bài học đạo lý
|
Vết sẹo
Một cậu bé trao thư mời mẹ tham dự buổi
họp phụ huynh đầu tiên ở trường tiểu học. Điều cậu lo sợ đã
thành sự thật khi mẹ cậu nhận lời. Đây là lần đầu tiên bạn bè và giáo viên
chủ nhiệm gặp mẹ và cậu bé rất xấu hổ về vẻ bề ngoài của mẹ mình. Mặc dù cũng
là một phụ nữ đẹp, nhưng mẹ cậu có một vết sẹo lớn che gần toàn bộ mặt bên
phải. Cậu bé không bao giờ muốn hỏi mẹ mình tại sao bị vết sẹo lớn kia.
Tại buổi họp mặt, mọi người có ấn tượng rất đẹp về sự dịu dàng
và vẻ đẹp tự nhiên của người mẹ mặc cho vết sẹo đập vào mắt, nhưng cậu bé vẫn
xấu hổ giấu mình vào một góc tránh mặt mọi người. Ở đó cậu bé nghe được mẹ
mình nói chuyện với cô giáo về vết sẹo của mẹ: “Khi con tôi còn bé, nó đang ở
trong phòng thì lửa bốc lên. Mọi người sợ không dám vào vì ngọn lửa đã bốc
lên quá cao, và thế là tôi chạy vào. Khi chạy đến chỗ nó, tôi thấy một xà nhà
đang rơi xuống người nó và tôi vội vàng lấy thân mình che cho nó. Tôi bị cây
xà quật mạnh đến ngất xỉu nhưng thật là may mắn có một anh lính cứu hỏa đã
lao vào cứu cả hai mẹ con tôi”.
Người mẹ chạm vào vết sẹo nhăn nhúm trên mặt: “Vết sẹo này không
chữa được nữa, nhưng cho tới ngày hôm nay, tôi chưa hề hối tiếc về điều mình
đã làm”. Đến đây cậu bé chạy ra khỏi chỗ núp, nhào về phía mẹ nước mắt lưng
tròng. Cậu bé ôm lấy mẹ và cảm nhận được sự hy sinh của mẹ dành cho mình. Cậu
bé nắm chặt tay mẹ suốt cả ngày hôm đó.
Theo sách Học làm người)
BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
Có một câu chuyện thương tâm xảy ra trong trận động đất tại tỉnh
Tứ Xuyên, Trung Quốc. Khi căn nhà sắp sửa đổ ập xuống, người mẹ ôm vội vàng
đứa con vào lòng che chắn. Và căn nhà đổ xuống chôn vùi tất cả. Đội cứu hộ dò
theo tiếng khóc của em bé, đào bới tiếp cận vào bên trong cứu được em bé,
nhưng bà mẹ thì đã chết trong tư thế đang ôm đứa con, trong tay cầm một chiếc
điện thoại di động có lời nhắn: “Con ơi! Nếu con được sống, con luôn nhớ
rằng: Mẹ rất yêu con!”.
Một câu chuyện khác của Vương Hằng Tích (Trung Quốc) kể về người
“mẹ điên” (bản dịch của Trang Hạ) rất xúc động, khiến ta vừa đọc vừa khóc:
Người mẹ điên ấy thật là tội nghiệp! Thôn xóm khinh bỉ xa lánh đã đành, đằng
này những người thân trong gia đình cũng ruồng bỏ. Khi “mẹ điên” trở về nhà
thì đứa con biết được mẹ mình không bình thường cũng không muốn nhận mẹ. “Mẹ
điên” không quan tâm điều đó, trong lòng mẹ luôn yêu con và liều cả mạng sống
bảo vệ cho con. Đứa con cảm nhận được sự hy sinh ấy và vô cùng yêu quý mẹ. Mẹ
hái đào dại trên núi hỏi con ăn có ngon không. Con thương mẹ quá nên nói dối
rằng ngon. Mẹ tưởng thật lại leo núi hái đào dại cho con và kết quả bà “mẹ
điên” đã rơi xuống vực chết thảm trên tay còn nắm chặt quả đào.
Người mẹ trong “Vết sẹo” là người mẹ phương Tây, còn người mẹ
trong hai câu chuyện kia là của người mẹ phương Đông. Dù cho mẹ là ai, da
trắng hay da màu, là mẹ điên hay mẹ bình thường, xinh đẹp hay có vết sẹo xấu
xí… thì tình mẹ luôn vẹn nguyên, trong ngần và tinh khiết. Đó là tình thương
con vô điều kiện, dám hy sinh thân mạng của mình cho con được sống như những
bà mẹ trong ba câu chuyện trên. Người mẹ có vết sẹo trên khuôn mặt may mắn
hơn hai người mẹ kia là còn sống sót để chăm sóc đứa con thơ dại của mình, dù
cho khuôn mặt đã biến dạng không còn xinh đẹp như xưa. Mẹ không muốn kể công
ơn này với đứa con yêu quý đã được mẹ cứu sống.
Và mẹ trở nên cao cả dường nào! Một ngày nào đó đứa con biết
được bí mật này và sẽ thương được mẹ hơn bao giờ hết. Sắc tướng đối với con
lúc ấy không còn quan trọng nữa. Vết sẹo trên khuôn mặt mẹ trở nên xinh đẹp
lạ lùng! “Mẹ điên” trở thành một cô tiên của đời con. Những đứa con lúc trước
chưa yêu quý mẹ, nay đã thương được mẹ rồi, thương vô bờ bến! Bởi vì ngoài mẹ
ra có ai thương con hơn mẹ? Có ai dám quên cả mạng sống của mình vì con?
Kinh Phật dạy: “Cha mẹ ở nhà như Phật còn tại thế”. Mới biết
rằng mẹ là tài sản quý hơn cả châu báu bạc vàng. Mẹ là người bạn lớn luôn có
mặt bên cuộc đời con như một thiên thần hộ mệnh. Câu chuyện ở trên là minh
chứng rõ ràng về mẹ, là bài học quý giá cho những ai chưa thương kính mẹ, vẫn
còn xấu hổ vì có mẹ chưa hoàn hảo lắm. Mọi sự vật trên đời sẽ thay đổi nhưng
tình mẹ thì vẫn y nguyên, tràn đầy dẫu cho thân tứ đại vô thường tang thương
dâu bể.
ST
|
Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013
BÀI HỌC ĐẠO LÝ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét