Trưởng thành là một quá trình thay đổi qua nhiều đau đớn và thử thách sức mạnh thật sự của một con người. Một con người phải đương đầu với chông gai, để tôi luyện bản thân, để biết được rằng sức mạnh không đến từ người khác mà đến từ bên trong bản thân mình. “Sức mạnh của con người định hình trong chính sự yếu đuối của người ấy” (Raipl Waldo Emerson
Hồi còn nhỏ, tôi có một người hàng xóm mà mọi người gọi là bác
sĩ Gibbs. Ông không giống như bất kỳ bác sĩ nào tôi từng biết. Ông rất giản dị
và hiền từ, nhất là đối với bọn nhóc nghịch ngợm chúng tôi.
Ngoài giờ làm công việc cứu người, bác sĩ Gibbs thường trồng
cây. Ông muốn biến mảnh đất rộng 10 mẫu tây của mình thành một khu rừng mà! Vị
bác sĩ hiền lành ấy có những lý thuyết trồng cây rất thú vị, ngược hẳn với
nguyên tác mà mọi người cho là hiển nhiên. Không bao giờ ông tưới nước cho
những cây mới sinh trưởng – ông giải thích với tôi rằng tưới nước sẽ làm chúng
sinh ra hư hỏng, và thế hệ cây kế tiếp sẽ ngày một yếu đi. Vì thế, cần phải tập
cho chúng đối mặt với khắc nghiệt. Cây nào không chịu nổi sẽ bị nhổ bỏ ngay từ
đầu.
Rồi ông hướng dẫn cho tôi cách tưới nước cho những cây rễ mọc
trên cạn, để chúng khô hạn thì sẽ phải tự bén rễ sâu mà tìm nguồn nước. Thảo
nào, chẳng bao giờ tôi thấy ông tưới cây cả. Ông trồng một cây sồi, mỗi sáng
thay vì tưới nước, ông lấy tờ báo cuộn tròn lại và đập vào nó: Bốp! Bốp! Bốp!
Tôi hỏi ông sao lại làm vậy thì ông trả lời: để làm nó chú ý.
Bác sĩ Gibbs từ giã cõi đời hai năm sau khi tôi xa gia đình. Giờ
đây, về nhìn lại những hàng cây nhà ông, tôi lại như mường tượng ra dáng ông
đang trồng cây 25 năm về trước. Những thân cây ngày ấy nay đã lớn mạnh và tràn
trề sức sống. Như những thanh niên cường tráng, mỗi sáng chúng thức dậy, tự hào
ưỡn ngực và sẵn sàng đón nhận những gian nan, thử thách.
Vài năm sau tôi cũng tự trồng lấy hai cây xanh. Mùa hè cháy nắng
tôi tưới nước, mùa đông giá rét tôi bơm thuốc và cầu nguyện cho chúng. Chúng
cao gần chín mét sau hai năm, nhưng lại là những thân cây luôn dựa dẫm vào bàn
tay người chăm bẵm. Chỉ cần một ngọn gió lạnh lướt qua, chúng đã run rẩy và
đánh cành lập cập – trông chẳng khác gì những kẻ yếu đuối!
Chẳng bù với rừng cây của bác sĩ Gibbs. Xem ra nghịch cảnh và sự
thiếu thốn dường như lại hữu ích cho chúng hơn sự đầy đủ.
Hằng đêm trước khi đi ngủ, tôi thường ghé phòng hai đứa con trai
và ngắm nhìn chúng ngủ ngon lành. Nhìn thân thể nhỏ bé đang phập phồng nhịp thở
của cuộc sống, tôi luôn cầu nguyện cho chúng có một cuộc sống dễ chịu.
Nhưng gần đây, tôi chợt nghĩ đã đến lúc cần phải thay đổi lời
nguyện cầu ấy. Tôi nguyện cầu cho chúng mạnh mẽ hơn, để chịu được giông gió
không thể tránh trong cuộc đời. Có ngây thơ mới mong chúng thoát khỏi gian khổ
– bởi lẽ nghịch cảnh, khó khăn luôn là điều hiện hữu tất yếu. Và dù muốn hay
không, cuộc đời chẳng bao giờ bằng phẳng cả. Tôi cầu mong cho ‘gốc rễ’ của con
mình sẽ bén thật sâu, để chúng có thể hút được sức mạnh từ những suối nguồn
tiềm ẩn trong cuộc sống vĩnh hằng.
Thật sự nhìn lại, tôi đã cầu xin sự an lành quá nhiều rồi, nhưng
rất hiếm khi những ước muốn ấy được thỏa nguyện. Điều chúng ra cần là cầu sao
cho mình rèn luyện được một cơ thể cường tráng và ý chí cứng cỏi, bền vững, để
khi nắng cháy hay mưa dông, bão tố, chúng ta sẽ không bao giờ bị gục ngã.
http://ima.edu.vn/qua-tang-cuoc-song-coi-re/#sthash.jiXMs1FI.dpuf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét