Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

HÃY ĐỌC ĐỂ CẢM THẤY CUỘC SỐNG NHẸ NHÀNG HƠN



Kết quả hình ảnh cho tùy duyên
                                   
Tôi vừa đọc một cuốn sách cũ, tôi đã học được nhiều bài học sâu sắc. Tôi cảm thấy nó là cách rất tốt để mọi người có thể sống một cuộc đời ít phiền muộn. Chính vì vậy, tôi muốn chia sẻ đôi điều mà tôi đã học được từ cuốn sách ấy với mọi người..!

1. Sự thanh tịnh nằm ở trong tâm

Cả đời làm việc, đến cuối cùng chỉ muốn bản thân được an nhàn để hưởng thụ cuộc sống. Bạn luôn muốn tìm kiếm sự thanh tịnh ở bên ngoài trong khi bạn không phát hiện rằng nó là cái mà ai cũng có thể đạt được mà chỉ cần lấy ra từ trong tâm. Nếu tâm của bạn bớt tham sân si, bớt ganh đua, ghen ghét... thì tự khắc bản thân sẽ thấy thật thanh thản và thấy đời bỗng nhẹ nhàng làm sao.

2. Tức giận chỉ là một cục than hồng có thể làm đau người khác, nhưng người bị bỏng đầu tiên chính là bản thân bạn

Sẽ có lúc bạn cáu gắt với mọi người nhưng bạn đâu ngờ điều đó lại làm hại chính bản thân mình. Đừng bao giờ nói bất kì câu gì khi bạn tức giận. Người ta thường nói : “Giận quá mất khôn”. Tôi nghĩ điều đó rất đúng, bởi tôi đã từng đánh mất một người bạn của mình chỉ vì nói ra những lời nặng nề kinh khủng khi bạn đó không làm tôi vừa ý. Lúc đó, tôi làm tổn thương người ấy để bây giờ tôi đánh mất một người bạn thân.

3. Suy nghĩ sẽ định hình con người bạn

Chúng ta nghĩ thế nào thì con người chúng ta như thế ấy. Bạn nghĩ bạn vô dụng, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ làm nên trò trống gì vì bạn chẳng thèm hành động. Bạn nghĩ bạn thông minh, dĩ nhiên bạn sẽ thông mình vì tự bản thân sẽ biết cách tạo nên điều đó. Chỉ cần suy nghĩ tích cực thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi! Do đó, cuộc sống cũng sẽ ít buồn phiền, vì lúc nào bạn cũng cố biến mọi thứ bạn gặp phải trong cuộc sống thành niềm vui riêng cho mình.

4. Biết người là thông minh, biết mình là sự giác ngộ
Chiến thắng bản thân còn hơn là chiến thắng cả ngàn trận đánh. Đó là một bài học sâu sắc mà ai cũng cần biết. Tự chinh phục tâm chính mình chính là ải lớn nhất mà con người phải trải qua. Do đó, chúng ta phải tập thiền định để hiểu về chính bản thân mình. Biết được bản thân thích gì, làm gì để thỏa mãn nó chính là cách để bạn sống vui hơn mỗi ngày. Đừng tưởng đây là điều dễ thực hiện vì có người đã mất cả đời chỉ để làm điều này thôi đấy! Chính tôi cũng là người sẽ phải rèn luyện nhiều trong thời gian tới.

5. Thay thế đố kị bằng ngưỡng mộ

Còn đố kị thì tâm bạn sẽ còn buồn phiền. Thay vào đó, chúng ta nên đón nhận sự thành công của người khác bằng sự ngưỡng mộ. Tâm bình thản rồi lấy cái tốt của người khác để làm gương sẽ khiến bạn dễ dàng phấn đấu mà không có sự căm phẫn. Đố kị chỉ làm lòng người thêm nhơ bẩn, thậm chí vì đố kị con người có thể biến chất, trở thành người chuyên làm những hành động xấu xa mà đôi khi chính bản thân mình cũng không ngờ tới.

6. Nhân từ với tất thảy mọi người

Luôn luôn nhẹ nhàng với trẻ con, yêu thương người già, đồng cảm với người cùng khổ, nhân từ với kẻ yếu thế và người lầm lỗi. Một lúc nào đó trong đời, bạn sẽ rơi vào những hoàn cảnh đó. Động lòng trắc ẩn với mọi người, kẻ giàu cũng như người nghèo; ai cũng có nỗi khổ. Có người chịu khổ nhiều, có người chịu khổ ít.
Nhân từ để yêu thương và đồng cảm với họ. Vì mỗi người có một nỗi khổ riêng chỉ có họ mới thấu. Bởi vì bạn luôn nhìn người bằng con mắt nhân từ nên đời bạn sẽ luôn đẹp. Mọi thứ đều hoàn hảo. Tâm can được thanh lọc bởi những hành động mà bạn dành cho người khác.

7. Tùy duyên

"Bàn tay ta vun đắp, thành bại thuộc vào duyên, Vinh nhục ai không gặp, có chi phải ưu phiền"

Bài học sâu sắc cuối cùng mà tôi đã học được chính là để mọi thứ tùy duyên. Như nhà sư đã nói, cái gì của mình thì nó sẽ thuộc về mình, còn cái gì không phải thì nó mãi mãi sẽ không thuộc về mình. Vì vậy, nếu muốn nắm bắt gì đó, đặc biệt là tình yêu thì hãy để tùy duyên.
Bạn có thể cố gắng theo đuổi nhưng có lúc bạn cũng phải biết buông bỏ nếu mọi chuyện đã quá giới hạn và không còn khả năng cố gắng. Cứ nắm giữ chỉ làm bạn đau khổ rồi vấn vương muộn phiền sẽ là điều không thể né tránh. Tâm sẽ nhẹ nhàng nếu bạn để mọi thứ tùy duyên. Đó là cách để bạn có thể chấp nhận cuộc sống dễ dàng hơn.

***Hãy sống như hôm nay là ngày cuối cùng. Tôi đã làm được 4/7 điều rồi và thấy đời mình nó cũng thanh thản đi bớt phần nào. Đặc biệt, tôi thích nhất là điều cuối cùng. Tôi cũng mong rằng những điều này sẽ giúp ích cho bản thân mỗi bạn..!
                                                                                                   Theo vitalk




Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

SỰ HÌNH THÀNH ĐẠI THỪA


                                                              Kết quả hình ảnh cho hoa vô ưu





Phong trào phát triển một đường lối Phật Giáo mới, về sau nầy được gọi là Mahayana (Đại thừa), bắt đầu thành hình trong thời gian 250 năm, từ năm 150 TCN đến 100 CN, là kết quả tích tụ của nhiều phát triển vốn có từ trước. Nguồn gốc của nó không liên hệ với một cá nhân nào, và cũng không đặc biệt liên kết với một tông phái nào của thời kỳ Phật Giáo sơ khai. Có thể phong trào đó khởi dậy từ nhiều nơi trong xứ Ấn Độ, tại miền nam, miền tây bắc và miền đông.
Phong trào nầy có ba đặc tính tổng quát. Thứ nhất là sự đồng tình hết lòng với quan niệm về Bồ Tát Đạo vốn đã được một vài tông phái nguyên thủy khởi xướng từ trước. Thứ hai, họ đưa ra một vũ trụ quan mới, dựa vào các pháp quán kiến về Đức Phật mà dưới cái nhìn mới, đã trở thành một vị siêu nhân, siêu thế. Thứ ba, họ có những quan niệm mới về A-tỳ-đàm (Abhidhamma, Vi Diệu Pháp), phát nguồn từ kết quả thiền quán về "không tính" sâu kín của vạn vật và từ đó có một nhãn quan triết lý mới. Từ ba đặc tính nầy, phát sinh một định hướng mới về giáo pháp của đạo Phật và tạo ra hằng loạt các diễn giải mới lạ, và dần dần tạo nắn thành một phong trào gọi là Đại thừa với tính chất riêng biệt.
Mahayana đi vào lịch sử như một liên hiệp lỏng lẻo của nhiều nhóm, mỗi nhóm liên kết với một hay nhiều kinh điển mới. Các kinh điển nầy được viết ra bằng các phương ngữ miền Trung Ấn chẳng bao lâu sau khi chúng được trước tác. Tiếp theo là các sửa đổi, rồi dần dần trở thành một loại ngữ văn "Sanskrit tạp", rất gần với Sanskrit cỗ, ngữ văn quý trọng của Ấn Độ. Những người nào chấp nhận các văn liệu nầy là kinh điển chính thống -- lời giảng dạy của Đức Phật -- được xem như thành viên của phong trào mới. Điều đó không có nghĩa là các tu sĩ trong phong trào mới nầy bắt buộc phải từ bỏ truyền thống cũ, vì họ vẫn tiếp tục tuân giữ các giới luật trong truyền thống cũ của họ. Các người Đại thừa vẫn là một thiểu số trong giới Phật tử Ấn Độ trong một thời gian dài. Đến thế kỷ thứ bảy Công Nguyên, nhà hành hương Huyền Trang ước tính là phân nửa trong số 200,000 vị tu sĩ tại Ấn Độ theo phong trào Đại thừa.
Những người truyền thống lúc đó không chấp nhận các văn liệu mới nầy là "lời dạy của Đức Phật" (Phật ngôn - Buddhavaccana) như các kinh nguyên thủy. Thật ra, kinh điển nguyên thủy cũng bao gồm bài giảng của các vị đại đệ tử nhưng được họ chấp nhận là vì Đức Phật đã từng khen ngợi các vị đại đệ tử đó và Ngài đồng ý với các bài giảng đó. Ngay cả sau khi những vị đó đã qua đời, một vài bài kinh khác đã được thêm vào nếu chúng có cùng văn phong và nội dung với tạng kinh luật.
Kinh điển mới của Mahayana hoàn toàn khác hẳn về văn phong và âm điệu. Nhưng chúng được nhiều người theo phong trào mới chấp nhận là "Phật ngôn" vì nhiều lý do. Thứ nhất, họ tin rằng Đức Phật vẫn hiện hữu, cảm nhận được qua các trạng thái nhập thiền và mộng tưởng, và đã giảng các bộ kinh đó. Thứ hai, chúng được xem như sản phẩm từ các tuệ giác bát nhã có cùng một căn bản như các bài pháp của Đức Phật. Thứ ba, về sau nầy, nhiều người Đại thừa lại tin rằng các kinh điển đó là lời giảng của Đức Phật nhưng đã được dấu đi tại quốc độ của các loài thần rắn (Naga, Long vương), cho đến khi nào loài người có thể nhận thức được tầm mức quan trọng của kinh thì mới thỉnh được chúng qua năng lực trong lúc tham thiền. Mỗi một giải thích đều cho rằng các kinh điển nầy được phát khởi từ kinh nghiệm tham thiền. Tuy nhiên, chúng thường có dạng các lời đối thoại giữa Đức Phật lịch sử và các đệ tử cùng với sự hiện diện của chư thiên.
Các loại kinh điển mới nầy được các người Đại thừa xem như "thời kỳ Chuyển Pháp Luân lần thứ hai", một cấp độ giảng dạy cao sâu hơn các kinh nguyên thủy. Giờ đây, các đệ tử Bồ Tát được hình dung ra như có trí tuệ cao hơn các vị A-la-hán. Vì các kinh điển mới được xem như có giá trị giải thoát, các người Đại thừa cho rằng sẽ có nhiều phước đức nếu chúng được sao chép lại, quảng bá, tụng đọc, tham cứu, thực hành, và ngay cả việc tôn thờ lễ lạc chúng. Điều nầy cho thấy có một thái độ tự vệ của phong trào mới, vẫn còn là thiểu số, đang cố gắng củng cố, xây dựng một thế đứng, phản ứng chống lại các chỉ trích của giới tăng sĩ truyền thống. Có lẽ các kinh điển Mahayana được trước tác bởi một số các vị pháp sư có uy tín và muốn khởi xướng phong trào mới. Các vị nầy, tu sĩ lẫn cư sĩ, truyền bá tư tưởng mới trong và ngoài cộng đồng Phật giáo đương thời để lôi cuốn thêm tín đồ mới. Họ ca ngợi các tính chất cao quí của quả vị Phật Chánh Đẳng Giác, một sự hoán chuyển tâm thức sâu xa, thực hiện qua việc khai phát tâm thức giác ngộ -- giác tâm (bodhi-citta), một lòng hứng khởi để đạt quả vị Phật, qua các phương tiện của Bồ Tát Đạo.
Các quan niệm mới về giá trị của kinh điển đã khuyến khích phong trào Đại thừa có thêm nhiều tự do phóng khoáng, nhiều sự "mặc khải", để tạo ra hằng loạt các kinh điển mới ở Ấn Độ cho đến khoảng năm 650 CN. Các bộ kinh nầy thường được trước tác bởi các vị tu sĩ ẩn danh, thông thường có một nhóm tác giả viết ra một văn bản mới với nhiều chi tiết, càng ngày càng phát triển rộng thành các tác phẩm lớn, có khi lên đến vài trăm trang giấy. Trong khi đó, các kinh điển nguyên thủy thường ngắn gọn hơn, mỗi bài kinh chỉ có vài ba trang. Thật ra, trong một vài bài kinh nguyên thủy, Đức Phật được nhắc đến như là một đại nhân cao quý, xuất chúng, chung quanh là hàng trăm vị chư thiên và đại đệ tử. Các kinh điển Mahayana đã mô phỏng theo lối diễn tả nầy. Trong các kinh đại thừa, Đức Phật thường dùng các ẩn dụ, lời nói bóng bẩy, đa nghĩa, và giảng cho nhiều vị Phật khác, nhiều vị Bồ Tát trong nhiều tầng trời của vũ trụ. Những vị cứu rỗi nầy, chư Phật và chư Bồ Tát với nhiều danh hiệu và nguồn gốc mới lạ, trở thành đối tượng cho việc tôn thờ, sùng bái và cầu nguyện, và từ đó gia tăng tính hấp dẫn, thu hút quần chúng, giúp thành công cho việc truyền bá phong trào Đại thừa.
Đầu tiên, phong trào mới nầy được gọi là Bồ Tát Thừa (Bodhisatva-yana). Tên gọi đó để phân biệt với Thanh Văn Thừa (Sravaka-yana) của những người hành trì các lời dạy nguyên thủy của Đức Phật và nhắm đến quả vị A-la-hán (Arahat), không phải quả vị Chánh Đẳng Giác (Samma-sambuddho). Tên gọi đó cũng để phân biệt với Độc Giác Thừa (Pratyeka-Buddha-yana), dùng để chỉ các vị tu sĩ sống đơn độc, trong các thời xa xưa, tự giác ngộ nhưng không truyền dạy cho người khác. Dần dần, khi bị nhiều chỉ trích và phê bình của những người không tán đồng các tư tưởng mới, phong trào nầy phản ứng lại bằng cách gia tăng ca ngợi tầm mức quan trọng của hạnh Bồ Tát và đưa ra một danh xưng mới: Mahayana (Đại thừa). Các "thừa" khác giờ đây bị khinh chê là thấp kém, và bị gán cho một tên gọi khác là Hinayana (Tiểu thừa). Lý do biện minh cho cái "lớn" của Đại thừa ở trong 3 lãnh vực: ý nguyện từ bi muốn cứu vớt muôn loài, tuệ giác thâm sâu mà họ cổ võ, và mục tiêu nhắm đến quả vị tối thượng của Phật.
Vào khoảng năm 200 CN, một bộ kinh mới có tên "Hoa sen của Chân Pháp" (Diệu Pháp Liên Hoa, Saddharmapundarika) được viết ra với một cái nhìn mới: mặc dù vẫn còn chống báng "Tiểu thừa", bộ kinh cho rằng Tiểu thừa được bao gồm trong và hoàn mãn bởi Đại thừa. Phẩm 2 của bộ kinh nầy, trong việc dung nạp Tiểu thừa, đưa ra một quan niệm về sau trở nên rất phổ thông trong Đại thừa: quan niệm về cách dùng "phương tiện thiện xảo". Họ dựa vào một quan niệm vốn đã có sẵn từ trước cho rằng Đức Phật đã khéo léo giảng dạy tùy theo trình độ và căn duyên của người nghe -- việc nầy được thực hiện bằng cách chọn lựa các bài giảng của Ngài trong tạng kinh luật đã có sẵn. Tuy nhiên giờ đây, Ngài được xem như đã giảng dạy với nhiều cấp độ khác nhau và có vẻ như mâu thuẩn. Những người có trình độ cao cần phải tháo bỏ các lời giảng giản dị dành cho những người căn cơ thấp. Mặc dù mọi người đều có khả năng thành Phật, không thể nào giảng các bài pháp cao siêu cho những hạng căn cơ thấp vì họ sẽ bị rối loạn. Vì vậy, cho những người "vô minh, căn cơ thấp", Đức Phật dạy về Tứ Diệu Đế, tạo mục đích đạt Niết Bàn qua quả vị A-la-hán. Vị A-la-hán giờ đây được xem như vẫn còn ngã mạn và không đủ lòng từ bi vì chỉ muốn thoát khổ một mình, không chịu giúp các chúng sinh khác. Cho những ai muốn nghe thêm nữa, Đức Phật giảng về Niết Bàn thật sự của quả vị Phật, và tất cả chúng sinh đều có thể đạt được quả vị nầy, kể cả hàng A-la-hán, dù rằng những vị A-la-hán vẫn tưởng rằng họ đã đạt được mục đích tối hậu. Đức Phật chỉ có một cỗ xe, Nhất Thừa (eka-yana), cỗ xe của Phật, nhưng Ngài dùng "phương tiện thiện xảo" để tạo ra 3 cỗ xe khác: Thanh văn thừa, Độc giác thừa, và Bồ tát thừa. Ngài truyền cỗ xe nào thích hợp với căn cơ của từng người, nhưng khi họ đã phát triễn tới một cấp độ nào đó thì Ngài sẽ truyền cho cỗ xe Phật tối thượng. Dù vậy, vì kinh đề cao Bồ tát đạo là con đường đưa đến Phật quả, thật khó mà phân biệt được giữa Bồ tát thừa và Phật thừa. Cuối cùng, kinh nầy vẫn hàm chứa ý nghĩa đề cao các hàng Bồ Tát theo định nghĩa của phong trào mới. Thật ra, không phải các kinh điển Mahayana đều theo quan niệm Nhất Thừa nầy. Có vài bộ kinh cho rằng trong ba thừa đó, quả vị A-la-hán không thể tiến xa hơn nữa, và Niết Bàn của A-la-hán có tầm mức thấp kém hơn Phật quả.
Tuy nhiên, theo các tiêu chuẩn của quả vị A-la-hán qua kinh điển nguyên thủy của nhiều tông phái, chẳng hạn như tông phái Theravada ngày nay, thì quan niệm trên -- về sự thấp kém của A-la-hán -- là một điều khó hiểu và vô lý. Không thể nào cho rằng A-la-hán là một người còn chấp ngã và ích kỷ. Theo định nghĩa trong kinh điển nguyên thủy, vị A-la-hán là người đã hoàn toàn tận diệt các tư tưởng về "tự ngã, cái tôi", vốn là nguồn gốc của chấp ngã và ích kỷ. Vị ấy cũng thường được kinh điển nguyên thủy mô tả như một người có lòng từ bi vô lượng, và hết lòng giảng dạy truyền bá đạo pháp, đem lại nhiều lợi lạc, hạnh phúc cho người khác. Niết Bàn và Giác ngộ chỉ có một, không có phân chia cấp độ. A-la-hán là những người đã đi theo con đường Phật dạy, phát triển tuệ giác, hoàn toàn tận diệt mọi lậu hoặc, và không còn tạo nghiệp để vướng mắc trong luân hồi sinh tử. Sự khác biệt giữa Phật và A-la-hán chỉ là khác biệt giữa vị Thầy khai sáng Chánh Pháp và các vị đệ tử hành trì thành công Chánh Pháp đó.
Cũng cần ghi nhận ở đây là các vị tu sĩ Thanh Văn Thừa đã đóng góp tích cực cho công trình quảng bá đạo Phật trong toàn xứ Ấn Độ và các nước lân bang trong một thời gian dài hơn 500 năm, từ khi Đức Phật hoằng khai Chánh Pháp cho đến khi có mặt phong trào Đại thừa. Thêm vào đó, truyền thống Theravada vẫn công nhận rằng con đường lâu dài đưa đến quả vị Phật, trải qua rất nhiều kiếp sống, là con đường cao thượng nhất, bởi vì sẽ cứu giúp được vô lượng chúng sinh. Con đường Bồ Tát nầy vẫn được một số các Phật tử Theravada hành trì, và xem như là một con đường đáng ngưỡng phục. Tuy nhiên, không phải người nào cũng đạt đến quả vị Phật vì chỉ có một vị Phật trong mỗi thời kỳ, và vị Phật trong thời kỳ tới là Bồ Tát Di Lặc. Vì vậy, đa số Phật tử Theravada đi theo con đường A-la-hán, họ hành trì theo các lời giảng dạy đã có sẵn của Đức Phật Cồ Đàm, ngày nay vẫn còn được lưu truyền rộng rãi, với mục đích có thể chứng đắc được một trong bốn quả thánh (Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Lai, và A-la-hán) đưa đến giác ngộ, giải thoát ngay trong đời nầy hoặc đời sau.
Trong giai đoạn đầu khi mới thành hình, phong trào Đại thừa khuyến khích các cư sĩ đi theo Bồ Tát Đạo, thoát khỏi ràng buộc gia đình và lập ý nguyện xuất gia, trở thành tu sĩ, hành trì để đạt đến một trình độ tâm linh cao thượng. Về sau, vai trò của cư sĩ tại gia lại được đề cao hơn, chẳng hạn như trong kinh Duy Ma Cật (Vimalakirti-nirdesa). Từ quan niệm nguyên thủy Bồ Tát là người sắp thành Phật và thường dùng để chỉ các tiền thân của Phật Cồ Đàm, quan niệm về Bồ Tát trong Đại thừa được triển khai với ý nghĩa mới, trở thành một người cao thượng, giàu lòng hy sinh và từ bi để cứu nhân độ thế, làm việc từ thiện, chia xẻ công đức, đáp ứng các lời cầu nguyện, khuyến khích lễ lạc, phúng tụng, xây tháp v.v. Quan niệm nầy càng ngày càng trở nên phổ thông, nhất là khi Đại thừa được truyền sang Trung Hoa và một số kinh điển đã được trước tác thêm tại đó.
Qua nhiều thế kỷ, các tu sĩ Phật Giáo tại Ấn Độ học tập và hành trì theo cả hai truyền thống Thanh Văn Thừa và Đại Thừa, có khi họ cùng ở chung một tự viện. Ngay cả các nhà hành hương Trung Hoa cũng không phân biệt được Đại thừa như là một phong trào riêng rẻ trước thế kỷ 4 Công Nguyên. Về sau nầy, danh từ Tiểu thừa (Hinayana) đã bị nhiều người đồng hóa với ý nghĩa hạ tiện, thấp kém, và do đó cần phải tiến lên một mức độ cao hơn của Đại thừa (Mahayana).Trong ý nghĩa lịch sử, danh từ Hinayana khởi nguyên do các kinh điển Mahayana đặt ra để chỉ những truyền thống và bộ phái nguyên thủy vốn không công nhận các kinh điển mới của phong trào Đại thừa.
Các nhà Phật học ngày nay thường dùng danh từ "Phật Giáo Kinh Bộ" (Nikaya Buddhism) hoặc "Phật Giáo Nguyên Khởi" (Original Buddhism) để chỉ các tông phái sử dụng kinh điển nguyên thủy trước thời kỳ phát triển kinh điển đại thừa. Để chỉ các truyền thống Phật Giáo hiện tại, họ dùng danh từ "Phật Giáo Bắc Phương" (Northern Buddhism) để chỉ Phật Giáo Tây Tạng (Mật tông), "Phật Giáo Đông Phương" (Eastern Buddhism) để chỉ Phật Giáo tại Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn và Việt Nam, và "Phật Giáo Nam Phương" (Southern Buddhism) để chỉ Phật Giáo tại Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào và Cam Bốt.

                                                                                        John R. O'Neil
                                      ("The Formation of Mahayana", Phước Hạnh trích dịch)

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

ÂN GIÁO DƯỠNG (Tánh Thiện)

 
 

Năm 1983 Ôn Mãn Giác gởi con qua Làng Hồng tu học dưới sự hướng dẫn của Ôn Nhất Hạnh . Nay , con viết bài để nhớ về hai Ôn .
 
 
Ân Giáo Dưỡng
Thành kính dâng lên Ôn Nhất Hạnh và tưởng nhớ về Ôn Mãn Giác .

Ân sanh dưỡng từ mẹ cha nuôi lớn
Công ơn Thầy khai trí cả đời con
Dẫu vô thường sanh diệt mất hay còn
Con vẫn nhớ tình Thầy luôn mãi mãi .

Đường Thầy đi là con đường vô ngại
Bước chân Thầy hoà nhịp ánh ban mai
Tình của Thầy như biển rộng sông dài
Bao thế hệ Thầy chở che thuần nhất .

Hiên chùa cũ ngày xưa mưa thấm đất
Nhưng nắng về sạch mát cảnh thiền môn
Bao lời Thầy sưởi ấm cả xóm thôn
Đêm canh thức bên vầng trăng sáng tỏ .

                      Tánh Thiện
 

 

10 LOẠI THỰC PHẨM CỰC ĐỘC CẦN TRÁNH XA


 
Có một số loại thực phẩm rất ngon và giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu ăn không đúng cách sẽ nguy hại tới tính mạng.
  
Hãy nói “không” với 10 loại thực phẩm dưới đây:

Khoai tây mọc mầm
thuc-pham-khong-duoc-an
Nhiều người có thói quen tích trữ đồ ăn, tuy nhiên để lâu ngày sẽ khiến những thực phẩm này dễ bị hỏng. Đặc biệt là khoai tây để lâu để trong môi trường ẩm ướt sẽ rất dễ bị mọc mầm. Các chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không được ăn khoai tây khi đã mọc mầm do lúc này, trong khoai tây có chứa chất độc solamine. Chất này dễ gây kích thích ảnh hưởng tới dạ dày, hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, ăn khoai tây đã mọc mầm dẫn tới tình trạng đau bụng, buồn nôn, thậm chí suy hô hấp.
 
Cà chua xanh
thuc-pham-khong-duoc-an1
Cà chua chín có thể ăn sống được, nhưng đối với cà chua xanh thì tuyệt đối không được ăn đặc biệt là ăn sống. Bởi trong cà chua xanh có chứa chất độc solanine, khi ăn phải sẽ gây ra một số triệu chứng đau đầu, nôn mửa, chóng mặt…
Tốt nhất chỉ nên ăn cà chua khi chúng đã chín hẳn, không chỉ giúp ngon miệng hơn mà còn an toàn cho sức khỏe.
 
Dưa muối chưa chín kĩ
Nếu ăn dưa muối khi chưa chín sẽ rất có hại cho sức khỏe. Vì trong một vài ngày đầu muối dưa, vi sinh vật sẽ chuyển hóa nitrat trong các nguyên liệu thành nitric, làm hàm lượng nitric tăng cao, độ pH giảm dần.
thuc-pham-khong-duoc-an2
Ăn dưa ở giai đoạn này thì có vị cay, hăng, hơi đắng vì chưa đạt yêu cầu. Loại dưa này chứa nhiều nitrate, ăn vào rất có hại cho cơ thể.
 
Gừng dập nát
Gừng tươi là thực phẩm không nên để lâu bởi sau một vài ngày nó sẽ bị mềm, tóp đi và hỏng dần ở các nhánh nhỏ và các vết cắt. Nếu vì tiếc rẻ mà dùng tiếp thì sẽ nguy hại cho sức khỏe.
thuc-pham-khong-duoc-an3
Theo một số nghiên cứu thấy rằng do quá trình dập nát, cũ hỏng mà bên trong củ gừng đã xảy ra một chất độc hại có tên là shikimol. Chất này nằm trong cả củ gừng chứ không phải chỉ ở phần giập nát nên không thể cắt bỏ hết. Đây là hoạt chất với độc tính rất cao có thể gây sự biến đổi tế bào gan của một người đang khoẻ mạnh, cho dù lượng chất này có thể bị hấp thụ rất ít.
 
Chè bị mốc
chexanh
Chè bị mốc thường bị nhiễm penicillin và aspergillus. Nếu uống trà bị mốc, nhẹ cũng cảm thấy chóng mặt, tiêu chảy.
 
Đậu xanh nấu chưa kĩ
dau-xanh
Đậu xanh có chứa saponin và lectins, saponin, một chất gây kích thích mạnh mẽ đối với đường tiêu hóa của con người, có thể gây ra viêm xuất huyết, giải thể các tế bào máu đỏ. Trong đậu cũng chứa hemagglu tin in với tập hợp tế bào máu đỏ gây ra ngộ độc sau khi ăn. Vì vậy nếu ăn đậu xanh chưa nấu chín dễ bị ngộ độc.
 
Bắp cải thối
bap cai
Trong bắp cải thối có chứa nitrite, chất này đóng vai trò trong sự hình thành methemoglobin trong máu người, khiến máu mất các chức năng oxy, làm cho ngộ độc oxy, chóng mặt, đánh trống ngực, nôn mửa, tím môi… bị nặng có thể gây bất tỉnh, co giật, khó thở, không kịp thời cứu hộ có thể đe dọa tính mạng.
 
Trứng gà sống
trung-ga-song
Lòng trắng trứng gà sống khi ăn vào cơ thể rất khó hấp thu. Trong trứng gà sống có các chất làm cản trở sự hấp thu dinh dưỡng cơ thể và phá hoại công năng tiêu hóa của tụy tạng. Ngoài ra, ăn trứng gà sống rất mất vệ sinh, dễ đưa các vi khuẩn vào cơ thể, gây bệnh.
 
Bí ngô để lâu
bi-ngo
Bí ngô già để lâu chứa hàm lượng đường cao, hơn nữa, do lưu trữ thời gian dài, khiến bên trong bí ngô xảy ra quá trình hô hấp kỵ khí – lên men, và biến chất, vì vậy khi ăn sẽ gây nguy hiểm tới sức khỏe.
 
Mộc nhĩ tươi
moc-nhi
Mộc nhĩ tươi chứa chất nhạy cảm với ánh sáng - chất Porphyrin. Sau khi ăn, với sự chiếu rọi của ánh nắng mặt trời, chúng ta rất dễ bị viêm da, xuất hiện trạng thái ngứa, chứng phù thủng, đau nhức; có người bị phù nề thanh quản sẽ dễ gây nên tình trạng khó thở. Vì vậy, chỉ nên ăn mộc nhĩ khô, ngâm trong nước nấu lên thì mới an toàn.
 
Rau cải nấu chín để qua đêm
rau-cai
Theo Soha, trong rau cải chứa nhiều chất nitrat. Nếu để rau cải qua đêm, do tác dụng của vi khuẩn, muối nitrat chuyển thành muối nitrit, sau khi ăn có thể làm cho tổ chức trong cơ thể thiếu ôxy, xuất hiện triệu chứng trúng độc, đau đầu, chóng mặt, nôn mửa. Ngoài ra, chất nitrit có nguy cơ cao gây ung thư đường ruột.
                                                                                                     Nguồn Internet 
 
 

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

TRÍ TUỆ TRONG ĐẠO PHẬT



Kết quả hình ảnh cho hoa vô uu


Mục đích của Đạo Phật là diệt khổ và đem vui cho mọi loài, nhưng phải là người có trí mới biết được con đường đưa đến an lạc và hạnh phúc. Mục đích của Đạo Phật là giải thoát và giác ngộ, và chỉ có trí tuệ (Pannà) mới là phương tiện duy nhất đưa loài người đến bờ giải thoát và giác ngộ.
Do vậy giai trò của người có trí và vai trò của trí tuệ chiếm cứ vị trí then chốt trong mọi lời dạy của Đức Bổn Sư chúng ta. Và chúng ta có thể nói Đạo Phật là đạo của người trí, là đạo của tuệ giác để tìm cho được một định nghĩa thỏa đáng cho Đạo Phật.
Trước hết chúng ta nên phân biệt giữa người có trí thức như thông thường được hiểu và người có trí tuệ như Đạo Phật thường định nghĩa. Người có trí thức là người có thể có một trí thức uyên bác về một vấn đề gì, có thể phân tích trình bày vấn đề ấy một cách khúc chiết và triệt để, nhưng người ấy là người chỉ biết chớ không có hành, và người ấy đối với vấn đề ấy vẫn có thể bị chi phối, không được tự tại. Ví như một người có thể hiểu biết rất nhiều về vấn đề rượu, hiểu rượu gồm có những chất liệu gì, tác động của rượu đối với cơ thể như thế nào. Người ấy gọi là người có trí thức về rượu nhưng người ấy vẫn uống rượu, vẫn bị say rượu, vẫn bị rượu chi phối. Như vậy người ấy vẫn chưa có trí tuệ về rượu. Trái lại, một người hiểu rõ được rượu là gì, biết rõ được sự nguy hại của rượu, lại có khả năng không bị rượu chi phối, không uống rượu, không nghiện rượu, không say rượu, vượt ra khỏi sự chi phối của rượu. Như vậy người ấy được xem là người có trí tuệ về rượu. Có người hỏi, nếu có người không có trí thức về rượu, nhưng không uống rượu, người ấy được xem là có trí tuệ không? Lẽ dĩ nhiên là không. Người ấy vẫn hưởng được những lợi ích do không uống rượu đưa đến, như không say rượu, không nghiện rượu do cử chỉ không uống rượu của mình. Nhưng rất có thể, trong một trường hợp đặc biệt nào đó, vì thiếu khả năng đối trị với sự cám dỗ của rượu, vị ấy bắt đầu uống rượu, đi đến say rượu và nghiện rượu. Với sự phân biệt này chúng ta mới hiểu được định nghĩa người có trí như đã được Đức Phật định nghĩa rất rộng rãi trong những lời dạy của Ngài. Sự phân biệt này giúp chúng ta nhận định hai hạng người thường có trong những người Phật tử. Một hạng người rất uyên bác trong Đạo Phật, hiểu biết về kinh điển rất nhiều, nhưng vẫn xem là người không có trí tuệ. Hạng người này hiện có khá nhiều trong những học giả, thuần túy nghiên cứu Đạo Phật, uyên thâm trong ba tạng giáo điển, cả ba tạng nguyên thủy lẫn ba tạng phát triển, nhưng chỉ có nghiên cứu, không có hành trì. Chỉ nói hành thiền giỏi nhưng không hành thiền, trình bày hay về diệu dụng của trí tuệ, nhưng không phát triển trí tuệ, do vậy cũng chưa được gọi là có trí tuệ. Một hạng người khác, có lòng tín thành, hành trì theo những giới cấm trong Đạo Phật, nhưng chỉ có lòng tin, chưa chuyển lòng tin thành trí, nên cũng không thể xem là người có trí tuệ được vì người ấy vẫn có khả năng bị tham sân si chi phối và do vậy, chưa được xem là người có trí tuệ.
Tuy vậy, người có trí tuệ được đề cập rất nhiều trong những lời dạy của Ngài, và người có trí ở đây được diển tả như một thứ lương tri, giúp chúng ta phân biệt chánh tà, thiện ác, tịnh uế, lạc khổ, thắng liệt. Điều quan trọng là trí tuệ ở nơi đây không còn là một đặc tánh hy hữu, có một không hai, mà trở thành như một thứ lương tri luôn luôn có mặt trong chúng ta, tác động như một ngọn đèn soi sáng chúng ta biết phân biệt chọn lựa giữa thiện và ác, giữa chánh với tà, khiến chúng ta có thể nhận biết những gì nên làm, những gì không nên làm, để chúng ta tự hướng dẫn mình tiến đến an lạc và giải thoát. Diệu dụng này được Đức Bổn Sư chúng ta khéo léo diển tả đặc tánh, những thái độ, những việc làm của hai hạng người, được gọi là kẻ ngu và người trí. Khi đọc qua những đoạn kinh diển tả người ngu và người trí, chính lương tri chúng ta trở thành sinh động, giúp chúng ta nhận hiểu một cách rõ ràng những gì là tốt đẹp và những gì là không tốt đẹp cho mình và cho người.
Tăng Chi, Chương Ba Pháp, Phẩm Người Ngu, nêu rõ sự sai khác một trời một vực giữa người ngu và người trí: "Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác... Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người trí được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện" (Tăng Chi, III-2).
Cũng theo ý nghĩa này, Đức Phật nói thêm: "Phàm có sợ hãi nào khởi lên, này các Tỷ-kheo, tất cả sự sợ hãi đó khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những nguy hiểm nào khởi lên, tất cả những nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những tai họa nào khởi lên, tất cả những tai họa ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí ... Như vậy người ngu có sợ hãi, người trí không sợ hãi, người ngu có nguy hiểm, người trí không có nguy hiểm, người ngu có tai họa, người trí không có tai họa. Này các Tỷ-kheo, không có sợ hãi đến với người trí, không có nguy hiểm đến với người trí, không có tai họa đến với người trí" (Tăng Chi, III-1). Thật là một sự xác chứng quá rõ rệt về sự sai biệt giữa người ngu và người hiền trí, dưới cái nhìn của một bậc đã giác ngộ.
Một sự sai khác rõ rệt giữa người ngu và kẻ trí là đối với các cảm thọ. Người ngu khi gặp khổ thọ về thân thường sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực đi đến bất tỉnh. Đức Phật ví dụ như người rơi vào vực thẳm, không đứng trên bờ, không đạt chỗ chân đứng an toàn. Còn bậc trí, đối với khổ thọ về thân, thời "không sầu muộn, không than van, không khóc lóc, không đập ngực, không đi đến bất tỉnh". Như vậy Đức Phật dạy vị ấy được gọi là: "Bậc Thánh đệ tử nghe nhiều đã đứng trên bờ vực thẳm, đã đạt tới chỗ chân đứng an toàn" (Tương Ưng, IV-4). Bậc Đạo Sư lại nói thêm: "Người ngu si nghe ít, khi cảm xúc khổ thọ, thời sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh." Như vậy cảm thọ hai loại cảm thọ, cảm thọ về thân và cảm thọ về tâm. Đức Phật ví như người bị bắn trúng hai mũi tên, vừa đau khổ về thân, vừa đau khổ về tâm. Lại nữa, người ngu si ít nghe, khi cảm xúc khổ thọ, cảm thấy sân hận nên sân tùy miên tồn tại và tăng trưởng. Vị ấy tìm sự xuất ly khỏi khổ thọ bằng cách hoan hỷ dục lạc, do không tìm được một xuất ly nào khác. Do hoan hỷ dục lạc ấy, tham tùy miên đối với lạc thọ tồn tại và tùy tăng. Vị ấy không như thật biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy. Do vậy vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ tồn tại và tùy tăng. Như vậy, nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, cảm giác lạc thọ, cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy cảm giác như người bị trói buộc. Ở đây, Đức Phật dạy: "Người ngu si nghe ít, bị trói buộc bởi sanh già bệnh chết, sầu bi khổ ưu não. Ta nói rằng người ấy bị trói buộc bởi đau khổ" (Tương Ưng, IV-36-6).
Còn đối với bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, khi cảm xúc khổ thọ, không sầu muộn than van, khóc lóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh. Vị ấy chỉ cảm giác một cảm thọ, tức cảm thọ về thân, không cảm thọ về tâm. Đức Phật ví như người ấy bị bắn bởi một mũi tên, chỉ đau khổ về thân, không đau khổ về tâm. Lại nữa vị Thánh đệ tử nghe nhiều, khi cảm xúc khổ thọ, không cảm thấy sân hận nên sân tùy miên không tồn tại tăng trưởng. Vị ấy tìm được sự xuất ly ra khỏi khổ thọ, ngoài dục lạc. Vị ấy, không hoan hỷ dục lạc, nên tham tùy miên đối với dục lạc không có tồn tại, không có tùy tăng. Vị ấy như thật tuệ tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại và sự xuất ly của những cảm thọ ấy. Do vậy vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ không tồn tại, không có tùy tăng. Như vậy, vị Thánh đệ tử nghe nhiều ấy cảm giác khổ thọ, cảm giác lạc thọ, cảm giác bất khổ bất lạc thọ, không có như người bị trói buộc. Ở đây Đức Phật dạy: "Vị Thánh đệ tử nghe nhiều, không bị trói buộc bởi sanh già bệnh chết, sầu bi khổ ư não. Ta nói người ấy không bị trói buộc bởi đau khổ" (Tương Ưng, IV-36-6).
Được hỏi sự sai khác giữa người ngu và bậc hiền trí, đối với các thân do vô minh che đậy, do ác phược ràng buộc khởi lên quan điểm có thân này, có danh sắc ở ngoài. Do duyên thân này, có sáu xúc xứ và có cảm thọ lạc khổ. Vậy có sự sai khác gì giữa bậc hiền trí và kẻ ngu? Đức Phật dạy: "Này các Tỷ-kheo, bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, thân này của người ngu được sanh khởi. Vô minh ấy, người ngu không đoạn tận. Tham ái ấy, người ngu không tận trừ. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, người ngu sống phạm hạnh không phải vì chơn chánh đoạn tận khổ đau. Do vậy, người ngu khi thân hoại mạng chung, đi đến một thân khác. Do đi đến một thân khác, vị ấy không thoát khỏi sanh già chết, sầu bi khổ ưu não. Ta nói rằng vị ấy không thoát đau khổ" (Tương Ưng, II-12-19).
"Và này các Tỷ-kheo, bị vô minh che đậy, bị tham ái hệ phược, thân người Hiền trí được sanh khởi. Vô minh ấy, người hiền trí đoạn tận. Tham ái ấy, người hiền trí tận trừ. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, người hiền trí sống Phạm hạnh, vì chơn chánh đoạn trừ khổ đau. Do vậy, người Hiền trí, khi thân hoại mạng chung không đi đến một thân khác, vị ấy giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.Ta nói rằng: Vị ấy thoát khỏi đau khổ." (Tương Ưng, II-12-19).

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

MẸ - THĂM MỘ

Kết quả hình ảnh cho nghia trang da phuoc tphcm
                                                            


MẸ
      
Đã đến tháng hai nhớ Mẹ thương,
Phòng không vắng vẻ dáng quanh tường.
Lay mình trở giấc là thao thức,
Ngẫm kỷ trần gian vốn chẳng thường…

Nhớ Mẹ theo Ba về xứ lạ,
Cháo rau vất vả tháng năm qua.
Quê chồng khốn khó cày lên đá,
Chịu đựng nuôi con sống hiền hòa.

Không ruộng chẳng vườn lên núi xa,
Thiếu cơm bụng rỗng đến chiều tà,
Công kênh lọn củi vài loong gạo,
Cũng đủ cho con đang đợi nhà.

Bao năm lăn lộn thoáng qua mau,
Gánh đậu chuyển qua cũng dãi dầu,
Dậy sớm thức khuya lo ế ẫm,
Trời chiều không hết dạ càng đau.

Phố thị Mẹ về vẫn nắng mưa,
Theo con nào chẳng khá hơn xưa,
Lưng còng đậu nặng ngày hai buổi,
Nghĩ cảnh trần gian chuyện thiếu thừa.

Rồi lại theo về ở phố đông,
Mẹ thương con cháu cứ ngồi trông,
Nhớ xưa thỉnh thoảng luôn thường nhắc,
Tiết kiệm chu toàn mọi việc xong.

Qui luật đời người không tránh khỏi,
Mắt mờ sức yếu dáng Mẹ xiêu,
Thương con đã nói điều cần nói,
Giả biệt trần gian gởi vạn điều.

Sướng ít khổ nhiều đời Mẹ thế,
Giấy sao viết hết chuyện dài thê,
Chông chênh khổ cực đời không vế,
Dưới ánh sao đời cảnh bước lê.

Lòng Mẹ bao la chẳng dáng hình,
Hy sinh tất cả cháu con vinh,
Bóng gương nhật nguyệt hằng soi chiếu,
Tỏa rạng đời sau sống chút tình…

                                          Minh Đạo

 THĂM  MỘ
Mộ đá xanh rêu giữa nắng chiều,
Rưng rưng khóe mắt cảnh buồn hiu.
Hàng dương phủ bóng chìm yên lặng,
Rặng núi in hình gợi tịch liêu.
Ân lớn Mẹ cho còn biết mấy,
Nghĩa sâu con trả chẳng bao nhiêu.
Nghìn thu đức sáng luôn thừa hưởng,
Nhân ái vị tha dạy rất nhiều...

                                        Minh Đạo