Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

THỦY TỔ TRÀ ĐẠO NHẬT BẢN

                       
                                                        

                                                          Thủy Tổ Trà đạo Nhật Bản (1141-1215)        
     Thiền sư Minh Am Vinh Tây (ja. myōan eisai), Ngài được tôn vinh đệ nhất Tổ trồng Trà hay thủy Tổ Trà đạo là người có công truyền thừa dòng Thiền phái Lâm Tế vào Nhật Bản            
Ngài sinh năm Tân Dậu (1141) tại Bitchū (bây giờ là Okayama). Song thân của Ngài đều là Phật tử thuần thành, tinh thông Phật pháp. Ngài vốn bản chất thông minh bén nhạy, nổi tiếng là thần đồng. Năm lên 8 tuổi Ngài theo phụ thân đọc những kinh sách Đại thừa liễu nghĩa như Câu Xá luận, Tỳ Bà Sa luận. . .
 
Năm 11 tuổi Ngài đến chùa Anyôji (An Dưỡng Tự nơi quê nhà, đảnh lễ cầu Tịnh Tâm Thiền sư làm Bổn sư cạo tóc xuất gia. Sau đó Ngài lên núi Hieizan (Tỷ Duệ sơn) tại Kinh Đô (ja.Kyōto), trung tâm của Thiên Thai tông tại Nhật Bản để học Thiền rồi đến núi Ōyama, Tottori  học Mật Giáo. Thời gian nơi đây, Ngài chú tâm học hỏi tất cả những lý thuyết căn bản của Thiên Thai tông và cả Mật giáo của tông này (Thai mật, ja. taimitsu).
Năm 14 tuổi Ngài đã nổi tiếng hùng biện. Lúc bấy giờ có người cười Ngài rằng : “Sư tuy có tài biện luận giỏi, tinh thông Phật pháp, thế pháp, đáng tiếc pháp tướng của Sư vừa lùn lại xấu nữa. Ngài trả lời rằng : “Vua Thuấn ở huyện Xích, Yến Anh tể tướng nước Tề, chưa từng nghe nói ai là người cao lớn cả !”. Những người này nghe Ngài ứng xử nhanh nhẹn tinh tế quá, bọn họ đều cúi đầu khâm phục và hổ thẹn.
Tuy đã học rộng hiểu sâu giáo lý Thượng thừa liễu nghĩa nhưng vẫn thấy chưa đủ. Được biết Thiền tông Trung Quốc đang thịnh hành,  chính vì thế vào Năm Mậu Tý (1168) khi được 28 tuổi, Ngài xuống thuyền vượt biển đến Minh Châu vào Trung Nguyên. Ngài đến Thiên Thai sơn và A Dục vương tham học, chiêm bái thánh tích, gặp rất nhiều điềm kỳ lạ. 
Vào mùa Thu năm ấy trời hạn hán ảnh hưởng đến mùa màng của nông dân, quan Quận chủ liền thỉnh Ngài cầu mưa, Ca sa áo mão pháp phục trang nghiêm, Ngài đăng lâm bảo tọa uy nghi, hoa đăng cùng khói hương quyện tỏa, đang lúc hành Pháp sự, từ thân thể Ngài phát ánh hào quang đến tận trời xanh, một lúc sau cơn mưa lớn đổ xuống, nước tràn khắp ruộng đồng, cỏ lúa hoa màu mát mẻ xinh tươi. Dân được mùa trúng tiết.
Do sự hiệu nghiệm của việc cầu mưa, trừ được hạn hán, quan Quận chủ cùng nhân dân phong tặng Ngài với danh hiệu Thiên Quang. Người đời còn tôn vinh Ngài là Thiên Quang Tổ sư. 
 
Chuyến du học lần đầu tiên với thời gian khoảng 7 tháng, nhưng đã mang ấn tượng cho Ngài về Thiền tông tại đây. Kết quả chỉ là những bài luận Thiên Thai tông mà Ngài mang từ Trung Quốc về quê nhà. Ngài đem sách dâng lên cho Tăng chính. Tăng chính khen rằng : “Ngươi đem tông chỉ Thiên Thai tông về truyền bá rộng khắp là công đức vô lượng vậy !”.
Năm Đinh Mùi (1187),  khi 47 tuổi Ngài tiếp tục chuyến du học lần thứ hai, và chuyến đi này là mốc ngoặc quan trọng trong cuộc đời của Ngài. Ban đầu, Ngài có ý định sang tận Ấn Độ để chiêm bái Thánh tích lịch sử đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật giáo quê hương đức Phật, sau chuyến du học lần thứ hai tại Trung Quốc,  Ngài hy vọng có thể từ đường Trung Quốc sang xứ Phật đất Ấn. Tháng 2 năm ấy Ngài vượt biển đến Lâm An (Hàng Châu) gặp vị quan An Phủ Thị lang, dâng sớ xin giấy Thông hành sang Ấn Độ,  nhưng vị Tri phủ lấy lý do là quan ải không thông nên từ chối, buộc Ngài phải ở lại. Đây chính là cơ hội để Ngài tham vấn các vị Thiền sư Trung Quốc. Ngài lên Thiên Đài sơn,  Chùa Vạn Niên, Xích Thành, đảnh lễ cầu pháp với lão Hòa thượng Hư Am Hoài Sưởng - một vị Thiền sư thuộc đời thứ tám chi phái Hoàng Long Huệ Nam dòng Thiền Lâm Tế, nơi đây Ngài đạt yếu chỉ Thiền tông và được ấn khả.
Thời gian du học ở Trung Quốc lần thứ hai, Ngài một mặt kết hợp thực tiễn và nghiên cứu giữa Mật giáo và Thiền giáo. Một phương diện nữa trong thời gian đó Ngài còn đi truyền thụ pháp hội quán đỉnh và viết các sách vở Mật giáo.
Ngài tuy là người kiêm tu Thiền và Mật thế nhưng lúc này Ngài chuyên sâu hơn về Mật giáo. Ngài tiếp nhận quán đỉnh của nhiều vị đại sư. Do Ngài ở Diệp Thượng phòng nên còn xưng tụng là phái Diệp Thượng.
 
Có lần Ngài sai người chiếc một cành cây Bồ đề do thiền sư Đạo Thuỵ trồng đưa cho thương thuyền mang về Nhật Bản. Khi đó Ngài nói: “Nước ta chưa có giống cây này, hãy thử trồng một cây để nghiệm chứng cho Thiền phái của ta, nếu như cây này không sống được thì đạo của ta không thịnh đó”.
Cây đem về trồng cành lá xum xuê, sáu năm sau vào tiết xuân phân liền chiếc nhánh từ cây gốc qua Đông Đại Tự (Tôdaiji), thành phố Nara., vài năm sau lại chiếc nhánh trồng ở Kiến Nguyên Tự, hai cây ở đây tới giờ vẫn đang còn xum xuê cành lá.
Sau bốn năm du học, Ngài trở về cố hương hoằng dương Thiền tông. Ngài về nước đúng lúc Hộ bộ thị lang đang xây dựng Tự viện Phật giáo nhân đó liền thỉnh Ngài ở lại trụ trì để giáo hoá, Ngài ban phát thiền môn quy cũ, lúc đầu chỉ có hơn mười người, chẳng lâu sau thì tăng chúng ngày một đông.
Năm sau Ngài khai mở rất nhiều  đàn truyền giới, khai Luật viện truyền bá giới luật, mở rộng tự viện, chế định thiền quy, tuyển thuật kinh luận dần dần càng được sự chú ý của các bậc đại sư trong nước.
 
Sau khi Ngài vào kinh truyền bá Thiền tông, dẫn tới chuyện đố kỵ của tăng đồ các tông phái cũ. Trong đó có Lương Biện tìm cách xúi giục tăng đồ dâng sớ tấu lên triều đình, cuối cùng dẫn tới lệnh cấm Thiền tông. Theo Diên Bảo Truyền Đăng lục ghi chép Hoàng đế hạ chiếu lệnh để hỏi, Ngài đáp rằng :
“Thiền tông của nước ta không phải ngày nay mới có, ngày xưa các vị truyền giáo đại sư đã có truyền pháp trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật của Thiền tông.
Lương Biện ngu muội viết những điều xằng bậy. Thiền tông nếu đã làm điều sai thì các vị truyền giáo là sai, các vị truyền giáo là sai thì phép của phái Thiên Thai cũng là không có, thế nếu Thiên Thai đã không có rồi thì có gì để mà cự tuyệt ? Có thể thấy rằng tăng đồ không hay được ý của Tổ sư !”
Đương thời có những người hiểu biết, nghe được lời của Ngài, họ biết Ngài là bậc cao Tăng thạc đức, nên lại chung tay sức giúp đỡ để tuyên dương Thiền pháp, Ngài lại xây dựng Vạn Thánh Tự, hành giả ở khắp nơi đều đến thính giáo tham thiền, thanh danh ngày càng vang dội. Đây là một hình thức thiền viện đầu tiên của Nhật Bản.
Năm Tân Hợi (1191), Ngài đi bố giáo khắp trên đảo Kyuushuu (九州). Thế nhưng chùa Hieizan đã thành công trong việc vận động can thiệp việc chính quyền cấm truyền bá Thiền Tông. Do đó, năm Giáp Dần (1194), Ngài phải lên Kyôto phân giải. Về sau Ngài qua miền Đông, đóng vai trò chủ trì ngày giỗ lần thứ nhất của Shôgun Yoritomo (Nguyên Lại Triều 1147-1199) là vị tướng thiết lập chế độ Mạc Phủ, sáng lập "nền chính trị võ gia", khởi xướng truyền thống "thực quyền thuộc kẻ dưới" ở Nhật Bản. Với tư cách là tăng lữ Mật Giáo, Ngài đã quy y người của Mạc phủ, trong đó có vợ con Yoritomo. Gia đình Mạc phủ hiến đất xây chùa Phúc Thọ Tự, được phát tâm ủng hộ của Mạc phủ mà Thiền pháp thuận duyên truyền bá rộng khắp.
Năm Mậu Ngọ (1198), Ngài soạn bộ Hưng thiền hộ quốc luận (ja. kōzen gokokuron) để xiển dương Thiền tông và để chống đối lại sự phản bác mạnh mẽ của các vị tăng thuộc Thiên Thai tông. Trong Hưng thiền hộ quốc luận Ngài viết như sau:
"Tổ Tối Trừng (ja. saichō)(767-822) của Thiên Thai tông đã từng dạy Thiền; nếu Thiền tông chẳng có ý nghĩa gì thì Đại sư Tối Trừng cũng chẳng có ý nghĩa gì và nếu Đại sư Tối Trừng chẳng có ý nghĩa gì thì Thiên Thai tông cũng chẳng có ý nghĩa gì".
Hưng Thiền Hộ Quốc luận là một tác phẩm văn học Thiền đầu tiên của Nhật Bản, nói tới Thiền rất quan trọng đối với quốc gia dân tộc. Phật pháp và vương pháp cùng hỗ trợ cho nhau, chủ chương Phật giáo tới cùng cực là Thiền. Lại viết một cuốn Xuất Gia Đại cương, nói về những thiên chức của Tăng nhân.
 
Năm Canh Thân (1200), Ngài khai sơn chùa Jufuku Kikokuzan Kongō Jufuku Zenji.
 Năm Nhâm Tuất (1202) Ngài lại dựng chùa Kennin-ji. Chùa này được xem như một biệt viện của Hieizan. Ở đó Ngài  phối hợp 3 lối tu (kiêm tu) của Thiên Thai, Mật Giáo và Thiền. 
Năm Bính Dần (1206), Thái Thượng hoàng Go Toba bổ nhiệm Ngài việc xây cất chùa Tôdaiji (Đông Đại Tự), thành phố Nara. Ngài tận lực xây dựng chùa này. 
Năm Quý Dậu (1213), niên hiệu Kiến Bảo nguyên niên, Ngài được bổ nhiệm chức Gon Sôjô (Quyền Tăng Chính), một giáo phẩm cao cấp của Phật giáo Nhật Bản thời bấy giờ.
Năm Ất Hợi (1215), niên hiệu Kiến Bảo năm thứ ba, sau khi kiến tạo ngôi Thọ Phúc Thiền Tự (Kongō Jufuku Zenji) được hoàn thiện, Ngài thị hiện chút bệnh duyên và an nhiên thị tịch vào mùa An cư kiết hạ năm ấy. Hưởng thọ 75 Xuân. Pháp lạp 63 Thu.
Đương thời, Ngài được tôn vinh đệ nhất Tổ trồng Trà hay thủy Tổ sư Trà đạo hoặc gọi Ngài là Trà Thiền nhất vị . . . Thời kỳ Nại Lương có người mang trà đến Nhật Bản nhưng không thịnh hành. Sau khi du học Từ Trung Quốc về, Ngài mang theo một số hạt trà về trồng trước sân chùa Thánh Phúc, lại tặng cho nhiều người, ít lâu giống trà được gieo khắp đất nước. 
Sau này chính Ngài đã sáng tác ra cuốn Luận về uống trà và sức khỏe mang tên "Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký" (Kissa Yojoki), nội dung ghi lại mọi chuyện liên quan tới thú uống trà đạo.
Thiền tông Thời Tống Trung Quốc lưu hành rộng rãi mà tục uống trà cũng trở thành một thú vui, vừa giúp người ta tỉnh táo, giải khát lại chữa được bệnh tật nên thiền lâm dần dần dấy lên phong trào uống trà. Nghi lễ của việc uống trà đi kèm với hành pháp trở thành một.
Tư tưởng Trà Thiền Nhất vị do chính Ngài đưa Trà phong vào Nhật Bản. Xây dựng phong tục Trà đạo ở trong các Thiền viện Phật giáo cũng là do công đức của Ngài. 
Năm Kiến Bảo thứ 2, Ngài chữa trị được bệnh nhiệt cho Nguyên Thực Triêu bằng Trà, từ đó phong khí uống trà cũng thịnh hành trong dân gian.
Ngài cổ suý thiền tông, đề cao tinh thần nghiên cứu Thiền, xây dựng nên học phong một thời. Về sau không ít các Thiền sư do bất mãn với chính quyền của nhà Nguyên sang Nhật Bản nên các Thiền phái trở nên phát triển, công đức của Ngài càng lớn lao.
Những tác phẩm của Ngài lưu lại cho hậu thế như :
- Kôzen Gokokuron (Hưng Thiền Hộ Quốc Luận, Mậu Ngọ 1198).
- Nihon Buppô Chuukô Ganbun (Nhật Bản Phật Pháp Trung Hưng Nguyện Văn, Giáp Tý 1204). 
- Bồ-đề tâm luận khẩu quyết (ja.bodaishinron kōketsu)
- Kissa Yôjôki (Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký, Tân Mùi 1211).
- Xuất Gia đại cương  (ja. shukke daikō). 
- (hai quyển Kozen Gokokuron và Nippon Buppô Chuukô Ganbun bị nghi là sách giả). 

                                                                                                          Thích Vân Phong

Không có nhận xét nào: