Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

RUMI, THI HÀO BẤT TỬ CỦA BA-TƯ

                                                           

                                                                                   Jalal Uddin Rumi.
Thế giới của Rumi không phải là thế giới của người Sufi, cũng không phải thế giới của người Ấn hay thế giới của người Do Thái, mà đó là trạng thái cao nhất của con người, một "ensaaneh kaamel", nghĩa là một con người toàn thiện. Mà một con người đã toàn thiện thì không bị câu thúc bởi những ranh giới về văn hóa, con người đó gần gũi với bất cứ ai trong chúng ta.
Jalal Uddin Rumi (1207-1273) là nhà thơ thần bí Ba tư thế kỷ 13. Tên ông được đồng nhất với Sufi, một học thuyết thần bí của Hồi giáo nhằm tới sự thần hiệp, hay sự hợp nhất thần bí với Thượng đế. Trong suốt 25 năm ông đã viết trên 70.000 câu thơ với các chủ đề tình yêu mang tính thánh thiêng, niềm đam mê thần bí và sự mạc khải. Giới học giả ngày nay coi Rumi là một trong các nhà thơ lớn nhất của mọi thời đại; tác phẩm của ông được so sánh với tác phẩm của Dante và Shakespeare.

Tác phẩm chính của Rumi là Diwan-i Shams-i Tabriz-i (Tác phẩm về Shams người xứ Tabriz) gồm khoảng 40.000 câu thơ, đề tặng Shams ad-Din, người bạn lớn, người thầy tinh thần và nguồn cảm hứng của ông, vàMathnawigồm khoảng 25.000 câu thơ. Ngoài ra còn các cuộc trò chuyện và thư từ của ông gồm ba tập vẫn giữ được đến ngày nay.
Tầm quan trọng của Rumi nằm ở chỗ ông vượt qua các ranh giới quốc gia và dân tộc. Tuy làm thơ chủ yếu bằng tiếng Ba-tư, ông còn viết một số bài thơ bằng tiếng Ả rập, tiếng Hy Lạp và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ (cổ). Trong suốt nhiều thế kỷ, thơ ông có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với văn chương Ba-tư cũng như văn chương Urdu (Ấn Độ) Và Thổ Nhĩ Kỳ. Thơ ông được rất nhiều người đọc ở các nước nói tiếng Ba-tư ngày trước như Iran, Afghanistan, Tajikistan và ngày nay đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
 Jalal Uddin Rumi sinh năm 1207 ở thành phố Balkh thời đó nằm ở tỉnh Khorasan của đế quốc Ba-tư nhưng ngày nay thuộc Afghanistan. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống phụng sự các cơ quan luật pháp và tôn giáo. Ngay từ nhỏ Jalal Uddin đã tỏ ra tư chất khác thường. Có giai thoại kể rằng có một lần, Attar, một nhà thơ và nhà hiền triết lớn đương thời, khi gặp hai cha con Jalal Uddin, người cha đi trước còn người con theo sau, đã nói một câu có tính tiên tri: “Một biển đang bước đi, theo sau là một đại dương”.
Vào khoảng năm 1218, để tránh họa xâm lăng của người Mông Cổ, ông cùng gia đình di chuyển qua nhiều nơi, từ Balkh đến Baghdad, Mecca, Damascus và cuối cùng định cư ở Karaman gần Konya (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) thời đó là thủ đô của người Turk Seljuk. Ở đây cha của cậu thiếu niên Jalal Uddin hành nghề đạo sư và hoạt động như một nhà thần học. Jalal Uddin theo gương cha, và sau khi người cha qua đời vào năm 1231, chàng thanh niên cũng trở thành một đạo sư lỗi lạc. Thời đó vùng này được người dân gọi là Rum, một cái tên có nguồn gốc từ thời đế quốc Byzantine. Biệt danh Rumi của nhà thơ bắt nguồn từ cái tên này.
Vào khoảng năm 1244 C.E. Rumi gặp Shams ad-Din, một giáo sĩ hay một tín đồ Sufi mà trước kia ở Tabriz, và cuộc tao ngộ này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông. Shams ad-Din trở thành bạn và người thầy tinh thần của Rumi. Trong khoảng hai năm Rumi cùng Shams ad-Din sống cùng một nhà và gắn bó thân thiết với nhau trong một tình bạn mang tính thuần khiết và lý tưởng. Sufi vốn có truyền thống những tình bạn thuần khiết và lý tưởng như vậy, dựa trên sự chung nhau nỗ lực tâm linh.
  Trước đó Rumi vốn là đạo sư và lãnh tụ của một đoàn tăng lữ Mevlevi. Các môn đồ của ông hết sức bức xúc bởi sư phụ quá quấn quýt với Shams mà quên mất họ, thế là họ đe dọa dùng vũ lực để chia lìa đôi bạn. Shams ad-Din biến mất một cách khó hiểu vào năm 1247, có thể là bị các môn đồ của Rumi giết chết. Sau đó Rumi viết 40.000 câu thơ lấy tên là Diwan-i Shams-i Tabriz-I để bày tỏ nỗi đau mất người bạn tri kỷ.
Chủ đề chung của tư tưởng ông, cũng như của các nhà thơ thần bí và Sufi khác trong văn học Ba-tư, là về khái niệm Tawheed (nhất thể) và sự hợp nhất với người yêu (cái cội rễ uyên nguyên) mà ông đã bị cắt rời khỏi nó, cũng như nỗi khao khát được tái hợp với người yêu hay cái cội rễ kia và trở thành nhất thể.
Tác phẩm Masnavi kết hợp nhiều truyện ngụ ngôn và cảnh đời thường, những thiên khải lấy từ kinh Qu’ran, cùng những suy tư siêu hình thành để dệt thành một bức tranh chung rộng lớn và phức tạp. Rumi được coi là hình mẫu của “ensaaneh kamel”, con người hoàn hảo hay con người toàn diện. Rumi nhiệt thành tin ở việc dùng âm nhạc, thơ ca và nhảy múa làm con đường đến với Thượng đế. Với Rumi, âm nhạc giúp các tín đồ tập trung toàn bộ bản thể mình vào cái thánh thiêng, làm việc đó một cách tập chú đến nỗi linh hồn họ vừa bị hủy diệt vừa được phục sinh.
Trên thực tế, ông là người thành lập giáo phái Mevlevi của các “giáo sĩ xoay tròn” và sáng tạo nên “sema”, điệu nhảy xoay tròn có tính chất thánh thiêng của các vị này. Theo truyền thống Mevlevi, sema tiêu biểu cho một cuộc hành trình thăng tiến tâm linh, thông qua trí tuệ và tình thương để đạt tới “cái Hoàn hảo”. Trong cuộc hành trình đó hành giả hướng về chân lý, trưởng thành thông qua tình thương, xả bỏ cái tôi, tìm thấy chân lý và đến được “cái Hoàn hảo”, sau đó, khi từ cuộc hành trình này trở về, họ hoàn thiện hơn, có khả năng yêu thương và phụng sự toàn bộ các tạo vật trên thế giới không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, tôn giáo, quốc gia.
Theo lời Shahram Shiva, một nhà thơ Mỹ gốc Iran nổi tiếng với những buổi đọc thơ Rumi, một trong những lý do khiến Rumi đến được với nhiều người như vậy là bởi “Rumi có khả năng chuyển thành ngôn từ một cách thẳng thắn và trực tiếp cái thế giới mang tính cá nhân cao độ và thường rất phức tạp của sự trưởng thành về tinh thần và cái huyền nhiệm. Ông không xúc phạm bất cứ ai, ông gồm thâu tất cả mọi người.
Thế giới của Rumi không phải là thế giới của người Sufi, cũng không phải thế giới của người Ấn hay thế giới của người Do Thái, mà đó là trạng thái cao nhất của con người, một ensaaneh kaamel, nghĩa là một con người toàn thiện. Mà một con người đã toàn thiện thì không bị câu thúc bởi những ranh giới về văn hóa, con người đó gần gũi với bất cứ ai trong chúng ta. Ngày nay ta có thể nghe người ta đọc thơ Rumi trong nhà thờ, thánh đường Hồi giáo, tu viện Thiền tông, cũng như trong các cuộc trình diễn âm nhạc trên phố phường New York”.
Chỉ mới cách đây khoảng 20 năm Rumi hãy còn hầu như chưa được biết tới ở phương Tây, nhưng hiện nay ông là một trong những nhà thơ được đọc nhiều nhất tại Hoa Kỳ.
Tác phẩm của Rumi đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới trong đó có tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Ý, Tây Ban Nha, v.v. và ngày càng xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau như hòa nhạc, hội thảo, đọc thơ, múa và nhiều hình thức nghệ thuật khác nữa.
   Các giáo sĩ Mevlevi đang thực hiện điệu múa thiêng liêng sema.
   Năm nay, 2007, được UNESCO chọn là “Năm Quốc tế Rumi” nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh của nhà thơ. Ba nước Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Afghanistan dự kiến tổ chức một số chương trình đặc biệt để tưởng niệm Rumi. Riêng Iran sẽ mở một hội nghị tương tự vào mùa thu năm 2007. Nhiều chương trình đặc biệt sẽ được tổ chức tại nơi ra đời của nhà thơ (nay thuộc Iran) và nơi ông qua đời (nay tại Thổ Nhĩ Kỳ).
  Trong các chương trình dự kiến được thực hiện trong năm nay nhân dịp Năm Quốc tế Rumi, Bộ Văn hóa Iran sẽ ấn hành tập thơ Masnavi của Rumi in song ngữ - bằng tiếng Ba-tư và bản dịch sang tiếng Thổ, tổ chức buổi lễ tưởng niệm Forouzanfar và Golpinarli, hai chuyên gia có uy tín người Iran và Thổ trong lĩnh vực nghiên cứu về Rumi, xuất bản một cuốn tự điển thành ngữ Thổ-Ba-tư, cũng như tổ chức một số buổi hòa nhạc của các nghệ sĩ Iran tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một sự kiện mà tầm quan trọng của nó vượt xa ngoài khuôn khổ một nền văn hóa: bởi thông qua Rumi, nhân loại nhận thức được trở lại một phần tinh hoa của nền văn minh Hồi giáo mà những cuộc xung đột cũng như sự kiện khủng bố có tính tôn giáo trong những năm gần đây không thể xóa mờ.
 
Chùm thơ Rumi
Trong ánh sáng em, anh học yêu,
Trong vẻ đẹp em, anh học làm thơ.
Em nhảy múa trong ngực anh,
nơi không ai thấy em,
nhưng đôi khi anh thấy,
và điều anh thấy trở thành thơ.
***
Điều tôi mong muốn nhất
là nhảy vọt ra ngoài tính cách này,
rồi lánh xa khỏi cú nhảy đó.
Tôi đã sống quá lâu nơi người ta có thể với tới tôi.
***
Việc của tôi là mang tình yêu này
làm niềm an ủi cho những ai ngóng đợi Người;
đi bất cứ nơi đâu Người qua
và ngắm nhìn bụi đất mà chân Người dẫm xuống.
***
... Với một tiếng cười im lặng
em làm lệch đêm
và vườn tuôn rào rạt những vì sao.
***
Choáng váng mùa xuân
Hôm nay, cũng như mọi ngày, ta thức dậy trống rỗng
và sợ hãi. Đừng mở cửa sang phòng làm việc
ngồi đọc sách. Hãy lấy nhạc cụ trên tường xuống.
Hãy để cái đẹp ta yêu là cái ta làm.
Có hàng trăm cách để quỳ hôn mặt đất.
***
Anh muốn hôn em.
Cái giá của hôn là cuộc đời em.
Giờ đây tình yêu anh đang chạy về phía đời anh kêu chói lói.
Giá đâu hời quá, mua đi.
***
Ánh ngày, đầy những hạt li ti nhảy múa
và cái phần tử lớn đang quay, linh hồn ta
đang nhảy múa cùng bạn, không chân, chúng nhảy.
Bạn có nhìn thấy chúng khi tôi thì thầm trong tai bạn?
***
Ai nói bản thể vĩnh hằng không tồn tại?
Ai nói mặt trời đã tắt?
Kẻ nào đó trèo lên mái nhà,
nhắm tịt mắt mà bảo
Rằng tôi chẳng thấy gì.
***
Chợ hạt giống
Bạn có thấy chợ nào như chợ này không?
Nơi
chỉ với một đóa hồng
bạn có thể mua hàng trăm vườn hồng?
***
Nơi
với một hạt giống
bạn mua được cả một vùng cây cối um tùm?
với hơi thở yếu ớt
bạn có ngọn gió thiêng?
Bạn đã từng sợ
bị hút vào trong đất
hoặc bứt lên theo gió.
Giờ đây giọt nước của bạn lăn
rơi vào đại dương,
nơi nó đã từ đó đến.
Nó không còn hình dáng xưa từng có,
nhưng nó vẫn là nước.
Bản chất vẫn là một.
Sự buông xả này chẳng phải là một sự ăn năn.
Nó là một niềm kính trọng sâu xa đối với chính bạn.
Khi đại dương đến với bạn như một người yêu,
Hãy kết hôn ngay lập tức, nhanh lên,
Vì Thượng đế!
Đừng trì hoãn!
Tồn tại chẳng có món quà nào hơn thế.
Dù kiếm tìm cách mấy
cũng chẳng thể nào có được.
Một con chim ưng hoàn hảo, chẳng vì lý do gì,
đã đậu lên vai bạn,
và trở thành của bạn.
***
Tình yêu đã tước đi những giờ hành đạo của tôi...
Tình yêu đã tước đi những giờ hành đạo của tôi
và làm tôi đầy ắp thơ ca.
Tôi cố thầm lặp đi lặp lại,
Không có sức mạnh nào ngoài sức mạnh của Người,
mà không thể.
Tôi đã phải vỗ tay và hát.
Tôi từng quen với cái đáng trọng, cái trong trắng, cái vững bền
nhưng ai có thể đứng trong cơn gió mạnh này
mà nhớ những điều đó?
Núi kìm giữ tiếng vang sâu trong lòng nó.
Bằng cách đó tôi nắm giữ Giọng của người.
Tôi là gỗ tạp ném vào trong ngọn Lửa của người,
và nhanh chóng tiêu tan thành khói.
Tôi thấy Người và thành rỗng không.
Sự Rỗng không này, đẹp hơn hiện hữu,
nó xóa mờ hiện hữu, thế mà khi Nó đến,
hiện hữu lớn nhanh và tạo thêm nhiều hiện hữu!
Bầu trời xanh. Thế giới là một người mù
ngồi xổm trên đường.
Nhưng ai đã nhìn thấy Đấng Hư không
Là nhìn thấy xa hơn màu xanh và xa hơn người mù ấy.
Một linh hồn lớn ẩn mặt như Muhammed, hay Jesus,
đi qua đám đông trong thành phố
nơi chẳng ai biết Người.
Ca ngợi là ca ngợi
làm cách nào người ta
dâng mình cho Cái Rỗng không.
Ca ngợi mặt trời là ca ngợi chính đôi mắt bạn.
Ca ngợi đi, hỡi Đại dương. Ta nói gì, một con tàu nhỏ
Vậy cuộc hải hành tiếp diễn, và ai biết ở đâu!
Được nắm giữ bởi Đại dương là vận may tốt nhất ta có.
Đó là một sự thức tỉnh vẹn toàn!
Tại sao ta phải đau buồn rằng ta đang ngủ?
Nào có quan trọng gì ta đã vô ý thức bao lâu.
Chúng ta lảo đảo, nhưng cứ để điều sai trái diễn ra.
Hãy cảm thấy những chuyển động của sự dịu dàng,
sự sôi nổi xung quanh bạn.
***
Vườn Tình
xanh tươi vô hạn
và cho nhiều trái quả khác
chứ không chỉ buồn vui.
Tình yêu nằm ngoài cả điều kiện này
lẫn điều kiện nọ:
không mùa xuân,
chẳng mùa thu,
nó luôn luôn tươi mới.
***
Gần xiết bao
Gần xiết bao
hồn em với hồn anh
anh biết chắc
mọi điều em nghĩ
đều đi qua tâm trí anh
anh cùng em
phút này và trong ngày tận thế
không như vị chủ nhà
chỉ chăm sóc em
trong một bữa tiệc thôi
với em anh hạnh phúc
bất cứ lúc nào
lúc anh cho đời anh
hay khi
em tặng anh tình em.
cho đi cuộc đời anh
là một cuộc kinh doanh có lãi
mỗi cuộc đời anh cho
là một trăm cuộc đời
em trả lại anh
trong căn nhà này
có một ngàn
người chết và từng ấy linh hồn
làm cho em ở lại
bởi đây sẽ là nhà em
một nhúm đất
kêu to
tôi vốn là tóc hay
tôi vốn là xương
và ngay khoảnh khắc
khi em hoàn toàn bối rối
bật ra một giọng nói
hãy ôm chặt anh
anh là tình yêu và
anh mãi mãi của em.
***
Tình yêu không tựa trên một cái nền nào.
Nó là một đại dương vô tận,
không đầu không cuối.
Hãy hình dung
một đại dương treo
cưỡi trên cái đệm những điều bí ẩn xa xưa.
Mọi linh hồn đã chết đuối ở đây,
và giờ đây sống ở đây, trong đại dương này.
Một giọt của đại dương đó là hy vọng,
còn lại là sợ hãi.
***
Đầu tôi tràn đầy
niềm vui bởi điều chưa biết.
Tim tôi mở rộng ngàn lần.
Mỗi tế bào
cất cánh
bay lượn bên trên thế giới.
Tất cả, riêng ai nấy tìm
nhiều khuôn mặt Kẻ tôi yêu.
***
Tình yêu đến
và trở thành như máu trong thân thể tôi.
Nó tuôn trào qua mạch máu tôi và
bao quanh trái tim tôi.
Mọi thứ tôi nhìn,
tôi chỉ thấy một điều.
Tên của Người yêu được viết
trên chân tay tôi,
trên lòng bàn tay trái của tôi,
trên trán tôi,
phía sau cổ tôi,
trên ngón cái bàn chân phải của tôi…
Ôi, bạn tôi ơi,
tất cả những gì bạn thấy ở tôi
chỉ là cái vỏ,
những gì còn lại thảy đều thuộc Người yêu.
***
Tình em nâng linh hồn anh từ thể xác lên tới tận bầu trời
Và em nâng anh ra khỏi hai thế giới.
Anh muốn mặt trời em chạm đến những giọt mưa anh,
Để cái nóng em đưa hồn anh lên như một đám mây.

                                             Trần Tiễn Cao Đăng dịch từ tiếng Anh



Không có nhận xét nào: