Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

THIỀN VÀ SỨC KHỎE


  Đại học Y khoa Harvard ước lượng có khoảng 60 – 90% bệnh nhân đến bác sĩ là do stress. Stress liên quan đến rất nhiều bệnh lý như nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, tiểu đường, suyễn, đau nhức kinh niên, mất ngủ, dị ứng, nhức đầu, đau thắt lưng, một số bệnh ngoài da, ung thư, tai nạn thương tích, tự tử, trầm cảm, giảm miễn dịch… Stress gây tăng cholesterol cao hơn thức ăn (Rosenman, 1993). Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, nạn thất nghiệp, người làm việc ở những khu vực dễ bị sa thải thì chết vì bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não cao gấp đôi các khu vực khác (Chandola, 2006). Stress là nguyên nhân của 50% các bệnh nhân mất ngủ, dẫn tới những vấn đề sức khỏe tâm thần. Stress cũng gây 19% vắng mặt nơi làm việc, 40% bỏ việc, 60% tai nạn xảy ra nơi làm việc. Theo một thống kê của cơ quan bảo hiểm y tế, Thiền giúp giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân và giảm số lần đi khám bệnh (Orme Johnson, 1987).
Nghiên cứu đối chứng về cơn đau kinh niên, lo âu, trầm cảm, Thiền làm giảm 50% các triệu chứng tâm thần nói chung và giảm 70% triệu chứng lo âu (Roth,1997).
Hành giả thực hành thiền hơn 5 năm có tuổi già sinh lý trẻ hơn 12 năm so với người cùng tuổi, dựa trên 3 yếu tố là huyết áp, khả năng điều tiết nhìn gần của thị giác và khả năng phân biệt của thính giác.
  Một nghiên cứu trên học sinh cấp 2 có thực tập thiền, cho thấy kết quả học tập tốt hơn, có khả năng tập trung , có thói quen làm việc, cải thiện hành vi (xung đột, hung hãn), tăng lòng tự tin, khả năng hợp tác và quan hệ với người khác (Harrison,2004).
Thiền cũng giúp làm giảm cân, giảm béo phì, nghiện thuốc lá, rượu và các chất ma túy nói chung (Alexxander,19994). Đặc biệt, một nghiên cứu đối chứng ở 44 bệnh viện cho thấy Thiền đã giúp làm giảm sai sót chuyên môn y khoa đến 50%, đồng thời cũng làm giảm 70% các vụ khiếu kiện của bệnh nhân đối với bệnh viện (Jones,1988). Ở các công nhân kỹ thuật có thực tập thiền trong 8 tuần cho thấy họ làm việc phấn khởi hơn, thích thú hơn, nhiệt tâm hơn, giảm thiểu các bệnh cảm cúm thường gặp trong khi nhóm chứng không có gì thay đổi. Tóm lại, hiệu quả của Thiền đã được chứng minh trong nhiều lãnh vực đời sống …
  Khi nói đến Thiền, ta thường nghĩ ngay đến ngồi; ngồi thiền. Rồi nào kiết già, nào bán già, hết sức phức tạp và bí hiểm như chỉ dành riêng cho một giới nào đó. Thiền thực ra không nhất thiết phải kiết già bán già. Đi đứng nằm ngồi gì cũng thiền được cả. Người Nhật, người Tây Tạng đều có cách “ngồi” thiền riêng của mình, người Tây phương còn khác hơn nữa, miễn sao có một tư thế thoải mái, dễ chịu, buông xả toàn thân  là được. Thế nhưng cách ngồi tréo chân (kiết già, bán già) lại có lợi thế hơn cả. Tại sao? Tại vì khi ta đứng, ta đi, các bắp cơ phía trước của hai chân phải co lại để nâng đỡ cả thân mình, trong khi các bắp cơ phía sau thì duỗi ra. Lúc ngồi tréo chân ta đã làm cho các bắp cơ đổi chiều. Đây là phương pháp “đối chứng trị liệu”. Khi nào đi bộ lâu, mỏi chân, ta ngồi xuống, xếp bằng và hít thở một lúc sẽ thấy hai chân  bớt mỏi nhanh hơn. Cơ nào đã duỗi lâu thì được co lại, cơ nào đã co lâu thì được duỗi ra! Thiền hay yoga do vậy khai thác kỹ thuật này để điều trị liệu rất có hiệu quả sự mệt mỏi, không kể ngồi theo cách này cũng giúp làm giảm sự tiêu thụ oxy!
  Giữ lưng thẳng đứng cũng là một yêu cầu vô cùng quan trọng trong Thiền. Ta dễ có khuynh hướng chìu theo độ cong tự nhiên của cột sống dưới sức nặng của thân thể do trọng lực – và nhất là tuổi tác – do đó dễ dẫn đến cong vẹo cột sống hoặc đau cột sống cổ, đau thắt lưng. Ở tuổi trung niên nhiều người đã bị những cơn đau dữ dội đến phát khóc. Đó là những cơn đau cấp tính, nếu nghỉ ngơi và uống thuốc đúng cách chừng mười ngày, nửa tháng sẽ khỏi, nhưng không khỏi hẳn, dễ tái phát do tư thế chưa được điều chỉnh. Nhưng nguồn gốc sâu xa hơn lại là do cách sống căng thẳng, chịu đựng, dồn nén lâu ngày. Cơn đau là tiếng chuông báo động để ta “tỉnh ngộ”! Một người cúi gầm suốt ngày trước máy vi tính hay TV để chơi games online thì sớm muộn cũng bị những hội chứng về cột sống. Một người quen đi chùa lạy Phật mà với tư thế không đúng thì lâu ngày cũng bị  đau cột sống như vậy! Nhất là khi đã có tuổi, cột sống có khuynh hướng cứng lại, mất đàn hồi, các lớp sụn độn giữa hai đốt sống dễ bị bẹp, có khi “xì” ra một bên, chèn ép gây đau, nhiều khi phải phẫu thuật để chữa. Giữ lưng thẳng đứng trong lúc ngồi thiền là điều cần thiết. Kết hợp với tập thể dục bụng, có nghĩa là tập cho thắt lưng được dẻo dai, cũng sẽ làm chậm tiến trình lão hóa.
   Trong Thiền, một yếu tố rất quyết định nữa là sự thả lỏng toàn thân, “buông xả” toàn thân, mà có người ví như thả trôi theo dòng nước. Thả lỏng toàn thân là cách làm cho toàn thân như rủ xuống, xẹp xuống, bình bồng, không còn căng cứng nữa! Có thể nói cơ thể ta như chỉ gồm có hai phần: “thân xác” và “thân hơi”. Thả lỏng là “xì” cho xẹp cái thân hơi đó – mà tiếng Việt ta có một từ rất hay là xả hơi! Khi quá mệt, quá căng thẳng thì nghỉ xả hơi! Khi đó, không một bộ phận nào của cơ thể còn phải căng nữa, phải gồng nữa, kể cả vỏ não. Tiêu hao năng lượng cho trương lực cơ (tonus musculaire) và hoạt động của vỏ não sẽ giảm thấp nhất có thể được. Y học chứng minh tiêu hao năng lượng trong Thiền rất thấp, dưới mức chuyển hóa cơ bản, thấp hơn cả khi ngủ, nhờ vậy mà năng lượng được tích lũy tốt hơn.
  Cơ thể ta có hơn mười ngàn tỷ tế bào. Mỗi tế bào thực chất là một cái túi, một loại “sinh vật” háo ăn, háo làm, háo tiêu thụ oxy – kết hợp với thức ăn qua những phản ứng gọi là oxyt hóa – để tạo ra năng lượng. Nhưng oxyt hóa càng mạnh thì càng tạo thêm các gốc tự do và các chất… bã, làm
  cho cơ thể mau mệt mỏi, già nua! Giống như một thanh sắt để ngoài nắng gió một thời gian sẽ bị oxyt hóa thành rỉ sét. Khi cơ thể có cách nào làm giảm tiêu thụ năng lượng không cần thiết thì các tế bào cũng sẽ được nghỉ ngơi.
   Khi cơ thể đã chùng xuống, đã giãn cơ, tức giảm tiêu hao năng lượng một cách đáng kể rồi thì cũng sẽ thấy bớt cần thiết phải cung cấp các dưỡng chất qua thức ăn như giucid, lipid, protid… vốn là nguồn tạo năng lượng! Ăn ít đi mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng thì cơ thể đỡ vất vả, các tế bào đỡ hùng hục làm việc, tinh thần sẽ sảng khoái. Các nghiên cứu gần đây cho thấy các sinh vật bị cho nhịn đói vừa phải thì sẽ sống lâu hơn và trẻ hơn. Do vậy mà các thiền giả không có nhiều nhu cầu về các chất dinh dưỡng được cung cấp bởi thức ăn! Ta thấy giới, định và tuệ gắn bó chặt chẽ với nhau như một tam giác cân, tác động hai chiều là vậy!
  Danh y Tuệ Tĩnh, thế kỷ XIV ở nước ta đã đúc kết một lời khuyên: “Bế tinh – Dưỡng khí – Tồn thần / Thanh tâm – Quả dục – Thủ chân – Luyện hình”. Thử nhìn lại đời sống hiện nay ta thấy: tịnh không bế, khí không dưỡng, thần không tồn, tâm náo loạn… bảo sao các hiện tượng tâm thần, tự tử, béo phì, tiểu đường, huyết áp… kể cả chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai… chẳng ngày một gia tăng?
   Đời sống tiết độ, tri túc, kham nhẫn, chánh niệm, tỉnh giác… phải chăng có thể góp phần giải quyết những vấn đề sức khỏe thời đại và bảo vệ môi trường sống của chúng ta hôm nay?
  Đừng tìm đâu cho mất công. Hãy quay về nương tựa chính mình. Quả đúng như vậy. Bởi nói cho cùng, ai có thể “thở” giùm ai? Ai có thể “thiền” giùm ai?.


                                                                     Trích Thiền và sức khỏe
                                                                      BS. ĐỖ HỒNG NGỌC 

Không có nhận xét nào: