Nhân tố quyết định một người có thể thành tài hay không thường không đến từ ngoại hình hay học lực, mà là tính khí.
Thời xưa, cổ nhân đề xướng 3 điều khiến một người “bất hủ”: Lập đức, lập công, lập ngôn. Tức là, làm người trước hết phải biết tu luyện đạo đức, sau đó phải biết gánh vác trách nhiệm và thận trọng từ việc làm đến lời nói. Như vậy, cái “bất hủ” mới thoát khỏi sinh mệnh dài ngắn mà được đúc kết ở tinh thần cao thượng, vượt lên phú quý cá nhân để gắn liền với sự nghiệp xã hội lớn lao.
Từ đó có thể thấy, chữ “Đức” luôn là điều kiện tiên quyết để quyết định một người có thể thành tài hay không. Nếu không chú trọng đức độ, tu dưỡng tính khí thì dễ gặp tai họa, dẫn tới thất bại trong đời. Đặc biệt là với 3 loại tính khí: Lười biếng, Kiêu ngạo và Hoang phí.
Điều này được đúc kết trong câu nói “Lười biếng thì hỏng người, kiêu ngạo thì hỏng việc, hoang phí thì hỏng cả nhà” của Tăng Quốc Phiên, một Nho gia lỗi lạc, văn võ song toàn, làm quan ở thời nhà Thanh và từng có hai nhiệm kỳ được cắt cử chức Tổng đốc Lưỡng Giang.
Lười biếng thì hỏng người
Truyện dân gian có kể rằng:
Một ngày, Diêm Vương nhận thấy nhân lực dưới triều đình địa phủ khan hiếm, bèn đặt vấn đề với các văn võ bá quan, yêu cầu mọi người tuyển mộ những kẻ phải chết nhưng vẫn phải khỏe mạnh, không mắc bệnh tật, để bổ sung nguồn lực tinh anh, lao động cho âm phủ.
Một trong số các thần tướng là Thần Lười cũng được cử lên Hạ giới thực hiện nhiệm vụ. Gã đi tới mọi nơi, từ gia đình cho tới doanh nghiệp, từ thành thị cho đến nông thôn, từ nhà nghèo cho đến nhà giàu. Nơi nào vị thần đi qua, con người đều trở nên lười biếng ỷ lại, từ bỏ lao động, chỉ thích ăn không ngồi rồi.
Chỉ sau một thời gian ngắn, các nhà máy và xí nghiệp đóng cửa, mọi hoạt động kinh doanh buôn bán đình trệ, kinh tế rơi vào khủng hoảng, đói khổ tràn ngập mọi nơi, nhân số dưới địa phủ tăng cao vút. Thần Lười thu được kết quả thuận lợi, được Diêm Vương khen thưởng hết lời.
Từ câu chuyện trên, có thể thấy rằng, lười biếng là con đường nhanh nhất để hủy hoại một con người. Đó cũng là lý do mà Tăng Quốc Phiên thường căn dặn con cháu rằng, “Dù gặp khó khăn, cần cù chịu khó, đi từng bước từng bước, chầm chậm vượt qua, tự nhiên sẽ cải thiện bản thân”.
Bản thân ông cũng tuân theo nó, lấy chăm chỉ cần cù làm đầu để kiên trì dùi mài kinh sử, mười mấy năm sau mới làm nên nghiệp lớn. Cơ hội chỉ dành cho người có sự chuẩn bị, luôn nỗ lực phấn đấu, mới có thể nắm bắt thời cơ. Chứ chỉ biết sống ỷ lại, thích đi đường tắt cho nhanh, thì sớm muộn cũng gặp tai họa, không đủ sức chống chọi với thất bại.
Kiêu ngạo thì hỏng việc
Trong thiên hạ, phàm là người có tài đều mang trong mình ngạo khí. Tài càng cao thì ngạo khí đó càng lớn. Nếu không biết khống chế, nó sẽ trở thành tai họa, đưa bạn đi tới diệt vong chỉ vì thói kiêu căng, tự mãn của mình. Tự cổ chí kim, không ít anh hùng đã bỏ mạng vì một chữ “ngạo”. Đó cũng là lý do mà Tằng Quốc Phiên đúc rút rằng: “Kiêu ngạo thì ắt hỏng việc.”
Xưa kia, thời đại Hán – Sở tranh hùng, Hạng Vũ từng được mệnh danh là Chiến thần, xưng hùng xưng bá, đứng đầu một phương, các nước chư hầu xung quanh đều phải kiêng dè. Y vừa có sức khỏe hơn người, bách chiến bách thắng, lại vừa có mưu sĩ kiệt xuất nhất thời đại là Phạm Tăng phụ tá, cho nên thế lực ngày càng lớn mạnh.
Thế nhưng, không chỉ bành chiếm về quyền thế và địa vị, Hạng Vũ còn bánh chiếm cả về lòng kiêu căng, sự tự mãn. Dần dần, đến những lời can gián chính trực của Phạm Tăng, y cũng bỏ ngoài tai, dẫn tới mất lòng hiền tài.
Phạm Tăng bỏ đi, thế lớn mất sạch, Hạng Vũ bị chính Lưu Bang và Hán Tín phản kích, liên tục thất bại thảm hại trong tay những người mà mình đã quá coi thường. Số phận của một kẻ tự mãn cuối cùng kết thúc bằng việc tự vẫn, bỏ lại đại nghiệp dang dở.
Có giỏi giang đến mấy mà nuôi lớn sự kiêu ngạo thì sớm muộn cũng đi tới thất bại. Chỉ có người biết khiêm cung nhẫn nại, kiềm chế ngạo khí, mới là đạo làm người đích thực. Kẻ mạnh thực sự không cần phải thể hiện ra ngoài, vì nó xuất phát từ nội tâm cứng cỏi và ý chí vững vàng sâu bên trong.
Hoang phí thì hỏng cả nhà
Có câu nói rằng: Tiết kiệm là cái kho vô tận của người nghèo, còn hoang phí là cạm bẫy vô biên của kẻ giàu.
Trong xã hội hiện đại với nhiều cám dỗ, rất nhiều người lại coi dục vọng là bản năng của con người, là động lực sống đến nỗi miệt mài theo đuổi. Thế nhưng, chi tiêu có chừng mực thì người ta mới gọi là hưởng thụ. Một khi vượt qua giới hạn thích đáng, nó sẽ trở thành sự hoang phí.
Ham muốn, dục vọng về vật chất giống như cái hố không đáy, nhét vào bao nhiêu cũng không đủ. Chúng có thể kéo bậc quân tử sang đường tà, có thể khiến kẻ tiểu nhân táng gia bại sản, thậm chí là bỏ mạng. Con “quái vật” lòng tham có thể nuốt trọn mọi thứ, một khi nó thức tỉnh.
Thói quen tiêu xài hoang phí, theo đuổi vật chất phù phiếm sẽ khiến chúng ta mất đi sự tỉnh táo. Vì lý trí đã rời khỏi cuộc chơi, chúng ta lại càng dễ rơi vào những cạm bẫy mà kẻ xấu vạch ra trước mắt, đánh mất hết toàn bộ thành tựu đã tích lũy suốt nửa đời người. Tới lúc tỉnh ra thì cả bản thân cũng như gia đình đã rơi vào bước đường cùng
Rõ ràng, tiết kiệm trong cảnh túng thiếu thì rất dễ, nhưng tiết kiệm trong cảnh giàu sang lại khó hơn rất nhiều, chỉ có người thực sự bản lĩnh mới thực hiện được. Với những người thất bại trên hành trình tự kỷ luật đầy khắc nghiệt này, kết cục phía trước sẽ luôn là bi kịch, chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi.
Cho nên, sống trên đời, nhất định phải tu dưỡng tính khí của bản thân. Tránh xa Lười biếng để không mất đi chí tiến thủ, tránh xa Kiêu ngạo để hiểu rõ đạo đối nhân xử thế, tránh xa Hoang phí để kiểm soát dục vọng bản thân. Chỉ những ai kiên định với ba điều này mới có thể rèn luyện thành tài.
Tuệ An t/h
Nguồn: https://vandieuhay.net/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét