúc mắc, những câu chuyện, những nỗi đau riêng không dễ gì chia sẻ được với người khác, và sẽ có lúc không tránh khỏi việc vô tình, hoặc cố ý làm người khác tổn thương.
Việc phản ứng lại một cách gay gắt không những không giải quyết được vấn đề, mà còn làm mâu thuẫn ngày càng trở nên sâu sắc, khó hòa giải.
Hiểu được điều này, giữ được sự bình tĩnh, bỏ qua được bề nổi của sự việc, tìm hiểu nguồn cơn không chỉ là một cách làm thông minh, giúp giải quyết tận gốc vấn đề, mà còn giúp ta nhận được SỰ TÔN TRỌNG từ người khác. Đó mới chính là phần thưởng vô giá.
Ngoài ra, câu chuyện cũng bao gồm một ngụ ý mang tính triết học: Mỗi con người là một dòng sông. Ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai, ta đều là những con người khác nhau. Hãy để những phiền muộn, những sai lầm theo những dòng chảy, trôi về quá khứ. Đừng mãi ám ảnh bởi những gì đã xảy ra, đừng sợ sự thay đổi, mà hãy luôn ngẩng cao đầu, đối diện và hướng tới những thay đổi tích cực ở phía trước.
Theo Up lift Connect
Theo Thanh Hương/Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét