Thông minh là một loại khả năng sinh tồn, còn trí tuệ là một loại cảnh giới của sự sống còn.
Người thông minh trên đời không nhiều lắm, ước chừng mười người có một, mà nhà thông thái (bậc trí giả) lại càng hiếm thấy, trăm người đoán chừng cũng không có lấy một người. Bạn thấy đấy, ngay cả Socrates – nhà triết học người Hy Lạp, người được công nhận là một nhà thông thái cũng tự cho rằng, nếu dựa theo tiêu chuẩn của trí huệ, bản thân cũng chỉ là kẻ vô tri (không biết gì)”.
Trong cuộc sống thực, những người không bị thiệt thòi là những người thông minh, những người có thể chịu thiệt là những người trí giả.
Người thông minh luôn có thể duy trì sự tỉnh táo để bảo vệ lợi ích của bản thân khi giao dịch với người khác. Ví dụ như trong làm ăn, họ luôn có thể đảm bảo kiếm ra lợi nhuận; trong khi những người trí tuệ không bao giờ theo đuổi lợi nhuận một cách tuyệt đối, và một số doanh nghiệp thậm chí còn phải đối mặt với việc thua lỗ.
Người thông minh biết mình có thể làm gì, mà bậc trí giả biết rõ mình không thể làm gì.
Người thông minh đa số đều có thể nắm bắt rất nhanh các cơ hội và biết khi nào nên hành động; trong khi người trí tuệ biết rõ khi nào nên buông bỏ. Vì vậy, những gì có được là thông minh, đặt xuống mới là trí tuệ.
Người thông minh luôn thể hiện ưu điểm của mình ra ngoài, cũng chính là trổ hết tài năng, để trở nên nổi bật; mà bậc trí giả thì tự giấu đi hào quang của mình, để người khác thể hiện trước. Ví dụ như trong một bữa tiệc, người thông minh bận rộn với cái miệng và thường nói hùng hồn, bởi thế là ấm trà; trong khi bậc trí giả thì bận bịu với đôi tai và chú ý lắng nghe người khác nói, bởi thế là tách trà. Đến cuối cùng, nước trong ấm trà cũng sẽ được rót vào tách trà mà thôi.
Người thông minh chú trọng đến từng chi tiết; mà trí giả chú trọng vào chỉnh thể.
Người thông minh gặp nhiều phiền não hơn, mất ngủ cũng nhiều hơn, bởi vì người thông minh nhạy cảm hơn người thường, còn người trí giả có thể rời xa phiền não, và đạt đến cảnh giới siêu nhiên “bất dĩ vật hỉ, bất dĩ kỷ bi” (không vì ngoại vật mà vui, không vì bản thân mà buồn), bởi vậy người trí giả đều ăn được, ngủ được.
Người thông minh háo hức muốn thay đổi người khác và để người khác tuân theo ý muốn của họ; mà người trí giả có thể thuận theo tự nhiên. Do đó, mối quan hệ giữa các cá nhân của những người thông minh dễ bị căng thẳng, trong khi mối quan hệ giữa các cá nhân của những người trí giả lại hài hòa nhiều hơn.
Hầu hết sự thông minh là bẩm sinh, nhờ vào di truyền; trong khi trí tuệ cần tu luyện nhiều hơn.
Sự thông minh khiến người ta có thể tiếp thu được nhiều kiến thức hơn, trong khi trí tuệ làm cho người ta ngày càng có văn hóa hơn. Ngược lại, một người càng có nhiều kiến thức thì càng thông minh và càng có nhiều văn hóa thì càng có trí tuệ.
Thông minh dựa vào tai mắt gọi là tai nghe mắt thấy, còn trí tuệ dựa vào trái tim tức là trí tuệ từ tâm sinh ra.
Khoa học khiến người thông minh, triết học dạy người trí tuệ.
Sự thông minh có thể mang lại sự giàu có và quyền lực, trí tuệ có thể mang đến hạnh phúc. Bởi vì những người thông minh thường hay có nhiều kỹ năng hơn, mà trong thực tế, những kỹ năng này chỉ cần có cơ duyên thì có thể được chuyển đổi thành sự giàu có và quyền lực. Nhưng sự giàu có và quyền lực thường không tỷ lệ thuận với hạnh phúc. Hạnh phúc xuất phát từ trái tim con người.
Cho nên, cầu tài thì thông minh là đủ, cầu giải thoát phiền não thì phải tu trí huệ.
Trịnh Bản Kiều nói: “Thông minh đã khó, hồ đồ càng còn khó hơn”. Kỳ thực, “hồ đồ” mà ông nói là “hồ đồ” của người trí huệ. Vì vậy, “khó được hồ đồ” cũng có nghĩa là “khó đắc được trí huệ”.
Kỳ Mai biên dịch
Vương Hòa – aboluowang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét