Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

LỜI PHẬT DẠY VỀ CÔNG ƠN CHA MẸ




Trong hệ thống giáo điển Phật đà, cả Nam truyền và Bắc truyền đều có những bài kinh, đoạn kinh nói về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ rất là cảm động.

Cũng như có những trang kinh đức Phật chỉ dạy phương pháp báo đáp ân đức sâu dày đối với song thân một cách thiết thực nhất. Có nghĩa là đức Phật đã chỉ bày cách báo ân chơn chánh, hợp đạo lý, có lợi ích trong hiện đời và mai sau.

Hay nói rõ hơn, đức Phật đã đưa ra tiêu chuẩn đối với một người con được gọi là hiếu đạo thì phải hội đủ cả hai mặt sự và lý. Sự là hình thức báo đáp bên ngoài, là lo lắng, chăm nom phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điều thiếu thốn về vật chất; luôn tôn trọng kính lễ cha mẹ và không được làm cho cha mẹ phiền lòng. Lý là chăm lo đời sống tâm linh cho cha mẹ. Hướng cha mẹ phát khởi thiện tâm, gieo tạo phước lành, tu theo chánh đạo; là làm sao cho cha mẹ hiểu rõ đường lành, tin sâu nhơn quả, thoát ngoài vòng mê tín, ra khỏi luân hồi nghiệp báo, đạt được an lạc giải thoát trong hiện tại và tương lai.

Nói cách khác, một đời sống hiền thiện chính là hiếu hạnh, là phát tâm báo ân. Còn như làm điều tà ác, không tu dưỡng đạo đức là bất hiếu.

Theo quan điểm của Phật giáo, thiện là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham , không sân, không si, có chánh kiến. Ngược lại là bất thiện. Mà tham, sân, si chính là gốc rễ của bất thiện.

Cho nên người tu học Phật pháp phải thấy rõ điều này để biết cách áp dụng lời Phật dạy vào đời sống sinh hoạt của chính mình, để mỗi ngày bớt tham, sân, si, thăng tiến trên đường đạo. Được như vậy mới thật sự là người con hiếu đạo.

Trong đạo Phật, vấn đề hiếu đạo được đề cập trong nhiều trong kinh tạng Pali của Phật giáo nguyên thủy và Hán tạng của hệ phái Bắc tông như: kinh Trường Bộ, kinh A Hàm, kinh Báo Ân, kinh Vu Lan Bồn, kinh Hiếu Tử, kinh Tâm Địa Quán…

Ở đây, chúng tôi sưu tập lại một số ít trong rất nhiều pháp thoại đức Phật thuyết về công ơn cha mẹ và cách thức đáp đền của con cái đối với cha mẹ hầu chia sẻ cùng các bạn.

Phật dạy:

“Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu
Cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu”.

(Kinh Nhẫn Nhục)

“Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng sanh lang thang trong nẻo luân hồi, bỏ thân này nhận thân khác, sinh đi sinh lại bao lần, sữa mẹ mà chúng ta đã uống còn nhiều hơn nước trong bốn biển”.

(Kinh Tương Ưng)

“Này các tỳ kheo!Có hai người mà các thầy không thể nào đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ. Các thầy phải biết, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế, mà biết ân đó khó trả. Do vậy, người con hiếu thảo muốn báo đáp công ơn cha mẹ đúng chánh pháp cần phải thực hành những việc sau đây:

– Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyết khích cha mẹ phát tâm tin tưởng tam bảo.
– Nếu cha mẹ xan tham, phải khuyết khích cha mẹ phát tâm bố thí.
– Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyết khích cha mẹ hướng về đường thiện.
– Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyết khích cha mẹ trở về với chánh kiến.

Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với chánh pháp, khiến cha mẹ không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phước lành trong tương lai”.

(Kinh Tăng Nhất A Hàm)

“- Cung kính và vâng lời cha mẹ.
– Phụng dưỡng khi cha mẹ già yếu.
– Giữ gìn thanh danh truyền thống gia đình.
– Bảo vệ tài sản cha mẹ để lại.
– Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời”.

(Kinh Trường Bộ)

“Vô thỉ là luân hồi. Này các tỳ kheo, không dễ gì tìm được một chúng sanh trong một thời gian dài này lại không một lần nào làm mẹ, làm cha”.

(Kinh Tương Ưng)

“Tất cả người nam là cha ta , tất cả người nữ là mẹ ta . Bao nhiêu đời kiếp ta từ đó mà sanh ra , nên chúng sanh trong sáu đường là cha mẹ của ta cả” .

(Kinh Phạm Võng)

“ Này các Thầy Tỳ Kheo ! Nếu người nào biết ơn và đền ơn cho dù ở cách xa Ta ngàn dặm , nhưng ta vẫn xem người đó như đứng hầu gần bên Ta . Còn nếu như người nào không biết ơn và đền ơn , cho dù người đó có đứng hầu gần bên Ta nhưng Ta vẫn xem họ cách xa ngàn dặm” .

(Kinh Tăng Nhất A Hàm)

“ Nếu có người muốn được vua Phạm Thiên ở trong nhà , hãy hiếu dưỡng cha mẹ , vua Phạm Thiên đã có ở trong nhà . Muốn có Đế Thích ở trong nhà , hãy hiếu dưỡng cha mẹ , Đế Thích sẵn ở trong nhà . Muốn được tất cả thiên thần ở trong nhà , chỉ cúng dường cha mẹ , tất cả thiên thần đều ở trong nhà . Cho đến muốn cúng dường Thánh Hiền và Phật , chỉ cúng dường cha mẹ , các vị Thánh Hiền và Phật đều ở trong nhà” .

(Kinh Tạp Bảo Tạng)

“ Phật hỏi các Thầy Sa môn : Con nuôi cha mẹ , lấy cam lồ trăm vị làm thức ăn , dùng thiên nhạc làm vui tai , sắm y phục hảo hạng mặc nơi thân , vai cõng cha mẹ đi khắp bốn phương , suốt đời phụng dưỡng như vậy , đáng gọi là hiếu chăng ?
Các Thầy Sa môn thưa : Người này là đại hiếu .
Phật dạy : Chưa gọi là hiếu .
Phật bảo các Thầy Sa-môn : Xem người thế gian không có hiếu thảo , chỉ thế này mới gọi là hiếu : Hãy khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành , thọ Tam quy giữ Ngũ giới . Dù cha mẹ sớm mai thọ trì quy giới , chiều về cõi chết , đối với ơn nặng cha mẹ nuôi dưỡng , cũng gọi tạm đền” .

(Kinh Hiếu Tử)

Mẹ hiền còn sống là mặt trời giữa trưa chói sáng
Mẹ hiền khuất bóng là mặt trời đã lặn
Mẹ hiền còn sống là mặt trăng sáng tỏ
Mẹ hiền khuất rồi là đêm tối âm u .

(Kinh Tâm Địa Quán)

Vui thay hiếu kính Mẹ
Vui thay hiếu kính Cha
Vui thay kính Sa môn
Kính bậc Thánh vui thay .

(Kinh Pháp Cú)

“ Có hai hạng người , này các Tỳ Kheo , Ta nói không thể trả ơn được . Thế nào là hai . Là Mẹ và Cha . Nếu một bên vai cõng cha , một bên vai cõng mẹ , làm vậy cho đến trăm tuổi , nếu đấm bóp , thoa nước tắm rửa , thoa gội , và dầu tại đấy có vãi tiểu tiện , đại tiện như thế , này các Tỳ Kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha . Vì cớ sao ? Vì rằng , này các Tỳ Kheo , cha mẹ đã làm nhiều cho con cái , nuôi nấng , nuôi dưỡng con khôn lớn , giới thiệu con vào đời” .

(Kinh Tăng Chi I)

“ Làm con đối với cha mẹ đem chút lễ mọn cúng dường thì được phước vô lượng , trái lại làm ít điều bất thiện đối với cha mẹ tội cũng vô lượng” .

(Kinh Tạp Bảo Tạng)

“ Thế Tôn lấy một ít đất để trên đầu ngón tay rồi hỏi các Thầy Tỳ Kheo , đất trên đầu ngón tay Ta nhiều hay đất trên quả địa cầu này nhiều ?
_ Bạch Đức Thế Tôn ! Đất trên đầu ngón tay Như Lai so với đất trên quả địa cầu thì quá ít .
_ Cũng vậy , này các Tỳ Kheo , những chúng sanh hiếu kính với cha mẹ thì quá ít , như đất trên đầu ngón tay của Ta , còn những chúng sanh không hiếu kính với cha mẹ lại quá nhiều như đất trên địa cầu” .

(Kinh Tương Ưng)

“ Những đứa con bất hiếu , sau khi chết bị đọa vào địa ngục A tỳ , lửa dữ thiêu đốt , ăn hoàn sắt nóng , uống nước đồng sôi , gươm đao đâm chém …. ngày đêm chết sống muôn lần , đến trăm ngàn kiếp không ngừng một giây , sự hình phạt tại A tỳ ngục , rất nặng nề ngỗ nghịch song thân” .

(Kinh Báo Hiếu)

“ Ta trong nhiều kiếp quá khứ , nhờ từ tâm hiếu thuận , cúng dường cha mẹ , do công đức đó , nên sinh lên các từng trời thời làm Thiên đế , xuống nhân gian thì làm Thánh Vương” .

(Kinh Hiền Ngu)

“ Thuở Phật còn tại thế có một vị chư Thiên đến hỏi : “ Bạch Đức Thế Tôn , làm sao để có được vận may ?”

Phật đáp :

“ Phụng dưỡng cha và mẹ là vận may tối thượng” .

(Kinh Hạnh Phúc)

“ Ta trải qua nhiều kiếp tu hành thành đạo là nhờ công ơn của cha mẹ nuôi dưỡng” .

(Kinh Phân biệt)

“ Thờ trời đất quỷ thần không bằng có hiếu với cha mẹ , vì cha mẹ là hai vị thần minh cao nhất trong các thần minh” .

(Kinh Tứ Thập Nhị Chương)

“ Hiếu hạnh đứng đầu trăm hạnh tốt . Hiếu cảm đến trời thì mưa hòa gió thuận , hiếu cảm đến đất thì muôn vật hóa sinh , hiếu cảm đến người thì mọi phúc tăng trưởng” .

(Khế kinh)

_ “ Ơn cha lành như núi Thái , nghĩa mẹ hiền sâu hơn biển cả . Nếu ta ở trong đời một kiếp , nói công ơn cha mẹ không thể hết” .
_ “ Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế , gặp thời không có Phật , khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật vậy” .

(Kinh Tâm Địa Quán)

“ Cha mẹ là Phạm Thiên
Bậc đạo sư đời trước
Xứng đáng được cúng dường
Vì thương đến cháu con
Do vậy bậc hiền trí
Đảnh lễ và tôn trọng
Dâng thức ăn nước uống
Vải mặc và giường nằm
Thoa bóp cùng tắm rửa
Với sở hành như vậy
Đời này người hiền khen
Đời sau hưởng Thiên lạc” .

(Kinh Hạnh Phúc)

“ Thế Tôn lại bảo A Nan
Ơn cha nghĩa mẹ mười phần phải tin
Điều thứ nhất giữ gìn thai giáo
Mười tháng trường chu đáo mọi bề
Thứ hai sanh đẻ gớm ghê
Chịu đau chịu khổ mỏi mê trăm phần
Điều thứ ba thâm ân nuôi dưỡng
Cực đến đâu, bền vững chẳng lay
Thứ tư ăn đắng uống cay
Để dành bùi ngọt đủ đầy cho con
Điều thứ năm lại còn khi ngủ
Ướt mẹ nằm khô ráo phần con
Thứ sáu sú nước nhai cơm
Miễn con no ấm chẳng nhờm chẳng ghê
Điều thứ bảy không chê ô uế
Giặt đồ dơ của trẻ không phiền
Thứ tám chẳng nở chia riêng
Nếu con đi vắng cha phiền mẹ lo
Điều thứ chín miễn con sung sướng
Dầu phải mang nghiệp chướng cũng cam
Tính sao có lợi thì làm
Chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm
Điều thứ mười chẳng ham trao chuốt
Dành cho con các cuộc thanh nhàn
Thương con như ngọc như vàng
Ơn cha nghĩa mẹ sánh bằng Thái sơn”.

(Kinh Báo Ân)

“ Này các Tỳ Kheo , sữa mẹ mà các Thầy thọ nhận nơi người mẹ từ vô lượng kiếp đến nay còn nhiều hơn nước của đại dương . Quý Thầy nên biết sữa của người mẹ là những giọt máu kết tinh thành những dòng sữa ngọt truyền đạt qua cho con , mỗi ngày đứa con bụ bẫm lớn lên đã rút tỉa tàn phá thân hình của người mẹ khô gầy héo mòn , chết sớm cũng vì con” .

(Kinh Tương Ưng)
“ Người con nào giàu có mà không biết hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ đó là cửa ngõ đưa đến bại vong” .

(Kinh Đại Vân)

“ Người nào muốn báo ơn nghĩa to lớn cả cha mẹ , không có cách nào hơn là phát tâm Bồ đề cầu giác ngộ , rồi tìm cách hướng dẫn người thân của mình và chúng sanh đồng phát tâm Bồ đề , đó là cách báo ân rốt ráo” .

(Kinh Phương Tiện Phật Báo Ân)

“ Người con chí hiếu dù có gặp đại nạn như tai trời , ách nước , địa chấn…. sẽ thoát hiểm một cách an toàn. Nếu giàu thì được hưởng trọn vẹn gia tài không bị nghịch cảnh, chướng duyên , nội nghịch ngoại thù , luật vua phép nước , trộm cướp mất mùa… Nếu nghèo thì đời sống trong sạch thanh nhàn, trời người yêu thương, danh thơm xông khắp , không bị cảnh nợ nần khổ sở , ít bịnh tật , được tăng tuổi thọ… Sau khi chết đuợc sanh Thiên”.

(Kinh Hạnh Phúc)

“Giữa các loài hai chân
Chánh giác là tối thắng
Trong các loài con cái
Hiếu thuận là tối thắng”.

(Kinh Tăng Chi I)

Như bài viết: “Lời Phật Dạy về công ơn cha mẹ“, chúng ta đã thấy đức Phật nói thật cụ thể, rõ ràng về ơn cha nghĩa mẹ và những phương cách báo hiếu thông thường mà ai cũng có thể làm được.

Rất mong rằng tất cả chúng ta đều ghi lòng tạc dạ, luôn nhớ nghĩ đến ân nghĩa sinh thành sâu dày thâm trọng của cha mẹ để tìm cách đáp đền trong muôn một.

Tâm Chơn

 


KHÔNG SAI CHẲNG ĐÚNG (Thơ)

 

KHÔNG SAI CHẲNG ĐÚNG 

         ( Thủ Vĩ Ngâm )


 Không sai chẳng đúng cõi nương về…

Tật xấu, dèm pha có vạn bề

Phía núi giàu sang nhiều kẻ cậy…

Trong thành khốn khó lắm người chê…(*)

Hơn thua xóa bỏ cho tình vững

Phải trái đừng bàn bớt dạ tê

Sóng gió dòng đời ai cũng gặp!

Không sai chẳng đúng cõi nương về…

----------------------

(*) ,

( Bần cư náo thị vô nhân vấn, Phú tại thâm sơn hữu khách tầm )


30/7/2020

Minh Đạo

 


Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

WHO KHUYẾN CÁO NGỪNG KHÁM NHA KHOA

                                                        Thông tin bạn cần biết khi khám tại Nha khoa Việt Pháp • Hello Bacsi

WHO khuyến cáo hoãn các buổi chăm sóc răng miệng tại phòng khám nha khoa như khám định kỳ, làm sạch răng, trừ trường hợp khẩn cấp.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên người dân nên tạm hoãn các lịch khám nha khoa đến khi "có sự giảm đáng kể về tỷ lệ lây lan Covid-19 từ lây nhiễm cộng đồng tới các cụm dịch", hoặc tới khi quan chức y tế địa phương cho phép các phòng khám nha khoa tiếp tục hoạt động. Mọi người nên hủy lịch làm sạch răng định kỳ ngay cả khi đã quá hạn khám vài tháng.

Nếu có thể, bệnh nhân và nha sĩ nên áp dụng chẩn đoán và điều trị từ xa.

Tuy nhiên, các can thiệp khẩn cấp bảo vệ chức năng răng miệng, xử lý cơn đau nghiêm trọng, đảm bảo vấn đề răng miệng không ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, vẫn được tiến hành.

Các trường hợp khẩn cấp gồm các biện pháp can thiệp điều trị nhiễm trùng miệng cấp tính, sưng tấy, chấn thương miệng, chảy máu nhiều hoặc kéo dài, đau miệng nghiêm trọng không thể điều trị bằng thuốc giảm đau không kê đơn.Theo WHO, nha sĩ và bệnh nhân thường tiếp xúc gần nhau, quá trình khám và điều trị cũng đưa các hạt cực nhỏ vào không khí, dẫn đến nguy cơ cao lây lan nCoV.

Do tính chất công việc, nha sĩ và nhân viên nha khoa thường tiếp xúc cự ly gần với mặt bệnh nhân trong thời gian dài. Quá trình khám, điều trị thường xuyên phải giao tiếp trực tiếp và liên tục tiếp xúc với nước bọt, máu, và các dịch cơ thể khác, sau đó xử lý các dụng cụ sắc nhọn", WHO giải thích.

Trong môi trường chăm sóc sức khỏe răng miệng, Covid-19 được lây truyền theo ba con đường chính: hít phải các giọt bắn khi ho, hắt hơi; qua tiếp xúc với niêm mạc, như niêm mạc mắt, mũi, miệng, hoặc tiếp xúc với các giọt bắn truyền nhiễm; qua đường truyền gián tiếp như các bề mặt bị ô nhiễm.

WHO cũng cho hay quy trình tạo khí dung (AGP), như "phun nước, phun khí nha khoa ba chiều, cạo vôi răng bằng máy siêu âm, đánh bóng răng" cũng gây rủi ro lây lan nCoV bởi những thao tác này tạo các hạt hoặc khí dung có thể "tồn tại lơ lửng trong không khí, di chuyển khoảng cách xa và có thể xâm nhập cơ thể và gây bệnh nếu tiếp xúc gần".

Ở những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng cao, WHO khuyến cáo "cần tránh hoặc giảm thiểu chăm sóc sức khỏe răng miệng cần xử lý AGP. Thay vào đó, các thủ thuật xâm lấn tối thiểu sử dụng dụng cụ cầm tay nên được ưu tiên".

Với các cuộc hẹn khám và phẫu thuật trong miệng khẩn cấp, WHO đề nghị các cơ sở sử dụng công nghệ ảo hoặc điện thoại để khám sàng lọc bệnh nhân trước khi hẹn gặp trực tiếp. Ngoài ra, cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp y tế cộng đồng, như giữ khoảng cách ít nhất 1,2 m trước khi làm các thủ thuật, khám và điều trị tại khu vực thông thoáng. Bác sĩ, bệnh nhân cần đeo thiết bị bảo hộ cá nhân, vệ sinh tay đúng cách, tuân thủ quy trình làm sạch và khử trùng.

 (Theo CTV News, Business Insider)

 


Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

3 ĐIỀU ĐỪNG NÊN LÀM KHI NGHÈO KHÓ

 Khi bạn vẫn đang nghèo khó thì tốt nhất là đừng nên "cao giọng dạy dỗ người khác", đừng cố gắng làm những thứ vượt quá khả năng và cũng đừng để mọi người thương hại.

Đừng nên thuyết giáo

Khi bạn sống trong cảnh túng bấn, tốt nhất là đừng nói năng tùy tiện. Khi mà chuyện cơm ăn áo mặc của bản thân cũng không giải quyết được, thì dù bạn có nói ra điều gì, người ta cũng không tin bạn, không nghe bạn, dù là chuyện nhỏ hay to. Càng ra sức thuyết phục, bạn sẽ càng thất bại, bởi chẳng mấy ai tin vào điều bạn nói.

Khi bạn trong cảnh khó khăn, tốt nhất là nên dành nhiều thời gian lắng nghe, học hỏi và cảm nhận, thay vì "chém gió".

Nếu cứ mỗi lần khó khăn, bạn lại chạy đến nhà người khác để chạy vạy, xin xỏ, thì dần dần, bạn sẽ trở nên đáng thương hại. Ảnh minh họa: ADB.

Nếu cứ mỗi lần khó khăn, bạn lại chạy đến nhà người khác để chạy vạy, xin xỏ, thì dần dần, bạn sẽ trở nên đáng thương hại. Ảnh minh họa: ADB.

Ngạn ngữ dân gian có câu: "Người nghèo sống ở thành phố sầm uất chẳng ai hỏi han, người giàu sống trên núi cũng có họ hàng thăm nom", điều này cho thấy một thực tế rõ ràng của cuộc sống. Hoặc ví dụ, trong một bữa tiệc gặp gỡ, những người bông đùa ồn ào, được nhiều người hưởng ứng phần lớn là người thông tuệ, có tiền tài, kể cả có chút khuyết điểm thì vẫn được xuề xòa, bỏ qua cho được. Còn người đã tay trắng, lại ồn ào, nói năng "văng mạng" sẽ chỉ khiến người khác chê cười mà thôi.

Thực tế cuộc sống cho thấy, làm bất cứ việc gì, trước hết bạn cũng cần phải có năng lực, sau đó là có thành tích, thì khi ấy bạn mới có đủ tự tin, điều bạn nói ra mới được người khác công nhận. Ngược lại, nếu bạn không nổi bật, điều bạn nói ra bị coi là khoe khoang, bạn trở thành "thùng rỗng kêu to" mà thôi.

Đừng nên làm điều quá sức

Dân gian Trung Quốc có câu: "Sức hèn chớ vác nặng nhiều, nói không trọng lượng chớ điều khuyên ai". Điều này có nghĩa là nếu bạn yếu đuối, sức lực bạn có hạn, thì đừng làm những việc quá sức gánh vác của bản thân.

Thực tế, nhiều người thiếu năng lực nhưng lại luôn tham vọng ở vị trí cao, dẫn đến những việc làm sai lầm, tự đưa mình vào tình thế nguy hiểm. Điều này không bao giờ được coi là "nỗ lực", mà chỉ là sự sĩ diện dẫn đến mang vạ vào thân mà thôi.

Trong thực tế cuộc sống, bạn cần phải biết thực lực của mình, đồng thời không ngừng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm để có thêm cơ hội và năng lực, như vậy, bạn mới từng bước tiến bộ.

Đừng vội chạy đi tìm người thân

Nhiều người sẽ hỏi: Khi khó khăn, tìm tới người thân để cậy nhờ giúp đỡ không lẽ là sai? Đương nhiên hoạn nạn mới cần nhờ tới nhau, nhưng câu nói này phản ánh một khía cạnh khác.

Nếu bạn tìm kiếm sự gắn kết, hỗ trợ lời khuyên, tư vấn thì đúng, nhưng nếu cứ mỗi lần khó khăn, bạn lại chạy đến nhà người khác để chạy vạy, xin xỏ, thì dần dần, bạn sẽ chỉ càng mất đi người thân mà thôi. Trong mắt mọi người, bạn trở nên đáng thương hại, là thành phần nghèo khó, khiến người ta giúp một lần còn được, giúp nhiều lần là cảm thấy khó chịu, muốn lánh xa.

Thực tế cuộc sống, khi khó khăn, trước khi tìm người thân giúp, hãy tự mình tìm cách giải quyết. Chớ vội nhờ vả người khác rồi biến mình thành kẻ ỷ lại, dựa dẫm, tự mình giảm giá trị của mình trong mắt đám đông.

Thùy Linh (Theo Aboluowang)

LONG TUYỀN VỊNH CẢNH (Thơ xướng họa)

                                                                          Chùa Long Tuyền - Quảng Nam | Mytour.vn


LONG TUYỀN VỊNH CẢNH
Nguyên tác








( )


Phiên âm:

Long Tuyền Cảnh Vịnh

Long Tuyền cổ tự thật trang nghiêm
Tháp tháp cao cao hiển đạo huyền
Tịch tĩnh hoa viên tùng thuyết pháp
An bình cảnh tượng thủy khai thiền
Minh âm điểu thoại trừ tham dục
Lục diệp mai trương giải não phiền
Thất Bảo Quan Âm giai tuyệt tác
Nhất thời khách đáo kết lương duyên.

Thích Chúc Hiền (cảm tác)

Dịch thơ:

Vịnh Cảnh Chùa Long Tuyền

Long Tuyền chùa cổ thật trang nghiêm
Các tháp cao ngời tỏa đạo huyền
Vắng lặng vườn hoa cây nói pháp
An bình cảnh trí suối khơi thiền
Tiếng thanh chim hót vơi tham dục
Lá biếc mai khoe lắng não phiền
Thất Bảo, Quan Âm đều thắng cảnh
Mỗi lần khách đến kết lành duyên.

Trúc Nguyên-Thích Chúc Hiền (Phỏng dịch)


Long Tuyền Cảnh Vịnh

Cổ tự Long Tuyền ánh đạo nghiêm
Đài cao tháp lộng trải linh huyền
Yên bình hoa cỏ tùng tuyên pháp
Lẳng lặng vườn sân nước hiển thiền
Tiếng hỉ chim trao vơi ái dục
Lá xanh mai hé cạn ưu phiền
Quan Âm, Thất Bảo nơi danh thắng
Lữ khách tìm về thắm mối duyên.


26/8/2020
Minh Đạo (Phỏng dịch)

 ttps://quangduc.com/a69220/vinh-canh-chua-long-tuyen