Ở một
vùng quê bên nước Anh, có gia đình nọ chuyên nghề làm vườn, gồm hai vợ chồng và
đứa con trai duy nhất. Vì hoàn cảnh quá nghèo nên cậu con chưa học hết tiểu học
đã phải ở nhà giúp đỡ cha mẹ việc trồng tiả, hoặc đôi khi lên rừng lấy củi, kể
cả việc câu cá ở một cái hồ lớn rất đẹp gần nhà để thêm lương thực cho bữa ăn.
Trong các việc làm phụ giúp cha mẹ, cậu bé thích nhất là đi câu, bởi vì mỗi
buổi đi câu là mỗi lần được tắm, bơi thỏa thích. Cậu bơi tuyệt giỏi, đến mức
bạn bè trong xóm gọi cậu là "thằng Rái Cá" (Otter boy).
Một hôm, khi "thằng Rái Cá" cắm xong
mớ cần câu ở góc hồ, đang tính cởi áo nhào xuống nước bơi một tăng cho đã đời,
thì nó thấy 3 chiếc xe limousine sang trọng trờ tới đậu ngay gần đó nên nó khớp
không tắm nữa, leo lên cây đại lăng ở cạnh hồ, núp mình trong tàng lá để canh
chừng cần câu và cũng để ngắm nhìn toán du khách sang trọng.
Toán du khách đó chính là một gia đình giầu
có, quyền qúy, vào hàng đệ nhất qúy tộc của vương quốc Anh. Họ từ thủ đô Luân
Đôn đi du ngoạn miền quê, thăm dân cho biết sự tình. Dưới trời nắng đẹp ấm áp,
một cái tăng lớn được căng lên lộng lẫy. Bàn ghế picnic bầy ra và thức ăn, cao
lương mỹ vị dọn tràn đầy. Tiếng nhạc êm đềm réo rắt tỏa vang rồi đoàn du khách
nhập tiệc. Kẻ ăn, người uống, kẻ khiêu vũ, người chụp hình ...
Một lát sau, "thằng Rái cá" ngồi thu mình trên cành cây đại lăng,
nhìn thấy một đứa trẻ trong đám du khách, chắc cũng 11, 12 tuổi, cỡ tuổi nó,
thay đồ tắm và lội xuống hồ bơi qua bơi lại. Dường như những người lớn chăm chú
vào việc ăn uống chuyện trò, không mấy ai để ý đến đứa trẻ ở dưới hồ. Riêng
"thằng Rái Cá" nó tò mò quan sát đứa trẻ...
Ồ, coi kìa, thằng này bơi gì dở ẹc! Rõ ràng là nó không biết bơi ếch, bơi sải,
bơi bướm gì cả, đến bơi ngửa chắc cu cậu cũng chẳng làm được! Nó chỉ đập loạn
tay chân lên thôi, cái điệu bơi chó như thế là không khá được!
Chợt "thằng Rái Cá" nhoài mình ra chăm chú nhìn. Nó thấy 2 con thiên
nga từ xa bơi tới phía đứa trẻ và đứa trẻ chắc là thích con thiên nga nên bơi
theo ... Chết chưa ! Nó bơi tuốt ra xa quá rồi, chỗ đó rất sâu, nguy hiểm lắm!
Đúng lúc đó, có tiếng thét cấp cứu của đứa trẻ "Help me! Help...Help!
!!" Toán du khách khi ấy kịp nghe và nhìn thấy, nhưng thay vì phải nhào ra
cứu đứa trẻ thì họ ồn ào, nhốn nháo cả lên. Hai ba người xuống hồ với cả áo
quần, nhưng chỉ lội ra nước đến cổ thì đứng lại.
Trời đất! Hóa ra chẳng ai biết bơi cả mà ngoài
xa đứa trẻ đuối sức có vẻ muốn chìm rồi!
Không đợi lâu hơn được nữa, từ trên cành cây cao, "thằng Rái cá"
phóng xuống chạy bay ra hồ trước con mắt ngạc nhiên của tất cả đoàn du khách.
Tới bờ cao, nó nhún mình lao xuống nước trong tư thế plunge tuyệt đẹp và chỉ
loáng mắt đã sải tay bơi tới chỗ đứa trẻ bị nạn. Nó hụp lặn xuống xốc nách đứa
trẻ và như một chuyên viên rescue lành nghề, nó nghiêng người bơi sải từ từ vào
bờ trước sự chứng kiến xúc động và tràng pháo tay reo mừng của mọi người. Khi
tới bờ, đứa trẻ bị nạn được nhiều người xúm lại khiêng lên đưa vào giữa tăng và
tại đó có sẵn một vị bác sĩ (trong toán du khách) lo việc cấp cứu hồi sinh cho
đứa trẻ.
Chừng một tiếng đồng hồ sau, không khí an toàn tươi vui trở lại với mọi người
trong toán du khách. Đứa trẻ qua tai nạn hiểm nguy, bây giờ quấn mình trong
chiếc mền len và đang được uống mấy muỗng soup. Lúc ấy người ta mới chợt nhớ
tới vị ân nhân vừa cứu sống nó.
- Ô hay, cái thằng bé con bơi giỏi hồi nãy đâu
rồi nhỉ ?
Mọi người đổ xô đi tìm. Lát sau phát giác ra
chỗ ẩn của nó. "Thằng Rái Cá" trèo lên ngồi yên chỗ cũ, trên cành cây
đại lăng. Nó được gọi xuống và trịnh trọng đưa tới trình diện trước một vị quý
tộc, ông này chính là cha của đứa trẻ vừa bị nạn.
- Hỡi con, (vị quý tộc nói với "thằng Rái Cá") con vừa làm một chuyện
vĩ đại mà tất cả chúng ta đây không ai làm được. Ta xin thay mặt toàn thể cám
ơn con.
- Bẩm ông, ("thằng Rái Cá" lễ phép thưa) con có làm gì vĩ đại đâu!
Bơi lội là nghề của con mà! Con cứu em là chuyện nhỏ, chuyện phải làm và cũng
là chuyện thường đâu có gì khó khăn vĩ đại. Xin ông đừng bận tâm !
- Không đâu con ơi ! con đã cứu mạng con trai ta. Gia đình ta và hội đồng quý
tộc mãi mãi mang ơn con. Nay ta muốn đền ơn con, vậy con muốn điều gì hãy nói
cho ta biết.
"Thằng Rái Cá" nghe hỏi vậy, ngập ngừng giây lát rồi ngỏ ý muốn xin
vài ổ mì dư thừa đem về cho cha mẹ. Lòng hiếu thảo của nó đã khiến cho vị
quý tộc và nhiều du khách cảm động rơi lệ. Vị quý tộc ôm nó vào lòng và nói:
- Hỡi con, điều con vừa xin là chuyện nhỏ, và đó chính là bổn phận của ta, ta
biết ta sẽ phải làm gì cho con và gia đình con. Nhưng câu hỏi của ta là sau này
lớn lên con ước mơ sẽ làm gì ?
"Thằng Rái Cá" chỉ tay vào vị bác sĩ
khi nãy cấp cứu hồi sinh cho đứa trẻ bị nạn, trả lời:
- Lớn lên, con muốn làm việc cứu người như ông kia.
- Ồ, con muốn làm bác sĩ, tốt lắm! Với ta đó cũng là chuyện nhỏ thôi, ta sẽ
giúp con.
Câu chuyện nhỏ trên đây có phần kết
luận không nhỏ mà thật là vĩ đại, bởi vì đứa trẻ bị chết đuối hụt có tên là Winston Churchill,
sau này là vị Thủ Tướng đã làm rạng danh nước Anh,
một vĩ nhân cực kỳ tài giỏi lỗi lạc của thế giới vào thời Đệ
Nhị Thế Chiến.
- Còn "thằng Rái
Cá", cậu bé đã cứu mạng Churchill tên là Fleming,
sau này trở thành vị bác sĩ tài ba lừng danh hoàn cầu. Fleming, chính
là nhà bác bọc đã tìm ra thuốc trụ sinh Penicilin, cứu
mạng biết bao nhiêu người trên thế giới. Ông đích thực là vị ân nhân vĩ
đại của cả nhân loại.
Từ khởi đầu, chuyện chỉ là một chuyện nhỏ, sự hy sinh, vị tha, sự
cho đi rất nhỏ nhoi! Nhưng nhờ đó, thành quả sau này đem đến cho cả
nhân loại đã vô cùng lớn lao kỳ vỹ.
Câu chuyện còn thêm cho phần kết luận điều lý
thú nữa, là một ngày nọ, thủ tướng Churchill bị lâm trọng bịnh đến nỗi đã hôn
mê, nhiều bác sĩ phải lắc đầu. Tính mạng ông ở vào lúc nguy kịch nhất, thì
Fleming xuất hiện như một tiền duyên định mệnh và vị bác sĩ tài ba này, đã lại
một lần nữa cứu sống người bạn cố tri của mình. Khi tỉnh dậy sau cơn mê, mở mắt
ra nhìn thấy Fleming, Churchill ngạc nhiên xúc động và nói rằng:
- Fleming ! Có phải cứ mỗi lần tôi sắp chìm, Chúa lại cho bạn tới vớt tôi lên?
- Churchill, chúng ta hãy cám ơn Chúa! Nhưng không hẳn là tôi, (Fleming giơ ra
một viên thuốc nhỏ tí xíu) bởi cái này đây, chính cái này đã cứu bạn đó (không
có Chúa cứu đâu)... Chuyện nhỏ mà!
(Câu chuyện này được lan truyền trên Internet
nhưng không phải là một câu chuyện có thật trong lịch sử. Xem bài viết
dưới đây của Phan Hạnh)
....Nhưng tiếc thay đó (câu chuyện bên trên) lại không phải là
một câu chuyện thật trong lịch sử. Đó chỉ là một trong nhiều huyền thoại được
con người thêu dệt dựng lên quanh nhân vật chính khách lỗi lạc Winston
Churchill của nước Anh. Huyền thoại trong câu chuyện Thằng Rái Cá đã được một
cơ quan thẩm quyền là Trung Tâm và Bảo Tàng Viện Churchill tại Các Phòng Hành
Quân của Nội Các Chiến Tranh ở Luân Đôn (The Churchill Centre and Museum at
The Cabinet War Rooms, London) chính thức lên tiếng bác bỏ. (Nguồn mạng:
http://www.winstonchurchill.org/learn/myths/myths/fleming-saved-him-from-drowning).
Trước khi đọc qua lời lên tiếng chính thức của Bảo Tàng Viện
Churchill, thiết tưởng chúng ta nên đọc lại câu chuyện Thằng Rái Cá tại địa
chỉ các trang mạng đã dẫn. Hoặc chúng ta có thể xem câu chuyện chưa “bị” thêm
thắt râu ria, lần đầu tiên được gửi đến Viện Bảo Tàng Churchill ngày 16 tháng
Sáu năm 2000 bởi một người tên Rob Burge, địa chỉ rburge@jaguar.com. như sau:
“Tên ông đó là Fleming, và ông ta là một nông dân Tô Cách Lan
nghèo. Một ngày nọ trong khi làm việc trong nông trại để nuôi sống gia đình,
ông nghe tiếng kêu cầu cứu của ai đó từ vũng lầy gần bên vang lại. Ông buông
đồ dùng đang cầm trên tay và chạy về hướng đó. Ông thấy một cậu bé đang vùng
vẫy la thét dưới vũng bùn đen ngập tới thắt lưng. Ông nông dân Fleming đã cứu
cậu bé thoát khỏi cái chết từ từ và kinh khủng. Ngày hôm sau, một chiếc xe
ngựa sang trọng đỗ xịt trước ngôi trại xác xơ của Fleming. Một người quí phái
ăn mặc lịch lãm bước ra và tự giới thiệu mình chính là cha của cậu bé mà nông
dân Fleming đã cứu sống. Nhà quí phái nói: “Ông đã cứu con tôi, vậy tôi muốn
đền tiền cho ông.”
Ông nông dân Fleming xua tay khước từ và đáp: “Không! Tôi
không thể nhận món tiền nầy. Điều tôi làm chỉ là bản năng tự nhiên chứ không
phải tôi làm để mong được đền đáp.” Vừa lúc đó, con trai của người nông dân
từ trong ngôi nhà tồi tàn bước ra. Nhà quí tộc hỏi: “Phải con ông đó không?”
Người nông dân hãnh diện đáp: “Phải.” Nhà quí tộc nói: “Vậy tôi xin thương
lượng với ông như vầy, để tôi đem con ông theo và nuôi cho cậu ăn học thành
tài. Nếu cậu có tánh tình tốt giống cha cậu, sau nầy cậu sẽ trở thành một
người làm cho ông hãnh diện.” Và ông đã làm đúng như thế. Cậu con của ông
nông dân Fleming đã tốt nghiệp Trường Y Khoa St. Mary ở Luân Đôn và sau đó đã
trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Cậu bé đó chính là Alexander Fleming, cha đẻ
của thuốc trụ sinh Penicillin.
Nhiều năm sau, người con trai của nhà quí tộc bị sưng phổi, và
đã được cứu mạng bởi thuốc Penicillin. Còn tên của nhà quí tộc ư? Đó chính là
Randolph Churchill. Còn tên người con của ông ta? Winston Churchill.”
Và sau đây là sự thật do Viện Bảo Tàng Churchill đưa ra.
Hỏi: Có đúng là Alexander Fleming đã cứu mạng Churchill?
Đáp: Câu chuyện cho rằng nhà bác học Alexander Fleming (hoặc
cha của ông ta, tùy theo cách sắp xếp khác nhau của câu chuyện) đã cứu mạng
Churchill từng lan truyền trên Internet trong thời gian qua. Ít nhất có năm
mươi bức điện thư gửi về Viện Bảo Tàng nói về chuyện nầy. Nghe cảm động thật
đấy, nhưng đó là chuyện hoàn toàn hư cấu. Câu chuyện đó xuất hiện trong
Chương sách có tựa đề “The Power of Kindness”, Sức Mạnh của
Nhân Từ, phát sinh từ quyển sách Các Chương Trình Thờ Phượng Dành Cho Thiếu
Nhi của hai tác giả Alice A. Bays và Elizabeth Jones Oakbery xuất bản trong
thập niên 1950 bởi một cơ quan tôn giáo Hoa Kỳ. Theo hai bà tác giả nầy,
Churchill được một cậu trai quê mùa tên Alex cứu khỏi chết đuối tại một hồ
nhỏ ở Tô Cách Lan. Mấy năm sau đó, Churchill gọi điện thoại cho Alex bảo rằng
để đền ơn, cha mẹ cậu sẽ đỡ đầu cho Alex theo học trường y. Alex tốt nghiệp
hạng danh dự năm 1928 và khám phá ra rằng có loại vi khuẩn không thể phát
triển trên một số mốc rau cải. Năm 1943, khi Churchill bị bệnh ở Cận Đông,
penicillin, phát minh tuyệt vời của Alex, được gửi bằng phi cơ để kịp thời
cứu Churchill. Thế là Alexander Fleming một lần nữa đã cứu mạng của Winston
Churchill.
Nhưng vấn đề cội rễ của câu chuyện là chứng sưng phổi của
Churchill không phải được chữa khỏi bằng penicillin mà bằng thuốc M&B,
tên rút gọn của thuốc sulfadiazine bào chế bởi Hãng Dược Phẩm May&Baker.
Bệnh sưng phổi khá trầm trọng của Churchill là do vi khuẩn tấn công chứ không
phải bị nhiễm trùng. Khỏi bệnh nhờ M&B, Churchill mừng lắm và gọi hai bác
sĩ riêng của ông, tên Moran và Bedford, là M&B. Không có bằng chứng, tài
liệu hay hồ sơ lưu trữ nào cho thấy ông dùng penicillin cho lần sưng phổi
trong thời chiến đó cả. Mãi sau nầy gần lúc cuối đời ông có bị nhiễm trùng
vài lần và có dùng thuốc trụ sinh ampicillin mà lúc bấy giờ đã trở nên khá
phổ biến rồi. Theo Nhật Ký của Đức Ông Moran (Diaries of Lord Moran, nhà xuất
bản Houghton Muffin, Boston năm 1966, trang 335), bác sĩ riêng của Churchill,
thì Churchill có hỏi ý kiến của Sir Alexander Fleming ngày 27 tháng Sáu năm
1946 về sự nhiễm trùng khuẩn tụ cầu; nhung Churchill không hề dùng penicillin
vì khuẩn tụ cầu đề kháng loại thuốc trụ sinh nầy.
Người viết tiểu sử chính thức của Churchill là Sir Martin
Gilbert kể thêm rằng sự chênh lệch về tuổi tác của Churchill và Fleming (hoặc
cha của Fleming) đều không thể hỗ trợ cho các cách thuật lại khác nhau của
câu chuyện. Alexander Fleming (1881-1955) trẻ hơn Churchill (1874-1965) 7
tuổi. Không có chứng liệu nào cho thấy Churchill suýt chết đuối ở Tô Cách Lan
ở lứa tuổi thanh thiếu niên hay bất cứ tuổi nào khác. Và cũng không hề có
chứng liệu nào nói về Đức Ông Randolph Churchill nuôi Alexander Fleming ăn
học thành bác sĩ cả. Sir Martin Gilbert, nhà nghiên cứu tiểu sử Churchill,
cũng nhấn mạnh rằng suốt toàn bộ nhật ký của Moran không hề đề cập đến
penicillin hay vụ cho phi cơ chở pinicillin sang Cận Đông cho Churchill.
Alexander Fleming sinh ra trong một gia đình có 8 người con ở
một vùng quê xa xôi của Tô Cách Lan. Năm14 tuổi, ông đã rời quê nhà để lên
Luân Đôn học nhờ có một người anh vừa tốt nghiệp trường y và đang hành nghề
bác sĩ ở đấy. Tốt nghiệp ngành kinh doanh, ông đi làm cho hãng vận chuyển
hàng hải một thời gian, đăng lính năm 1900, năm sau quay lại học y khoa, tốt
nghiệp năm1906, phục vụ ngành quân y trên chiến trường nước Pháp trong thời
gian Đệ Nhất Thế Chiến. Năm 1918, chiến tranh kết thúc, ông trở về trường cũ
St. Mary’s Hospital nghiên cứu và giảng dạy. Ngày 28 tháng Chín 1928, ông tìm
ra penicillin.
Trở lại với câu chuyện Thằng Rái Cá nêu ở phần đầu của bài
viết nầy, chúng ta không khỏi thắc mắc tại sao một câu chuyện đã được thi vị
hóa và huyền thoại hóa từ 60 năm trước để dạy cho trẻ con về sức mạnh của
lòng tử tế, đã đượctái chế biến, thêm mắm dậm muối và đưa lên xa
lộ thông tin Anh ngữ từ mười năm trước, bây giờ nó lại lan truyền trên nhiều
trang mạng Việt Ngữ? Có lẽ chúng ta nên có thái độ tích cực, xem đó như là
một thông điệp mạnh mẽ đánh động lương tri vì lòng tử tế dường như
ngày càng trở nên hiếm hoi. Và giới đọc giả chúng ta ước mong các
trang mạng Việt ngữ có nhiều khả năng và phương tiện hơn để làm việc một cách
cẩn thận và nghiêm túc hơn trong việc kiểm định giá trị bài vở và đưa tin
chính xác.
Phan Hạnh, Toronto. (http://phanhanh.wordpress.com/page/2/)
|