Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

LÀM NGƯỜI, CÓ 3 ĐIỀU NHẤT ĐỊNH PHẢI BIẾT: BIẾT ĐIỀU, BIẾT CÁCH ĐỐI ĐÃI, BIẾT THẾ NÀO LÀ ĐỦ

 

                             


Người biết ứng xử ắt biết đường tiến lui. Người biết điều luôn tạo được sự thoải mái cho người khác khi ở bên. Người biết đủ là người rộng lượng ắt có phúc báo sau này.


Nhà văn Lev Tonstoi từng nói: "Tốt nhất con người nên dồn hết tâm sức vào việc nâng tầm bản thân. Ngoài chuyện đó ra, chúng ta không nên lãng phí công sức vào bất cứ việc nào khác." Sống ở đời đòi hỏi con người phải liên tục trau dồi bản thân. Trước khi muốn làm việc tốt, con người cũng cần phải học cách để trở thành một người tốt.

Biết ứng xử

Người biết đối nhân xử thế là người am hiểu nhân tình thế thái và luôn làm tròn bổn phận của bản thân. Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Dale Carnegie từng nói: "Thành công chỉ có 15% đến từ các kỹ năng nghiệp vụ. 85% còn lại là dựa vào các mối quan hệ và các kỹ năng ứng xử." Muốn thành công, bạn nhất định phải biết cách cư xử đúng mực với mọi người và mọi chuyện.

Ngay từ bé, thể chất và sức khỏe của Micheal đã phát triển vượt trội hơn các bạn đồng trang lứa. Mẹ cậu lo sợ khi lớn lên cậu sẽ trở thành một cậu bé ngang ngược và bất trị. Vì thế, mẹ dạy cậu phải đối xử hòa nhã và khiêm nhường với mọi người. Trong mọi chuyện, mẹ cậu dặn phải luôn lấy chữ "nhẫn" làm trọng. Nhưng chính vì luôn nhẫn nhịn nên cậu bị các bạn bắt nạt hết lần này đến lần khác. Đến nỗi cậu phải nói với bố mình rằng: "Có lúc con thực sự rất muốn đánh nhau với tụi nó, nhưng con lại sợ sẽ làm mẹ giận."

Bố cậu đáp rằng: "Con không cần phải đánh lại. Nhưng con cũng cần có cách khác để cho họ biết rằng mình sẽ không nhẫn nhịn thêm bất cứ lần nào nữa. Con phải tìm lại sự tự tôn và tạo lập sự tự tin cho mình."

Trong một trận đấu bóng rổ, những đứa trẻ khác vẫn chứng nào tật nấy. Chúng lại có ý muốn chơi xấu cậu. Lần này, cậu đã không chọn im lặng mà trực tiếp lên tiếng yêu cầu chúng dừng lại. Nhưng chúng lại không hề mảy may quan tâm đến lời cậu nói. Vì vậy, Micheal chỉ còn biết dồn hết sức lực vào chơi trận bóng rổ đó. Sau cùng, cậu vẫn không hề đánh trả mà chỉ bắt tay làm hòa với bên kia. Kể từ đó về sau, cậu không còn bị bắt nạt nữa và còn trở thành học sinh được yêu mến nhất trong lớp. Cậu bé ấy chính là Micheal Jordan – ngôi sao bóng rổ người Mỹ nổi tiếng thế giới.

Mỗi người cần phải biết xây dựng một quy tắc ứng xử văn minh cho riêng mình. Hãy sống một cuộc đời tự tin phóng khoáng và không thẹn với lòng. Dù hiểu đời nhưng không lọc lõi lươn lẹo. Hãy luôn chân thành và sống có trước có sau. Hãy là một con người thấu tình đạt lý.

Biết điều

Làm người nên biết điểm dừng, biết mềm nắn rắn buông. Mọi thứ từ phát ngôn, vui chơi, làm việc hay trò chuyện đều phải được đặt trong giới hạn hợp lý. Chỉ có như vậy, đối phương mới cảm thấy thoải mái và chúng ta mới có được sự thanh thản.

Khi gần lên đến đỉnh Everest, một vận động viên leo núi đã đưa ra một quyết định vô cùng khó hiểu. Cô quyết định mình sẽ dừng lại không tiếp tục leo nữa. Lúc đó, cô chỉ còn cách kỳ tích có hơn trăm bước, vậy mà cô lại lựa chọn quay về. Nhiều người lấy làm tiếc cho cô, nhưng cô lại nói mình làm vậy là để bảo toàn mạng sống của bản thân. Nếu như leo tiếp, cô bảo có thể mình sẽ phải bỏ mạng ở trên núi. Cô hiểu được sức mình đến đâu, nên đã tránh được cảnh cố quá thành quá cố. Cô biết chọn thời điểm hợp lý để dừng lại và tiếp tục trau dồi bản thân để vượt qua những thử thách sắp tới.

Là con người, nhất định phải biết tự lượng sức mình. Chúng ta cần phải biết sống và làm việc theo nguyên tắc. Nói năng đúng mực. Đừng cưỡng cầu người khác và cũng đừng làm khó chính mình.

Biết đủ

Người biết đủ sẽ không bao giờ phải làm nô lệ cho đồng tiền và vật chất. Họ biết hài lòng với những thứ mình đang có. Người biết đủ dù nghèo khó cũng thấy vui. Người tham lam thì giàu có cũng vẫn thấy buồn. Người biết hài lòng với những gì mình có sẽ luôn tìm thấy niềm vui trong một cuộc sống không mấy dư dả. Người có lòng tham không đáy thì dù có giàu nứt đố đổ vách, họ cũng vẫn luôn ưu phiền. Biết đủ là cách duy nhất giúp con người cảm thấy hạnh phúc.

Ngày xưa, có người thầy giáo nghèo vừa phải dạy học vừa phải làm ruộng thì mới đủ nuôi gia đình. Vậy mà lúc nào, lòng ông cũng luôn thầm cảm tạ ông trời đã ban cho mình một cuộc sống hạnh phúc mà thanh cao.

Vợ ông cười nói: "Chúng ta một ngày ba bữa đều phải ăn cháo, thì làm sao dám được coi là hạnh phúc chứ!"

Người chồng đáp: "Đầu tiên, tôi thấy mình hạnh phúc vì được sinh ra trong thời bình, không có khói lửa của chiến tranh. Thứ hai, tôi hạnh phúc vì cả nhà chúng ta vẫn có cơm ăn và áo mặc, không đến nỗi phải chịu đói chịu rét. Thứ ba, tôi hạnh phúc vì nhà mình không có ai bệnh tật ốm đau và cũng không có ai phải chịu cảnh tù đày. Đó chẳng nhẽ không phải là hạnh phúc hay sao?"

Đời người vốn phong ba trắc trở. Những người có trí tuệ ắt không bi quan về hiện tại. Họ càng không để nghịch cảnh giam cầm bản thân. Những người biết đủ thường vui vẻ hơn những người khác. Chỉ có kẻ mê muội mới luôn bất mãn với thực tại và nghĩ mình phải có nhiều hơn thế.

Người biết hài lòng với những gì mình có luôn biết trân trọng những điều trước mắt. Họ cầm lên được mà cũng đặt xuống được. Họ không bao giờ hời hợt với đời và biết thuận theo tự nhiên. Do đó, họ càng dễ có được niềm vui trong đời.

Triết gia thời La Mã cổ đại Cicero từng nói: "Người hiểu ý nghĩa của sinh mệnh sẽ biết cách kéo dài một cuộc sống ngắn ngủi. Người không hiểu ý nghĩa của sự sống, thì đối với họ, trăm năm cũng chỉ là hư không."

Mỗi người nên tự có ý thức tu tâm dưỡng tính. Chúng ta cần phải không ngừng thanh tẩy, tự làm đầy, tự chịu trách nhiệm, tự tỉnh ngộ và tôn trọng tâm hồn của chính mình.

Người biết ứng xử ắt biết đường tiến lui. Người biết điều luôn tạo được sự thoải mái cho người khác khi ở bên. Người biết đủ là người rộng lượng ắt có phúc báo sau này.


Theo Doanh Nghiệp Và Tiếp Thị


Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

Ở ĐỜI CÓ 5 QUY LUẬT, AI HIỂU ĐƯỢC SẼ HƯỞNG LỢI CẢ ĐỜI: TRÁNH XA TAI ƯƠNG, CUỘC SỐNG AN YÊN, TỰ TẠI

 

                                      


Hãy xem trong số 5 quy luật này, bạn đã biết được những quy luật nào.


Cách nghĩ sẽ quyết định cách làm, cách làm sẽ quyết định cách sống. Dưới đây là 5 nguyên tắc sống để làm người và làm việc, hi vọng sẽ có ích với bạn.

1. Quy luật cân bằng

Thế giới vôn luôn thông qua những phương thức độc đáo và kỳ diệu để duy trì sự cân bằng của chính nó.

Ví dụ như "định luật bảo toàn khó khăn": Mỗi người đều phải chịu khổ cực, khó khăn trong cuộc sống, nó không bỗng nhiên mất đi, cũng chẳng tự nhiên sinh ra.

Hiện tại, bạn càng cố lựa chọn tránh né nó, thì tương lai bạn sẽ càng phải trả giá đắt hơn khi đối diện với nó.

Một biểu hiện khác của quy luật cân bằng là: Khi một phương diện nào đó thiếu sót, thì chắc chắn phương diện đối lập với nó sẽ dư thừa.

Ví dụ "nhận thức không đủ tất sẽ lo nghĩ nhiều", khi một người không đủ hiểu biết, thì sẽ suy nghĩ nhiều chuyện, lo sợ nhiều thứ, không có cảm giác an toàn.

Lại ví như "hiểu biết không đủ thì mới đa nghi", khi một người không đủ hiểu biết, sẽ bán tín bán nghi với những thứ mình chưa nhìn thấy, luôn nghi ngờ mọi thứ, luôn chần chừ lưỡng lự.

Còn có "trình độ không đủ mới hay than phiền", khi một người trình độ không đủ, nhìn chuyện gì cũng thấy bất công, về lâu về dài sẽ khiến bản thân tích tụ toàn phẫn nộ và bất mãn, cả ngày chỉ biết oán trách, than phiền.

Cuộc sống chính là một cán cân, muốn có nhiều thêm một thứ này, bạn sẽ phải bớt đi một thứ khác và ngược lại, muốn có được bất cứ thứ gì, đều sẽ phải trả giá tương xứng.

2. Quy luật phối xứng

Ai cũng sẽ chỉ có thể có được những thứ tương xứng với bản thân, một khi bản thân sở hữu những thứ vượt qua khả năng của bản thân, nó sẽ mang đến tai họa cho chính mình.

Ví dụ: Danh tiếng của một người không thể lớn hơn tài năng người đó; tài phú không thể nhiều hơn công đức; địa vị không thể cao hơn sự cống hiến của bản thân; chức vụ không thể vượt quá năng lực của chính mình.

Trong "Chu Dịch – Kế Từ Hạ" có viết: "Đức không xứng với vị, tất có tai ương".

Đạo đức không đủ lại ngồi ở vị trí cao, trí lực thấp kém lại ôm mộng làm đại sự, sức có hạn nhưng muốn gánh vác trách nhiệm nặng nề, người như thế không thể không gặp họa.

Một người, chỉ nên hưởng những thứ tương xứng với bản thân.

Cho nên, cách tốt nhất để có được thứ gì đó, chính là bằng chính sự nỗ lực của bản thân, khiến bản thân xứng đáng với nó.

3. Quy luật để ý

Có một lần, Khổng Tử giảng cho Nhan Hồi một đạo lí: "Trong một trận cá cược, điều mấu chốt quyết định thắng thua không phải là mánh khóe, cũng chẳng phải vận may, mà là sự để ý của con vào vật đánh cược."

Vì sao lại thế? Có một người đem một viên ngói bình thường đi đánh cược: Anh ta cược một cách hào sảng, phóng khoáng, bởi vì anh ta chẳng quan tâm miếng ngói kia, cho nên anh ta chẳng gấp chẳng lo, cứ bình tĩnh mà đặt cược.

Còn một người mang chiếc móc đai lưng đắt giá đi cược: Anh ta cược trong lo sợ, động tác chần chừ, do dự.

Còn một người thì đem tiền đến cược, khi ván cược còn chưa bắt đầu thì thần trí anh ta đã trở nên hỗn loạn, bởi vì anh ta quá để ý đến món tiền cược, lo được lo mất, khí chất và quyết đoán đều mất sạch.

Có nhiều người, làm việc không tốt bởi vì họ nắm quá chặt những thứ mình có trong tay, hoặc là cứ suốt ngày chỉ chăm chú vào mục tiêu đặt ra, vì không buông được xuống, cho nên lúc nào cũng lo lo sợ sợ, chần chừ e dè.

Đa số thất bại trên đời, đều là bại dưới hai chữ "để ý" này. Nếu một người có thể buông bỏ được, thì vào lúc người ấy buông xuống, rất nhiều việc cũng sẽ được giải quyết dễ dàng.

4. Quy luật dự phòng

Một lập trình viên khi lập trình, chắc chắn phải có một bản dự phòng. Bởi nhỡ khi đĩa cứng bị hỏng, mã code bị mất, nếu không có bản dự phòng thì sẽ dẫn đến tổn thất rất nghiêm trọng.

Cuộc sống cũng như vậy. Khi bạn chỉ cho bản thân một lựa chọn, thì khi cánh cửa ấy đóng lại, bạn chỉ còn là con thú mắc kẹt cố gắng vùng vẫy.

Dự phòng, chính là một khả năng khác, lựa chọn khác.

Quy luật dự phòng chính là: Người có suy nghĩ sáng suốt, khi làm bất cứ việc gì cũng chuẩn bị hai con đường, chứ không bao giờ chỉ chọn một con đường đuy nhất đến cuối.

Ai cũng đều mong muốn có được cuộc sống bình yên, nhưng hiện thực lại như con sông chảy xiết. Điều đáng sợ chẳng phải là những biến cố bất ngờ mà chính là khi ta gặp phải biến cố, thì ngay cả con đường để lựa chọn cũng không còn.

Cho bản thân một "bản dự phòng", chính là thêm một lựa chọn nữa cho cuộc đời chính mình

5. Quy luật Cabe

Cựu Chủ tịch của công ty Điện thoại và điện báo của Mỹ ông Cabe từng đưa ra lời khuyên cho các nhân viên của mình là: Có đôi khi, từ bỏ còn có ý nghĩa hơn là tiếp tục tranh giành, nó chính là chìa khóa của sự sáng tạo, đổi mới.

Lời khuyên ấy về sau được xem là "Quy luật Cabe" nổi tiếng.

Có đôi khi, muốn thành công cần có một kiểu tác phong, tác phong ấy gọi là "từ bỏ".

Nếu như bạn chỉ có nhiệt huyết, mà từ đầu đến cuối lại không đủ năng lực, hoặc không biết phân biệt việc gì nên làm việc gì không nên làm, mò mẫm làm việc không đâu,

không có phương hướng rõ ràng, không thể đánh giá chắc chắn khả năng thành công, hao tâm tổn sức, ấy không phải là cố chấp, mà là ngu xuẩn.

Khi phương hướng sai lầm, dừng lại cũng là một kiểu tiến lên. Hiểu được thế mạnh bản thân, nắm rõ năng lực của chính mình, chỉ khi chọn đúng hướng đi thì mới có thể nhìn thấy được hi vọng.

Có lẽ chúng ta vẫn thường đuợc nghe những lời khuyên như: "Đừng bỏ cuộc", "Bạn có thể làm được bất cứ điều gì, chỉ cần bạn thực sự mong muốn đạt được"... 

Nhưng đôi khi, có những thứ  cho dù bạn có cố gắng đến mấy cũng khó lòng mà thực hiện được. Những lúc như thế, học được cách từ bỏ chính là một giải pháp hay. Vì thế, không nên xem từ bỏ đồng nghĩa với thất bại, thay vào đó, hãy nhận định rằng từ bỏ cũng là một kĩ năng vô cùng quan trọng và cần thiết mà mỗi người chúng ta đều cần phải học.

Hẳn có những người sẽ có quan điểm rằng: "Từ bỏ chỉ có trong từ điển của kẻ thất bại" nhưng quan điểm này có phần phiến diện. Thực ra trong thực tế cuộc sống, biết lúc nào nên dừng lại, lúc nào nên cố gắng đó mới là một con người sống khôn ngoan. 

Bởi vì ai trong chúng ta đều có những giới hạn, có những điểm mạnh và điểm yếu, có giá trị sống riêng của mình, thế nên đôi khi, trong một số trường hợp từ bỏ chính là lựa chọn tốt nhất cho bản thân mình.


Theo Tri Thức Trẻ

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

CHÙM THƠ XƯỚNG HOẠ XUÂN TÂN SỬU 2021

                                                   


TÂN XUÂN VẠN HẠNH
 
Đông đã qua rồi xuân ở đây
Vườn xuân hoa nở nắng xuân đầy
Xuân tâm rạng chiếu mầm xuân dậy
Ánh nguyệt ngời soi tuệ nghiệp xây
Cội đức vun trồng cây hạnh nở
Đường mê nguyện dứt lối xuân lai
Thanh bình thịnh vượng tân xuân đáo
Cõi nước xuân này hoa trái say...!
 
ƯỚC NGUYỆN XUÂN
 
Vầng dương hiển hiện ánh quang minh
Chiếu sáng non sông cảnh thái bình
Nắng ấm xuân về hoa nụ thắm
Năm lành phúc đến lộc mầm xanh
Tai ương dịch họa đều tan biến
Phú quý vinh hoa thảy đạt thành
Quốc độ mỗi ngày thêm mỗi mới
Cửa nhà thịnh vượng, ánh trăng thanh...!
 
XUÂN ĐẠO
 
Ngày mai nắng ấm tiết xuân sang
Én lượn mây thêu dệt mộng vàng
Tuệ nghiệp vun trồng hoa giác nở
Tâm thiền tỏa chiếu bóng mê tan
Nhàn chân rảo bước miền An Lạc
Thoả chí ngao du chốn Niết Bàn
Thắm vẻ xuân sang xuân bất diệt
Xuân thiền xuân đạo mãn xuân tâm...!
 
HƯƠNG XUÂN 
 
Đào hồng nụ thắm nở đầy cây
Gió thoảng hương xuân đượm chốn này
Mấy độ xuân qua xuân lại đến
Bao lần cúc nở cúc còn say
Quê người đón tết hương thiền dậy
Đất khách mừng xuân đạo nghiệp xây
Tỏa ngát hương xuân xuân khắp chốn
Nơi nơi xuân thắm thắm đêm ngày...!
 
XUÂN VỌNG
 
Đã mấy xuân rồi chạnh nhớ mong
Bến xưa quê cũ nắng tan hồng
Cha già thất thỏm chờ con viếng
Mẹ yếu nôn nao ngóng cháu thăm
Sớm tối nom mây nhìn gió thoảng
Ngày ngày tựa cửa dõi tình trông
Lơ thơ lá trúc bên hàng giậu
Chạnh nỗi niềm riêng tím nỗi lòng!
 
XUÂN NGUYỆN
 
Xuân sang nắng ấm thắm đào mai
Tân Sửu minh niên phúc lộc cài
Thịnh vượng an khang bừng đoá nở
Thái bình cát khánh rợp trời khai
Thiên nhiên gió thuận lành nhân thế
Vũ trụ mưa hoà dịu bến đài
Nhịp sống an vui sầu khổ hết
Tai ương dịch hoạ nhạt mờ phai
 
XUÂN TÂN SỬU
 
Giã từ Canh Tý đón Xuân sang
Tân Sửu mong sao thắm đẹp nhàn
Dịch họa mau qua trời nắng ấm
Tai ương chóng hết cửa nhà an
Nơi nơi cảnh vật tươi màu sống
Chốn chốn nhân sinh nhuận phước ân 
Kinh tế vươn lên đời sáng đẹp 
Thanh bình thịnh trị mở thêm trang.
 
TÂN NIÊN
 
Canh Tý vừa qua Tân Sửu sang
Tân niên tú phát thịnh thanh nhàn
Bên hiên lộc trổ tươi màu thắm
Trước ngỏ hoa đơm tươm sắc an
Phố thị tưng bừng vui đón tết
Thôn quê nhộp nhịp vẫy mừng xuân
Tai qua dịch hết đời thêm đẹp
Xứ xứ an yên phước lộc tràn.
 
California, 21-01-2020
Trúc Nguyên-Thích Chúc Hiền
 
Bài hoạ:
 
XUÂN
( Bát điệp Xuân )
 
Xuân thời, tuổi hạc vẫn còn đây
Nuối tiếc nàng xuân chẳng đủ đầy!
Phước bạc nhìn xuân tình hận dậy,
Lòng an gặp pháp sức xuân xây.
Sang xuân cảnh đẹp quanh điều tốt
Tới tiết xuân nồng lắm dáng say.
Vạn vật chờ xuân mong chóng đến,
Bên xuân nguyện cả thắm duyên này.
 
XUÂN VỀ
 
Rộn cảnh xuân về tựa bức tranh,
Ngàn hương gọi gió đậu đầy cành.
Lung linh nắng trải đùa sương sớm,
Mát dịu chim chuyền lướt sậy xanh.
Khắp chốn bao điều như ước vọng,
Cùng nơi thảy việc đặng hoàn thành.
Đời vui hạnh phúc cho muôn loại,
Giữ mãi yên bình để nét thanh.
 
ĐÓN XUÂN
 
Muôn loài rộn rã đón xuân sang,
Lả lướt mai xinh hé nụ vàng.
Hạnh phúc dương trần, hoa đẹp nở
Niềm tin đạo quả giống phiền tan (*)
Này đây khởi tạo nương kinh pháp
Cảnh đó nguyền xin hướng Niết Bàn
Bản tính không sanh cùng chẳng diệt
Qui thiền Tuệ Nhã sáng đường tâm.
 
-------------------
(道果) Đạo là Bồ đề; Quả là Niết bàn
 
XUÂN VUI
 
Giá lạnh qua rồi lộc đậu cây,
Xuân vui lúa trổ ấm lòng này.
Thanh bình vẫn giữ, yêu thương đến,
Mật thiết còn hoài, đạo nghĩa say.
Đất Tổ quê nghèo luôn sống dậy,
Tình người xóm vắng mãi thừa xây.
Hương tràn nắng mới xinh muôn nẻo,
Chúc cả nhân gian hưởng phúc đầy.
 
XUÂN NHỚ MẸ
 
Đông tàn tiết đổi Mẹ già mong!
Cách trở bao năm vắng tuổi hồng.
Khắp ngõ nhà vui hoa nhộn xóm
Cùng nơi rẫy mướt lúa đầy đồng.
Niềm tin đến thuở càng lưu luyến,
Ký ức theo thời vẫn nhớ trông.
Đón Tết quê người sao thấy hẫng!
Điều chưa thực hiện …Chẳng yên lòng…
 
XUÂM CẢM
 
Nắng gọi xuân về đón ánh mai,
Vàng xinh lá thắm điểm hoa cài.
An nhiên dạo bước nhìn cây cảnh, 
Lặng lẽ thầm ơn nguyện Phật đài.
Hạnh phúc muôn nơi bừng giác nở,
Tinh thần khắp chốn rạng tâm khai.
Triêm ân cõi thế qua bao nẻo,
Sống đạo yên bình nghĩa chẳng phai…
 
CHÀO TÂN SỬU
 
Canh Tý qua rồi Tân Sửu sang,
Vòng quay hạnh phúc thế gian nhàn.
Tai ương loại khỏi ta chung sức
Dịch bệnh đẩy lùi thảy thọ ân
Dệt phước nhân trần thêm tuổi lạc,
Nương dòng đạo pháp sống đời an.
Tương lai sáng rạng cùng vươn tới,
Bỏ lại ưu phiền khổ lật trang.
 
TÂN NIÊN
 
Tý khuất Trâu về rước lộc sang,
Tai ương đuổi hết sống thanh nhàn.
Thong dong phố thị vui Đường Tết  (*)
Rảnh rổi nương vườn đẹp ngõ xuân.
Khắp chốn mong người luôn thịnh vượng
Muôn nhà chúc phúc mãi bình an
Xa xôi vạn cảnh… thời sum họp,
Gắng giữ đời yên, hướng thiện tràn.
 
-------------
(*) Đường hoa ngày Tết tại thành phố.
 
Xuân Tân Sửu,
Minh Đạo (Kính hoạ)

 
 

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2021

TẬP NHÌN SÂU...

                                                           


- Khi ăn cơm, nhìn món ăn trên bàn, hãy thấy cả quá trình đi chợ, gửi xe, lựa rau, chọn củ, về nhà, gọt rửa, nấu nướng, chiên xào, dầu nóng, mồ hôi rịn trên trán, nêm nếm tới lui... để thấy thương người nấu. Để thấy món ăn này không chỉ là một món ăn, mà là một món quà đáng trân quý. Để không chê này, không bình phẩm nọ. Thay vào đó, ta thấy biết ơn.

 - Khi nhận được một tin nhắn hỏi thăm, hãy thấy cả quá trình họ nhớ đến chúng ta, họ nghĩ về chúng ta, họ suy nghĩ nên nhắn gì đến chúng ta, và thấy cả bàn tay bấm từng chữ, từng từ... để thấy trân quý tin nhắn họ dành cho chúng ta.

 - Khi tập nhìn sâu, ta sẽ thấy tài xế không chỉ là tài xế, mà còn là một người đang mưu sinh kiếm sống nuôi vợ con.

 - Khi tập nhìn sâu, ta sẽ thấy Người phục vụ bàn trong quán nước không chỉ là phục vụ, mà còn là một sinh viên đang vất vả làm thêm để có tiền sinh hoạt và lo toan đóng học phí đúng kì.

 Nhìn sâu – chúng ta sẽ thấy được rằng ai cũng đang phải chiến đấu trong cuộc đời của họ. Để thấy thương, để thấy cảm thông, bỏ qua cái gì có thể bỏ qua.

 Hãy tập nhìn sâu vào bữa cơm của Mẹ, cái áo của Cha, quá trình đi làm của Vợ hay Chồng, mái tóc bù xù của Vợ, tin nhắn của bạn bè, món quà mà chúng ta từng nhận được... và nhìn sâu đằng sau con người mà chúng ta tiếp xúc, để nhận ra rằng, có nhiều thứ sâu sắc xung quanh mà trước giờ, ta chỉ biết nhìn hời hợt mà thôi.

 (st)

 


Thứ Tư, 20 tháng 1, 2021

NGƯỜI KHỎE TẠI SAO LẠI ĐỘT TỬ ?

                        

                                                    


 “Đột tử” thường xảy ra vào đêm khuya hoặc sáng sớm. Khi gặp gió lạnh mùa đông tràn về chúng ta phải thay đổi thói quen sinh hoạt, đừng nghĩ rằng mình còn trẻ mà không phòng bệnh. Mọi người chắc sẽ rất hiếu kỳ muốn biết rằng với những người đang khỏe mạnh, tai sao lại đột nhiên qua đời? Đặc biệt với những người không có tiền sử bệnh về máu, lại luôn uống thuốc đúng giờ, cũng không hút thuốc, không thức đêm, không uống rượu, trước khi đột tử đều không có hiện tượng bất thường?

         Trong điều trị lâm sàng thì những vấn đề này thường được đề cập tới, thì đúng rõ ràng là đã mặc áo ấm rồi, vậy tại sao vẫn bị đột tử? 

Tôi điều trị những bệnh nhân này trong phòng chẩn bệnh lý hiểm nghèo, phát hiện ra rằng thực tế thì nguy cơ này xuất phát từ trong những thói quen hàng ngày, chứ không phải là mặc bao nhiêu quần áo ấm:

         1- Khi tỉnh giấc là bật ngay dậy: 

Vào mùa đông khi tỉnh dậy, ta nên nằm nán lại trên giường một lát rồi từ từ nhỏm dậy chứ không phải chui luôn khỏi tấm chăn ấm, chẳng ai đọ tốc độ xuống giường với bạn nhé! 

Bạn cần biết rằng độ ấm trong chăn là để cứu mạng, đừng có đột nhiên kéo tuột đi cách giữ ấm này. Khi làn da không có phương pháp bảo vệ nào mà tiếp xúc ngay với không khí lạnh thì phản ứng là co lại khiến mạch máu trong cơ thể đương nhiên cũng sẽ co lại.

Hãy xác nhận rằng trước khi ra khỏi chăn ta đã mặc sẵn một cái áo khoác ấm để cơ thể và chân tay được ấm áp.

          2- Lúc đánh răng rửa mặt: 

Sau khi thức dậy, mọi người sẽ vào nhà vệ sinh, hãy hòa nước nóng và lạnh để có nước ấm, rồi mới đánh răng rửa mặt tránh toàn bộ mặt và mạch máu bị cấp đông mà co lại.

Đừng nghĩ rằng khi đánh răng rửa mặt thì chỉ bị lạnh một lát trên mặt, phòng tắm vừa ẩm vừa lạnh chính là nơi cần phải chú ý nhất.

              3- Lúc thay đồ: 

Ngâm hay tắm bằng nước nóng thì rất thoải mái, nhưng bạn đừng quên rời khỏi nguồn nước nóng lúc đó ta chưa mặc đồ, khi những giọt nước ấm trên da đột nhiên tiếp xúc với không khí lạnh khiến cơ thể sẽ run lên bần bật. Hãy để khăn tắm ở nơi tiện lấy nhất, lập tức lau khô nước trên người, và mặc quần áo ngay, mùa đông không nên cởi bỏ quần áo quá lâu!

            4- Bỏ qua phần tai và cổ: 

Tôi chứng kiến rất nhiều bệnh nhân đột tử, trước khi chết cổ và tai đều không được bảo vệ, đừng nghĩ rằng mặc ấm cơ thể và chân tay là đã đủ ấm. Tai và cổ bị gió lạnh thổi qua, hai tai thiếu lớp mỡ để giữ ấm, cổ lại là nơi tập trung nhiều dây thần kinh giao cảm nhỏ và mạch máu của não và cơ thể, quàng khăn và bịt tai có thể bảo vệ bạn.

           5- Mặc quần áo sai thứ tự: 

Có lần tôi cấp cứu cho một bệnh nhân đột tử do trụy tim, khi y tá cắt bỏ quần áo mới phát hiện ra, anh ta mặc 2 áo thun và áo khoác, tức là không mặc áo len ngoài áo thun. Hãy mặc áo đúng kiểu "sandwich" với lớp trong cùng là lớp áo lót có thể thấm mồ hôi, rồi đến áo len để giữ thân nhiệt, bên ngoài mới là áo khoác chắn gió chống nước. Khi mặc sai thứ tự thì không giữ ấm được cho cơ thể thì dễ đột tử do mạch máu co thắt.

             6- Đột tử do tập thể dục: 

Tập thể dục là việc tốt, nhưng phải hiểu rõ sinh lý cơ thể của mình, nguyên nhân đột tử do tập thể dục thường thấy như:

              

- Không khởi động trước tập, dừng lại đột ngột khi tập thể dục với cường độ cao, thiếu ôxi tại những vùng núi cao, hoặc khi tập động tác không quen.

- Thông thường khi chúng ta đang ở trạng thái không vận động, máu sẽ chảy ngược về tâm nhĩ và chỉ cần “ co tĩnh mạch “ là đủ. Tuy nhiên khi tập thể dục, tim sẽ đập nhanh hơn 6- 17 lần so với lúc không tập, và lưu lượng máu tới cơ cũng tăng lên 25 lần.

- Khi tiếp xúc với môi trường lạnh, mạch máu của bạn sẽ phản ứng tiếp tục co lại, lúc này lượng máu về tim không đủ nên rất nguy hiểm dẫn đến đột tử.

- Ta cho rằng những trường hợp mặc áo ấm nhưng dễ bị đột tử vào đêm khuya và sáng sớm thì ngoài những người tập thể dục vào sáng sớm, thì đại đa phần đột tử tại nhà.

- Khi cái lạnh bao trùm, chúng ta thay đổi thói quen vẫn chưa đủ, cũng đừng lợi dụng sức trẻ mà không chú ý đến các biện pháp phòng tránh.

- Tỷ lệ đột tử tăng mạnh theo từng năm, độ tuổi phát bệnh càng trẻ hóa, lại dễ phát sinh ở những người có tình trạng sức khỏe tốt, ở độ tuổi trung niên, khiến người thân tiếc thương vô hạn.

                   Buổi sáng tốt lành! Hãy yêu thương gia đình, yêu thương bản thân. Khi trời chuyển lạnh, mọi người chú ý giữ ấm, đừng lơ là.

Bác sĩ Hoàng Tuyên 

Chuyên khoa nội lồng ngực và bệnh hiểm nghèo