Có thể thấy, muốn lĩnh ngộ chân lý, cầu đắc những kiến giải chính xác và thấu triệt cần phải vứt bỏ được thiên kiến, vọng tượng và các tạp niệm của chính bản thân mình.
Một hôm, có chàng cử nhân tìm đến Nam Ẩn thiền sư để vấn thiền. Hai bên sau khi ngồi xuống, Nam Ẩn thiền sư không nói một lời nào, chỉ mải miết mời khách uống trà.
Nam Ẩn thiền sư lấy ấm trà rót cho chàng cử nhân một chén, nước trà tuôn chảy, chẳng mấy chốc đã rót đầy mà thiền sư vẫn coi như không hề biết, cứ tiếp tục rót làm nước trà tràn đầy ra bàn.
Chàng cử nhân nhìn thấy cảnh tượng như vậy, không rõ vị thiền sư định làm điều gì, vội vàng kêu lên: “Đại sư, trà đã đầy tràn ra ngoài hết rồi, xin đừng rót nữa!”
Nghe thấy vậy, Nam Ẩn thiền sư liền ngừng tay, đặt ấm trà xuống bàn, nhìn anh ta và nói: “ Đầu óc của cậu giờ cũng giống như chiếc chén này, bên trong đầy ắp những sự suy nghĩ và tạp niệm của cậu. Cậu không đổ hết những thứ trong chén này thì bảo tôi giảng về thiền với cậu như thế nào được?”
Chiếc chén đựng đầy nước không thể nào rót thêm nước trà vào được, một người đã lấp đầy những vọng kiến vô tri trong đầu óc mình thì luôn luôn bài xích những tư tưởng mới tiến bộ mà họ tiếp nhận.
Có thể thấy, muốn lĩnh ngộ chân lý, cầu đắc những kiến giải chính xác và thấu triệt cần phải vứt bỏ được thiên kiến, vọng tượng và các tạp niệm của chính bản thân mình.
Nguyễn Thắng
Dịch từ: “Câu chuyện Phật giáo”, NXB Thiểm Tây, Trung QuốcTạp chí Nghiên cứu Phật học số 3/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét