Nhà vệ sinh là một phần quan trọng trong một ngôi nhà, vậy khi không sử dụng, bạn thường đóng hay mở cửa?
Trong kết cấu cơ bản của một ngôi nhà kép kín, chắc chắn không thể thiếu khu vực mang tên nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh thường được sử dụng nhằm mục đích con người thực hiện các công việc vệ sinh cá nhân, tắm rửa... Sử dụng mỗi ngày nhưng liệu người dùng có thật sự biết câu trả lời đúng cho câu hỏi: "Khi không sử dụng phòng vệ sinh, nên đóng hay mở cửa?".
Vậy câu trả lời đúng theo lời các chuyên gia là gì?
Tốt nhất nên đóng cửa nhà vệ sinh khi không sử dụng
Theo các chuyên gia, tốt hơn hết người dùng nên đóng cửa nhà vệ sinh lại khi không sử dụng. Đúng như suy luận của một số người dùng, nhà vệ sinh là nơi ẩn chứa nhiều vi khuẩn và cả những mùi hôi khó chịu. Chúng có thể nhanh chóng lây lan ra phòng khách, phòng bếp hay phòng ngủ của gia chủ qua đường không khí.
Chính vì vậy, việc đóng cửa là để ngăn chặn những điều này gây ảnh hưởng tới không gian sống, tới chất lượng không khí cũng như sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Điều này được các chuyên gia nhấn mạnh người dùng nên đặc biệt lưu ý với những phòng vệ sinh được thiết kế trong phòng ngủ, hoặc gần phòng khách hay khu vực nấu ăn.
Bên cạnh đó, phòng vệ sinh cũng là một khu vực khá riêng tư và tế nhị của mỗi gia đình. Việc đóng cửa khu vực này lại sẽ giúp giữ được thẩm mỹ cho không gian nhà nói chung. Trong trường hợp có khách đến chơi nhà, việc đóng cửa nhà vệ sinh cũng thể hiện sự lịch sự, chỉn chu của chủ nhà, đặc biệt khi nhà vệ sinh không được thực sự sạch sẽ, gọn gàng.
Nếu muốn không gian trong nhà vệ sinh được thông thoáng, ráo nước sau mỗi lần sử dụng, đặc biệt với những phòng vệ sinh tích hợp cả phòng tắm, người dùng có thể lắp đặt thêm cửa sổ hoặc hệ thống máy thông gió trên tường, trần nhà. Sau khi sử dụng xong, người dùng đóng cửa phòng lại và bật hệ thống thông gió, mở cửa sổ, căn phòng sẽ nhanh chóng được khô ráo.
Những thứ nên đóng nắp, đậy kín trong nhà vệ sinh
Ngoài cửa chính của phòng vệ sinh, các chuyên gia cũng khuyên rằng một số thứ sau trong khu vực phòng cũng cần được đóng nắp, đậy kín để hạn chế vi khuẩn và mùi hôi lây lan rộng. Đó là chiếc bồn cầu, nắp cống và thùng rác.
Với chiếc bồn cầu, các nhà khoa học đã nhiều lần tiến hành các thử nghiệm để chứng minh, khi không đóng nắp, nơi này có nguy cơ phát tán ra không gian lượng vi khuẩn khổng lồ. Ví dụ như thí nghiệm của một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Colorado Boulder. Họ đã sử dụng ánh sáng laser xanh chuyên biệt, chiếu vào khu vực bồn cầu khi xả nước và sau khi xả nước xong mà nắp bồn cầu vẫn mở.
Kết quả cho thấy, rất nhiều bọt, tia nước mang theo vi khuẩn lơ lửng trong không gian mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Vi khuẩn từ đó có thể bám vào các vật dụng, đồ dùng hoặc thậm chí là bám lên con người, gây ra các chứng bệnh về da hay đi vào đường hô hấp. Chính vì vậy tốt hơn hết, sau khi sử dụng xong bồn cầu, hãy đóng nắp bồn cầu ngay từ bước xả nước.
Với nắp cống, khu vực xung quanh nó là 1 trong những thứ chứa nhiều vi khuẩn nhất trong nhà vệ sinh, theo báo cáo từ Safehome.org. Người dùng hãy thường xuyên vệ sinh kỹ khu vực này, đồng thời khi không sử dụng nhà tắm, nhà vệ sinh, hãy đóng kín nắp cống. Điều này tương tự với chiếc thùng rác. Đặc biệt, dù cho lượng rác trong thùng có ít hay nhiều, hãy tiến hành đổ hàng ngày.
Cuối cùng là thói quen dọn dẹp nhà vệ sinh định kỳ của người dùng nên được duy trì mỗi ngày hoặc tối thiểu 1 tuần 1 lần. Có như vậy, lượng vi khuẩn mới không bị tích tụ lên một con số khổng lồ. Không gian nhà tắm nói riêng hay toàn bộ không gian nhà ở luôn được vệ sinh đúng cách sẽ giúp cuộc sống được thoải mái và khỏe mạnh hơn.
Theo Phụ Nữ mới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét