Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

KHI KHÔNG SỬ DỤNG NHÀ VỆ SINH, NÊN ĐÓNG HAY MỞ CỬA? NHIỀU GIA ĐÌNH VẪN ĐANG LÀM SAI

 


Nhà vệ sinh là một phần quan trọng trong một ngôi nhà, vậy khi không sử dụng, bạn thường đóng hay mở cửa?

Trong kết cấu cơ bản của một ngôi nhà kép kín, chắc chắn không thể thiếu khu vực mang tên nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh thường được sử dụng nhằm mục đích con người thực hiện các công việc vệ sinh cá nhân, tắm rửa... Sử dụng mỗi ngày nhưng liệu người dùng có thật sự biết câu trả lời đúng cho câu hỏi: "Khi không sử dụng phòng vệ sinh, nên đóng hay mở cửa?". 

Nhiều người lựa chọn đáp án mở cửa vì họ cho rằng, việc này sẽ giúp không gian bên trong được thông thoáng hơn, tốt hơn. Số khác lại chọn đóng cửa, vì bên trong nhà vệ sinh ẩn chứa lượng vi khuẩn và một số mùi khó chịu, có thể ảnh hưởng tới toàn bộ không gian. 

Vậy câu trả lời đúng theo lời các chuyên gia là gì?

Tốt nhất nên đóng cửa nhà vệ sinh khi không sử dụng

Theo các chuyên gia, tốt hơn hết người dùng nên đóng cửa nhà vệ sinh lại khi không sử dụng. Đúng như suy luận của một số người dùng, nhà vệ sinh là nơi ẩn chứa nhiều vi khuẩn và cả những mùi hôi khó chịu. Chúng có thể nhanh chóng lây lan ra phòng khách, phòng bếp hay phòng ngủ của gia chủ qua đường không khí. 

Chính vì vậy, việc đóng cửa là để ngăn chặn những điều này gây ảnh hưởng tới không gian sống, tới chất lượng không khí cũng như sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Điều này được các chuyên gia nhấn mạnh người dùng nên đặc biệt lưu ý với những phòng vệ sinh được thiết kế trong phòng ngủ, hoặc gần phòng khách hay khu vực nấu ăn.

Bên cạnh đó, phòng vệ sinh cũng là một khu vực khá riêng tư và tế nhị của mỗi gia đình. Việc đóng cửa khu vực này lại sẽ giúp giữ được thẩm mỹ cho không gian nhà nói chung. Trong trường hợp có khách đến chơi nhà, việc đóng cửa nhà vệ sinh cũng thể hiện sự lịch sự, chỉn chu của chủ nhà, đặc biệt khi nhà vệ sinh không được thực sự sạch sẽ, gọn gàng.

Nếu muốn không gian trong nhà vệ sinh được thông thoáng, ráo nước sau mỗi lần sử dụng, đặc biệt với những phòng vệ sinh tích hợp cả phòng tắm, người dùng có thể lắp đặt thêm cửa sổ hoặc hệ thống máy thông gió trên tường, trần nhà. Sau khi sử dụng xong, người dùng đóng cửa phòng lại và bật hệ thống thông gió, mở cửa sổ, căn phòng sẽ nhanh chóng được khô ráo. 

Những thứ nên đóng nắp, đậy kín trong nhà vệ sinh

Ngoài cửa chính của phòng vệ sinh, các chuyên gia cũng khuyên rằng một số thứ sau trong khu vực phòng cũng cần được đóng nắp, đậy kín để hạn chế vi khuẩn và mùi hôi lây lan rộng. Đó là chiếc bồn cầu, nắp cống và thùng rác.

Với chiếc bồn cầu, các nhà khoa học đã nhiều lần tiến hành các thử nghiệm để chứng minh, khi không đóng nắp, nơi này có nguy cơ phát tán ra không gian lượng vi khuẩn khổng lồ. Ví dụ như thí nghiệm của một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Colorado Boulder. Họ đã sử dụng ánh sáng laser xanh chuyên biệt, chiếu vào khu vực bồn cầu khi xả nước và sau khi xả nước xong mà nắp bồn cầu vẫn mở. 

Kết quả cho thấy, rất nhiều bọt, tia nước mang theo vi khuẩn lơ lửng trong không gian mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Vi khuẩn từ đó có thể bám vào các vật dụng, đồ dùng hoặc thậm chí là bám lên con người, gây ra các chứng bệnh về da hay đi vào đường hô hấp. Chính vì vậy tốt hơn hết, sau khi sử dụng xong bồn cầu, hãy đóng nắp bồn cầu ngay từ bước xả nước. 

Với nắp cống, khu vực xung quanh nó là 1 trong những thứ chứa nhiều vi khuẩn nhất trong nhà vệ sinh, theo báo cáo từ Safehome.org. Người dùng hãy thường xuyên vệ sinh kỹ khu vực này, đồng thời khi không sử dụng nhà tắm, nhà vệ sinh, hãy đóng kín nắp cống. Điều này tương tự với chiếc thùng rác. Đặc biệt, dù cho lượng rác trong thùng có ít hay nhiều, hãy tiến hành đổ hàng ngày. 

Cuối cùng là thói quen dọn dẹp nhà vệ sinh định kỳ của người dùng nên được duy trì mỗi ngày hoặc tối thiểu 1 tuần 1 lần. Có như vậy, lượng vi khuẩn mới không bị tích tụ lên một con số khổng lồ. Không gian nhà tắm nói riêng hay toàn bộ không gian nhà ở luôn được vệ sinh đúng cách sẽ giúp cuộc sống được thoải mái và khỏe mạnh hơn.

 Theo Phụ Nữ mới

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

Ở ĐỜI CÓ 9 LOẠI ÂN TÌNH NHẤT ĐỊNH KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC QUÊN

 

Trong suốt cuộc đời mình, mỗi người đều chịu ơn dưỡng dục của tạo hóa, cha mẹ và mọi người xung quanh. Chẳng ai có thể tự mình làm nên tất cả. Một người trong lòng luôn chan chứa niềm cảm ơn với con người, cuộc sống thì ắt là luôn được hạnh phúc, gặp được quý nhân.

Ở đời có mấy loại ân tình này, hẳn là ai cũng cần phải nhớ kỹ.

1. Ơn sinh dưỡng của tạo hóa

Ngay từ khi sinh ra, từng hơi thở của chúng ta đã gắn liền với mẹ Tự Nhiên. Cơm ăn, nước uống, ánh nắng mặt trời và quy luật vận hành của các bộ phận trong cơ thể… có điều gì là chúng ta tự mình làm được đây?

Ta sinh ra đã thấy mọi thứ đều được an bài sẵn như vậy nên đôi khi coi đó là điều hiển nhiên và mặc nhiên hưởng thụ. Thế rồi đến khi gặp khó khăn, trắc trở, dầm mình những ngày mưa gió, bão bùng, ở thời điểm sóng gió ập đến, nhiều người lại mở lời oán hận số phận bất công, trách móc ông Trời “không có mắt”.

Những phong tục tế tự thần linh, Trời Đất xưa nay đều đang nhắc nhở con người nhớ tới ơn dày của Tạo hóa. Nếu luôn biết nhớ ơn cuộc sống, nhớ ơn Thần linh luôn che chở, nâng đỡ mình trước những nguy nan, kiếp nạn, người ta sẽ cảm nhận được sự tĩnh tại, bình yên và hạnh phúc sâu thẳm trong lòng mình. Các bậc Thánh nhân, dẫu là ở phương Đông hay phương Tây thì đều chung một ý niệm và nguyện ước con người hướng thiện, biết tu tâm dưỡng tính, biết chăm lo cho mọi người xung quanh.

“Ở hiền gặp lành” ,“Có đức mặc sức mà ăn” chính là lời nhắc nhở truyền đời của lớp tiền bối. Học cách cảm ơn mẹ Thiên Nhiên chính là cách một người đang hướng thiện và sống vị tha hơn.

2. Ơn dưỡng dục của cha mẹ

Ai cũng từ tinh cha huyết mẹ mà thành hình. Suốt 9 tháng 10 ngày nằm trong bụng mẹ là từng ấy thời gian cha mẹ khắc khoải chờ mong. Dẫu khó chịu vì những lần ốm nghén, vì dáng đi khệ nệ hay những đêm ngủ chẳng yên giấc, mẹ vẫn không một lời than trách. Dẫu ăn gì uống gì, nghĩ gì, làm gì, cha mẹ cũng chỉ canh cánh bên lòng, phập phồng lo lắng cho bào thai bé bỏng trong bụng.

Ngày con chào đời cũng là ngày mẹ trải qua những giây phút vượt cạn gian nan nhất. Mang nặng đẻ đau là vậy, những hiểm nguy và lưỡi hái tử thần luôn cận kề bên mẹ. Mẹ có thể chịu đựng nỗi đau thắt lòng, bất chấp hiểm nguy chỉ mong sinh mệnh bé nhỏ, yếu ớt của con có thể bình yên chào đời. Cha phập phồng lo lắng, từng phút từng giây bất chợt trở nên dài đằng đẵng như hàng thế kỷ. Tới khi nghe thấy tiếng con oa oa chào đời, nhìn thấy hình hài con lành lặn cha mẹ mới có thể yên lòng.

Nhưng thử thách cam go, dồn dập ấy mới chỉ là màn mở đầu. Những ngày tháng sau đó cha mẹ còn phải tổn hao tâm sức nhiều hơn. Nửa đêm khuya khoắt cho con bú mớm, chăm cho con từng miếng ăn giấc ngủ. Những khi con lên cơn sốt hay khó chịu trong người, cha mẹ lại thấp thỏm, ruột gan nóng bừng như lửa đốt.

Từng ngày con lớn lên là từng ngày cha mẹ dành bao tâm huyết dưỡng dục, chỉ bảo từng lời ăn tiếng nói, từng ánh mắt nụ cười. Ngay cả khi con đã lớn khôn thành người cha mẹ vẫn không ngớt đợi mong. Ánh mắt cha mẹ cứ mãi dõi theo bóng dáng của các con, dẫu con có đi tới chân trời góc bể, bay nhảy với sự nghiệp của mình hay đã yên bề gia thất, vui vầy cùng chồng tốt, vợ hiền.

Ngay cả khi cha mẹ lưng còng, tóc bạc, mắt mờ nhưng tấm lòng đau đáu hướng về con chẳng khi nào nguôi ngoai. Dẫu thế nào thì con vẫn luôn là những đứa trẻ trong lòng cha mẹ. Có lẽ tới khi nhắm mắt xuôi tay, đôi mắt khép lại cha mẹ mới có thể thôi không lo lắng cho các con mình.

“Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Đại ơn của cha mẹ cả đời cũng báo đáp không hết. Cha mẹ không cần chúng ta phải cung phụng vật chất đủ đầy, chỉ mong chúng ta luôn bình yên, hạnh phúc.

Hãy chăm sóc, trò chuyện với cha mẹ nhiều hơn, bày tỏ lòng biết ơn với cha mẹ nhiều hơn một chút, mở rộng trái tim đón cha mẹ vào trong cuộc sống của chúng ta. Chỉ có như vậy cha mẹ mới thực sự yên lòng và vui vẻ an hưởng tuổi già mà mỗi người cũng làm tròn được hiếu đạo của mình. Bởi vì “Bách thiện hiếu vi tiên” (trong trăm cái thiện, hiếu đứng đầu).

3. Ơn cứu mạng khi bị đe dọa tính mạng

Cuộc sống như mặt biển ngút ngàn, có những ngày trời yên bể lặng, cũng có những ngày sóng gió thét gào. Khi bình yên chúng ta có rất nhiều ước mơ, rất nhiều hoài bão. Nhưng nếu mất đi sinh mệnh thì một dung mạo đẹp, những tài năng tỏa sáng hay những giây phút huy hoàng trong cuộc đời, những khi hạnh phúc bình yên bên gia đình ấm áp và những người mà chúng ta yêu thương cũng đều khép lại.

Khi gặp nguy hiểm ngoài dự liệu, mắc bệnh hiểm nghèo hay thiên tai nhân họa đe dọa tới tính mạng mà lại có vị ân nhân nào đó xuất hiện cứu vớt chúng ta trước vực thẳm thì cần phải ghi nhớ đại ơn này suốt cuộc đời. Bởi lẽ không có họ thì sinh mệnh của chúng ta đã kết thúc, chúng ta sẽ chẳng còn có được thân xác con người trên thế gian này để yêu thương và thực hiện những sứ mệnh của mình.

4. Ơn thầy cô dưỡng dục

Từ những ngày đầu chập chững vào đời, các thầy cô đã dang tay đón nhận chúng ta vào lòng, dạy cho chúng ta từng con chữ, từng nốt nhạc, từng lễ tiết và đạo đức làm người. Lớp lớp các thầy cô luôn xuất hiện và nâng bước chân ta vào đời, từng bước từng bước một cách nhẫn nại.

Thầy cô kế thừa những tinh hoa mà cha ông truyền lại, dạy chúng ta cách chung sống với mọi người xung quanh, dạy chúng ta những kỹ năng nghề nghiệp, chắp cánh ước mơ cho chúng ta bay cao bay xa. Đôi khi vai trò giáo dục của thầy cô còn mang tính quyết định cuộc đời của bao thế hệ.

Công ơn thầy cô cần phải ghi lòng tạc dạ. Hãy nhớ: “Không thầy đố mày làm nên“, “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy“.

5. Ơn đề bạt tiến cử

Đôi khi chúng ta nghe thấy câu “có tài mà không có đất dụng võ”. Bản thân mỗi người dẫu văn võ toàn tài đến đâu nhưng nếu không có nơi triển hiện tài hoa, không thể làm việc có ích cho đời thì cũng chỉ có thể ngậm ngùi mang về cùng lòng đất mà thôi.

Vậy nên khi được người khác phát hiện, được người khác tiến cử giúp tài năng đang ngủ yên của mình được phóng ánh quang huy, lập công cùng trời đất thì ơn này không thể không ghi lòng tạc dạ. Người phát hiện ra tài năng của bạn sẽ giúp bạn mở rộng cánh cửa tương lai bước trên một hành trình mới đầy hứa hẹn. Trên mỗi bước đường thành công của chúng ta có công sức của biết bao người.

6. Ơn chỉ đường mở lối

Cuộc sống giống như một hành trình liên tục góp nhặt từ những tiểu tiết tới những việc đại sự, từ những món quà tới những khảo nghiệm. Nhỏ thì như lạc đường, học hành không phương hướng, bài tập không biết lời giải, lớn thì phải tính tới việc đời người sa vào mê mờ, lạc lối.

“Sông có khúc, người có lúc”. Cuộc sống vốn đã mang trong mình quá nhiều bí mật thú vị và ẩn số khó lường. Khi bước trên chặng đường đời của mình, chúng ta khó tránh khỏi những lúc mê lạc, những khi bế tắc, những lúc bất lực, thở dài ngao ngán.

Có người thấy cô đơn, có người lại trầm uất, bất lực. Có người thì tìm quên trong làn khói thuốc của nàng tiên nâu, trong men rượu hay trong những dục vọng ái tình nhất thời của mình.

Lúc này nếu có người có thể chỉ ra phương hướng cho bạn, thổi bùng lên ngọn lửa tư tưởng của bạn, tháo gỡ những nút thắt trong tâm bạn giúp con đường phía trước của bạn đột nhiên trở nên sáng rõ, đoan chính, thậm chí mở ra một tương lai rạng ngời cho bạn thì ơn này cả đời bạn cũng không thể quên được. Ơn chỉ đường mở lối này càng cần đền đáp muôn phần.

7. Ơn tương trợ lúc nguy cấp

Khi gặp lúc nguy nan, khi rơi vào cảnh cùng quẫn con người dễ thấy cô đơn và bất lực. Có thể vì vậy mà bạn sẽ bỏ dở giữa đường, hay chuyển sang một hướng khác. Thậm chí có thể còn gặp phải nhiều điều không may mắn và bất hạnh.

Lúc này nếu có người chung vai tương trợ, giúp bạn thoát khỏi đường cùng, bạn sẽ có thêm sức mạnh để vượt qua, thêm động lực để bước tiếp, thêm niềm tin đi tới tận cuối con đường. Ơn này thật lớn biết bao!

8. Ơn dìu dắt của cấp trên

Trong công việc nếu gặp được cấp trên khoáng đạt, tấm lòng rộng rãi, không ganh ghét, đố kỵ với người hiền tài, vào thời khắc then chốt có thể đề bạt, tiến cử và mở rộng tiền đồ cho bạn thì ơn này chẳng thể nào quên.

Bạn thử nghĩ mà xem, nếu không có một cấp trên như vậy có thể sự nghiệp của bạn thật khó hanh thông, con đường quan lộ cũng chẳng thể có ngày thênh thang sải bước.

9. Ơn huynh đệ như thủ túc

Cha ông ta thường ví tình anh em như thủ túc, như tay với chân chẳng thể lìa xa, chẳng thể chuyển dời. Anh em cùng chung huyết mạch, chung giọt máu đào, chung gen di truyền của cha mẹ. Anh em cùng chung nguồn cội, cùng sinh trưởng trong một gia đình, trải qua những thời khắc tuổi thơ ấm áp bên nhau, cùng là mầm xanh hy vọng của mẹ cha. Anh em cùng mang trọng trách truyền thừa truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình. Tình thân luôn quy về một mối.

Dẫu khi trưởng thành mỗi người đều bận rộn với gia đình nhỏ của riêng mình, dẫu không thể cùng hàn huyên ấm lạnh, cùng dốc bầu tâm sự về những việc lớn việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng sợi dây vô hình kết nối anh em chẳng thể nào tan biến.

Cũng khó tránh khỏi những khi cơm không lành, canh chẳng ngọt, những khi bất đồng quan điểm và sở thích cá nhân. Nhưng dù đi đâu, về đâu, dù cuộc sống bộn bề trôi đi từng ngày, thì tình anh em vẫn như mạch nước ngầm mát trong chảy mãi trong huyết quản chúng ta.

Huynh đệ tình thâm, ơn như thủ túc. Cũng có tình huynh đệ bị hủy hoại bởi tiền tài, quyền lợi, tình sắc. Nhưng đó chỉ là hiện tượng cá biệt, không thể không lấy làm gương.

***

Nếu may mắn chúng ta có thể báo đáp phần nào công ơn trời biển của những vị ân nhân trong đời mình. Nhưng đôi khi họ đến và đi rất nhanh, không kịp ở lại để chúng ta bày tỏ tấm lòng biết ơn. Chúng ta có thể trả ơn họ bằng cách khác, bằng cách học theo những nghĩa cử cao đẹp của họ để giúp đỡ những người xung quanh chúng ta. Mở rộng hơn trái tim mình hòa chung vào trái tim của mọi người và lưu lại những câu chuyện ý nghĩa về lòng biết ơn của chúng ta cho thế hệ mai sau.

Nguồn: https://vandieuhay.net/


Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2023

CÓ MỘT KIỂU BẤT HIẾU MỚI ĐANG LAN RỘNG, NHIỀU BẬC CHA MẸ MÙ QUÁNG LẠI TỰ HÀO ĐI 'KHOE'

 

                                                                                        Hình Internet

Chính sự mù quáng của cha mẹ đã tiếp tay cho sự bất hiếu của con mình mà không hề hay biết.
Nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ, vì bao vất vả, hy sinh chẳng nói thành lời. Đến khi về già, cha mẹ chỉ mong cong sống có hiếu, thể hiện ở sự kính trọng, giúp đỡ và phụng dưỡng cha mẹ.
Nhưng ngày nay, một số người trẻ lại có suy nghĩ độc hại khi dùng "kiểu hiếu thảo mới gặm nhấm người già". Một số bậc cha mẹ hoàn toàn không hề hay biết điều này, thậm chí còn đi khoe khoang khắp nơi.
Cụ thể một số người con nghĩ rằng việc cha mẹ hy sinh cho mình là đương nhiên, nên ở nhà chẳng làm gì, càng không có ý định đi làm. Không có việc gì làm, đó là hạnh phúc, bởi cuộc sống hiện tại đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu nên thiêu dột động lực muốn đi làm của họ.
Để tránh áp lực bên ngoài, ngày càng có nhiều người trẻ ở nhà với lý do an phận thủ thường.
Trong xã hội ngày nay, cha mẹ phải xây nhà cho con cái, cha mẹ sẽ chăm sóc con cái. Dần dần, hầu hết các bậc cha mẹ cũng cho rằng quan điểm này không sai. Còn một số người trẻ coi ý tưởng này là đương nhiên.
Họ cho rằng trách nhiệm của cha mẹ là phải tiêu hết tiền để dành, mua một căn nhà cho con. Nếu con sinh cháu thì người già cũng phải ra tay phụ giúp. Để giảm bớt áp lực cuộc sống cho con, cha mẹ buộc phải hy sinh thời gian của mình để chăm sóc cháu. Có vẻ như việc không làm điều này là vô trách nhiệm với tư cách là bậc cha mẹ, và hầu hết các bậc cha mẹ ngày nay đều tin chắc điều này.
Ngay cả sau khi cặp vợ chồng già dành hết tiền tiết kiệm để giúp con cái lập gia đình và khởi nghiệp ở một thành phố lớn, điều đó vẫn trở thành niềm tự hào của họ và họ đã khoe thành tích của con cái đi khắp nơi.
Cha mẹ dù thấy con cái sống sung túc, hạnh phúc nhưng không nên tiêu hết của cải để giúp đỡ con cái. Bởi vì con cái đã trưởng thành cũng cần có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình, nếu cha mẹ sẵn lòng thì có thể đóng góp một chút.
Tuy nhiên, một khi lối suy nghĩ này được dùng để thao túng tình yêu thương của cha mẹ thì hành vi như vậy là một “loại bất hiếu mới”.
Là cha mẹ, nếu muốn con mình thực sự “lớn” thì phải học cách buông bỏ. Đôi khi chỉ bằng một chút tàn nhẫn, chúng ta mới có thể “cắt bỏ” sự phụ thuộc quá mức của con cái vào mình và khiến chúng thực sự độc lập, trưởng thành.
Khi còn nhỏ, phải giảng giải cho con hiểu rằng, cha mẹ cuối cùng sẽ rút lui khỏi thế giới này, còn con vẫn phải một mình bước đi đoạn đường còn lại.
Đối mặt với một tương lai không chắc chắn, thay vì lựa chọn trốn chạy sau lưng bố mẹ, tốt hơn hết con nên dũng cảm đối mặt với nó, cố gắng tự mình trưởng thành và học cách bay thay vì dựa vào đôi cánh của bố mẹ.
Đừng để tình yêu trọn vẹn của cha mẹ thất bại, chứ đừng nói đến đừng để cha mẹ không còn gì để nương tựa trong những năm tháng cuối đời.
Hy vọng các bậc cha mẹ có thể tránh xa “bất hiếu kiểu mới” và tận hưởng tuổi già hạnh phúc.

Nguồn: https://m.ngoisao.vn/

Thứ Ba, 10 tháng 10, 2023

CỔ NHÂN DẠY: “CÁI HỌA LỚN NHẤT LÀ KHÔNG BIẾT ĐỦ”

 


Nhà hiền triết Aristoteles từng nói: “Nô lệ chính là kẻ để dục vọng chiến thắng lý tính.” Ham muốn vật chất quá mức sẽ khiến bạn mất phương hướng cuộc sống. Nếu ham muốn quá cao mà khả năng lại không cho phép thì sẽ dẫn đến tai họa. 

Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử nói: “Đạo thường vô vi nhi vô bất vi. Hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự hóa; hóa nhi dục tác. Ngô tương trấn chi, dĩ vô danh chi phác; vô danh chi phác, phù diệc tương vô dục. Bất dục dĩ tĩnh, thiên hạ tương tự định”.

Nghĩa là: “Đạo thường vô vi mà không có gì mà không làm xong. Nếu bậc vua chúa giữ được Đạo thì vạn vật sẽ tự biến đổi. Biến đổi mà còn ham muốn thì nên lấy cái không tên mộc mạc tức là Đạo mà nén xuống. Không tên sẽ không ham muốn. Không ham muốn, lòng sẽ được yên và thiên hạ sẽ tự an định”.

Người ta nói rằng vạn vật đều có quy luật riêng của nó, và nếu bạn sống thuận theo tự nhiên, bạn sẽ thoát khỏi những ham muốn và dục vọng tầm thường. 

Ai cũng có những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, củi, gạo, dầu, muối, lương thực, quần áo, nhà ở, phương tiện đi lại đều liên quan mật thiết đến mỗi người. Tuy nhiên, mọi việc vẫn nên biết có chừng mực, nếu không sẽ dẫn đến rắc rối. 

1. Quá tham lam có thể dễ dàng khiến bạn lạc lối

Trong suốt hành trình cuộc đời, vô số người đã gặp phải tai họa vì bị đồng tiền che mắt, thậm chí đi đường tắt để đạt được lợi ích của mình, căn nguyên của tất cả những điều này không gì khác hơn là “tham lam”.

Trong “Bảo Tàng Kinh” ghi lại một câu chuyện như vậy. Có một nhà thám hiểm từng dẫn năm trăm người tìm kho báu, mọi chuyện diễn ra rất tốt đẹp và họ đã tìm ra hòn đảo nơi kho báu được chôn cất.

Mọi người rất phấn khởi khi nhìn thấy vàng bạc, đồ trang sức ở khắp nơi, họ nhanh chóng chất của cải lên thuyền, chẳng mấy chốc thuyền đã chất đầy ngọc quý, tưởng chừng như không thể nhét vừa thuyền nữa nhưng mọi người vẫn tiếc nuối lấy thêm. 

Nhà thám hiểm nhìn con tàu đã chất quá nhiều và lớn tiếng khuyên mọi người không nên di chuyển với con thuyền chất đầy đồ như vậy. Nhưng làm sao những người bị lòng tham chiếm giữ còn có lý trí. Trong cơn tuyệt vọng, nhà thám hiểm chỉ biết vứt bỏ đồ trang sức trên tàu của mình và trở về với con tàu trống rỗng.

Quả nhiên, sau khi ra biển lớn, thuyền của mọi người đều bị chìm và ngọc quý cũng rơi xuống biển. May mắn thay, con tàu của nhà thám hiểm vì ít đồ nên vẫn bình an và cứu được mạng sống của mọi người.

Lúc này, trên biển xuất hiện một vị thần, để khen ngợi lòng tốt và không tham lam của nhà thám hiểm, ông đã ban cho anh ta của cải nhiều hơn số tiền đã được an bài trong đời anh ấy. 

Lão Tử giảng: “Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ ư Đạo”, ý là “Nước là thiện nhất. Nước làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào, ở chỗ mọi người ghét cho nên gần với Đạo”.

Ham muốn quá mức sẽ chỉ khiến bản thân phiền não, theo đuổi vật chất quá mức sẽ khó hài lòng với cuộc sống.

2. Quá ích kỷ sẽ dễ dàng đi vào con đường hẹp

Montaigne đã nói: “Người chỉ sống cho mình là người nhỏ bé”.

Người ích kỷ luôn có thói quen đặt mình ở trung tâm của thế giới, dựa vào sự thông minh của mình để trục lợi, nhưng về lâu dài họ sẽ mất đi thiện chí của những người xung quanh.

Thật khó để một người luôn nghĩ đến bản thân mình trong mọi việc lại có bạn bè tốt. Nếu bạn có lợi trong việc làm ăn của họ, họ sẽ mỉm cười với bạn và mong muốn trở thành bạn bè. Nhưng một khi xảy ra chuyện gì tổn hại đến lợi ích của họ, họ sẽ lập tức quay lưng lại với bạn và bỏ rơi bạn.

Người xưa có câu: “Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, tuy nhiên, người ích kỷ không bao giờ nhận ra điều này, dù vậy, họ vẫn phàn nàn rằng mình chưa có đủ và cuộc sống quá bất công. 

3. Quá đố kỵ có thể dẫn đến con đường sai lầm

Bacon nói: “Đố kỵ là kẻ gây hại cho danh dự. Nếu bạn muốn loại bỏ sự đố kỵ, cách tốt nhất là chứng tỏ rằng mục đích của bạn là tìm kiếm thành công chứ không phải danh vọng”.

Có một con đại bàng rất ghen tị với một con đại bàng khác bay cao hơn nó nên đã nhờ người thợ săn bắn hạ con đại bàng đó bằng một mũi tên.

Người thợ săn đồng ý và nói: “Hãy nhổ một chiếc lông chim cắm vào đầu mũi tên để tôi có thể bắn hạ con đại bàng”.

Vì vậy, con đại bàng ghen tị đã bứt một chiếc lông vũ và đưa nó cho người thợ săn.

Nhưng con đại bàng kia bay quá cao, người thợ săn mở cung và lắp một mũi tên nhưng không may mũi tên bị rơi xuống giữa không trung.

Người thợ săn nói, hãy đưa cho tôi một chiếc lông vũ khác và để tôi thử lại.

Sau đó, con đại bàng ghen tị đã làm theo lời anh thợ săn và nhổ một chiếc lông khác khỏi cơ thể mình, nhưng đáng tiếc là anh vẫn bắn trượt.

Hết lần này đến lần khác, kết quả đều thất bại. Đại bàng ghen tị đến nỗi khi chuẩn bị nhổ lông lần nữa, nó phát hiện cơ thể mình đã trở nên trần trụi.

Lúc này người thợ săn cười ranh mãnh nói: “Nếu ngươi không có lông vũ, không thể bay được nữa, ta liền bắt được ngươi.”

Những người có tâm đố kỵ không muốn nhìn thấy người khác giỏi hơn mình, một khi họ phát hiện ra ai đó tốt hơn mình, họ sẽ ăn không ngon, ngủ không yên và sẽ cố gắng hết sức để gài bẫy và tấn công người đó. Một cuộc sống như vậy chỉ khiến họ thêm mệt mỏi và gặp nhiều rắc rối. 

Người có tư tưởng rộng rãi khi gặp người giỏi hơn mình sẽ khiêm tốn xin lời khuyên và nỗ lực tiến bộ để có thể theo kịp người khác và gặp được phiên bản tốt hơn của bản thân ở tương lai. 

Nhân sinh như mộng, năm tháng vô tình, vì vậy bạn không nên than thân trách phận, cũng đừng so sánh bản thân với người khác. Bởi mọi thứ tốt đẹp ở đời này cũng là do đời trước họ làm nhiều điều thiện. Vậy nên, khi bạn nhìn thấy những điều tốt đẹp ở người khác thì bạn sẽ được người khác tôn trọng và nhận được phúc lành. 

Nếu quá tham lam, bạn sẽ dễ lạc lối, vậy nên hãy học cách hài lòng với những gì mình có. Nếu quá ích kỷ thì sẽ dễ đi vào đường hẹp, do đó học cách chia sẻ thì xuân sẽ nở hoa; còn nếu quá đố kỵ thì sẽ hại mình hại người, vì vậy hãy học cách rộng lượng và bao dung mọi việc.

Lão Tử từng giảng: “Thậm ái tất đại phí; đa tàng tất hậu vong. Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi, khả dĩ trường cửu”, tức là yêu nhiều ắt sẽ tổn nhiều, chứa nhiều ắt sẽ mất nhiều, phải biết thế nào là đủ, đừng quá tham lam để tránh tủi nhục về sau, biết dừng lại thì sẽ không gặp nguy và có thể trường cửu.

Thùy Dung biên dịch
Nguồn: aboluowang (Vương Hòa)

Thứ Tư, 4 tháng 10, 2023

PHÁT HIỆN LỢI ÍCH TUYỆT VỜI CỦA TÁCH TRÀ BUỔI SÁNG ĐỐI VỚI BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

 


Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y khoa Diabetologia, được trình bày tại cuộc họp của Hiệp hội Nghiên cứu bệnh tiểu đường châu Âu (EASD), ở Hamburg, Đức, đã phát hiện uống 1 tách trà mỗi ngày giúp bạn tránh xa bệnh tiểu đường.

Theo đó, thói quen uống 1 tách trà mỗi ngày giúp giảm 28% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Đặc biệt nếu loại trà bạn uống là trà đen thì mức giảm này lên đến 47%.

Các chuyên gia cho rằng rằng sở dĩ trà làm được điều tuyệt vời này là nhờ nó có tác dụng chống oxy hóa, khả năng chống viêm, giúp cải thiện độ nhạy insulin.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Adelaide ở Úc và Đại học Đông Nam ở Trung Quốc đã xem xét thói quen uống trà hằng ngày của 1.923 người trong độ tuổi từ 20 đến 80.

Những người tham gia gồm cả những người ít uống trà và những người chỉ uống một loại trà duy nhất. Họ được hỏi về tần suất uống trà và loại trà đã uống, và sau đó được xét nghiệm về bệnh tiểu đường.

Kết quả đã phát hiện so với người không uống trà, người uống trà đã giảm ít nhất 28% nguy cơ mắc bệnh tiểu đườngThói quen này cũng giúp giảm 15% nguy cơ phát triển tiền tiểu đường, theo Express.

Đặc biệt, những người uống trà đen hằng ngày đã giảm đến 53% nguy cơ phát triển tiền tiểu đường và giảm đến 47% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Các tác giả giải thích tác dụng mạnh mẽ của trà đen có thể nằm ở cách sản xuất của nó. Nhờ quá trình lên men vi sinh vật đã tạo ra các hoạt chất sinh học độc đáo. Tất cả chúng đều có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ, cải thiện cả độ nhạy insulin và hoạt động của tế bào beta trong tuyến tụy, đồng thời thay đổi thành phần của vi khuẩn trong ruột.

Tác giả chính, Phó giáo sư Tongzhi Wu, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Adelaide, giải thích: Phát hiện này cho thấy uống trà thường xuyên có tác dụng kiểm soát mức đường huyết bằng cách tăng bài tiết glucose qua nước tiểu, cải thiện tình trạng kháng insulin, do đó kiểm soát mức đường huyết tốt hơn.

Nguồn: https://thanhnien.vn/