Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2019

TRƯỚC SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT, TẤT CẢ CON NGƯỜI ĐỀU BÌNH ĐẲNG

                                                                            

Là giám đốc của một tập đoàn công nghệ bậc nhất thế giới, nhưng khi đối diện với quan ải sinh tử trong cuộc đời, không ai có thể giúp Steve Jobs, kể cả bản thân ông. Sự sống của ông khi ấy cũng ngang bằng như những cô công nhân bình dị hay bà lão gần đất xa trời vậy…

Đầu năm 2009, Steve Jobs được các bác sĩ thông báo bệnh xơ gan của ông đã phát triển xấu đi. Để duy trì sự sống, ông phải tiến hành ghép gan ngay và Steve Jobs đã đồng ý phẫu thuật….

Bệnh viện đăng ký cho Steve Jobs ghép gan tại Trung tâm Ghép gan California. Tuy nhiên họ phát hiện có rất nhiều bệnh nhân đang chờ ghép gan ở đây và phải mất ít nhất 10 tháng mới đến lượt Steve Jobs. Vì vậy, để ông được phẫu thuật càng sớm càng tốt, bệnh viện đăng ký cho Jobs ở tiểu bang khác, đây là hình thức đăng ký liên bang.
Điều này được luật pháp Hoa Kỳ cho phép nhằm cứu được nhiều người nhất có thể. Tennessee là một trong các tiểu bang cung cấp tạng nhanh nhất, họ chỉ mất 6 tuần để tìm được tạng phù hợp. Vì vậy, Jobs đã được đưa vào danh sách ghép gan ở tiểu bang này.
Một người nhà của Steve Jobs đã đến hỏi ông Dürr, chủ tịch bệnh viện dự kiến diễn ra phẫu thuật, liệu ông có thể dùng đặc quyền của mình để sắp xếp cho Steve Jobs được ghép gan trước không?
Ông Dürr nghe xong liền nhún vai nói: “Làm sao tôi có thể đem đặc quyền của mình ra để Steve Jobs được ưu tiên? Nếu ông ấy được ghép tạng trước, vậy những bệnh nhân khác thì sao? Mọi sự sống đều bình đẳng”.
Người thân của Steve Jobs cũng tìm đến thống đốc bang Tennessee, Phil Bradson với hy vọng vị này có thể giúp Jobs. Biết đâu ông ấy có thể nói chuyện với bệnh viện để Steve Jobs được phẫu thuật ghép gan trước, nếu không Steve Jobs sẽ chết mất.
Sau khi nghe chuyện, nụ cười trên gương mặt ông Bradson biến mất. Ông nói bằng giọng nghiêm nghị: “Làm sao tôi có thể có đặc quyền đó? Ý anh là gì? Không ai có cái quyền sắp đặt người này được ghép trước còn người khác phải ghép sau. Tất cả sự sống đều bình đẳng, mọi người chỉ có thể tiến hành theo thứ tự”.
Một người bạn sau đó còn nói khẽ với Steve Jobs: “Sao ông không chi tiền cho ai đó để được làm phẫu thuật trước?”. Steve Jobs điềm tĩnh nói: “Sự sống của tôi cũng như mọi người thôi. Tất cả chỉ có thể xếp hàng”.
Là giám đốc của một tập đoàn công nghệ bậc nhất thế giới, một trong những tỷ phú của Mỹ quốc, nhưng đối diện với quan ải sinh tử trong cuộc đời, không ai có thể giúp Steve Jobs, kể cả bản thân ông. Những bệnh nhân cần ghép gan trong danh sách trước mặt ông là những nhân viên của các công ty bình thường, những bà nội trợ, người già và người thất nghiệp, tất cả họ đều đang chờ đến lượt mình.
Sự sống là quý giá
Sáu tuần sau, cuối cùng Steve Jobs cũng nhận được một lá gan. Tuy nhiên, do thời gian chờ đợi lâu, các tế bào ung thư của Steve Jobs đã di căn sang các bộ phận khác trên cơ thể ông. Ca ghép gan chỉ kéo dài sự sống của ông được khoảng 2 năm. Tuy nhiên, ông không hề hối tiếc. Trong 2 năm cuối đời, ông vẫn tiếp tục phát triển ngày càng nhiều sản phẩm sáng tạo cho Apple.
Sự sống không phân biệt giàu nghèo, đẹp xấu, tất cả đều bình đẳng. Cho dù bạn là ai, ông chủ một tập đoàn danh tiếng, cô lao công quét rác bên đường, hay một ông lão gần đất xa trời, thì khi đứng trước sự sống và cái chết, ai nấy đều như nhau. Sinh lão bệnh tử vốn là quy luật không chừa một ai. Vậy điều gì trong đời người mới là quan trọng? Chính là trong quãng đời được tạo hóa ban tặng ấy, ta đã sống như thế nào để sau này không phải hối tiếc, ân hận về những năm tháng đáng trân quý đã đi qua.
Trương Mai biên dịch

Không có nhận xét nào: