Bài diễn văn của Tiến sỹ Trần Vinh Dự gây chấn
động dư luận và được so sánh với bài phát biểu của huyền thoại Steve Jobs tại
ĐH Stanford năm 2005.
Chỉ trong một thời
gian ngắn, bài diễn văn này được chia sẻ rất nhiều trên các trang mạng xã hội.
Chủ nhân của bài diễn văn gây chấn động ấy là doanh nhân, Tiến
sỹ Trần Vinh Dự - Chủ tịch Trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ (VATC) và Chủ tịch
Trung tâm Quốc tế của Đại học Broward College (Mỹ) tại Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi, TS Trần Vinh Dự cho biết, đây là bài
diễn văn ông nói trong lễ tốt nghiệp của sinh viên trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ
vào tháng 3/2010.
Nhiều người bình luận luận cho rằng bài phát biểu giống với bài
diễn văn của nhân vật huyền thoại Steve Jobs tại lễ tốt nghiệp của ĐH Stanford
năm 2005; “bài phát biểu của Steve Jobs ở Việt Nam”.
Một độc giả khác đánh giá: “Bài viết có chiều sâu và sức hút kỳ
lạ!”;“ Bài phát biểu quá hay, vì nó xuất phát từ trái tim chân thành và bộ
não chứa đầy tri thức, trải nghiệm”…
Trong bài diễn văn của mình nói với sinh viên ngày ra trường, TS
Trần Vinh Dự đưa ra 3 điều: Sự thất bại, sự hữu hạn của cuộc đời, sự thành đạt
và hạnh phúc.
Chúng tôi xin phép đăng tải nguyên văn bài diễn văn “kinh điển”
gây chấn động này của TS Trần Vinh Dự:
Tôi rất hân hạnh được có mặt trong buổi lễ tốt nghiệp ngày hôm
nay của các bạn, những cựu sinh viên yêu quý của trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ.
Trong ngày vui này, tôi muốn chia sẻ với các bạn 3 điều với tư
cách là một người bạn. Chỉ có 3 điều thôi, không có gì là lớn lao.
Điều thứ nhất là về sự
thất bại
Tôi tự cho mình là một người dám chấp nhận thất bại. Thất bại
đầu đời của tôi là trong năm đầu Đại học. Tôi vào học Đại học Quốc Gia Hà Nội
năm 1995 và đặt mục tiêu phải lấy được học bổng để đi Úc học ngay trong năm đầu
tiên.
Để làm được việc đó, tôi phải đứng đầu trường về thành tích học
tập. Kết quả học tập của tôi năm đó đứng đầu trường.
Nhưng đáng tiếc là chương trình học bổng của Úc mà tôi nhắm tới
năm đó kết thúc. Giấc mơ không thành, tôi đã khóc nhiều ngày, nhưng tôi không
bỏ cuộc.
Khi tốt nghiệp Đại học, tôi cũng tốt nghiệp đứng đầu khoá. Tôi
được trường Đại học Quốc Gia Hà Nội giữ lại làm giảng viên. Thế nhưng mức lương
khi đó chỉ có 400 nghìn đồng mỗi tháng, đủ cho tôi uống café và ăn sáng vài
ngày.
Tôi nộp hồ sơ xin việc ở nhiều nơi, và trong suốt 6 tháng trời,
tôi chỉ nhận được hết cái lắc đầu này tới cái lắc đầu khác. Lại một thất bại
nữa.
Sự thất bại trong việc tìm việc làm tốt và lương cao khiến tôi
nhận ra tôi cần phải làm tốt hơn nữa. Tôi đã dành một năm tự học và xin học
bổng.
Thời kỳ này áp lực lớn tới mức tóc trên đầu tôi rụng từng mảng.
Tôi cao 1m74, và khi đó tôi chỉ nặng hơn 50 kg đôi chút.
Nhưng nỗ lực của tôi cuối cùng không uổng. Tôi được nhận học
bổng của viện Harvard Yenching tại trường Đại học Harvard và được nhận vào học
tại Đại học Tổng hợp Texas tại Austin. Năm 24 tuổi, tôi bắt đầu qua Mỹ học tiến
sĩ Kinh tế.
Gần 6 năm học tiến sĩ là một thời kỳ gian khổ, đặc biệt là trong
giai đoạn làm luận án.
Các thất bại liên tiếp trong nghiên cứu và áp lực phải thành
công để tốt nghiệp là đặc biệt nghiêm trọng.
Nếu thời gian kéo dài quá lâu, học bổng của tôi sẽ hết, và tôi
sẽ phải bỏ cuộc và về Việt Nam với hai bàn tay trắng. Vì thế nhiều lúc quẫn trí
tôi đã tính đến việc tự sát.
Thế nhưng cuối cùng tôi vẫn vượt qua được. Khi tôi tốt nghiệp đầu
năm 2007, tôi là một trong 3 nghiên cứu sinh được đánh giá cao nhất trong số
khoảng gần 20 tiến sĩ Kinh tế tốt nghiệp năm đó của trường.
Ngay từ trước khi ra trường, tôi đã có việc làm tại Mỹ với mức
lương khởi đầu 6 con số, tức là hơn 100 nghìn USD/năm.
Năm 2010, tôi về Việt Nam và bắt đầu làm việc cho một Quỹ đầu tư
lớn nhất nhì Việt Nam trên cương vị cố vấn kinh tế cao cấp. Nhiều người ngăn
cản quyết định này. Nhiều người cho tôi là ngu ngốc.
Và quả thật, tôi bị sa thải chỉ sau 3 tuần làm việc ở tập đoàn
này. Lý do, các lãnh đạo của họ sợ những gì tôi nói và viết có thể ảnh hưởng
đến tương lai chính trị của tập đoàn. Lại một thất bại nữa. Lần này nặng hơn vì
tôi đã 33 tuổi.
Nhưng chính nhờ thất bại này, sự nghiệp của tôi rẽ sang một lối
đi mới. Tôi tham gia cùng các bạn bè thân hữu của mình xây dựng công ty tài
chính TNK Capital, giờ là một công ty tư vấn tài chính uy tín ở Việt Nam.
Từ công ty này, chúng tôi lập ra Ismart Education, một công ty
tiên phong ở Việt Nam trong lĩnh vực giải pháp giáo dục số, và đầu tư vào Học
viện Giáo dục Hoa Kỳ, là công ty sở hữu trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ.
Những thất bại mà tôi gặp phải trong 20 năm qua có thể chưa phải
là những thất bại lớn. Tôi có thể sẽ còn gặp thêm nhiều thất bại nữa trong
những năm tới. Nhưng mỗi khi thất bại, tôi lại thấy mình trưởng thành hơn và
quyết tâm hơn.
Ngày hôm nay các bạn ra trường, cũng giống như tôi ra trường hồi
15 năm trước. Dù học giỏi tới đâu, hành trang lập nghiệp của các bạn cũng giống
như tôi ngày đó, vẫn còn nghèo nàn lắm.
Các bạn chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách,
và sẽ có nhiều thất bại. Có những thất bại sẽ làm các bạn bật khóc. Có những
thất bại sẽ làm các bạn không thể khóc thành lời.
Có những thất bại sẽ làm các bạn mất niềm tin và gục ngã. Có
những thất bại thậm chí làm các bạn đau đến mức ước như mình chưa bao giờ được
sinh ra.
Trong những giờ phút ấy, hãy nhớ rằng ai cũng sẽ phải trải qua
những thử thách tương tự.
Cái gì không giết chết được chúng ta thì sẽ làm chúng ta lớn
mạnh hơn. Tôi mong điều ấy ở các bạn. Và đó là chia sẻ đầu tiên.