Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

TÌNH CẢM VỢ CHỒNG TRĂM NĂM CÒN CHƯA ĐỦ, “TƯƠNG TƯ MỚI BIẾT BIỂN KHÔNG SÂU”

                                                             Tình nghĩa vợ chồng - Khoa học và đời sống

 

Mối lương duyên tiền định chắc hẳn là có tồn tại, nếu không thế thì thật khó giải thích cho những lần tao ngộ bất ngờ mà lại có thể gắn bó với nhau cả đời. Là nhân duyên dẫn đường chỉ lối, lâu dài hay không lại là ở lòng người.

Năm đó khi quen biết Mỹ Đường, Nhiêu Bình Như 26 tuổi và tốt nghiệp Học viện quân sự Hoàng Phố. Ông ở trung đội 2, Đại đội pháo cối, Trung đoàn 188, Sư đoàn 63, Quân đoàn 100. Khi tham gia chiến đấu ở bên ngoài núi Tuyết Phong ở Tương Tây, ông suýt mất mạng. Đạn bắn xối xả khiến ông phải bò rạp trên sườn núi, tay nắm chặt ngọn cỏ, đầu ngẩng lên nhìn ngọn núi xanh cao vời vợi và những đám mây trắng hững hờ trôi trên bầu trời xanh thẳm.

Vào mùa hè năm 1946, khi cuộc chiến kháng Nhật kết thúc, cha của Nhiêu Bình Như gửi thư nói rằng, hy vọng nhân kỳ nghỉ, ông sẽ về nhà để đính hôn.

“Cha tôi đưa tôi đến nhà của chú Mao Tư Tường, ở số 3 Chu Gia Lĩnh, Lâm Xuyên… Hai gia đình của chúng tôi có mối quan hệ thân thiết nhiều đời. Khi tôi bước vào gian phòng thứ ba, tôi bất ngờ nhìn thấy cửa sổ phòng chính bên trái mở ra, lấp ló trong đó là gương mặt yêu kiều của một cô gái khoảng 20 tuổi, đang soi mình trong gương, môi tô son đỏ – đây chính là ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp Mỹ Đường.” Nhiêu Bình Như nhớ lại.

Hai người cũng không nói gì, người cha bước tới và đeo chiếc nhẫn vào ngón tay cô gái, chuyện đại sự đời người cứ như vậy mà thành.

Hai thanh niên trẻ tuổi Nhiêu Bình Như và Mao Mỹ Đường đều cảm thấy chuyện này thật khôi hài, sau khi cười chán chê, họ đến ngồi trong phòng của bà, các em gái chơi quanh giường, Mỹ Đường lấy một tờ giấy cuộn làm “micro”, hát hò vui vẻ, còn lấy album ảnh ra cho ông xem. Ông rút một vài tấm ảnh trong album rồi mang đi.

Trên đường trở về doanh trại, ông mặc quân phục đứng trên mũi tàu, ngắm những con sóng cuồn cuộn trên sông Dương Tử, cảm thấy rằng từ giờ không thể xem nhẹ cuộc sống của mình, bởi vì đã có thêm một người nữa bước vào cuộc đời ông.

Bức ảnh của Mỹ Đường mà ông thích nhất, trên đó là hình ảnh khuôn mặt rạng ngời của thiếu nữ dưới những bông hoa lựu, tóc xoăn, mặt trái xoan lông mày cong vút, ông phóng to lên và dán nó lên tường của doanh trại, còn đưa ảnh cho các đồng đội xem.

Sau khi cuộc nội chiến giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản nổ ra, ông không muốn tham gia chiến đấu, xin nghỉ phép về nhà kết hôn.

Năm 1958, Nhiêu Bình Như bị đi cải tạo lao động. Không ai nói cho ông nguyên nhân vì sao, cũng không có giấy tờ hay thủ tục gì, ông trực tiếp bị đưa ra khỏi đơn vị.

Đơn vị yêu cầu vợ ông: “Cô phải cắt đứt quan hệ với người này.”

Mỹ Đường lập tức từ chối, giọng đầy cương quyết dứt khoát: “Nếu anh ấy làm những chuyện như ngoại tình, tôi sẽ ly dị anh ấy ngay lập tức. Nhưng bây giờ tôi thấy anh ấy, thứ nhất không phải là Hán gian bán nước, thứ hai không tham nhũng, thứ ba không ăn cắp của công. Tôi biết người này là người như thế nào, làm sao tôi có thể ly hôn với anh ấy”.

Nhiêu Bình Như đến một nhà máy ở An Huy để cải tạo lao động cho đến năm 1979. Ông chỉ có thể trở về thăm nhà một lần một năm, mọi chuyện kéo dài ròng rã trong 22 năm.

Công việc của ông là vận chuyển đất cát bằng xe cút kít để sửa chữa đập. Với 100kg hoặc 150kg đất, xe kéo có thể có hai người cùng làm, như thế sẽ đỡ vất vả hơn nhiều, nhưng ông lại chọn một chiếc xe đẩy, để được tự do một mình, và ông có thể giấu những câu chữ tiếng Anh trong quần áo rồi lẩm nhẩm đọc thuộc, ông biết rằng việc này cũng chẳng có ích gì, chỉ là không muốn cuộc sống trôi qua vô nghĩa.

Ngân sách gia đình đột ngột xuống dốc. Trong thời kỳ hỗn loạn, năm đứa trẻ đang trải qua những cột mốc quan trọng nhất của tuổi thiếu niên: Trưởng thành, học tập nghệ thuật, lên rừng xuống nông thôn, làm việc và yêu đương. Cha mẹ ngày càng già đi, mẹ già con thơ, gia đình túng quẫn, nghèo khó, Mỹ Đường một tay quán xuyến, lo toan mọi việc trong nhà.

“Mỹ Đường và tôi thấy nhiều gia đình xung quanh ‘tan đàn xẻ nghé’, người thân trở mặt, gia đình ly tán, nhưng may mắn thay, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ”, Nhiêu Bình Như nói.

Để kiếm thêm tiền trang trải cho gia đình, Mỹ Đường thường tìm công việc tạm thời để làm, thậm chí đã đến Bảo tàng Tự nhiên gần đó để bốc vác xi măng. Một bao xi măng nặng ít nhất 25kg, cũng từ lúc này lưng bà đã bị tổn thương.

Ở hai đầu xa cách, Nhiêu Bình Như và Mỹ Đường vẫn đều đặn gửi thư cho nhau. Sau khi bọn trẻ lớn thêm một chút, cũng chăm chỉ gửi thư cho cha.

Nhiêu Bình Như kể lại: “Một ngày nọ sau bữa tối, tôi có một lá thư cần gửi về nhà, lục tìm trong túi quần còn một chút tiền, nhưng chẳng buồn đếm, vì vậy tôi đã đến quầy và hỏi nhân viên bán hàng để mua một con tem 8 xu. Khi trả tiền, tôi móc túi của mình: một xu, hai xu, ba xu, bốn xu, năm xu, sáu xu, bảy xu! Không còn nữa! Vẫn còn thiếu một xu. Nhân viên bán hàng lấy lại tem, tôi đành nhặt lại tiền, mang theo bức thư không thể gửi đi trở về.”

“Đá trắng làm tin, mặt trời mặt trăng làm chứng, trái tim tôi xin nguyện thề, từ giờ trở đi, dù đi khắp chân trời góc bể vẫn giữ nguyên lời hẹn thề, tình yêu mãi mãi không đổi thay”. Đây là lời bài hát trong “Hồn đoạn lam kiều”, cũng là bài hát yêu thích của Mỹ Đường.

Năm 1992, bệnh thận của Mỹ Đường trở nên tồi tệ hơn, Nhiêu Bình Như gác lại tất cả mọi công việc, hết lòng chăm sóc vợ.
Kể từ đó, ông luôn thức dậy lúc năm giờ, chải tóc, rửa mặt, nấu ăn và lọc màng bụng bốn lần một ngày, khử trùng, đeo mặt nạ, tiếp quản, lấy cổ trướng, uống insulin và ghi chú cho Mỹ Đường. Ông không yên tâm khi để người khác làm những việc này.

Sau đó, Mỹ Đường dần dần ngừng hợp tác trong quá trình điều trị, thỉnh thoảng bà lại rút ống trên cơ thể ra. Tai bà không tốt và bà cũng không thể nhìn rõ chữ, vì vậy ông vẽ tranh và khuyên bà không được rút ống, nhưng vẽ tranh cũng không có tác dụng, vì vậy chỉ có thể thức cả đêm để trông chừng bà, nhưng suy cho cùng tuổi tác của ông cũng đã cao, không thể làm điều này mỗi ngày, chỉ có thể trói tay bà lại.

“Cô ấy gào lên ‘Đừng trói em’. Tôi rất buồn khi nghe điều đó. Tôi nên làm gì đây … Thật đau đớn.”

Mỹ Đường càng ngày càng kém minh mẫn, và một ngày nọ, bà nói rằng ông đã giấu cháu gái đi, không cho bà gặp. Nhiêu Bình Như nói thế nào bà cũng không tin, ông đã hơn 80 tuổi, ngồi dưới đất đau đớn khóc lóc.

Bà nhìn ông khóc mà như thể vô hình…

Ông nói: “Ồ, thật kinh khủng, e rằng không xong rồi. Giống như một câu nói mà Dương Giáng đã viết, ‘Chúng ta cả đời long đong lận đận, đến cuối đời mới có một nơi an yên, nhưng già thì lại bệnh tật, chúng ta đã đi đến đoạn cuối của cuộc đời.'” 

Cháu gái ông Nhiêu nói rằng, từ lúc đó bà ngoại hiếm khi tỉnh táo, “mọi người chỉ coi là bà đang nói những điều linh tinh, vô nghĩa, chỉ có ông là vẫn coi những lời bà nói là thật. Bà xưa nay vốn là một người kén chọn, bà muốn gì, ông vẫn sẽ đi một chặng đường dài để mua bánh ngọt của cửa hiệu này hay thức ăn chín từ cửa hàng kia. Đợi đến lúc ông mua về, bà đã quên mất những gì mình nói và cũng không muốn ăn nữa. Khuyên bảo thế nào cũng không được. Bà nói bộ quần áo vốn dĩ chưa từng tồn tại có thêu hoa hồng màu đen tuyền của bà đâu rồi? Ông cũng sẽ vội vàng nói rằng ông sẽ tìm một thợ may để làm ra nó”.

Số phận thật trớ trêu. Họ mới có một nơi ổn định sau 22 năm xa cách, nhưng lại chịu sự giày vò của tuổi già và bệnh tật, Mỹ Đường bị bệnh nặng và dần mất trí nhớ. Bà đã bước đến những năm cuối đời…

Khi Nhiêu Bình Như 87 tuổi, Mỹ Đường qua đời. Vì thương nhớ bà, ông lão bắt đầu học vẽ. Ông lưu giữ lại mọi thứ của Mỹ Đường bằng nét vẽ. Trong bốn năm, ông vẽ tay 18 album ảnh, kể về sáu mươi năm hai vợ chồng đồng cam cộng khổ.

Nhiêu Bình Như nói: “Ai cũng phải trải qua phong ba bão táp, đây là cách mà tôi đã vượt qua chúng. Bạch Cư Dị viết ‘Tương tư thủy giác hải phi thâm’ (Tương tư mới biết biển không sâu). Chỉ bây giờ tôi mới biết rằng biển không sâu, thương nhớ một người còn sâu hơn biển rất nhiều.”

Hóa ra người ta có thể nhớ người mình yêu sâu đậm và đượm tình như vậy!

Từ tình yêu và cuộc hôn nhân của Nhiêu Bình Như và Mao Mỹ Đường, bạn có suy nghĩ gì không?

Cuộc sống quá ngắn ngủi? Đối với những người đã quen với kiểu tình yêu như “thức ăn nhanh”, thì sẽ cảm thấy cuộc sống quá dài, làm sao chỉ có thể yêu mãi một người?

Cuộc sống có quá dài? Đối với Nhiêu Bình Như và Mao Mỹ Đường, một đời quả thực quá ngắn, vẫn chưa đủ để yêu một người, vậy mà cuộc sống đã vội tan.

Chân Chân (Theo Secretchina)



Không có nhận xét nào: