Có
nhiều cha mẹ Nhật dạy con tự lập từ sớm thông qua việc dạy từng chút một, ngày
này qua ngày khác.
Bài viết của tiến sĩ Vương Vinh Huy, chuyên gia giáo dục trẻ em
tại Trung Quốc
Trước
khi trở thành mẹ, tôi quyết tâm trở thành người mẹ tuyệt vời nhất trong kỷ
nguyên mới. Thấy bốn người lớn trong gia đình Trung Quốc hiện đại vật vã chăm
sóc một đứa trẻ, tôi coi đó là cách dạy con không thể chấp nhận.
Nhưng
khi trở thành mẹ và đứa trẻ dần lớn lên, tôi nhận ra bản thân đang giống như
những người từng bị chê trách. Tôi muốn tập cho con ăn một mình, nhưng lại
không muốn chúng đói. Tôi luôn bận rộn mặc quần áo, rửa mặt, gấp chăn màn và
lau miệng cho chúng... bởi tôi nghĩ con còn nhỏ và chưa thể tự làm được mọi
việc.
Có lẽ đó là bản chất của mọi bà mẹ khi phải luôn căng mình bảo
vệ con.
Tại
Nhật Bản, chương trình truyền hình thực tế First Go (Bước đi đầu tiên) đã có
thâm niên 29 năm. Các nhân vật chính của chương trình là nhóm trẻ từ 2-7 tuổi.
"First
Go" quay lại trải nghiệm của nhóm trẻ khi ra ngoài một mình. Đó là lần đầu
các em đến cửa hàng để mua đồ hay mua thức ăn cho gia đình.
"Siêu
cảm động, năng lượng rất tích cực và những đứa trẻ thật dễ thương",
"Đứa trẻ quá dũng cảm", "Giáo dục của các bà mẹ Nhật Bản thực sự
nghiêm ngặt và trẻ em được giáo dục rất tốt", đó là lời nhận xét của nhiều
khán giả Trung Quốc khi xem chương trình. Ngay cả những ngôi sao nổi tiếng
trong vai trò khách mời nhiều lần phải bật khóc khi xem hành trình của những đứa
trẻ trong "First Go".
"Tôi
đã không ngừng khóc khi thấy sự cố gắng của đứa trẻ 3 tuổi tự mình đến cửa hàng
mua hoa tặng mẹ", ngôi sao điện ảnh Rimi Ishihara của Nhật đã thốt lên như
vậy trong một lần tham gia chương trình.
Đứa
bé mà Rimi Ishihara nhắc tới có tên LiLi. Nhiệm vụ của cô bé là ra ngoài một
mình lấy thức ăn được đặt hàng trước đó và chuẩn bị quà cho Ngày của Mẹ - một
bó hoa cẩm chướng.
Lần
đầu ra ngoài và làm mọi thứ một mình, cô bé đã khóc và chạy đi tìm cha - người
cùng tham gia chương trình.
Trước
khi để con thực hiện nhiệm vụ, người cha đã nhét rất nhiều kẹo vào túi của LiLi
và nói "Con phải tiến lên phía trước".
Người
cha lặng lẽ nhìn LiLi rời đi. Cô bé quay đầu khóc nấc nhưng rồi can đảm tiến
lên phía trước như lời dặn dò của bố. Mỗi khi ngừng khóc, LiLi lại lấy kẹo
trong túi ra ăn.
Cứ
từng bước như vậy, cô bé 3 tuổi cuối cùng cũng hoàn thành nhiệm vụ. Một bó hoa
cẩm chướng được mua để tặng mẹ. Khi thấy con gái tay xách nách mang nhiều đồ về
chỗ hẹn, người cha ôm mặt. "Dù rất thương con, nhưng tôi vẫn muốn để cháu
tự làm mọi thứ, từ mua bán cho tới xách đồ", bố LiLi chia sẻ.
Cũng trong chương trình này, có nhiều cha mẹ Nhật dạy con tự lập
từ sớm thông qua việc dạy từng chút một, ngày này qua ngày khác.
Gia
đình cô bé Satoshi 3 tuổi sống tại Tokyo có một cửa hàng ăn nhỏ. Hàng ngày
người bố đều yêu cầu con gái sắp xếp đĩa bát trong cửa hàng. "Bát đũa cần
được xếp thẳng", ông bố nói với con.
Khi
tham gia chương trình "First Go", ở nhiệm vụ đầu tiên, Satoshi không
thể hoàn thành. Tuy nhiên mẹ cô bé không bỏ cuộc và yêu cầu con gái đưa em trai
2 tuổi đi cùng.
Cùng
đi với em trai, tinh thần trách nhiệm của Satoshi trở nên mạnh mẽ và hai chị em
cùng nhau vượt qua thử thách. Giống như mẹ, cô bé luôn khuyến khích em trai mỗi
khi cậu khóc nhè: "Em thật tuyệt vời, bởi vậy em không nên khóc".
Sau
khi xem chương trình này, nhiều người dùng mạng Trung Quốc nói rằng: "Nếu
có những đứa con ngoan ngoãn thế này, tôi sinh bao nhiêu cũng được" hay
"Nỗi sợ kết hôn và sinh con dường như không tồn tại sau khi xem chương
trình". Tuy nhiên cũng có bà mẹ nói rằng, nếu để con 3 tuổi ra ngoài một
mình như vậy, họ chưa bao giờ dám nghĩ đến nói chi là thực hiện.
Thực
chất, chương trình "First Go" không khuyến khích cha mẹ để trẻ em 2-3
tuổi phải đi mua rau hoặc làm những việc tương tự một mình. Điều họ hướng tới
là dạy trẻ tự lập, càng sớm càng tốt. Ở đất nước mặt trời mọc, phụ huynh đã
giáo dục con cái "tuổi nhỏ làm việc nhỏ" ngay từ khi chúng mới 2-3
tuổi.
Trong bộ phim tài liệu "Thời thơ ấu của họ" được ghi
hình tại nhiều quốc gia trên thế giới, cách giáo dục độc lập tại Nhật một lần
nữa được nhắc tới.
Một
đứa trẻ tên Wakamatsu tự thức dậy hàng sáng đi học mẫu giáo. Để tự vệ sinh cá
nhân, cô bé trèo lên một chiếc ghế nhỏ rồi đánh răng, rửa mặt. Gấp chăn màn, tự
mặc đồng phục là những việc tiếp theo cô bé 4 tuổi này thực hiện trước khi bước
đến trường với đống túi được mẹ chuẩn bị sẵn. Wakamatsu tự tay xách đồ ăn, đồ
chơi của mình mà không cần sự trợ giúp của mẹ.
Mẹ
của Wakamatsu nói rằng dù không thể hoàn hảo nhưng cô bé học được nhiều điều từ
khi tự làm mọi việc. "Con bé đang cố gắng trở thành người hữu ích nhất
trong một ngày", người mẹ nói.
Tôi
tự đặt câu hỏi cách dạy con của mẹ Wakamatsu có nguy hiểm tới cô bé không? Chắc
chắn là không. Điều cốt lõi là nhiều phụ huynh không đủ tự tin buông tay, để
con tự làm mọi việc giống người mẹ đó mà thôi.
Thái
độ dạy dỗ của các bà mẹ Nhật có thể được gói gọn trong câu: "Nuôi dưỡng
đứa trẻ 18 tháng giống như 18 tuổi". Khi đối mặt với một "người mới
lớn" 18 tuổi, bố mẹ tin tưởng con thì nên cũng dành thái độ như vậy với
một đứa trẻ 18 tháng tuổi.
Ví
dụ khi trẻ làm việc nhà, cha mẹ khuyến khích và tin rằng trẻ có thể làm được.
Hoặc khi trẻ học cách mặc quần áo cho đúng, bố mẹ cũng không nên can thiệp. Nên
tin rằng con bạn rồi sẽ có bộ quần áo chỉnh tề. Hãy tin nếu con không làm tốt
ngay từ đầu, chắc chắc những lần sau sẽ tốt hơn.
Cuốn
sách "Giáo dục đẹp nhất không có lời gầm thét" của tác giả Hữu Giai
đề cập, cuộc sống hiện đại xuất hiện rất nhiều trẻ em ỷ lại dựa dẫm vào cha mẹ.
Trẻ sẽ trở nên yếu đuối và thụ động khi cha mẹ làm hết phần việc đáng nhẽ dành
cho chúng.
"Trẻ
không có khả năng tự xử lý các vấn đề. Không phải vì chúng không dám làm mà vì
không tin tưởng bản thân có thể làm được. Trẻ em vốn không tự sinh ra sự tự
tin, đặc biệt càng không thể có nếu cha mẹ không tin tưởng chúng", cuốn
sách viết.
Trong
bộ phim truyền hình Mỹ "Little Sheldon", để kiếm tiền, cậu bé 9 tuổi
Sheldon phải bán báo một mình.
Để
làm được việc này, Sheldon hàng ngày phải thức dậy lúc 6h sáng, lấy báo từ nhà
sản xuất, đạp xe đến giao báo từ nhà này sang nhà khác. Mưa nắng, bão tuyết cậu
vẫn không từ bỏ. Mặc dù mẹ của Sheldon cảm thấy đau khổ khi nhìn thấy con trai
vất vả nhưng cô chỉ lặng lẽ đi phía sau con.
"Hãy
để con đi và cho con thử", cô nói với chồng. Chính những trải nghiệm này
khiến cậu bé 9 tuổi hiểu được khó khăn trong cuộc sống.
Trên
thực tế, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là một hành trình trải nghiệm từ
từ. Học cách "buông tay" cũng là một kiểu tăng trưởng với bậc làm cha
mẹ. Và con bạn cũng hiểu được cách trưởng thành và lên đường với chỉ một mình.
Hải Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét