Hình Internet
Người có tu dưỡng là người biết tiết chế cảm xúc của bản thân lại, không nóng vội, lời nói ra luôn có trọng lượng, nghĩ trước nói sau. Làm việc gì cũng nghĩ đến cảm xúc của người khác trước, lắng nghe nhiều hơn là thể hiện cái tôi của bản thân mình.
Trong cuộc đời, trí tuệ của người ta được thể hiện ra như thế nào? Cách người ta hành xử, ăn nói… rất có thể đều chứng tỏ trí tuệ của họ. Chỉ khi nào kiềm chế được cơn nóng giận thì mới có thể đắc được phúc khí. Trong sách “Thái Căn Đàm” viết: “Không nên giận dữ, không nên khinh thường”. Tính khí tốt của một người không chỉ là hành trang trong các mối quan hệ xã giao mà còn là tài phú suốt một đời của họ.
Bởi thế, có thể kiên nhẫn lắng nghe, đợi người khác nói xong mới bày tỏ ý kiến, nghe có vẻ đơn giản nhưng làm được lại khó vô cùng. Đây không chỉ là vấn đề ai đó biết cách nói chuyện khéo léo hay không mà là thể hiện sâu sắc nhất của tầng thứ tu dưỡng nhân cách.
Nước sâu chảy chậm vì thế mà bình hòa. Người sang ăn nói thong thả vì thế mà trở nên sâu sắc. Ăn nói từ tốn, ngữ khí bình hòa, chính là một trong những biểu hiện đầu tiên của người có tu dưỡng, hàm dưỡng vậy.
Nói về những đại cảnh giới lớn nhất đời người này, cổ nhân chia thành 3 điểm sau:
1. Không cướp lời – chính là không thể hiện mình thông minh hơn người khác
Rất nhiều người có một thói quen xấu là cướp lời người khác trước khi đối phương kịp nói hết câu, hết ý. Họ thường tự cho rằng mình thông minh, hiểu chuyện hơn người khác. Thử tưởng tượng ra một tình huống như thế này. Mấy người bạn túm tụm lại một chỗ nghe một người trong số đó đang bừng bừng hứng khởi kể một câu chuyện rất lôi cuốn, li kỳ. Ai nấy đều chăm chú lắng nghe, vô cùng hồi hộp. Liền có một người khác nhập hội, chẳng cần biết ngược xuôi, bèn “cướp mic” người đang kể kia và nói toẹt ra kết cục của câu chuyện. Kết quả là những người đang chăm chú nghe kia cụt hứng mà người kể chuyện cũng mất vui. Đối với người đã cướp lời kia cũng chẳng ai có thiện cảm cả.
Sách “Thái Căn Đàm” viết: “Nói mười câu, có chín câu đúng chưa chắc đã lấy làm lạ, nhưng chỉ nói một câu không đúng thì tội lỗi nối nhau kéo đến”. Đại thể, ta cứ hình dung như anh thủ môn trong bóng đá, đẩy được 9 trong 10 quả sút cầu môn thì cũng không nhất định được người ta khen ngợi, mà chỉ để lọt lưới 1 bàn thôi cũng đủ bị coi là ‘tội đồ’ rồi!
Dù là hiểu rõ cũng không nhất định phải nói ra. Trong bụng có mấy lời, xét thấy không thích hợp cũng chớ nói ra. Lại có nhiều trường hợp nói ra chẳng thà cứ giữ trong lòng. Cướp lời không chỉ làm người đối diện mất đi thiện cảm mà đôi khi nó còn dẫn đến những hiểu lầm chẳng đáng có.
Một chàng trai thực lòng yêu mến một cô gái nhưng e dè một mực không dám nói ra. Chẳng ngờ, một hôm, cô gái ấy đến trước mặt cậu thổ lộ: “Mình thích cậu!” Chàng trai được lời như cởi tấm lòng, hấp tấp nói: “Em là một cô gái tốt…” Nhưng chưa đợi chàng trai dứt lời, cô gái cắt ngang: “Được rồi, em biết rồi, anh không cần nói ra nữa…” Chàng trai ngượng ngùng: “Anh… anh”. Cô gái quay đi lạnh lùng nói: “Không cần nói thêm nữa, tạm biệt!” Chỉ là chàng trai định nói: “Anh cũng thích em” nhưng vì quá ngượng ngùng nên chưa kịp thốt nên lời. Còn cô gái vì quá vội vã cắt lời, không thể kiên nhẫn lắng nghe người khác mà từ đó về sau vĩnh viễn cũng không thể nghe được những lời yêu thương vốn để dành cho mình ấy.
Rất nhiều chuyện dở khóc dở cười khác, rất nhiều những hiểu lầm không đáng có khác đều nảy sinh từ thói quen không chịu kiên nhẫn lắng nghe người khác nói hết lời. Người không cướp lời người khác cũng chính là người hiểu được lẽ khiêm cung, không tự thể hiện ra chỗ thông minh hơn người của mình và do vậy không bao giờ “từ bụng ta suy ra bụng người” vậy.
Không cướp lời chính là lễ nghi xã giao cơ bản nhất, cũng là thể hiện cao nhất của tầng thứ tu dưỡng cá nhân.
2. Không cướp lời – nghĩa là không hành động theo cảm tính
Thường khi người ta có việc gấp, gặp phải khó khăn, trong lòng dễ nảy sinh tâm lý nóng nảy, vội vàng. Lúc ấy, người ta dễ cướp lời người khác hơn cả. Lời nói ra giống như bát nước hắt đi, làm cách nào cũng không thu lại được. Họ cũng chẳng suy tính đến điều hơn lẽ thiệt, lời lẽ hay chừng mực gì, thường là nói mà không nghĩ đến cảm giác của người nghe. Sau khi cơn nóng giận qua đi, khi bình tĩnh lại, dẫu có làm cách gì đi nữa người ta cũng không thể nào vãn hồi được tổn thất đã gây ra.
Người ta phát hiện rằng, khi đang thao thao bất tuyệt, hùng hồn thuyết nói thì não bộ của bạn gần như là chết đi một nửa. Bởi khi ấy bạn chỉ nói và nói mà không thể nghe bất cứ một âm thanh gì, kể cả là lời của người đối diện. Khi gặp phải vấn đề, ngôn ngữ chính là cách để người ta giao tiếp, trao đổi ý kiến và giải quyết vấn đề chứ không phải để tranh luận, tấn công lẫn nhau. Nếu dùng lời nói để mạt sát, đả kích nhau thì kết cục cuối cùng chính là “lưỡng bại câu thương”, đôi bên đều phải chịu tổn thất.
“Thái Căn Đàm” viết: “Tâm loạn thì trong tĩnh vẫn loạn, tâm tĩnh thì trong loạn vẫn tĩnh”. Thực vậy, trong lòng luôn giữ được tĩnh khí thì dẫu là chung quanh có ngàn vạn đao thương cũng không thể làm rối loạn tâm can.
Người có tu dưỡng thì dù là trong lòng có sóng gió mãnh liệt đến đâu cũng sẽ mau chóng bình ổn trở lại, vui buồn coi như không lộ ra ngoài, khiến cho người bên cạnh luôn cảm thấy họ chững chạc, thành thục.
Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng, nếu một người trong lòng gặp chuyện thì sẽ có xu hướng nói ra hết tâm can của mình, nói đến cạn lời mới chịu dừng lại, mới có thể lắng nghe ý kiến của người khác. Vậy nên, muốn giải quyết vấn đề thấu triệt hoàn toàn thì trước tiên phải học cách lắng nghe tâm sự của người đối diện.
Cổ nhân nói: “Bậc trí ngẫm trước rồi mới nói, kẻ ngu nói trước rồi mới ngẫm”. Người thông minh sẽ không bao giờ cướp lời. Bởi vì họ tự biết phân biệt được sự việc là nặng hay nhẹ, là thong thả hay cấp bách. Tất nhiên, họ cũng chẳng cần tranh chấp.
Nói nhiều chẳng bằng nói trúng. Cướp lời chẳng thà suy nghĩ thật kỹ, chỉ nói một câu mà giải quyết được vấn đề. Đó mới là cách hành xử của người thông thái vậy.
3. Không cướp lời – nghĩa là luôn luôn tôn trọng người khác
Thực sự có nhiều lời vẫn là không thể giữ lại được trong lòng, không nói thì không cảm thấy khoái. Nói được ra miệng những gì mình nghĩ đúng là một niềm vui thích lớn. Nhưng niềm vui thích ấy lại phải được xây dựng từ nền tảng cơ bản là sự tôn trọng người khác. Nói làm sao để người khác không cảm thấy khó chịu, phiền phức, đó là một nghệ thuật xử thế.
Tạo hóa ban cho con người hai lỗ tai nhưng lại chỉ có một cái miệng, chính là để cho người ta nói ít lại và lắng nghe nhiều hơn. Muốn lắng nghe, người ta phải buông bỏ được cái tôi cá nhân, hoàn toàn thấu hiểu cảm giác của đối phương, quan tâm thực sự đến người đang nói chuyện với mình. Sở dĩ lắng nghe khó đến vậy là bởi lý do này.
Mỗi người đều có quyền được biểu đạt cái tôi của mình nhưng trong rất nhiều trường hợp thì khống chế cái miệng của mình lại đem đến hiệu quả tốt đẹp hơn nhiều so với việc thao thao bất tuyệt.
Năm ấy, ở một vùng quê nhỏ của nước Mỹ, có một bé trai cứ hướng về phía mặt trăng mà gắng sức nhảy thật cao. Mẹ của cậu rất tò mò, bèn hỏi: “Con đang làm gì thế?” Cậu chỉ lên mặt trăng sáng vằng vặc rất hưng phấn nói: “Con phải nhảy được lên trên đó”. Người mẹ giật mình nhưng vẫn yên lặng lắng nghe cậu bé nói về chuyến du hành tưởng tượng lên không trung của mình.
Sau khi nghe xong, bà mẹ cười xòa, xoa đầu cậu mà nói: “Tốt lắm, nhưng con phải nhớ về nhà ăn cơm tối nghe chưa!” Nhiều năm sau này, Neil Armstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng. Armstrong chính là cậu bé năm ấy. Chuyện đùa năm nào đã trở thành hiện thực. Nếu mẹ cậu không chịu nghe câu chuyện viển vông ấy mà nổi cáu hay ngắt lời cậu, liệu thế giới còn có một Armstrong vĩ đại đến thế không?
Sách “Thái Căn Đàm” viết: “Miệng chính là cửa của tâm vậy”. Người mà lời nói ra đầy khí giận thì càng nói nhiều lại càng mất nhiều. Người có tu dưỡng thì trong lòng luôn có chỗ cho người khác, vậy nên sẽ chẳng bao giờ cướp lời, mà lại biết lắng nghe, lĩnh hội.
Người biết lắng nghe thì chẳng cần phải làm gì cả, chỉ ngồi ở đó nghiêm cẩn lắng nghe một hồi thì tự khắc nội tâm đã được bồi bổ đầy đủ rồi.
Ông Trời cấp cho mỗi người một lượng phúc khí như nhau. Có người vì nóng giận mà tiêu tan phúc phí rất mau. Có người vì hàm dưỡng mà giữ gìn phúc khí trọn đời.
Người tính khí càng tốt thì phúc khí càng nhiều. Dùng cái tâm hòa nhã mà nhìn thế giới, lấy cái tâm thiện lương mà đối đãi với mọi người xung quanh, ít nóng vội đi thì tự nhiên sẽ có thêm một phần phúc đức.
Theo ĐKN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét